Tới một ngôi nhà lớn, bọn họ bắc thang lên tường tranh nhau trèo vào, riêng Ất vì từ xa tới không thông thuộc đường sá nên được nằm lại ở bên ngoài nhận đồ vật từ trong chuyền ra. Giây lát, có một cái bao ném ra, lát sau, lại một cái hòm được ném ra. Ất bưng cái hòm thấy bên trong có đồ vật, bèn phá ra đưa tay vào mò mẫm, thấy toàn là vật nặng đắt tiền, bèn dồn cả vào một cái bao, vác lên trốn đi luôn, ngày đêm theo đường về nhà. Nhờ đó xây dựng nhà cửa, mua ruộng tốt, nộp thóc mua phẩm hàm cho con, được quan huyện cấp cho biển “Thiện sĩ” treo ở trước cổng. Về sau vụ án ấy bị phát giác, bọn cướp kia đều bị bắt, duy có Ất không ai rõ tên họ quê quán nên quan không điều tra được, vẫn được yên ổn. Việc đã yên rất lâu, một hôm ất say rượu kể ra người ta mới biết.
Huyện Tào (tỉnh Sơn Đông) có tên tướng cướp là Mỗ vớ được chuyến hàng lớn, về làng tiêu phủ phê. Một hôm có hai ba tên cướp ranh trèo tường vào nhà bắt Mỗ đưa vàng bạc ra. Mỗ không chịu, chúng lấy dùi sắt nung đỏ dí vào người, rồi vơ vét sạch của cải trong nhà mang đi. Mỗ nói với người ta rằng "Ta không biết bị đốt da thịt khổ đến như thế". Mỗ căm hờn bọn cướp, tình nguyện gia nhập đội lính đi tróc nã, bắt được bọn cướp nào trong huyện cũng giết hết, khi bắt được bọn đã cướp nhà mình, cũng lấy dùi sắt nung đỏ đốt da thịt chúng.
Huyện ta có tên Ất nhà nghèo túng. Cuối năm trong nhà hết gạo, trên người không có được tấm áo nào lành lặn, tự nghĩ không biết lấy gì mà sống. Bèn giấu vợ, lén vác gậy ra rình trong khu mộ ngoài đồng, chờ có kẻ nào đi ngang một mình thì ra cướp. Rình rập rất lâu, nhìn xa xa chẳng thấy bóng một ai, mà gió lạnh thấu xương, chịu không nổi đã toan bỏ về. Chờ thấy một người ì ạch đi tới, mừng thầm đợi lúc tới gần bèn nhảy xổ ra. Thì ra là một ông già đeo cái túi, đứng lại bên đường năn nỉ với Ất rằng "Trên người không có vật gì đáng tiền, nhà hết gạo vừa qua vay con rể được năm đấu gạo này mà thôi". Ất cướp túi gạo, lại muốn lột cả cái áo bông, ông già khóc lóc lạy lục, Ất thương đã già bèn cho đi, vác gạo về nhà.
Vợ hỏi gạo từ đâu ra, ất nói dối là đánh bạc thắng được, nghĩ thầm cách này quá hay. Hôm sau lại ra đi, chờ không bao lâu thấy một người vác gậy tới, cũng núp vào trong khu mộ, ngồi chồm hổm nhìn nhìn ngó ngó. Ất bèn sau mộ đi vòng ra, người ấy giật mình hỏi là ai, đáp là kẻ đi đường. Lại hỏi sao không đi tiếp, Ất đáp "Chờ anh đấy thôi". Người kia cười ngất, hai bên hiểu ý nhau rồi cùng than thở chuyện đói rét. Đến khuya chẳng cướp được gì, Ất muốn về, người kia nói "Anh tuy làm nghề này, nhưng còn ngây thơ lắm. Thôn trước có người gả con gái, bày biện đến khuya, cả nhà chắc đều mỏi mệt. Anh đi với ta, được bao nhiêu thì chia đôi". Ất mừng bèn đi theo. Tới một ngôi nhà nọ, nghe sau vách có tiếng dọn dẹp bát đĩa, biết là người nhà còn thức, cùng nằm xuống chờ. Không bao lâu có người mở cửa ra múc nước, hai người nhân đó lẻn vào, thấy phòng phía bắc còn đèn sáng, các phòng khác đều tối om. Chợt nghe một bà nói "Đại thư à, về phòng phía đông xem lại xem, nữ trang của con cất cả trong rương, có khóa hay quên rồi?". Hai người nghe tiếng cô gái mệt mỏi ậm ừ, mừng thầm lẻn qua phòng phía đông. Mò mẫm trong bóng tối, thấy có cái rương dài, mở náp lên sờ soạng nhưng đáy rương sâu quá không với tới. Người kia bảo Ất "Vào đi", ất nhảy vào vớ được một cái bọc chuyền ra. Người kia hỏi hết chưa, đáp "Hết rồi". Lại nói "Tìm nữa xem", rồi đóng nắp rương cài khóa lại bỏ đi.
Ất bị nhốt ở trong, không ra được. Không bao lâu có ánh đèn lửa tiến vào phòng, soi tới cái rương, rồi nghe tiếng bà già nói ai khóa lại thế nhỉ. Kế đó hai mẹ con tắt đèn đi ngủ, Ất bí quá giả làm tiếng chuột gặm sột soạt, cô gái nói "Trong rương có chuột". Bà già nói "Coi chừng nó cắn nát áo con đấy, mẹ mệt lắm rồi, con dậy xem đi”. Cô gái mặc áo trở dậy mở khóa giở nắp rương lên, Ất bất ngờ nhảy ra, cô gái hoảng sợ ngã lăn xuống đất, Ất tuông cửa chạy bạt mạng, tuy không lấy được gì song còn may không bị bắt. Việc nhà người gả con gái bị trộm đồn đãi khắp nơi, có người nghi là Ất. Ất sợ, trốn về phía đông hơn trăm dặm làm đầy tớ cho ngườí ta, hơn một năm lời đồn đãi đã ngớt mới lại về ở với vợ, không dám làm nghề trộm cướp nữa. Đây là theo chính lời y kể lại, vì giống với truyện họ Thân* nên chép phụ vào đây.
*Truyện họ Thân: tức truyện Thân thị, quyển IV.