Nguyễn Đông Thanh è è cổ, hỏi:
“Dám hỏi cô nương cái chuyện khiến Nho đạo sập mất một góc rốt cuộc là thế nào?”
Long Thanh Y bật cười.
Cô nàng quả thực không ngờ cái vị Bích Mặc tiên sinh bình thường cực kỳ quân tử này còn có một mặt “vô sỉ” đến thế.
Tiên sinh đọc một bài phú, đánh sập cả một góc lớn trên con đường tu luyện của nhà người ta, kế lại ban một bài thơ, khôi phục lại như cũ, xong đâu đó thì mặt tỉnh bơ, chối bỏ hết trách nhiệm. Hành động quả thực là nước chảy mây trôi, diễn như không diễn! Nếu Long Thanh Y không biết vị trước mặt này nhìn rõ nhân quả trường hà, có khi thật sự sẽ tin tưởng sự kiện khiến cả Huyền Hoàng giới rung chuyển thời gian gần đây không hề có liên quan đến y.
Vậy nhưng, nếu Bích Mặc tiên sinh muốn diễn, thì Long Thanh Y cũng không thể không diễn cùng. Thế là, nàng ta bèn đáp:
“Tiên sinh chắc không để ý, khi ngài đọc bài phú bằng tân thoại kia, đất trời biến sắc, vãng thánh khóc than, thậm chí chính Nho đạo cũng rung chuyển?”
Nguyễn Đông Thanh nghe vậy thì hồi tưởng lại, dường như... đúng là có chuyện này. Lúc ấy hắn còn tưởng người ta đấm ngực giậm chân là chê bài phú ấy quá xoàng xĩnh. Xem ra là ngược lại!
“Chả trách mấy lão già ấy sau khi nghe xong liền quỳ xuống khóc than, thái độ quay ngoắt 180 độ...”
Nguyễn Đông Thanh thầm cảm thán, quả nhiên người tài đặt vào đâu cũng vẫn xuất chúng! Cụ Phan Bội Châu khi còn sinh tiền cũng nổi danh một thời, khi ấy tài năng hơn được cụ trong mắt người đời có chăng cũng chỉ còn Bác.
Biết được chuyện xảy ra hôm đấu văn hôm trước, hắn cũng bắt đầu hiểu rõ hơn tại sao gần đây mình được trọng vọng đến vậy, lại càng thấy xấu hổ hơn. Người ta là vì bài phú đánh sập cả Nho đạo mà đến, nhưng hắn nào có nổi cái tài của cụ Phan Bội Châu? Nghĩ đến đây, Nguyễn Đông Thanh giật mình, ấp úng:
“Long cô nương, kỳ thực khi đó là tại hạ lỡ mồm, không hề cố ý! Không biết một góc bị sập đó của Nho đạo có chữa được hay chăng?”
“Tiên sinh đây là đang gõ đầu ta chuyện hôm trước sao?”
Long Thanh Y thầm nghĩ. Nàng ta trước nay tưởng bản thân diễn kịch giỏi, nói dối không chớp mắt, thế nhưng lúc này cũng đành tự nhận trình độ diễn xuất của bản thân là rác rưởi so với vị trước mặt. Nghĩ lại lần trước gặp mặt, nàng còn tưởng mình gần lừa được Bích Mặc tiên sinh vào tròng, xem chừng là vọng tưởng rồi!
Cô nàng ho khan, đoạn đáp:
“Tiên sinh không cần quá lo, bài thơ tân thoại ngài tặng cho lục đại thư viện sau đó đã khôi phục lại Nho đạo như cũ rồi!”
Nguyễn Đông Thanh nghe vậy thì thở phào một hơi, vuốt vuốt ngực, gật gù. Cũng may, của thiên trả địa. Người ta vì mộ danh Cao Bá Quát mà đến, hắn lỡ lời dùng một bài phú của cụ Châu đánh cho tơi bời, cuối cùng lại nhờ thơ của thánh Quát vãn hồi tình thế. Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng âm thầm tự nhủ, từ giờ trích thơ của tiền nhân cần cẩn thận hơn. Khoan nói các loại vạ miệng, chỉ nguyên việc nếu các cụ ấy sinh ra tại thế giới này, không biết chừng cũng có thể trở thành cự đầu một phương đã đủ khiến cái tính ngại phiền phức của hắn rung chuông cảnh báo bảy bảy bốn mươi chín lần rồi. Nghĩ đến đây, hắn chợt giật mình, liền nói:
“Long cô nương, tại hạ còn có điều chưa rõ, mong cô có thể giải thích một hai.”
“Mời tiên sinh nói!”
“Kỳ thực, cả hai tác phẩm tại hạ đọc hôm văn đấu đó đều là mượn của cổ nhân. Mà không lâu trước đây, khi Quan Lâm phát chẩn, tại hạ cũng từng mượn lời cổ nhân, phát biểu một hai câu. Khi đó, tuyệt nhiên không có dị tượng gì. Thế nhưng, xét về tài năng, thì vị kia cũng tuyệt đối không kém hai vị viết ra hai bài thơ, phú nọ. Như vậy, tại sao một bên dị tượng lệch trời, một bên lại hoàn toàn không có động tĩnh gì?”
Long Thanh Y suy nghĩ chốc lát rồi mới đáp:
“Có lẽ do tiên sinh không... có chân khí, nên bình thường không thể kết nối với thiên đạo, sản sinh ra dị tượng. Nên khi trước lúc phát chẩn mới không có chuyện gì. Thế nhưng hôm văn đấu, các vị viện trưởng đã gọi Nho đạo hiển hóa, vãng thánh chứng giám, nên cũng tạo cho ngài đây một kết nối với thiên đạo. Vì vậy mới có chuyện ngày đó.”
Vừa rồi, nàng ta suýt chút nữa thì lỡ mồm nói “do tiên sinh không dùng đến chân khí”, nhưng may nhớ ra Bích Mặc tiên sinh tự nhận mình là “phàm nhân, không có chân khí” chứ không phải là “có mà không dùng”, nên mới chữa lại kịp thời.
Thế nhưng, không thể không nói, các thế lực tại Huyền Hoàng giới đều nghĩ Nguyễn Đông Thanh hẳn là không dùng đến chân khí mà thôi, nên mới không dám vọng động. Mọi người cùng hiểu ngầm với nhau, luật là tiên sinh tự đề ra, chọc tức tiên sinh quá đà, nhỡ tiên sinh tự phá luật thì lúc đó họ khóc cũng không kịp. Chả nói đâu xa, Nho môn vừa rồi trước thì có tấm gương của Lâm Thanh Tùng, sau thì có sáu vị viện trưởng lục đại thư viện đều đã nếm quả đắng. Hai hình mẫu còn mới nguyên như thế, trước mắt liệu còn ai dám vuốt râu hùm?
Nguyễn Đông Thanh đương nhiên không biết đến chuyện này, hắn nghe được lời giải thích của Long Thanh Y thì “ồ” lên một tiếng, thầm nghĩ:
“Quả nhiên, chả trách mình trích thơ của các cụ nhiều như vậy mà xưa nay chẳng có chuyện gì!”
Long Thanh Y ngồi một bên, liếc mắt nhìn Nguyễn Đông Thanh, thấy hắn có vẻ tập trung suy nghĩ, không để ý đến nàng thì liền len lén đưa tay áo lên lau mồ hôi. Phải nói là, càng biết nhiều về vị tiên sinh này thì tiếp chuyện y càng khó khăn. Lần trước gặp gỡ, nàng có thể giữ bình tĩnh ở trước mặt Bích Mặc tiên sinh trợn mắt nói dối. Thế nhưng bây giờ, quân sư của Long tộc cảm tưởng như bản thân đang đứng giữa một bãi mìn, một nước đi sai có thể nổ tan xác. Áp lực phải nói là hơn xa đối đầu với phe Phản Tổ trong tộc, lúc đi xứ, hay thậm chí khi cầm quân đánh trận.Đang lúc ấy thì có tiếng gõ cửa cùng giọng nói quen thuộc của Vũ Tùng Lâm truyền vào:
“Tiên sinh có trong đó không?”
oOoLong Thanh Y thấy Vũ tổng binh đến, như chết đuối vớ được cọc, vội vã nói lời từ biệt với Nguyễn Đông Thanh rồi rời đi, trước khi Bích Mặc tiên sinh kịp đặt thêm câu hỏi nào khác.
Nguyễn Đông Thanh thấy “sếp” đến tìm, lại cũng không có việc gì gấp cần hỏi Long Thanh Y, nên bèn đứng lên ra mở cửa.
Long Thanh Y rời đi, Vũ Tùng Lâm cũng bước vào phòng, theo gót lão còn một ông lão nom kham khổ, ăn mặc như một cụ đồ.
Chào hỏi xong xuôi, Vũ Tùng Lâm bèn giới thiệu ông lão đi cùng là Cố Văn, một phu tử đã bị vỡ nát nho tâm, không thể tu hành, đến đây xin dạy đám trẻ con ở Quan Lâm vào ngày chẵn.
Chả là, sau khi lục đại viện trưởng hiển hóa ra Nho đạo, rồi bị Nguyễn Đông Thanh đánh sập sập một góc hôm trước, dân chúng Quan Lâm nhận ra một sự việc quan trọng mà trước giờ họ không hề để ý: Văn nếu tu luyện một cách tử tế thì cuối cùng cũng không hề yếu thế so với Võ đạo. Thành thử, tất cả những kẻ thể chất yếu nhược, không có thiên tư theo võ nhất loạt quay xe. Mà các gia đình lớn nhỏ khắp thành cũng bắt đầu quan tâm hơn đến việc học hành của con cái. Nhu cầu cho trẻ tới lớp ở Quan Lâm nháy mắt tăng vọt so với trước kia.Đúng lúc Vũ Tùng Lâm đang đau đầu không biết nói sao với Bích Mặc tiên sinh thì vị Cố Văn này đến phủ thành chủ, xin một chân thầy đồ. Tiếp xúc qua qua, lão thấy ông đồ già này không có vẻ là đám Nho môn mắt để trên trán, số phận thì cũng tính là khổ, nên bèn dẫn đến nói chuyện với Bích Mặc tiên sinh. Dù gì, quyền quyết định cuối cùng cũng ở tiên sinh.Được giới thiệu xong, ông đồ tên Cố Văn này cũng tiến lên chào hỏi Nguyễn Đông Thanh.
Ba người nói chuyện phiếm một lúc thì Vũ tổng binh nói còn có công vụ, cáo lui trước, để Cố Văn và Nguyễn Đông Thanh bàn cụ thể việc gõ đầu trẻ ra sao.
Cố Văn là người Vũ Tùng Lâm giới thiệu, nãy giờ lại cũng hòa ái lễ độ. Thành thử, Nguyễn Đông Thanh cũng có không ít hảo cảm với lão. Hỏi han thêm vài câu, gã bèn nói vào chuyện chính.
Cố Văn nói, bọn họ nên cùng soạn giáo trình để có thể thống nhất dạy gì, ra sao, tạo tính nhất quán mà cũng tránh gây khó hiểu cho đám trẻ. Nguyễn Đông Thanh hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Hắn suy nghĩ một lúc rồi đề xuất, cứ bảy ngày thì hai người họ chia nhau ra dạy chẵn lẻ sáu ngày, còn ngày thứ bảy thì cho trẻ con nghỉ học tự ôn bài, cũng để bản thân họ soạn giáo án sáu ngày kế tiếp. Cố Văn gật gù kêu phải, Bích Mặc tiên sinh liếc nhìn sắc trời rồi quyết định, ngày hôm sau không có lớp, liền sẽ bắt đầu họp bàn về giáo trình lần đầu tiên. Đến hôm kế tiếp đó, khi đi dạy, hắn sẽ giới thiệu Cố Văn với đám trẻ con. Rồi từ sau đó hai người liền thử phối hợp, nếu có vấn đề gì nảy sinh sẽ giải quyết sau.
Nguyễn Đông Thanh cũng hỏi hiện tại Cố Văn đang ở đâu, để tính xem mai nên gặp chỗ nào để bàn chuyện giáo trình. Cố Văn nói lão thuê tạm một chỗ ở trong thành, không tiện cho việc gặp gỡ nên mai lão sẽ đến Lão Thụ cổ viện bái phỏng rồi hai người họp tại đó luôn. Nguyễn Đông Thanh thấy người ta chủ động nhường “sân nhà” cho mình thì cũng hơi ngượng, nhưng lại bớt được một chuyến vào thành, nên cũng gật đầu đồng ý.
Bàn bạc xong xuôi, nói chuyện phiếm thêm vài câu, rồi Cố Văn nói còn có việc, cáo lui trước. Nguyễn Đông Thanh tiễn lão ta đi rồi cũng đóng cửa phòng học, đánh xe bò về cổ viện.
Cố Văn âm thầm quan sát xe bò đi xa dần từ một góc khuất, bụng bảo dạ:
“Sư phụ, Bích Mặc tiên sinh này không có vẻ là người xấu. Thế nhưng, có lẽ Thi Âm cần quan sát tìm hiểu thêm một đoạn thời gian nữa cho chắc chắn...”[Nếu ai quên mất Cố Thi Âm là ai rồi thì đọc lại chương 92: .]
Danh Sách Chương: