Sau khi Trần Thông cầm bệnh án đi, tôi không có việc gì làm bèn mở cuốn sổ ghi chép công việc của anh ra xem. Người đàn ông này viết sổ tay cứ như giáo trình môn Độc dược của Hoàng tử lai trong Harry Potter vậy, trên dòng kẻ ở các trang đều là chữ viết tay và các kí hiệu đánh dấu, còn dán cả giấy nhớ nữa.
Lật được hai trang, tôi liền thấy một trang đánh dấu, trên đó viết chữ “cằm”. Tôi chợt giật nảy mình, vội vàng lật các trang tiếp theo, lại là các trang đánh dấu khác, trên đó viết chữ “Lâm Chi Hiệu”.
Tôi lật xem từng trang một, tất cả các trang đánh dấu đều được viết, những dòng rất ngắn thôi.
“Bốn lăm cân”, “Socola”, “Một tuần”, “Qua đêm”,… “Béo lên rồi”, “Xuất viện”,…
Mãi cho tới phần của tháng mười, có một trang ghi chép nội dung cuộc họp, trên dòng kẻ còn có chi chít các chữ “Lâm Chi Hiệu” như đang tập viết vậy.
Anh Cố à, như thế này có phải là anh đang mất hồn trong khi đang họp không? Lúc tôi bật cười thành tiếng mới phát hiện mắt mình đã cay sè, lệ hoen mi.
Thực ra, anh vẫn luôn ở bên tôi.
Trước Tết, tôi đến bệnh viện giúp Cố Ngụy nhận quà Tết. Lúc tán gẫu cùng y tá trưởng, không hiểu sao lại nói đến chuyện ăn uống ở bệnh viện. Chị ấy nói: “Mỗi lần em tới đưa cơm, cứ gần đến giờ là Cố Ngụy sẽ lại đi ra thang máy đợi, đứng ở chỗ cửa kính sát sàn kia nhìn em đi lên.”
Tôi nhìn tấm kính sát sàn ấy, tưởng tượng ra dáng vẻ của anh đứng đó nhìn xuống dưới, nỗi nhớ anh lại càng mãnh liệt hơn.
Nhớ nhung giống như việc lên men vậy, một khi đã nếm thử mùi vị của nó thì sẽ không thể nào quên được. Trong tâm trí, ngoại trừ công việc ra, tất cả chỉ còn hình bóng của ai đó. Trước đây tôi cảm thấy việc tương tư thành bệnh là một cái gì đó quá khoa trương, cứ ăn uống đầy đủ thì làm sao thành bệnh được cơ chứ? Sau đó, tôi đi công tác bị nhiệm lạnh, cảm cúm suốt một tháng không khỏi được. Cuối tuần, quay trở lại căn hộ của Cố Ngụy, vùi trên giường của anh nằm không biết trời đất gì nữa. Nửa đêm tôi tỉnh lại, trong một phút xúc động đã gọi điện thoại cho Cố Ngụy, nhưng gọi hai lần vẫn không thấy ai nhấc máy. Tôi ôm điện thoại mà thấy sống mũi cay cay, cuối cùng mơ mơ màng màng mà thiếp đi mất.
Ngày hôm sau tỉnh lại, điện thoại có tới mười cuộc gọi lỡ. Đầu óc tôi chưa kịp tỉnh táo, điện thoại đã lại đổ chuông.
Mẹ Cố: “Tiểu Bắc nói mãi không gọi được cho con.”
Tôi thực sự xấu hổ, không dám nhận là mình ngủ không biết gì, vì thế không lên tiếng.
Yên lặng hồi lâu, mẹ Cố nói: “Hiệu Hiệu, con chuyển tới sống với chúng ta nhé?”
Tôi: “Không, không ạ.”
Cuối cùng, mẹ Cố khẽ thở dài: “Cuối tuần cố gắng thường xuyên về thăm ông nội. Nhớ phải tự chăm lo tốt cho bản thân mình.”
Tôi không gọi lại vì sợ Cố Ngụy đang ngủ, vì thế cuộn tròn trên sofa đọc tin nhắn. Tin nhắn sau cùng là: “Trước khi đi ngủ nhớ tắt điện thoại đi.” Tôi thầm thở dài: “Đúng là em không thoát khỏi lòng bàn tay của anh thật.”
Trước Tết, anh họ được điều về thành phố X, tiện thể chuẩn bị cho hôn lễ. Mấy thanh niên cùng đám trẻ con còn chưa được nghỉ, vì thế tôi bận hơn một chút. Nhà của bố mẹ Cố cũng khá gần nhà anh họ, vì thế Cố Ngụy đã dặn dò tôi cuối tuần tới ở nhà bố mẹ anh cho thuận tiện.
Có một lần, Bác sĩ gọi điện về, mẹ Cố nghe điện: “Hiệu Hiệu đang ngủ.”
“Giờ này sao ạ?” (lúc đó là khoảng tám giờ tối theo giờ Bắc Kinh)
“Thời gian này chạy đi chạy lại nhiều quá, về tới nhà tắm rửa xong là đi ngủ luôn.”
“Cô ấy có sút cân không?” (cân nặng của tôi luôn rất ổn định)
“Tóm lại gầy đi thấy rõ.”
Thời gian tiếp theo đó, bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, tôi không nhận được điện thoại của Bác sĩ, có lúc nhận được cũng chỉ vội vội vàng vàng nói được đôi ba câu liền cúp máy. Về cơ bản, anh chỉ có thể biết được tình hình tôi thông qua mẹ Cố.
Buổi tối hôm sắp xếp cho hôn lễ, Bác sĩ gọi điện thoại về: “Có mệt không?”
Tôi: “Vẫn ổn.”
Bác sĩ: “Không được ngủ trưa có buồn ngủ không?”
Tôi: “Hơi hơi.”
Đang nói chuyện điện thoại, anh họ từ đành xa gọi tới: “Lâm Chi Hiệu, loa đâu? Còn cả hộp nhẫn nữa?”
Bác sĩ: “Đưa điện thoại cho anh họ em đi.”
Tôi đưa điện thoại cho anh họ, sau đó liền quay người đi vào phòng âm thanh, lúc quay trở lại đã thấy anh họ mặt mũi tối sầm, bèn hỏi: “Sao thế?”
Anh họ: “Mẹ chồng em gọi em về nhà.”
Tôi đang không hiểu gì, vội vàng quay về nhà bố mẹ Cố, thấy mẹ Cố đang ung dung ngồi xem tivi: “Hiệu Hiệu về rồi à, vào ăn canh ngân nhĩ đi.”
Sau đó, Tiểu Nhân – người chứng kiến từ đầu tới cuối đã kể lại cho tôi nội dung cuộc điện thoại.
Bác sĩ: “Lần đầu tiên thấy một đám cưới mà em gái còn bận hơn cả chú rể đấy.”
Anh họ: “Cậu có ý gì?”
Bác sĩ: “Cô ấy vừa đi công tác về, tốt xấu gì anh cũng phải cho cô ấy nghỉ ngơi một, hai hôm đã chứ?”
Anh họ: “Nó có nói với tôi đâu.”
Bác sĩ: “Anh không tự nhìn thấy được sao?”
Anh họ: “Đây là chuyện nhà tôi.”
Bác sĩ: “Cô ấy cũng là người nhà em đấy.”
Anh họ: “Nói cứ như thể tôi là ông anh ngược đãi em gái thế? Nó đã hai mươi lăm tuổi rồi, phải tự biết cách sắp xếp…”
Bác sĩ: “Cô ấy đã hai mươi lăm tuổi rồi, không phải con của anh, không phải vợ của anh, mấy cái mớ lí thuyết giáo dục ấy của anh không thích hợp để áp lên người cô ấy. Cô ấy đã tăng ca suốt hai đêm liền, bây giờ để cô ấy về nhà ngủ đi.
Tiểu Nhân cảm thán: “Đàn ông bước sang ngưỡng tuổi ba mươi, khi chất nói chuyện ấy đúng là khiến người ta ghen tị hâm mộ phát hờn!”
– ————————–
Không biết tại sao bây giờ lại có nhiều người ra nước ngoài tới như vậy. Những người xung quanh tôi, hết người này tới người khác, bay đến khắp nơi trên Trái Đất. Năm tôi tốt nghiệp đại học, mọi người trong nhà đều tích cực thuyết phục tôi ra nước ngoài, nhưng tôi không đồng ý, một phần là vấn đề chuyên ngành, hai là bởi vì, tôi mà đi, căn cứ địa của rất nhiều người ở trong nước coi như không còn nữa rồi. Bây giờ nghĩ lại, may mà hồi ấy không đi.
Hồi còn đi học, Cố Ngụy ở nước ngoài hai năm thì quay về. Lần này được cử đi, tôi hỏi anh: “Cảm giác như thế nào?”
Anh bảo: “Không tốt cũng chẳng xấu.” (Hoàn toàn không phải mấy câu như “tương tư như nước, thân ở chốn tù đày”.)
Tôi lại hỏi: “Có chỗ nào không tốt?”
Anh: “Chênh lệch múi giờ cũng không phải chuyện gì hay ho.”
Khi tôi thức giấc thì anh đang chìm sâu vào giấc ngủ. Lúc tôi nghỉ trưa thì anh còn chưa dậy. Lúc anh thức giấc thì tôi lại đang bận. Khi anh tan làm thì lại là giờ ngủ của tôi. Đúng là khiến người ta phát điên.
Tiếp tục hỏi: “Có chỗ nào không xấu?”
Anh: “Rất nhiều. Phong cảnh không tệ, con người cũng không tệ.”
Tôi vờ tỏ ra bi thương: “Anh có vẻ rất hưởng thụ nhỉ.”
Cố Ngụy cười: “Quãng thời gian sáu tháng vừa đủ để em nghiêm túc trải nghiệm cảm giác không có anh ở bên là như thế nào, nhưng lại chưa đủ để em phát triển một mùa xuân mới hay cái gì đại loại thế.”
Tôi: “…?!”
– ——————
Mùa đông, cũng bước vào mùa thi cử, không có tiết học nữa, vì thế thời gian tự do của tôi bỗng nhiều lên. Cuối tuần, một mình tôi tản bộ trên các con phố, những ngóc ngách của thành phố X, ngắm nhìn không gian huyên náo sôi động của nó, cũng ngắm nhìn vẻ bình yên của nó.
Nhờ có Cố Ngụy mà tôi đã phải lòng thành phố này. Trước kia, dù tôi cảm thấy nó có trăm ngàn điều không tốt, nhưng khí chất vững vàng hào sảng của nó đã in sâu cả tuổi thơ và quá trình trưởng thành của Cố Ngụy, tản mát đâu đó sự chín chắn, trưởng thành khiến tôi say đắm.
Lúc Cố Ngụy gọi điện tới, tôi đang ngồi sưởi nắng trên băng ghế công viên: “Thành phố X có tuyết rơi rồi. Berlin có lạnh không?”
Cố Ngụy: “Mùa đông ở Berlin rất dài, anh đã quen rồi.”
Tôi: “Haizzz, đã qua nửa mùa đông rồi mùa xuân không còn xa nữa.”
Cố Ngụy: “Thực ra anh hơi hối hận.”
Tôi: “Chuyện gì?”
Cố Ngụy: “Lẽ ra nên kết hôn rồi mới đi.”
Mũi của Cố Ngụy rất cao, cứ đến mùa đông là chóp mũi lại lạnh toát, vì thế anh hay dí sát chóp mũi lên thái dương hoặc lên cổ tôi để sưởi ấm.
Khi đi ngủ, anh nằm bên trái, tôi nằm bên phải. Cả hai chúng tôi đều thích nghiêng người sang bên phải, vì thế, anh sẽ ôm chặt tôi trong lồng ngực.
Anh mua một chiếc cốc giữ nhiệt, hằng ngày trước khi đi ngủ thường rót một cốc nước nóng đặt ở tủ đầu giường, lí do là ban đêm tôi hay tỉnh dậy uống nước.
Những lúc nằm trên sofa ngủ bù, anh thường hay nằm nghiêng, chừa một chỗ trống đủ để tôi lặng lẽ chui vào.
Trong giá treo quần áo của anh, trên cùng luôn treo cố định hai bộ đồ thể thao để cho tôi làm đồ mặc khi ở nhà.
Anh đi siêu thị mua những thứ như bàn chải, khăn mặt, dép đi trong nhà,… đều mua một đôi, mặc dù đồ của tôi rất ít khi dùng đến.
Mùa đông lúc hai người cùng nhau ngồi trên sofa xem tivi hoặc xem phim, anh có thói quen ủ ấm tay trên bụng tôi.
…
Bây giờ mới phát hiện, anh có nhiều thói quen liên quan tới tôi như vậy.