Lúc ấy Mục Tình Hoài ở huyện Cao Uyển (tỉnh Sơn Đông) có hồ tới nương tựa, vẫn thường cùng người khảng khái bàn luận, chỉ nghe trên chỗ ngồi có tiếng nói chứ không thấy hình bóng đâu cả. Gặp khi tới quận thành, khách khứa tới gặp gỡ trò chuyện, có người hỏi hồ rằng "Tiên ông vốn biết mọi việc, xin hỏi trong quận có bao nhiêu viên quan?", hồ đáp ngay "Một viên". Mọi người cùng cười rộ, lại hỏi vì sao nói thế, hồ đáp "Toàn quận tuy có cả thảy bảy mươi hai ông quan, nhưng thật ra chỉ có Đồng tri họ Ngô đáng gọi là quan thôi".
Thời bấy giờ ông Trương là Tri châu Thái An (tỉnh Sơn Đông), vì cứng cỏi nên người ta gọi là khúc gỗ cứng. Phàm các quan to lên hành hương ở Thái Sơn cứ mang theo tôi tớ xe ngựa đông đúc, phí tổn rất nhiều, dân trong châu khổ về việc cung ứng phục dịch, ông sai bãi bỏ hết. Có lần bị đòi dê lợn, ông nói "Ta là một con dê đây, một con lợn đây, xin cứ mổ thịt để khoản đãi những người tùy tùng", quan trên cũng không biết làm sao. Ông từ khi làm quan xa nhà, cách biệt vợ con mười hai năm, vừa tới nhậm chức ở Thái An thì phu nhân cùng công tử từ kinh tới thăm, gặp nhau rất mừng rỡ. Được sáu bảy ngày, phu nhân thong thả nói “Ông không có tiền bạc gì, sao cứ từ chối không nghĩ tới con cháu?". Ông tức giận mắng lớn, gọi lấy gậy bắt phu nhân phải nằm xuống chịu đòn. Công tử nằm phục lên người mẹ kêu khóc xin chịu đòn thay, ông ra sức đánh thẳng tay, hồi lâu mới thôi. Phu nhân tức giận đỡ công tử lên sai sắp xe ngựa trở về, thề rằng cho dù ông có chết ở đây, ta cũng không tới nữa đâu. Qua năm sau quả nhiên ông chết, không thể nói rằng đây không phải là hạng quan cứng cỏi thời nay được. Nhưng vợ chồng xa cách lâu ngày, sao lại chỉ vì một câu nói mà giận dữ tới mức ấy, cũng bất cận nhân tình lắm. Có điều có thể nghiêm khắc với cả vợ con như thế, thì còn lạ lùng hơn cả chuyện quỷ thần vậy.