Minh Nguyệt Hân Nhi hình như cũng sinh ra rất nhiều tâm sự, không còn ríu rít không ngừng khi không có việc gì nữa, lại thường xuyên một tay chống má, xiêu vẹo ngồi bên bàn đá dưới gốc cây ngô đồng, ngơ ngác nghĩ những nỗi trong lòng. Tôi nghĩ thầm, con gái lớn rồi không nên giữ lại trong nhà, giữ đi giữ lại hóa ra thù, phải chăng tôi nên tìm cho con bé một gia đình để gả phắt đi.
Từ sau khi Băng Nhi qua đời, Bảo Bảo đi theo Băng Ngưng.Thần tình của cô bé không nhìn ra mấy nét thay đổi, nhưng tôi biết, có vài lần trong đêm không ngủ được, tôi xuống giường đi lại trong sân thì nghe tiếng khóc trầm thấp kìm nén truyền ra từ trong phòng Bảo Bảo. Bảo Bảo và Băng Nhi tình như thủ túc, Băng Nhi chết đi, người buồn bã đau lòng nhất, đương nhiên cũng bao gồm Bảo Bảo.
Băng Ngưng cũng trở nên trầm mặc kiệm lời, ngày ngày ngoại trừ luyện kiếm ra thì rất ít khi làm việc khác. Chỉ có lúc Thẩm gia đưa rượu đi xa, cô mới tươi vui hơn một chút. Mỗi khi cô đi theo xe rượu vào Nam ra Bắc bảo vệ hộ tống, lúc đó, tôi lại không cầm được lòng nhớ đến Băng Nhi. Nếu Băng Nhi còn sống, Băng Ngưng hà cớ gì mà phải cô đơn như thế ?
Từ sau hôm bị giáo huấn, Mai Nhiêu Phi rất ít khi ra khỏi phòng. Chỉ thi thoảng, lúc mặt trời ấm áp, mới thấy nàng ta ôm Mẫn Nhi ra sưởi nắng. Mỗi lần thấy tôi, nàng ta đều đánh tiếng gọi một cách rất căng thẳng, tiếp đó ánh mắt lại trở nên hết sức xa cách.Nghe Mộc Nhan nói, tinh thần Mai Nhiêu Phi có chút thất thường, giường như ngày nào cũng bị vây trong ác mộng, không tài nào thoát ra được. Chẳng hiểu vì sao, tôi lại càng nhớ về Mai Nhiêu Phi miệng lưỡi sắc bén, vô cớ sinh sự kia hơn. Nàng ta như thế, dĩ nhiên có lúc khó tránh khỏi làm người khác ghét bỏ, nhưng tình thần lại phấn chấn mạnh mẽ, không giống kiểu chẳng chút sinh khí nào như bây giờ, dáng vẻ như chỉ còn lại nửa cái mạng.
Khác biệt với Mai Nhiêu Phi, Sầm Khê Huyền trở nên cực kỳ thô bạo. Cô nàng vốn là người nịnh hót tứ bề, khéo léo tinh ranh, hiện giờ lại không giống như trước kia, thản nhiên với người với vật. Động một chút là trách mắng nha hoàn, đánh chửi hạ nhân, trong phút chốc tất cả những người làm việc dưới tay cô nàng đều hết sức lo sợ, im như ve sầu giữa mùa đông, rồi lại dám giận mà không dám nói gì.
Thảng hoặc có nhìn thấy Thẩm Phúc, y vẫn xách một cái lồng nhốt chim tước, mang theo làn đựng dế, dáng vẻ vô công rồi nghề. Từ chuyện của Băng Nhi, tôi biết, thật ra Thẩm Phúc cũng không phải người như vậy, trong lòng y nhất định có rất nhiều điều bất đắc dĩ, cho nên đành phải lấy vật làm vui, chuyện trò cởi mở mà thôi.
Số lần Thẩm Tề lộ mặt ở nhà lại nhiều hẳn lên. Lần trước nghe mấy lời Lạc Lạc nói, Lão phu nhân khó tránh khỏi đem lòng nghi kỵ hắn. Thế nhưng, hắn lại làm như không có chuyện gì xảy ra, càng đối xử với Lão phu nhân kính cẩn hơn. Ở Thẩm gia, hắn nghiễm nhiên trở thành thiếu chủ nhân, tất cả chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà, không một việc nào là không phải dựa theo sự căn dặn của hắn để làm. Ngoại trừ sự nghi ngờ với hắn ra, Lão phu nhân lại càng khó tránh được áy náy mà lung lạc, thế nên càng để cho hắn tùy tiện hơn.
Chuyện mừng đáng giá duy nhất chính là bệnh tình của Thẩm Hồng cuối cùng đã ngày càng tốt hơn. Đến đầu mùa hạ, nhờ sự dìu đỡ của tôi và Bảo Bảo, chàng đã có thể xuống đất đi lại được. Sắc mặt chàng bắt đầu trở nên hồng hào hơn, thân thể cũng càng ngày càng tráng kiện. Nghe Minh Nguyệt Hân Nhi và Bảo Bảo nói, trước khi bị bệnh, Thẩm Hồng là một người vô cùng độ lượng dịu dàng,đối xử với người khác rất tốt. Nhưng tối thấy phần lớn thời gian của chàng dành cho việc nhíu mày trầm tư, giống như trong lòng ẩn giấu vô vàn tâm sự. Chàng không dễ dàng cười với ai, cũng không nói chuyện to tiếng. Tôi nghĩ bụng: Chuyện thê tử kết tóc Liễu Vũ Tương và cái chết của Băng Nhi thật sự là đả kích quá lớn với chàng. Nam nhân này, vừa mới thoát khỏi vòng vây bệnh tật, lại rơi xuống vực thẳm mất đi người thương, những khổ sở trong đó chỉ có chính chàng mới rõ. Vậy là, tôi dốc hết khả năng của mình, đối xử với chàng tốt hơn, để trong lòng chàng không còn cảm thấy buồn khổ. Lúc mới đầu, chàng không dễ đón nhận, nhưng dần dà, rồi chàng cũng quen với sự bầu bạn của tôi.
Giữa tháng Sáu, tiết trời nóng như đổ lửa. Tôi và Bảo Bảo ở trong vườn trồng những gốc hoa hồng rực rỡ đang xòe cánh đua sắc, hương thơm thấm vào người, cả đại viện Thẩm gia đều tràn trong hương sắc.
Sáng sớm ngày hôm đó, tôi dìu Thẩm Hồng đến vấn an Lão phu nhân. Lão phu nhân vội căn dặn hạ nhân lấy ghế tựa cho Thẩm Hồng ngồi, hòa nhã nói: “Hồng Nhi, thân thể con còn chưa bình phục hẳn, không cần đến thỉnh an ta đâu”. Thẩm Hồng cười nói: “Làm phiền mẹ lo lắng cho nhi tử, hiện giờ con đã khỏe lắm rồi. Đôi khi không cần Cửu Dung đỡ, cũng có thể tự mình đi được”.
Lão phu nhân gật đầu nói: “Vậy thì tốt.Mấy năm nay con đau ốm liên liên, đến bây giờ cuối cùng cũng dần dần bình phục, mẹ thấy vậy trong lòng cũng an tâm, nhờ liệt tổ liệt tông Thẩm gia nên trời linh thiêng”. Lão phu nhân nói xong, liền dùng ống tay áo lau dấu lệ nơi khóe mắt.
Cúc ma ma thấy thế, vội nói: “Lão phu nhân chớ thương cảm. Hôm nay còn một tin tốt lành nữa muốn báo cho người”.
Lão phu nhân cũng cười nói: “Cúc ma ma có tin tốt lành gì muốn báo?”.
Cúc ma ma đưa Mai Nhiêu Phi đến trước mặt Lão phu nhân nói: “lão phu nhân, tin tốt lành đó chính là, người lại sắp được làm bà nội một lần nữa. Nhị thiếu phu nhân lại có rồi”. Mai Nhiêu Phi hôm nay khắc hẳn với trạng thái suy nhược trước đó, chân mày khóe mặt đong đầy ý cười, xấu hổ đứng trước mặt Lão phu nhân.
Lão phu nhân lại không kinh ngạc mừng rỡ như dự liệu, chỉ “ừm” một tiếng, hỏi: “Có mấy tháng rồi”.
Mai Nhiêu Phi vội trả lời: “Mới hơn hai tháng”.
Lão phu nhân gật gật đầu, cười bảo: “Đây đúng thật là một chuyện vui lớn. Phi Nhi phải giữ gìn thân thể cho tốt. Muốn ăn muốn uống cái gì, cứ nói cho Cúc ma ma hoặc Khánh thúc, để bọn họ đi mua cho, nhất thiết không được bạc đãi cháu ta, tự mình phải cẩn thận mới được”.
Mai Nhiêu Phi vốn thấy Lão phu nhân chỉ khẽ “ừm” một tiếng cho là bà không thích, đang thất vọng thì lại nghe bà mềm giọng thăm hỏi, nhất thời hớn hở ra mặt, ngoan ngoãn đáp: “Đa tạ Lão phu nhân, Phi Nhi biết ạ”.
Ánh mắt Lão phu nhân bỗng nhiên chuyển về phía Thẩm Hồng và tôi, nói: “Hồng Nhi, con nhìn xem, đệ muội của con lại có thai rồi. Mấy năm nay sức khỏe con không tốt, chưa thể có con, hôm nay đã bình phục hiếm thấy, không biết con tính khi nào cùng phòng với Cửu Dung, cũng sinh một đứa bé mập mạp cho mẹ đây?Đến lúc đó, tất cả tâm sự của mẹ mới coi như là hoàn toàn chấm dứt”.
Khuôn mặt Thẩm Hồng hơi đỏ lên. Năm nay chàng đã hai mươi chín, nhưng dáng vẻ mảnh khảnh thư sinh, nên thoạt nhìn còn có vẻ nhỏ hơn Thẩm Phúc mấy tuổi. Chàng lên tiếng: “Mẹ, việc này không thể vội vàng được”.
Vẻ mặt Lão phu nhân chợt trở nên nghiêm nghị nói: “Hồng Nhi, hay là trong lòng con vẫn còn nhớ đến ả đàn bà kia?”
Sắc mặt Thẩm Hồng cũng thay đổi, chàng ho dữ dội mấy tiếng, nói: “Chuyện đã qua rồi thì cứ để cho nó qua, không nên nhắc lại nữa”.
Lão phu nhân mặt chuyển sang hờn, đứng dậy, phất tay áo bỏ đi. Những người khác cũng tản mát theo.
Thẩm Hồng vẫn ngồi yên chỗ cũ, hồi lâu sau mới cất giọng hỏi tôi: “Cửu Dung, trong lòng muội có trách cứ ta không quên được nàng ấy không?”
Tôi lắc đầu cười. Sao tôi có thể trách Thẩm Hồng không quên được Liễu Vũ Tương đây? Đã hơn một năm rồi, mặc dù ngày ngày ở bên cạnh Thẩm Hồng, trên đầu đội vòng nguyệt quế tiểu thiếp nhà họ Thẩm, nhưng trong lòng, tôi chưa từng quên Hình Phong ca. Đường biên ải xa xôi, “Thương thay xương trắng bờ Võ Định, người còn trong mộng giấc khuê phòng [1]”, chỉ là không biết huynh ấy…trên chiến trường khói lửa liên miên, hiện giờ có còn sống? Mọi chuyện có được tốt hay không?
[1] Trích hai câu thơ trong Lũng Tây hành của nhà thơ Trần Đào