• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Miễn Cưỡng Kết Hôn​





Phần 10


Anh ta rút tay ra mãi không được, mà ở đây lại đông người nên không thể dùng sức giằng ra, cuối cùng đành phải để mặc tôi vừa lôi vừa kéo vào bên trong.
Tôi nham nhở kéo Duy đến một bàn ngay gần sát cửa kính, ở vị trí này có thể phóng tầm mắt nhìn ra một góc của thành phố của buổi đêm, không gian bốn bề lấp lánh ánh sáng. Lần đầu tiên được đi ăn ở một nơi đẹp thế này, tôi không nhịn được, tấm tắc khen một tiếng:
– Bàn này view đẹp thế mà không ai ngồi nhỉ?
Anh ta không trả lời, chỉ vươn tay lấy cuốn menu trên tay người phục vụ rồi đẩy đến trước mặt tôi:
– Gọi món đi.
– Tôi được gọi à?
– Đây là lịch sự tối thiểu của đàn ông.
– À… à…
Tôi liếc thái độ người phục vụ, thấy dù nét anh ta mặt vẫn giữ vẻ kính cẩn nhưng khóe môi thì lại hơi giật giật giống như không nhịn được cười. Có lẽ thấy lần đầu tiên có khách ăn mặc quê mùa và cử chỉ cũng quê mùa nốt như thế này thì thấy ngạc nhiên lắm, bởi vì ở đây chẳng có ai kém sang giống tôi.
Tôi khẽ hắng giọng một tiếng, không hỏi mấy thứ vớ vẩn nữa mà chỉ cầm cuốn menu lên rồi cẩn thận mở ra, lật trang nào cũng thấy toàn món đắt đến giật mình. Ở đây một chai rượu champagne giá rẻ nhất là vài triệu, một đĩa salad trị giá gần tám trăm nghìn, một đĩa bò bít tết hơn ba triệu, tóm lại nếu gọi sơ sơ một mâm cơm có thể ăn no được thì phải bỏ ra một số tiền nhiều hơn cả một tháng lương của tôi.
Nhưng mà dù sao thì tôi cũng không phải là người trả tiền, với cả tôi cũng sợ thắc mắc giá thì xấu hổ, cho nên dù đắt thì vẫn mạnh dạn gọi mấy món:
– Cho tôi một đĩa salad, một đĩa mì ý, một cá hồi sốt kem.
– Vâng.
Cảm thấy gọi thế là đã đủ nên tôi đẩy menu lại về phía Duy, bảo anh ta:
– Anh gọi đi.
Duy không để ý tới tôi, cũng không cần nhìn Menu mà chỉ ngẩng đầu nói với người phục vụ:
– Cho tôi một Steak.
– Vâng. Xin hỏi anh chị có muốn dùng thêm rượu không?
– Không cần.
– Cảm ơn anh chị. Đồ ăn sẽ tới ngay, anh chị vui lòng chờ một chút ạ.
Trong lúc chờ đồ ăn đem lên, tôi ngoảnh đầu nhìn đường phố qua cửa kính trong suốt, tranh thủ tận hưởng không gian đẹp đến lãng mạn ở nhà hàng này. Duy ngồi ở bên đối diện thì phải xử lý công việc gì đó trên ipad nên bận rộn chẳng nói lời gì. À mà có rảnh thì anh ta cũng không nói chuyện với tôi, cho nên tôi cũng biết ý, không hé miệng mà chỉ im lặng ngồi đó.
Một lát rất nhanh sau đó đồ ăn được mang ra, tất cả các món đều chỉ có một xíu được bày biện sinh động trong đĩa. Tôi biết ăn đồ tây phải như vậy nhưng nhìn đĩa của Duy chỉ có một miếng thịt bò nửa sống nửa chín, sợ chừng ấy anh ta sẽ ăn không no nên tôi chủ động cắt một miếng cá hồi sốt kem đặt vào đĩa của anh ta:
– Anh ăn thêm cái này đi.
Duy ngẩng lên nhìn tôi, không hé miệng nhưng ánh mắt lại như muốn nói “Cô đang có ý đồ gì đấy?”. Tôi giả vờ vô tội, cười hì hì:
– Quà làm lành của tôi. Ban nãy tại anh chọc tôi trước nên tôi mới chọc lại anh. Anh không nói đi ăn ở nhà hàng xịn như này nên tôi mới mặc đồ ngủ đến, làm người ta nhìn tôi như thần kinh.
– Đó là do cô tự ăn mặc thế, không liên quan gì đến tôi.
– Sao lại không liên quan, vì anh nên tôi mới bị cười.
– Lý lẽ của cô khác người thế? Cô không ăn mặc tử tế thì liên quan gì tôi?
– Kệ tôi. Mà thôi, anh cũng bị mọi người cười rồi nên tôi với anh hòa. Miếng cá hồi sốt kem kia là quà làm lành của tôi. Hòa nhé.
– Không.
– Sao thế?
– Tôi không ăn được cá hồi.
– À… thế thì lần sau anh thích ăn gì, tôi mời anh đi ăn. Thế được không?
– Không cần đợi lần sau đâu. Lần này đi.
– Hả?
– Tối nay cô trả tiền.
Miếng mì ý trong miệng tôi bỗng nhiên nghẹn lại, nghe đến tiền cũng giống như thấy sét đánh ngang tai. Tôi không cần suy nghĩ đã lắc đầu lia lịa:
– Không, ý tôi bảo là lần sau. Hôm nay tôi không mang tiền.
– Nhà hàng này cho quẹt thẻ.
– Nhưng tôi cũng không mang thẻ.
– Quét mã QR điện thoại cũng được.
Tôi không thể nói dối rằng không mang điện thoại được, bởi vì điện thoại của tôi đang đặt ngay trên bàn, cả tôi và anh ta đều nhìn thấy. Lỡ miệng nói mời rồi nên tôi không thể chối được nữa, cuối cùng đành bất mãn đồng ý trả tiền.
Lúc đầu tôi định giữ kẽ nên ăn mỗi thứ một chút thôi, nhưng từ khi Duy bảo tôi phải trả tiền thì tôi nghĩ mình chẳng cần phải giữ hình tượng làm gì nữa, đằng nào mấy thứ này cũng là tôi trả, bỏ đi thì có lỗi với tiền của mình nên tôi không thể bỏ sót dù chỉ là một miếng.
Duy bảo tôi:
– Cần gọi thêm đồ ăn không?
– Không, tôi no rồi.
– Một mình cô ăn hết chừng ấy, không no mới lạ đấy.
– Mất tiền thì phải ăn hết chứ. Mà toàn là đồ đắt nữa, để thừa một miếng cũng thấy có lỗi với lương tâm.
Khi nói xong câu này, tôi lờ mờ thấy khóe miệng anh ta khẽ cong lên, nhưng còn chưa kịp xác định xem có phải anh ta cười không thì Duy đã ngay lập tức quay đi chỗ khác rồi vẫy tay gọi phục vụ tính tiền.
Lúc nhân viên đưa cho tôi tờ hóa đơn hơn tám triệu, đọc dòng “phí chỗ ngồi” tôi mới trợn tròn mắt nhận ra rằng: hóa ra bàn đẹp như chỗ này mà không có ai ngồi, là bởi vì muốn ngồi thì phải trả thêm phí. Lần đầu tiên tôi đến chỗ sang trọng thế này nên ngơ ngơ có biết gì đâu, cứ nghĩ ngồi ở chỗ nào cũng được miễn phí.
Dù tiếc tiền đứt ruột nhưng tôi vẫn phải nói với người phục vụ:
– Tôi không mang theo tiền mặt, quét mã QR được không?
– Dạ … mã QR nhà hàng đang bị lỗi, chưa khắc phục xong được ạ. Chị vui lòng thanh toán bằng tiền mặt hoặc quẹt thẻ giúp em ạ.
Tất nhiên tiền mặt tôi không có, mà thẻ thì cũng không có luôn, không thể thanh toán bằng mã QR nên tôi đành méo mặt quay sang bảo Duy:
– Hay là anh thanh toán đi, về nhà tôi trả lại anh sau.
– Giặt quần áo một năm.
– Dạ?
– Tôi không có thời gian giặt quần áo, cũng không thích dùng máy giặt, cô giặt tay quần áo cho tôi một năm, tôi trả tiền.
– Nhưng bữa ăn này có tám triệu thôi. Lương giúp việc một tháng đã hơn tám triệu rồi. Anh bắt tôi giặt quần áo tận một năm là đang bóc lột sức lao động của người khác đấy.
– Trả tiền hay giặt quần áo, tùy cô chọn.
Cái gã phục vụ chết tiệt nghe thấy thế còn đứng tủm tỉm cười, ngày hôm nay đi ăn ở đây tôi xấu hổ phát điên lên được, nhưng không trả tiền thì còn nhục hơn, thế nên sau một hồi đấu tranh tư tưởng, tôi đành phải thỏa hiệp:
– Một tháng được không?
Sắc mặt anh ta không chút biểu cảm, cũng chẳng thương hoa tiếc ngọc gì mà dứt khoát đáp:
– Không.
– Thế thì anh trả tiền đi. Tôi giặt quần áo.
Tối hôm đó về nhà, nghĩ đến chuyện tự nhiên đi ăn một bữa mà phải giặt quần áo không công một năm, tôi ấm ức nên nằm mãi không ngủ được. Đang khó chịu thì lại thấy nick Maybe sáng đèn, tôi cảm thấy mình tìm được người để trút giận rồi nên ngay lập tức nhắn tin cho cậu ấy:
– Cậu chưa ngủ à?
– Chưa. Giờ này với tớ vẫn còn sớm. Sao cậu còn chưa ngủ?
– Đang ấm ức hộ chị bạn nên không ngủ được.
– Sao thế?
– Chị bạn tớ hôm nay đi ăn với chồng, cái lão ấy đã không ga lăng tý nào. Đã không gắp đồ ăn cho vợ thì thôi, còn bắt chị vợ trả tiền trong khi chị ấy không mang tiền nữa.
– Thế cuối cùng xử lý thế nào?
– Chị vợ phải giặt quần áo cho lão ấy một năm để bù lại tiền bữa ăn đó. Mà phải giặt bằng tay nhé. Cậu có thấy cái lão đó bị điên không? Bóc lột sức lao động của người khác đến thế là cùng, ăn một bữa tám triệu mà phải giặt quần áo cả năm để trả lại.
– Vợ thì giặt quần áo cho chồng cũng không có gì to tát mà.
– Nhưng vấn đề là hai người không ở chung, chỉ cưới nhau để làm vừa lòng hai bên gia đình thôi. Hai người không có tình cảm với nhau, không sinh hoạt chung thì sao liên quan đến việc giặt đồ được.
– À… ừ.
– Cậu thấy đàn ông như thế được không? Giàu mà thần kinh không bình thường.
Bên kia soạn tin nhắn rất lâu, mãi một lúc sau mới gửi sang một dòng:
– Ừ, đúng là bị điên thật.
– Đã điên lại còn lăng nhăng nữa, tớ kể cậu nghe, ông ấy còn có một đống bồ bịch, toàn ngôi sao với cả người mẫu. Đến tận hôm đám cưới mà vẫn có người yêu cũ đến khóc lóc đòi nối lại tình xưa đấy.
– Thật hả? Có vợ rồi thì làm sao bồ bịch được nữa? Chắc không phải thế đâu.
– Ôi người có tiền mà. Chỉ cần có tiền là tự khắc sẽ có cả đống người yêu thôi. Chỉ khổ thân chị bạn tớ, tự nhiên lại lấy phải một tên vừa thần kinh vừa lăng nhăng.
– …
Nói ra được buồn bực trong lòng mình, tâm trạng tôi cuối cùng cũng thấy dễ chịu đi rất nhiều, chẳng hiểu sao suốt bảy năm nay mỗi lần cảm thấy trong lòng bức bối, tôi chỉ cần tâm sự với một người là bao nhiêu phiền muộn tự động tan đi hết, giống như Maybe có một năng lực rất đặc biệt, có thể xua tan đi những muộn phiền trong lòng tôi. Tôi nhanh chóng soạn thêm một tin gửi sang:
– Bao giờ cậu ra Hà Nội đi, tớ dẫn cậu đến ăn nhà hàng này hay lắm. Mỗi tội hơi đắt một tý thôi.
– Chỗ nào thế?
– Chỗ chị bạn tớ vừa mới kể. Nghe nói nhà hàng chỗ đó có một mặt bằng kính hết, ngồi ăn nhìn được cả một góc Hà Nội, nhìn thấy Hồ Gươm nữa.
– Ừ. Nếu có thời gian thì nhất định sẽ đi ăn ở đó với cậu.
– Ngoắc tay.
– Ngoắc tay.
Tôi nhìn màn hình điện thoại rồi cười một mình như dở hơi, đúng là chỉ có cậu ấy mới có thể làm tôi vui, chỉ có cậu ấy mới đủ tin tưởng để tôi trút đi nỗi ấm ức trong lòng, chỉ có cậu ấy mới mang lại cho tôi nhiều cảm giác vui buồn đến thế….
Nhưng mà cậu ấy lại ở quá xa tôi…
Ngày hôm sau tôi đến tòa soạn, vừa định đi hóng hớt xem có tin tức gì hay ho không thì chú biên tập đã gọi tôi với Hải lại, giao cho hai đứa tôi đi Huế một chuyến.
Chú biên tập bảo:
– Lần này ở Huế đang có festival, hai đứa vào đó săn tin đi, nhớ chụp nhiều ảnh vào nhé.
Tôi thích đi đây đi đó nên đồng ý luôn, nhưng Hải thì mới chính thức có người yêu xong nên bịn rịn không muốn rời cái Nhạn. Nó huých huých tay tôi tỏ ý muốn tôi cứu nó, cuối cùng tôi không muốn suốt ngày cứ làm bà mối đi làm lành cho đôi trẻ nên đành bảo chú biên tập:
– Chú ơi một mình cháu đi là được rồi chú ạ, để đỡ kinh phí cho Tòa soạn. Hai người đi lại tốn tiền thêm.
Hải nghe xong thì gật đầu lia lịa:
– Vâng đúng đấy chú ạ. Một người đi cho tiết kiệm, vào đó đúng lúc diễn ra festival, thuê khách sạn đắt lắm. Mà cháu với chị Dương thì phải thuê hai phòng chứ đâu ngủ chung được.
– Năm ngoái mày cứ nằng nặc đòi đi cơ mà, sao năm nay lại không hào hứng gì thế, còn biết tiếc tiền cho tòa soạn cơ à?
– Thì năm nay… khác năm ngoái mà chú. Đúng không chị Dương?
Tôi gật gật đồng tình. Chú biên tập thấy thế mới hỏi tôi:
– Dương đi một mình được không?
– Được chứ ạ. Cháu thì hang cùng ngõ hẻm nào cũng đi được tuốt chú ạ.
– Ừ, thế xuống phòng tài vụ ứng kinh phí đi rồi đi nhé.
– Vâng.
Tôi vào Huế ngay buổi chiều hôm đó, lúc này Festival chưa diễn ra nhưng cả thành phố đã rất đông đúc nhộn nhịp, các khách sạn ở ven bờ sông Hương hầu như đã kín phòng hết cả. May sao tôi có quen một chị chủ khách sạn ở đây nên vào đến nơi đã được chị ấy để dành cho một phòng vừa rẻ lại vừa đẹp, mở cửa sổ ra là có thể nhìn thấy cả cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương.
Đến nơi, tôi mới nhớ ra phải nhắn tin cho Duy nên lục đục lôi điện thoại ra, gửi cho anh ta một tin:
– Tôi đi công tác ở Huế. Khoảng một tuần mới về.
Tin nhắn gửi đi, rất lâu sau cũng không thấy hồi âm. Thực ra nếu không phải là vợ chồng thì tôi cũng chẳng muốn báo cáo với anh ta làm gì, mỗi tội giờ bị ràng buộc bởi cuộc hôn nhân này nên tôi đi đâu cũng phải thông báo, đỡ mất công có ai hỏi anh ta cũng không biết tôi ở đâu.
Chờ mãi đến tối mới thấy anh ta trả lời đúng một chữ “Ừ”, tôi đọc xong mới yên tâm thở hắt ra một tiếng, sau đó máy ảnh đi quanh quanh khu hội chợ và triển lãm xem có thứ gì hay ho không.
Đang lang thang thì bỗng nhiên lại thấy poster game Nguyệt Long Kích to khủng bố ở trước mặt, tôi như kiểu đi xa gặp được người quen, phấn khởi chạy lại ngó ngang ngó dọc xem tại sao nó lại xuất hiện ở đó.
Nơi quảng bá game Nguyệt Long Kích rất đông những người trẻ đang chơi thử, hình như còn diễn ra sự kiện tặng quà và đồ trong game nên có hàng trăm người đang chen chúc nhận phần thưởng. Tôi đứng từ xa nghe lỏm được giọng một anh Tây đi ngang qua nói:
– Game này hay lắm. Nghe nói tạo hình các nhân vật mang đậm bản sắc của người Việt Nam đấy.
– Ban nãy tôi chơi thử rồi, cũng được đấy. Skill khá hay, đồ cũng đẹp nữa.
– An ninh cũng ok đấy, bạn tôi chơi rồi, bảo không có loại hack nào hoạt động được quá vài tiếng đâu. Công cụ phát hiện hack nhạy hơn game mình đang chơi nhiều.
– Vậy lát nữa về tải thử xem.
Tự nhiên nghe xong tôi lại thấy lòng xốn xang vô cùng, đan xen cả một chút tự hào nữa. Ngày đầu tiên đến trụ sở công ty Game của Duy tôi đã rất ấn tượng nhất ở poster game Nguyệt Long Kích, bởi vì tạo hình nhân vật đều mặc trang phục của người Việt Nam thời xưa cả, ngay cả gương mặt cũng thuần Việt chứ không giống các game khác trên thị trường.
Giữa một thị trường có trăm nghìn trò chơi trực tuyến như thế này, các nhà phát hành game thường có xu hướng tạo hình cho nhân vật ăn mặc hở hang để hút khách, điển hình là game Sử Hộ Vương, tạo hình Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Hồ Xuân Hương rất phản cảm. Nhưng đối với Nguyệt Long Kích do chính tay Duy đã thiết kế và tạo hình từ A đến Z thì lại khác, một trò chơi trực tuyến không những hay mà còn mang đậm bản sắc của người Việt, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tôi làm phóng viên ba bốn năm rồi, chưa từng thấy Game nào được đón nhận nhiều như game này của anh ta.
Có phải đó cũng là lý do mà khi tôi hỏi “tại sao lại quay về Việt Nam”, anh ta đã trả lời rằng “vì ai cũng có tổ quốc của riêng mình” không nhỉ?
Một người luôn để tổ quốc ở trong tim như vậy thực sự rất đáng để người ta phải ngưỡng mộ. Và bỗng nhiên giờ phút này tôi cũng cảm thấy ngưỡng mộ y như vậy.
Nghĩ đến đây, tôi tủm tỉm cười một mình rồi chạy lại xếp hàng chờ chơi thử Game Nguyệt Long Kích. Người đến khu quảng cáo game này rất đông, người tôi thì nhỏ, đứng chen chúc thì không tránh khỏi việc bị xô đẩy.
Đang loay hoay để tìm cách đứng vững thì đột nhiên có một cánh tay kéo tôi ra khỏi đám đông. Anh Minh mặt mày đầy mồ hôi, thở hổn hển bảo tôi:
– Chị dâu, sao chị lại ở đây?
– Hả? Chị dâu gì ạ?
– Chị lấy anh cả thì bọn em phải gọi là chị dâu chứ. Đâu phân biệt tuổi tác.
– À… à… anh cứ gọi em bình thường là được rồi. Em vẫn còn ít tuổi mà.
Anh Minh gãi gãi đầu, cười cười:
– Chị xếp hàng ở đó làm gì thế? Muốn chơi thử sao không bảo anh Duy dạy cho.
– Em thấy đông nên qua xem thử, tiện chơi thôi. Anh vào trong này quảng bá game ở festival hả?
– Chị đừng gọi em là anh, em tổn thọ đấy.
– Không có anh Duy ở đây, cứ xưng hô thoải mái đi. Chắc anh hơn tuổi em đấy. Anh xưng em với em thì em mới tổn thọ.
– Thế à? Thế chị… à em… vào đây lâu chưa?
– Em mới vào lúc chiều. Anh bận lắm hả? Mồ hôi mồ kê nhễ nhại kìa.
Nghe tôi nói thế, anh Minh mới giơ tay lên lau mồ hôi trên trán, nham nhở bảo:
– Bận, từ lúc mở triển lãm là bao nhiêu người bu đen bu đỏ rồi. Mà festival còn một tuần nữa, ngày nào cũng đón tiếp cả nghìn lượt khách thế này thì chết thôi.
– Chịu khó quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới đi, về kiểu gì anh Duy thưởng cho anh.
– Haha. Em nói đúng kiểu sếp đấy, đúng là vợ sếp có khác. Cách nói chuyện như cùng khuôn đúc ra luôn.
– Thế hả anh?
– Ừ, anh Duy cũng nói một câu y hệt em. Bảo bọn anh chịu khó quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới đi, mỗi tội không nói đến thường thôi.
– Haha. Thế anh Duy không đi cùng với anh ạ?
– À… ừ… anh cũng không biết sếp đi có vào đây không, vì bình thường lich anh ấy không cố định.
– Vâng.
– Em muốn vào chơi thử không?
– Nhưng xếp hàng đông lắm, sợ đến mai mới tới lượt.
– Thì chơi thử thế này được tặng đồ thật trong game mà, đồ ẩn trong game hiếm lắm, chỉ có sự kiện thế này thì anh Duy mới cho tặng thôi.
– Chẳng trách lại đông thế.
– Đi, vào anh dẫn chơi thử.
– Đi kiểu gì hả anh?
– Vợ sếp mà, được ưu tiên chứ.
Tôi tưởng được làm vợ sếp thì oai ghê lắm, nhưng lúc đứng ở trong chỗ gian quảng cáo của Nguyệt Long Kích mới biết vợ sếp cũng không bằng số đông. Anh Minh phải dẫn tôi đi cửa sau thì mới đến máy chơi thử được.
Từ nhỏ tới lớn tôi không chơi game gì, đụng đến mấy trò này là tay chân luống cuống, may sao có anh Minh đứng bên cạnh chỉ dạy từ A đến Z, đến khi quen tay rồi thì thích quá, vừa bắn nhau ầm ỹ vừa hú hét loạn lên.
Tôi ôm máy chơi thử suốt mấy tiếng đồng hồ, gào đến khản cả giọng, lúc sau gian triển lãm sắp đóng cửa mới miễn cưỡng đứng dậy đi về. Trước khi đi khỏi còn không quên vỗ vai anh Minh:
– Em chơi đến cấp sáu rồi đấy, chẳng mấy chốc mà đuổi kịp được anh.
– Em thích thì mai đến chơi tiếp, anh với em solo.
– Nhưng mà mai em phải đi săn tin rồi. Hẹn anh lúc nào em rảnh rỗi nhé.
– Ok, khi nào cần thì cứ đến đây tìm anh nhé. Bọn anh chỉ ở quanh quanh đây thôi.
– Vâng.
– Mà em ở khách sạn nào, anh đưa về.
– Thôi không cần đâu, khách sạn em ở ngay gần đây thôi, em đi bộ tý là đến. Hôm nay các anh mệt rồi, tranh thủ nghỉ ngơi đi.
– Ừ. Anh biết rồi.
Ngày hôm sau, tôi đi chụp ảnh để lấy tư liệu viết bài cả một ngày, đêm về mệt nên vào tới phòng là lăn ra ngủ. Hôm kế tiếp thì tôi rảnh rỗi hơn, ban ngày đi đến các khu lễ hội, ban tối bớt chút thời gian đến thăm bọn anh Minh.
Anh Minh vừa thấy tôi đến đã cười tít mắt, dẫn tôi đi cửa sau để chơi game tiếp. Lần này tôi lết lên được cấp 8 là cổ họng đã khàn đặc, chơi đến mãi hơn mười rưỡi tối mới chào mọi người để ra về.
Tôi đi bộ về khách sạn một mình, lúc này sương xuống, cổ họng càng lúc càng rát, có lẽ do lúc chơi game phấn khích quá nên hò hét nhiều, giờ sắp viêm họng mất rồi.
Tôi sợ ốm nên bước chân vội vã đi nhanh hơn, định về khách sạn sớm rồi leo lên giường ủ ấm cho đỡ đau, không ngờ vừa đi được một quãng thì lại nghe giọng anh Minh gọi í ới ở ngay sau lưng mình.
– Này, Dương ơi. Chờ anh với.
Tôi quay đầu lại, thấy lão ấy đang chạy như ma đuổi từ chỗ khu triển lãm đến chỗ tôi:
– Ơ, có việc gì thế hả anh?
– Trà… gừng… với cả… khăn nữa này.
Lúc này tôi mới để ý trên tay anh Minh còn cầm theo một cốc trà gừng nóng đang bốc khói nghi ngút, cổ họng tôi đau, bình thường mỗi lần bị viêm toàn uống một cốc trà gừng rồi ngủ một giấc, ngày mai dậy là khỏi. Ở trong này đang không biết kiếm gừng tươi ở đâu thì bỗng dưng lại có anh Minh mang đến. Anh Minh nói:
– Nãy hét khàn hết cả cổ rồi đúng không?
– Vâng, nhưng mà… sao tự nhiên anh tốt với em thế?
– Không phải anh tốt với em đâu, mà là… à… em mà ốm thì sếp chửi anh chết nên anh mới mang đến cho em đấy. Khăn này sạch, quàng vào rồi đi về cho ấm, đảm bảo anh chưa quàng thử bao giờ đâu.
Tôi cười cười, nhận lấy khăn rồi cầm cả cốc trà gừng, không muốn đôi co xem tại sao anh Minh lại phải tốt với tôi nữa mà chỉ nói cảm ơn:
– Cảm ơn sếp Duy với cảm ơn anh nhé.
– Ừ, thôi em về sớm đi, sương xuống nhiều lắm đấy. Cẩn thận đừng để ốm nhé.
– Vâng. Em về đây.
Sau khi anh Minh đi rồi, tôi quàng khăn vào cổ rồi ôm cốc trà gừng nóng đi về. Chẳng hiểu có phải do lời nói của anh Minh làm tôi tự tưởng tượng hay không mà đột nhiên mũi tôi lại cảm thấy trên khăn có vương mùi của Duy.
Đúng rồi, rất nhẹ, rất nhạt thôi, nhưng mùi này giống hệt mùi trên người anh ta. Thơm thơm dễ chịu, phảng phất giữa đêm giá rét thế này lòng tôi cũng phải xốn xang!!!
***
Lời tác giả: Mai là thứ 7, tớ nghỉ nhé cả nhà. Lạnh thế này chỉ muốn rúc trong chăn cho ấm thôi. Hehe.
Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ!


Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK