Thay dép lê xong, Kha Tây Ninh đứng thẳng người, chân thành nói tiếng cảm ơn: "Dì Lâm, thời gian này dì phải vất vả chăm sóc cho ba con rồi."
"Ầy." Dì Lâm thở dài, phất tay nói, "Vất vả cái gì, đều là hàng xóm láng giềng với nhau. Mẹ con với dì ngày trước cũng là bạn học, cô ấy mất đã nhiều năm, hai ba con cháu sống cũng chẳng dễ dàng gì. Giờ ba con lại ngã bệnh, không ai chăm sóc, dì giúp đỡ một chút cũng là việc nên làm."
Kha Tây Ninh rũ mi mắt, rồi mới chân thành nói: "Dù sao cũng rất cảm ơn dì."
Dì Lâm làm vậy là xuất phát từ lòng thương hại đối với gia đình Kha Tây Ninh. Bà quanh năm sinh sống trong trấn nhỏ, lòng dạ lại mềm, một nhà mấy người bình bình đạm đạm sống qua ngày. Bà đã thấy rất nhiều người trẻ tuổi rời quê hương ra ngoài làm việc, bỏ lại cha mẹ già ở quê nhà ngày ngày lấy nước mắt rửa mặt, bà thật lòng cảm thấy kiếm bộn tiền cũng không bằng người một nhà hạnh phúc sống bên nhau.
Dù rằng sau này nghe người ta bảo Kha Tây Ninh đã thành minh tinh nổi tiếng, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng dì Lâm vẫn nhớ mãi hồi còn nhỏ Tiểu Kha Tây Ninh cười ngọt ngào với mình, từ tận đáy lòng bà cảm thấy gia đình cậu rất đáng thương, vì thế mới không nề hà vất vả mà tới chăm sóc ba Kha.
"Không cần cảm ơn, không cần cảm ơn." Dì Lâm khóe mắt ươn ướt, nói "Tây Ninh, dì cho con xem thuốc đông y mà thầy thuốc bốc, con cứ theo cách dì bảo mà sắc thuốc, cho ba con uống ngày hai lần."
Bao thuốc bọc bằng giấy da bò được đặt cạnh ấm sắc thuốc, trên ấm vẫn còn đang bốc khói, dưới đất là bã thuốc còn sót lại.
Đây chính là nơi phát tán mùi thuốc đông y trong phòng, mùi thuốc đông y đặc sệt lượn lờ trong không khí, có chút gay mũi.
Kha Tây Ninh hỏi: "Đây là thuốc chữa bệnh cho ba con ạ?"
"Không phải." Dì Lâm lắc đầu, "Vốn dì cũng tưởng là thuốc chữa bệnh, sau cầm đến hỏi thầy thuốc già trong trấn mới biết thuốc này chỉ giúp giảm đau thôi."
Kha Tây Ninh xưa nay chưa sắc thuốc bao giờ, đang ngồi xuống chuẩn bị ngâm cứu một chút.
Nghe thấy hai từ "giảm đau", bàn tay vừa đặt lên chuôi ấm chợt sựng lại. Nhưng thoáng sững người ấy cũng chỉ diễn ra trong một cái chớp mắt, sau đó Kha Tây Ninh lại làm như chưa có gì xảy ra, quay sang hỏi dì Lâm chi tiết cách sắc thuốc và chăm sóc người ốm.
Dì Lâm kiên nhẫn dặn dò Kha Tây Ninh cẩn thận, trước khi về, bà bất chợt hỏi: "Tây Ninh, con về một mình à?"
"Không ạ." Kha Tây Ninh nói, "Con về cùng một người bạn."
Dì Lâm nghe nửa câu đầu thì trong lòng thầm mừng rỡ, khi biết người kia chỉ là bạn bè, dì hơi thất vọng: "Không phải dì hối thúc con, chỉ là dì nghe nói minh tinh ở trong vòng giải trí vì bận rộn công việc mà không kết hôn rất nhiều. Con nhất định không được thế, gặp người nào cảm thấy phù hợp, con thích, nhớ phải giữ chặt lấy. Con gái dì bằng tuổi con, nó nói hồi bé hai đứa còn chơi trò gia đình nữa, mà giờ cháu ngoại gì đã sắp lên cấp một rồi đó."
Hồi nhỏ Kha Tây Ninh khá hướng nội, mấy đứa nhóc choai choai khác đều không thích chơi với cậu. Chắc do dì Lâm thường hay lải nhải trước mặt nên con gái dì cũng ngày ngày chạy tới chơi cùng Kha Tây Ninh.
Bé gái luôn chóng lớn hơn bé trai, rõ ràng nhỏ hơn cậu nửa tuổi, cô nhóc lại cao hơn cậu những nửa cái đầu. Cô nhóc được di truyền sự nhiệt tình của mẹ, y như bà cụ non, lôi kéo tiểu Tây Ninh chạy nhảy khắp nơi.
Kha Tây Ninh không muốn làm dì đau lòng, cậu gật đầu đáp: "Chuyện này phải xem duyên phận thôi ạ."
Dì Lâm thở dài, sau đó lại trò chuyện thêm mấy câu.
Sau khi Dì Lâm rời đi, Kha Tây Ninh đứng ngây tại chỗ hồi lâu, sau đó mới xoay người khẽ mở cửa phòng ngủ. Ba Kha nằm trên giường, nhắm mắt ngủ. Có lẽ do cơ thể quá đau đớn, tinh thần ông cũng không yên ổn, hai đầu mày gắt gao nhíu chặt, cứ cách vài phút lại khó chịu lật người một lần.
Phòng ngủ trống rỗng, chỉ có độc một chiếc giường đơn, bốn xung quanh không xếp sắp đồ đạc gì, trên bức tường đối diện giường ngủ treo di ảnh mẹ Kha. Mẹ Kha lúc sinh thời không chụp ảnh sinh hoạt hay ảnh nghệ thuật gì, vì thế di ảnh là cắt từ chứng minh thư ra.
Đó là hồi bà mười tám tuổi, mặc dù là ảnh đen trắng, nhưng vẫn có thể thấy được khuôn mặt xinh đẹp cùng vẻ ngoài thanh tú.
Từng nghe hàng xóm nói, đôi mắt Kha Tây Ninh giống như được đúc từ cùng một khuôn với mắt mẹ mình, những nét khác thì thiên về giống ba hơn.
Cạnh giường đặt một chiếc ghế gỗ, cậu nhẹ nhàng chậm bước qua, ngồi xuống. Cả quá trình gần như không phát ra bất cứ một âm thanh dư thừa nào, ba Kha cũng không bị đánh thức.
Kha Tây Ninh ngồi xuống cạnh giường, hai tay đặt trên đùi, lẳng lặng nhìn ba Kha. Con người già đi thật nhanh, trong trí nhớ của cậu, ba Kha vẫn còn là một người đàn ông trung niên cường tráng khỏe mạnh, vậy mà chớp mắt đã bạc trắng mái đầu, sức khỏe cũng suy yếu.
Bệnh tới như núi lở.
Kẻ làm con trai như cậu vậy mà lại không hay biết gì hết, nếu hôm nay dì Lâm không gọi tới báo, không biết đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời ba Kha liệu có muốn báo tin tức này cho cậu hay không?
Có lẽ do quá đau đớn, ba Kha ngủ chưa được bao lâu đã có dấu hiệu muốn tỉnh lại.
Ông chậm rãi đảo mí mắt, sau đó cố sức mở hai mắt ra.
Ông nhìn thấy Kha Tây Ninh.
Kha Tây Ninh theo phản xạ muốn trốn đi, nhưng cậu vẫn ngồi yên tại chỗ, khẽ gọi một tiếng: "Ba."
Vẻ mặt ba Kha lại không thay đổi gì nhiều, giống như đã sớm biết Kha Tây Ninh sẽ trở về, ông gật đầu đầy khó nhọc.
Kha Tây Ninh đứng dậy khom người, quan tâm hỏi han: "Ba có khát không, có muốn uống nước không?"
Ba Kha lại gật đầu.
Kha Tây Ninh bèn ra phòng bếp rót non nửa cốc nước thủy tinh, trở lại phòng, đặt xuống một bên, sau đó đỡ đầu ba Kha, đặt một chiếc gối sau gáy ông, để ông nằm thoải mái hơn.
Ba Kha được Kha Tây Ninh đỡ dậy uống nước.
Lúc cậu xoay người cất ly nước, ba Kha mở miệng. Giọng ông khàn khàn, hơi thở không vững, thân thể đau đớn làm ông nói chuyện mất sức rất nhiều, nhưng lời ông nói ra vẫn khá rõ ràng.
"... Nghiêm Tự đâu?" Ba Kha nằm xuống giường, chợt hỏi.
Kha Tây Ninh xoay người lại, thoáng kinh ngạc, không rõ vì sao ba Kha lại đột nhiên nhắc tới Nghiêm Tự.
"Nó không về chung với con?"
"Có." Kha Tây Ninh đáp, "Anh ấy đang đứng dưới lầu."
Ba Kha nhàn nhạt "ừ" một tiếng, "Tình cảm hai đứa vẫn tốt chứ?"
Kha Tây Ninh không hiểu ba Kha hỏi vậy là có ý gì, chỉ đáp một câu chung chung.
"Chúng con... vẫn tốt ạ."
Ba Kha nghe thế thì yên tâm, lại vất vả gật đầu một cái, ông thở dài nói: "Khi còn trẻ ba đã mắc sai lầm, mẹ con trách ba. Nhưng con và Nghiêm Tự đều là hai đứa trẻ tốt, các con phải sống thật tốt."
Kha Tây Ninh vội đáp: "Nếu ba thấy đau thì đừng nói nhiều."
Ấy vậy mà ba Kha lại nở nụ cười yếu ớt, "Ba chỉ là hỏng hóc cái thân này, chứ đâu phải câm, ba muốn nói, con có che miệng ba lại ba vẫn phải nói."
"Rõ ràng ba biết con không có ý này... " Kha Tây Ninh lầm bầm phản bác.
Ba Kha nghe thấy, khẽ bật cười.
Kha Tây Ninh đứng tại chỗ hồi lâu, lại hỏi: "Thế ba có đói không? Có muốn ăn gì không?"
Ba Kha nhắm mắt, lại chỉnh lại tư thế nằm, "Không đói. Dì Lâm con chu đáo lắm, ba đã ăn rồi."
Nhắc tới dì Lâm, Kha Tây Ninh do dự chốc lát, cuối cùng vẫn lên tiếng hỏi: "Vì sao ba không bất ngờ khi thấy con ở đây? Ba... đã sớm biết là con sẽ tới?"
Ba Kha không đáp lời.
"Hay dì Lâm gọi điện cho con là ý của ba?"
Ba Kha nghiêng mặt qua: "Ba không có bảo bà ấy gọi cho con. Nhưng bà ấy dùng điện thoại của ba gọi cho con, cũng là được ba cho phép."
Kha Tây Ninh ngồi xuống, nói: "Ba sinh bệnh mà cũng không báo con. Con tưởng ba không còn muốn liên lạc với con nữa."
Ba Kha thở dài, nói: "Sinh bệnh có phải chuyện tốt lành gì đâu, ba có tiền thuê điều dưỡng là được rồi. Để con biết lại khiến con lo lắng."
Ông quay sang, thấy mắt Kha Tây Ninh đỏ lên, ông nhíu mày đau lòng mắng: "... Thằng bé ngốc, con khóc cái gì? Ba còn chưa có chết đâu? Bác sĩ nói ít nhất ba vẫn cầm cự được nửa tháng nữa."
Kha Tây Ninh quay mặt đi, lau lau hai mắt, đến lúc quay lại đã coi như không có chuyện gì.
Ba Kha nhìn mà đau lòng, muốn giơ tay vỗ vỗ đầu Kha Tây Ninh như hồi nhỏ, nhưng ông quên mất hiện giờ hai người chiều cao chênh lệch. Kha Tây Ninh đang ngồi, còn ông là đang nằm, nhấc tay lên thật sự có hơi tốn sức.
Thấy thế, Kha Tây Ninh vội cúi đầu.
Ba Kha mỉm cười, không nặng không nhẹ vỗ hai cái lên đầu cậu.
"Tây Ninh à... "
Kha Tây Ninh: "Dạ?"
"Con tha thứ cho ba chứ?" Ba Kha cười thê lương.
Kha Tây Ninh nghĩ, rồi đáp: "Cũng không thể nói là có tha thứ hay không tha thứ. Ba không làm gì có lỗi với con, trái lại, ba luôn đối xử với con rất tốt."
Ba Kha bật cười tự giễu.
"Con biết vì sao ba sống chết muốn quay lại đây không?"
Kha Tây Ninh: "Vì nơi đây là quê nhà mà ba đã sinh sống nhiều năm?"
"Đây không phải quê nhà ba." Ba Kha đáp, "Quê nhà ba ở một một xóm nhỏ xa lắm. Đây là nơi ba và mẹ con yêu nhau, cũng là nơi hai chúng ta cùng nhau sinh ra con. Cũng là nơi... mai táng mẹ con."
"Ba muốn trở về."
"Ba muốn cùng mai táng với bà ấy."
Kha Tây Ninh thấy trái tim đau xót, cố gắng miễn cưỡng nở nụ cười, "Ba đừng nói những lời này, phải giữ tâm trạng thoải mái, biết đâu sẽ sống lâu trăm tuổi."
Ba Kha thở dài, không nói nữa.
Kha Tây Ninh chợt hỏi: "Năm đó vì sao ba lại phạm sai lầm kia? Ba không yêu mẹ con sao?"
Ba Kha mỉm cười, một nụ cười già nua.
"Hồi đó thì biết cái gì mà yêu với không yêu." Ba Kha nói, "Yêu đương thì kích thích lắm, sống chung lâu rồi lại cảm thấy nhạt nhẽo. Sống trên đời, không được mắc sai lầm dù chỉ một lần. Một khi đã mắc sai lầm, cả đời sau của con sẽ phải chịu trách nhiệm cho sai lầm đó."
Nói tới đây, ông lại hỏi: "Ba muốn gặp Nghiêm Tự, con gọi nó lên đi."
Kha Tây Ninh ngẩn người, sau đó gật đầu, đáp: "Vâng."
Ba Kha hơi mệt, ông nhắm mắt nghỉ ngơi một lát.
Kha Tây Ninh nhẹ tay nhẹ chân đóng cửa lại, đi ra ngoài hiên nhà, không thấy bóng dáng Nghiêm Tự đâu, cậu chợt nhớ hắn nói "nếu qua hơn một tiếng, hắn sẽ không đứng ngốc đợi bên ngoài mà sẽ vào trong xe bảo mẫu nghỉ ngơi".
Hiện tại đã qua hai tiếng đồng hồ.
Chắc chắn Nghiêm Tự không còn ở đây nữa. Kha Tây Ninh vội vã quay lại tính ra xe tìm hắn, bất chợt, bả vai bị vỗ nhẹ một cái.
Cậu quay đầu.
Nghiêm Tự đang đứng ngay sau lưng cậu, thấy cậu có vẻ gấp gáp, hắn còn tưởng ba Kha xảy ra chuyện gì, nhíu mày hỏi: "Làm sao vậy? Tây Ninh, đã xảy ra chuyện gì?"
Hết chương 67.
Tác giả có lời muốn nói: Có bạn đọc hỏi, ba Kha đã phạm phải sai lầm gì. Các chương trước đã nhắc tới mấy lần rồi mà nè, ba Kha ngoại tình trong thời gian mẹ Kha mang thai, khiến bà uất ức mà nhảy lầu.