Thật ra tay ông chẳng làm sao cả. Quý Lợi Vinh và Thương Dăng Tô chì hù dọa chứ không chặt thật.
Đêm khuya hôm đó cha mới về nhà, người đầy mùi rượu, xem ra đã quá chén. Ông miệng hát kinh kịch, tay cầm một bầu rượu lảo đảo bước vào nhà, la lớn: “Con gái, con xem cha hôm nay phát tài rồi! Phát tài rồi, xem này, bạc, bạc nhiều như vậy… bạc quả nhiên là thứ tốt đẹp, có nó, ai cũng phải gọi cha một tiếng đại gia…” Cha vừa nói vừa móc trong người ra mười thỏi bạc quăng lên cái bàn lung lay sắp gãy.
Dưới ánh đèn dầu yếu ớt, những thỏi bạc ánh lên loang loáng, chói tới mức làm đau mắt người. Chính vì thứ này mà cha đã mang tôi đem bán, cả cuộc đời từ nay về sau vùi dưới đất đen.
Cha lại bắt đầu vui sướng hoa chân múa tay, đứng không vững liền ngã song soài ra đất. Tôi lạnh lùng nhìn ông, vẫn không ngơi việc đang làm dở.
Cha bỗng nhiên khóc rống lên, những tiếc nấc nghẹn truyền đi rất xa, nước mắt nước mũi lem nhem đầy mặt, khuôn mặt cũng đau khổ nhăm nhúm lại. Tôi chưa bao giờ thấy ông khóc nhiều như vậy, nhưng vẫn kệ cho ông khóc.
Cha khóc hồi lâu bỗng dập đầu liên tiếp vào tường, vừa đập vừa nói: “Con ơi, là cha hại con, là cha ham tiền, là cha đáng chết. Sau này xuống suối vàng làm sao cha dám gặp mặt mẹ con…” Đầu cha dội vào tường ầm ầm, rồi một dòng máu chảy xuống.
Tôi lặng lẽ đứng lên, rút một chiếc khăn đưa sang.
Ông có vẻ như đã tỉnh rượu, nhận khăn, nhìn vào mắt tôi đầy kinh ngạc và hổ thẹn.
Ông lau máu trên mặt, cúi đầu không dám nhìn tôi, lát sau mới hỏi: “Con gái, con biết hết rồi sao?”.
Tôi gật đầu. Sao lại không biết được? Nhìn cũng biết, rõ ràng cha thông đồng với Quý Lợi Vinh và Thương Dăng Tô lừa tôi, ngay từ đầu tôi đã biết họ đang gạt mình. Nhưng cũng may đó chỉ là một vở kịch, nếu không hai tay cha e rằng đã không còn.
Con cái là món nợ kiếp trước của cha mẹ, nhưng nợ cha mẹ cũng là món nợ con cái không sao trả nổi. Bao nhiêu năm qua, cha sinh ra tôi, nuôi dưỡng tôi. Để đền đáp công ơn của ông, cho dù biết rõ kia là một cái bẫy, tôi vẫn chẳng có lý do gì để không cắm đầu nhảy vào. Mấy năm gần đây, cha đánh bạc thua liên miên, uống rượu không có tiền trả, nên bị người ta khinh thường, ông sinh ra sợ cái nghèo. Phận làm con, hy sinh hạnh phúc bản thân để thỏa mãn ý nguyện của cha, chuyện đó không có gì đáng oán.
Tính tình tốt cũng giống như cái họ của mình, lạnh lùng trời sinh. Từ sau khi mẹ mất, cha trở nên nhu nhược. Mấy năm nay, cả nhà đều do tôi gánh vác, bởi vậy cha vẫn có chút e sợ tôi. Hiện tại cha ngồi co rúm trong góc, không dám thốt một lời, chờ tôi lên tiếng. Tôi nhìn mái tóc bạc trắng của ông, những nếp nhăn trên mặt từng đường từng đường khắc sâu như rãnh, trán bị đập vào tường sưng tướng lên, vẫn còn rớm máu, trên hàng râu mép pha sương vương sắc đỏ. Ông chốc hốc lại dùng ống tay áo vá víu chằng chịt quệt quệt máu trên đầu làm cho máu dây đầy người. Lòng tôi đau xót, cổ họng thấy nghèn nghẹn. Tôi vội vờ như chẳng mảy may dao động, thản nhiên nói: “Cha đứng dậy lên giường nằm đi. Để con bôi thuốc cho”.
Cha theo lời đứng lên, nằm xuống giường, tôi thoa thảo dược cho ông. Sau đó, tôi ngồi dưới ánh đèn dầu bắt đầu làm mấy việc vặt, cha nằm trên giường trằn trọc không nói một lời.
Qua nữa canh giờ, tôi đứng lên đi tới bên giường, cúi đầu nói: “Cha, bộ đồ này con vừa may vội. Con gái sắp thành thân, dù sao cha cũng phải tươm tất một chút, phải có một bộ cánh đàng hoàng mà mặc chứ”.
Cha bỗng nhiên trở mình ngồi dậy, ôm lấy tôi bật khóc như một đứa trẻ. Cha khóc không thành tiếng, nói với tôi: “Con gái, nhà ta không gả chồng nữa, không lấy tên bệnh lao họ Thẩm kia nữa. Nhất định sáng sớm mai cha sẽ đem trả lại bạc cho người ta, nói với lão thái bà bên nhà họ Thẩm con gái nhà cha không muốn gả nữa”.
Tôi mỉm cười, bảo: “Gả chứ, sao lại không gả.” Thẩm gia giàu sang quyền thế, một câu “không gả nữa” mà có thể cho qua chuyện sao? Năm trăm lượng bạc của người ta cha cũng đã tiêu hết non nửa, lấy gì trả lại? Huống hồ cha tôi vốn là người như vậy. Hiện tâm trạng ông đang kích động, lời nói ra thật không đáng tin. Nếu tôi thực sự không gả đi, chờ tỉnh táo nghĩ lại, nhất định ông sẽ hối hận đến chết.
Quả nhiên chiều hôm sau Thẩm gia tới đón dâu, vừa nhìn thấy hai xe chở đầy sính lễ, vẻ mặt như đưa đám của cha lập tức tươi rói.
Sinh lể tuy hậu, nhưng nghi lễ thành hôn lại cực kỳ đơn giản. Ngoại trừ việc Thẩm lão phu nhân trao đổi ngày tháng năm sinh của tôi và Thẩm Hồng với cha, còn lại lễ Nạp thái , Vấn danh, Nạp cát, Thính kỳ [1] đều không có.
Người đến đón dâu là Tam công tử Thẩm Tề của nhà họ Thẩm. Sau khi Thẩm Tề sai mọi người dỡ sính lễ xuống mới bắt đầu đốt pháo. Lúc này tôi sớm đã trang điểm xong, được hai phụ dâu dìu lên kiệu hoa. Vì kỵ chuyện Thẩm Hồng nạp thiếp lúc đang mang bệnh, ngay cả mũ phượng khăn choàng tôi cũng không mang, chỉ mặc lên người một bộ y phục đỏ rồi trùm một tấm khăn đỏ chói lên đầu.
Lúc đó, chiêng trống ngập trời, vang lừng rộn rã, kiệu hoa khởi hành. Nhìn xuyên qua tấm mành kiệu thêu nổi long phượng, tôi thấy cha lấy ống tay áo chấm lệ. Đầu ông vẫn đang băng vải trắng. Gió thu hiu hắt, gian nhà tranh của chúng tôi run rẩy từng cơn trong ánh tà dương màu máu, cảnh vật bỗng trở nên thấp thoáng chờn vờn, không thể phân biệt đâu là thực đâu là hư ảo.
Kiệu hoa đi được nửa đường, tôi rút chiếc nhẫn bằng đồng thau vẫn đeo ở tay ra, thừa lúc không ai chú ý, ném đi thật xa. Đó là thứ duy nhất Hình Phong ca để lại cho tôi. Ném nó đi, cả người tôi bỗng nhiên trống rỗng. Hết thảy đều là của người khác, còn lại cho tôi chỉ có thể là thần sắc trống rỗng này thôi.
Đầu óc vẫn đang mơ hồ thì kiệu hoa đã đến trước của nhà họ Thẩm. Tiếp đó, tôi được hai phụ dâu đỡ xuống kiệu, rồi khăn đỏ cũng bị dỡ xuống.
Tôi nhìn thấy Cúc ma ma đang đứng ở cửa lớn, tóc búi cao, người mặc bộ áo nhung lụa lóng lánh, vẻ vênh vang. Bà ta hô lớn: “Người đâu, mang chậu than đến đây”.
Lập tức có bốn nha hoàn ăn vặn đẹp đẽ khiêng lên một chậu than lớn. Người xưa bảo mỗi khi tân nương vừa lên kiệu, phía sau sẽ có quỷ bám theo. Ma quỷ sợ lửa, không thể bước qua chậu than, vậy nên thời Tây Tống, tân nương trước khi vào nhà chồng phải bước qua chậu thang thế nhưng chưa từng thấy chậu than nào lớn như vậy. Chậu này xem chừng dài ba thước, rộng ba thước, bên trong củi cháy rừng rực, gặp người không cẩn thận có khi ngã vào luôn.
Cúc ma ma kia dẫn tôi đến trước đại môn, lớn tiếng hét: “Tân nương mau bước qua chậu than đi, để lỡ giờ lành, Lão phu nhân trách tội thì không ai gánh nổi đâu”.
Một thiếu phụ mặc váy voan màu hồng nhạt quay sang nói với Cúc ma ma: “Cúc ma ma, chậu than này có lớn quá không? Lỡ tân nương không cẩn thận bị thương thì phải làm sao?”. Người vừa cầu tình giúp tôi là chính thất của Thẩm Hồng – Liễu Vũ Tương, chuyện đó sau này tôi mới biết.
Cúc ma ma dựng ngược mày lên, liếc xéo Liễu Vũ Tương, lớn giọng: “Đây là ý của Lão phu nhân! Con gái nhà hèn mọn, trên người toàn mấy thứ chẳng đâu vào đâu, nếu muốn bước chân vào họ Thẩm chúng ta thì trước tiên phải trừ hết mấy thứ ta khí đó đã. Bị thương tất sẽ có thuốc bỏng tốt nhất để chữa. Chứ không trừ hết xui xẻo đi, ma quỷ vào cửa rồi thì ai chịu trách nhiệm cho? Tôi nói phu nhân này, cô làm ơn ở yên đấy giúp cho. Hôm nay là ngày đại hỉ của Đại công tử, dù lòng không dễ chịu cũng đừng đổ lên người tôi chứ”.
Nghe Cúc ma ma cạnh khóe, nước mắt Liễu Vũ Tương tuôn rơi, nàng cố kìm lại, im lặng không nói thêm nữa. Bà vú già vội quay sang khuyên: “Cúc ma ma xin bớt giận, để lỡ giờ lành chẳng phải không tốt sao?”
Cúc ma ma liền đắc ý, lớn giọng hô: “Tân nương mau bước qua chậu than hồng.”
Tôi đứng trước chậu than, cắn răng nhắm mắt bước nhanh về phía trước. Nếu không phải bình thường tôi hay đuổi gà rừng, bước chân rất linh hoạt, không thì làm sao mà an toàn vượt qua chậu than hồng rừng rực lửa.
Lập tức có vài người không nhịn được phải vỗ tay trầm trồ khen ngợi. Tôi thấy Liễu Vũ Tương thở phào nhẹ nhõm một tiếng, còn Cúc ma ma kia sắc mặt trở nên vô cùng khó coi.
Mãi sau tôi mới biết, tất cả những khó khăn trước lễ thành hôn này đều không phải chủ ý của Thẩm lão phu nhân, này đều do Cúc ma ma kia dốc tâm ý an bài. Cúc ma ma tên gọi là Tử Cúc, là nha hoàn của Thẩm lão phu nhân, cùng bà đến Thẩm gia, ngoài Cúc ma ma còn có một nha đầu khác tên Thúy Lan, chính là mẫu thân của Tam công tử Thẩm Tề.
Thẩm lão phu nhân trời sinh tính tình mạnh mẽ, nhiều năm sau khi bà tới Thẩm gia, Thẩm lão gia vẫn sợ bà một phép, trong lòng không khỏi không vui. Lúc này, Thúy Lan dịu dàng động lòng người xuất hiện, bù đắp sự thiếu thốn trong lòng Thẩm lão gia. Thẩm lão gia vốn tính tình nhu nhược lại không ngại cãi vả với Thẩm lão phu nhân, nhất định nạp Thúy Lan làm thiếp. Đáng tiếc Thúy Lan sau khi sinh Thẩm Tề được vài năm đã qua đời. Thẩm lão gia vì nhung nhớ Thúy Lan, trong lòng u uất, vài năm sau cũng nhắm mắt xuôi tay. Chuyện liên quan đến Thúy Lan khiến Thẩm lão phu nhân chịu đả kích rất lớn trong một thời gian dài.
Thúy Lan là người đã lớn lên cùng bà, Tử Cúc sau này mới tới, từ nhỏ bà đã vô cùng thân thiết với Thúy Lan, đối đãi như tỷ muội. Thế nhưng chính người muội muội này đã lấy đi tình cảm trượng phu dành cho bà. Nỗi hận của bà đối với Thúy Lan ngày càng tăng, dù Thúy Lan có chết rồi vẫn chưa nguôi ngoai bớt. Ngược lại, từ đó về sau bà hết sức coi trọng Tử Cúc. Mọi việc từ lớn đến nhỏ trong nhà họ Thẩm bà đều giao cho Tử Cúc coi sóc. Ngay cả ba vị thiếu gia nhà họ Thẩm có việc cũng phải nhìn sắc mặt Cúc ma ma mới dám làm, Liễu Vũ Tương vốn tính thiện lương ngay thẳng, không thể theo Mai Nhiêu Phi, Sâm Khê Huyền mà nịnh bợ Cúc ma ma, vậy nên bình thường nàng đều bị gạt sang một bên, bị mỉa móc.
Nạp thiếp cho Thẩm Hồng là chủ ý của Cúc ma ma. Làm khó dễ tôi ngay trước hôn lễ cũng lại là bà ta. Đơn giản bà ta chỉ muốn tôi biết khó mà e dè, hiểu rõ sự lợi hại của bà ta, sau đó sẽ về phe cánh của bà ta, làm tay chân cho bà ta, cùng bà ta đối phó với Đại thiếu phu nhân Liễu Vũ Tương. Đáng tiếc lúc đó tôi không hiểu những việc này. Mà thật ra dù hiểu cũng chưa chắc tôi chịu tiếp thu sự “dạy dỗ” của bà ta. Lãnh Cửu Dung tôi tuy tính cách lạnh lùng nhưng quyết không làm việc trái với lương tâm.
--- --------
[1] - Nạp thái: là lễ đến nhà gái để ngỏ ý về việc đã chọn một người con gái gia đình ấy.
- Vấn danh: Theo đúng nghĩa chữ vấn danh, lễ này cốt để nhà trai hỏi rõ tên, tuổi người con gái và mẹ đẻ người ấy, để biết rõ hơn về thân thế cũng như sự giáo dục của người này.
- Nạp cát: Lễ này có nghĩa là nhà trai đã bói được quẻ tốt về hôn nhân giữa đôi trai gái.
- Thịnh kỳ:Lễ này có mục đúch xin nhà gái ấn định ngày làm lễ cưới dựa theo ngày tháng tốt xấu.