Năm 209, Tần Nhị Thế Hồ Hợi năm thứ nhất, làng Trung Dương, ấp Bái Phong.
Lưu Doanh mới ba tuổi, chân đi giày cỏ, trên mình mặc áo vải gai rách rưới, trong tay cầm một quả thông vừa nhặt được trong rừng, lẫm chẫm bước đi trong núi.
Thực ra cậu không muốn đi một mình trong khu rừng vắng vẻ này, nhưng cha cậu lâu lắm không về nhà, mẹ cậu nhiều ngày trước một mình đi tìm cha. Sau đó mẹ cậu rất ít về nhà, cho dù có về cũng là để lấy tiền với lương thực rồi đi tiếp. Hàng xóm nói cha cậu lén thả tù nhân, phạm vào tội lớn, nên mới trốn trong núi không dám về nhà.
Nhưng cha cậu không phải là đình trưởng sao?
Lưu Doanh bặm môi, quyết định tự mình đi tìm cha, tuy chị cậu nói ngọn núi cha ẩn nấp cách nhà rất xa, nhưng cậu vẫn lén chạy ra ngoài.
Lúc này đang là giữa mùa hạ, tuy trong rừng cũng râm mát, nhưng vẫn oi bức khó chịu. Quệt mồ hôi trên mặt, Lưu Doanh cảm thấy cổ họng khát khô, cậu bèn thè lưỡi ra liếm mấy giọt mồ hôi ở bàn tay, không bỏ phí giọt nào.
Mằn mặn, hình như càng khát hơn...
Nhìn ra xung quanh, Lưu Doanh bỗng thấy ở khoảnh rừng phía trước hình như có người ngồi, cậu rảo bước đôi chân ngắn cũn đi tới, nhìn thấy người đó tay cầm một chiếc bát "vu", cúi đầu nhìn chăm chú.
Bởi vì người đó ngồi bệt xuống đất, nên Lưu Doanh dễ dàng nhìn được vào trong chiếc bát vu, trống không, chẳng có gì trong đó cả.
"Vu" là đồ để đựng cơm đựng nước, cái này Lưu Doanh biết, vì cậu cũng có một chiếc bát vu. Nhưng chiếc vu này rất tinh xảo, đánh sơn mài, trong lòng vu thì sơn màu đỏ tươi rói, bên ngoài là màu đen cao quý, còn dùng sơn đỏ để vẽ hoa văn hình mây. Hai màu đen đỏ thời bấy giờ là những màu cao quý, cho dù Lã Trĩ mẹ cậu là con nhà khá giả, của hồi môn đem về cũng đắt tiền, nhưng Lưu Doanh chưa bao giờ nhìn thấy chiếc bát vu đẹp đến thế.
Nhưng cho dù nó tinh xảo đến mức ai nhìn cũng không thể rời mắt, thì đối với Lưu Doanh hiện tại nó chẳng thể quý bằng một bát nước. Cậu nhìn người đó dò xét từ trên xuống dưới, thì thấy người đó bẩn thỉu nhem nhuốc, chẳng rõ là đi lang thang bên ngoài bao lâu rồi, so với chiếc vu sơn mài sạch tinh tươm trong tay thì quả là một trời một vực. Người đó tóc tai rối bù, lại đang cúi đầu, nên không nhìn rõ mặt, nhưng Lưu Doanh cho rằng người đó không lớn tuổi. Bởi vì chị cậu có nói tuổi của cậu gọi là tuổi "thùy thiều" (tóc để chỏm), mái tóc để xõa tùy ý, chị gái nói đợi khi nào cậu lớn lên thì mới chải búi tóc lên, mới gọi là "cập quan" (đội mũ).
Lưu Doanh hơi thất vọng, bởi vì cậu nhìn thấy người kia ngoài chiếc bát vu sơn mài ra, trên người chẳng còn đồ đạc gì. Sờ lên cái bụng kêu réo, Lưu Doanh cảm thấy tốt nhất là mình đi về nhà, may ra thì chạy về kịp lúc chị gái làm bánh buổi tối. Xem ra cha cậu nói đúng, hùng tâm tráng chí lớn đến đâu, cũng phải quỳ dưới chân những việc ăn uống ngủ nghỉ tầm thường.
Trước khi đi, Lưu Doanh còn tử tế nói với người kia: "Mau về nhà đi, trong núi có yêu quái ăn thịt người đấy!"
Cậu bé Lưu Doanh cất giọng trẻ con, vừa nói dứt thì một trận gió thổi qua, khiến cậu run lên, cậu càng thêm sợ. Khi cậu quyết chí ra đi tìm cha, cậu rất tự tin, giờ thì thối chí rồi, lại nhớ lại câu nói của chị gái, khiến cậu run rẩy.
Hơn nữa, bỗng nhiên cậu lại có một ý nghĩ, liệu người ngồi trước mặt kia có phải yêu quái không?
Lưu Doanh cứng đờ người, muốn bỏ đi nhưng không biết vì đói khát hay vì sợ hãi mà không nhấc chân lên nổi, cứ giương mắt nhìn người kia chầm chậm ngẩng đầu lên.
Khi nhìn thấy gương mặt người kia, Lưu Doanh càng sợ hãi, người đó còn trẻ tuổi, gương mặt thanh tú, trông rất thư sinh. Nhưng trên cổ gã đó có một vết thương còn chưa lành, hình như bị ai đó chém một đao, vết thương ghê rợn lộ ra từ bộ quần áo rách rưới, không có cách gì che đậy được.
Lưu Doanh cảm thấy yêu quái trong núi không thể nào lại đến bước đường cùng này được, thời Tần Nhi Thế chính trị tàn bạo làm loạn thiên hạ, lưu dân các nơi nổi dậy, có thể gã gặp chuyện gì đó nên mới trốn vào trong núi. Lưu Doanh tuy còn nhỏ tuổi, nhưng thường ngày chị gái dạy dỗ cậu cẩn thận, cậu liền đề nghị rất tử tế: "Anh không có chỗ nào ở à? Hay về nhà em cũng được".
Đôi mắt của gã nam nhân trẻ tuổi trông như đã chếtnghe thấy câu nói của Lưu Doanh, mới chớp chớp mấy cái, nhếch khóe miệng lênnói ra mấy tiếng: "Không cần, xin đa tạ". Tiếng nói khản đặc khó nghe, như thể đã lâu lắm gã không nói.
Lưu Doanh nghe thấy gã nói, lòng hiếu kỳ chiến thắng nỗi sợ, chỉ vào chiếc bát vu sơn mài trên tay gã đó nói: "Chiếc vu này của anh à?" Không thể trách Lưu Doanh nghi ngờ được, bởi vì gã này trông rách nát như thế, mà lại cầm một chiếc vu sơn mài quý giá đến vậy, đúng là rất kỳ lạ.
Gã trẻ tuổi không trả lời, mà hỏi lại: "Cậu bé có biết "đồ sơn" là gì chăng?"
Lưu Doanh nghiêng đầu, những người xung quanh cậu nói năng không văn vẻ như thế, nhưng dù sao cậu cũng hiểu người đó nói gì. Cái gì là "đồ sơn"? Cậu nghi hoặc lắc đầu. "Đồ sơn" là một thứ rất thần kỳ, vừa nhẹ vừa chắc chắn, sáng bóng đẹp đẽ, rất quý giá.
"Vùng cao có cây sơn, vùng thấp có cây dẻ... Ngu Thuấn làm đồ đựng thức ăn, chặt gỗ rừng để làm, mài hết vết cắt đi, quét mực sơn lên trên... Vua Vũ làm đồ tế, nhuộm mực đen bên ngoài, vẽ sơn đỏ bên trong...". Có lẽ vì tìm lại được cảm giác nói chuyện, người đó càng nói càng lưu loát, tiếng nói cũng càng lúc càng lớn. Tuy giọng vẫn khàn khàn, nhưng tiếng nói mạnh mẽ, theo gió núi vang lên trong rừng, nghe loáng thoáng có tiếng vọng lại.
Thực ra mười câu thì có chín câu là Lưu Doanh nghe không hiểu, nhưng cậu cảm thấy tiếng nói trầm bổng rất hay, liền quên luôn cơn đói khát, chớp chớp đôi mắt to tròn chăm chú lắng nghe.
"Có biết Chu Dịch không?" Gã trẻ tuổi bỗng chuyển chủ đề, hỏi lại cậu. Nhưng gã cũng không hy vọng cậu bé Lưu Doanh mới hai, ba tuổi có thể trả lời được câu hỏi, hơi dừng lại một chút rồi gã tiếp tục nói: "Chu Dịch có bát quái, Càn ba liền, Khôn sáu đoạn, Chấn chén ngửa, Cấn bát úp, Ly giữa rỗng, Khảm giữa đầy, Đoài khuyết trên, Tốn đứt dưới. Tám câu đó không đơn giản chỉ để nhớ hình dáng của quẻ tượng đâu".
Lưu Doanh nghe chẳng biết có hiểu hay không, lễ phép không chen ngang.
"Chu Văn Vương Cơ Xương không chỉ viết ra quái từ và hào từ, mà còn chế tạo ra những vật tượng trưng cho bát quái nữa". Gã trẻ tuổi khẽ thở dài, lấy tay chà lên chiếc bát vu sơn mài trên tay, "Đây chính là vu Chấn Ngưỡng".
(Vu Chấn ngưỡng vừa có nghĩa là "quẻ Chấn có hình dáng giống chiếc vu để ngửa", vừa dùng chỉ luôn tên chiếc vu là Chấn Ngưỡng)
"Vu Chấn Ngưỡng?" Lưu Doanh không hiểu, chỉ nhắc lại, chiếc vu sơn mài này xem ra là rất quý, nhưng không ngờ lại có cái tên cổ quái như vậy.
"Tượng quẻ của quẻ Chấn, trông giống như một chiếc vu đặt ngửa. Quẻ Chấn mà ra, thì lay chuyển đến cái gốc của đất nước...". Bỗng nhiên giọng nói của gã trẻ tuổi khản đặc trở lại, gã che tay lên miệng ho mạnh mấy tiếng.
Có lẽ vì vết thương trên cổ chưa khỏi hẳn, Lưu Doanh vẫn còn nhìn thấy có máu rỉ ra từ vết thương kinh khủng kia. Chiếc vu sơn mài trên tay gã cũng không còn cầm vững nữa, rơi xuống đất, lăn lông lốc đến trước mặt Lưu Doanh.
"Anh... anh không sao chứ?" Lưu Doanh nhặt chiếc vu lên, định trả lại cho gã trẻ tuổi, nhưng cậu bỗng cảm thấy tay mình nặng trịch, suýt thì đánh rơi chiếc bát vu. Cậu cúi đầu nhìn, thì thấy trong chiếc vu bỗng nhiên có đầy nước sạch!
Lưu Doanh ngạc nhiên tột độ không nói nên lời, rõ ràng chiếc vu ban nãy lúc trong tay gã kia vẫn trống rỗng, vì sao vừa cầm lên đã đầy nước?
Gã trẻ tuổi nhìn vu Chấn Ngưỡng trong tay Lưu Doanh, vẻ mặt phức tạp, một hồi lâu sau mới thở dài nói: "Đối xử tốt với nó, đừng để nó rơi xuống đất nữa".
"Hả?" Lưu Doanh ngạc nhiên ngẩng đầu, thì thấy gã trẻ tuổi đã đứng dậy, loạng choạng đi vào sâu hơn trong rừng.
2
Lưu Doanh cầm chiếc vu, đuổi theo gã trẻ tuổi một đoạn, thì không còn nhìn thấy bóng dáng gã đâu nữa. Cúi đầu nhìn bát vu đầy nước, Lưu Doanh nhịn một lúc, rồi cuối cùng cũng cúi đầu thử nhấp một ngụm.
Nước mát rượi, Lưu Doanh chớp chớp mắt, bưng bát nước uống ừng ực hết sạch.
Nhưng nước trong bát vu lại đầy lên, lại là một vu nước đầy, Lưu Doanh kinh ngạc. Dù còn ít tuổi nhưng cậu cũng biết một chiếc bát vu bình thường không thể tự sinh ra nước được.
Chẳng lẽ ban nãy gã trẻ tuổi cúi đầu thất vọng nhìn chiếc vu, là bởi vì trong tay hắn chiếc vu không thể ra nước được?
Lưu Doanh không có thời gian để nghiên cứu chuyện này, chị gái cậu đã tìm đến, định bụng lôi cậu về cho một trận đòn, Lưu Doanh vội vàng đưa chiếc vu sơn mài trong tay cho chị.
Cũng thật kỳ quái, chỉ cần chiếc vu trong tay Lưu Doanh thì sẽ đầy nước, nhưng trong tay chị gái Lưu Lạc, thì lại trở thành một chiếc bát vu bình thường.
Lưu Lạc năm nay đã chín tuổi, chững chạc hơn những bé gái bình thường, Lưu Doanh đem chuyện mình gặp gã trẻ tuổi kia lắp bắp kể lại, cô bé cũng biết chiếc vu kia có lai lịch không tầm thường, bèn dặn em trai mình cất đi, không được kể cho ai biết.
"Đến cả cha mẹ cũng không được nói à?" Lưu Doanh nghiêng đầu hỏi.
"Đợi cha mẹ về nhà đã...". Lưu Lạc xoa tay lên mái tóc mềm mại của cậu em trai, cũng nghĩ là việc này phải nói với cha mẹ một tiếng.
Hai chị em nghĩ thì rất hay, nhưng hiện thực thì rất tàn khốc. Chẳng bao lâu sau, liền có tin tức truyền tới, nói rằng Lưu Bang, cha của hai chị em, chém rắn trắng khởi nghĩa ở núi Mang Đãng, tạo phản rồi!
Thực ra từ khi Trần Thắng, Ngô Quảng khởi nghĩa ở hương Đại Trạch, thiên hạ này đã đại loạn rồi. Lưu Bang có quan hệ rất rộng ở huyện Bái, rất nhiều bằng hữu nghe tin đều kéo tới theo, hai chị em Lưu Lạc, Lưu Doanh cũng có hàng xóm giúp chăm lo. Cuộc sống vẫn tiếp tục, chỉ có điều Lưu Doanh có thêm một bí mật nhỏ, thỉnh thoảng lại lôi chiếc vu sơn mài ra ngắm, uống mấy ngụm nước trong mát, là vui vẻ suốt mấy ngày.
Cha của hai chị em không về nhà nữa, mẹ thì thỉnh thoảng về rồi lại đi ngay, trong mấy năm sau, đôi lúc hai chị em vẫn nghe tin về cha. Nào là tiến quân vào Hàm Dương, rồi tiệc Hồng Môn, rồi phong Hán vương ở Ba Thục... sau đó là trận đại bại ở Bành Thành.
Huyện Bái hỗn loạn, nghe nói Bá vương Hạng Vũ sắp sửa tắm máu huyện Bái, lời đồn lan truyền khắp nơi, chẳng ai biết thực sự đã xảy ra chuyện gì, mỗi người nói một phách. Lưu Lạc lúc này đã mười hai tuổi, len lén đem Lưu Doanh sáu tuổi trốn vào trong rừng, hai chị em vội vã đi trốn, không đem theo nhiều lương khô, càng chẳng đem theo nước. May mà Lưu Doanh vẫn ôm theo chiếc vu, hai chị em không đến nỗi chết khát trong rừng.
Lưu Doanh nhớ mang máng, khoảnh rừng nơi họ ở hiện tại chính là nơi năm xưa cậu gặp gã trẻ tuổi nọ. Hai chị em giúp nhau trốn trong rừng mấy hôm, cuối cùng thì thấy một cỗ xe ngựa.
Khi cha rời nhà đi, Lưu Doanh còn bé, không nhớ mặt mũi cha ra sao nữa. Nhưng Lưu Lạc thì vẫn còn ấn tượng, nên sung sướng kéo em trai ra phía trước. Thì ra sau khi đại bại ở Bành Thành, Lưu Bang bèn về huyện Bái để đón người nhà cùng đi trốn, nhưng vợ Lã Trĩ và cha của ông đã thất tán trong cơn loạn lạc. Ông chạy về nhà một chuyến, không tìm thấy con, vốn nghĩ là đã lạc mất, không ngờ lại gặp giữa đường.
Tình thế cấp bách, chẳng có thời gian cho họ khóc lóc, quan thái bộc của Lưu Bang là Hạ Hầu Anh vội vã xuống ngựa, bế hai chị em lên xe, rồi lại đánh ngựa chạy vội đi.
Hạ Hầu Anh là bạn tốt của Lưu Bang, tuy năm xưa Lưu Doanh còn nhỏ, nhưng vẫn rất nhớ bộ râu rậm của Hạ Hầu Anh, nên gọi ông là "chú râu rậm". Còn về cha mình, Lưu Doanh liếc nhìn, thấy người cha xa lạ ấy đang sa sầm mặt mày, có vẻ rất tức giận, không còn chút vui mừng nào như lúc gặp gỡ ban nãy nữa.
Chắc là vì thua trận... Lưu Doanh không dám chọc giận cha mình, cơ thể nhỏ bé của cậu co ro lại trong lòng chị, tất nhiên, chiếc vu sơn mài vẫn cầm chặt trong tay.
Kể cũng kỳ lạ, xe ngựa chạy rất xóc, nhưng bát vu đầy nước thì chẳng hề sánh ra ngoài giọt nào.
Tốt quá, lát nữa có thể đưa cho cha uống, chắc là cha rất khát. Lưu Doanh vui vẻ nghĩ vậy.
Lưu Lạc thì không chú ý đến điều này, cô bé rất nhạy cảm, nhận ra người cha lâu ngày không gặp của mình không hề I hiền từ như cô tưởng tượng, hơn nữa lúc này đang chạy trốn gấp gáp như vậy, e rằng họ đang bị cuốn vào vòng nguy hiểm. Loáng thoáng nghe thấy đằng xa có tiếng vó ngựa rầm rập cùng tiếng hò hét, Lưu Lạc hơi hối hận vì đã lên xe, nhưng cô bé chẳng thể làm được gì, chỉ biết ôm chặt lấy đứa em trai trong lòng.
Lưu Doanh không biết tâm trạng phức tạp của chị gái mình, chỉ chú ý đến chiếc bát vu trong tay, không rõ sau bao lâu, bỗng nhiên Lưu Doanh cảm thấy có một lực đẩy rất mạnh, trời đất quay cuồng, cậu văng ra khỏi xe ngựa rơi xuống đất, lăn mấy vòng rồi mới lơ ngơ chống một tay đứng dậy.
Chị gái cậu cũng văng khỏi xe nằm bên cạnh cậu, trên lưng còn có vết chân lớn, rõ ràng là vừa bị người khác đá khỏi xe.
Là ai? Chú râu rậm đang đánh ngựa phía trước, trên xe rõ ràng chỉ có một mình cha!
Lưu Doanh nhanh chóng ngẩng đầu lên nhìn về phía xe ngựa, chỉ thấy cha đang lạnh lùng ngồi trên xe, biểu cảm trên mặt mờ mờ không rõ.
"Cạch!"
Chiếc bát vu Lưu Doanh cầm trên tay rơi xuống đất, nước trong bát đổ ra một ít, trên nền cát khô khốc vung vãi ra những vệt nước, trông như nước mắt của ai chảy xuống.
Lưu Doanh không có ấn tượng gì nhiều với cha, nhưng trong mấy năm nay, chị gái và hàng xóm không ngừng nói chuyện cha cậu anh minh thần võ thế nào, uy vũ hơn người thế nào, là trang hảo hán người khác khâm phục tin tưởng thế nào. Vì thế nên lúc đó Lưu Doanh hoàn toàn không hiểu chuyện gì đã xảy ra, đến khi cậu ngơ ngác nhặt chiếc bát vu lên, nhìn thấy nước trong bát chỉ còn hơn nửa, mới cảm thấy như đánh mất thứ gì đó.
Không chỉ mất một chút nước trong bát vu bị đổ ra ngoài.
Chú râu rậm dừng xe, cãi nhau với cha cậu, rồi lại bế chị em Lưu Doanh lên xe.
Sau đó cha cậu lại đạp hai chị em xuống để giảm gánh nặng hòng mau chạy thoát.
Cứ như thế lặp lại ba lần.
Lưu Doanh đã hoàn toàn đờ đẫn, Lưu Lạc cũng đã thôi không khóc, chỉ ôm chặt lấy em trai mình trong lòng.
Hạ Hầu Anh cãi nhau to với Lưu Bang, Lưu Bang mấy lần rút kiếm đe dọa Hạ Hầu Anh đừng có lo cho con ông ta, Hạ Hầu Anh thấy vậy liền bế hai chị em đặt luôn lên ngựa của mình, rồi quất ngựa phi nước đại đi.
Lưu Doanh lơ mơ, không biết làm cách nào mình đến được Huỳnh Dương, nhưng một lúc lâu sau, nhờ ánh mắt quan tâm của chị gái mình, cậu mới hồi phục thần trí.
Hai chị em nhìn nhau không nói gì, nỗi đau thương trong lòng không thể dùng lời để diễn tả. Cứ như thể nếu không ai nhắc đến, thì chuyện vừa rồi coi như không diễn ra vậy.
Nước trong bát vu không thể đầy như ngày xưa nữa, luôn chỉ ra được hơn nửa bát, Lưu Doanh đoán rằng có lẽ là do mình làm rơi vu một lần.
Nhưng nước trong chiếc vu đó đại diện cho cái gì? Cậu không hiểu, chỉ cảm thấy khi uống nước trong vu, không còn ngọt mát như trước, chỉ thấy vô vị, chẳng khác gì thứ nước bình thường khác.
Cha ở tạm Huỳnh Dương, ngoài chú râu rậm ra, không còn ai biết ngày hôm đó cha đã vô tình vô nghĩa ném hai chị em xuống như thế nào. Thuộc hạ của cha rất đông, lúc rỗi rãi Lưu Doanh tình cờ gặp vài người, đều cung kính gọi cậu là đại công tử. Lưu Doanh chưa bao giờ gặp cảnh tượng đó, lúc đầu cảm thấy không quen lắm, nhưng sau đó gặp nhiều rồi cũng quen dần.
Đại công tử thì sao? Trong lòng cha chẳng phải cũng chỉ là một gánh nặng sẵn sàng bị vứt bỏ sao?
Chị gái hình như vì sợ hãi mà không ra khỏi cửa, nghe đâu cha đã bắt đầu tìm mối lái cho chị, dùng hôn nhân liên kết với thế lực khác, đúng là biết tận dụng hết mọi thứ có thể.
Chỉ có Lưu Doanh sáu tuổi là được nghe rất nhiều chuyện, bởi vì nhiều người coi cậu là một đứa trẻ, dù sao nghe xong cũng không hiểu. Nhưng Lưu Doanh cảm thấy mình bỗng chốc đã trưởng thành, trở nên lầm lì ít nói, nụ cười cũng đã biến mất, phần lớn thời gian đều ngồi ôm chiếc vu, lặng im không nói gì.
Rất nhiều người đều nghĩ rằng chiếc vu đó là đồ của mẹ cậu, nên không ai để ý.
Hôm đó, cậu nhìn thấy cha dẫn các tướng ra ngoài thành đón tiếp, chen nhau đốn về một tướng quân vũ dũng, thân mặc khôi giáp, cậu nhìn rất quen.
Lưu Doanh đứng ngây người ở một nơi không xa lắm, hình như cảm nhận được ánh mắt của gã, gã tướng quân trẻ tuổi khi đi ngang qua cậu, nhìn thấy cậu đang ôm trong lòng chiếc vu sơn mài chỉ còn hơn nửa bát nước, hơi dừng lại rồi mỉm cười với cậu.
"Từ ngày từ biệt trong rừng, đã ba năm rồi, đại công tử vẫn khỏe chứ?"
Lưu Doanh không có cơ hội để nói gì với gã tướng quân ấy, cha cậu hình như rất nóng lòng muốn nói chuyện với gã, kéo gã đi luôn.
Cúi đầu nhìn chiếc vu sơn mài trên tay, trên mặt nước trong phản chiếu gương mặt của cậu, cậu nhìn thấy trên mặt nước sóng sánh là những con sóng trong mắt mình.
Cậu bắt đầu đi dò la về gã tướng quân.
Thì ra gã tên là Hàn Tín, không có cha mẹ, nghe nói thời trẻ đi lang thang khắp nơi, chịu nhiều khổ cực, thời còn ở Hoài Âm từng bị một đám vô lại đùa bỡn, phải chui qua háng chúng. Sau này từng đi theo Hạng Vũ, làm một thị vệ cầm kích dưới trướng ông ta, bởi vì không được trọng dụng, nên mới quay sang đầu quân cho Lưu Bang cha cậu.
Tất nhiên không dễ dàng mà có được chức quan, gã chỉ làm một lính canh kho, thậm chí vô duyên vô cớ còn bị kết tội chết vì mưu phản. Nếu không có câu tự biện hộ trước lúc hành hình, khiến cho Hạ Hầu Anh lúc ấy đang giám trảm cảm thấy đây là người phi thường, thì danh tướng này đã kết thúc cuộc đời lúc đó.
Tuy sau này Lưu Bang không trọng dụng gã, nhưng gã có quan hệ mật thiết với thừa tướng Tiêu Hà. Nhưng Hàn Tín trong quân đội Hán mãi không được trọng dụng, đã chọn cách ra đi, khiến Tiêu Hà phải đuổi theo dưới đêm trăng, câu chuyện trở thành giai thoại trong quân Hán.
Sau đó, phong chức đại tướng quân.
Từ đó, chiến thần vô địch!
Lưu Doanh lặng nghe người xung quanh đang kể lể về chuyện của Hàn Tín, có người ngưỡng mộ, có người sùng bái, có người khinh miệt, có người thì mặc kệ.
Lưu Doanh còn bé, nhưng cậu cảm thấy, một người biết nhẫn nhịn chờ thời mới là đàn ông thực thụ, cho dù bị người khác đạp xuống nơi bùn nhơ thấp hèn nhất, cũng có thể đứng dậy đội trời đạp đất.
Cậu rất muốn tìm cơ hội để hỏi gã, chiếc vu Chấn Ngưỡng này là thế nào, tiếc rằng cha cậu không thể cho đại tướng quân dưới quyền mình đi gặp con trai mình được, ngày hôm sau cậu được phong làm vương thái tử, đưa đi Quan Trung. Nghe nói việc phòng thủ ở Huỳnh Dương được giao cả cho Hàn Tín, lập tức như bị phù phép, chuyển bại thành thắng. Các vùng Ung Khâu, Ngoại Hoàng lần lượt được quân Hán cướp lại, lập tuyến phòng thủ ở vùng Huỳnh Dương, Thành Cao, Lạc Dương.
Phòng tuyến này, Hạng Vũ đến tận lúc chết cũng không bước qua nổi một bước.
Máu và sự tàn khốc của chiến tranh, bị khóa chặt bên ngoài phòng tuyến này. Ngày tháng của Lưu Doanh ở Quan Trung rất bình lặng, mẹ cậu đã về, nhưng bà như một người khác hẳn. Cha cậu có thêm một người thiếp gọi là Thích Cơ, cậu có thêm một em trai tên là Lưu Như Ý. Cha cậu coi như báu vật, còn mẹ cậu thì như đang gặp quân giặc.
Lưu Doanh chẳng hề ghen tị, tình yêu của người như cha cậu, mạnh mẽ như lửa, nhìn thì rất sáng rất ấm, nhưng đến gần thì sẽ bị ngọn lửa vô tình thiêu đốt. Cũng như hôm ấy, rõ ràng lúc gặp nhau vui mừng khôn xiết, vậy mà lát sau đã đạp người khác xuống vực sâu.
Tin tức về chiến sự ở tiền phương liên tục được đưa về, trong vòng ba năm, Hàn Tín lần lượt diệt Ngụy, chiếm Triệu, uy hiếp Yên, bình định Tề... đến tận Cai Hạ để quyết chiến với Hạng Vũ.
Diệt Sở!
Gã Hàn Tín đó ra chiến trường là không một lần thất bại! Đó mới thực sự gọi là bách chiến bách thắng! Quốc sĩ vô song!
Quan Trung vui mừng hò reo, nhưng cũng có những lời lạc điệu, đồn rằng Hàn Tín muốn đem quân tự lập, xưng vương xưng đế.
Lưu Doanh không cảm thấy có gì không ổn, cơ nghiệp của cha có thể nói là một tay Hàn Tín giành lấy cho, cha cậu thì làm được gì? Sau trận đại bại ở Bành Thành, tước binh quyền của Hàn Tín, phong gã làm tướng quốc, bắt gã tự đi mộ lính để đánh Tề. Còn ngay trước trận quyết chiến Cai Hạ, Lưu Bang bị quân Sở đánh thua to, nếu không có Hàn Tín ra sức cứu, cha cậu đã chết không chỗ chôn thây rồi.
Tin tức lại truyền tới, binh quyền của Hàn Tín lại bị tước, rồi gã được phong Sở vương.
Lưu Doanh không hiểu nổi, vì sao gã lại nghe lời cha cậu như vậy? Không tự mình lên làm vua?
Trong đêm cha cậu lên ngôi, cậu bưng chiếc vu sơn mài chứa hơn nửa bát nước, lẩm bẩm cất tiếng hỏi. Chị cậu đã lấy chồng từ lâu, cậu có thói quen nói chuyện với chiếc bát vu.
"Làm vua thì có gì tốt đâu?" Một giọng nói từ bên ngoài cửa sổ vọng vào, một giọng khàn khàn quen thuộc.
Lưu Doanh giật mình đứng dậy, lập tức mở cửa sổ. Dưới ánh trăng lạnh lẽo, vị đại tướng quân vang danh thiên hạ đang mặc một bộ đồ đơn giản, tay chống kiếm, phong thái uy nghi, đứng ngoài cửa sổ.
"Tướng... tướng quân! Sao ngài lại ở đây?" Lưu Doanh sợ hãi, tuy cậu mới chín tuổi, nhưng cũng biết nếu người khác phát hiện ra cậu đã về Quan Trung, thì chắc chắn sẽ có trận sóng gió nổi lên.
"Tôi đến gặp đại công tử lần cuối". Vị tướng quân trẻ tuổi thong dong hành lễ, rồi đứng dậy nhìn Lưu Doanh, trong đôi mắt phượng là ánh mắt phức tạp.
Lưu Doanh cúi đầu nhìn bản thân mình, nhờ sự nỗ lực của mẹ và của Trương Lương, thậm chí phải mời bốn vị học sĩ ẩn mình ở núi Thương Sơn tới, cha mới không đổi Lưu Như Ý làm thái tử. Cậu vẫn là hoàng thái tử của Đại Hán, trên người mặc bộ lễ phục đen cao quý nhất. Lưu Doanh ngẩng đầu, cảm thấy vị tướng quân trẻ tuổi này hình như đang nhìn cậu để tưởng nhớ đến người khác.
"Tướng quân, Doanh này không xứng". Lưu Doanh buồn bã, cậu chỉ là một đứa trẻ bình thường, đầu óc chậm chạp, thậm chí không thông minh lanh lợi bằng em trai Lưu Như Ý mới sáu tuổi của cậu.
"Làm vua thì có gì tốt đâu?" Gã tướng quân trẻ tuổi lại nhắc lại lời nói ban nãy, lần này thì kèm theo chút giọng điệu giễu cợt, "Cha ông ấy đã không coi ông ấy là con, vợ ông ấy đã không coi ông ấy là chồng, con ông ấy đã không coi ông ấy là cha, ông ấy sẽ nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh, không tin ai cả, cuối cùng là chết trong cô độc".
"Đối với ông ấy mà nói, đó là sự trừng phạt".
Tuy lúc này đã vào hạ, nhưng Lưu Doanh bỗng thấy lạnh toát. Những lời ấy như một lời nguyền, quẩn quanh trong lòng cậu, lại khiến cậu không thể không thừa nhận, về cơ bản thì gã không nói sai. Cậu ít nhiều cũng biết những việc trước kia, khi hai quân đối đầu nhau ở suối Quảng Vũ, Hạng Vũ đã từng dùng tính mạng ông nội và mẹ cậu để uy hiếp phụ hoàng, nhưng phụ hoàng lại nói: "Nếu định làm thịt, thì ta xin một bát canh".
"Vậy... tướng quân... vì sao ngài vẫn... giúp cha ta?" Lưu Doanh lắp bắp hỏi. Cậu đột nhiên phát hiện ra, thời gian đã trôi qua sáu, bảy năm, nhưng người đó vẫn trẻ trung như hồi cậu gặp trong rừng, không hề có chút thay đổi nào.
"Ta phải đi đây". Gã tướng quân trẻ tuổi khẽ nhếch môi nói, rồi định quay người bỏ đi.
Lưu Doanh bỗng nóng ruột, cậu có rất nhiều việc muốn hỏi, cũng lờ mờ cảm thấy sau lần này e rằng không còn gặp lại được nữa. "Tướng quân, ngài trả ơn bà lão giặt vải, một bát cơm trả ngàn vàng, việc đó không có gì phải bàn. Nhưng vì sao ngài không trừng phạt kẻ đã lăng nhục ngài, lại còn cho hắn làm chức trung úy?"
Tướng quân trẻ tuổi dừng bước, bình tĩnh trả lời: "Nỗi nhục đó chẳng có gì không tốt, nó khiến tôi nhìn rõ thân phận mình".
Gã quay đầu lại, nhìn chiếc vu sơn mài trên tay Lưu Doanh, chậm rãi nói: "Người có biết "đồ sơn" là gì không?"
Lưu Doanh lắc đầu, năm xưa cậu từng được hỏi câu đó, nhưng đến giờ cậu vẫn không biết câu trả lời.
"Bên ngoài thì tinh xảo hoa lệ, lấy sơn đen để sơn, đảm bảo không mục nát, nhưng suy cho cùng, bản chất của nó vẫn là gỗ". Tướng quân trẻ tuổi thở dài một tiếng, rồi lại rảo bước tiếp tục đi về phía bóng tối, tiếng nói đứt đoạn theo gió truyền tới.
"Đừng nắm giữ quá khứ quá chặt, nhưng, người nắm giữ hiện tại thế nào?"
Lưu Doanh nghe xong, đôi tay bưng bát vu hơi thả lỏng ra, rồi sau đó lại ôm chặt chiếc vu.
3
Lưu Doanh vẫn chưa có cơ hội hỏi vì sao trong chiếc vu lại có nước, cậu cũng có dự cảm rằng, dù mình có hỏi cũng không có câu trả lời.
Năm đó, Lưu Doanh có thêm một em trai, tên là Lưu Hằng.
Lần này thì mẫu hậu không bận tâm lắm, bởi vì mẫu phi của cậu em này là Bạc Cơ không được sủng ái, người duy nhất mà bà đề phòng là Thích phu nhân mà thôi.
Lưu Doanh lại cảm thấy cậu em trai này hơi đáng thương, nghe nói phụ hoàng chỉ sủng hạnh Bạc Cơ có một đêm, dù có biết cô ấy có thai, cũng chẳng hề hỏi han gì. Lưu Doanh cho người đem cho một ít đồ, tuy không thể tự mình thăm nom, nhưng dù gì cũng là em trai mình.
Từ ngày ở tách khỏi cha mẹ, chị gái đi lấy chồng, Lưu Doanh lại càng coi trọng tình thân. Còn vị Hàn tướng quân mà cậu ngưỡng mộ, lúc gặp lại, chẳng còn cảm giác thân quen nào nữa, Lưu Doanh cảm thấy gã thực sự đã đi rồi, cho dù Hàn tướng quân hiện giờ có tướng mạo giống hệt gã.
Ngày tháng trôi qua dần, Lưu Doanh vẫn tỏ ra ngẩn ngơ chậm chạp, lạnh lùng bàng quan xem phụ hoàng và mẫu hậu tranh đấu, chẳng nói lời nào.
Cậu không coi trọng cái địa vị thái tử của mình. Nếu có thể, thậm chí cậu muốn làm một nông phu bình thường.
Nước trong chiếc vu Chấn Ngưỡng, ngày một vơi dần đi, có điều cậu không để ý.
Thậm chí cậu cho rằng, nước trong vu chắc là đại diện cho hy vọng của cậu. Hồi nhỏ, cậu muốn có được rất rất nhiều thứ, nhưng cậu luôn thất vọng. Sự hy vọng dần dần khô cạn, rồi biến thành tuyệt vọng.
Năm cậu mười sáu tuổi, phụ hoàng băng hà, cậu ngơ ngác ngồi lên ngôi vua, quốc gia đại sự đều do một tay mẫu hậu thao túng. Cậu cũng mừng vì nhẹ gánh.
Dù sao cậu cũng không hiểu lắm. Có thừa tướng Tiêu Hà, thì chắc chắn sẽ không xảy ra nổi loạn lớn.
Có điều năm ngoái mẫu hậu và Tiêu Hà cùng hợp mưu giết chết Hàn Tín ở trong nhà treo chuông trong cung Trường Lạc, Lưu Doanh biết đó không phải là Hàn tướng quân thật, nhưng nghe tin cậu cũng kinh ngạc khôn cùng.
Cậu biết mẫu hậu đã thay đổi, nhưng không ngờ lại trở thành một người xa lạ như vậy.
"Hoàng huynh, xem chữ của thần đệ viết thế nào?" Lưu Như Ý đã mười lăm tuổi, hai tay dâng lên một cuốn sách thẻ tre, đưa tới trước mặt Lưu Doanh. Lưu Như Ý thừa hưởng quá nửa tướng mạo của mẹ là Thích phu nhân, tuy còn ít tuổi nhưng mặt mũi thanh tú, đôi mắt hoa hạnh như nịnh nọt, khiến ai cũng không nỡ trách mắng.
Lưu Như Ý vốn được phong đến đất Triệu, nhưng lại bị thái hậu ra chiếu gọi về Trường An. Lưu Doanh sợ mẫu hậu gây khó dễ, bèn tự mình ra ngoài thành Trường An đón tiếp, đưa Lưu Như Ý thẳng đến tẩm cung của mình, cùng ăn cùng ngủ, không cho mẫu hậu có cơ hội ra tay. Lưu Như Ý cũng biết trong kinh thành này hiện nay người duy nhất cứu được cậu chính là vị hoàng đế ca ca trước mặt cậu đây, nên cậu càng dựa dẫm vào anh trai.
Lưu Doanh cầm cuốn thẻ tre của Lưu Như Ý, xem bừa một chút rồi khen: "Đẹp lắm". Thực ra cậu không hứng thú với những thứ này, nhìn Lưu Như Ý gầy gò dù đã mặc áo bào dày dặn, Lưu Doanh nheo mày lại nói: "Như Ý, đệ nên cùng trẫm dậy sớm đi luyện bắn cung".
Nhìn bên ngoài trời đổ tuyết lớn, Lưu Như Ý run run, mấy hôm nay cùng lắm là cậu dậy sớm cùng Lưu Doanh, trên bãi bắn cậu chỉ đứng nhìn. Trong điện đốt lò sưởi, ấm áp như mùa xuân, nếu không phải vì tính mạng đang bị đe dọa, làm sao cậu lại chịu dậy sớm để luyện bắn cung? Lưu Như Ý đã thân quen với Lưu Doanh, biết hoàng đế ca ca của mình lòng dạ tốt, nên cậu cố tình tỏ ra trẻ con. Nói cho cùng, cậu chẳng qua là một tiểu công tử sinh ra trong nhung lụa. Vì thế cậu lắc đầu quầy quậy từ chối, bày ra đủ trò mèo ăn vạ, khiến Lưu Doanh phải chịu.
Có lúc Lưu Doanh còn cảm thấy Lưu Như Ý mười lăm tuổi mà chẳng hiểu biết bằng Lưu Hằng tám tuổi, có lẽ năm xưa phụ hoàng chuyên bị cậu ta phỉnh phờ bằng chiêu ăn vạ này.
Thị vệ đưa cơm tới, Lưu Doanh cầm đũa ăn thử từng món trước. Đó không phải vì cậu kỹ tính, mà vì sợ cơm canh có vấn đề. Dù là người hầu thử độc cậu cũng không tin, phải tự mình thử.
Lưu Như Ý nhìn thấy, càng cảm kích trong lòng.
Lưu Doanh ăn mấy miếng xong, không thấy có gì bất thường, mới gật đầu ra hiệu cho Lưu Như Ý là có thể ăn được rồi.
Lưu Như Ý lại chỉ sang một bên hỏi: "Hoàng huynh, cái vu sơn mài đầu giường kia, vì sao bên trong lúc nào cũng có nửa bát nước?"
Lưu Doanh nhìn theo ngón tay của Lưu Như Ý, ánh nhìn dừng lại ở chiếc vu Chấn Ngưỡng đầu giường. Cậu lặng lẽ một hồi lâu, rồi từ từ chuyển chủ đề, không trả lời câu hỏi.
Lưu Như Ý lè lưỡi, rồi không để ý nữa.
Hôm sau, khi Lưu Doanh ngủ dậy, nhìn thấy Lưu Như Ý nằm cạnh mình vẫn ngủ say sưa, không nỡ đánh thức cậu, lẳng lặng dậy tự mình đi tập bắn cung. Khi về đến nơi, thì thấy những thị vệ hầu hạ ngoài cửa điện không còn một ai.
Trong lòng cậu dâng lên một luồng khí lạnh toát, Lưu Doanh kêu lớn tên của Lưu Như Ý, cậu chạy vội vào trong điện, thì lập tức nhìn thấy chiếc vu Chấn Ngưỡng lăn trên mặt đất.
Trong chiếc vu trống không, nước đã chảy ra hết, còn Lưu Như Ý hôm qua vẫn còn đang nhõng nhẽo bên cạnh cậu, thì thất khiếu chảy máu, tắt thở trên giường.
"Hoàng nhi, con có nghe không đấy?" Lã Trĩ đập tay lên án thư, giận tím mặt nhìn Lưu Doanh ngồi xếp bằng trước mặt, cầm chiếc bát vu sơn mài lên uống ừng ực từng ngụm rượu.
Sau khi Lưu Như Ý chết, Lã Trĩ vui mừng khôn xiết, đem hết mọi uất hận và sự đè nén bấy lâu nay đổ hết lên đầu Thích Cơ. Lưu Doanh bị bắt tới xem cảnh tra tấn dã man, không ngờ sau khi nhìn xong sợ hãi quá mà sinh bệnh nặng, hơn một năm sau mới dần hồi phục. Sau đó cậu ngày ngày say rượu, dùng chính chiếc vu năm xưa bị bôi thuốc độc nhằm giết chết Lưu Như Ý để uống rượu.
Lã Trĩ nhìn cảnh đó vừa ngứa mắt vừa chán ngán, nhưng bà nghĩ thân phận của mình không thể đi cướp cái bát vu sơn mài của con trai mình.
Tuy bà đã là người phụ nữ tôn quý nhất của triều Đại Hán, khoác bộ bào phục hoa lệ nhất, cài cây trâm vàng tinh xảo nhất, trang điểm cầu kỳ nhất, nhưng về bản chất, bà vẫn là một bà nông dân ở huyện Bái.
Vậy nên bà rất chú ý đến cử chỉ của mình, có điều đa số thời gian là bà không khống chế nổi bản tính của mình.
Có lẽ nên sai một gã thị vệ tìm cơ hội quẳng chiếc bát vu đó đi.
Lã Trĩ biết con trai bà đang rất bất mãn với bà, nhưng bà không làm khác được nữa. Kinh nghiệm bao năm khiến bà hiểu rằng, đàn bà phải có quyền lực thì mới an toàn được. Ít ra thì quyền lực cũng không như đàn ông, vài năm hay mười mấy năm sau, bỗng một ngày tỉnh dậy, liền vứt bỏ bà như vứt một chiếc giày.
Bà không hối hận vì ra tay tàn độc với mẹ con Thích Cơ, nhưng bà hối hận vì bắt đứa con mềm yếu của mình chứng kiến cảnh tượng lúc đó.
Lã Trĩ hít thở sâu mấy hơi cho bình tĩnh lại, ngồi thẳng người lên, dùng giọng điệu ra lệnh nói chậm rãi: "Hoàng nhi, con sắp làm lễ đội mũ rồi, nên chọn một cô gái để làm hoàng hậu đi".
Lưu Doanh không trả lời, thậm chí trên mặt chẳng có biểu hiện gì, tiếp tục vớỉ lấy hũ rượu bên mình rót vào chiếc vu.
Lã Trĩ cũng không trông mong cậu có phản ứng gì, tiếp tục nói: "Yên Nhi là cô gái tốt, ai gia rất hài lòng, tháng sau hãy chọn ngày làm đám cưới đi".
Lưu Doanh uống hết rượu trong vu, nghe xong lập tức sặc rượu, ho lên vài tiếng, nhìn Lã Trĩ mà không dám tin.
Yên Nhi là ai? Là con gái của chị gái cậu! Là cháu gái của cậu! Năm nay mới mười hai tuổi! Mẫu hậu của cậu điên rồi sao?
Lã Trĩ thì lại rất hài lòng vì thấy con mình đã có vẻ mặt khác, nhưng không có nghĩa là bà cho phép cậu được phản đối quyết định của mình. Cuối cùng bà nhăn nhó nhìn chiếc bát vu tức mắt trong tay Lưu Doanh, rồi đứng dậy về cung.
Lưu Doanh nhìn chiếc vu trống không trong tay mình, từ ngày em trai Lưu Như Ý chết, nước trong vu ngày càng ít đi.
Lòng trong của chiếc vu sơn màu đỏ tươi bóng đẹp, vẫn còn vương vài giọt rượu, chầm chậm chảy dọc xuống đến đáy chiếc vu, rồi một chút nước chầm chậm dâng lên.
Thứ nước này vô cùng đắng chát, phải pha thêm rượu vào mới uống được.
Lưu Doanh cười hơi nhăn nhó, ban nãy mẫu hậu không hỏi ý kiến của cậu, mà chỉ đang thông báo cho cậu thôi.
Uống cạn hết thứ hỗn hợp gồm nước và chút rượu trong vu, Lưu Doanh lau vệt nước trên mép, cười bất lực.
Cậu không dám không cưới, đến giờ trong giấc mơ hàng đêm của cậu, vẫn thấy thảm cảnh của Thích phu nhân. Thủ đoạn của mẫu hậu quả là tàn nhẫn, vì sao người mẹ hiền từ năm xưa, lại biến thành ma quỷ như bây giờ?
"Đệ... đệ... làm sao thế?" Một giọng nói nhẹ nhàng cất lên bên tai, quen thuộc đến mức khiến Lưu Doanh suýt rơi lệ.
"Chị... Chị ơi!" Lưu Doanh gục trên án thư liền bò dậy, nhìn người chị đã lâu không gặp của mình. Lưu Lạc sau khi lấy chồng, ít khi ra ngoài, Lưu Doanh chẳng mấy khi gặp mặt. Nhưng trên gương mặt có phần tiều tụy, cậu vẫn có thể nhìn thấy tình yêu thương dành cho cậu như hồi còn nhỏ. Kéo tay áo của Lưu Lạc, Lưu Doanh cảm thấy mình như bám được vào một cọng rơm cứu mạng, khẩn cầu: "Chị ơi, chị đi nói với mẫu hậu, không thể để Yên Nhi cưới em được".
Đôi mắt Lưu Lạc đẫm lệ, nếu cô có thể chọn lựa, chắc chắn cũng sẽ không để cho con gái mình phải đi vào nơi thâm cung như tù ngục, nhưng cô đâu có cách nào! Vị mẫu hậu đó của họ, có khi nào chịu nghe người khác khuyên can? "Đệ đệ, em nghe chị nói. Em nhất quyết không được từ chối, bên ngoài lời đồn đại đã lan đi khắp nơi, nếu em không lấy Yên Nhi, sau này Yên Nhi cũng đừng nghĩ đến chuyện gả cho người khác. Gả vào trong cung, chí ít còn tốt hơn không gả đi được...".
Nghe những lời kể lể của Lưu Lạc, tất thảy đều bộc lộ sự lo lắng cho con gái mình, Lưu Doanh từ từ thả lỏng tay, buông vạt áo của chị trong tay cậu xuống.
Đúng vậy, chị cậu lấy chồng từ sớm, đã có gia đình của riêng mình, không thể chỉ lo nghĩ cho mình cậu như xưa nữa...
"Đệ đệ, chị chưa bao giờ cầu xin em điều gì, năm đó chị dắt em vào rừng chạy nạn...".
Lưu Doanh nở một nụ cười còn khó coi hơn khóc, khó khăn gật đầu đồng ý: "Trẫm hiểu rồi, trẫm nghe lời chị vậy".
Việc cậu chuyển cách xưng hô từ "em" sang "trẫm", Lưu Lạc chợt nhận ra điều gì đó. Nhưng sau khi cô nghe Lưu Doanh nhận lời, liền thở phào nhẹ nhõm, vui vẻ đi ra ngoài.
Lưu Doanh đau đớn cầm bát vu lên, không hề nhận ra chiếc vu đã không còn ra chút nước nào nữa.
Cậu tiếp tục uống từng ngụm rượu lớn.
Phải, cậu có thể bảo vệ Yên Nhi, tuy cậu không thể thực sự làm chồng của Yên Nhi, nhưng có cái danh hoàng hậu rồi, thì cũng có thể đảm bảo cho cả đời cô ấy bình an.
Nhưng vì sao không ai nghĩ cho cậu...
Trong lúc đau khổ, Lưu Doanh càng uống nhiều, trong cơn mê man, câu nói năm xưa lại văng vẳng trong đầu.
Làm vua thì có gì tốt đâu?
Cha ông ấy đã không coi ông ấy là con, vợ ông ấy đã không coi ông ấy là chồng, con ông ấy đã không coi ông ấy là cha, ông ấy sẽ nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh, không tin ai cả, cuối cùng là chết trong cô độc.
Đó là sự trừng phạt...
Lưu Doanh đau khổ nằm co ro, cậu chẳng làm gì cả, vì sao lại phải thừa hưởng sự trừng phạt này?
Trong đại điện trống trải tịch mịch, hoàng đế trẻ tuổi nhà Đại Hán vẫn say rượu nằm ngủ như mọi ngày. Một thị vệ ngó nghiêng vào một hồi lâu, cuối cùng lật đật chạy vào, nhặt chiếc bát vu trống trơn dưới đất lên, cất vào trong người, lặng lẽ bỏ đi.
4
Năm 188, quán trà ở Trường An.
Hai vị công tử trẻ tuổi đang lặng lẽ uống trà, nghe những người khách xung quanh đang nói nhỏ với nhau chuyện Lã hậu chuyên quyền sau khi Hán Huệ đế bất ngờ băng hà.
Vị công tử trẻ tuổi mặc áo trắng khẽ thở dài, cố nói thấp giọng xuống: "Tiên sinh, đa tạ người ra tay cứu giúp".
Công tử trẻ tuổi mặc áo đen nhếch mép cười, chỉ vào chiếc bát vu sơn mài trên bàn nói: "Nếu không nhìn thấy thứ này bị đem bán, ta cũng không nghĩ ra chuyện phải đi gặp cậu". Thì ra gã thị vệ năm xưa phụng mệnh của Lã Trĩ, lấy chiếc bát vu từ chỗ Lưu Doanh, nhưng không đập vỡ nó, mà vì thấy chiếc bát tinh xảo, mới lén lút đem ra khỏi cung để bán, thế nên chiếc bát vu mới lưu lạc trong dân gian.
Công tử áo đen uống một ngụm trà, nheo mắt lại nói: "Cậu đã chịu vứt bỏ ngôi vị chí tôn thiên hạ, ta giúp cậu một lần thì có gì không được?"
Lưu Doanh lặng lẽ thở dài, cậu biết vị công tử trước mặt mình thần thông quảng đại, năm nay cậu đã hai mươi ba tuổi, nhưng gã vẫn trẻ trung như hồi họ gặp nhau hai mươi năm trước. Hai người ngồi với nhau, cậu thậm chí trông còn già dặn hơn gã một chút. Lưu Doanh không nhắc lại chuyện xưa nữa, có thể thoát khỏi cái vực sâu ăn thịt người ấy, cậu chẳng còn mong muốn gì khác. Còn ngôi hoàng đế, cậu cho rằng em trai Lưu Hằng có thể kế thừa, có điều Lưu Hằng liệu có lên ngôi được hay không, thì cậu không có khả năng can thiệp, và cũng không muốn can thiệp nữa.
Lưu Doanh cầm chiếc vu sơn mài trên bàn lên, tò mò hỏi: "Chiếc vu Chấn Ngưỡng này có lai lịch thế nào? Vì sao lúc đầu tôi cầm lên thì có nước, rồi dần dần lại khô cạn hết?"
Công tử áo đen bỏ chén trà xuống, bình thản nói: "Có biết Chu Văn Vương Cơ Xương không?"
Lưu Doanh gật đầu, cậu vẫn mang máng nhớ chuyện năm xưa, chiếc vu Chấn Ngưỡng này có liên quan đến Chu Dịch do Chu Văn Vương viết.
"Có biết Bá Ấp Khảo không?"
Lưu Doanh lại gật đầu. Bá Ấp Khảo là con trai của Văn Vương Cơ Xương, khi Cơ Xương còn là Tây Bá Hầu, truyền thuyết kể rằng Trụ vương ném Bá Ấp Khảo vào vạc dầu, nấu thịt thành canh rồi ban cho Cơ Xương. Dù Cơ Xương biết đây là canh nấu từ thịt của Bá Ấp Khảo, nhưng vì bị Trụ vương uy hiếp, mà vẫn phải uống. Đây là một truyền thuyết vô cùng tàn khốc thê thảm.
"Chu Văn Vương dùng chiếc vu gỗ để uống bát canh thịt đó, đau đớn tột cùng. Để nhắc nhở mối huyết thù to lớn này, ông luôn đem theo chiếc vu gỗ bên người, lại sợ nó mục nát mất, nên sau này quét sơn đen lên...".
Lưu Doanh như cảm thấy tay bị bỏng, lập tức bỏ chiếc vu Chấn Ngưỡng trên tay xuống bàn, không nói lời nào.
"Chính là chiếc vu Chấn Ngưỡng này. Nghe truyền rằng chỉ có chân mệnh thiên tử cầm lên thì trong vu mới xuất hiện nước. Mà nước trong vu này, chính là tình thân trong lòng của cậu...".
Sau đó không cần nói tiếp, Lưu Doanh cũng đoán ra.
Nước mát trong chiếc vu bị đổ ra nhiều lần, nước đổ ra không thể lấy lại... nên mới khiến cậu ra đi đầu không ngoảnh lại.
Tình thân cũng giống như làn nước trong, trông như có như không, không được người ta trân trọng, ngày thường lúc uống vào cũng không có cảm nhận gì, khiến con người ta không thèm chú ý đến. Nhưng nếu lâu ngày không uống, lại ngọt mát như nước cam lộ. Nhưng một khi đã uống cạn thì...
Rất lâu sau, Lưu Doanh mới thu lại ánh mắt, mở miệng hỏi: "Tiên sinh, ta đời này đã không còn ước nguyện nào khác, chỉ mong có thể theo hầu bên cạnh tiên sinh".
Ánh mắt công tử áo đen trở nên hiền hòa, không còn đằng đằng sát khí như khi còn giữ chức tướng quân năm đó, gật đầu đáp: "Cũng được, cậu theo ta, đi tìm một người, có lẽ phải tìm rất lâu đấy..."
"Đồng ý".
5
Năm 2012.
"Nói như vậy, thực ra Hán Huệ đế đó vẫn chưa chết phải không!" Sau khi nghe hết câu chuyện, bác sĩ vẫy vẫy đôi tai dài. Đã lâu lắm rồi anh chưa được ăn gì, nên nhờ gã chủ tiệm mua cho anh một gói sô cô la, giờ đang cố gắng đổ những viên kẹo sô cô la ra bàn. Không ăn được, thì ngắm vậy!
"Không, hắn chết rồi". Gã chủ tiệm bình tĩnh lau chiếc bát vu trong tay, hơi cúi đầu xuống nhìn. Đồ sơn mài thời đó đa phần chỉ có hai màu đen và đỏ, cũng vì ngày xưa đây là hai màu sắc tôn quý nhất. Màu đỏ tươi sáng mà không thô tục, màu đen thâm trầm mà không ảm đạm, hai màu phối hợp với nhau, càng thêm phần rực rỡ. Mặc dù chiếc bát vu sơn mài này ngoài vân mây bên ngoài bát ra thì không còn bất cứ hoa văn nào khác, nhưng vẫn trầm mặc cổ kính, đúng là thứ hiếm có khó tìm.
Bác sĩ nghe vậy bỗng sững người, những viên kẹo sô cô la trong tay rơi xuống lộp độp, vung vãi khắp quầy, còn cổ mấy viên rơi xuống đất, lăn lông lốc mấy vòng.
Gã chủ tiệm đặt chiếc vu Chấn Ngưỡng xuống, khom lưng nhặt từng viên kẹo sô cô la lên, gom lại đống kẹo trên mặt quầy thành một đống cạnh người bác sĩ.
"Xin lỗi". Bác sĩ lí nhí xin lỗi. Anh không cách nào tưởng tượng nổi gã chủ tiệm trong thời gian nghìn năm qua, đã lần lượt tiễn đưa từng người bạn của mình như thế nào. Nhìn họ già đi theo thời gian, nhìn họ từ những thiếu niên biến thành xương trắng... bác sĩ chợt có chút thương cảm, có lẽ đến ngày nào đó, anh và chủ tiệm cũng có kết cục như vậy.
"Vì sao phải xin lỗi? Là người ai chẳng phải chết". Chủ tiệm không để bụng, nhoẻn miệng cười, cầm một viên kẹo sô cô la lên, lấy khăn tay ra lau, rồi tiện tay bỏ vào mồm.
"Tôi xin lỗi vì làm rơi kẹo sô cô la thôi!" Bác sĩ liền lập tức cãi cùn.
Chủ tiệm mỉm cười: "Sô cô la ngon lắm đấy!"
"... Đáng ghét thật!"