Đúng lúc này mành che được vén lên, nữ tử vừa gặp ở đại sảnh đang nhẹ nhàng tiến vào, nhìn tôi vài lượt từ trên xuống dưới, đôi mắt sáng trong như nước nhưng lại sâu thẳm vô cùng. Tôi đang định nói rõ thân phận thì nàng ta đã quỳ xuống làm đại lễ với tôi, trán áp sát xuống đất, cung kính nói: “Tiểu nữ Lý Như ra mắt Tứ tiểu thư.”
Tôi nghĩ thầm chắc đây là bà chủ họ Lý mà Tống Minh Lỗi đã sắp xếp, vội vàng tiến tới nâng nàng dậy: “Lý tỷ không cần đa lễ, Tống nhị ca không có ở đây, còn phải nhờ Lý tỷ chăm nom cho sản nghiệp của tiểu ngũ nghĩa chúng tôi.”
Lý Như đứng dậy nhưng vẫn rũ mắt khom lưng như cũ, tôi hỏi nàng mấy câu, nàng chỉ đáp lại từng việc một, thật sự rất cẩn trọng, không còn chút bóng dáng khôn khéo, nói cười vui vẻ nào như lúc ở dưới lầu. Nói chuyện một hồi vẫn không thấy Tề Phóng đâu. Lý Như chủ động nói với tôi, Tề Phóng đồng ý tới phòng bếp ở hậu viện nấu ăn. Ban đầu tôi còn không tin, tới lúc nàng ta cười cười dẫn tôi len lén tới phòng bếp thì mới thấy Tề Phóng quấn khăn trên đầu, bàn tay phải từng cầm Thanh Phong kiếm uy hiếp mạng nhỏ của tôi hiện đang nắm chặt một cái muôi lớn, đảo gà xả ớt trong chảo, vẻ mặt chuyên chú, động tác thành thạo, cực kỳ chuyện nghiệp.
Tôi kinh ngạc ló đầu vào nhìn, cậu ta nhanh chóng xào xong hai bàn đồ ăn, mùi ớt xông thẳng vào mũi khiến tôi thèm nhỏ cả dãi. Tề Phóng hơi liếc mắt về phía tôi đang đứng, tôi vội rụt đầu lại, kéo Lý Như về phòng. Lý Như hỏi tôi xem thu xếp cho anh em họ Tề như vậy đã ổn chưa, mà tôi thì vẫn còn hoang mang, một mặt tôi rất muốn bảo Tề Phóng giúp tôi đối phó với Nguyên Phi Bạch, mặt khác khi nhìn thấy vẻ mặt vui vẻ của cậu ta lúc nấu ăn, tôi lại không đành lòng kéo cậu ta vào trận mưa máu gió tanh này lần nữa. Trong lúc còn đang mờ mịt, giọng nói của Tề Phóng đã vang lên ở ngoài: “Bà chủ Lý, Mộc tiểu thư, Tề Phóng có thể vào không?”
Tôi vội ngồi thẳng lại. Tề Phóng thành thạo bưng bốn món điểm tâm cộng thêm một bầu rượu, hai chiếc ly bạc, hai đôi đũa tiến vào, sau khi đặt ngay ngắn mọi thứ xuống bàn, cậu ta bèn cung kính đứng sang bên cạnh tôi, không nói lời nào. Lý Như mỉm cười, mượn cớ đã ăn rồi, muốn xuống lầu trông nom sau đó liền đi ra. Tôi hỏi Tề Phóng mấy câu, cậu ta chỉ kính cẩn đáp lại, không hề nói thêm. Tôi có chút tức giận, đang muốn quyết định cứ để cậu ta làm đầu bếp cả đời thì Tề Bá Thiên kích động xông vào.
Tôi hắng giọng, hỏi hai người họ xem báo thù xong thì có tính toán gì không. Hai huynh đệ cùng mở miệng:
Tề Bá Thiên: “Ở lại khách sạn Phúc Cư…”
Tề Trọng Thư: “Đương nhiên là đi theo tiểu thư…”
Hai anh em họ đưa mắt nhìn nhau rồi không nói tiếp nữa. Câu trả lời của Tề Phóng khiến tôi hơi suy nghĩ, tôi cười nói, ‘tôi quyết không cố giữ hai vị’, nói xong bèn cáo từ, ra khỏi khách sạn Phúc Cư, đang định lên ngựa thì Tề Phóng đã đuổi tới, kéo dây cương lại, ánh mắt nhìn tôi rất kiên định: “Xin tiểu thư dẫn Tề Phóng trở về, để Tề Phóng theo cạnh bảo vệ cô.”
Gió thu thổi tung lọn tóc dài bên thái dương của cậu ta, sợi tóc phất qua đôi mắt sáng ngời tràn ngập nỗi lo sợ không yên vì e bị từ chối, tựa như con chó nhỏ đang lang thang giữa bão tố. Tôi ngồi trên ngựa nhìn cậu ta, tim không khỏi nóng lên, hơi cười đáp: “Tây Phong Uyển còn thiếu một đầu bếp, cậu có muốn đến đó không?”
Tề Phóng hơi sửng sốt, sau đó mừng rỡ mỉm cười, hai má lộ ra lúm đồng tiền đã lâu không thấy. Khi tôi dẫn Tề Phóng quay lại Tây Phong Uyển, Vi Hổ và Tố Huy đã sốt ruột đi loanh quanh, vừa nhìn thấy tôi hai mắt mắt lập tức tỏa sáng. Tố Huy trực tiếp oán trách: “Bà cô của tôi ơi, sao cô vào thành mà không nói với tôi và Vi đại ca một tiếng, làm bọn tôi…”
Sau đó cậu ta nhìn thấy Tề Phóng đứng sau lưng tôi thì mới bình tĩnh lại: “Vị này là ai vậy?” Vi Hổ cũng nhìn Tề Phóng đầy phòng bị, tôi nói Tề Phóng là bằng hữu của tôi từ khi còn bé, nấu ăn rất ngon, để cậu ấy vào vườn giúp Tam nương cũng tốt. Chủ nghĩa bảo vệ lãnh thổ của Tố Huy lại bắt đầu tác quái, đối với Tề Phóng cực kỳ lạnh lùng, đề phòng, mà Vi Hổ vừa nghe được tên húy của Tề Phóng thì kinh hãi, rõ ràng đã đoán ra thân phận thực của Tề Phóng. Tôi thầm nghĩ, chẳng lẽ Vi Hổ chính là mật thám Hầu gia đặt bên cạnh Phi Bạch?
Tề Phóng từ lúc tới đây vẫn duy trì nét mặt lạnh lùng. Vi Hổ và Tố Huy xì xà xì xầm một hồi, Tố Huy mới nhảy ra nói bằng giọng mũi: “Nể tình Mộc cô nương, để Tề tráng sĩ vào vườn cũng được, nhưng phải bộc lộ tài năng cho bọn tôi coi.”
Nói xong bèn thủ thế như sắp đánh nhau. Tôi mất hứng, đang định lên tiếng thì Tề Phóng đã mỉm cười, vén vạt áo dài lên: “Mời.”
Tố Huy và Tề Phóng tuổi tác xấp xỉ, võ công đều học từ danh gia, nhưng lúc đánh xong, Tố Huy đã mồ hôi đầm đìa lùi ra ngoài mà Tề Phóng vẫn đứng im không động, ngay cả tóc cũng không rối chút nào. Hai mắt Vi Hổ tỏa sáng: “Chẳng lẽ các hạ là đệ tử của Kim Cốc chân nhân.”
Tề Phóng ôm quyền đáp: “Trọng Thư chính là quan môn đệ tử của sư phụ, vị này hẳn là Vi Hổ tráng sĩ được người giang hồ xưng tụng là ‘Chấn thiên hổ khiếu’.”
Thế là trong lúc ba người không đánh thì không quen(2), anh hùng tiếc anh hùng, Vi Hổ và Tố Huy đã quên luôn Hoa Mộc Cẩn tôi. Hai người họ kéo Tề Phóng vào uống rượu, trò chuyện. Từ đó Tề Phóng bắt đầu có một chỗ dừng chân ổn định.
Ngày hai mốt tháng tám, Nguyên Thanh Giang dẫn theo Liên phu nhân, Trưởng công chúa cùng phò mã quay về kinh thành thăm hỏi bệnh tình của Thái hoàng Thái hậu. Theo tin báo của dịch đình, ngày mười lăm tháng tám, Đậu Thái hoàng Thái hậu đang tản bộ ở ngự hoa viên thì đột nhiên té xỉu. Hi Tông vội vàng hạ triều tới thăm hỏi nhưng bà đã rơi vào hôn mê sâu, thái y đều bó tay chịu thua, tình hình khẩn cấp như kiến bò chảo nóng. Trước cửa cung Chiêu Minh, mây đen dày dặc, không khí vô cùng căng thẳng.
Tháng mười năm Vĩnh Nghiệp thứ hai, phương bắc của Đông Đình có tuyết rơi sớm, trận tuyết này cực lớn. Trong lúc đao tuyết kiếm sương, thậm chí ở Sơn Đông và nhiều vùng phía bắc đã có nhiều người chết vì rét. Nhưng thứ còn đáng sợ hơn cả tuyết lớn ở phương bắc chính là nước láng giềng hùng mạnh của Đông Đình, quân Khiết Đan tập kích bất ngờ, ngày mười ba tháng mười, đại tướng Khiết Đan Khả Đan phụng lệnh vị hoàng đế trẻ tuổi Tiêu Thế Tông vượt sông Tùng Hoa, dẫn theo tám vạn kỵ binh công phá Doanh Châu, vốn được canh giữ bởi lượng bắc quân ít ỏi của Nguyên gia. Chỉ trong vài ngày đã đánh tới thành Kế Châu, hướng thẳng về kinh đô, mà lúc này ở kinh thành chỉ có một vạn cấm quân, một vạn ngự lâm quân. Quân đội ở kinh thành đa số là con cháu quý tộc, không có kinh nghiệm thực chiến, căn bản không thể chống lại đội quân thép của Khiết Đan. Đông Đình có hai đội quân tinh nhuệ nhất, một đội là Yến Tử quân đang ở tây bắc chống Đột Quyết, đội còn lại là nam quân của Đậu gai đang phòng ngự Nam Chiếu ở phía đông nam. Quân Khiết Đan đánh úp kinh đô đã cho Đậu gia một cái cớ tuyệt hảo để triệu nam quân lên hướng bắc. Nguyên Thanh Giang hiểu rõ tâm tư của Đậu gia nên một mặt thì xin Hi Tông ra lệnh cho quân giữ thành Kếu Châu liều chết chống đỡ, tranh thủ thời gian cho quân cứu viện, mặt khác lại cấp tốc gửi kim bài cho Vu Phi Yến, lệnh điều quân tới kinh thành giúp vua.
Ở thời đại này, Kế Châu chỉ là một thành nhỏ, trang bị thiếu thốn. Thống soái Lý Thực quả là danh tướng anh dũng trong những năm cuối Đông Đình, khi nhận được mật chỉ của Hi Tông, Lý Thực đã nhiều lần cự tuyệt lời khuyên hàng của đại tướng Khiết Đan Khả Đan từ lâu, đau khổ chống đỡ lại sự bao vây chặt chẽ của quân Khiết Đan được hơn một tháng.
Quân dân Kế Châu trong tình huống sắp hết gạo sạch đạn đã nhiều lần đánh lùi cuộc đột kích của Khiết Đan. Dùng hết lương thực dự trữ, quân dân Kế Châu đầu tiên là giết các loại súc vật như trâu, ngựa, lừa, về sau không thể làm gì khác hơn đành nấu da bọc của cung nỏ cho đỡ đói. Dân chúng trong thành chỉ có thể ăn thóc lép và cỏ khổ cho no bụng, thậm chí sau cùng còn xuất hiện thảm kịch ăn thịt người.
Phải ăn cả thịt người tức là phòng thủ của Kế Châu đã chèo chống tới cực hạn rồi. Ngày hai mốt tháng chạp, quân Khiết Đan phá thành Kế Châu, Lý Thực dẫn theo đoàn quân vừa đói vừa mệt nhưng vẫn kiên cường chiến đấu với đại quân Khiết Đan trên phố. Cuối cùng Lý Thực vác theo tượng Thái Tổ Đông Đình Hiên Viên Quang Ngự vốn đặt trong từ miếu ở Kế Châu, phá vòng vây chạy ra khỏi thành. Quân Khiết Đan toàn lực truy đuổi, Lý Thực trúng hơn mười mũi tên mà chết.
Quân Khiết Đan lấy được di thể của Lý Thức liền dùng chiến xa giẫm đạp thi thể thành thịt vụn để xả cơn giận. Sau khí thành bị phá, tất cả quan lại trong thành Kế Châu tuẫn tiết theo. Quân Khiết Đan tàn sát dân chúng trong thành để trả thù, bách tính may mắn còn sống sau trận đói cũng bị giết không còn ai.
Quân Khiết Đan đã tới gần kinh đô, trong lúc hoàng đế Hi Tông cùng quan lại của Đông Đình rối loạn, không biết làm sao thì Vu Phi Yến dẫn theo tám ngàn quân sĩ dũng mãnh nhất trong Yến Tử quân tiến vào kinh thành sớm hơn một bước. Nguyên Thanh Giang tất nhiên là vô cùng vui mừng nhưng vẫn hơi kỳ quái là vì sao Vu Phi Yến dám mang theo có tám ngàn quân để đối phó với tám vạn kỵ binh. Vu Phi Yến đã dự tính từ trước, sai người mang vũ khí bí mật của Yến Tử quân ra. Đó là siêu cấp cung nỏ mang tên Cẩm Tú do tôi và Lỗ Nguyên, Vi Hổ phát minh ra, đã được cải tiến, cho thêm thuốc nổ.
-*-*-*-*-*-*-
(1)Tiểu ẩn là ẩn dật ở núi rừng, trung ẩn là ẩn ở giữa chợ.
(2)Không đánh thì không quen – Bất đả bất tương thức: Xuất xứ hồi thứ 38 truyện Thuỷ Hử, nghĩa là hai bên không đánh nhau một trận thì không quen nhau. Qua chuyện đánh nhau trở nên hiểu nhau càng thêm hợp nhau.