Sao tự nhiên lại thành trách nhiệm của anh chứ? Anh không thể đảm bảo việc cùng nhau thi đậu vào trường đại học Thanh Hoa.
Ngược lại, chuyện chăm sóc, giúp đỡ thì không có gì. Dẫu sao hai người cũng quen biết từ thuở nhỏ, quan hệ thân thiết.
Tuy nhiên, thi đại học không phải việc nhỏ. Quả thật, Yến không hiểu vì sao nhà họ Quan lại phải bỏ dễ cầu khó. Thành tích của Quan Linh không thuộc hàng đứng đầu.
Từ lúc tới Chu Châu cũng chả thấy cô ta có dấu hiệu “khiêu chiến bản thân” nào, nhịp học vẫn không nhanh không chậm như thế.
Ngày hôm qua, em trai làm đề cả ngày; mẹ con nhà họ Quan thì lãng phí thời gian một ngày ở nhà họ Yến. Mẹ còn bảo anh ăn, chơi và nói chuyện phiếm chung.
Trong lần thi thử đầu tiên, cô ta đạt hạng mười. Có thể vào trường đại học Thanh Hoa với thành tích này ư? Anh cảm thấy cực kỳ hão huyền. Một trong số những người có hy vọng để liều một chút cũng phải là người đạt hạng thứ hai- Chung Tĩnh và người đạt hạng thứ ba-Liêu Kính Nghiệp.
Chung Tĩnh…Trong đầu Yến Vũ hiện lên một khuôn mặt suốt ngày cứ mang đầy vẻ thù hận. Anh không nhịn được cười. Là chị của Chung Oánh đó. Khí chất và ngoại hình của hai người hoàn toàn khác biệt. Nếu Yến Thần không nói, anh cũng chả nhận ra đấy là hai chị em.
Là con cái trong cùng một nhà mà sao thành tích lại kém xa nhau như thế? Ví dụ như Yến Thần, có một anh trai xuất chúng, thành thử dù có tệ thì cũng chưa vào hàng học sinh dở bao giờ.
Hạng hai trăm sáu mươi lăm đúng là không thể tin được. Chẳng lẽ Chung Tĩnh không phụ đạo cho em gái à?
Nếu Chung Oánh nghe được tiếng lòng của Yến Vũ, cô nhất định sẽ la to: “Đâu chỉ đơn giản là không phụ đạo. Là chưa từng phụ đạo bao giờ ấy!”
Không phải do Chung Tĩnh ích kỷ mà là vì cô ấy không có thời gian. Từ bé cho đến lớn, vì bảo vệ ngôi vị hạng nhất, cô ấy đã trả giá quá nhiều, không có hơi sức để phụ đạo cho em gái. Chung Tĩnh có thể đốc thúc, dạy bảo hai câu thì đã là chị em tình thâm rồi.
Sau Tết Nguyên đán, kỳ thi cuối kỳ đến gần. Bài tập nhiều tới phát rồ, tiết tự học buổi tối cũng bị giáo viên những môn chính chiếm dụng. Vốn tan học lúc bảy giờ rưỡi, song đôi khi lại bị kéo dài, tới hơn tám giờ mới có thể ra cổng trường.
Ông Chung thường đợi ở cổng trường. Nhưng lâu lâu, khi ông ấy có ca trực hoặc gặp phải nhiệm vụ đột xuất thì Chung Oánh phải bắt chuyến xe cuối cùng, về nhà một mình.
Trời đông âm độ lại giá rét, cô thà ngồi chuyến xe cuối cùng cũng không muốn co ro ở ghế sau xe đạp của ông Chung, chịu cái lạnh cắt da cắt thịt. Lúc lên xe, số học sinh cùng đường với cô rất nhiều. Họ lần lượt xuống xe, tới trạm Cục Hậu cần chỉ còn năm, sáu người.
Mấy bạn học có nhà ở xa đều chọn ở lại trường. Họ thật chẳng hiểu kiểu buổi sáng tốn nửa tiếng, buổi tối tốn nửa tiếng trên đường của Chung Oánh. Có thời gian thì làm thêm một tờ bài thi, ghi thêm mười từ đơn, vậy không tốt sao?
Thực ra, Chung Oánh cũng không muốn vướng phải tội này. Nhưng mà Chung Tĩnh đã tăng tiền tài trợ từ ba tệ lên năm tệ.
Ông Chung xót cô đi lại vất vả cho nên lén đưa thêm năm tệ tiền tiêu vặt. Thu nhập hàng tháng cao tới hai mươi lăm tệ, Chung Oánh thỏa hiệp vì tiền.
Sắc đẹp được nuôi từ tiền. Những thứ bôi trên mặt, thoa lên đầu, ăn trong miệng, mặc trên người đều cần tiền. Chung Oánh muốn quá nhiều thứ.
Song có một số món ông Chung thấy không cần thiết, không giản dị, không rõ công dụng thì dù cô có nhắc đến, ông cũng sẽ không mua.
Thậm chí, ông Chung còn phê bình Chung Oánh làm mất bản sắc của gia đình quân nhân. Vì thế, cô chỉ có thể dựa vào số tiền mình tích góp được.