CHƯƠNG 1|
Nhiều năm trước, sư phụ từng nói với ta: Trên đời này không có chuyện gì không thể giải quyết bằng đao. Duy nhất cần suy xét, đao có đủ nhanh hay không.
Khi thuật lại những lời ấy với A Phong, ta thấy như có một vệt sáng lóe lên trong mắt hắn. Vệt sáng ấy ta không sao cắt nghĩa được. Nhưng ta biết, hắn đã tìm thấy thứ hắn cần.
Ta nghĩ rằng lời sư phụ không hoàn toàn đúng. Nhưng, ta không biết phải phản bác ông ấy như thế nào.
Cũng giống như mười năm trước, phụ thân lồng lộn xé nát kho sách cổ của ta, tức giận quát: "Rốt cuộc ngươi có học võ không? Không học võ, tương lai ngươi định bảo vệ gia thế sự nghiệp như thế nào?"
Ta không biết phải phản bác thế nào, cho nên, trước khi ông ấy đập nát bàn cờ của ta, ta nói: "Con thích đao!"
Cứ thế ta được đưa đến Đại Mạc, bái "thiên hạ đệ nhị đao" làm sư phụ.
Thử đổi thành A Phong, nếu như hắn cảm thấy sư phụ nói không đúng, hắn cũng sẽ không phản bác. Bởi vì A Phong biết rằng làm như vậy không có ý nghĩa gì. Hắn không làm việc không có ý nghĩa.
Ta không thích luyện võ, cũng không thích đao. Ta thích đêm đến chắp bút làm thơ, xuân đến cưỡi lừa thổi sáo, gió thoảng trong sân đàn huyền cầm, cùng cô nàng biết nhảy múa hát ca.
Nhưng A Phong thích. Hắn nhìn lưỡi đao trong tay, ánh mắt tràn đầy nhiệt huyết, giống hệt như ánh mắt biểu ca ta lúc đi nhìn trộm nha hoàn tắm rửa. Tại sao ta lại có ấn tượng sâu đậm với ánh mắt ấy? Bởi vì khi ấy biểu ca dẫn cả ta đi cùng. Năm ấy biểu ca 12 tuổi, ta 10 tuổi. Phụ thân vớ lấy ống trúc cho cả hai một trận no đòn. Ống trúc ấy còn cao hơn cả ta.
Nhưng sư phụ không chịu dạy A Phong.
A Phong một mình lặn lội xa xôi đến Đại Mạc, quỳ trước cửa viện sư phụ bảy ngày bảy đêm, nhưng sư phụ vẫn không thu nhận hắn.
Sư phụ nói y bộn bề tâm tư, cầm đao khó thẳng. Đao không thẳng, ắt khó thành hướng. Đao vô hướng, ắt nhập ma đạo.
Sư phụ nói rất nhiều, nhưng ta biết nguyên nhân thực sự: A Phong không có tiền, không nộp nổi một ngàn lượng vàng.
Năm xưa khi phụ thân dẫn ta đến Đại Mạc, sự phụ cũng bày ra rất nhiều lý do, từ chối thu nhận ta. Nhưng phụ thân ta đã dùng một ngàn lượng vàng bịt mồm sư phụ.
Vàng là của báu, có thể giúp sư phụ vừa có rượu thịt chè chén no say, vừa có nữ nhân vui đùa thỏa thích; có thể giúp sư phụ thỏa chí làm hào khách xiêm y phong nhã cưỡi tuấn mã; cũng có thể khiến cho "thiên hạ đệ nhị đao" tận tâm dạy bảo một kẻ lòng không hướng về võ.
A Phong cực kì thích luyện võ, cực kì thích đao.
Ngày quỳ thứ bảy, khi mang màn thầu đến cho hắn, ta bèn khuyên: "Về đi A Phong. Sư phụ ta lòng dạ sắt đá, dù ngươi có quỳ đến chết, ông ấy cũng không dạy ngươi đâu."
Đột nhiên, A Phong ngã sấp xuống trước mặt ta, cả người sõng dưới đất, mình mẩy dính đầy cát, nhưng vẫn gượng ngẩng đầu lên đối diện với ta, giống như con cá sắp chết vẫn cố giãy giụa tìm nước giữa sa mạc.
Thân thể suy nhược, cổ họng chắc đã khô rát, giọng hắn khàn khàn như cát cháy nắng: "Huynh dạy ta."
Nghe vậy ta hết hồn. Ta định nói "Không được, ta làm gì biết dạy" ta định nói bản thân ta còn chẳng muốn học... Nhưng trông thấy ánh mắt của hắn - vừa mong mỏi vừa tuyệt vọng, vừa hờ hững lại vừa khát khao, ta không thể mở lời.
Nếu như ta từ chối, thật sự hắn sẽ chết.
A Phong tự dựng cho mình một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ. Lúc đầu, hắn dựng ngay trước viện của sư phụ.
Một ngày nọ, khi sư phụ dạy ta luyện đao, tay người vừa động đã vẽ ra một bài hoa đao [1] vô cùng đẹp mắt, như cơn mưa sa hoa lê rụng. Hoa lê rụng hết, căn nhà gỗ nhỏ cũng nát tan, chỉ còn trơ lại mấy tấm ván gỗ xếp thật ngăn nắp thành vòng tròn như cánh hoa đương độ bung nở, nhụy hoa chính là A Phong đang sững sờ bất động.
[1] Hoa đao: một bài võ luyện đao gồm nhiều thế đao liên tiếp, có thể xem thêm bài Phong hoa đao.
"Xin lỗi, run tay." Sư phụ xin lỗi A Phong, nhưng ánh mắt vẫn lạnh lùng như sắt thép.
Ta rất lo lắng, ta cứ ngỡ A Phong sợ quá hóa ngơ.
Nhưng thực tế chứng minh ta đã sai. Ánh mắt A Phong bùng lên niềm say mê, như thể vẫn đang đắm chìm trong đường hoa đao ảo diệu.
Thực tế chứng minh sư phụ đã sai.
Đối với một người trong mắt chỉ có đao, làm sao có thể từ chối y bằng đao đây?
Chẳng mấy chốc A Phong lại dựng một ngôi nhà gỗ khác. Lần này, hắn dựng ở phía sau viện của sư phụ, chắc cách tầm trăm bước. Nhà gỗ đơn sơ có mỗi một cái giường gỗ.
Ngày ngày, ta mang ít đồ ăn thức uống đến cho hắn. Mặc dù không thể sánh bằng phụ thân, tùy ý ném cả ngàn lượng vàng khiến sư phụ buộc phải thu nhận hắn. Nhưng tiền nuôi một miệng ăn ta vẫn chi được.
"Hai cái màn thầu, một văn tiền. Một bát mì, hai văn tiền. Một chén trà, một văn tiền."
A Phong lúc nào cũng lẩm nhẩm tính toán, hắn nói: "Ta sẽ trả huynh."
Khi nói câu ấy, hắn nhìn thẳng vào mắt ta, vô cùng nghiêm túc.
Ta không nắm rõ giá cả của mấy thứ này. Nhưng ta biết, một chén trà đưa đến tận sa mạc, gấp mười lần giá chắc gì đã thỏa? Hơn nữa, trà ta uống sao có thể là loại một chén một văn tiền? Nhìn vẻ đau khổ của sư phụ mỗi lần trả tiền, ta cũng có thể đoán ra.
Nhưng ta sẽ không bao giờ nói với hắn. Đối với A Phong mà nói, mấy trăm văn tiền cũng chẳng khác gì mấy trăm lượng bạc, đều là những con số hắn không trả nổi.
Nhưng ta rõ hơn ai hết, hắn sẽ trả.
Xem thêm...