Một hôm trước tiết Thanh minh đi chơi ngoài thành thấy một chiếc xe nhỏ mui gấm rèm thêu, có vài người tỳ nữ cưỡi ngựa thong thả theo sau, trong đó có một nàng cưỡi con ngựa tốt, dung mạo rất đẹp. Bèn tới gần nhìn, thấy rèm xe đang vén lên, bên trong có một nữ lang trạc mười sáu tuổi, trang sức lộng lẫy, bình sinh chưa thấy ai đẹp như vậy nên mắt hoa đầu váng cứ đuổi theo nhìn, khi thì chạy lên trước, lúc thì tụt lại sau, theo suốt mấy dặm.
Chợt nữ lang gọi người tỳ nữ tới cạnh xe nói “Buông rèm xuống cho ta! Gã tiểu tử ngông cuồng kia ở đâu dám lại đây nhìn ngó?” Người tỳ nữ buông rèm xe xong ngoái nhìn sinh giận dữ nói “Đây là vợ mới cưới của Thất lang ở thành Phù Dung về nhà thăm cha mẹ, không phải như các cô gái nhà quê, phải dạy cho học trò hỗn láo nhà ngươi mới được". Dứt lời cầm một cục đất dính ở bánh xe ném vào mặt sinh, sinh tối cả mắt lại. Đến khi gỡ được bùn đất ra nhìn thì đoàn xe ngựa đã đi xa, sợ hãi trở về.
Thấy con mắt xốn xang rất khó chịu, nhờ người khác vạch mi mắt ra xem thì trong con ngươi có một cái màng, qua một đêm càng cộm thêm, nước mắt chảy giàn giụa không ngừng. Cái màng ấy ngày càng to, qua vài ngày dày như đồng tiền, mắt trái cũng bị sưng như vậy, thuốc thang gì cũng không khỏi, buồn rầu muốn chết, tự lấy làm hối hận.
Nghe nói kinh Phật có thể giải ách bèn tìm một quyển, nhờ người đọc cho để học thuộc lòng mà tụng. Buổi đầu còn thấy lo lắng phiền não, sau dần thấy tinh thần thư thái, ban tối rảnh rỗi thì ngồi xếp bằng lần tràng hạt mà niệm, được một năm thì thấy hoàn toàn yên ổn.
Chợt nghe trong con mắt bên trái có một giọng nói nhỏ như tiếng nhặng vo ve rằng "Tối tăm như ban đêm thế này, ai mà chịu nổi" Trong con mắt bên phải cũng có một giọng đáp "Hay chúng ta cùng ra ngoài chơi một lúc đi, cho đỡ buồn bực". Kế sinh dần dần thấy trong mũi có cái gì cọ quậy rất ngứa ngáy, như có con vật bò ra, một lúc lâu thì trở lại, lại theo lỗ mũi mà vào. Vào tới trong lại nói “Lâu quá không ra vườn chơi, giò lan Trân châu đã chết khô rồi".
Sinh vốn rất thích lan, trong vườn trồng rất nhiều, hàng ngày vẫn ra tưới bón, nhưng từ khi bị lòa thì lâu không hỏi tới. Lúc bấy giờ chợt nghe thấy thế, bèn căn vặn vợ "Sao lại để lan chết khô như vậy?". Vợ hỏi sao biết, sinh kể lạ nguyên do, vợ ra vườn nhìn xem thì giò lan quả đã khô quắt rất lấy làm lạ lùng. Bèn lặng lẽ núp lại trong phòng, thấy có hai người bé tí nhỏ hơn hạt đậu từ trong lỗ mũi sinh bò ra thoắt cái đã ra khỏi cửa, nhìn theo thì đã mất dạng. Loáng sau lại sóng đôi bay về, đáp xuống mặt sinh, lại như con ong về tổ chui trở vào, cứ như thế suốt hai ba hôm.
Chợt sinh nghe người bên mắt trái nói "Đường hầm quanh co khuất khúc, ra vào qua lại bất tiện quá, chẳng bằng mở lấy một cái cửa". Người bên mắt phải nói "Vách bên ta rất dày, không dễ đâu”. Người bên mắt trái nói "Để ta phá thử xem, nếu được sẽ cùng ngươi dùng chung”. Kế thấy trong con mắt trái như có cái gì xé toạc ra, giây lát mở mắt ra nhìn, thì lại thấy mọi vật như thường.
Sinh mừng rỡ nói với vợ, vợ tới xem thì thấy cái màng trong mắt trái đã vỡ ra một lỗ, tròng đen di động như hạt tiêu. Qua một đêm thì lớp màng mất sạch, nhìn kỹ vào thì thấy mắt có hai con ngươi nhưng mắt phải vẫn bị sưng phồng lên như cũ, mới biết hai người trong mắt đã sang ở chung một chỗ. Sinh tuy chỉ có một mắt, nhung sáng chẳng kém người còn đủ hai mắt, nhìn gì cũng thấy. Từ đó ngày càng tự kiểm thúc, người làng khen là có nết tốt.
Dị Sử thị nói: Làng ta có người học trò cùng hai người bạn đi trên đường, thấy xa xa có một thiếu phụ bèn thúc lừa chạy vượt lên ngâm đùa rằng “Có người đẹp chừ”* rồi nhìn hai người bạn nói “Đuổi theo mau” định trêu ghẹo đùa bỡn. Giây lát đuổi kịp thì là vợ con trai, mất cả khí thế, ngậm tăm không nói gì. Hai người bạn lại làm ra vẻ không biết, cứ bô bô bình luận này nọ. Người học trò sượng ngắt, ấp a ấp úng nói "Đây là con dâu lớn của ta", họ mới nhịn cười mà thôi đi. Kẻ tính hạnh khinh bạc thành ra tự làm nhục mình, thật đáng cười vậy. Đến như mù mắt hết thấy đường, thì đó là quỷ thần báo oán đấy. Thành chủ thành Phù Dung không rõ là thần nào, hay là Bồ Tát hiện thân chăng? Nhưng lang quân bé tí phá vách mở cửa, thì quỉ thần tuy ghét kẻ xấu nết cũng đâu không cho người ta tự sửa mình.
* “Có người đep chừ”: nguyên văn là “Hữu mỹ nhân hề”, chữ trong bài phượng cầu hoàng của Tư Mã Tương Như hát khi khêu gợi Trác Văn Quân “Hữu mỹ nhân hề, kiến chi bất vương (vong), Nhất nhật bất kiến hề, tư chi như cuồng...” (Có người đẹp chừ, gặp rồi không quên, Một ngày không gặp chừ, nhớ như điên cuồng), ở đây người học trò đọc để trêu gái.