Nhưng còn chưa cởi cặp xong đã thấy Tuấn Anh lù lù đứng sau lưng, hỏi: "tớ ngồi ở đây được không?"
Tôi trợn mắt xua tay: "không được nha. Đây là chỗ của tớ mà. Tớ không muốn đổi chỗ đâu."
Tuấn Anh cười: "không phải. Ý tớ là chỉ ngồi nói chuyện đến khi trống đánh vào lớp thôi. Có được không?"
Tôi nhìn sang bên cạnh thấy Cường đang ngồi gọt bút chì, cứ nghĩ tới lần nó lấy bút đâm vào chân là lại thấy thốn hết cả người, không dám lấn sang bên nó nữa, nhưng đã muốn làm bạn với Tuấn Anh thì không được từ chối. Vậy là hai chúng tôi chen chúc trong một chỗ ngồi bé tí. Lúc này nhìn gần tôi mới thấy mắt Tuấn Anh không những to tròn đen láy mà lông mi còn dài rậm cong vút nữa. Rõ ràng là tôi muốn cho người ta bánh trước nhưng vẫn làm bộ hỏi Tuấn Anh muốn nói cái gì.
Tuấn Anh gãi đầu, nói: "tớ muốn làm bạn với cậu."
"Thì đang là bạn còn gì." Rõ ràng học chung lớp mà.
Cậu ấy nói tiếp: "không. Tớ muốn chơi cùng cậu như khi cậu chơi cùng mấy bạn khác ấy."
Nghe thấy vậy lòng tôi như nở hoa. Tuấn Anh muốn chơi thân với tôi à?
Tôi hỏi: "tại sao?"
Cậu ấy đáp: "nhìn cậu rất giống con chó nhà tớ."
"?"
"Nhưng nó chết rồi."
"?"
"Tớ rất nhớ nó."
"..."
Lúc này tôi mới nhận ra lớp mình theo học có rất nhiều thằng thần kinh. Thằng sau còn bệnh hơn cả thằng trước. Còn dám ví tôi giống chó!
Tôi tức giận, chẳng nói chẳng rằng mà cho Tuấn Anh một đấm vào mặt. May mà cậu ấy không đấm lại, cũng không khóc, chỉ ôm mặt nhìn tôi chằm chằm rồi lẳng lặng về chỗ ngồi. Còn tôi thì ném bánh chiên sang bàn thằng Cường.
Từ đó tình bạn chưa kịp chớm nở của chúng tôi mau chóng kết thúc chóng vánh lãng xẹt như vậy.
Lên lớp 2 bệnh của tôi bất ngờ trở nặng, chân yếu gần như không thể đi lại được. Gia đình đưa tôi chạy chữa khắp nơi nhưng vào năm học rồi vẫn không khả quan hơn bao nhiêu. Ông bà muốn bảo lưu, sang năm mới học lớp 2 nhưng tôi kiên quyết không chịu. Tôi rất ám ảnh việc học dốt, cứ nghĩ tới mình phải học cùng lứa sau không khác gì bị đúp là sợ.
Hơn nữa vợ tương lai vẫn còn học lớp này, sao tôi học thua được. Lúc đó tôi vẫn chưa nhận thức được việc mình có thể bị bại liệt, mãi mãi không bao giờ đứng lên đi lại bình thường như các bạn nữa. Còn cảm thấy vui vẻ vì có mẹ và bác thay phiên nhau đưa đón mình đi học, không còn phải chạy bộ thục mạng vì sợ muộn giờ nữa.
Vài tuần đầu Diệu Hiền và mấy thằng bạn trong xóm sẽ thay phiên nhau đợi ở cổng trường dìu tôi vào, lúc này tôi vẫn khập khễnh đi chậm chạp được. Nhưng gần mùa lạnh thì chân càng đau buốt, châm cứu đắp thuốc kiểu gì cũng không ăn thua nên mẹ sẽ bế vào tới lớp.
Lúc này tôi mới ý thức được số phận mình nghiệt ngã thế nào khi bạn bè cùng trang lứa có thể thoải mái nô đùa chạy nhảy còn mình lớn từng này vẫn phải dựa dẫm vào mẹ bế mới di chuyển được.
Đó là ngày đầu tiên tôi không tập trung học nổi, khuôn mặt xấu hổ đến nóng bừng, lúc nào cũng có cảm giác người khác đang nhìn soi mói mình. Ngày hôm sau tôi không chịu đi học nữa, đồng ý bảo lưu kết quả học.
Tôi lên nhà bác ở hơn một tháng để tiện chữa bệnh, chân đỡ hơn mới trở về. Vừa về nhà được một ngày thì chiều hôm sau cô chủ nhiệm cùng Diệu Hiền, Cường và ba bạn nữa tới thăm. Cũng không hẳn là thăm mà cô nghe nói tôi có thể đi chập chững nên tới nhà động viên mẹ tôi cho đi học trở lại. Tôi không tập trung nghe người lớn ngoài kia nói gì cho lắm vì đang bận hoang mang.
Tôi ngồi trên giường ôm mặt Diệu Hiền ghé sát vào hỏi thầm thì: "sao Tuấn Anh lại đến đây?"
Diệu Hiền cũng ôm lại mặt tôi, nói nhỏ: "Tuấn Anh chịu làm lớp trưởng rồi. Lớp trưởng thì phải đại diện lớp đi thăm bạn ốm. Cô bảo ngày mai nhưng nó nằng nặc đòi cô tới đây hôm nay. Thật là năng nổ!"
Thì ra là thế!
Không hiểu sao tôi xấu hổ vô cùng, chắc vì hồi xưa đấm cậu ấy. Mấy thằng kia đến nhà, tôi không cảm thấy gì cả. Chỉ riêng Tuấn Anh đến đây khiến tôi ngại ngùng kiểu gì rất khó diễn tả. Hay là do nhà Tuấn Anh giàu có nức tiếng xóm dưới đi, nên khi thấy cậu ấy nhìn ngó xung quanh gian nhà gỗ lủng củng toàn khe hở gió lùa lạnh lẽo làm tôi thấy bối rối?
Tôi nói chuyện phiếm câu được câu không với mọi người, thỉnh thoảng mắt liếc về phía Tuấn Anh, thấy cậu ấy cũng nhìn về mình thì chột dạ quay sang chỗ khác, chỉ mong cô giáo mau mau kết thúc câu chuyện, làm ơn ai về nhà nấy đi. Lỡ cậu ấy tính chuyện thù cũ, nổi điên tặng tôi một cú đấm yêu thương thì toi. Tôi tật nguyền rồi, không chạy nổi đâu.
Cường cười khanh khách cù gan bàn chân tôi, tôi tức điên lên đạp cho nó một cước thì Tuấn Anh đã bắt lấy tay Cường hất ra, chân tôi còn yếu nhưng theo quán tính vẫn đạp trúng tay Tuấn Anh. Tất cả cùng cười ồ lên kêu Tuấn Anh là thằng ngu, chỉ duy nhất tôi xấu hổ mà co quặp ngón chân lại. Có lẽ Tuấn Anh tưởng tôi lạnh nên kéo góc chăn bông phủ kín chân tôi lại, làm tôi càng nóng mặt, cảm thấy thời gian trôi chậm ơi là chậm.
Lúc ra về cô động viên tôi nên tới lớp lại, nói bạn bè ai cũng nhớ, còn nói Tuấn Anh hứa sẽ dành thời gian giảng lại bài vở cho tôi. Tôi nghe mà há mồm trợn mắt. Tôi với cậu ấy đâu có chơi thân, đúng hơn là đâu có chơi với nhau, không lẽ làm lớp trưởng rồi phải kiêm nhiều việc vất vả thế à?
Tôi tò mò nhìn xem thái độ Tuấn Anh thế nào, cậu ấy thấy tôi nhìn qua thì gật đầu lia lịa nhe răng cười toe toét lộ hàm răng sún làm tôi cũng không nhịn được cười. Thật lâu rồi không để ý, bây giờ cậu ấy sún răng nhìn cứ ngu ngu.
Các bạn khác nói sẽ thay phiên nhau chép bài cũ cho tôi, Cường còn hứa thêm sẽ không kẻ phấn lên ghế làm bẩn quần tôi nữa.
Tôi đồng ý đi học lại nhưng với điều kiện mẹ không được bế vào lớp nữa, mẹ đáp ứng. Tôi vẫn biết mấy thằng bạn hàng xóm học lớp khác sẽ đợi mình ở cổng, nhưng bất ngờ là lần này có cả Tuấn Anh.
Không biết cậu ấy đợi ở đó từ lúc nào, mẹ vừa ngừng thì cậu ấy đã chạy tới phía sau xe đạp khom lưng nói: "lên đi tớ cõng An." Còn quay sang nói với mẹ tôi: "dì để cháu cõng bạn vào lớp cho."
Mẹ tôi cười hỏi: "có cõng được không đấy? Cứ dìu bạn vào là được rồi."
"Không đâu. Cháu khoẻ lắm. An lên đi." Tuấn Anh vỗ vỗ lên lưng mình.
Tuy rằng cậu ấy to con gấp đôi gấp ba tôi thật nhưng tôi không muốn yếu thế với bạn cùng lớp đâu. Vậy là mặc kệ Tuấn Anh, tôi vịn vai hai thằng hàng xóm, tập tễnh bước vào trường. Tuấn Anh thấy vậy thì đi tới gỡ cặp sách đeo giúp tôi.
Tới lớp, cậu ấy đem Toán và Tiếng Việt xuống, nói "cô bảo các môn phụ tự xem sơ qua là được, không quan trọng. Tớ giảng lại hai môn chính cho An nhé?"
Thực ra thời gian qua ở nhà tôi cũng không bỏ bê bài vở, lớp 2 cũng dễ dàng nên tôi không thấy khó hiểu chỗ nào cả, giờ chỉ cần mượn vở chép lại bài giảng là được. Không muốn làm phiền lớp trưởng nên tôi bảo "không cần đâu. Cường giảng cho tớ là được." Rồi đuổi khéo Tuấn Anh về chỗ.
Thứ hai chào cờ, thấy Tuấn Anh lên cột cờ nhận giải thưởng Toán học Búp Măng Non mới biết trong thời gian mình nghỉ, cậu ấy đi thi được giải nhất toàn huyện chuẩn bị đi thi tỉnh luôn rồi. Người gì đâu mà vừa giàu vừa giỏi. Tôi rất ngưỡng mộ, nên ngày càng tự ti không dám lại gần cậu ấy.
Cho đến một bữa lớp tôi được học thử nghiệm Toán thông minh, phải tan học trễ, đợi mãi cũng không thấy mấy thằng hàng xóm đâu, Tuấn Anh nói mới biết tụi nó đã về trước rồi.
Tôi vịn bàn đi được mấy bước nhỏ, định ra đến cửa lớp đợi mẹ, nghĩ bụng mẹ thấy các bạn lớp mình ra rồi mà mãi không thấy mình thì cũng sẽ vào đón ngay. Nhưng Tuấn Anh lại lưu loát cúi xuống cõng tôi lên, tôi bị bất ngờ chới với nên không còn cách nào khác đành phải ôm chặt lấy cổ cậu ấy.
Tuấn Anh ôm chân, xốc tôi lên cao một cách nhẹ nhàng: "để tớ cõng cho nhanh."
Đây là lần đầu tiên chúng tôi gần gũi đến thế, cũng là lần đầu tiên tôi gần một người lạ đến thế. Nhưng trong lòng lại không có cảm giác kháng cự, lại còn... lại còn thấy thoải mái nữa. Chắc là do người cậu ấy có mùi thơm của cỏ cây, rất dễ chịu. Tôi tự thuyết phục bản thân cho cảm giác của mình mà quên béng mất vụ cậu ấy từng gọi tôi là chó.
Tuấn Anh cao to hơn tôi rất nhiều nên tôi chẳng lo cậu ấy có cõng nổi hay không. Cũng không biết phải tìm đề tài gì để xoá tan bầu không khí xấu hổ này cả.
Lúc thì đánh đuổi người ta, lúc thì thấy thích khi người ta cõng có phải vô liêm sỉ lắm không đây?
Đầu óc còn mải suy nghĩ vẩn vơ thì Tuấn Anh đã trao trả tôi cho mẹ rồi.
Về nhà, thấy mấy thằng bạn đang chơi bắn bi tôi mới bực bội chửi sang, ai ngờ tụi nó chửi lại, nói là "lớp trưởng lớp mày bảo tụi tao về để nó đưa mày ra cổng mà."
Nghe vậy, lòng tôi lâng lâng vui vẻ, cảm thấy mình không vô liêm sỉ lắm. Chắc là Tuấn Anh đã biết hối lỗi, mình cũng nên rộng lòng tha thứ, xét duyệt cho người ta làm bạn đi thôi.
Hôm sau ngồi trên xe đạp tới trường mà tôi có chút mong chờ, không biết hôm nay Tuấn Anh có đòi cõng mình nữa không ta?
Vừa mong vừa chửi rủa chính mình mà quên mất một trọng điểm quan trọng. Rằng tại sao có thể để bạn khác dìu dắt đi cà nhắc được mà tới lượt Tuấn Anh lại bắt cậu ấy phải cõng?
Tới trường, nhìn thấy cậu ấy ở xa mà trong lòng tôi rộn ràng, dĩ nhiên ngoài mặt thì vẫn làm như ai ăn hết của mình 8 kí gạo. Hồi hộp giả đò chập chững bước thì thấy Tuấn Anh cúi xuống, tôi không thèm do dự mà nhảy lên làm cậu ấy hơi loạng choạng. Cả bọn cười ầm lên, chào mẹ tôi rồi chạy vào trường.
Lúc này tôi mới để ý mình đi vội vàng mà quên buộc tóc, làm tóc loà xoà quét lên bên mặt Tuấn Anh. Tôi ngọ nguậy vén bên này, vén bên kia. Tuấn Anh cười cười nói "không sao hết", còn bảo tóc tôi rất thơm nữa chứ.
Tự nhiên lúc này tôi lại lo lắng, không biết cậu ấy nghĩ gì khi thấy một thằng con trai nuôi tóc dài? Có nghĩ tôi có bệnh hay không? Mặc dù tôi có bệnh thật. Tôi mất tự nhiên nên không nói chuyện. Nhưng vẫn đồng ý để cậu ấy cõng mình hết một thời gian ngắn cho đến kì nghỉ Tết, mặc dù hai thằng không nói chuyện với nhau được bao nhiêu câu.
Đúng như lời thầy lang nói, qua mùa Xuân tiết trời ấm ấp tôi đã có thể đi lại chậm rãi được rồi, mặc dù mỗi cuối tuần vẫn phải đi châm cứu một lần. Từ đó tôi tự mình đi chứ không cần ai phải đỡ nữa.
Sau Tết Tuấn Anh đem lên lớp rất nhiều bánh kẹo ngoại nhập, còn cho cả tôi cả bọc to đùng đùng nhưng tôi từ chối. Tôi lại tự ti mà tiếp tục giữ khoảng cách với Tuấn Anh, còn cậu ấy đương nhiên vèo vèo đi thi ẵm được giải nhất Toán khối 2 toàn tỉnh.
Tuấn Anh không phải niềm tự hào riêng của lớp 2A nữa mà là ngôi sao sáng chói của toàn trường luôn rồi. Thỉnh thoảng lại có phóng viên về chụp hình phỏng vấn. Bất tri bất giác tôi vẫn luôn mê mẩn nhìn lén nét đẹp tri thức từ ngày này sang ngày khác. Trong mắt tôi toàn là bóng lưng Tuấn Anh từ lúc nào không hay. Nhìn một thoáng, nhìn mấy năm trời. Tôi thua thiệt cậu ấy từ gia cảnh, ngoại hình đến cả kỹ năng sống lẫn kiến thức. Nhìn Tuấn Anh đi tới đâu cũng có bạn bè vây quanh mà ngưỡng mộ vô cùng.
Cuối năm, thằng hàng xóm không được giấy khen, phải ở lại dọn hố xí nên tôi ra sau dãy lớp học đợi nó. Trong khi đợi thì tôi tước cỏ để câu kiến. Đang chơi vui thì có thằng bại não tới đá tổ kiến của tôi, còn nhảy lò cò hát mấy câu vè thiểu năng.
"Trâu ăn cỏ
Ở nhà nghèo
Không ai chơi
Chơi một mình
Rủ kiến chơi
Kiến không chơi
Cắn vào chân
Trâu bị què
La oai oái..."
Tôi phủi đầy bụi đất trên người rồi bốc nắm cát ném vào người nó. Đang định chửi lên thì nghe tiếng Tuấn Anh quát lớn: "để đấy tớ đánh cho nó chừa."
Rồi cậu ấy chạy tới xô thằng khùng kia xuống đá cho mấy cú. Còn chửi ầm lên nói rằng thằng đó mới là thằng chó không ai thèm chơi còn tôi thì cả lớp đều yêu mến.
Tôi nghe mà rưng rưng cảm động. Làm gì có chuyện cả lớp đều thích tôi chứ. Mặt tôi xấu xí, tóc tai dị hợm, nhà lại nghèo nhất lớp, tính tình nhút nhát. Để hoà đồng với một nhóm nhỏ trong lớp nhà giàu đã là khó khăn với tôi lắm rồi.
Vì vậy khoảnh khắc Tuấn Anh chạy tới bênh vực tôi mãi mãi không bao giờ quên được. Cảm giác như cả thế giới chống lại mình thì vẫn có người đó bên cạnh gánh vác vậy. Có lẽ tôi mê trai từ lúc này!
Tuấn Anh đã mọc đủ răng rồi, cậu ấy đuổi kẻ xấu xong quay qua cười rộ lên với tôi, vẫn là hai răng nanh nhỏ bắt mắt ấy, cực kì xán lạn. Tôi xấu hổ, cảm thấy hành động ném đất cát của mình vào người khác vừa rồi là vô văn hoá, bị Ngôi sao sáng bắt gặp rồi phải làm sao đây? Tôi vội vàng giấu hai tay nhỏ bẩn thỉu ra sau lưng.
Tuấn Anh chạy tới kéo tay tôi ra hỏi: "An bị thương à? Có đau không?"
Tôi rụt tay lại, không nói gì.
Tuấn Anh cầm chắc tay tôi, xoay tới xoay lui rồi phủi phủi, lẩm bẩm: "bẩn hết rồi nè. Lần sau bị ai bắt nạt thì cứ đến tìm tớ nhé? Tớ đánh giùm cho đỡ phải bẩn tay." Cậu ấy còn cúi xuống phủi cả quần cho tôi.
Tôi loạng choạng lùi lại, toan chạy mất thì bị Tuấn Anh đuổi kịp nắm chặt lấy cổ tay. Cậu ấy hỏi tôi: "An sao vậy?"
"Tớ đi về."
"Nhưng tụi thằng Kiên đã dọn vệ sinh xong đâu."
"..." Đến chuyện này mà cậu ấy cũng biết á? Học giỏi thật có nhiều lợi ích. Tôi cố gắng giựt tay ra, nói: "tớ tớ đi về một mình."
"Được. Vậy tớ đi về cùng An. Tụi mình chung đường tới tận ngã tư lận mà." Tuấn Anh khoác tay lên vai tôi.
Tôi nghe vậy thì ngồi thụp xuống. Dĩ nhiên là tôi không về trước được, nay nhà tôi kéo cá đến tối muộn nên đã gửi nhờ tôi ăn cơm tối nhà thằng Kiên rồi, tôi không thể bỏ mặc nó mà chạy về trước được.
Tuấn Anh hỏi: "An không thích chơi với tớ à?"
Tôi giật mình đáp theo phản xạ: "làm gì có!"
Tuấn Anh nói trúng tim đen của tôi: "An luôn trốn tớ."
Tôi có trốn đâu, chỉ tránh thôi mà.
Tuấn Anh ngồi xổm trước mặt tôi, buồn bã hỏi: "sao An không cho tớ chơi cùng vậy?"
Lần này Tuấn Anh nói sai bét luôn, tôi làm gì có bao giờ không cho cậu ấy chơi chung, chẳng phải là chúng tôi đó giờ vẫn luôn ở hai nhóm chơi khác nhau sao. Nói chính xác hơn là Tuấn Anh chơi với cả thế giới còn tôi chỉ chơi với ít xíu xiu bạn mà thôi. Chủ yếu là mấy thằng trong xóm chơi với nhau từ trước, mà tụi nó còn học lớp khác nữa chứ. Tôi là lạc loài nhất trong lớp rồi mà Tuấn Anh nói cứ như thể tôi là người cô lập cậu ấy vậy.
Đang lúc rối rắm thì tụi thằng Kiên chạy tới í ới gọi, tôi mừng như được mùa, chạy thục mạng, quên cả chào tạm biệt Ngôi sao sáng. Câu chuyện này dang dở mãi đến năm sau.
Lúc tôi học lớp 3 thì em trai tôi học mẫu giáo bên cạnh. Mỗi trưa ngủ dậy tôi đều để dành phần trái cây ăn xế đem tới hàng rào cho em. Tuấn Anh nhìn thấy và chạy theo, cậu ấy nhìn tôi đứng trên gốc cây với sang bức tường bên kia thì hỏi tôi làm cái gì. Tôi cảm thấy mình là người trưởng thành rồi, không nên dụt dè xấu hổ nữa nên đem chuyện em trai nhỏ kể cho Tuấn Anh. Sau đó Tuấn Anh nhảy lên gốc cây rồi cúi xuống ôm đùi tôi ẵm lên cao để dễ với sang trường mẫu giáo. Tôi rất thích cảm giác cao hơn người khác nên sung sướng cười khúc khích. Tuấn Anh cũng cười, tôi nhìn xuống thấy cậu ấy năm này có cả răng khểnh nữa kia, duyên quá trời quá đất. Có khi tôi mải nhìn cậu ấy tới nỗi quên đưa chuối cho em trai luôn, phải để nó la làng lên "Trâu chó" mới hồi thần.
Tuấn Anh nghe vậy thì nhớ tới những lần tôi bị trêu chọc, cậu ấy an ủi, nói tôi đừng để ý bọn người xấu. Ai mà chả có tên ở nhà xấu xí cho dễ nuôi. Cậu ấy ở nhà còn tên là Tí nữa kìa. Tôi cười, nói rằng tên của Tuấn Anh vẫn đẹp hơn của tôi.
Cậu ấy nói: "Tí là con chuột đó. Con chuột ai cũng sợ. Không đẹp đâu."
Tôi cãi lại: "con trâu to xác lại chậm chạp, ngoại hình thì xấu xí."
"Con chuột còn xấu hơn. Con trâu còn có ích cho nông dân còn con chuột phá hoại mùa màng đi tới đâu ai cũng ghét."
Chúng tôi ngồi tranh luận xem tên ai xấu hơn rồi cười như nắc nẻ.
Cuối cùng Tuấn Anh nói: "An cứ nghĩ tên mình là Châu đi. Châu trong ngọc ngà châu báu đó. Mẹ tớ nói tớ là châu báu của cải của mẹ, An cũng là Châu báu của cải của tớ."
Tôi nghe Tuấn Anh diễn giải mà ngọt hết cả lỗ tai, cả người sảng khoái, cảm thấy tên mình tự nhiên mỹ miều hẳn. Hoàn toàn không để ý câu đó có chỗ nào lấn cấn cả.
Từ đó trở đi sau giờ ngủ trưa là lúc tôi với Tuấn Anh ở riêng cạnh nhau, Tuấn Anh sẽ chừa lại chuối của mình cho tôi, dặn tôi phải ăn nhiều mới cao lớn được, chúng tôi thường nói những câu chuyện chắc là nhảm nhí đi. Đến khi thân thiết hơn rồi, Tuấn Anh lại hỏi tôi một câu quen thuộc, "có thể làm bạn hay không?" Dĩ nhiên là tôi gật đầu rồi. Có một người bạn vừa đẹp trai vừa học giỏi ai mà không thích chứ.
Có một ngày năm lớp 4 Tuấn Anh tỏ ra nghiêm túc, nói chuyện cứ như ông cụ non, hỏi tôi tại sao mấy năm trước không chơi với cậu ấy. Tôi vòng vèo nửa ngày, cuối cùng bị ép phải nói, tôi bảo do nhà cậu ấy giàu, tôi sợ chơi với nhà giàu lắm, mấy bạn nhà giàu hay khinh thường tôi, tôi và bọn nhà giàu là hai thế giới khác biệt.
"Tớ đâu phải bọn nhà giàu."
"Tớ có thể ở trong thế giới của An được không?"
"Đi mà... Cho tớ vào với... Năn nỉ luôn đó."
"Tớ thích chơi với An mà. Cho tớ vào đi." Cậu ấy lắc lắc vai tôi, còn bày ra khuôn mặt tội nghiệp làm tôi buồn cười.
"Tại sao?" Tôi hỏi lại: "cậu đầy bạn mà. Tớ thấy ai cũng thích chơi với cậu."
"Nhưng tớ thích An cơ."
"Tớ có gì mà thích? Mặt tớ xấu, nhà tớ nghèo, tớ còn lùn, còn không biết đi xe đạp nữa." Tôi bĩu môi nói một lèo.
"Vì An dễ mến. Nhìn An giống..." Đột nhiên Tuấn Anh bắt chặt lấy hai tay tôi, đổi câu: "ai nói An xấu? Tớ thấy An đẹp nhất lớp mình."
Vốn dĩ tôi sẽ không nhớ được gì đâu, nhưng cậu ấy khựng lại đổi sang câu khác làm bao nhiêu kí ức ùa về hết. Tôi giằng tay, hỏi: "cậu bảo tớ giống gì?"
Tuấn Anh lắc đầu nguầy nguậy, tay vẫn giữ chặt tay tôi: "không có."
"Thế cậu trói tay tớ làm gì?"
"Tớ sợ An đánh."
Tôi đạp Tuấn Anh một cái cho cậu ấy ngã lăn quay, gân cổ lên mắng: "thế là cậu bảo tớ giống chó còn gì. Rõ ràng nghĩ tớ giống con chó nhà cậu nên mới sợ ăn đòn. Cậu là đồ đáng ghét! Tớ bo xì cậu!"
Tôi bỏ chạy về lớp. Thật lâu, thật lâu Tuấn Anh chạy xuống năn nỉ tôi cũng không tha thứ. Phải mãi đến tận trưa hôm sau mới chấp nhận lời xin lỗi của cậu ấy vì tôi vẫn thích được ẵm cao cao. Sau đó chúng tôi không ai nhắc đến chuyện con chó nữa.
Có một thời gian lúc đi học một mình tôi bị một chị lớp 5 bắt nạt. Đoạn đường đi bộ từ nhà đến trường lúc nào cũng bị chị ấy giựt tóc, gõ vai, giẫm dép, có ngày còn đem theo cả kéo cắt tóc. Còn cố ý đợi tôi ngoài cổng trường, nếu thấy tôi đi một mình sẽ lẽo đẽo theo sau gây sự. Khi ấy tôi sợ lắm. Mẹ nói tôi cắt tóc sẽ đổ bệnh nặng không cứu được nên càng sợ hãi. Nhưng tôi không muốn mẹ lo lắng nên chọn cách im lặng, chỉ tranh cãi, tránh né chị đó. Tôi không muốn đánh con gái với cả tôi nhắm bản thân sẽ đánh không lại đâu, tầm này con gái thường to con hơn con trai trong khi tôi còn gầy yếu nữa nên toàn chọn cách tránh mặt cho đỡ phiền phức. Nhưng đỉnh điểm có lần chị đó xén một lọn tóc của tôi, tôi đạp chị ấy, hai bên xô đẩy khiến tôi ngã lăn xuống suối sỏi đá.
Tuấn Anh thấy người tôi ướt đẫm, bàn tay trầy xước toàn máu không mới hỏi ra, tôi tủi thân nên ngồi khóc toáng lên, bao nhiêu ấm ức kể hết ra. Tuấn Anh tức giận đùng đùng. Lần đầu tiên tôi thấy cậu ấy phản ứng mạnh mẽ đến như thế. Cậu ấy bắt tôi dắt ngược về chỉ mặt chị ấy cho Tuấn Anh xem. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là Tuấn Anh muốn nhìn mặt thôi ai ngờ cậu ấy túm tóc nhảy lên đạp, đá, tát, vật chị ấy đánh cho tan nát đời cô lựu. Bọn tôi phải can mãi Tuấn Anh mới chịu dừng. Cậu ấy còn hằm hằm chỉ tay đe doạ, nếu còn dám động tới tôi nữa cậu ấy sẽ đánh đến chết thì thôi. Tôi nghe mà còn rùng mình. Con nít gì mà man rợ quá vậy. Đây là tác hại của việc Tuấn Anh suốt ngày đi chơi điện tử đó. Toàn bắn nhau, hại hết cả người. Nhưng cũng may là sau lần đó tôi không còn bị chị gái thần kinh đi theo kiếm chuyện nữa.
Bẵng đi một thời gian rất dài, Tuấn Anh lại cầm chặt tay tôi rồi hỏi thỏ thẻ như con gái: "tớ có thể hỏi An một chuyện được không?"
Tuấn Anh làm vẻ mặt nghiêm trọng như vậy lại khiến tôi nghĩ ngay đến việc nhìn mình giống chó, nhưng lúc này đã qua cả năm trời rồi, bây giờ mà vẫn tính toán đi đánh người ta thì nhỏ mọn quá không nhỉ?
Tôi hỏi: "cậu giữ tay tớ làm gì?"
Tuấn Anh đáp: "tớ sợ An đánh."
"Tớ còn chân nè." Tôi giơ chân cho Tuấn Anh coi: "tớ có thể đá cậu nát đít luôn."
"Vậy An ngồi xuống đi, tớ có thể dùng một tay giữ chặt tay cậu, một tay giữ chặt chân cậu. Tin không?"
"Đếch tin."
"Vậy An ngồi xuống đi."
"Tớ đâu có ngu!" Tôi lè lưỡi trêu chọc Tuấn Anh.
"Vậy cho tớ hỏi nhé? Với điều kiện cậu không được giận?"
"Còn lâu! Tớ cứ giận đấy!" Tôi phồng má lên cãi.
"Tớ năn nỉ mà, cậu không được giận tớ đúng một lần này thôi. Tớ có chuyện về An muốn biết nhưng cứ sợ hỏi rồi An sẽ giận, sẽ không chơi với tớ nữa." Tuấn Anh nắm chặt tay tôi: "năn nỉ luôn đó. Một lần này thôi."
Tôi thấy cậu ấy quá tội nghiệp, thôi thì cứ chấp nhận mình giống chó một lần cũng được, dù sao mặt tôi cũng xấu sẵn rồi. Nghĩ vậy nhưng ngoài mặt vẫn làm cao, hỏi: "tớ mà hay giận thế à?"
Tuấn Anh gật đầu. Trời ơi! Tôi không nhìn nhầm đâu. Thế mà cậu ấy lại gật đầu. Tôi tức điên lên, vùng vằng rút tay ra, la lên: "cậu mới là đồ hay giận hờn đó! Biến đi! Tớ không chơi với cậu nữa!"
Tuấn Anh ôm chặt lấy tôi, cậu ấy to con còn tôi nhỏ chút éc, giằng co một hồi cuối cùng hai đứa ngã lăn quay xuống bãi cỏ.
Tôi nằm trên người Tuấn Anh đấm vào cánh tay cậu ấy mấy cái: "thả tớ ra!"
"Không!" Tuấn Anh mặt mũi đỏ lừ, nạt lại tôi.
Lần đầu tiên thấy cậu ấy dữ dằn với mình như vậy, tôi có hơi sợ nhưng vẫn cố mạnh miệng: "thả ra! Thằng nào không thả ra thằng đó làm con chó!" Cùng lắm thì nghỉ chơi với nhau thôi chứ có gì to tát đâu.
"Tớ làm con chó cũng được. Chỉ cần An không bo xì thì tớ làm chó suốt đời cũng được."
"Cậu bị điên à? Đứng lên vào lớp đi."
"Chưa đánh trống."
"Vậy cậu định nằm đây mãi à?"
Tuấn Anh thản nhiên "ừ" một cái.
Tôi bật cười, đứng dậy cố gắng lôi tên to xác này dậy, mắng: "cậu bị điên rồi! Cậu là thằng điên."
"An có cho tớ hỏi không? Cậu phải cho tớ hỏi tớ mới đứng dậy!" Tuấn Anh kéo nhẹ một cái tôi lại bị ngã ngồi xuống.
Tôi hoàn toàn chịu thua: "được rồi. Hỏi đi hỏi đi. Dù sao tớ cũng chả có bí mật gì cả."
"Sao An lại để tóc dài?"
"..."
Tuấn Anh ngồi dậy, lặp lại: "sao An để tóc dài vậy? An thích à?"
Đổi câu hỏi được không?! Tôi tiếp tục vùng vẫy.
"An đã hứa rồi mà... An ơi, cậu có biết năm nay thử nghiệm cải cách, trường sẽ cử một học sinh lớp 5 đi trường khác không?"
Đương nhiên là tôi biết, ngày đầu nhập học đã nghe trường thông báo rầm rộ rồi. Trường sẽ cử ra một bạn ưu tú, xuất sắc, học đỉnh đỉnh đỉnh nhất đi thành phố học trao đổi thực nghiệm. Điều này ai mà chả biết chứ! Nghĩ tới đó tôi liền trợn mắt há mồm nhìn chằm chằm vào Tuấn Anh. Thấy cậu ấy ủ rũ gật đầu, tôi cũng ngồi sụp cả xuống.
Quá bất ngờ!
Tôi lớp 5 chưa nói rõ được cảm xúc của mình. Rõ ràng không chơi thân lắm đâu, tôi còn chưa cho cậu ấy bước vào thế giới của tôi mà. Không hiểu sao lại buồn thế này. Tôi biết rõ cậu ấy sẽ học hết lớp 5 ở một nơi khác, có khi tới môi trường tốt đẹp thích hợp với cậu ấy hơn thì sẽ ở lại học cấp 2 cấp 3 nữa thì sao. Lòng tôi trùng xuống, chúng tôi cùng nhau im lặng thật lâu.
Tôi nói: "tớ không thích."
Tuấn Anh vẫn cầm tay tôi, hỏi: "chuyện gì?"
"Tớ không thích để tóc dài. Tớ sinh non, ốm yếu, bệnh tật, nhiều lần suýt chết. Cậu thấy hồi nhỏ tớ cũng có thời gian không đi được đó. Mọi người nói tớ sinh vào ngày xấu, phải để tóc dài, nuôi như con gái mới không bị ông Kẹ bắt đi." Tôi tủi thân, mắt hơi rưng rưng: "xưa giờ cậu thấy tớ rất dị hợm nhưng nay mới dám hỏi đúng không?"
"Không phải đâu." Tuấn Anh vội vàng nói: "đây là quan tâm mà. Mẹ tớ bảo nếu muốn biết chuyện về một người nào đó thì tức là quan tâm họ. Tớ quan tâm An nên mới muốn biết."
Thấy tôi im lặng, cậu ấy nói tiếp: "An không dị hợm. An rất đẹp."