Xuất thân quý tộc và tài sắc hơn người
Elizabeth Bathory sinh trưởng trong một dòng họ quý tộc lâu đời và giàu có bậc nhất Hungary. Bathory là dòng họ sản sinh ra nhiều nhân vật kiệt xuất, quyền lực trong lịch sử, trong đó người nổi tiếng nhất được thế giới biết đến chính là Istvan Bathory, hoàng đế Ba Lan.
Không giống như những phụ nữ lúc bấy giờ, Elizabeth được thừa hưởng một nền giáo dục tốt, thậm chí sự thông minh của bà còn vượt trội so với những người đàn ông cùng thời.
Trong khi nhiều người trong giới quý tộc Hungary chật vật với việc đọc, viết thì Elizabeth không chỉ thông thạo tiếng Hungary mà còn nói trôi chảy tiếng Hy Lạp, tiếng Latin và tiếng Đức.
Nhờ sự thông minh và sắc đẹp vốn có, nữ bá tước Elizabeth từng được xem là người phụ nữ tài sắc nhất Châu Âu. Tuy nhiên, ngoài những thứ trời phú trên, Elizabeth còn thừa hưởng một đặc điểm truyền thống của dòng họ Bathory, đó là sự tàn ác.
Con quỷ khát máu lộ diện
Elizabeth đã đính hôn từ rất sớm lúc mới 11 tuổi nhưng đến 15 tuổi bà mới chính thức kết hôn và chuyển về sống cùng chồng là bá tước Nadasdy Ferenc tại lâu đài Cachtice, tòa lâu đài sau này sẽ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của hàng trăm thiếu nữ đồng trinh.
Bá tước Ferenc chồng bà là một vị tướng nổi tiếng dũng cảm nhưng hung bạo của quân đội Hungary. Ông thường xuyên phải chinh chiến xa nhà nên Elizabeth Bathory phải vò võ một mình trong tòa lâu đài rộng lớn.
Bởi vậy, Elizabeth đã tự tìm cách để giải khuây cho mình và một trong những thú vui bệnh hoạn của bà ta là kiếm cớ tra tấn các cô hầu gái đến chết trong hầm tối bằng những dụng cụ tra tấn tù binh mà chồng để lại.
Khi bá tước Ferenc qua đời, phu nhân của ông mới bước vào độ tuổi 40 nhưng bà ta luôn lo sợ một ngày nào đó sẽ trở nên già nua xấu xí. Sự ám ảnh đó đã khiến Elizabeth Bathory ngày đêm săn lùng và làm mọi cách để được trẻ mãi không già.
Thế rồi, trong một lần hành hạ cô hầu gái tới tóe máu mồm và bị máu dính vào tay, bà ta tự kỉ ám thị rằng da ở vùng đó bỗng trở nên trẻ trung và mịn màng hơn. Đó chính là bước khởi đầu cho hành trình trở thành con quỷ khát máu của nữ bá tước Elizabeth với khát vọng níu giữ tuổi thanh xuân.
Cùng với sự giúp đỡ của hai tay sai trung thành, Johannes Ujvary và Dorka, Elizabeth Bathory đã bắt giữ và hại đời nhiều trinh nữ trong vùng. Nạn nhân bị lột đồ, trói chặt và hành hạ cho đến chết rồi lấy máu.
Máu của các trinh nữ được Elizabeth dùng để tắm và uống trực tiếp với niềm tin có thể trường sinh bất lão. Thú vui man rợ này khiến cho nhiều người tin rằng Elizabeth Bathory chính là nguyên mẫu xây dựng nên nhân vật Dracula trong tiểu thuyết cùng tên của văn sĩ Ireland Bram Stoker.
Để phục vụ cho ước muốn trẻ mãi không già, năm 1609, Elizabeth công khai mở "học viện" để dụ dỗ các cô gái có xuất thân nghèo khó nhưng mơ được đổi đời tới sống trong lâu đài. Những trinh nữ này đã được "giáo dục" cẩn thận tới nỗi chẳng ai còn thấy họ trở về nữa.
Sai lầm của nữ bá tước bắt đầu khi không thỏa mãn với các cô gái thường dân mà còn dám động tới các thiên kim tiểu thư trong các gia đình quyền quý. Những nghi ngờ về hành tung mờ ám trong lâu đài Cachtice đã đến tai vua Hungary.
Ngài đã phái bá tước Thurzo Gyory, anh họ của Elizabeth tới lâu đài điều tra. Khi đột nhập vào đó, toàn bộ quân lính đã được một phen kinh hoàng khi thấy xác chết của nhiều cô gái nằm la liệt ngoài đại sảnh trong tình trạng máu bị rút sạch.
Sự thật ghê rợn về lâu đài nhuốm máu trinh nữ đã bị phanh phui. Bà ta bị cáo buộc gây ra cái chết cho 600 cô gái đồng trinh.
Đáng ra Elizabeth phải chịu án tử hình cho tội danh sát nhân hàng loạt nhưng nhờ mang trong mình dòng máu quý tộc và công lao của chồng đối với đất nước nên "Bà hoàng máu" chỉ bị giam cầm suốt đời trong chính lâu đài tội ác của mình.
Ngày 21/8/1614, nữ bá tước được lính canh phát hiện tử vong trong phòng biệt giam. Cho tới tận lúc chết, người phụ nữ từng được coi là biểu tượng nhan sắc của Châu Âu còn được người dân Hungary đặt cho cái tên "Nữ quỷ khát máu" và bị coi là "nỗi nhục của quốc gia".
Elizabeth Bathory bị oán hận và căm ghét tới nỗi tất cả tài liệu liên quan đến bà ta đều bị niêm phong trong hơn một thế kỷ và tên của bà bị cấm nhắc đến trong xã hội Hungary.