Ông già đang cầm ấm trà nhỏ ngẩng đầu lên nhìn, nói gì đó, ngữ điệu rất nhanh, y không hiểu, hỏi lại lần nữa, vẫn không hiểu đối phương nói cái gì. Đang nản thì chợt thấy có đứa bé cầm đèn lồng hình cá đi qua, chạy tới xòe tờ giấy ghi địa chỉ ra: - Anh bạn nhỏ, có biết ai tên là Chu Thư Khải không, địa chỉ đây này.
- Em không biết Chu Thư Khải là ai, còn địa chỉ anh nói chỉ có lão điên ở. Đứa bé đưa tay chỉ, xách đèn lồng lên: - Gần thôi, đi theo em.
Trương Thắng đi theo, tò mò hỏi: - Sao em lại bảo đó là lão điên?
Đứa bé thè lưỡi: - Vì ông ta điên mà, nói năng linh tinh, còn hay lẩm bẩm.
Người điên, vậy thì không thể nào là người anh Văn ủy thác, Trương Thắng hỏi tiếp: - Ông ấy không có sống cùng ai nữa không?
- Không có, ở một mình thôi, trời nắng ra ngoài tắm nắng, trời tối lại về ngủ, lúc nào cũng thế.
Trương Thắng đi tới cửa, đối chiếu địa chỉ thấy đúng rồi, thuận tay móc tiền lẻ đi taxi còn thừa cho đứa bé, đứa bé hớn hở cám ơn nhảy chân sáo chạy đi.
Gõ cửa rất lâu mới thấy bên trong sáng đèn, có ông già gầy gò tóc trắng rối bù xù đi ra, cái áo mặc trên người cài lệch cúc, bắt mắt nhất là ở chỗ túi áo có miếng vải trắng, ghi tên tuổi và địa chỉ nhà ở, cho thấy thằng bé nói đúng, ông già này ít nhất trí nhớ có vấn đề.
Trương Thắng nhìn tên trên ngực đúng là Chu Thư Khải, ngập ngừng hỏi: - À... Ừm... Cụ Chu Thư Khải phải không ạ?
Ông già hoang mang nhìn y rồi gật đầu: - Đúng là tôi đây, cậu là ai đấy?
- Cháu đi công tác qua đây, được một người bạn nhờ tới thăm cụ.
- Ồ, thế thì vào trong nói chuyện. Ông già nói xong đi vào trước:
Trương Thắng đi vào trong, nhà kiểu cũ cho nên trần hơi thấp, ánh sáng không tốt, có mỗi cái đèn sợi đốt treo giữa nhà, toàn bộ vật dụng đều rất cổ, nhất là cái bàn, chắc là loại bàn bát tiên từng thấy trong phim, hai người ngồi xuống đối diện nhau: - Cụ ơi, cụ ở một mình ạ?
- Đúng đấy! Ông già lấy ra tẩu thuốc không rõ bằng gỗ hay sừng, to đen bóng châm lửa hút vài hơi, rồi đột nhiên hỏi: - À, cậu tới đây làm gì, kiểm tra điện hay là nước?
- Dạ, cháu.. Trương Thắng ngẩn ngơ: - Cháu được một người nhờ tới thăm cụ, cháu đã nói rồi mà.
- À, phải phải, già rồi, thông cảm, ai nhờ cậu thế?
- Cháu họ Trương, được một người tên Chu Văn nhờ tới đây. Chu Văn là cái tên viết trên giấy, Trương Thắng cũng không biết có phải tên anh Văn không, định bụng khi nào có thời gian tra vài vụ án kinh tế lớn xem thế nào:
Ông già vỗ trán: - Chu Văn, Chu Văn à... nghe quen quá, ai nhỉ?
Xem ra ông cụ bị đãng trí nặng mất rồi, thế này thì nói chuyện tiếp ra sao đây? Trương Thắng đang nhức đầu thì có tiếng gõ cửa, không cần bên trong đáp, một người trung niên và hai thanh nhiên tay sách nách mang cứ thế đẩy cửa vào.
Ông già đứng lên lớn tiếng quát hỏi: - Các người là ai? Sao tự tiện vào đây?
Câu này làm Trương Thắng tức thì đề cao cảnh giác thêm mấy phần.
- Thầy Chu, chúng tôi bên công đoàn, mang gạo tới cho thầy. Người trung niên tươi cười đáp: - À, à, vậy thì đặt đó đi. Ông già vò đầu, chẳng biết có nhận ra người ta hay là chỉ đối đáp ứng phó sau đó bỗng nhiên chẳng nói gì đi vào phòng trong, để lại mấy người khách với nhau.
Hai bên nhìn nhau.
- Chào, cậu là... Người trung niên dò hỏi:
Trương Thắng đưa tay ra, bắt tay người trung niên, cẩn thận giới thiệu: - Tôi là người đông bắc, đi công tác qua đây, tiện thể được người ta nhờ tới thăm cụ Chu.
- À, ra thế.
Trương Thắng chỉ vào đầu rồi chỉ vào trong nhà: - Các anh ở công ty nào thế, vãn bối ông ấy nhờ tôi mang tới ít đặc sản, nhưng... Cụ Chu có vẻ không minh mẫn lắm, tôi đang khó xử đây.
Người trung niên cười thông cảm: - Chúng tôi ở công ty trang sức, thầy Chu vốn là thợ tay nghề cao ở công ty, chuyên cắt kim cương, khảm mỹ nghệ, độc nhất vô nhị... Đáng tiếc bốn năm trước nghỉ hưu rồi, công ty không tuyển được ai tay nghề cao hơn, muốn mời ông ấy quay lại, nhưng ông ấy bị bệnh đãng trí.. Ài, con người ta hễ nhàn hạ là dễ sinh bệnh, nghỉ hưu được một năm thì thầy ấy đổ bệnh, thế là đầu óc không minh mẫn nữa. Đồng chí tới phí công rồi, tới mấy đồ đệ như chúng tôi đây mà ông ấy cũng không nhận ra nữa là, người nhà thầy ấy không ở đây, cho nên tôi cũng hay qua.
Đang nói thì ông lão cầm nắm tiền từ trong phòng đi ra: - Bao nhiêu tiền, chừng này đủ không?
Người trung niên cười khổ xua tay: - Thầy Chu, không cần tiền đâu, công ty mua hộ thầy đấy.
- Cái gì, không cần tiền à? Thế sao được, lấy đi, dạo này điện nước cứ tăng vèo vèo. Ông già nhét vào tay người trung niên:
Người trung niên đếm tiền, đưa cho một người thanh niên: - 1.500 đồng, giữ lấy, mai đi nộp tiền điện nước cho thầy Chu.
- Vâng, chủ tịch Vương.
- Ôi cha, thì ra là chủ tịch Vương bên công đoàn, cậu tới thăm tôi à? Nghe thanh niên xưng hô, ông già nhớ ra ngay, thái độ trở nên nhiệt tình: - Ài, nghỉ hưu rồi còn làm phiền công đoàn tới thăm, áy náy, áy náy quá, mau mau ngồi đi. Áy náy quá, chàng trai, công tác vất vả còn tới thăm tôi, nhà chẳng có gì, thôi cậu mang chỗ gạo này về ăn đi, đừng ngại.
Mấy người bị đãng trí thần công của Chu Thư Khải đánh cho chóng mặt váng đầu, cầm cự một lúc cuống cuồng bỏ chạy.
Ông già nhìn Trương Thắng, lại thân thiết nói: - A, chàng trai, cũng là người công đoàn à? Đi làm mấy năm rồi, mặt lạ lắm, chắc là tới sau khi tôi về hưu đúng không?
Đây là người anh Văn phó thác trọng trách sao, ông cụ đầu óc như vậy làm sao mình yên tâm đưa chỗ tiền này cho được? Trương Thắng thở dài buồn bã, nói xuôi theo: - Vâng ạ, thầy Chu... thôi, trời tối rồi, cháu phải đi thôi, cụ nghỉ ngơi, mai cháu lại tới thăm.
Nói rồi tranh thủ đi luôn, nếu không ở lại đôi co chẳng biết tới lúc nào.
..........
Trương Thắng quay về nhà nghỉ, cái túi du lịch như củ khoai nóng, để đâu cũng không yên tâm, nhét luôn xuống dưới gối, sau đó bỏ gối đi, nằm lên trên, nhắm mắt suy nghĩ.
Ông cụ đó đúng là Chu Khải Thư, không sai được, y đã xác nhận với mấy hàng xóm sống xung quanh, chính người anh Văn muốn y gặp giao phó số tiền, ông cụ khả năng là trưởng bối được anh Văn tin tưởng, nhưng ông ấy sau khi nghỉ hưu một năm thì đãng trí tức là ba năm trước, mà anh Văn thì bị giam 5 năm, nên anh Văn không biết ông cụ không còn là người đáng tin cậy nữa, mình phải làm sao đây?
Với bệnh đãng trí của ông cụ, chẳng may nhận số tài phú này, thuận tay ném một góc, hay đưa cho người khác thì hậu quả không thể tưởng tượng.
Anh Văn tuy bên trong trại rất tiêu diêu, nhưng máy vi tính không nối mạng, điện thoại không có, chứng tỏ bị canh phòng nghiêm ngặt, y không cách nào gọi điện liên hệ được với anh Văn.
Thứ quý giá như vậy mang theo bên người là quả bom nổ chậm, Trương Thắng không quên người theo dõi mình ở sân bay, các loại dấu hiệu cho thấy, do tiếp xúc mật thiết với anh Văn trong trại cho nên y đã bị cảnh sát chú ý. Không cẩn thận chút thôi, chẳng những phụ sự ủy thác của anh Văn, còn lại lần nữa tù tội, y sợ chỗ đó lắm rồi. Đưa cho ông cụ là hành vi vô trách nhiệm, không đưa mang theo về hỏi ý kiến anh Văn thì không an toàn, mà anh Văn nghe mình nói liệu có sinh ra ý nghĩ khác không?
Trương Thắng càng nghĩ càng đau đầu, à, hay tìm người nhà Chu Thư Khải giao cho họ? Thế cũng không được, thông tin về anh Văn quá ít, không biết người nhà có tin tưởng nổi không?.. Ài, trái cũng khó, phải cũng khó.