Một ngày mùa đông nọ, có thanh niên xuất hiện trước cửa phòng hành chính, đến để nhận tro cốt.
Chàng thanh niên cao ráo, mũm mĩm, khuôn mặt tròn trịa đeo một cặp kính gọng tròn, bọc trong một chiếc áo lông vũ tròn lẳn.
Ngoài trời tuyết đổ, nhưng không đến nỗi lạnh lắm.
–
Nhiều năm sau khi Sở Giá Quân chết, vẫn chẳng có người đến nhận tro cốt, cũng có thể là không ai dám nhận.
Có người báo tin cho Kỷ Dũng Đào, hôm nay có người đến nhận, cũng họ Sở, quan hệ chú cháu ruột với Sở Giá Quân.
Lão Kỷ đội trời tuyết lớn dẫn Tiểu Sở đi ăn lẩu dê. Hơi nóng bốc lên phủ trắng mắt kính của cậu Sở, cậu ta chỉ đành liên tục vụng về lau mắt kính.
Hũ tro cốt được cậu ta đặt trên đùi, không dám đặt trên bàn hay trên ghế. Lão Kỷ nói, cứ đặt xuống đất đi.
Chết bao năm rồi, đặt xuống đất cũng chẳng sao đâu. Người chết rồi, bất luận là thổ táng hoả táng hay thủy táng, đều sẽ chìm thật sâu thật sâu xuống lòng đất.
Cậu Sở ôm hũ tro qua cửa an ninh tàu điện ngầm, máy rà kim loại kêu inh ỏi. Lúc Lão Kỷ nhặt cốt cho Sở Giá Quân, có lẽ đã nhặt luôn cả viên đạn kia vào cùng.
Lão Kỷ: "Cậu thấy không thoả thì cứ nhặt ra đi."
Cậu Sở: "Nhặt thế nào? Có nhặt được không vậy?"
Được chứ. Lão Kỷ kiếm lấy đôi đũa, ngồi chổm hổm bên vệ đường mở hũ tro ra. Cậu Sở cũng không tiện nói gì thêm. Dẫu sao, thể theo nguyện vọng của rất nhiều người hồi đó, cái hũ quỷ này đã suýt bị xả vào bồn cầu.
Đũa của lão Kỷ lựa lựa nhặt nhặt trong hũ tro, chắc tại bên trong hơi rỗng, bị đũa khoắng sụt xuống, miệng hũ bốc lên một làn khói trắng. Lúc đáp xuống còn phát ra một âm vang khe khẽ nghe như tiếng thở dài.
Lão Kỷ bị sặc bụi tro ho sặc sụa. Bởi sự kiện năm đó mà phổi của lão để lại bệnh, đeo bám không khỏi.
–
Theo quy định, tro cốt chỉ có thể lưu giữ mười lăm ngày. Kỷ Dũng Đào đánh tiếng, tìm lấy một xó đặt vào, cứ thế ở đó suốt nhiều năm.
Tên của cậu Sở ban đầu vốn khác. Năm đó Sở Giá Quân gây chuyện, người lớn nhà họ Sở thốc tháo chạy đi đổi tên cho con cái, hận không thể đổi luôn cả họ.
Cậu Sở học hành tấn tới, cứ thế học lên cao, hiện giờ làm nhà văn. Lật ghi chép cũ trong nhà ra được chuyện này, cậu ta bèn giấu người nhà chạy tới đây, tính tìm Kỷ Dũng Đào nghe lại một lượt câu chuyện năm xưa.
Kỷ Dũng Đào đã có tuổi, năm đó lúc sắp về hưu bèn xin nghỉ sớm, thương tích trên người quả thực chồng chất. Sau đó lão thi hành nhiệm vụ, lại mấy lần bị khiêng vào phòng cấp cứu, mãi cho đến khi được điều sang làm công việc bàn giấy.
Kỷ Dũng Đào không thích kể lại chi tiết việc năm đó với người khác, cậu Sở phiền quá, lão bèn dắt cậu ta về khu tập thể sông Ái Nha, lấy từ trong ngăn kéo ra một tập nháp.
Tập nháp đặt trong một chiếc túi giấy da bò, viết bằng một xấp giấy báo cáo công tác của đơn vị. Cậu Sở lật giở vài trang, phát hiện đúng thật là báo cáo.
Kỷ Dũng Đào: "Báo cáo tình hình, báo cáo hành động, bản kiểm điểm mà tôi viết sau khi vụ án kết thúc đây."
Liếc thấy cỡ vài trăm trang, trong đó báo cáo tình hình chiếm quá nửa, xem ra năm đó những người bị kéo vào vụ này hẳn đều khốn đốn không vừa.
Thực chất Kỷ Dũng Đào đã viết hai bản. Bản đầu tiên bị loại bởi vì hình thức không chuẩn, ghi chép phần sau quá hỗn loạn.
Thứ nằm trong tay cậu Sở chính là bản đầu tiên, rất ít cảnh sát có thể viết được một tập báo cáo án lớn toàn diện như vậy. Có điều, đối với đương sự mà nói thì đây cũng chẳng phải chuyện hay ho gì.
Kỷ Dũng Đào: "Giờ thứ này vô dụng rồi. Không có tính tham khảo đâu."
Cậu Sở: "Ý chú là đối với tình trạng trị an và phương pháp điều tra trinh sát hiện nay sao?"
Kỷ Dũng Đào gật đầu. Ở thời điểm hiện tại, tập báo cáo này gần như chẳng còn chút giá trị nào nữa. Hoàn cảnh của Sở Giá Quân cơ hồ không còn cơ hội tái diễn với trẻ em trong nước, người dân đã quên lần gần đây nhất nghe tin ăn cướp giữa đường là khi nào. "Cướp ngân hàng" càng trở thành tình tiết trong những bộ phim điện ảnh xa xưa, còn cướp tàu trong mắt người trẻ tuổi là thứ chỉ trong phim nước ngoài mới có.
Kỷ Dũng Đào: "Nhìn thấy súng bao giờ chưa?"
Cậu Sở gật đầu, hồi cậu ta còn rất nhỏ từng trông thấy người lớn trong nhà có súng. Về sau, thứ người ta nhìn thấy chỉ còn là mô hình đồ chơi, sau nữa, những thứ đồ chơi ấy cũng không được phép bán nốt.
Trẻ con chưa từng trông thấy, chưa từng sờ vào. Kỷ Dũng Đào hoài nghi, cho dù thật sự có người rút khẩu súng săn ra giữa đường thì người trẻ tuổi cũng tưởng đó là đạo cụ quay phim mà thôi.
Nhưng kỳ thực vậy cũng tốt.
Đôi lúc Kỷ Dũng Đào xem thời sự, thấy nghi phạm khóc lóc kể lể lý do lầm đường lạc lối là bởi cha mẹ bạc đãi, người lớn phó mặc, hoặc là bị cha đánh đập đến độ bỏ nhà ra đi... lão lại cảm thấy hoang mang vô lối. Thực chất có rất nhiều loại bế tắc có thể gỡ bỏ.
Hiện giờ chẳng đến nỗi "hết cách" như hồi đó, có rất nhiều cách thậm chí đã bày sẵn ra, nhưng lại chẳng ai dùng.
Cậu Sở muốn mua đứt những tài liệu này, Kỷ Dũng Đào liếc mắt nhìn cậu ta: "Bán theo cân à?"
Cậu Sở: "Không phải, tính theo phí bản thảo... Nhưng nói thật thì với cách hành văn của chú, chắc chỉ được bốn chục đồng mỗi ngàn chữ thôi."
Tập nháp tặng cho cậu Sở, cậu Sở mua cho lão hai thùng xoài. Kỷ Dũng Đào bảo lão không ăn được cái này, hồi trẻ chẳng để ý gì, già rồi ăn gì cũng phải kiêng khem.
–
Cậu Sở sắp xếp lại tập nháp ấy cho lão. Kỷ Dũng Đào ở đằng sau hút thuốc, nhìn chàng thanh niên lạch cạch gõ chữ. Thỉnh thoảng cậu Sở lại cảm thán đôi câu, dẫu gì đối với cậu ta mà nói, Sở Giá Quân chỉ là một người lạ: "Báo cáo của chú cũng nặng thông điệp ra phết đấy chứ."
"Ra đây là báo cáo tổng kết à."
"Phân tích thấu đáo ghê nơi, vì đâu trở thành tên tội phạm như vậy, làm sao kéo bè gây án, lục đục nội bộ thế nào, tìm kiếm mục tiêu ra sao,..."
Cậu Sở phải nghĩ một lúc mới loáng thoáng hình dung được ra "tội phạm" là gì. Năm đó khi lão Kỷ viết những thứ này ra, lượng tội phạm trong nước đã bắt đầu giảm dần, đồng thời trong lần truy quét nghiêm ngặt thứ hai đã triệt để trở thành bụi trần khép lại một thời đại.
Lúc lão viết, lúc người khác đọc, đều nghĩ rằng, việc như vậy đừng nên xảy ra nữa, người như vậy đừng nên xuất hiện nữa. Vài năm sau, chúng quả thực đã biến mất. Hiện giờ biểu ngữ giăng khắp phố đều là "Phòng tránh lừa đảo qua mạng", khu tập thể dán biển "xe điện không được vào tòa nhà". Cướp bóc đã chẳng còn nghe đến mấy hồi, bởi vì người dân gần như đều không cầm tiền mặt.
Trong dòng chảy thời gian, khu tập thể sông Ái Nha trở thành một khu dân cư cũ kỹ, bởi nằm gần trường học mà giá nhà leo thang.
Còn sông Ái Nha thì bởi vấn đề vệ sinh mà nhiều năm trước đã bị lấp đi. Dòng chảy ấy sau rốt cũng bị vùi chôn trong ký ức.
Hết.
Trần có đôi lời lảm nhảm: Cảm ơn mn đã nhiệt tình tham gia GiveAway và đi đến cùng tác phẩm với mình. Bản dịch còn những chỗ truyền tải chưa trọn vẹn, chẳng hạn như dòng chảy mang tên tình yêu, lại phụ một âm cảm thán "Nha" tựa như một tiếng thở dài nao lòng, thật chẳng sao tả xiết nỗi bồi hồi miên man của mình trước câu chuyện này. Vẫn còn ngoại truyện sách, ngoại truyện mạng và phụ kiện kèm sách mình cũng sẽ dịch. Chúng ta sẽ còn gặp lại trên chặng đường này phải không nào (づ ̄3 ̄)づ╭❤️~