Phần 3
Hoài đi ra ngoài để Nguyên Thục ở lại với Vương. Mọi thứ xung quanh như bị kéo rộng ra, căn phòng trở nên vô tận ngay trước mắt Vương. Có thể ở đằng sau tấm kính, vẫn là những đôi mắt đang dõi theo. Nhưng giờ phút này nó không là gì cả. Với Vương, anh không quan tâm ai đang nhìn mình nữa. Điều quan trọng ở đây là anh nên thể hiện cho họ thấy.
– Em đến đây làm gì?
Nguyên Thục không đáp lại câu hỏi của Vương ngay, cô đảo mắt nhìn quanh căn phòng như để chiêm nghiệm. Theo thói quen của cô ấy. Nguyên Thục luôn có thói quen này mỗi khi bước vào một không gian mới lạ nào đó. Như cái hồi cô ấy đứng trước phòng ngủ của anh, đảo mắt qua một vòng và dừng lại ở bức ảnh đen trắng lớn của Ngọc Lan treo trên tường. Anh còn nhớ rõ, bức ảnh đó được chụp thêm vào lần chụp ảnh cưới. Tay phó nháy đã nói rằng Ngọc Lan thật đẹp, anh muốn tặng cô một tấm. Nghe mới phóng đãng làm sao. Chỉ vì cái tay đó mà sau này, anh không bao giờ muốn nhìn lại đống ảnh cưới của mình. Vương dám chắc, hắn ta đã cố tình chụp xấu anh, như thể nói với anh rằng: Mày không xứng với cô ấy đâu thằng ngu!
Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ dạo ấy. Anh lờ mờ nhận ra được sự khác biệt của bản thân và Ngọc Lan. Song anh không quá đào sâu vào nó, vì anh sợ hãi.
Nguyên Thục ngồi xuống chiếc ghế, Vương bắt đầu tưởng tượng đến phần xẻ tà của chiếc váy sẽ được kéo lên quá đùi.
– Em đến để nói với anh một tin.
– Tin gì – Vương hờ hững hỏi lại.
Nguyên Thục nhìn quanh như đang đề phòng, nhưng kín đáo thôi. Lại là cái kiểu đảo mắt đó. Rồi cô ấy đối diện với anh bằng con ngươi đen láy của người Hoa, giữ anh tập trung và ép anh phải đọc ra từng cử chỉ sắp tới của cô ấy.
Nguyên Thục lật tay áo lên, cô ấy chỉ làm điệu bộ gãi tay thôi. Vương hiểu ý, anh hơi liếc xuống và hoàn toàn bất ngờ khi thấy ở đó, nơi cổ tay gầy gò của cô là chiếc dây chuyền của Ngọc Lan. Chính là chiếc dây chuyền mà anh đã tặng cô ấy vào dịp sinh nhật.
– Tại sao?
Vương kinh hãi nhìn Nguyên Thục, thầm thì cái câu hỏi ngớ ngẩn này. Anh chắc rằng chính cô cũng không hiểu nổi chuyện này. Bởi anh đã thiêu sợi dây chuyền ra tro cùng với thi thể của Ngọc Lan rồi. Sau đó, anh đem chôn hũ tro ấy xuống ba tấc đất. Vương chắc chắn một điều đây là sợi dây chuyền duy nhất trên đời, chính tay anh đã thiết kế và đặt làm nó. Sợi dây chuyền được thiết kế bằng rất nhiều mắt xích, mỗi mắt xích là một viên kim cương nhỏ. Mặt dây chuyền được mài từ đá thạch anh, khắc thành khuôn mặt của Ngọc Lan. Sợi dây chuyền được tôi đặt làm trong ba tháng, kì công và tinh xảo. Nó đã khiến Ngọc Lan phải rơi một giọt nước mắt khi nhìn thấy.
– Không thể nào! – Vương không tin được. Anh đã từng sáng tác ra những câu chuyện khó lòng tin nổi. Nhưng giờ đây, anh lại không thể tin được cái chi tiết rất đỗi bình thường trong mỗi câu chuyện kinh dị như thế này.
Nguyên Thục đã lấy nó ở đâu chứ? Cô ấy không thể ăn cắp được vì đám tang của Ngọc Lan cô không xuất hiện. Vương nhìn chằm chằm vào cổ tay của Nguyên Thục, như muốn hỏi nó chứ không phải là hỏi cô.
– Nó tự nhiên xuất hiện trong nhà em, ngay trên chiếc gối mà anh hay nằm. – Nguyên Thục nói nhỏ.
Trong căn phòng rộng lớn này, lời nói nhỏ của cô ấy lại biến thành một tiếng động lớn.
– Em chưa bao giờ nhìn thấy nó, nhưng mặt dây chuyền đã cho em biết nó là của Ngọc Lan.
– Phải rồi – Vương cười hắt, đuôi mắt anh nheo lại môt sự giễu cợt – Chỉ có cô ấy mới có sợi dây chuyền này.
Vương nghiêng đầu, anh nhận ra có một điều rất quái lạ trong chuyện này. Rằng tại sao sợi dây chuyền của Ngọc Lan lại ở chỗ của Nguyên Thục còn chiếc nhẫn mà anh tặng Nguyên Thục lại nằm ở chỗ Ngọc Lan. Một kẻ nào đó đã thọc cái ngón tay giơ bẩn của hắn vào khiến cuộc đời anh đục ngầu như bùn lầy chăng? Hắn đánh tráo hai món quà anh dành cho hai người phụ nữ, rồi làm nổi lên nỗi đau và sự nghi ngờ ở họ? Nhưng vì sao hắn phải giết Ngọc Lan chứ?
Đầu óc anh vận hành theo đúng kiểu cách của một nhà văn. Chỉ toàn là câu hỏi, câu hỏi và câu hỏi. Để trả lời nó, anh phải mất một khoảng thời gian để phân tích những nhân vật có trong câu chuyện này. Vương ngả người ra sau, lưng của anh đã có dấu hiệu nhức môi khi anh cứ phải ngồi thế này hàng tiếng đồng hồ. Trong đầu anh, mọi dự kiện như những phần của một chiếc máy khổng lồ, chúng bắt đầu được lắp ráp với nhau.
Hỷ Nguyên Thục là cô gái có gốc gác Hoa – một kiểu đặc biệt khiến người khác phải ồ lên mỗi khi họ nghe cô giới thiệu. Ngay cả tôi cũng thế. Tôi cảm thấy nhạy cảm với những khác biệt của người khác và cho rằng họ sinh ra là để gặp mình, chơi với mình. Vì tôi cũng khác biệt quá mà.
Tôi gặp cô ấy tại một siêu thị, khi cô định với tay lấy cái gói bánh quy ở tít trên cao. Tôi giúp cô chỉ là một phản xạ tự nhiên của đàn ông thôi, lúc ấy trong đầu tôi là muôn vàn những suy nghĩ khác. Kiểu như tối nay Liverpool của tôi có thắng trận quyết định hay không? Nhân vật mà tôi sắp viết nên mang một nụ cười như thế nào? Tôi có nên nói với bố rằng tôi sắp lấy vợ? Hình như lúc ấy, tôi đã quen Ngọc Lan được 5 tháng. Chúng tôi sắp sửa tiến đến hôn nhân mà chẳng hay. Phải nói rằng, trong cái khoảnh khắc gặp Nguyên Thục ấy tôi không có một chút gì mang tên Ngọc Lan cả. Trong cái khoảnh khắc kì diệu đó, Ngọc Lan đã là một ai đó mà tôi không quen.
Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng tôi là hình mẫu lý tưởng của loại đàn ông chẳng ra gì. Lăng nhăng, phóng túng, dễ dàng đổ gục trước đàn bà. Nhưng tôi xin thề trước linh vị của mẹ tôi, rằng tôi chỉ có ấn tượng đặc biệt với Ngọc Lan. Duy nhất cô ấy khiến tôi phải thần tượng hoá một hành động tầm thường. Đó là bước lên xe và rời đi.
– Cảm ơn anh! – Câu cảm ơn nhẹ nhàng như một tiếng chuông lảnh lót khiến tôi phải ngẩng đầu nhìn.
Mùi cỏ dại ngai ngái của cô khiến tôi ấn tượng hơn cả. Tôi chưa bao giờ gặp một cô gái nào dùng mùi hương này. Ngọc Lan thì hay dùng Chanel no.5.
– Không có gì.
Tôi nở một nụ cười xã giao rồi rời đi.
Bằng một cách nào đó của số phận, tôi và Nguyên Thục rất hay chạm mặt nhau. Đó là một chuyện không phải do tôi muốn hay không. Tôi gặp cô ấy ở siêu thị, ở tiệm cà phê, thậm chí còn ở nhà xuất bản khi tôi đến nộp bản thảo. Những lúc như thế, tôi chỉ gật đầu chào, và cô ấy cũng thế. Dù tôi có thắc mắc hay nghi ngờ về một sự sắp đặt thì tôi cũng không dám bước đến mà hỏi rằng: “Này, sao cô và tôi hay gặp nhau thế nhỉ?” Đó là điều tối kị của một thằng đàn ông đã có bạn gái hay gia đình. Vì nó sẽ là tiền đề làm nảy lên những mối quan hệ nhằng nhịt mà ai cũng biết đấy.
– Anh có vẻ là một người đàn ông của gia đình! – Thục Nguyên là người bắt chuyện trước khi thấy tôi lại đứng ngẩn ngơ trước quầy hàng thực phẩm tươi sống trong siêu thị.
Tôi gãi đầu:
– Tôi chỉ hơi thích nấu ăn một chút.
– Vậy là anh chưa trả lời cho nghi vấn của tôi?
Tôi ngớ người một lúc, không nhớ ra được là trước đó cô ta đã hỏi tôi có gia đình hay chưa. Nhưng rồi tôi bỗng nhận ra cái câu khẳng định ban đầu: “Anh có vẻ là một người đàn ông của GIA ĐÌNH!” chính là một câu nghi vấn. Thật tuyệt vời! Tôi đã phải thốt lên với chính mình như thế. Đây là một cô gái thông minh và khéo léo. Khi bạn mắc một cái bẫy ngọt ngào thứ hai, bạn sẽ mất đi hoàn toàn sự cảnh giác và phòng vệ của bản thân.
Tôi bật cười, lắc đầu:
– À, tôi chưa có gia đình.
Đáng ra lúc ấy tôi nên trả lời cô luôn rằng tôi đã có một người bạn gái. Rất tài giỏi và xinh đẹp, cô sẽ chẳng có cửa để cưa được tôi đâu. Nghe ngạo mạn như thế, nhưng đúng là một nhát kiếm đâm qua bất cứ ý định nào về mặt tình cảm của cô gái này. Chỉ tiếc là tôi đã không làm như vậy. Thật khó hiểu!
– Tôi tên là Nguyên Thục. Hỷ Nguyên Thục!
Cô tự giới thiệu. Sau đó bồi thêm:
– Tôi là người gốc Hoa.
Và đương nhiên rồi, tôi đã “Ồ” lên một cái.
Cô như đã quen với phản ứng đó, chỉ vén lọn tóc tơ đang vương xuống đôi má hồng.
Tôi giật mình nhớ ra, vội vàng nói:
– Tôi là Vương, ha ha, tôi… là một nhà văn.
– Thật sao?
– Cô đã từng nghe qua cuốn “Ngọc Lan vẫn đang nở” chưa?
Nguyên Thục à lên:
– Hoá ra là cuốn sách nổi tiếng đó.
Tôi chưa bao giờ gặp ai nói chuyện duyên dáng như vậy. Vì kì thực, cuốn sách đó của tôi đến giờ đã chẳng nổi tiếng lắm. Nhưng nó là cuốn nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của tôi.
– Tôi đã đọc nó rồi. – Cô khẳng định – Hay lắm!
Còn nguyên nhân nào khác để kéo gần một mối quan hệ hay không? Nguyên Thục đã chinh phục được mọi sự phòng vệ của tôi rồi. Tôi và cô ấy vẫn hẹn nhau ở quán cà phê để nói xung quanh về cái cuốn sách ấy. Nguyên Thục không biết Ngọc Lan trong cuốn sách chính là bạn gái của tôi ngoài đời. Thật điên rồ là tôi nói vô vàn chuyện về Ngọc Lan mà lại chẳng có lấy một từ giới thiệu: Ngọc Lan ngoài đời là ai.
Nguyên Thục bày tỏ rõ sự ngưỡng mộ đối với Ngọc Lan, rằng cô ấy có một tình yêu tuyệt vời dù đến cuối cùng, lại nhận phải cái kết đau thương. Đó chính là bị giết hại. Nguyên Thục cứ nói đi nói lại cái sự tiếc nuối đó, còn bảo rằng nếu Ngọc Lan không yêu người đàn ông ấy, cô sẽ không phải chết thảm như vậy và sẽ sống một cuộc đời bung nở đẹp đẽ của cô ấy.
Tôi đã rùng mình, giống như các nhà tiên tri vẫn hay có một dấu hiệu nào đó để nhận biết về tương lai. Tôi mường tượng ra một cái kết thật ngoài đời sẽ giống y như trong truyện mà tôi viết. Rằng Ngọc Lan sẽ chết thảm. Chết thảm ở đây là một cái chết bi thương hơn cái chết bình thường, một cái chết mà không ai mong mỏi, không ai ở bên cạnh. Chết trong cô đơn, không ai đoái hoài, không lời trăng trối. Cô ấy sẽ chết thảm!
Khi tôi còn đang miên man suy nghĩ và tự đau cho cái tưởng tượng của mình. Một cảm giác rất thật, giống như có ai đã đâm xọc vào tim, vào phổi, vào cổ hay vào bất kì nơi nào là yếu điểm trên cơ thể này những nhát dao lạnh tàn và cay độc. Tôi đưa tay lên nắm chặt lấy những nơi đó như đang bịt máu lại không để cho nó xảy ra. Và thế là, Nguyên Thục là nắm lấy bàn tay của tôi và đưa tôi về với thực tại. Cô ấy dùng đôi mắt đen lay láy ấy nhìn tôi, đôi mắt một mí nửa mạnh mẽ nửa thâm trầm.
Trước hành động đó của cô tôi đã hơi hoảng. Vội vàng đứng dậy khiến cho cốc nước trền bàn đổ cả ra và làm ướt một mảng váy của Nguyên Thục. Tôi vụng về lấy giấy lau cho cô ấy, nhưng lại thấy hơi thất lễ thế là lại rụt tay ra. Càng ngày tôi càng làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Phải đến khi Nguyên Thục nắm chặt tay tôi một lần nữa, trấn an tôi bằng câu nói:
– Không sao, không sao nữa rồi.
Thì tôi mới yên ổn được.
Đó là lần đầu tiên, tôi muốn bảo vệ cho những người đàn ông đào hoa. Bởi vì những người phụ nữ thứ hai, luôn nhìn ra được khoảng trống mà người phụ nữ thứ nhất chưa khoả lấp được. Và cô ta lấp vào, khiến chúng ta lầm tưởng rằng cô ta tốt đẹp hơn người phụ nữ mà ta đang có.
Ngọc Lan chưa bao giờ trấn an được nỗi sợ hãi của tôi, mà ngược lại, cô chỉ khiến tôi càng ngày càng nhận ra được sự khác biệt của hai người.