Nghiêm Tự tắt thiết bị chỉ đường, lái tiếp theo chỉ dẫn của Kha Tây Ninh. Sau khi vòng qua ba bốn giao lộ, trước mắt xuất hiện một con đường không tính là hẹp nhưng lại đầy ổ gà ổ vịt. Trên đường dựng một tấm biển cấm xe đi vào, cạnh đó là một cây cột điện, cùng cái cột rỉ sét cách không xa.
Giữa hai cây cột nối với nhau bằng một sợi dây thừng cứng cáp, bên trên treo lủng liểng những tầng tầng lớp lớp quần áo vớ tất bị phơi khô quắt, cùng với mấy chiếc mắc áo trống trơn.
Lần trước Nghiêm Tự và Kha Tây Ninh về thăm ba Kha, nơi hai người tới là thành phố mà sau này Kha Tây Ninh sinh sống gần hai mươi năm. Nơi đó mặc dù không tính là phồn hoa nhưng cũng không đến mức nghèo khó sa sút. Mà Nghiêm Tự từ nhỏ đã sống ở thành phố nổi tiếng giàu có.
Vì thế Kha Tây Ninh cho rằng Nghiêm Tự là lần đầu trông thấy một thị trấn nghèo túng hẻo lánh như thế này. Cậu có tình cảm rất sâu sắc với mảnh đất này, nhưng càng có tình cảm, cậu càng sợ Nghiêm Tự sau khi thấy cảnh tượng nơi đây, hắn sẽ không nhịn được mà nhíu mày.
Tà dương dịch dần về Tây, mặt trời xuống núi, ánh nắng mỏng manh tỏa xuống nhân gian chút ấm áp cuối cùng, phía chân trời chầm chậm nổi lên một vầng mây thật lớn màu vảy cá. Được vầng sáng màu sắc nồng đậm chiếu rọi, những chiếc giá phơi quần áo tự chế cũ nát cũng đẹp đến lạ, giống như bức tranh sơn dầu được người họa sĩ tỉ mỉ vẽ nên.
Kha Tây Ninh hồi còn nhỏ đã sống ở đây, bao nhiêu năm trôi qua, nơi này vẫn không thay đổi dù chỉ một chút. Mảnh đất vẫn mang dáng vẻ xưa cũ đó, tựa như chưa từng phải chịu qua sự gột rửa của thời gian.
Đây là điều mà chính Kha Tây Ninh cũng không ngờ tới, cậu vốn nghĩ rằng ít nhiều gì cũng sẽ có chút thay đổi lạ lẫm, nhưng trên thực tế thì không hề. Trong lòng Kha Tây Ninh chợt xuất hiện một loại ảo giác như được "trở về quá khứ", tựa hồ cậu vẫn là đứa nhóc đứng đầu đường thả diều, mỗi ngày thầm cầu nguyện với ánh trăng, mong cha mẹ đừng ngày nào cũng cãi nhau nữa, một nhà ba người cậu có thể vui vẻ cùng nhau vào thành phố chơi.
Mảnh đất mười năm như một cũng gián tiếp chứng tỏ tình hình phát triển của nó không được tốt cho lắm.
"Chắc là hộ gia đình đầu tiên phơi đồ ở đây." Kha Tây Ninh nhìn giá phơi quần áo tự chế, giải thích một hai câu với Nghiêm Tự, sau đó lại nhắc hắn, "Chỗ này không lái xe vào được, chúng ta xuống xe đi bộ vậy."
Nghiêm Tự tắt máy, tháo dây an toàn của mình.
Ngay lúc Kha Tây Ninh vừa cúi đầu định cởi dây an toàn, Nghiêm Tự đột nhiên ghé người qua, bóng người cao lớn hoàn toàn chắn mất tầm nhìn trước mắt cậu.
Hắn không nói gì, đặt tay lên tay cậu, nói: "Để anh."
"..." Kha Tây Ninh nói, "Tôi có thể tự làm."
Vừa dứt lời, chỉ nghe "cạch" một tiếng, Nghiêm Tự đã tháo dây an toàn ra cho cậu.
Hắn ngẩng lên, bắt gặp vẻ mặt hơi ngơ ngác của Kha Tây Ninh thì nhịn không được mà bật cười: "Lần trước để em làm, lần này phải để anh giúp em, vậy mới công bằng."
Câu này rõ ràng có ý ám chỉ gì đó.
Kha Tây Ninh dường như có chút ấn tượng, hình như trước đây từng có một lần, Nghiêm Tự muốn giúp cậu tháo dây an toàn, kết quả lại bị Kha Tây Ninh nhanh tay hơn tự mình tháo xong trước, khiến Nghiêm Tự ăn quả đắng một lần. Trí nhớ của Kha Tây Ninh dù rất tốt nhưng không phải mỗi một chi tiết nhỏ nhặt cậu cũng nhớ kỹ được. Trái lại là Nghiêm Tự, hắn không những vẫn nhớ rõ, hơn nữa lần này còn trả lại một câu.
"Lại bảo anh không ghi thù đi?" Kha Tây Ninh không hiểu sao chợt thấy không cam lòng.
Chính bản thân cậu cũng không nhận ra, cậu luôn không để tâm tới những chuyện nhỏ nhặt không đáng nhắc đến này, nhưng Nghiêm Tự thì khác, hắn luôn "để ý chi li" từng chút một.
Nghiêm Tự nhìn Kha Tây Ninh, hắn nói: "Không phải."
Anh chỉ muốn mượn cơ hội để chạm vào em, chỉ vậy thôi, nhưng loại lòng tham này làm sao hắn dám nói ra.
Kha Tây Ninh và Nghiêm Tự lần lượt xuống khỏi xe.
Hai người một trước một sau bước đi, Kha Tây Ninh dẫn đường. Càng đi về phía trước khung cảnh càng rộng rãi thoáng đãng, diện mạo cuộc sống của người dân nơi đây cũng bày trải ra trước mắt. Sắc trời vẫn chưa tối hẳn, đằng trước ngoài dãy nhà ống cao thấp khác nhau còn có một cái cây cổ thụ cao che khuất cả nửa bầu trời, dưới gốc cây là một cái giếng cổ, nước trong giếng đã khô cạn từ lâu, cạnh giếng mọc từng cụm rêu xanh, đi không cẩn thận là trượt ngã.
Giá phơi quần áo tự chế ở khu đất trống này còn nhiều hơn ban nãy Nghiêm Tự thấy, dây thừng cột xiêu xiêu vẹo vẹo, không mấy chắc chắn, bên trên treo đầy quần áo đủ mọi màu sắc của cả nam nữ già trẻ.
Hình như hồi tối có nhà nào giết cá, dưới chân Kha Tây Ninh dính một đống vảy cá, trong không khí sực mùi tanh của cá cùng mùi xào nấu đồ ăn tỏa ra từ các ngôi nhà.
Nghiêm Tự chưa từng đi qua con đường cùng trấn nhỏ hẻo lánh thế này, không rõ vì sao, trong lòng Kha Tây Ninh chợt gợn lên chút lo lắng giống như "con dâu về gặp cha mẹ chồng". Không phải vì người đi cùng cậu là Nghiêm Tự, cho dù đổi thành người khác, cậu cũng sẽ có cảm giác căng thẳng y chang.
Không lâu sau, Kha Tây Ninh chợt nhận ra sự lo lắng này là dư thừa.
Bất kể là ở hoàn cảnh nào, Nghiêm Tự cũng luôn giữ được trạng thái bình tĩnh tự nhiên. Lúc Kha Tây Ninh bước đi, hắn còn lo cậu không cẩn thận dẫm phải rêu trơn ngã, bèn cứng rắn kéo cậu lại, nói một câu: "Tây Ninh, cẩn thận rêu xanh."
Trước mặt là căn nhà ống mà Kha Tây Ninh từng ở, so với dãy nhà trong khu cũng coi như khá cao, bên ngoài trông hơi cũ nát, sơn trắng trên tường qua năm tháng đã đen xì xì, mặt tường chỗ nào cũng có thể thấy những hình vẽ trẻ con dùng màu nước tô lên.
Nghiêm Tự chú ý thấy mấy hình vẽ linh tinh trên tường, bèn hỏi: "Trên này có kiệt tác của em không?"
"Không có." Kha Tây Ninh thành thực đáp, "Từ nhỏ tôi đã chẳng có năng khiếu hội họa gì, không thích vẽ tranh."
Nghiêm Tự nhìn cậu, hỏi: "Thật hả?"
"... Giả đó." Kha Tây Ninh nhớ lại, "Lúc nhỏ tôi cũng thích tô tô vẽ vẽ lắm, mặc dù vẽ không đẹp. Nhưng mà... ở chỗ này khẳng định anh không tìm được bức tranh nào của tôi đâu."
"Vì đã qua nhiều năm?" Nghiêm Tự hỏi.
"Cũng không phải." Kha Tây Ninh chần chừ một chút mới nói, "Từ nhỏ tôi đã không phải đứa nhóc hoạt bát cho lắm, sau này trưởng thành quan hệ với mọi người mới dần khá lên. Hồi còn bé tôi cũng không hay chơi đùa với đám trẻ khác, thường thì chỉ ở nhà một mình tự bày trò chơi lấy."
Cậu vốn không muốn nói nhiều, nhưng thấy Nghiêm Tự dường như rất hứng thú, cậu cũng buột miệng nói nhiều thêm hai câu.
Kha Tây Ninh cười nói: "Cho nên anh không tìm được tranh tôi vẽ trên mấy bức tường này đâu, nếu chúng không bị ba tôi ném đi, thì mấy bức tranh ấy cũng bị nhét hết vào hộc tủ rồi."
Nghiêm Tự im lặng giây lát, nhân lúc cậu không chú ý, hắn đưa tay lên khẽ chạm vào xoáy tóc cậu.
Kha Tây Ninh khó hiểu nhìn hắn: "Anh lại làm gì thế?"
Nghiêm Tự đáp: "Không rõ ràng sao? Anh đang chạm vào em."
Kha Tây Ninh: "..."
"Tây Ninh." Nghiêm Tự nói, "Thực ra anh ra một người rất cứng nhắc."
Kha Tây Ninh: "Tôi đã nhìn ra lâu rồi."
"Nếu anh có con, đứa nhỏ lại thích chạy đi vẽ bậy lên tường nhà người khác." Nghiêm Tự nói, "Có lẽ anh sẽ nghiêm khắc trách mắng giáo huấn nó một trận." Vì thế khi biết Kha Tây Ninh không có làm mấy trò này, trong lòng hắn chợt thấy rất hãnh diện, người hắn yêu từ nhỏ đã cực kỳ cực kỳ ngoan.
Cũng không phải nếu Kha Tây Ninh có làm mấy trò nghịch ngợm thì sẽ làm sao, chỉ là Nghiêm Tự vẫn cảm thấy rất tự hào.
Tây Ninh của hắn vẫn luôn rất tốt.
Kha Tây Ninh nhớ tới bảy năm hôn nhân của hai người, cậu nói đùa: "Hồi đầu không phải anh coi tôi như con mà dạy dỗ đấy chứ."
"Không." Nghiêm Tự nhìn vào mắt cậu, chân thành nói, "Em là bạn đời của anh." Đáng tiếc, hắn đã dùng sai cách.
Kha Tây Ninh ngẩn người mất nửa khắc, cậu tránh khỏi ánh mắt hắn, nói: "... Đó đã là chuyện trước kia rồi."
Giọng cậu rất khẽ, khẽ tới mức tưởng chừng nếu có một trận gió thổi qua, những lời ấy sẽ bị gió cuốn bay đi mất.
Tới chỗ bậc thang đi lên tầng.
Kỳ thực Kha Tây Ninh hơi căng thẳng. Không biết đến tột cùng căng thẳng do trở lại quê cũ sau hơn mười năm cách biệt, hay vì không biết phải đối mặt với ba Kha thế nào.
Nghiêm Tự cổ vũ cậu: "Lên đi."
Kha Tây Ninh đi được vài bước đã lên một tầng, chợt nhận ra Nghiêm Tự không đi theo.
Cậu ngoảnh đầu lại.
Nghiêm Tự mỉm cười, vẫy tay với cậu, ý bảo cậu mau đi đi.
"Anh không lên cùng sao?" Kha Tây Ninh kìm lòng không đặng, hỏi.
Cậu nhớ Nghiêm Tự nói "anh sẽ đứng đợi ngoài cửa", mà giờ, Nghiêm Tự căn bản không hề có ý định đứng ngoài cửa, thậm chí còn không lên lầu.
Nghiêm Tự giải thích: "Anh không lên."
"Vậy anh đi đâu?" Kha Tây Ninh hỏi ngược lại, "Trở lại trường quay sao?"
Nghiêm Tự bật cười, nói: "Em cho là vì sao anh lại tới trường quay? Em không ở đó vì sao anh phải tới?"
Kha Tây Ninh thoáng ngây người, cậu không ngờ Nghiêm Tự sẽ trực tiếp nói ra mục đích tới trường quay《Đại sư Phong Thủy》của mình.
"Anh đứng bên ngoài một lát, nếu một tiếng vẫn chưa thấy em ra anh sẽ vào trong xe đợi, vậy được chứ?" Nghiêm Tự nói.
"Được." Kha Tây Ninh gật đầu, xong lại vội vã đi lên.
Nghiêm Tự đứng tại chỗ, nhìn theo bóng lưng Kha Tây Ninh đi vào khúc ngoặt.
Đến tận khi biến mất không thấy đâu nữa, Kha Tây Ninh vẫn không quay đầu lại thêm một lần nào nữa.
Nghiêm Tự híp mắt, sau đó nhìn xuống. Có một chuyện trong lòng hắn hiểu rõ.
Bất luận thái độ Kha Tây Ninh đối với hắn có tốt lên hay không, giữa hai người thật sự không thể như trước kia được nữa.
※
So với kiến trúc nhà cửa của thành phố lớn, dãy nhà này không tính là cao, cao nhất cũng chỉ có năm tầng, căn nhà nơi Kha Tây Ninh từng sống nằm ở tầng cao nhất này.
Kha Tây Ninh đứng ngoài cửa, cậu có hơi lưỡng lự, điều chỉnh lại tâm trạng cho thật tốt.
Cậu định gõ cửa.
Thế nhưng không đợi cậu kịp gõ tiếng đầu tiên, cánh cửa đã bị mở ra từ bên trong.
Một người phụ nữ uốn một đầu tóc xoăn ngắn, tuổi tác chừng hơn năm mươi đứng trước mặt cậu. Khuôn mặt này giờ đã sinh ra nếp nhăn, thoạt nhìn già hơn trước kia rất nhiều, vóc người bà cũng mập mạp hơn trước. Mùi thuốc đông y nồng đậm trong nhà sộc thẳng vào mũi.
Kha Tây Ninh ngây người, lên tiếng thăm dò: "Dì Lâm ạ?"
Hai mắt dì Lâm sáng lên, hai tiếng "Tây Ninh" sắp bật ra lại bị bà nén lại.
Bà nhỏ giọng: "Con về rồi đấy à? Ba con uống thuốc xong mới ngủ rồi. Chúng ta nhỏ tiếng một chút."
Dì Lâm dịch người qua nhường lối cho Kha Tây Ninh vào nhà.
Căn nhà không rộng, rèm cửa sổ lại kéo kín, gian phòng khách chật chội chỉ thắp một cái đèn nhỏ, tối tăm mà bức bối.
Dì Lâm mang cho Kha Tây Ninh đôi dép lê dùng một lần.
Kha Tây Ninh khom người.
Cởi dày, xỏ dép, chỉ vài giây ngắn ngủi, hốc mắt Kha Tây Ninh lại cay xè.
Cậu cẩn thận nhìn xung quanh, đồ đạc trong phòng đã khác nhiều so với trí nhớ của cậu. Trong trí nhớ, căn phòng này to lắm, rộng lắm, một mình cậu bé như cái nắm tay, tha hồ lăn lộn khắp phòng khách.
"Sau khi ba con chuyển về đây, hình như có tìm người tới dọn dẹp." Dì Lâm nói, "Nhưng cũng không thêm đồ đạc gì, chỉ có mấy thứ đồ cơ bản nhất."
Phần sau dì không nói nữa, nhưng Kha Tây Ninh cũng hiểu được.
Vì ba cậu không phải trở về dưỡng lão hay chữa bệnh, ông trở về để lặng lẽ chờ đợi ngày chết.
Hết chương 66.