Những tình tiết mới xuất hiện gần đây đã khiến các nhà chức trách lại có được tia hy vọng mới để có thể giải quyết một trong những vụ án được coi là nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ...
Vụ đầu độc gây kinh hoàng nước Mỹ
Trở lại với những sự kiện hồi 26 năm về trước, những vụ đầu độc liên tiếp được ghi nhận tại thành phố Chicago vào tháng 9/1982. Một thủ phạm bí ẩn nào đó - hoặc có thể là một nhóm thủ phạm - đã tìm cách tẩm chất độc kali cyanua vào các viên thuốc Extra-Strength Tylenol, nhãn hiệu một loại thuốc giảm đau hạ sốt phổ biến tại Mỹ có thành phần chủ yếu là Paracetamol của Hãng Johnson & Johnson, sau đó trộn lẫn chúng vào số thuốc bán tại nhiều cửa hàng khác nhau.
Hậu quả là chỉ trong một thời gian ngắn đã có tới 7 nạn nhân bị thiệt mạng tại Chicago và các khu vực phụ cận. Nạn nhân đầu tiên là một học sinh nữ Mary Kellerman, 12 tuổi ở Chicago. Cô bé đã tắt thở sau khi uống 2 viên Tylenol vào sáng ngày 29/9/1982. Người thứ hai cũng thiệt mạng ngay trong buổi sáng hôm đó là anh Adam Janus (27 tuổi), một nhân viên bưu điện. Tiếp theo là 2 nạn nhân nữa: người mẹ trẻ Mary Reiner cùng tuổi với Adam và cô Mary McFarland, nhân viên Hãng điện thoại Illinois Bell.
Chiều tối ngày 29/9, bất hạnh lại tiếp tục trút xuống gia đình nhà Janus, khi 2 nạn nhân tiếp theo bị trúng độc khi uống thuốc và qua đời là em trai của Adam - Stanley Janus (25 tuổi) - và cô vợ Theresa Janus, sau khi cả hai cùng đến nhà Adam để chuẩn bị lễ tang cho anh mình. Không nghi ngờ gì về cái chết của Adam, họ tiếp tục sử dụng những viên Tylenol từ lọ thuốc đó. Nạn nhân cuối cùng của thảm kịch này là cô tiếp viên hàng không 35 tuổi Paula Jean Prince, được phát hiện đã chết trong căn hộ của cô ở Chicago vào ngày 1/10.
Các nhà chức trách đã kịp thời ngăn chặn được những cái chết tiếp theo, một phần cũng nhờ sự tham gia tích cực của Hãng Johnson & Johnson - cảnh báo người tiêu dùng qua quảng cáo trên tivi, đồng thời thay thế hết những lọ Tylenol bằng loại đóng vỉ. Vụ đầu độc này đã khiến cả nước Mỹ bàng hoàng, dẫn tới các nhà chức trách phải đưa ra những tiêu chuẩn mới cho việc đóng gói và kiểm soát việc bán thuốc.
Hành vi kỳ lạ của nghi phạm chính
Nghi phạm chính James William Lewis - là kẻ không có nghề nghiệp ổn định - cũng đã bị chính quyền kết án do liên quan tới cái chết của các nạn nhân tại Chicago, nhưng không phải vì tội đầu độc, mà vì tội đe dọa tống tiền. Bị bắt giữ vào tháng 12/1982 tại New York, đến năm 1983 Lewis mới thừa nhận đã gửi cho Hãng Johnson & Johnson một lá thư, trong đó yêu cầu phải trả cho hắn 1 triệu USD "để đổi lấy việc chấm dứt những vụ đầu độc". Tên tống tiền bất thành này cũng được xếp trong danh sách tình nghi sát nhân đầu tiên, có điều các nhà chức trách đã không thể tìm ra các bằng chứng để buộc tội hắn.
Những chai thuốc Tylenol đã từng bị lợi dụng để đầu độc các nạn nhân tại Chicago.
Sau khi bị bắt, Lewis còn mô tả chi tiết "giả thuyết" của hắn về tội ác trên: có "kẻ nào đó" đã mua các lọ thuốc Tylenol về tẩm độc vào các viên thuốc, sau đó bí mật đưa trả những lọ thuốc này vào các giá cửa hàng. Hắn còn một mực khẳng định rằng, mình không hề phạm tội sát nhân, trong khi số tiền âm mưu lấy của Hãng Johnson & Johnson cũng không vì mục đích vụ lợi: Lewis khai định chuyển 1 triệu USD trên vào tài khoản ông chủ cũ của vợ mình để đẩy ông ta vào tình trạng khó xử? Tòa đã kết án Lewis 20 năm tù vì tội tống tiền, nhưng đến năm 1995 hắn đã được trả tự do trước thời hạn và chuyển tới định cư tại Boston.
Các nguồn tin cho biết, Lewis sau khi bị kết án vẫn tỏ ra rất tích cực hợp tác với các nhà điều tra, cố gắng giúp đỡ họ phá án, thậm chí còn đưa ra nhiều giả thuyết về những kẻ có thể thực hiện tội ác trên. Công tố viên liên bang Jeremy Margolis, người trực tiếp phụ trách vụ của Lewis, đã kể lại: "Hắn tỏ ra là một nhà văn và cả họa sĩ chăm chỉ. Hắn đưa cho tôi một số lượng lớn các tài liệu và sơ đồ - tất cả liên quan đến giả thuyết của hắn liên quan tới vụ án".
Hoàn toàn có thể coi Lewis là kẻ vô hại có vấn đề về tâm thần, nếu như không xem xét những "tì vết" trong hồ sơ tội phạm của hắn ngoài vụ Tylenol. Thật ra, Lewis có lần bị buộc tội sát hại một khách hàng cũ của mình - hắn từng cung cấp dịch vụ về kế toán cho người này. Một thời gian sau, thi thể bị cắt nhỏ làm nhiều phần của khách hàng Raymond West (72 tuổi) được phát hiện trên tầng gác một căn nhà ở Kansas-City. Những lời buộc tội sau đó đối với Lewis đã bị gỡ bỏ, do trong quá trình điều tra cảnh sát đã tổ chức khám xét mà chưa được phép, trong khi nguyên nhân cái chết của West cũng không được làm rõ. Còn có thông tin cho biết, Lewis trước đó đã từng phải ngồi tù 2 năm (khi bị kết án tới 10 năm vì tội trốn thuế).
Ngay cả khi Lewis đã phải ngồi tù vì tội tống tiền từ vụ Tylenol, vẫn còn có những lời cáo buộc khác được đưa ra. Chẳng hạn như Viện Công tố hạt Middles (bang Massachusets) đã khẳng định rằng, "nhà văn kiêm họa sĩ" trên vào năm 2004 đã bị bắt một lần nữa vì tội nghi ngờ cưỡng hiếp, bắt cóc cùng một số tội danh khác. Lewis lại tiếp tục ngồi "bóc lịch" cho đến năm 2007, sau khi các cáo buộc bị dỡ bỏ do nạn nhân (một phụ nữ hàng xóm của Lewis) đã từ chối đưa ra lời khai.
Được biết là tại khu ngoại ô Boston, Lewis cùng cô vợ của mình (LeAnn Lewis) còn tham gia vào việc thành lập một vài công ty về Internet. Một trong số này là Cyberlewis chuyên kinh doanh thiết kế trang web, đăng ký địa chỉ ở đúng nơi cảnh sát vừa lục soát hôm 4/2 vừa qua. Đáng chú ý là trên trang web của công ty này - www.cyberlewis.com - có một mục mang tiêu đề "Tylenol", trong có ghi lại những tâm sự nghe rất khó hiểu của hắn về vụ án Tylenol.
Những công nghệ mới sẽ giúp phá án
Trong suốt quá trình điều tra vụ Tylenol, tính ra đã có hơn 100 điều tra viên trực tiếp tham gia. Tất cả đã nghiên cứu hơn 6.500 giả thuyết khác nhau liên quan tới hơn 400 nghi phạm, thu thập khoảng 20.000 trang báo cáo điều tra. Dù đã tập trung rất nhiều nỗ lực, nhưng nhóm điều tra viên đã không thể phá án, thậm chí chút nữa đã bị giải thể để đóng lại hoàn toàn vụ án. Nhưng giờ đây, các nhà chức trách quyết định "tăng tốc" với hy vọng có được sự giúp đỡ của những công nghệ mới. "Nếu như chú ý tới nhiều thành tựu mới gần đây về các công nghệ hình pháp học, việc nghiên cứu lại các tài liệu đã có là chuyện hoàn toàn tự nhiên" - đại diện văn phòng FBI tại Chicago đã tuyên bố như vậy khi giải thích về vụ khám xét mới đây.
Sau khi lục soát nhà Lewis, các nhân viên đã thu giữ một vài hộp carton, một cuộn giấy màu nâu lớn và một chiếc máy tính Macintosh. Ngoài ra, các nhà chức trách còn cho lục soát nhà kho của Lewis tại Cambridge (Boston). FBI cho biết, họ hiện chưa chính thức thông báo về bất cứ trát bắt giữ hay cáo buộc nào, tuy nhiên để có được giấy phép khám xét, họ đã trình lên tòa được một số bằng chứng về khả năng có tội của Lewis. "Vì gia đình của các nạn nhân, chúng tôi cần phải sử dụng công nghệ hiện đại và phương pháp điều tra mới đối với những vụ sát nhân chưa được khám phá. Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được hoàn toàn vụ án này" - Tom Simon, quan chức đại diện FBI đã tuyên bố như vậy.
FBI còn cho biết, họ quyết định phục hồi việc điều tra còn do sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng nhân dịp kỷ niệm 25 năm thảm kịch này. Bản thân Lewis hồi năm 2007 (không lâu sau khi vừa ra tù) đã được mời tham dự một chương trình truyền hình địa phương có tên "The Cambridge Rag", trong đó hắn một lần nữa lại khẳng định sự vô tội của mình trong vụ Tylenol, cũng như vụ Raymond West. Tuy nhiên khi người dẫn chương trình Roger Nicholson "gợi ý" nên "rửa oan" bằng cách thử nghiệm qua máy phát hiện nói dối, Lewis đã thẳng thừng từ chối và gọi đây là "trò phản khoa học".
Công luận Mỹ đang hy vọng, FBI nhờ việc sử dụng những phương pháp và công nghệ mới có thể giúp làm rõ liệu Lewis có phải là thủ phạm đầu độc Tylenol, kẻ mà trước đó chính ông ta đã từng nguyền rủa là "tên sát nhân máu lạnh và con quái vật độc ác.