┉•✧༝*˚*❋ ❀ ❋*˚*༝✧•┉
Anh ấy ngây ra giây lát rồi bật cười.
Không trả lời mà hỏi ngược lại: "Em biết bố mẹ thằng Tuấn Anh cũng cho vay ngoài chứ?"
Tôi gật gật đầu.
"Vậy nhà nó là dân giang hồ à?"
Tôi giật hết cả mình, vội vàng lắc đầu, "Không phải. Gia đình nhà cậu ấy rất tử tế, vô cùng tốt bụng."
"Vậy anh không phải người tử tế? Bụng anh xấu lắm hả?" Anh Hùng nhướng mày.
Tôi há hốc miệng, lại vội vã xua tay, "Em không có ý đó mà."
"Ha ha ha..." Anh Hùng cười lớn, tiếp tục xoa đầu tôi, mãi sau mới nhẹ nhàng giải thích.
"Nghe em hỏi vậy là anh biết thằng Tuấn Anh chưa kể gì rồi. Anh cũng giống như nhà anh Tuấn Phong thôi, kinh doanh vài ba thứ lặt vặt, dư ra thì cho vay cho mượn. Em còn nhỏ, có nhiều chuyện chưa suy nghĩ tới được, nhưng anh hỏi đơn giản, nếu em cho người ta mượn tiền rồi người ta quỵt luôn thì em có đi đòi không hay em làm phước cho họ luôn?"
Anh ấy hỏi nhưng không chừa cho tôi một hai giây để trả lời mà nói thay luôn: "Em phải đòi. Sống ở đời nếu hiền lành quá thì người khác sẽ leo lên đầu mình ngồi chứ không ai sụt sùi biết ơn vì em thánh thiện đâu An à, thay vào đó nó sẽ bắc loa rêu rao khắp nơi rằng 'ở đây có một thằng ngu' sau đó lũ đục nước béo cò sẽ lũ lượt kéo đến lợi dụng em thêm hết lần này đến lần khác. Dĩ nhiên cuộc đời này không phải ai cũng xấu nhưng phải xem số mệnh của em có may mắn gặp được đúng người tốt hay không kìa."
Ơ! Em may mắn mà! Các anh là bằng chứng sống đây. Nhưng các anh chỉ xếp sau Tuấn Anh thôi, cậu ấy mới là mặt trời nhỏ đem đến hạnh phúc viên mãn cho em. Nhưng đây là bí mật, không thể nói ra cho người ngoài biết được. Xin lỗi... Bình thường các anh là người nhà nhưng nếu tính cả Tuấn Anh thì các anh chỉ đứng ở ngoài rìa thôi. Tuấn Anh ghen lắm! Không cho ai làm người nhà của em nữa ngoài cậu ấy đâu.
"Em hỏi anh có phải dân đòi nợ thuê không thì câu trả lời là không. Anh đòi nợ cho chính mình, tiền là của anh thì thuê với mướn cái gì. Đúng chứ?"
"Được rồi. Tiếp tục đến câu 'anh có phải giang hồ không?' Theo em hiểu thế nào là giang hồ?"
Tôi còn chưa kịp hé miệng thì anh ấy cười cười, tiếp tục: "Đâm chém? Giết người?" Anh Hùng lắc đầu: "Anh sống và làm việc tuân thủ theo Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam. Mới ban nãy anh còn nói tụi nó bỏ đồ đạc nhà em xuống nếu không sẽ báo công an, em còn ngây ra như đứng hình còn gì, quên rồi à?"
"..."
Sao mà quên được. Chính vì chưa thấy ai vừa đánh người vừa đòi báo chính quyền nên em mới ngạc nhiên đó!
"Nhìn mặt em mắc cười quá An." Anh ấy đang nghiêm nghị thì bật cười ha ha ha, "Tính lừa em nhưng nhìn em không hiểu gì lại thấy tội lỗi..."
"..."
Ý là nhìn tôi ngu ngu ấy hả?
Anh ấy phì cười: "Anh không phải dân đòi nợ thuê nhưng người của anh thì phải, cũng không tính là nói dối đúng không?"
Tôi mỉm cười.
"Có sợ không?"
Tôi lắc đầu.
"Thực ra muốn trụ vững trong giới kinh doanh thì cũng cần phải có một số góc khuất, sau này lớn rồi em sẽ hiểu. Như em thấy anh Tuấn Phong sống thế nào thì đấy là cách mà anh ấy thể hiện ra cho thiên hạ xem, chính em cũng biết nghề tay trái của anh ấy là cán bộ hoạt động trong lĩnh vực quân sự đúng không?"
"Nghề tay trái á?" Tôi vô cùng ngạc nhiên.
"Ừ". Anh Hùng gật đầu chắc nịch: "Lớn rồi em tự khắc hiểu, nghề nào kiếm ra nhiều tiền nhất mới gọi là cần câu cơm nuôi sống gia đình."
Ồ~ Oai như vậy mà là nghề phụ thôi ư?
Nếu tôi mà được làm sếp trong quân đội thì tôi phải đóng cái biển quảng cáo treo trước cổ cho dân dễ nhìn thấy chứ trong quê không biết đọc quân hàm, chỉ biết là làm to thôi chứ không biết bự cỡ nào. Nhưng chắc chắn là lớn nhất. Nhà Tuấn Anh cái gì cũng nhất hết mới đẻ ra được thằng con trai xuất sắc thế kia chứ!
Xuất chúng vậy đó mà lại đi thích kẻ tầm thường như tôi. Khổ thân cậu ấy quá đi~ Tuấn Anh ráng chịu khổ nha~ Mai mốt gặp lại An sẽ thương yêu bù lại cho.
"An!" Anh Hùng cốc nhẹ đầu tôi một cái.
"Dạ?" Tôi hoàn hồn.
"Em... cười cái gì mà nhìn ngốc vậy?" Anh ấy vẽ vòng tròn trên khuôn mặt, "... hai má còn đỏ ửng lên kìa."
Tôi bàng hoàng trợn mắt, vội vàng vỗ vỗ hai tay lên mặt, xấu hổ nói: "Em em... em chỉ đang cảm thán chú ấy làm trong quân đội là ngầu thôi."
May mà anh ấy không hỏi sâu, chỉ chậc lưỡi cảm thán: "Lương ba cọc ba đồng không biết đủ cho con bé Ánh Dương ăn sáng chưa nữa! Ngầu cái gì!"
"..."
Bé ấy ăn sáng bằng vàng bốn số chín à?
Sau đó nói tiếp vấn đề ban nãy: "Chính vì làm nghề này có nhiều chuyện nhà Tuấn Anh không thể trực tiếp ra mặt nhưng anh thì có thể. Nhà thằng Tuấn Anh là người cầm cán, còn anh chính là lưỡi dao. Em biết sơ sơ như vậy là được rồi. Nếu hôm nay ba em mượn tiền đại một người trong xóm thì cùng lắm anh chỉ đứng ra hoà giải hoặc cho em mượn tiền trả nợ. Người bình thường, anh không quen, nên nói anh biết cả huyện thì đâu có đúng. Chẳng qua cùng lăn lộn trong bóng tối thì sẽ giao lưu với vài người trong nghề. Những người xấu tính giống anh, trong huyện này không nhiều."
Anh ấy búng tay một cái, "Hiểu chưa?"
Tôi mơ màng gật đầu, hỏi: "Anh gọi bố mẹ Tuấn Anh là anh chị à?"
Anh Hùng bật cười, "Nãy giờ nói quá trời mà chỉ thắc mắc điều này?"
"Anh muốn em biết sơ sơ nên em sẽ không hỏi sâu xa." Tôi mỉm cười.
Anh ấy gật gật, "Ừ, tụi anh không quan trọng vai vế, gọi chú ngượng miệng. Hồi xưa Tuấn Anh nói anh cách biệt thế hệ là đùa em thôi chứ lúc nhỏ ông nội dặn nó gọi anh là chú, nó còn giãy lên không chịu. Tính hỗn trướng lắm! Thấy mấy anh em trong xưởng gọi anh là anh nên từ ngày bé như cái nắm tay cũng nằng nặc gọi theo, riết tới lớn thành quen." Anh ấy xoa đầu tôi, "Lẽ ra An cũng nên gọi chú mới đúng."
Tôi cười toe toét, lắc đầu nguây nguẩy, "Không, nhìn anh trẻ mà, gọi chú già lắm..." đang nói dở dang thì chợt nhớ ra, tôi chớp chớp mắt: "À, anh có muốn làm chú của em không?"
Anh Hùng bật cười, lắc đầu: "Đừng chớp nữa, anh không thích phụ nữ."
Tôi cười cười gượng gạo cho mối tình chưa kịp chớm nở đã lụi tàn của cô mình, gãi đầu tận hai cái rồi mới giật mình trợn trắng mắt, lắp bắp mấp máy môi mãi mà không nói thành lời.
"Anh... anh... anh..."Tôi há miệng, mở mắt trừng trừng.
Không thích phụ nữ.
Không thích phụ nữ.
Không thích phụ nữ.
Vậy vậy vậy anh thích... thích gì?
Nếu chưa từng quen biết Tuấn Anh, có thể tôi còn chưa hiểu. Nhưng hiện tại, tôi chính là kiểu người giống y hệt anh Hùng.
Chúng tôi là đồng loại ư?
Thiên địa ơi!!!
Anh Hùng cười rung hết cả vai.
"Sợ à?"
"Sao... sao... sao bí mật quốc gia mà anh lại đi nói với em? Có phải tiếp theo đây anh sẽ lôi súng ra nã vào đầu em vì tội biết quá nhiều không?"
Anh Hùng cười nghiêng ngả, thậm chí còn ôm bụng cười, mất hẳn phong thái uy nghiêm nãy giờ.
"Sợ An giới thiệu chị em cô dì cho anh đấy." Anh Hùng hắng giọng, "Nói giỡn chơi vậy chứ thực ra anh coi em giống Tuấn Anh, như con em trong nhà nên không muốn giấu. Với lại, nếu em học trong này như thằng Tuấn Anh trước đây thì không nói cũng được. Nhưng hiện tại em học trên kia, tiếp xúc với anh nhiều thì trước sau gì cũng biết thôi. Chi bằng chủ động nói, em tiếp nhận được hay không thì tuỳ."
Nghe đến câu cuối cùng tôi hơi khựng một chút. Thì ra anh ấy cũng không biết tôi là kiểu đó nên mới sợ tôi không thấu hiểu.
"Tuấn Anh có biết không ạ?" Nếu cậu ấy biết có khi lại cảm thấy đỡ chới với hơn thì sao? Nhưng tôi đoán là không. Tuấn Anh chưa từng đề cập tới chuyện này, trong quá khứ cũng là cậu ấy mở phim và tài liệu nước ngoài lên tham khảo rồi sau đó mới hiểu ra.
Quả nhiên, anh Hùng lắc đầu: "Làm sao mà biết được. Trước đây nó ở trong này, anh tít trên thị trấn, không tiếp xúc nhiều, anh cũng không có nhu cầu tâm sự với một thằng con nít."
Hoá ra là thế.
Vậy nên tôi cũng lảng tránh vấn đề ở mình mà tự nhiên buột miệng hỏi một câu không mấy tế nhị: "Vậy anh thích ai?" Hỏi xong mới giật mình không kiềm được mà hỏi thêm: "Chẳng lẽ anh thích Tuấn Anh?"
Anh Hùng gõ đầu tôi một cái 'cốc', mắng: "Cái thằng này! Trong đầu nghĩ cái gì vậy trời? Rồi không sốc vì anh cũng thích người cùng giới mà lại đi tò mò xem anh có thích thằng nhóc đáng tuổi cháu mình không à?"
Tôi xoa đầu, lẩm bẩm: "Tại em thấy Tuấn Anh đẹp trai nên nghĩ rằng ai cũng thích cậu ấy."
"Được rồi, yên tâm, anh không thích nó." Anh ấy kéo tôi vào nhà, "Đoán thử xem, anh thích ai?"
Đoán ư?
"Hả? Chẳng lẽ anh thích em?" Tôi ngạc nhiên ngoài ý muốn.
Anh Hùng đần mặt ra, "Tao lại đấm cho bây giờ!"
Tôi ngại ngùng ôm đầu cười hì hì.
Đây là lần đầu tiên anh ấy xưng "tao" với tôi đó. Chứng tỏ không thích tôi theo kiểu kia một tí tị tì ti nào. May thật!
Không ngờ anh ấy lại cởi mở như vậy. Vừa chia sẻ với tôi, vừa muốn tôi đoán thử nữa.
Sau này tôi và Tuấn Anh lớn rồi, có phải là cũng có thể thoải mái công khai cho người thân biết như vậy hay không?
Nghĩ đến Tuấn Anh tôi mới sực nhớ ra một chuyện quan trọng, nên nói: "Anh đừng cho Tuấn Anh biết."
"Hả?" Anh Hùng đứng lại.
"Chuyện nhà em... hôm nay, anh đừng cho Tuấn Anh biết được không?"
Anh ấy mỉm cười, "Em vẫn không tin à? Anh không hề liên lạc với nó, thậm chí còn không biết số. Anh có giữ liên hệ với ông và bố nó để làm ăn là thật, còn nó là thằng oắt con, anh gọi làm gì? Để hỏi nó cao thêm được mấy centi à?"
Tôi mỉm cười, "Em dặn trước thế, sợ lỡ cậu ấy gọi điện về... Em ngại."
"Anh không phải kiểu người tọc mạch hoặc nhiều chuyện về cuộc đời của người khác. Nhưng bạn bè có gì đâu mà ngại? Thế sao em không liên lạc với nó? Bây giờ có tiền làm thêm rồi thì cứ ra bưu điện mà gọi, hoặc gọi máy ở tiệm anh Bi cũng được?"
Tôi lắc đầu, nói dối: "Không. Bây giờ mỗi người đều có một cuộc sống mới, có khi cậu ấy còn chẳng nhớ em là ai ấy chứ. Thời gian trôi nhanh ghê! Em cũng không nhớ rõ mặt Tuấn Anh như thế nào nữa rồi."
Vì anh Hùng nhìn xoáy sâu xuống nên tôi chột dạ bỏ vào nhà trước.
Cô tôi hỏi lọ cao hổ, ý muốn đưa cho anh Hùng nhưng tôi chặn lại, nói để mình đưa cho, còn nói thẳng ra là anh ấy có người yêu rồi cho cô đỡ phải mất thời gian.
Ai ngờ đâu cô tét đít tôi mấy cái, mắng: "Lớn rồi là bắt đầu nghĩ bậy nghĩ bạ trong đầu! Cô mày có bạn trai sắp cưới đến nơi rồi!"
"..."
Thì ra mấy thằng bạn hàng xóm nói tôi "cái gì cũng ngu mỗi học thì giỏi" là sự thật, lâu nay tôi cứ tưởng tụi nó nói giỡn chơi.
Hoá ra cô tôi chỉ đơn giản là xấu hổ bình thường giữa hai cá thể người với nhau chứ không phải đỏ mặt rung động như mỗi khi tôi được ở cạnh Tuấn Anh.
Cô còn tức giận mà nhéo tai tôi một cái, rồi nhét trả lọ cao, "Mày xin lỗi ổng giùm cô luôn đi! Dù sao phang cái chày vào khách cũng là cô sai. Để lỡ có gì lại giận lây sang mày thì khổ!"
Thấy anh Hùng rất tự nhiên nên tôi cũng thoải mái suy luận. Anh ấy nói tôi đoán tức là nửa kia tôi có quen biết. Tôi đảo mắt nhìn mấy anh ấy đang giỡn nhau um xùm như con nít, trong lúc nấu bánh chưng với luộc gà còn chơi bài bôi nhọ nồi đầy mặt dưới gian chuồng heo cũ kĩ. Quan sát một hồi mà vẫn không biết người kia là ai. Nếu giống như tôi với Tuấn Anh thì anh ấy phải đặc biệt quan tâm săn sóc mới đúng, nhưng tôi không thấy ai được đặc cách hưởng chế độ đó cả.
Hay là thầy Khương? Người từ sáng tới giờ luôn sóng vai bên cạnh? Nhìn y như hai thằng đàn ông yêu nhau ấy. Tôi phải tự giật mình vì suy nghĩ đần độn của mình. Chứ không lẽ Tuấn Anh với tôi là đàn ông với đàn bà à? Lúc này tuổi tác lẫn hiểu biết không giúp tôi diễn tả được nhưng đáp án là thầy Khương thì không khả thi lắm. Loại.
Anh Tuấn Minh đã có bạn gái xinh đẹp rồi. Loại.
Anh Thịnh thì thôi, khỏi bàn tới. Tổ hợp này mà gần lại với nhau thì tẩn nhau qua ngày chứ sao mà hôn môi nổi. Loại loại loại.
À, chắc chắn là anh Tuấn Chinh. Hồi nãy cũng là anh ấy khen anh Hùng chuyên nghiệp còn gì? Chỉ có người trong lòng thì mới u mê khen lấy khen để như vậy thôi. Nghĩ đến đây, tôi tủm tỉm cười. Cặp đôi này giống tôi với Tuấn Anh nè. Một người hung dữ còn một người mềm mại. Anh Tuấn Chinh nói chuyện nhỏ nhẹ, dễ thương, gia giáo, ai cũng yêu quý. Ngày khai giảng, anh Hùng cũng ngồi đợi tôi ở bên chỗ anh Tuấn Chinh mà.
Anh Thịnh đấm một cú xuống thau rau sống làm nước bắn tung toé lên mặt tôi, mọi người cười ha ha ha.
An Bình ôm bụng ngồi lăn ra sân mà cười toe toét với khuôn mặt đầy nhọ đen sì sì, "Cho chừa cái tật ngồi ngẩn ngơ cười cười như thằng khùng."
"..."
Em giống khùng hơn đó!
Anh Thịnh hỏi: "Anh em bị như thế này lâu chưa Bình?"
An Bình gật đầu: "Bị lâu rồi. Từ hồi hè đến giờ, có khi thì tự nhiên nhìn mưa bay bay lặng thầm rơi nước mắt, rồi đang nắng chang chang cũng đứng ngẩn ngơ tủm tỉm cười một mình."
Khiến mọi người lại được trận cười sảng khoái. Tôi xấu hổ nhưng cũng có phần vui vẻ lây.
Lúc chuẩn bị dọn cơm, Anh Hùng không hề giấu giếm, hỏi tôi: "Đoán được chưa?"
Tôi lắc đầu, "Em không thấy anh đặc biệt chăm sóc ai mà cũng không thấy ai quan tâm anh luôn."
Anh ấy phì cười rồi đưa ngón trỏ lên miệng, "Suỵt! Tại vì người ta... ừm... chắc là chưa thích anh."
"..."
Vậy mà từ sáng tới giờ tự tin quảng cáo cứ như sắp tổ chức hôn lễ linh đình tới nơi.
Lại còn "chắc là" nữa chứ. Tôi có nên nói thẳng là "có khi không thích chứ không phải chưa"? Từng này tuổi đầu mà xác định còn khó khăn hơn cả tôi với Tuấn Anh thì có khi hy vọng thành đôi mong manh như làn sương khói đang lượn lờ trên nồi nước luộc gà thôi.
Anh ấy cũng không làm khó để tôi phải chờ đợi lâu, đến giờ ăn cơm thì tôi đã biết người kia là ai rồi. Vì các anh ấy đem rất nhiều đồ ăn xuống nên thầy Khương lái xe chở tôi đi gọi hết mấy thằng bạn chơi chung lên nhà dùng cơm, là mấy bạn trong băng đảng hồi cấp hai của Tuấn Anh, hai thằng hàng xóm thì chạy xẹt qua ới phát là xong. Nhà nhỏ nên cả đám hò nhau bê bàn ghế ra ngoài quán rồi trải hai cái chiếu ngồi xuống sàn cho thoải mái. Nhưng thoải thế nào thì lúc đi lại cũng chen lấn. Mỗi lần có ai đi ra phía sau người kia thì anh Hùng đều vươn cánh tay đầy cơ bắp săn chắc chắn ra sau lưng người đó. Tôi nhìn mà tròn mắt há mồm, thật không thể tin được người đó chính là người ấy.
Quá sốc!
Thông tin này cần thời gian dài tưởng tượng mới có thể tiếp thu được.
Đến tận hôm nay tôi mới biết anh Tuấn Chinh và anh Tuấn Minh là anh em sinh đôi. Mẹ tôi hỏi ra điều mà ai cũng thắc mắc, "Tại sao sinh đôi mà hai thằng không giống nhau tẹo nào?" Đừng nói là ngoại hình mà ngay cả tính tình cũng hoàn toàn trái ngược. Nếu xét về tính cách thì anh Tuấn Minh bố láo, nóng nảy giống y như sinh đôi một nhà với anh Thịnh hơn.
Hai anh ấy cười nghiêng ngả, đáp: "Xưa giờ ai cũng nói vậy đó cô." Sau đó giải thích rằng "Mẹ muốn đẻ một lần cho đỡ cực nên đi làm thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm IVF." Tôi không biết IVF là gì nhưng nghe hai anh ấy nói sơ qua thì cũng hiểu là sinh đôi khác trứng. Hèn gì đặt tên gần giống nhau. Tên đệm hay giống y hệt tên Tuấn Anh của tôi vậy đó. Chắc là bắt chước. Dù sinh ra trước nhưng tên Tuấn Anh được xí từ đời bố của cậu ấy rồi, suy ra hai anh ấy vẫn chậm chân sau Tuấn Anh một ngàn bước.
Cường huých tay tôi, nhăn mặt nói: "Dì mày ngồi kiểu đó, tụi tao khó gắp đồ ăn quá!"
Lúc này tôi mới để ý, cặp giò dài hai mét của dì lại bày chình ình ra giữa mâm rồi, rõ ràng khi nãy tôi đã đưa cái khăn cho phủ lên thế mà quay qua quay lại vẫn phải bỏ ra bằng được. Khi nãy còn cố chen vào ngồi bên cạnh tụi anh Thịnh, là mấy anh ấy đồng loạt đứng dậy đi cả một vòng sang phía này ngồi.
Tôi ngại vô cùng.
Thật ra ăn uống chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tôi không muốn dì ấy ở lại chút nào. Dù gì mấy anh ấy cũng là nhân vật chính, là gia đình tôi muốn gửi lời biết ơn chân thành nên mới mời cơm cảm ơn. Thế mà lại có hết chuyện này đến chuyện kia khiến các anh, các bạn không thoải mái.
Tôi đi qua cầm cái khăn thả lại xuống chân dì ấy, nói nhỏ: "Dì che chắn lại đi. Để hở như vậy bạn bè cháu không tự nhiên."
┉•✧༝*˚*❋ ❀ ❋*˚*༝✧•┉
✿Nếu các bạn đang đọc truyện trên bất kì một nền tảng nào khác ngoài wattpad C-S-T-T tức là các bạn đang trực tiếp ủng hộ cho người ăn cắp công sức và chất xám của tui. Làm ơn đừng tiếp tay cho những vấn nạn xấu xa nữa ạ chứ tui nản kèo dữ lắm rồi á, mà không viết nữa thì có lỗi với mấy tình iu của tui trên này (⋟﹏⋞)
┉•✧༝*˚*❋ ❀ ❋*˚*༝✧•┉
Dù gì thì cũng tầm tầm lứa tụi tôi, bạn tôi ngại là đương nhiên. Chúng tôi không còn nhỏ nữa, đều là thanh thiếu niên mới lớn, đã biết phân biệt rõ ràng nam nữ khác biệt. Ngại ở đây là biết ý tứ chứ không phải thích thú gì, không muốn ánh mắt vô tình thấy thứ gì không nên thấy, là vì nghĩ cho con gái nhà người ta.
Nhưng dì thì không cho rằng như vậy, rõ ràng biết thằng Cường vừa ghé vào tai tôi nên cố ý nói to lên: "Gớm! Có gì mà không tự nhiên? Người thì béo ục ịch! Có cho tiền cũng không thèm!"
Cả người tôi cứng đờ. Thật sự không thể ngờ được trên đời này lại có người vô duyên đến như vậy. Mặt tôi nóng hổi, vừa tức giận vừa xấu hổ giữa bầu không khí sượng ngắt.
Mẹ tôi lén lút vỗ lên chân dì, nhíu mày nói nhỏ: "Sao lại ăn nói như thế?"
Tính nết Cường nóng nảy bộp chộp nhưng vì chơi thân với tôi, nghĩ nể nang mặt mũi mẹ tôi nên mới im lặng. Nhưng bạn ấy cũng là con người, có cảm xúc, có tự ái, có cái tôi riêng, đùng một cái bị miệt thị thì ai mà vui cho nổi. Huống chi Cường chỉ là hơi tròn trịa bông xốp hơn một chút so với đám con trai gầy gò phát triển chiều cao trước cùng trang lứa chứ hoàn toàn không béo không mập.
Anh Hùng khuấy động không khí bằng cách liên tục gắp đồ ăn cho mấy thằng em, còn nói "Tuổi này phải ăn nhiều mới có sức khoẻ, hồi xưa dậy thì anh cũng như tụi em, lớn rồi đi tập thể thao người mới gầy."
Thầy Khương cũng đùa: "Mày mà gầy hả? Nhìn như con trâu đất, to nhất trong đây rồi đấy."
Cường vẫn tiếp tục nhai, cười hì hì, nói: "Em kệ. Thích ăn lắm, không tém lại được, mai mốt lớn rồi em giảm cân sau."
Mỗi người một câu tiếu lâm nhưng tôi không vui nổi. Mẹ kéo ống quần ý bảo tôi về chỗ ngồi nhưng tôi đứng chết trân, mặt không cảm xúc mà yêu cầu: "Dì đi về đi!"
Mọi người ngưng nói chuyện.
Dì ngước lên nhìn tôi chằm chằm.
Tôi lặp lại rõ ràng từng từ: "Dì-đi-về-đi!"
"Cái gì?" Có lẽ dì ấy không tin nổi.
Tôi nói: "Dì ăn xong rồi thì đi về đi."
"Chưa ăn xong." Dì nghiến răng, giọng cáu gắt.
Tôi thở dài, nhấn mạnh: "Chưa ăn xong cũng phải về! Dì ở đây nãy giờ khiến cháu không thoải mái. Dù sao chỗ này cũng toàn đàn ông con trai, dì có chồng sắp cưới, ở lại không tiện đâu." Tính tôi nhỏ mọn nên cố ý nói như vậy cho dì ấy nhớ ra mình là hoa đã có chậu mà đi về. Như cô tôi, nấu ăn xong muốn giữ lại còn chẳng được kia kìa.
Dì trợn ngược mắt: "Sắp cưới chứ đã cưới đâu! Thời đại nào rồi? Không lẽ tính em gia trưởng không cho con gái ngồi chung mâm? Rồi mẹ em không phải phụ nữ à? Chị làm gì mà không thoải mái?"
Tôi đáp thẳng thừng: "Mẹ cháu là chủ nhà mời cơm, dì có phải không? Mẹ cháu nấu ăn bận bịu từ sáng sớm tới giờ, dì có phụ không? Bạn cháu đứng chỗ nào là dì dẹo chỗ đó, còn kiếm cớ đi giày cao gót đau chân mà ngả nghiêng vào lòng người khác, dì thấy người ta né mình như né tà mà không ngại à? Dì không ngại nhưng cháu ngại giùm!"
Mẹ níu ống quần tôi, giựt hai cái, "Thôi, An. Trời đánh tránh miếng ăn."
Tôi mặc kệ mặt mũi, chẳng ai muốn vạch áo cho người xem lưng đâu, nhưng tôi nhịn không nổi nữa rồi. Mấy anh ấy cũng thân thiết, không ai gượng gạo mà còn vừa ăn vừa cười nói xem trò vui. Thậm chí anh Tuấn Chinh còn có cảm hứng lấy hẳn máy ra ngồi quay lại nữa. Anh ấy nói mình có tâm hồn nghệ sĩ, đam mê nhiếp ảnh nhưng bố bắt về nhà mở chuỗi tiệm net nên lúc nào đi đâu làm gì cũng phải quay chụp, những lúc như vậy là lòng anh ấy đang thoải mái. Tôi đã quá quen rồi nên không thấy có vấn đề gì cả. Như hồi nãy anh ấy còn đi quay khắp cả khu vườn nhà tôi rồi giới thiệu trong thước phim rằng "đây là nhà em trai tui" nữa cơ.
Tôi tiếp tục: "Vậy dì có tránh không? Bạn con dáng to cao đô con thì dì nói béo ục ịch? Bộ sáng giờ ưỡn ẹo ngoài đường rơi mất cái nết rồi à?"
Cường "Ồ" lên, cùng bạn bè vỗ tay hai ba lần: "Mày đúng là có con mắt nhìn người đó An."
Tôi mặc kệ nó cười hớn hở, tính tình Cường bộp chộp thích gì nói nấy, nãy giờ tôi biết nó nín nhịn trong lòng vì nể nhà tôi thôi, vậy thì tôi cũng phải cho bạn mình mặt mũi: "Làm gì cũng một vừa hai phải thôi! Bạn con đến nhà mà dì lôi kéo hỏi hết người nào giàu hơn, nhà ai to nhất, trong một buổi sáng mà rủ hết người này người kia đi uống cà phê. Dì nghĩ mấy anh ấy từ chối khéo rồi không nói lại cho nhau biết à? Nói thật, cháu nhục giùm. Còn bạn cháu đang còn nhỏ, dì nói có cho tiền cũng không thèm, ý dì là thèm cái gì? Thèm tiền hả? Cỡ như dì ấy hả, có cho thêm tiền rồi làng sàng lại gần bạn cháu còn đánh thêm!"
"Mày im mồm đi! Á—!" Dì đứng dậy hét lên, thậm chí còn muốn nâng tay cho tôi một bạt tai nhưng thầy Khương còn nhanh hơn cả An Bình, lập tức ném cái đũa cả gõ trúng cổ tay dì một cái không nhẹ không nặng.
Mùi son phấn rẻ tiền quá nồng nặc nên tôi lui về một bước, "Cháu không im đấy! Tính cháu xấu như vậy đấy! Nên dì đi về đi, từ ngày mai cũng không cần đến làm nữa đâu. Tết đến bù đầu bao nhiêu là việc mà tối ngày đi chơi biệt tăm biệt tích, mang tiếng nhận lương mà toàn hai anh em cháu làm. Bán được một buổi không biết đã đủ cho dì tự tiện lấy đồ ăn vặt chưa nữa. Nói tới thì bảo trừ vào tiền lương, đến khi trừ thật thì làm mình làm mẩy về méc ông ngoại. Đấy! Giờ thích thì đi về mà méc! Nhà cháu cũng chả sợ!"
Tôi nhìn xuống thấy mẹ chỉ mím môi nhìn lên chứ không phản ứng gì thì càng có thêm can đảm.
Dì ấy nghiến răng, mặt đỏ bừng bừng, không rõ là đang tức giận hay xấu hổ.
Thấy môi dì ấy bắt đầu mấp máy, tôi chặn họng: "Dì thử nói một câu nào xúc phạm mẹ cháu xem cháu có tát dì văng hàm răng ra ngoài không?"
Đang đà hăng máu thế mà không có ai cản tôi, các anh các bạn còn 'Húuuu!' lên cổ vũ "xuất sắc quá An ơi!" khiến dì nghẹn một cục tức.
Cuối cùng lẩm bẩm chửi tôi là "thằng mất dạy" rồi đi ra cửa.
Mẹ gọi tên dì, nhưng không phải để vuốt xuôi nể mặt bên đằng ngoại nữa.
"Em nói chị sao cũng được nhưng đừng có đụng đến con chị. Nó được mẹ sinh mẹ dạy đàng hoàng, thầy nó cũng đang ngồi ở đây mà em nói vậy nghe được à?"
Dì gào lên cắt lời mẹ tôi: "Vậy nó nói em thì sao? Cũng biết có người ngoài đang ở đây à?"
Mẹ đứng dậy, "Nó nói sai sao? Lâu nay chị ráng nhịn vì nể mặt ông bà, nghĩ đằng nào em cũng sắp nghỉ nhưng hết lần này đến lần khác kiếm chuyện, nhà chị giàu có gì đâu mà kham nổi. Chị nhẫn nhịn thành thói xấu nên con chị mới rút kinh nghiệm. Một đứa trẻ biết phản kháng không để người khác leo lên đầu lên cổ mình mới là đứa trẻ tốt. Chị ít học nhưng cũng hiểu rõ ràng ngoan ngoãn không đồng nghĩa với ngu đần."
Tự nhiên các anh ấy lại nhiệt liệt vỗ tay tiếp làm mẹ tôi giật mình xấu hổ. Tôi cười ha ha rồi đi tới khoác vai mẹ ngồi xuống.
"Ăn đi mẹ! Mai còn tới nữa, con đốt phong long."
Anh Thịnh vỗ đùi 'Đét!' một cái, "Nói tới đốt anh mày mới nhớ, mua cho nhà thùng pháo mà quên chở xuống rồi."
"Thì tí về đi lượt nữa." Anh Tuấn Minh nói.
Anh Tuấn Chinh rủ: "Ê, lát Bình lên thị xã với anh không? Anh chở đi xem chợ hoa."
"Có." An Bình gật đầu lia lịa, bê cả bát cơm sang bên đấy ngồi tán phét.
Chẳng một ai đoái hoài người đang chần chờ ngoài cửa. Tôi biết thừa dì nấn ná ở lại là vì muốn đi quá giang mấy anh ấy bằng ô tô, cả buổi cứ đi theo tôi hỏi "ba cái xe hơi đấy là của anh nào" mãi.
Mẹ tôi bảo: "Thật ngại quá! Chuyện gia đình mà để các cháu cười chê rồi..."
Mẹ xưng chung chung như vậy chứ với anh Hùng và thầy Khương thì vẫn xưng tui-chú, tức là chị-em. Do mẹ quen với kiểu xưng hô thời xưa rồi nên không đổi.
Anh Hùng cười cười, "Vậy thì chị không coi tụi em là gia đình à? Với lại tụi em toàn mấy thằng tính tình tọc mạch thích hóng chuyện thôi. Nãy giờ vừa ăn vừa nghe mà thấy ngon miệng hẳn."
Mọi người cười rộ lên.
"..."
Thế mà hồi sáng quảng cáo cái gì mà anh không phải kiểu người tọc mạch, nhiều chuyện. Đúng là bạn Tuấn Anh có khác, gì cũng nói được y như cậu ấy.
Tết nhất đến nơi lẽ ra tôi cũng không muốn làm căng, người ngoài nhìn vào lại bảo mình nhỏ mọn. Nhưng dì từng năm lần bảy lượt mỉa mai em trai tôi học dốt, suốt ngày tỉ tê mẹ tôi cho An Bình đi làm công nhân sớm hoặc nghỉ luôn ở nhà làm lao động còn kiếm ra tiền chứ đi học chỉ tổ phí của. Đến khi bị mẹ tôi nói cho thì lại xun xoe "em chỉ góp ý." Sau này tôi vô tình nghe được, đã từng nóng nảy cãi nhau nảy lửa một lần buộc dì ấy phải xin lỗi. An Bình là em trai của tôi, việc em ấy còn đi học hay nghỉ phải là do tôi quyết định, dù mẹ có không cho em học thì tôi cũng đi làm kiếm tiền cho nó học hành đàng hoàng, huống chi mẹ tôi là người muốn con cái biết chữ thành tài nhất.
Vô duyên như vậy mà không hiểu ông Việt kiều mắt mờ nào vớ phải nữa. Thù cũ nợ mới, tôi đi thẳng ra quán dắt cái xe đạp của dì thẳng ra sân, nói: "Đi về đi!"
Dì nghiến răng, "Mày nhớ mặt tao đấy!"
"Không dám!" Tôi cười mỉa mai: "Nhớ mặt dì để đêm về gặp ác mộng à?"
Huống hồ tôi có bạn trai mỹ nhân để ngày nhớ đêm thương rồi. Ai rảnh đi nhớ thứ yêu nghiệt làm gì. Diệu Hiền toàn lén gọi dì ấy như thế vì mỗi lần ghé nhà là thấy dì đảo mắt đong đưa với khách nam tài xế xe tải ghé uống giải khát, còn nói nhà tôi mà chứa chấp thêm hai ba cô y hệt thế này là không khác gì động yêu nhền nhện. Mùa đông lạnh muốn sun vòi mà phải mặc đồ cộc sát háng mới chịu. Nể thiệt!
Dì nói đằng nào mấy anh cũng ghé qua nhà ông ngoại biếu quà thì đợi đi chung luôn.
Nhưng anh Hùng nghe thấy, nói vọng ra: "Dì cứ về trước đi! Tí nữa tụi này chở đám thằng An, không còn chỗ đâu."
Bị một người hơn mình mấy tuổi gọi là dì nên dì ấy càng bực bội, cuối cùng cũng hậm hực đạp về.
Mọi người nói chuyện vui vẻ, không bị bầu không khí sượng ngắt vừa rồi cắt đứt. Tụi anh Hùng bàn luận quán karaoke đổi lại thiết kế, tôi tưởng xây cao quá không xin được cấp phép nhưng anh ấy nói không phải vậy, đất rộng nên không cần chen chúc làm cho cao nữa, không an toàn. Xây bảy tầng thôi nhưng mở rộng thêm khu thành dạng chữ L, tính ra còn nhiều phòng hơn dự tính, không biết đến khi tụi tôi tốt nghiệp thì đã xây xong chưa nữa. Chúng tôi đùa rằng trường mình đúng là độc lạ, đối diện toàn là tụ điểm ăn chơi.
Anh Thịnh tặc lưỡi, "Thường thôi. Đất ai nhà nấy rạng, được cấp phép đàng hoàng chứ xây chui đâu. Ai mượn trường tụi bay tự nhiên mọc ở đấy làm gì?"
Chúng tôi cười rộ lên.
Anh Tuấn Minh cười vui vẻ, nói: "Mai mốt tụi em lên thành phố học sẽ thấy những ngôi trường tiểu học có khi còn đối diện tụ điểm đèn mờ cách có một con đường hẻm ba mét thôi ấy chứ. Đất chật người đông, có đất mà xây là may lắm rồi. Ở đây trường cách hẳn con đường quốc lộ to đùng đùng. Ăn nhằm gì!"
Tôi hỏi: "Đèn mờ là gì ạ?"
Thầy Khương nói: "Đèn mờ là đèn không sáng."
"..."
Cả đám lại cười sảng khoái.
Anh Tuấn Chinh cũng cười, xoa đầu tôi, "Mai mốt lớn tự khắc em sẽ hiểu."
Anh Hùng hô hoán: "Còn có cô ở đây, tụi bay đừng nói linh tinh nữa."
Mẹ tôi cười rạng rỡ: "Ấy! Mấy đứa cứ tự nhiên đi! Bây giờ cô mới hiểu cho con thoải mái thì vui như thế này. Haizz. Tiếc quá! Không có thằng Tuấn Anh ở đây."
Anh Thịnh hỏi: "Tuấn Anh là ai vậy cô?"
Quả nhiên là anh ấy không biết Tuấn Anh thật. Nếu anh nhớ mặt cậu ấy thì bây giờ đã dễ hình dung hơn nhiều rồi.
Mẹ đáp: "Bạn thằng An." Rồi chỉ sang đám thằng Cường: "Hồi xưa học chung cấp một cấp hai với tụi này này. Tuấn Anh nó giỏi mà tốt bụng cực kì, tốt với An nhà cô lắm, cho em nó đủ thứ, còn bày An học hành, An nó được như bây giờ toàn là nhờ thằng Tuấn Anh dạy... Ôi chao, một lời khó nói hết nhưng đảm bảo các cháu mà gặp thì không ai là không mến nó, ngoan ngoãn lễ phép, gia đình khá giả hơn hẳn dân trong vùng nhưng gia giáo khiêm tốn, tuổi nhỏ mà tính tình chững chạc y như tầm mấy đứa vậy đó. Bây giờ chuyển về Bắc học rồi chứ không thì cô cũng mời nó lên ăn cơm cho vui."
Tôi quan sát thấy anh Hùng cười cười, gật gù, chỉ ngồi lắng nghe chứ không hề quảng cáo về Tuấn Anh thêm một lời nào thì thấy hơi... thất vọng.
Tại sao có một người em tuấn tú, tài giỏi như vậy mà không khoe khoang ra cho tất cả anh em, bạn bè làm ăn chung cùng được chiêm ngưỡng ánh hào quang chứ?
Anh ấy mà kể ra thì có phải anh Thịnh cũng sẽ quen được với thần tượng của tôi rồi hay không?
Tôi mà có em như Tuấn Anh thì tôi sẽ in hình cậu ấy ra dán khắp các thân cây, cột điện để quảng bá hình ảnh chứ đừng nói tới chỉ đơn giản là giới thiệu trong vòng quen biết.
Sau khi nghe mẹ tôi thao thao bất tuyệt một hồi thì Anh Thịnh với anh Tuấn Chinh, Tuấn Minh cùng ngạc nhiên: "Giỏi hơn cả thằng An nhà mình cơ à?"
"Giỏi hơn nhiều!" Mẹ tôi hăng say gật đầu chắc nịch: "Từ bé tới giờ nó thi cái gì cũng được nhất hết, kể cả thi tỉnh hay cử ra tít ngoài Thủ đô cũng thế, ngày bé tí tẹo còn được cái giải gì trên in tợc nét được trường nước ngoài tài trợ sang đấy học luôn cơ mà. Nhà nó giàu lắm! Dư sức tự đi du học ấy chứ mà nghe mẹ Tuấn Anh nói nó thích sống ở quê cho bình an, không thích xứ người xô bồ nên mới không đi. Nghe nói hồi mẫu giáo cũng dự định cho sang nước ngoài sống với mẹ để tiện mở rộng công việc bên đó, nhưng thằng Tuấn Anh nhất định không chịu, nằng nặc đòi ở lại đây."
Trái tim tôi nảy lên 'thình thịch' liên hồi.
Tuấn Anh thích học ở quê vì ở đây có Bình An, vì ở đây có con trai mẹ đó mẹ ơi, là Bình An này chứ không phải bình an kia. À cũng không đúng, tôi cũng chính là bình an của cậu ấy mà.
Mẹ tôi cười hề hề: "Nhà giàu cũng chịu khó chiều con thật, chứ gặp cô mà có tiền như thế thì cô đem thằng An với thằng Bình đi sang Tây ở cho sướng. Khóc lóc thì dăm ba bữa là hết chứ gì!"
Mọi người bật cười.
Anh Thịnh nói: "Nước ngoài công nghệ phát triển tiên tiến hơn nhưng chưa hẳn cái gì cũng tốt nhất đâu cô ạ. Như cháu cũng từng làm việc cho nước người ta rồi đây, hiện đại có, lương cao có, nhưng buồn lắm, về đây ít ra còn có gia đình người thân, sống thoải mái hơn."
Mẹ cười vui vẻ: "Ấy! Mấy đứa nghe cô nói cho vui thôi chứ cô ít học, hay nói chuyện bậy bạ lắm! Đấy là chưa có tiền nhiều bao giờ nên mới nói cho sướng cái mồm. Sau này thằng An đi thành phố học cô đã nhớ nó lắm rồi chứ nói chi tận nước ngoài xa xôi, nhiều khi đi rồi vé máy bay mắc tiền quá lại bảo con thôi ráng năm sau rồi về, cứ thế cứ thế, cuối cùng Tết lủi thủi buồn thiu."
Tôi mỉm cười, đặt tay lên mu bàn tay mẹ, nắn nhẹ hai cái: "Con sẽ không để mẹ buồn đâu." Chỉ trừ một chuyện, trừ một chuyện duy nhất thôi mẹ à...
Tụi anh Thịnh ở lại để đi chơi với nhà tôi, mấy anh trong tiệm bida chở tụi bạn tôi về trước còn lo chuyện nhà cửa Tết nhất.
Mẹ tôi cứ liên tục khách sáo, vì mục đích muốn mời cơm cảm ơn mà cuối cùng nhận bao nhiêu là quà. Nhưng các anh nhiệt tình thuyết phục, mẹ không đùn đẩy về được, cuối cùng thay vì mỗi người hai cặp như dự tính thì tặng hết cả nồi bánh chưng cho mấy anh chia nhau đem về. Các anh hẹn tối 29 sẽ đến đây nấu thêm nồi bánh mới cho nhà tôi trưng với biếu họ hàng loanh quanh, mẹ xua tay nhưng mấy anh nói chủ yếu đến chơi đốt pháo đêm với học cách gói bánh thôi chứ mấy anh chưa được làm bao giờ, thế là mẹ tôi đồng ý.
Bà nội cho lại hẳn năm con vịt xiêm đủ cho mỗi người một con, bảo của nhà trồng được, nếu từ chối thì bà áy náy cái công sức mấy anh chăm nom-dạy bảo-đưa đón tôi. Còn nhắc lại chuyện hồi nhỏ tôi khó nuôi, suýt chết yểu mấy lần, đi học thì bị bạn bắt nạt, thậm chí kể cả chuyện tôi suýt bị bắt cóc, rồi thì nửa đêm nửa hôm mộng du đi lạc "may mà được bạn Tuấn Anh bảnh trai tìm thấy." Sau đó nghe thấy mấy anh tò mò hỏi tới là bà làm một liên hoàn khúc tả về độ tuấn tú và tài giỏi hơn bạn cùng trang lứa của cậu ấy. Còn tấm tắc khen Tuấn Anh "thông minh, lễ phép, cao ráo, khôi ngô, còn đẹp hơn cả bố nó thời niên thiếu."
Tôi ngồi cúi đầu xấu hổ muốn độn thổ về tuổi thơ của mình nhưng nghe đến đoạn "Tuấn Anh bảnh trai" thì trong lòng hưng phấn hừng hực. Thấy chưa? Tuấn Anh đẹp trai thật mà, ngay cả bà tôi cũng khen mãi từ xưa tới giờ. Bà già rồi nhưng vẫn nhớ tới bạn trai của tôi. Thật là vui quá đi~
Bà sụt sịt chấm khoé mắt, nói rằng nhìn thấy tôi càng lớn càng khoẻ mạnh, được bạn bè yêu quý thì cuộc đời bà mãn nguyện lắm rồi. Sau một hồi tâm sự thì dặn đi dặn lại mùng 4 Tết các anh nhớ vào nhà bà ăn hoá vàng.
Ông ngoại hai bước thành một xuống thềm, mặt hằm hằm đang tính mắng tôi thì thấy hai xe ô tô to đùng đùng lấp kín sân, thế là mặt mày chuyển sang niềm nở. Nhận cả một đống quà la liệt xong thì khoác vai tôi nói rằng ông thương tôi nhất vì sinh ra ốm yếu hơn người.
"..."
Đây là lần đầu tiên tôi và ông ngoại tiếp xúc gần đến như thế kể từ khi tôi có nhận thức. Cả người tôi cứng đờ mất tự nhiên.
Đáng lẽ khi rời nhà ông ngoại xong sẽ đi thẳng ra trấn rồi phi lên thị xã xem chợ hoa, có cả mẹ tôi đi cùng nữa. Nhưng vừa ngồi lên ghế lái thì tôi lại vô thức buột miệng: "Em còn một người ông nữa."
Anh Hùng cũng không khởi động xe mà quay sang nhìn tôi, hỏi: "Ông nội?"
Tôi mím môi mãi mới chần chờ gật đầu. Nói xong rồi tự nhiên thấy mình phiền, ông mất rồi mà nói ra như vậy, lỡ người ta hỏi rồi biết trả lời sao đây. Đang vui vẻ mà chẳng lẽ mình lại kể chuyện buồn của nhà ra hay sao?
Nhưng anh ấy không hỏi gì mà gật gật đầu: "Nãy lúc em nói chuyện với bà thì anh có thắp nén nhang cho ông rồi." Rồi khởi động xe, giọng dứt khoát: "Đi! Em chỉ đường. Chúng ta ghé thăm ông nội của An một chuyến nào!"
Lòng tôi bỗng chốc vui vẻ rạo rực, không hề khách sáo mà hớn hở chỉ cho anh ấy quay ngược vào trong nhà bà nội. Anh ấy nói đi mua hoa nhưng tôi bảo không cần.
Để ghé ngang nhà cắt hoa hồng của Tuấn Anh tặng ra cắm, tiện thể mang xô, khăn, cuốc ra dọn nhà cho ông luôn. Hồi xưa mẹ thường nói phải lấy hoa cúc nhưng tôi không nghe lời. Cứ trong vườn hoa nào nở rộ là lại đạp xe mang vào cho ông ngắm, lâu dần thành quen. Thỉnh thoảng đêm đến mộng đẹp, còn thấy ông ôm tôi vào lòng rồi cười tủm tỉm khen hoa thơm nức nữa.
Hôm nay, coi như Tuấn Anh tặng hoa cho ông nhé!?
Thầy Khương bảo thời điểm vừa đẹp, thầy ấy có đứa cháu tên Vương, cũng nghỉ học sớm, tuổi còn nhỏ đi làm xa nhà không ai yên tâm nên gửi xuống nhà tôi làm thêm, có mẹ tôi trông nom giùm thì gia đình cũng đỡ lo. Còn đảm bảo cực kì ngoan hiền, hiểu chuyện. Mẹ tôi bảo tính mướn người quanh quanh trong quê, chứ sợ trả tiền thấp quá lại không thoả đáng, ở đây tuy gần chợ nhưng cũng dạng trong thôn, chủ yếu buôn bán cho người trong xóm với dân vùng sâu ngại ra thị trấn thôi. Thầy hỏi mức lương xong thì bật cười, búng tay, nói nhiêu đó quá đủ rồi, tuổi còn nhỏ chủ yếu cho va vấp thôi. Nếu là anh Hùng mở lời thì chắc chắn tôi sẽ từ chối vì sợ anh ấy đưa người trong xưởng xuống, nhưng thầy Khương chẳng có liên quan gì tới Tuấn Anh nên tôi cũng yên tâm.
Cứ tưởng phải ra năm, ai ngờ ngay ngày hôm sau anh Vương vạm vỡ hùng hục xuống vác bia cùng tụi tôi rồi. Tôi ngây ngẩn cả người, ngoại hình này... sức lực này... một lời khó diễn tả hết.
Tôi hỏi thầy Khương: "Sao... sao thầy nói anh ấy nhỏ tuổi mà?"
Cứ tưởng cỡ 13-14 tuổi nên gia đình mới không yên tâm cho đi làm xa nhà chứ? Nhưng người này cao to lực lưỡng thế kia, cảm giác như chỉ dùng một tay cũng có thể bóp chết ba con trâu.
Hay là người nhà anh ấy không yên tâm cho xã hội?
Tôi vừa hít ngược vào nửa hơi thì nhớ ra lời thầy hứa, rằng anh ấy ngoan hiền hiểu chuyện, vậy là lại thở hắt ra nốt nửa hơi còn lại.
Nhưng chưa kịp thở được một phần tư hơi thì thấy anh Vương dùng một tay nắm thân cây trứng cá lay lay như vũ bão. Tôi trợn trắng mắt, xém nữa thì tắc thở. Đây không phải là giống phim kiếm hiệp, gặp thân cây ngáng đường hành tẩu nên đại hiệp ra tay nhổ luôn gốc ném đi cho rảnh nợ đấy chứ???
Anh Hùng búng trán tôi một cái, cười ha hả: "Làm gì mà mắt trợn như muốn bay luôn con ngươi ra ngoài vậy hả?"
Lúc này tôi mới để ý thầy với anh đứng cười mình nãy giờ cái tội mơ màng.
Thầy ho một tiếng, hắng giọng lặp lại: "Nhỏ tuổi đấy, chẳng qua là nhìn mặt già hơn tuổi thôi."
"..."
Có hơi già quá rồi không?
Thực ra anh ấy cũng không già, chắc ngang ngang tầm tuổi anh Thịnh thôi, chẳng qua là nghe quảng cáo tuổi còn nhỏ, gia đình lo lắng rồi nhờ mẹ tôi để ý giùm nên tôi cứ ngỡ thầy phải gửi một đứa bé mềm mại như sữa xuống cơ.
Bây giờ năng suất như thế này thì đừng nói là mẹ mà ngay cả tôi cũng thấy ngại vì tiền lương không xứng đáng chút nào.
Vì thầy nói mặt anh ấy già hơn tuổi nên tôi không dám hỏi tuổi thật nữa, sợ mình vô duyên không biết tế nhị nên chỉ ậm ờ: "Vậy... vậy em nên gọi ảnh là em hay anh?"
Thầy Khương bật cười, "Gọi anh. Mặt già thì cứ gọi anh thôi."
Anh Hùng cười, quát lên: "Ê! Thằng kia! Mày làm gì vậy hả?"
Anh Vương quơ cây chổi lia lịa, "Em rung cho trái rụng hết, quét luôn một lần cho nhanh, anh Hai. Tí lại rụng, tí lại rụng, bẩn hết sân."
Thì ra là thế. Còn tưởng ngày này năm sau là giỗ đầu của cây trứng cá nhà tôi rồi chứ.
Năm nay nhà tôi giàu to rồi.
Mấy anh ở tiệm net, quán bida, xưởng cưa, bạn bè bà con dòng họ của các anh ấy đều được (hoặc bị) anh Hùng vận động đặt hàng Tết nhà tôi. Khỏi phải nói, mẹ tôi cười không khép được miệng, cứ cảm thán nhà mình trong thôn mà buôn bán còn đắt hơn trên huyện, sau đợt này thể nào cũng vươn lên thành nhà gần khá mất thôi. Còn dặn hai anh em tôi đi đâu cũng phải thẳng sống lưng sang con người lên, lỡ đâu sự giàu có ập đến bất ngờ thì nhìn vào cũng không thấy bần mấy. Chúng tôi cười nghiêng ngả vì biết mẹ nói đùa thôi.
Mẹ biết ơn anh Hùng lắm, cấp tốc nhập hàng nhưng bán giá bia, nước ngọt còn rẻ hơn cả ngoài thị trấn, chủ yếu lấy số lượng bù vào thì cũng lời rồi. Anh Hùng bảo không cần, cứ bán đúng giá thị trường đi chứ để tụi nó biết được ưu ái thì bữa sau không dám mua nữa đâu. Đúng là toàn người tử tế. Không phải vì được giá rẻ sẽ quay lại hoài mà lấy lý do rẻ quá nên ngại không dám tới nữa, sợ nhà tôi không có lời.
Anh Hùng cũng đặt bia của nhà tôi, nói là để tặng anh em xí nghiệp. Nhà tôi dư sức hiểu tụi anh ấy có thể mua trên trấn, vừa gần vừa có sẵn, không phải vội vàng đặt đại lý lấy thêm, lại còn được xe tải chở giao tận nơi. Nhưng anh ấy vẫn có lòng ủng hộ, còn đánh xe xuống tận nơi chở về, tiện thể chở hàng giao giùm cho anh em chưa xuống lấy được để nhà tôi đỡ chật nữa.