Khoảng đầu tháng tư, mắt thấy sắp bước vào vụ mùa, Bá Khắc chuẩn bị đánh xe trâu đến tỉnh Hoàng để học hỏi kỹ thuật trồng lúa của người dân bên đó.
Xe trâu chất đầy quà cáp, đồ ăn và sách vở cho Văn Phúc học trên đường đi. Con đường từ huyện Túc đến tỉnh Hoàng hơn hai trăm dặm*, cả đi cả về mất hơn một tháng. Đáng lẽ có thể đi xe ngựa nhưng xét về tính an toàn, mọi người vẫn quyết định đi xe trâu, đóng tấm niếp che nắng che mưa.
Thời buổi bây giờ, quan lại tham nhũng trộm cướp hoành hành, cho dù là nhà giàu hống hách phách lối đi đường xa cũng không dám đi xe ngựa, bởi vì rất dễ gặp cướp trên đường, vẫn nên đi xe trâu là tốt nhất, chậm nhưng chắc.
Bá Khắc cũng đổi quần áo về thành áo vải thô, tuy có hơi thô ráp nhưng vì bà con nông dân y vẫn vui vẻ chịu đựng.
“Ông ơi, cái kia là cái gì mà trông hay thế?”
“Ông ơi, cây này trông lạ quá, sao hoa của nó trông giống lá thế?”
“Ông ơi… ông ơi…?”
Bá Khắc nghiến chặt răng chịu đựng mấy thằng nhà quê lên tỉnh ngồi bên ngoài. Sao tụi nó không thể giống Văn Phúc ngồi im ngoan ngoãn đọc sách thế. Văn Phúc thấy sắc mặt Bá Khắc không tốt lắm, cất sách đi hỏi:
“Ông thấy không khỏe chỗ nào sao ạ?”
“Không sao, ngồi lâu nên hơi tê lưng.”
Bá Khắc nói điều này cũng là thật. Đường đi xóc nảy, lại ngồi một tư thế cả ngày khiến thắt lưng y mỏi nhừ.
Văn Phúc thấy thế hơi duỗi chân ra, vỗ vỗ:
“Ông nằm ngả ra lưng ra một chút đi, gối đầu lên đùi con đây này.”
“… Thôi khỏi, sắp đến xã bên rồi.”
Văn Phúc tiếc nuối rụt chân lại, bắt đầu nhìn ngó xung quanh, kiên nhẫn trả lời mấy câu hỏi vớ vẩn thay ông bá hộ. Dù gì trước đây hắn cũng từng ra ngoài làm việc, cho nên cũng có hiểu biết một chút. Bá Khắc thấy thú vị liền hỏi:
“Lúc trước ngoài làm ở bến tàu cậu còn làm ở đâu nữa?”
“Con ấy à, ngày trước theo người lớn trong thôn đi khắp nơi, khi thì đi đào giếng, khi thì xây nhà, lúc thì làm thợ nề. Sau này làm nhiều nhất vẫn là khuân vác hàng ở bến tàu.”
“Hàng hóa chủ yếu là vải vóc và thóc gạo, có đợt còn vác cả quả vải qua biên giới nữa.”
“Vải á? Thế anh được ăn bao giờ chưa?”
“Thỉnh thoảng có quả nào thối thì mới được ăn thôi, chứ bình thường táy máy tay chân kiểu gì cũng bị đánh cho no đòn, có người bị đánh xong ném bên bìa rừng, lúc về chỉ còn thấy mảnh vải vụn.”
“Eo ôi, sợ thế.”
“Vị quả vải ra sao hả anh Phúc?”
“Ừm, có quả ngọt có quả chua, nhiều nước, ăn vào có thể giải khát, còn cảm thấy khỏe hơn nữa.”
Nghe Văn Phúc miêu tả, Bá Khắc cũng nhớ lại hương vị quả vải mình từng được ăn, nước miếng vô thức tứa ra. Giá quả vải thực ra cũng không quá đắt, nhưng hầu như đều bị mang đi tiến cống, những quả bán ra ngoài kẻ chợ cũng chỉ là những quả đầu thừa đuôi thẹo, ăn vừa khô khốc vừa chua lè.
Triều đình không cấm trồng vải nhưng vải trồng nơi khác chất lượng không giống như trồng ở Na Ngạn, quả vải cũng không giữ được lâu, qua vài ngày đã lên men, rất khó ăn.
“Trở về trồng thử một cây đi, ngày trước nhà chánh tổng Thừa có trồng một cây, ăn không ngon nhưng cũng không đến nỗi.”
Bá Khắc chép miệng nói, đám người hầu hoan hô vui vẻ. Rất nhanh họ đã đến thôn Đoài giáp danh giữa tỉnh huyện Túc và tỉnh Đồng. Mọi người đến gặp trưởng làng, tốn mười lăm hào đồng thuê được một chỗ qua đêm trong làng, tám hào để mua thêm được một chút thức ăn cho bữa tối nữa.
Căn nhà thuê được chỉ có một phòng ngủ và một phòng khách, nhóm người hầu nhường Bá Khắc ở phòng ngủ, còn lại trải chiếu nằm ở ngoài phòng khách.
Cũng may trưởng làng có cho bọn họ một bó xả khô, rưới ẩm sau đó đốt khói quanh nhà là không sợ muỗi đốt.
Văn Phúc không ngủ được, bỏ ra sân ngả người trên cái chõng tre, ngửa đầu nhìn trời sao lấp lánh trên đỉnh đầu. Bá Khắc cũng lặng lẽ đi ra ngồi cạnh hắn.
“Ông không ngủ ạ?”
“Ừ, lạ giường không ngủ được. Văn Phúc, cậu đi ra ngoài làm thuê từ bao giờ thế?”
“À, làm thuê quanh huyện thì cũng lâu rồi, chắc là khoảng chín, mười tuổi. Còn đi ra ngoài thì cũng mới ba bốn năm nay thôi.”
“Chín mười tuổi à? Còn nhỏ như vậy. Cha cậu thật sự chẳng ra làm sao.”
Văn Phúc cười cười:
“Vâng, ngày mẹ con còn sống ông ta đã cùng mẹ kế con bây giờ toòng teng với nhau rồi, mẹ con vừa mất, ông ta đã rước bà ta vào cửa, có năm tháng sau đã sinh thằng Thọ rồi. Nếu không phải đúng là mẹ con chết bệnh thì con còn cho rằng ông ta đã giết bà ấy đấy.”
Nói xong Văn Phúc nghiêng người nhìn Bá Khắc, hỏi:
“Ông ơi, quyết định sáng suốt nhất đời con là đến làm công cho nhà ông đấy.”
Bá Khắc nghe vậy liền nhớ ngay đến lần đầu tiên hai người gặp nhau, khẽ cười sờ sờ lên cổ mình. Văn Phúc nhìn thế cũng nhớ lại, xấu hổ cười hắc hắc:
“À… ngày trước ông đi học ở trường tư thục có gì vui không ông?”
“Cũng không có gì đặc biệt, chủ yếu là đọc sách, không hiểu thì đi hỏi bạn học, không hiểu nữa thì đi hỏi thầy. Năm đó được đến trường học toàn con nhà phú quý, cũng nhiều tật xấu, nhưng đã đến trường học thì ai quan tâm gia cảnh của mình nữa.”
“Có một cậu ấm nhà giàu kiêu căng mắng quan Huấn đạo*, lập tức bị cho cuốn gói về vườn, cả đời không được tham gia thi cử. Cũng có mấy học trò tụ tập đánh nhau, bị đuổi khỏi trường, còn có học trò nhà nghèo bị đám cậu ấm hành hạ, không chịu nổi phải tự bỏ về.”
“Bây giờ thì nhiều người học hơn rồi, sau này cậu đi học nhớ phải tạo quan hệ tốt với bạn học, học hỏi kinh nghiệm từ họ, cố gắng đừng gây thù chuốc oán với ai…”
Văn Phúc gật gù lắng nghe lời ông bá hộ khuyên dạy. Bá Khắc lại hỏi một ít chuyện thú vị của Văn Phúc, nghe được một hồi hai mắt đều díp lại, cuối cùng ngủ gục trên vai hắn.
Văn Phúc sợ y bị muỗi đốt cho nên nhẹ nhàng bế y vào phòng. Ừm, so với hồi cuối năm ngoái thì đã nặng hơn một chút, nhưng vẫn gầy lắm.
Bá Khắc thật sự rất mệt mỏi nên ngủ rất sâu, Văn Phúc khẽ đặt y nằm ngay ngắn trên giường, tháo guốc gỗ cho y, buông màn cẩn thận rồi mới trở về nằm cùng với mọi người.
Tương lai mà Bá Khắc vẽ ra cho hắn quả thực rất đẹp, nhưng Văn Phúc cho rằng chẳng có gì tốt hơn là được ở bên y cả.
*Ngày xưa người Việt dùng các đơn vị: dặm, ly sải để tính quãng đường dài, 1 dặm xấp xỉ khoảng 1,6km
*Huấn đạo: Quan dạy học cấp huyện