Người lính lệ tỉnh rượu hối hận, lại cho rằng quan huyện chỉ giả làm ra như thế để bà già không kêu khóc quấy rầy nữa, nên cũng không hề để ý, đem tờ trát tới xin hủy bỏ. Quan giận nói "Ngươi nói là đi được, tại sao lại hối?". Người lính lệ bí quá, xin hạ trát bắt các thợ săn trong huyện cùng đi, quan ưng thuận. Người lính lệ tập họp các thợ săn ngày đêm rình trong núi, mong bắt được một con cọp để không bị trách phạt. Nhưng hon một tháng chẳng được gì, bị phạt đánh mấy trăm trượng, khổ quá không biết kêu nài với ai, bèn tới Nhạc miếu ngoài phía đông huyện thành quỳ xuống cầu khẩn, khóc tắt cả tiếng. Không bao lâu, chợt có một con cọp từ ngoài đi tới, người lính lệ cả kinh, sợ bị nó vồ. Nhưng cọp vào tới nơi không ngó ngàng gì tới ai, chỉ ngồi xuống ngay giữa cổng miếu. Người lính lệ khấn rằng "Nếu người giết con trai bà già kia thì cúi đầu cho ta trói", rồi rút dây ra buộc vào cổ nó.
Cọp cụp tai chịu trói, người lính lệ bèn dắt nó về huyện đường. Quan huyện hỏi nó rằng “Có phải là ngươi giết con bà già không?” cọp gật đầu. Quan huyện nói “Giết người thì phải đền mạng, đó là pháp luật đã định từ xưa. Vả lại bà già chỉ có một đứa con trai, mà ngươi giết đi, bà ta già rồi, làm thế nào sinh sống? Nếu ngươi có thể làm con bà ta, thì ta tha cho", cọp lại gật đầu. Quan bèn sai cởi dây cho nó đi, bà già vẫn còn oán giận quan huyện không giết cọp để đền mạng cho con trai mình. Sáng ngày mở cửa chợt thấy có một con hươu chết nằm ở sân, bà già đem bán thịt lấy tiền sống qua ngày. Từ đó thường thường như thế, có lần cọp còn mang vàng lụa tới vứt trong sân. Bà già nhờ vậy cũng được dư dả, thấy được chăm sóc còn hơn cả lúc con trai còn sống cũng thương cọp. Có lúc nó tới nằm dưới thềm cả ngày không đi, nhưng người nhà và súc vật đều yên ổn, không bị sợ hãi náo động. Vài năm sau bà chết, con cọp tới kêu gào trong phòng khách. Những tiền bạc bà già gìn giữ tích góp được có thừa để làm đám ma, họ hàng lấy đó chôn cất cho bà. Mộ vừa đắp xong thì cọp ào ào phóng tới, khách khứa chạy sạch. Cọp đứng gào rít trước phần mộ, tiếng vang như sấm, hồi lâu mới đi. Dân ở đó lập đền thờ Nghĩa hổ ở phía đông huyện thành, đến nay vẫn còn.