Mục lục
Liêu Trai Chí Dị II
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Công tử họ Tôn ở huyện Lạc Dương (tỉnh Hà Nam) tên Kỳ, cưới con gái quan Thái sử họ Tưởng, vợ chồng rất tương đắc. Năm hai mươi tuổi nàng chết, Tôn đau buồn khôn xiết, rời nhà vào ở một sơn trang trong núi. Một hôm mưa dầm nằm ngủ trưa, trong phòng không có ai khác, chợt thấy dưới màn ngoài giường lộ ra đôi bàn chân đàn bà, ngạc nhiên lên tiếng hỏi. Thấy một cô gái vén màn bước ra, khoảng mười tám mười chín tuổi, y phục mộc mạc sạch sẽ, nhưng da hơi đen mà mặt rỗ, có vẻ là con gái nhà nghèo. Tôn cho là người trong thôn tới thuê nhà bèn quát “Cần gì thì nói với bọn gia nhân ngoài kia, chứ đâu có phép đi bừa vào đây?”. Cô gái mỉm cười nói “Thiếp không phải là người trong thôn mà quê ở tỉnh Sơn Đông, họ Lữ, cha là học trò. Thiếp tiểu tự là Vô Bệnh, theo cha tới ngụ ở đất khách nhưng không được cha mẹ nuôi dạy đã lâu. Vì hâm mộ công tử là danh sĩ thế gia, nên nguyện làm tỳ nữ lo việc hầu hạ nghiên bút”. Tôn cười nói “Ý nàng rất hay, nhưng ở đây có đủ hạng tôi tớ ở chung, rất là bất tiện, cứ trở về làng ta sẽ đưa kiệu mang lễ vật tới đón". Cô gái có vẻ không bằng lòng, nói "Thiếp tự biết mình hèn mọn, đâu dám mong nhận lễ trọng, chỉ mong được sai phái trước án thư, chắc cũng không đến nỗi bưng ngược sách". Tôn nói “Thu nạp tỳ nữ cũng cần ngày tốt", rồi chỉ lên giá sách bảo lấy bộ Thông thư, quyển tư để thư tài. Cô gái tìm thấy, giở ra xem trước rồi trình lên cười nói “Hôm nay không có hung tinh Hà Khôi chiếu vào phòng”. Tôn hơi động lòng bèn cho ở lại trong phòng. 

Cô gái không có việc gì làm bèn quét bàn xếp sách, đốt trầm lau đỉnh, phòng sách trở nên sáng sủa sạch sẽ Tôn rất vừa lòng. Đến tối bảo qua chỗ khác ngủ, cô gái ngước nhìn rồi chớp mắt, càng ân cần phục dịch. Bảo đi ngủ mới vâng dạ cầm nến bước ra. Nửa đêm Tôn chợt tỉnh thấy cạnh giường như có ai nằm, đưa tay sờ biết là cô gái bèn lay gọi. Cô gái giật mình choàng dậy đứng trước giường, Tôn hỏi "Sao không đi ngủ chỗ khác? Dưới giường đâu phải là chỗ ngươi nằm?". Cô gái nói “Thiếp hay sợ lắm". Tôn thương xót, bảo mang gối lên giường nằm. Chợt nghe hơi thở lan tới thơm ngát như nhụy sen, lấy làm lạ gọi xích lại nằm chung gối, bất giác rung động dần dần kéo vào nằm chung chăn, rất vừa ý. Nhưng lại nghĩ giấu diếm không phải là kế hay, lại ngại nếu cùng về nhà thì miệng đời dị nghị. Tôn có bà dì ở cách đó hơn mười căn, bàn với cô gái bảo tới náu ở đó rồi sau đó sẽ cho kiệu tới đón. Cô gái khen hay, nói "Bà dì thì thiếp quá quen, không cần phải tới thưa trước, thiếp xin đi ngay”. Tôn đưa nàng ra, cô gái leo qua tường mà đi. Dì của Tôn ở góa, sáng sớm hôm ấy ra mở cửa thì cô gái bước vào. Bà già hỏi, nàng đáp "Cháu trai bà sai con tới thăm dì. Công tử muốn về nhà nhưng đường xa thiếu ngựa nên gởi con ở đây vài hôm”. Bà già tin lời bèn giữ cô gái ở đó. 

Tôn về nhà, bịa rằng dì có một tỳ nữ muốn tặng, rồi sai người tới đón cô gái về, ăn ngủ gì cũng có nhau, lâu ngày càng khắng khít, nhận làm vợ lẽ. Các nhà thế gia bắn tin gả con gái cho mà Tôn đều chối từ cho rằng có Vô Bệnh là thỏa nguyện rồi. Nàng biết ý, hết lời khuyên Tôn cưới vợ, Tôn bèn cưới con gái nhà họ Hứa song rốt lại vẫn say mê Vô Bệnh. Hứa rất hiền, không bao giờ giành chồng buổi tối, mà Vô Bệnh hầu hạ Hứa ngày càng thêm kính cẩn, nhờ vậy lớn bé đều thuận hòa. Hứa sinh một con trai đặt tên là A Kiên, Vô Bệnh yêu thương bồng bế như con mình. Đứa nhỏ được ba tuổi cứ rời vú nuôi là theo ngủ với Vô Bệnh, Hứa gọi cũng không chịu đi. Không bao lâu Hứa mắc bệnh rồi chết, lúc lâm chung trối với Tôn rằng "Vô Bệnh rất thương con, cho dì ấy nuôi làm con thì được, mà đưa dì ấy lên bậc chính thất cũng được". Chôn cất xong, Tôn định làm theo lời vợ bèn bàn với họ hàng nhưng mọi người đều nói là không nên, Vô Bệnh cũng khăng khăng từ chối, Tôn bèn thôi. 

Ở huyện có con gái quan Tể tướng họ Vương vừa góa chồng cho người tới đánh tiếng. Tôn vốn không muốn cưới vợ nữa nhưng họ Vương nói mấy lần, người mối lại khen nàng đẹp, họ hàng bên Tôn cũng thích nhà quyền thế nên cùng khuyên nhủ, Tôn xiêu lòng bèn cưới. Người đàn bà quả rất đẹp nhưng vô cùng kiêu căng, quần áo vật dùng được ít lâu cứ chán là hủy hoại vứt bỏ, Tôn vì nể nang nên không nỡ làm phật ý. Về được vài tháng thì giành cả yêu đương chăn gối về mình, còn cứ thấy Vô Bệnh gặp Tôn thì cười khóc gì cũng kiếm chuyện rồi giận lây qua cả chồng, mấy lần cãi vã đánh nhau. Tôn sợ rầy rà nên nhiều đêm ngủ riêng, người đàn bà lại tức giận. Tôn chịu không nổi, tìm cớ lên kinh đô để tránh nạn vợ dữ, người đàn bà lại lấy việc chồng đi xa đổ lỗi cho Vô Bệnh. Vô Bệnh hết sức hầu hạ, nín hơi im tiếng để lấy lòng mà rốt lại nàng ta vẫn không vừa ý. Đêm bảo Vô Bệnh vào ngủ dưới đất, đứa nhỏ cũng chạy theo vào ngủ chung, cứ gọi Vô Bệnh dậy sai khiến là nó lại khóc. Người đàn bà chửi mắng, Vô Bệnh vội gọi người vú nuôi vào bế đi, đứa nhỏ cưỡng lại kêu gào. Người đàn bà tức giận vùng dậy nắm lấy đánh túi bụi, nó mới chịu để người vú bế đi. 

Đứa nhỏ vì vậy sợ hãi thành bệnh bỏ ăn, người đàn bà cấm Vô Bệnh không được để nó thấy mặt, đứa nhỏ kêu khóc cả ngày. Người đàn bà quát chị vú bảo vứt nó xuống đất, đứa nhỏ hết hơi khan tiếng đòi uống nước, người đàn bà cấm không cho. Chiều tối Vô Bệnh chờ lúc người đàn bà không có ở đó, lén ra cho đứa nhỏ uống nước, đứa nhỏ thấy nàng hất nước nắm lấy vạt áo khóc nức nở không thôi. Người đàn bà nghe thấy hằm hằm bước ra, đứa nhỏ nghe tiếng nín bặt, giãy mạnh một cái rồi tắt thở. Vô Bệnh khóc òa lên, người đàn bà nổi giận nói “Con tiện tỳ xấu xí định lấy chuyện con chết mà chẹt ta à? Đừng nói gì là đồ lót tã nhà họ Tôn, cho dù có giết chết thế tử nhà vương gia thì con gái của Tễ tướng họ Vương này cũng dám chịu. Vô Bệnh nén giận gạt nước mắt, xin mua quan tài chôn cất, người đàn bà không cho, sai đem vứt nó đi ngay. Người đàn bà đi rồi, nàng lén vỗ về đứa nhỏ, thấy tứ chi còn ấm, bèn nói thầm với người vú "Ngươi đem nó đi mau ra đồng chờ một lát, ta sẽ tới ngay. Nếu nó chết thì cùng chôn lấp, nếu nó sống thì cùng săn sóc", người vú vâng dạ. Vô Bệnh vào phòng lấy trâm xuyến giắt vào người đi ra, đuổi kịp người vú, cùng nhìn đứa nhỏ thì nó đã sống lại. Hai người mừng rỡ bàn nhau tới sơn trang trong núi nương tựa bà dì của Tôn. Người vú lo nàng chân nhỏ khó đi, Vô Bệnh bèn đi rảo lên trước cho xem, bước nhanh như gió, chị ta hết sức chạy theo mới kịp. Khoảng canh hai, bệnh đứa nhỏ trở nên nguy ngập không thể đi được nữa bèn rẽ vào một thôn cạnh đường, tới nhà một ông già làm ruộng, ngồi dựa vào cổng chờ sáng rồi gõ cửa hỏi mướn phòng, bán trâm xuyến lấy tiền rước đủ thầy cúng thầy thuốc mà rốt lại đứa nhỏ vẫn không khỏi bệnh. Vô Bệnh ôm mặt khóc nói “Vú chịu khó chăm sóc đứa nhỏ này, để ta đi tìm cha nó". Người vú còn đang ngờ là nói bậy thì nàng đã biến mất, vô cùng kinh hãi. 

Hôm ấy, Tôn ở kinh đô, vừa thiu thiu ngủ trên giường thì Vô Bệnh lặng lẽ bước vào. Tôn giật mình nhỏm dậy nói "Vừa ngủ mà nàng đã hiện vào giấc mộng sao?” Nàng cầm tay Tôn nghẹn ngào, giẫm chân không nói nên lời, hồi lâu mới thất thanh nói "Thiếp trải trăm cay nghìn đắng, đem con trốn tới đất Dương” chưa dứt lời thì bật tiếng khóc lớn, ngã lăn ra biến mất. Tôn sợ quá nhưng vẫn ngờ là nằm mơ, gọi người hầu cùng tới xem thì quần áo giày tất vẫn còn rõ ràng, lạ lùng không hiểu nhưng lập tức thu xếp hành trang về ngay trong đêm. Về tới nhà nghe việc con chết thiếp trốn, Tôn đấm ngực đau thương, mắng chửi vợ kế. Người đàn bà mồm năm miệng mười cãi lại, Tôn căm tức rút dao ra, bọn tớ gái xúm vào cứu, Tôn không sấn tới gần được, từ xa phóng dao tới, sống dao trúng vào trán người đàn bà. Người đàn bà toác trán phun máu, xõa tóc gào thét chạy ra cổng, định về mách với gia đình. Tôn kéo trở vào, vác gậy đập túi bụi, người đàn bà quần áo rách tả tơi, đau quá không động đậy nổi. Tôn sai khiêng vào phòng chăm sóc, chờ khi nào bình phục sẽ đuổi về. Các anh em trai của người đàn bà nghe tin tức giận kéo người ngựa tới cổng, Tôn cũng họp bọn tôi tớ khỏe mạnh cầm khí giới ra chặn, hai bên chửi mắng nhau đến tối mới tan. 

Họ Vương chưa vừa ý bèn thưa kiện, Tôn đem đầy tớ hộ vệ lên huyện, tự tới đối chất, trình bày tội ác của vợ kế. Quan huyện không thể khuất phục bèn đưa tới học quan trừng phạt cho Vương hài lòng. Học quan Chu tiên sinh là con nhà thế gia, tính ngay thẳng không xu phụ, hỏi rõ được sự tình nổi giận nói "Quan trên tuởng ta là thứ học quan tham lam hèn mạt trong thiên hạ, quen đòi loại tiền thương luân bại lý để hút mủ liếm trĩ à? Cái tướng ăn mày ấy ta vốn không làm được nên không dám tuân lệnh! Tôn công nhiên trở về, Vương không làm gì được bèn nhờ bạn bè ngỏ ý điều đình, muốn chàng tới nhà xin lỗi một lần, nhưng Tôn không chịu, bên kia qua lại cả chục lần cũng không đổi ý. Người đàn bà dần dần bình phục, Tôn muốn đuổi về nhưng sợ họ Vương không chịu nhận, lần lữa rồi cũng ở yên. 

Tôn vì thiếp mất con chết, sớm tối đau lòng, nghĩ rằng nếu tìm được người vú sẽ rõ hết sự tình, lại nhớ Vô Bệnh đã nói là trốn tới đất Dương. Gần đó có thôn họ Dương trồng đay, Tôn ngờ là ở đó, tìm tới hỏi thăm nhưng không ai biết cả. Có người nói cách đấy năm mươi dặm có một đất Dương Cốc, Tôn sai người cỡi ngựa tới hỏi thăm, quả nhiên tìm ra. Lúc ấy đứa nhỏ đã dần dần bình phục, gặp nhau đều mừng rỡ, cưỡi chung ngựa về. Đứa nhỏ từ xa nhìn thấy cha òa lên khóc lớn, Tôn cũng rơi nước mắt. Người đàn bà nghe đứa nhỏ còn sống, giận dữ chạy ra định chửi mắng. Đứa nhỏ đang khóc, mở mắt nhìn thấy người đàn bà hoảng sợ nhào vào lòng cha như tìm chỗ trốn, bế lên nhìn lại thì đã chết ngất, vội vàng lay gọi, hồi lâu mới tỉnh. Tôn căm tức nói "Không biết là tàn ác tới mức nào mà khiến thằng nhỏ tới nỗi này?". Bèn làm tờ ly hôn đưa về, quả Vương không nhận, sai cáng trả lại Tôn. Tôn không biết làm sao, bèn thu xếp cho hai cha con ở riêng, không gặp gỡ người đàn bà. Người vú thuật lại việc Vô Bệnh, Tôn mới biết rằng nàng chỉ là hồn ma, cảm nghĩa bèn đem chôn áo quần giày tất, đề trên bia rằng “Mộ của người vợ ma Lữ Vô Bệnh”. Không bao lâu người đàn bà sinh được một trai, tự tay bóp cổ đứa nhỏ chết. Tôn càng phẫn uất, lại đuổi về, Vương lại sai cáng trả lại. Tôn không còn cách nào bèn làm đơn tố cáo lên quan trên, nhưng họ đều nể mặt Tễ tướng nên không xét tới. Sau Tễ tướng chết, Tôn cứ thưa kiện không thôi họ mới bắt người đàn bà phải về nhà mẹ. 

Tôn từ đó không lấy vợ nữa, chỉ cưới thiếp. Người đàn bà bị đuổi, tiếng dữ ngày càng đồn xa, ba bốn năm không ai dạm hỏi, bắt đầu hối hận nhưng không còn kịp nữa. Có bà tớ cũ nhà Tôn tình cờ ghé qua, người đàn bà tiếp đãi niềm nở, trước mặt bà ta sa lệ, xem tình ý có vẻ như nhớ chồng cũ. Bà già về kể lại với Tôn, Tôn cười làm ngơ. Hơn năm sau mẹ người đàn bà lại chết, trơ trọi không nơi nương tựa, các chị em dâu đều không ưa nên càng bơ vơ, ngày ngày cứ rơi nước mắt. Có một người học trò nghèo chết vợ, anh người đàn bà bàn cho nhiều của hồi môn để tái giá mà người đàn bà không chịu, cứ lén nhờ người đi lại ngỏ ý với Tôn, khóc lóc nói rằng đã hối hận nhưng Tôn không nghe, trước sau vẫn làm ngơ. 

Một hôm người đàn bà sai một tỳ nữ dắt trộm lừa cưỡi qua nhà Tôn, Tôn mới từ trong nhà bước ra, người đàn bà bước tới chào hỏi, quỳ xuống dưới thềm khóc lóc không thôi. Tôn muốn bỏ đi, người đàn bà níu áo, lại quỳ xuống. Tôn từ chối, nói "Nếu ở lại với nhau mà không có chuyện gì đã đành, chứ một sáng có chuyện thì anh em của cô dữ như cọp, há lại chịu sao?". Người đàn bà nói "Thiếp trốn tới đây, không có lẽ nào mà quay về, nếu chàng cho thì ở lại, không cho thì chỉ còn cách chết”. Lại nói “Thiếp về với chàng năm hai mươi mốt tuổi, đến hai mươi ba bị đuổi, thật là ác đủ mười phần, nhưng chẳng lẽ không có một phần tình sao?”. Rồi cởi cái vòng vàng trên cổ tay, so hai bàn chân, đút vào cái vòng, lấy tay phủ lên, nói "Lời thề hương lửa lúc trước, chàng nỡ không nhớ tới sao?”. Tôn bèn rưng rưng nước mắt, sai người đỡ lên dìu vào nhà, nhưng vẫn ngờ là họ Vương gian trá, muốn được anh em người đàn bà nói một câu làm bằng. 

Người đàn bà nói "Thiếp trốn nhà đi, còn mặt mũi nào cầu cạnh anh em nữa? Nếu không tin nhau thì thiếp có mang sẵn dao để tự sát, xin cắt ngón tay để tỏ lòng". Rồi rút dao sắc trong lưng ra bước lại cạnh giường kê một ngón tay trái lên chặt đứt, máu phun vọt ra. Tôn cả sợ vội băng bó cho, người đàn bà đau tái cả mặt nhưng không hề rên rỉ, cười nói "Thiếp nay đã tỉnh mộng, chỉ muốn mượn một gian phòng nhỏ làm cách tu hành, chàng nghi ngờ làm gì?”. Tôn bèn bảo con trai và người thiếp ở riêng một nơi, mình thì sớm tối qua lại hai bên, hàng ngày tìm thuốc chữa vết thương ngón tay cho vợ, hơn một tháng thì lành. Người đàn bà từ đó không ăn mặn, đóng cửa tụng kinh niệm Phật mà thôi. Lâu sau thấy việc nhà bê trễ bèn nói với Tôn rằng "Thiếp tới đây lần này, vốn muốn gác mọi việc ra không hỏi gì tới, nhưng nay thấy trong nhà ăn tiêu như thế, e rằng con cháu về sau có đứa phải chết đói, không còn cách nào nên phải mặt dày ra coi sóc vậy". Rồi họp đám tớ gái lại giao cho đánh sợi dệt vải, hẹn ngày giao nộp. Đám tôi tớ thấy tự xin về ở nên coi thường, lúc vắng người cứ xúm lại chê cười mai mỉa nhưng người đàn bà làm như không biết gì cả. Đến khi tính công, ai lười nhác thì roi vọt không tha, mọi người mới sợ hãi. Lại buông rèm ngồi bên trong tính toán sổ sách với các người quản sự, rạch ròi chặt chẽ. Tôn bèn cả mừng, bảo con trai và người thiếp sáng sáng qua thăm hỏi. 

Năm ấy A Kiên chín tuổi, người đàn bà càng lưu tâm chăm sóc, buổi sáng nó đi học rồi thường để dành quà bánh đợi nó về cho ăn, đứa nhỏ cũng dần đần yêu mến gần gũi. Một hôm nó cầm đá ném chim sẻ, vừa lúc người đàn bà đi ngang, trúng ngay đầu ngã ra đất, hơn một khắc vẫn chưa nói được. Tôn cả giận lấy roi đánh con, người đàn bà tỉnh dậy, hết sức can ngăn, lại mừng rỡ nói “Trước kia thiếp ngược đãi con, trong lòng lúc nào cũng áy náy, nay thì may đã được trừ bớt một tội". Tôn càng yêu dấu, nhưng người đàn bà thường không chịu, bảo tới ngủ chỗ người thiếp. Được vài năm, sinh nở mấy lần đều bỏ cả, nói “Đây là quả báo cái tội giết con ngày trước đấy". Khi A Kiên đã cưới vợ, thì việc ngoài giao con trai, việc nhà giao con dâu. Một hôm nói "Ngày ấy tháng ấy thiếp sẽ chết”, Tôn không tin, người đàn bà bèn tự lo sắm quan tài vải liệm. Đến ngày ấy nàng thay y phục nằm vào quan tài mà chết, sắc mặt vẫn như lúc sống. Có mùi hương lạ thơm ngát cả phòng, khi liệm xong mới dần dần tan hết. 

Dị Sử thị nói: Trong lòng ưa thích vốn không phải là ở chỗ xấu đẹp Như Mao Tường Tây Thi, biết đâu chỉ có kẻ không tự yêu mình mới cho là đẹp? Nhưng nếu không gặp phải người hung dữ ghen tuông, thì sự hiền thục không thể bộc lộ rõ ràng cho những kẻ ưa thích hâm mộ cùng vui cười được. Đến như người lầu son gác tía kia, túc căn vốn dày nên mới có thể đột nhiên tỉnh ngộ, chứng quả Bồ đề, chứ trong cõi địa nguc kia toàn là kẻ giàu sang nhưng chưa từng trải qua gian khổ vậy.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK