Nhóm quan viên do thần suất lĩnh đã đến Quan Trung, chỉ còn mười lăm ngày nữa là đến Hoài Nam.
Đoàn ngự sử khâm sai đi đến đâu, bá tánh ven đường đều đón chào, đưa tiễn cách mười dặm đến đó. Bá tánh dọc đường nghe nói bệ hạ có ân tránh Hoài Nam xảy ra chiến sự, đều ca tụng bệ hạ lòng dạ độ lượng rộng rãi, có thể thấy bệ hạ được lòng dân, thiên uy phúc trạch tứ hải.
Từ xưa đến nay, bá tánh chỉ cầu hai chuyện: Ăn no mặc ấm, thiên hạ thái bình.
Từ khi bệ hạ đăng cơ, người chăm lo việc nước, giảm miễn thuế má, coi trọng nông tang, quan tâm đến vạn dân. Tuy có thiên tai quấy phá, nhưng triều đình luôn xử trí thích đáng.
Vì vậy, lòng dân luôn hướng về bệ hạ.
Bạo dân ở Hoài Nam tuy gặp thiên tai, nhưng trước đó triều đình đã cứu tế, khởi binh phản loạn mới là chuyện sau này, như vậy cho thấy bọn họ mới là người bất trung bất nghĩa. Theo thần thấy, cho dù bạo dân chiếm hết địa lợi, nhưng bọn họ gian ác không được ai hỗ trợ, không đáng lấy làm sợ hãi.
Lần này thần nhất định sẽ bình định phản quân ở Hoài Nam, trả lại sự bình yên cho triều đình. Cung thỉnh bệ hạ an cư kinh thành chủ trì đại cục, chờ thần trở về.
Tháng mười một năm đầu Thừa Khải
Vào ngày thứ mười sau khi Tề Nhan rời đi, Nam Cung Tĩnh Nữ nhận được một phong cấp tấu tám trăm dặm.
Lúc ấy Nam Cung Tĩnh Nữ đang thượng triều, khi nội thị cầm ống trúc bước vào thì đại điện thoáng chốc lặng ngắt như tờ, ánh mắt mọi người đều tập trung vào ống trúc bị niêm phong bằng sáp đỏ kia.
Nam Cung Tĩnh Nữ cũng tạm dừng triều hội, nàng mở ống trúc ra, hai phong thư ở bên trong lập tức rơi xuống.
Một phong thư trong đó có nội dung kể trên. Nam Cung Tĩnh Nữ đọc xong thì gánh nặng trong lòng cũng vơi đi, nhưng nàng không có mỉm cười.
Trên phong thư còn lại có bốn chữ to rồng bay phượng múa: Tĩnh Nữ thân khải.
Tim Nam Cung Tĩnh Nữ đập thình thịch, đã lâu rồi Tề Nhan không có gọi nàng như vậy.
Nam Cung Tĩnh Nữ không chút biến sắc, nàng xé phong thư ra, chỉ thấy trên đó viết:
Bệ hạ, thấy chữ như thấy mặt.
Thần đã rời kinh năm ngày, không biết mọi chuyện trong kinh có ổn hay không?
Vào lúc thần đặt bút, hành trình đến Hoài Nam đều thuận lợi. Tuy nhiên, thần có trông thấy cuộc sống của bá tánh ven đường, bỗng kinh sợ nhận ra có không ít nơi tiêu điều, phòng ốc rách nát, cỏ dại mọc thành cụm. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân vì sao triều đình không thu được bao nhiêu thuế.
Thần đã đánh dấu những châu phủ đó ở phía dưới, mong bệ hạ lệnh Đại tư nông và quan viên Hộ bộ tìm hiểu thực địa, kịp thời tìm được ngọn nguồn vấn đề.
Thần có năm tập hồ sơ trong thư phòng, vốn muốn đưa cho bệ hạ làm lễ vật sinh thần, nhưng nề hà không kịp viết xong, cho nên thần đã lấy ra năm quyển trong đó. Tuy hiện tại không phải là thời cơ tốt nhất, nhưng kính xin bệ hạ hãy xem qua trước, sau đó hẵng tiếp tục định đoạt.
Cổ có tiên hiền từng bảo: Loạn thế nên dùng trọng điển.
Lại có hiền giả từng viết: Nóng vội thì không thành công.
Thần suy nghĩ mãi, cũng không biết thi hành tân chính sẽ có bao nhiêu lợi và hại, vì thế mời bệ hạ tự quyết.
Năm quyển còn lại không quá quan trọng, đợi cho thần trau chuốt cẩn thận, trở về sẽ trình lên bệ hạ.
Khác: Ngọc Tiêu có ngoan ngoãn hay không? Nàng có tới thư phòng đầy đủ hay không?
Đọc đến đây, khóe miệng Nam Cung Tĩnh Nữ không tự chủ cong cong. Nàng nhìn ra khi hành văn đến đây, đầu bút lông của Tề Nhan hơi ngừng lại, không biết suy tư bao lâu mới tiếp tục viết...
Tề Nhan: Lòng thần, không thay đổi.
Cẩn tụng đông toại.
Phong thư đầu tiên là thư giữa quân thần, phong thư thứ hai rõ ràng là thư nhà, hay nói đúng hơn là...lời âu yếm?
Tuy lá thư không có từ nào lỗ mãng, nhưng giữa những hàng chữ đều toát ra tình cảm, từng chút len lỏi vào trái tim.
Nam Cung Tĩnh Nữ đọc đi đọc lại mấy lần, rốt cuộc nhoẻn miệng cười.
Nam Cung Tĩnh Nữ bị hai chữ "Tử nói", "Tử viết" của Tề Nhan chọc cười. Trong đầu nàng đã phác họa ra dáng vẻ Tề Nhan khi viết ra những lời này, nhất định là đối phương ngồi quỳ trước bàn. Cũng không biết nàng ấy có mang theo dạ minh châu nàng đưa cho nàng ấy hay không? Nếu như không mang theo, có lẽ nàng ấy sẽ thắp một ngọn đèn dầu. Khi viết đến đây...có lẽ nàng ấy cũng đang cười chăng?
Nụ cười của nàng ấy tất nhiên là khác với nàng, đó sẽ là một nụ cười hàm súc, thậm chí mang theo ba phần giảo hoạt.
Còn không phải là muốn nói với nàng: Ta hiện tại có năm diệu kế, nhưng ta cũng không biết kết quả của nó sẽ ra sao. Có cổ nhân nói nên dùng, có cổ nhân nói không nên dùng, ta cũng lưỡng lự, ngươi là bệ hạ, ngươi tự quyết định đi.
Nam Cung Tĩnh Nữ thở dài, thầm nghĩ: Từ khi nào người này trở nên khéo đưa đẩy như vậy? Thật là...
Từ khi biết Ngọc Tiêu không phải là hài tử thân sinh của Tề Nhan, chút khúc mắc của Nam Cung Tĩnh Nữ đối với Ngọc Tiêu cũng đã biến mất, nàng thậm chí có chút đau lòng thân thế của Ngọc Tiêu. Đứa nhỏ này đã trổ mã, càng ngày càng thông minh đáng yêu, lại còn hiếu thuận.
Chỉ là tính tình "nghịch ngợm thích gây sự" khi còn nhỏ cũng càng thêm bừa bãi. Gần như cứ cách vài ngày, Nam Cung Tĩnh Nữ lại nghe sư phó của Thượng Thư Phòng bẩm báo: Yến Dương công chúa đánh sưng đầu cháu đích tôn nhà mấy vị đại thần.
Triều thần ở phía dưới thấy nữ đế cười thì nhất thời nao nao, sau đó đồng loạt cúi đầu.
Chỉ vì nụ cười của Nam Cung Tĩnh Nữ như tắm mình trong gió xuân, đẹp không sao tả xiết.
Vị Quốc thờ phụng Nho gia, chú ý phi lễ chớ nhìn, cho nên các đại thần tự giác tránh hiềm nghi.
Nam Cung Tĩnh Nữ ho nhẹ một tiếng, nàng ngưng cười, nhưng ánh mắt vẫn chất chứa dịu dàng và mềm mại.
Ở trong lòng Nam Cung Tĩnh Nữ, Tề Nhan chính là một sự tồn tại kỳ diệu như vậy. Theo lý mà mói, người chọc giận thiên tử đều sẽ không có kết cục tốt đẹp.
Nhưng Tề Nhan thì khác. Nàng dùng dăm ba câu là đã có thể khiến Nam Cung Tĩnh Nữ thương tâm, nữ đế không những không mang thù mà còn bị lá thư ngắn ngủi của nàng dỗ đến nỗi mặt mày hớn hở.
Có đôi khi, Nam Cung Tĩnh Nữ và Tề Nhan cực kỳ giống đôi phu thê bình phàm ở dân gian. Ồn ào cãi nhau là có, nhưng tận đáy lòng cả hai đều xem đối phương là bến đỗ của mình, mặc dù giận cấp công tâm thậm chí là thất vọng, cũng đều sẽ trôi đi cùng thời gian. Cả hai chậm rãi thông cảm cho đối phương, không cần nhiều lời.
Nam Cung Tĩnh Nữ lại nhìn hai phong thư Tề Nhan viết cho nàng, lập tức hiểu được dụng ý của Tề Nhan: Rõ ràng có thể viết một lần là xong, vì sao phải tách ra làm hai?
Nam Cung Tĩnh Nữ cầm lấy lá thư đầu tiên của Tề Nhan và đưa cho nội thị bên cạnh: "Chủ sự khâm sai truyền tin về, ngươi tuyên đọc một lần rồi đưa cho các chư vị đại nhân truyền đọc đi."
Nội thị: "Vâng."
- --
Sau khi hạ triều, Nam Cung Tĩnh Nữ đi thẳng đến thư phòng của Thừa Triêu cung.
Đồ đạc trong thư phòng vẫn được bày biện như cũ, giống hệt cách bố trí ở phò mã phủ lúc trước. Nam Cung Tĩnh Nữ vừa nhấc mắt lập tức trông thấy năm quyển hồ sơ mà Tề Nhan đã nói trong thư trên kệ sách.
Nàng mở từng quyển một, nét chữ quen thuộc lại lần nữa ánh vào mi mắt. Năm cuốn này lần lượt có tên là: Bàn về lớp phòng ngự lỏng lẻo của triều đình, Bàn về chức quan và chi phí dư thừa, Bàn về việc quan viên tham nhũng, Bàn về vấn đề quân phí đắt đỏ, quyển cuối cùng là Bàn về những khuyết điểm của chính quyền cũ.
Nhìn những đề mục này, Nam Cung Tĩnh Nữ cũng không khỏi thầm líu lưỡi. Nàng biết là từ khi mình đăng cơ tới nay, Tề Nhan vẫn luôn bận bịu làm cái gì đó, nhưng nàng không ngờ đây lại là một công trình vĩ đại như thế. Hơn nữa, đây chỉ mới là một nửa trong đó mà thôi.
Nam Cung Tĩnh Nữ nhìn độ dày mỗi quyền, ít nhất cũng là mấy chục trang giấy. Nàng không khỏi kính nể, bèn thẳng lưng lên và mở quyển thứ nhất ra.
- --
Tiếng mõ báo hiệu canh ba rất nhanh đã vang lên, nhưng Nam Cung Tĩnh Nữ chỉ mới đọc được một nửa. Tề Nhan ánh mắt sắc bén, nói đâu ra đó, cả quyển sách không có từ nào vô nghĩa, từng câu từng chữ đều đánh trúng điểm mấu chốt.
Có rất nhiều tệ nạn Nam Cung Tĩnh Nữ cảm thấy không ổn nhưng nàng lại không tìm ra nguyên nhân, sau khi được Tề Nhan chỉ điểm thì nàng đã sáng tỏ.
Nội thị đã tới mời vài lần, nhưng Nam Cung Tĩnh Nữ không muốn dời mắt khỏi những quyển sách này một chút nào. Nàng bị mời nhiều đến nỗi cảm thấy phiền, dứt khoát nói nội thị rằng tối nay nàng không về, thay vào đó sẽ qua đêm ở Thừa Triêu cung.
Dù sao Tề Nhan không ở kinh thành, nàng muốn ở đâu cũng được.
Quyển thứ nhất "Bàn về lớp phòng ngự lỏng lẻo của triều đình" chủ yếu lấy chuyện trước kia Ngự Lâm quân thông đồng với Du Vương Nam Cung Đạt mưu phản làm luận điểm, kết hợp với việc cung nhân nội đình âm mưu ám sát Nam Cung Tĩnh Nữ làm dẫn chứng phụ. Tề Nhan tinh tế phân tích tai họa ngầm của cả nội đình, kèm theo biện pháp giải quyết vấn đề.
Quyển thứ hai "Bàn về chức quan và chi phí dư thừa", Tề Nhan liệt kê chức vụ và quân hàm của quân đội Vị Quốc từ triều đình đến địa phương, vậy mà có hơn bảy ngàn sáu trăm vị trí, tổng số quan viên lên đến tám vạn người!
Sau đó Tề Nhan cẩn thận tính số tiền mỗi năm triều đình cần trả. Khi nhìn thấy con số đó, Nam Cung Tĩnh Nữ liền hoa mắt, trong lòng nhảy dựng.
Cuối cùng, Tề Nhan đại khái chỉ ra quyền hạn và chức trách của mỗi chức vị bị chồng chéo, cũng dùng bút đỏ đánh dấu những chức vị trùng nhau.
Tề Nhan: Người ta thường bảo không phải việc của mình thì không lo. Đối với những chức vị bị trùng thì khó tránh khỏi xuất hiện sơ hở hoặc là xảy ra tình trạng đùn đẩy nhau, cứ thế mãi thì không những triều đình phải bỏ ra chi phí thật lớn, mà bá tánh cũng không có chỗ nói lên suy nghĩ của mình, trăm hại mà không một lợi.
Khi thần nhậm chức ở Tấn Châu, phát hiện địa phương có rất nhiều quan viên biến thành "thế khanh thế lộc". Bá tánh còn có bài ca dao vui xưng tụng: "Nha môn làm bằng sắt, chức quan như nước chảy." [1]
[1] Câu này có nghĩa là nha môn giống như làm bằng sắt, tồn tại trường kỳ, nhưng chức quan thì như nước chảy, thường xuyên thay đổi, ẩn dụ cho việc quan viên thường xuyên bị thay đổi.
Tuy những quan viên này có chức vị không cao, thậm chí là không có quân hàm và bổng lộc, nhưng phần lớn đều do người dân địa phương đảm nhiệm, dựa theo chế độ tiến cử. Từ tiền triều truyền đến đương triều, trải qua mấy trăm năm đã có mấy thế hệ kế thừa. Phần lớn là con nối nghiệp cha, thế lực của bọn họ ở địa phương vô cùng lớn, thậm chí là có sức ảnh hưởng đến quan phủ.
Nó dẫn đến sự xuất hiện của các gia tộc và trưởng tộc, sản sinh ra rất nhiều chức vị khác nhau ở các châu phủ, không khác gì phiên vương. Quần thể "quan viên" này cực kỳ to lớn, bọn họ che chở lẫn nhau như thể tay chân, nhưng chỉ cần rút dây động rừng một nhánh thì toàn bộ đều sẽ bị ảnh hưởng. Dẫu sao đây vẫn là mệnh lệnh mà triều đình truyền đạt, vì thế xin bệ hạ sớm tính toán.
Đọc đến đây, Nam Cung Tĩnh Nữ ướt hốc mắt.
Đây là một công trình cực kỳ vĩ đại. Nam Cung Tĩnh Nữ quả thực không thể tin một người có thể làm được, lại còn một mình hoàn thành trong thời gian ngắn như vậy.
Khó trách ngự y nói: Tề Nhan suy nghĩ quá nhiều. Trước đó Nam Cung Tĩnh Nữ còn cảm thấy kỳ quái, vì sao rời triều đình rồi mà Tề Nhan còn mệt như vậy...
Sớm biết nàng ấy vất vả như vậy, nàng làm theo ý nàng ấy là được, cớ sao phải cùng nàng ấy khắc khẩu?
Nam Cung Tĩnh Nữ nhớ lại, vào ngày sinh thần của nàng, nàng từng hỏi Tề Nhan một câu: "Sinh thần năm nay, ngươi định tặng gì cho ta? Sẽ không là một thỏi mực cũ nữa chứ?" Nghĩ đến đó, Nam Cung Tĩnh Nữ hận không thể tát bản thân một cái!
Tề Nhan viết trong thư: Lòng thần, không thay đổi.
Sau khi biết Tề Nhan không phải là người Vị Quốc, sự cảm động này còn có rất nhiều kính trọng.
Vị Quốc và Tề Nhan, bốn chữ "huyết hải thâm thù" sao có thể diễn tả được hết?
Nói trắng ra, Vị Quốc hưng thịnh hay không có liên quan gì đến thảo nguyên Hãn Vương Khất Nhan A Cổ Lạp?
Nói đến cùng...không phải tất cả đều vì nàng hay sao? Mọi thứ nàng ấy làm, đều là vì nàng.
Nàng là nữ đế, nếu Vị Quốc diệt vong thì nữ đế cũng không còn mặt mũi nào tồn tại hậu thế. Tất cả những gì Tề Nhan làm, đều là vì nàng!
Nam Cung Tĩnh Nữ sụt sịt, giơ tay lau đi giọt nước mắt đọng ở khóe mắt.
Nàng hối hận vì không thể ở bên cạnh Tề Nhan nhiều hơn. Từ sau khi đăng cơ, mỗi ngày chẳng qua nàng chỉ đi nhìn nàng ấy một cái, liền cảm thấy nàng vì nàng ấy trả giá rất nhiều...
Quyển thứ ba "Bàn về việc quan viên tham nhũng" lấy một vài học sinh Tấn Châu không có cửa vào sĩ làm ví dụ. Có rất nhiều quan viên có quyền tiến cử công khai thu cái cái gọi là "phí gõ cửa" và "tiền tiến cử". Tề Nhan còn nói, những chuyện này chỉ mới là phần nổi tảng băng mà thôi, muốn lên chức một bậc thì bạc ròng vạn lượng sao mà đủ?
Giải pháp được đưa ra sau đó chính là: Lập ra Thanh Liêm ty, tiếp nhận báo cáo nặc danh ở các cấp.
Quyển thứ tư "Bàn về vấn đề quân phí đắt đỏ" khiến Nam Cung Tĩnh Nữ hãi hùng khiếp vía. Nếu quyển sách này bị lộ ra ngoài, e là sẽ nhấc lên một trận tinh phong huyết vũ.
Quyển sách này không viết gì khác, nội dung chính là binh lính của U Châu phủ không dưới mười vạn, còn có quyền lực của Tiết độ sứ các nơi quá lớn. Tề Nhan cũng kiến nghị Nam Cung Tĩnh Nữ dần thu hồi binh quyền, bắt đầu giám sát.
Quyển cuối cùng "Bàn về những khuyết điểm của chính quyền cũ" phân tích nguyên nhân gốc rễ vì sao triều đình khó thu thuế, đó chính là vì quốc sách Giấy khố đổi muối dẫn.
Tề Nhan cẩn thận phân tích mục đích ban đầu của quốc sách này, cách dùng từ không hề kiêng dè, nói thẳng rằng Nam Cung Nhượng lợi dụng người dân để làm giàu mình.
Nam Cung Tĩnh Nữ cau mày, Tề Nhan chỉ thẳng sai lầm của phụ hoàng là đã phạm vào tội đại bất kính. Có rất nhiều lần Nam Cung Tĩnh Nữ tức giận đến nỗi muốn ném quyển sách này, nhưng đôi mắt nàng không nghe theo sai khiến của nàng, có làm thế nào cũng không dứt ra được.
Nếu như đổi thành người khác viết ra những lời này, e rằng Nam Cung Tĩnh Nữ đã tức giận từ lâu. Cũng chỉ bởi vì nó do Tề Nhan viết ra, Nam Cung Tĩnh Nữ mới có thể kiên nhẫn đọc hết.
Tuy lòng Nam Cung Tĩnh Nữ có chút hụt hẫng, nhưng không thể không nói: Lời Tề Nhan nói tuy sắc bén, nhưng đều chính xác.
Đúng như Tề Nhan nói: Quốc sách này đã biến thành một cái mụn nhọt của triều đình, khoét đi tất nhiên sẽ đau, nhưng nếu giữ lại thì sẽ càng ngày càng nát...
Nam Cung Tĩnh Nữ đọc thâu đêm, đến khi phương đông xuất hiện thì nàng mới đọc xong chữ cuối cùng. Nàng ngồi phịch xuống ghế, trên trán đổ đầy mồ hôi lạnh.
Nam Cung Tĩnh Nữ theo bản năng muốn thiêu hủy năm quyển sách này. Một khi người ngoài phát hiện, Tề Nhan sẽ trở thành đối tượng bị thế lực các nơi, thậm chí là toàn bộ thiên hạ tru phạt...
Nàng không muốn Tề Nhan bị tổn thương dù chỉ một chút, dẫu có tiềm tàng nguy hiểm cũng không được.
Nam Cung Tĩnh Nữ nghĩ mà sợ: Người này thế mà đặt đồ vật quan trọng ở vị trí bắt mắt như vậy, thật đúng là không muốn sống nữa!
Nhưng năm quyển sách này có giá trị liên thành, Nam Cung Tĩnh Nữ có chút không nỡ.
Sau một hồi đấu tranh, Nam Cung Tĩnh Nữ quyết định học thuộc hết tất cả, lưu lại trong lòng thì Tề Nhan mới an toàn nhất.
Nam Cung Tĩnh Nữ đã quyết định phải nhanh chóng thi hành năm chính sách này, nhưng nàng cần phải đứng ra để hạ lệnh, không thể để bất cứ ai biết đây là chủ ý của Tề Nhan. Lợi ích liên lụy giữa các bên quá sâu, từ xưa đến nay chuyện "Thanh quân trắc" [2] còn ít sao?
[2] Thanh quân trắc: Theo sử sách Trung Quốc, sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương qua đời, hoàng thái tôn kế thừa ngôi báu. Đó chính là Kiến Văn Hoàng đế. Tuy nhiên, những ngày giữ ngai vàng của Kiến Văn Hoàng đế không kéo dài được bao lâu. Chú thứ tư của ông là Yên Vương Chu Đệ trấn thủ Bắc Bình (nay là Bắc Kinh), xưng danh "Thanh quân trắc" (có nghĩa là thanh trừ kẻ xấu thân cận bên cạnh quân vương), khởi binh lật đổ nhà vua.
Nam Cung Tĩnh Nữ xoa xoa giữa mày: "Người đâu."
Ngoài cửa vang lên tiếng của nội thị: "Bệ hạ."
Nam Cung Tĩnh Nữ: "Truyền chỉ, hôm nay ngưng triều một lần."
Nội thị: "Tuân chỉ."
Tuy Nam Cung Tĩnh Nữ có khả năng đã đọc là không quên được, nhưng nội dung thật sự là quá nhiều, dù có là nàng thì cũng không thể chỉ đọc một lần là nhớ hết không sai một chữ.
Giờ khắc này, Nam Cung Tĩnh Nữ mới thực sự cảm nhận được, giang sơn đến tột cùng nặng nề như thế nào. Nàng...và Tề Nhan đến tột cùng còn phải đi bao xa.
Nam Cung Tĩnh Nữ tất nhiên tính luôn cả Tề Nhan. Ở trong lòng Nam Cung Tĩnh Nữ, Tề Nhan chưa bao giờ là một sự tồn tại nguy hiểm, càng sẽ không trở thành "người soán ngôi".
Con đường này quá dài...Nam Cung Tĩnh Nữ hy vọng sẽ có người có thể cùng nàng đi hết hành trình này, mà người này...chỉ có thể là Tề Nhan.
Artwork by cirqlr
Đừng quên dành tặng mình 1 vote để tiếp sức cho mình edit những chương tiếp theo nha. Xin chân thành cảm ơn các bạn vì đã đón đọc.