Trước cửa hàng có đặt một tủ lạnh hình chữ nhật, bên trên phủ một lớp vài nhung cũ kỹ màu hoa, bị rách mấy lỗ. Cách chỗ rách không xa có đặt một chiếc máy phát thanh kiểu cũ, bên trong có một hộp đựng băng đĩa trống không. Âm thanh tới từ chương trình phát thanh mà chiếc máy có sẵn, có vẻ như là chương trình giao thông, đang thông báo một đoạn đường nào đó đang xuất hiện sự cố giao thông, đề nghị các phương tiện đi đường vòng.
Phát thanh viên là một cô gái trẻ, giong nói vốn êm tai, nhưng vì chiếc máy đã có tuổi nên cứ bị đứt quãng, thi thoảng còn im bặt. Cụ già nằm nhắm mắt nghỉ ngơi trên ghế lúc này đã bực bội, bèn mở mắt ra, đập rất mạnh xuống nắp của chiếc máy ấy.
Nhưng lần này ông cụ mở mắt ra thì không nhắm lại nữa. Ông nhìn thấy người đàn ông đứng trước mặt mình và người ấy cũng đang quan sát ông. Đó là một người ông chưa từng gặp bao giờ.
“Cậu muốn mua gì?” Cung Khắc nghe thấy ông cụ hỏi mình. Anh cầm tiền đưa cho ông cụ: “Hai cây kem ạ”.
“Vị dâu thì hết rồi, chỉ còn vị vani thôi.” Ông cụ lải nhải, nói đám trẻ con trong thị trấn sao mà thích ăn của ngọt thế, sớm muộn cũng sâu hết răng. Cung Khắc đưa cho Lê Hoan một cây, rồi rảnh rang hỏi ông cụ: “Ông ơi, cửa hàng của ông có khi phải mở tới hơn ba mươi năm rồi ấy nhỉ?”.
“Ba mươi ba năm đấy.” Ông cụ đã có tuổi, tóc bạc trắng răng cũng rụng vài chiếc, ăn nói hơi thiều thào. Có lẽ quá cô quạnh, hiếm khi gặp người trò chuyện với mình, ông cụ tắt hẳn máy đi và nói: “Mấy thằng nhóc nghịch ngợm ngày xưa hay mua kem cây của tôi giờ làm bố cả rồi, tôi lại bán cho con cái chúng nó, chớp mắt đã nhiều năm trôi qua rồi”.
“Vậy ông còn nhớ mười một năm trước ở Tân Hương có nhà nào trẻ tuổi đã có thế lực, còn hay gây chuyện thi phi không ạ?”
Phản ứng của ông già quả thực khiến Cung Khắc có chút bất ngờ, ông ấy máy mắt: “Cậu muốn hỏi tới vụ án của đứa thứ ba nhà họ Trần chứ gì?”.
Nhắc tới vụ án đó, trước đây cũng đã khiến Tân Hương ầm ĩ một thời gian, nhưng sau đó nó giống như một câu chuyện không được phép nhắc đến, trong vòng một đêm ai ai cũng trở nên dè dặt. Ông cụ này có vẻ là người biết sự tình nhưng lại chỉ mở đầu mà không tình nguyện nói tiếp. Lê Hoan là một người nhanh nhạy, cô ấy lại bỏ ra một ít tiền bảo rằng muốn vào nhà mua chút bánh ngọt, cố tình để ông lão đi vào trong.
Tiệm tạp hóa ấy không lớn, bên ngoài bày cả đống đồ, một mình ông lão sống trơ trọi trong nhà. Vào nhà rồi, ông lão thay đổi hẳn, bỗng chốc rưng rưng hai hàng nước mắt: “Đồng chí cảnh sát, các đồng chí phải bảo vệ cho người dân Tân Hương, phải trừ hại cho Tân Hương đấy…”.
Câu nói này của ông lão khiến Lê Hoan và Cung Khắc đưa mắt nhìn nhau, lẽ nào ở Tân Hương vẫn còn án oan?
Nói vài câu đơn giản, họ đã hiểu đại khái.
“Hại” mà ông cụ nói tới không phải một mà là ba người.
“Khi trong huyện còn chưa phát hiện ra mỏ than, ba kẻ đó hay kết bè kết đảng, rảnh rang thì lên phố ăn chơi, lúc đó có không ít cô gái trong huyện suýt nữa đã bị bọn chúng ức hiếp. Những người lớn tuổi như chúng tôi cũng nhiều lần nhắc nhở nhưng ai ngờ được, mọi việc chẳng như ý nguyện, người ta còn lên được chức cao.”
Hồi những năm chín mươi, huyện Tân Hương phát hiện ra mỏ ngầm dưới đất, bỗng chốc được nhà nước hỗ trợ tiền vốn ở khắp các phương diện, một huyện vốn nghèo khó mới được mấy năm đã trở thành huyện giàu có xếp hàng đầu ở tỉnh B. Mà ba kẻ gây họa ông lão kể, là ba anh em nhà họ Lý, cũng trở thành phú hộ trong huyện khi ấy.
“Theo lý mà nói, gia cảnh nhà họ Lý cũng chỉ bình thường. Nhưng có ai ngờ được, ba anh em chúng lại có thể là người bỏ tiền ra bao thầu khu vực mỏ tư nhân đầu tiên của huyện chứ?” Ông cụ tự lẩm bẩm, Lê Hoan cảm thấy đề tài này đang đi hơi xa.
Cô ấy lên tiếng ngắt lời ông cụ: “Vậy ông ơi, dựa vào đâu mà ông nói ba anh em nhà họ Lý có liên quan tới việc Vương Bảo Hộ bị giết chết?”.
Hỏi xong câu này, Lê Hoan nhận ra ông cụ có chút ngập ngừng, cô lên tiếng an ủi: “Không sao đâu ông, ông chỉ cần nói ra căn cứ, còn những chuyện khác, cảnh sát bọn cháu sẽ xác minh thêm”.
Ông già nuốt nước bọt: “Thằng bế nhà họ Trần mặc dù chân tay không sạch sẽ lắm, nhưng tôi biết nó không to gan đâu, từ nhỏ đã bị hai thằng anh ức hiếp. Chuyện giết người… nó không làm được. Ngược lại, ba anh em nhà họ Lý thì tôi biết, trước khi xảy ra chuyện, ba chúng nó còn xúi bẩy Vương Bảo Hộ đi lừa tiền, nghe nói lừa được của người ta không ít”.
“Ông còn nhớ đó là chuyện khi nào không ạ?” Cung Khắc bỗng nhiên xen ngang một câu. Lần này ông cụ trả lời tương đối nhanh: “Không lâu trước khi Chính phủ cấp quyền sở hữu tư nhân đối với người tham gia. Ai biết được sau này nhà họ Vương gặp chuyện, rồi họ cũng chuyển đi hết. Kết quả, nhà họ Lý trở thành nhà giàu của Tân Hương”.
Tư duy của Cung Khắc trở nên hoàn chỉnh sau khi gặp ông cụ. Trước khi ra về, anh nhớ ra điều gì đó, lại quay đầu hỏi: “Ông ơi, chuyện của nhà họ Lý cũng chỉ dính tới vụ án của Trần Dụ Đạt, vì sao lại nói phải trừ hại cho Tân Hương chứ?”.
“Năm nay bọn họ lên kế hoạch xây thành phố mới, chiếm hết mọi thứ tốt đẹp của chúng tôi. Không những vậy còn lũng đoạn thị trường.”
Đất ruộng là gốc rễ của người nông dân, chẳng trách một ông cụ chỉ mong được yên ổn bỗng nhiên lại lên tiếng. Thế mới nói hại người đừng hại tận gốc.
Có tư duy phá án mới, nhưng Lê Hoan lại có chỗ chưa hiểu: “Thầy Cung, làm sao thầy biết có thể tìm được manh mối từ ông cụ ấy?”.
“Người dân trong thôn không muốn nói nhiều nên nói là không biết. Nhưng vụ án này không phải có ẩn tình mà là đang có một thế lực ở trên chèn ép họ, họ không dám nói mà thôi. Còn ông cụ kia, cô không phát hiện ra sao, hôm nay không nắng lắm, không thích hợp để tắm nắng. Huống hồ trước sau ông ấy vẫn luôn nheo mắt theo dõi hành động của chúng ta.”
Lê Hoan thầm bái phục vị chuyên gia tâm lý tội phạm này, tư duy của anh ấy quả là tinh tế. Nhưng vị có suy nghĩ tinh tế ấy lại không vì có được phương hướng mới mà nhẹ nhõm. Ngược lại, những câu hỏi chưa được giải đáp vẫn còn quấn quanh trong lòng anh. Ví dụ như “chứng cứ xác đáng” khi trước, sau khi phán người ta tội giết người, tại sao lại dang dở để đó. Rồi khi vụ án cũ được đào xới lại, phòng chứa tài liệu của đồn công án sao lại vô duyên vô cớ bốc cháy. Anh cảm thấy vụ án còn rất nhiều điều cần bàn bạc.
Một mặt, Lê Hoan sắp xếp người thu thập lại chứng cứ năm xưa. Mặt khác, Cung Khắc cũng đang tìm kiếm cách để điều tra ba anh em nhà họ Lý mà không đánh rắn động cỏ.
Có điều, rắn cuối cùng vẫn động, vào một buổi chiều khá đẹp trời, một chiếc Cadillac kiểu limo nằm ngang trước cửa vào nhỏ hẹp của đồn công an huyện Tân Hương. Lê Hoan đang đối chiếu chổ tài liệu trong tay, ngẩng đầu lên nhìn ra ngoài cửa sổ, vừa hay trông thấy cậu ba nhà họ Lý – Lý Thế Mậu – nhảy xuống xe. Anh ta mặc áo vest quần Âu, không khác mấy so với bức ảnh trong tập tài liệu của Lê Hoan .
Lê Hoan trông thấy anh ta đứng trước cửa ngắm nghía mấy giây rồi mới chỉnh trang lại vạt áo, sải bước vào trong. Chẳng mấy chốc, tiếng giày lộc cộc đã vọng tới.
“Đội trưởng Lê phải không?”
Lê Hoan nhướng mày, “Tôi đây, anh có chuyện gì?”.
“Nghe nói mấy người đang đi khắp nơi thu thập tài liệu điều tra chúng tôi, nói chúng tôi là hủng thủ năm xưa đã giết Vương Bảo Hộ?”
Lê Hoan lại nhướng mày, không tỏ thái độ gì. Lý Thế Mậu cũng mặc kệ cô ấy, tự nói tiếp: “Mấy người thì điều tra thì cứ điều tra, nhưng có một chuyện. Anh tôi đã nói, nhà họ Lý chúng tôi là gia đình có mặt mũi, điều tra rõ ràng mà không phải chúng tôi thì tới lúc đó chúng tôi sẽ yêu cầu một lời giải thích đấy”.
Nói xong mấy câu này, Lý Thế Mậu lại ngông nghênh bước ra khỏi phòng, một cậu cảnh sát địa phương ghé tới bên cạnh Lê Hoan, nhỏ giọng nói: “Đội trưởng Lê, nhà họ Lý là gia đình giàu có bậc nhất ở huyện chúng ta, lãnh đạo huyện có lúc còn phải nể mặt họ vài phần, bây giờ biết được chúng ta đang điều tra họ, chắc là vụ án này sẽ khó khăn lắm đây…”
Lê Hoan phóng một ánh mắt sắc như dao: “Cậu tốt nghiệp trường cảnh sát nào? Giáo viên nào dạy cậu phá án cần quan tâm thể diện? Khó là không điều tra nữa?”.
Cậu cảnh sát bị nạt, không dám ngẩng đầu lên.
Hôm đó trở về, Cung Khắc nghe được Lê Hoan kể lại chuyện ban sáng. Anh gật đầu: “Đây là hiện tượng bình thường, bọn chúng đang chột dạ”. Cung Khắc nói đối phương chột dạ không phải là vô căn cứ. Lúc sáng, anh lại tới nhà Trần Đông Lâm một lần nữa, lần trước khi Trần Nhất Hiểu nói bố cậu ta không yêu mẹ cậu ta, anh đã để ý, mà hành trình tới nhà họ Trần lần này cũng trùng hợp chứng thực được suy đoán ban đầu của anh.
Nguyên nhân chủ yếu khiến Trần Đông Lâm không ưa cậu em thứ ba là vì anh ta đã cưới người mà hắn thích. Trần Đông Lâm và mẹ của Trần Tấn từng là một đôi. Chứng cứ chính là cuốn nhật ký của mẹ Trần Tấn, tìm được một trong một góc tối tại nhà Trần Đông Lâm.
Nhật ký ghi lại những kỷ niệm khi hai người còn yêu đương nồng nhiệt. Nhưng tới một ngày nọ thì đột ngột dừng lại.
Khi tiếp tục đã là trang cuối cùng, nội dung thế này: “Tôi đã không còn là người sạch sẽ nữa. Nếu họ muốn thì tôi cho họ, cũng coi như báo đáp ân tình của Trần Dụ Đạt, anh ấy là người tốt”.
Những ghi chép đơn giản khiến Cung Khắc suy luận được tình hình đại khái của năm xưa. Mẹ của Trần Tấn bị người ta chà đạp, Trần Đông Lâm nhất thời không chịu nổi, mẹ Trần Tấn hụt hẫng đánh liều lấy em trai của Trần Đông Lâm, nhưng không ngờ sau đó Trần Dụ Đạt lại dính tới một vụ giết người, để cứu chồng ra, mẹ của Trần Tấn có vẻ như đã một lần nữa hy sinh bản thân mình.
Đương nhiên, suy luận này cần những chứng cứ nền móng. Đọc nhật ký của mẹ Trần Tấn, Trần Đông Lâm khóc không thành tiếng, bưng mặt thừa nhận tất cả. Lúc đó hắn và mẹ Trần Tấn yêu thương nhau, bố mẹ của bà ấy luôn xem thường hắn, vì chuyện này hắn đã phải nhịn một cục tức. Tới một ngày, khi mẹ Trần Tấn đầu tóc bù xù, quần áo bị xé rách, đi mấy cây số đường núi tới tìm và đứng trước mặt hắn, hắn bỗng có cảm giác đối phương không xứng với mình, ma xui quỷ khiến, hắn bỏ mẹ Trần Tấn lại mà đi.
Vốn nghĩ rằng qua mấy ngày nữa, tâm trạng bình ổn, hắn sẽ lại đi tìm bà ấy. Ai ngờ được khi đối mặt, người ta đã trở thành em dâu.
Tạo hóa trêu ngươi, nếu sớm biết kết quả này, lúc trước hắn còn cần lòng tự trọng không? Trần Đông Lâm cũng không biết nữa.
Chỉ tiết là, mẹ của Trần Tấn không kể kẻ đó rốt cuộc là ai.
“Tôi đảm bảo đó là ba anh em nhà họ Lý!” Lê Hoan phẫn nộ lên tiếng. Cô ấy hận nhất chính là vụ án cưỡng bức, nhất là nhiều người cùng thực hiện.
“Thầy Cung, tôi chuẩn bị khởi tố ba anh em nhà họ đây…” Mặc dù không có chứng cứ.
Lời của Lê Hoan còn chưa dứt, điện thoại trong phòng làm việc của đồn công an đã gấp gáp kêu.
Nói chuyện xong, sắc mặt Lê Hoan bắt đầu nặng nề "Nhà kho của nhà họ Lý ở Thành Bắc bị cháy, nghe nói trong kho còn có người".
Thành Bắc cách đồn công an một quãng đường, khi chỉ còn cách đó hai con đường nữa, người trong xe đã nhìn thấy một làn khóị đen dày đặc che kín nửa bầu trời, trận hỏa hoạn quả là dữ dội.
Trước khi trời tối, đám cháy đã được dập tắt. Mục Trung Hoa đi theo, đeo khẩu trang vào hiện trường trước. Thi thể nằm giữa nhà kho, tay chân co quắp như đang đấu quyền. Thông qua thu thập chứng cứ ban đầu, bà gọi pháp y đi cùng thông báo cho những người khác rằng đã có thể vào hiện trường.
"Cần phải giải phẫu thi thể mới có thể đoán định được là trận hỏa hoạn do vô ý hay có người mưu sát. "Giọng nói của Mục Trung Hoa trở nên bí bách qua chiếc khẩu trang.
"99% khả năng là mưu sát." Tiếng Cung Khắc khiến Mục Trung Hoa hiếu kỳ, xem ra anh đã chắc chắn rồi. Ngón tay Cung Khắc chỉ về một hướng, Mục Trung Hoa nhìn theo và sững người.
Trên một khoảng nền đen xì vì cháy, lúc này đang có một tờ giấy trắng, dường như còn có nét bút.
Mục Trung Hoa đứng dậy đi qua đó, mang theo găng tay cao su cầm tờ giấy đó lên. Lần này bà đã nhìn rõ. Hàng chữ đầu tiên là: Cảnh sát vô dụng, để tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nhiều năm, tôi sẽ thay trời hành đạo.
Còn nét chữ bên dưới lại là một kiểu chữ khác.
Là thư nhận tội.
Xem xong gần hết, Mục Trung Hoa quay đầu nhìn Cung Khắc: Lần này thì hay rồi, tất cả chúng ta đều trở thành nghi phạm.
Cung Khắc cũng nhớ lại lúc Đông Đông xem Thám tử lừng danh Conan, nó thường nhảy bật lên ghế, hét to một câu: Hung thủ nằm trong số chúng ta.
Anh quay đầu nhìn xung quanh, không phải cảnh sát cũng là nhân viên.
Danh Sách Chương: