Nhìn những cảnh vật lướt qua cửa kính xe, Chu Tô nhớ lại những kí ức hồi còn nhỏ, lúc bọn họ cùng lớn lên trong đại viện quân khu.
Lúc bé, Chu Tô sống trong đại viện quân khu có tiếng nhất nhì thành phố, những gia đình có thể sống ở nơi này tất cả đều là con cháu của những vị Đại tướng có công thời khởi nghĩa thành lập Trung Hoa Dân Quốc. Chỉ là khi đó điều kiện kinh tế của đất nước còn chưa ổn định, những người này tạm thời bị an bài đến một Tứ Hợp Viện khá nhỏ hẹp. Chu Tô còn nhớ tất cả những người trong Tứ Hợp viện lúc đó ai ai cũng muốn nịnh bợ, thân cận gia đình Chung Ly.
Cha của Chung Ly - Chung Mục Chi là con cái tướng lĩnh thế gia, ông nội của Chung Mục Chi thời đó vốn chỉ là một đội trưởng nho nhỏ trong đoàn quân chinh phạt nước Ngô nhưng lại là một người có dũng có mưu, lần lượt lập được công lao to lớn trong trận chiến này, cấp bậc cũng vì thế càng ngày càng cao, chỉ vài bước nữa là được bước chân vào Chính Phủ Quốc Dân thế nhưng lại vì mắc bệnh nặng mà qua đời.
Chức vị của lão nhân gia được cha của Chung Mục Chi tiếp quản, thuận lợi tiến vào Trung ương, chú của Chung Mục Chi lúc đó cũng đang nắm giữ chức vị quan trọng trong Bộ Tài Chính. Chung gia cư nhiên trở thành thế lực to lớn nhất nhì nước hiện giờ bởi vì nắm trong tay cả Tài chính lẫn Quân đội.
Nhưng trong kháng chiến chống Nhật, cha của Chung Mục Chi vốn là người nhìn xa trông rộng, ông đã nhìn thấy tương lai mù mịt của Quốc Dân đảng, đã nhiều lần đưa ra các ý kiến khắc phục điểm yếu của quân đội cũng như chấn chỉnh kinh tế nhưng không có kết quả. Lực bất tòng tâm, Cha của Chung Mục Chi dứt khoát dẫn dắt quân đoàn của mình gia nhập Đảng Cộng sản, hết lòng chiến đấu vì Đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí ở trận chiến cuối cùng đã dẫn đầu quân đoàn của mình vượt sông tiến vào trụ sở của Chính phủ Quốc Dân, cắm lá cờ Đảng Cộng sản Trung Quốc lên trụ sở Trung ương. Mặc cho bị đồng đội ngày xưa của mình thời Quốc dân Đảng – những người chạy trốn tới Đài Loan mắng "Là phản đồ, vì lợi ích mà quên đi tình nghĩa anh em vào sinh ra tử thời kì lập quốc, bất trung bất nghĩa" vẫn không thẹn với lòng mình, ngẩng cao đầu trả lời: Bản thân mình có trung có nghĩa cũng là có trung có nghĩa với nhân dân, chứ không phải trung nghĩa với những người vì lợi ích của mình mà dẫm đạp lên lợi ích của nhân dân. Lời nói ấy làm cho ai ai cũng phải kính phục và nể trọng.
Đến đời Chung Mục Chi cũng không phải dạng vừa. Lúc xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, Chung Mục Chi tuy tuổi còn nhỏ, lại là thiếu gia Đại tướng vẫn cầu xin cha mình cho nhập ngũ, vừa bắt đầu tất cả mọi người đều coi ông như đứa bé, đối xử cực kì đặc biệt bởi vì dẫu sao ông cũng là con trai của Thủ trưởng, nhưng không lâu sau liền phát hiện sự dũng mãnh cũng như lòng nhiệt huyết của ông tuyệt không thua kém đời trước, thậm chí còn tỏ ra vượt trội hơn, thật khiến người ta mở to mắt mà nhìn, trong vỏn vẹn mấy chiến dịch đã lập được nhiều chiến công hiển hách, tất cả mọi người đều nói đứa bé này tương lai tuyệt đối không thua cha mình. Quả nhiên chỉ mấy năm sau đã an vị ngồi trên vị trí Tổng tư lệnh Quân khu, dưới một người trên vạn người.
Chỉ là ngày vui ngắn chẳng tày gang, mấy năm về sau của ông tràn đầy vất vả cực nhọc bởi vì thân phận nhạy cảm của chú mình thời còn trong Quốc dân Đảng mà bị xem xét điều tra, cũng đã từng phải vào trại giam. Nghe nói điều đả kích nhất lúc đó là vợ của ông cư nhiên lại bỏ mặc ông, quay về nhà mẹ đẻ khiến Chung Mục Chi u uất suốt một thời gian dài, tưởng chừng không vực dậy nổi.
May mắn là cuối cùng mọi việc cũng đã kết thúc, ông được minh oan. Quay trở lại chức vụ liền không để ý đến bất kì điều gì nữa mà chuyên tâm vùi đầu vào công cuộc cải cách của nước nhà, cống hiến không ít cho sự nghiệp phát triển của nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa.
Về sau, cấp trên giới thiệu đoàn trưởng đoàn văn công Lưu Tú Cầm cũng chính là mẹ của Chung Ly cho Chung Mục Chi. Hai người kết hôn đơn giản sau đó cùng nhau sinh ra Chung Ly. Đứa con trai này từ bé đã hưởng hết mọi sự quan tâm cũng như nịnh bợ của cấp dưới hai người, cho nên việc quản giáo khiến cha mẹ đau đầu không dứt. Hôm nay cùng tiểu tử Triệu Hiên trong viện trộm gà nướng ăn, ngày mai đi học thừa dịp bạn nữ bàn trước không chú ý liền cắt bỏ tóc người ta. Thời điểm đó nhà cầu đều xây theo kiểu lộ thiên, hai đứa trẻ này chờ có người đi vào nhà cầu bèn đi theo, sau đó đứng bên ngoài ném đá khi thì trúng đầu người này, có khi còn không may nện thẳng vào hầm vệ sinh khiến cho người ở trong dính chưởng phân vàng. Chung Ly không ít lần bị đánh, âm thanh ồn ào thượng cẳng tay hạ cẳng chân từ nhà họ Chung không ai trong đại viện còn thấy lạ lẫm hay bực bội nữa, bởi vì đây là chuyện thường ngày.
Chu Tô ngẫm lại, khoảng thời gian đó đúng là cũng khá thú vị. Mỗi sáng sớm tỉnh dậy đầu tiên là thấy một đàn chim bồ câu không biết là do nhà ai nuôi hay bồ câu hoang dã bay xuống từ nóc phòng giống như những chiếc máy bay nhỏ. Sau đó nghe thấy tiếng của mẹ Chung Ly luyện giọng, bà vốn là giọng ca chính của đoàn văn công nên giọng luyện thanh cũng rất hay cộng với việc chồng là người quyền cao chức trọng nên không ai dám nói gì về âm thanh lúc mới sáng sớm đó. Thời gian dài mọi người cũng luyện thành thói quen, ra khỏi nhà sớm một chút còn hỏi:"Mới sáng sớm đã luyện giọng rồi sao?" Lưu Tú Cầm ngẩng cao đầu ậm ừ vài câu cho qua chuyện. Bà là người kiêu ngạo, bình thường Chu Tô thấy mặt bà chỉ chào một tiếng “gì Lưu” cũng không dám nói thêm cái gì. Nhưng giọng hát của bà thật sự rất êm tai, khi đó những ca khúc thời Xô viết vẫn còn có sức ảnh hưởng rất lớn.
Bài hát về quang cảnh ánh mặt trời chiếu những tia sáng lấp lánh trên bãi cỏ ướt đẫm sương vào sáng sớm, ngoại ô êm đềm vùng Max- cơ- va buổi chiều tối, hình ảnh những người lao động trên bến đêm Quảng Đông vẫn được mọi người rộng rãi tán dương , nhưng Chu Tô thích nhất là bài hát “Cây sơn tra”. Tiếng hát du dương luôn lượn lờ bay tới những nơi thật là xa, khi nghe Lưu Tú Cầm hát bài hát này, Chu Tô sẽ đi tới trước cửa sổ lẳng lặng lắng nghe, sau đó trong vô thức hừ hừ theo mấy câu.
Cuộc sống thật an nhàn và đơn giản, nhưng đến lúc Chu Tô mười sáu tuổi chợt phát hiện không khí trong nhà có điểm không thích hợp, cô biết là cha mẹ có vấn đề. Bọn họ không gây gổ nhưng giống như trong thời kì chiến tranh lạnh, đoạn thời gian đó cha Chu Tô thường về nhà rất muộn, mỗi lần về đến nhà đều uống đến say mèm. Mẹ Chu Tô cũng không oán trách gì, vẫn bưng nước rửa chân, trải sẵn chăn nệm chờ chồng. Khi đó Chu Tô thấy những điều không ổn trong gia đình đã rất sợ hãi nên bắt đầu gây chuyện ở trường, đánh nhau với những đứa trẻ khác trong viện chỉ vì một lý do duy nhất đó là gây sự chú ý của cha mẹ, hi vọng họ cùng nhau ngồi lại để giáo huấn cô, như thế có thể hòa hợp lại như xưa.
Vì vậy, buổi tối thường thì Chu Tô sẽ bị đuổi ra khỏi nhà hoặc là quỳ trước cửa nhà để tự kiểm điểm, trong những đêm tịch mịch đó cô bé Chu Tô thường ngẩng đầu đếm sao, vĩnh viễn đếm không xong nhưng vì thế thời gian có thể trôi qua rất nhanh. Nhưng tất cả những việc này cũng không thể ngăn cản được sự đổ vỡ của gia đình, rốt cuộc cả đại viện đều biết Chu Kỳ Phong muốn cùng ly hôn vợ, tại những năm đó việc ly hôn đối với mọi người mà nói thật sự là kì lạ và sẽ bị nhiều người khinh bỉ.
Những tiếng bàn tán xì xầm luôn bám chặt lấy Chu Tô từng ngày từng giờ, càng về sau càng có nhiều người không kiêng kị gì mà nói thẳng trước mặt Chu Tô. Lý Hiểu nhà đối diện ngày hôm đó đã chặn Chu Tô lại cười mỉa mai: "Chu Tô, mày sẽ trở thành cô nhi, ba mẹ mày muốn ly hôn rồi."
Chu Tô nhếch mắt, nhìn chăm chăm Lý Hiểu một lúc lâu sau đó chỉ nói một chữ: "Cút!"
Lý Hiểu nghe Chu Tô nói như vậy thì cảm thấy bị sỉ nhục, có chút tức giận hậm hực nói: "Chảnh cái gì mà chảnh? Ba mày ở bên ngoài nuôi gái cớ gì lại lấy tao ra giận cá chém thớt?"
Cô ta nói có gì không đúng ? Cha cô cố ý xa lánh mẹ cô. Bà cả ngày lấy nước mắt rửa mặt cô đều nhìn thấy.
"Tao nói, mày cút chỗ khác chơi!" Chu Tô quát.
Lý Hiểu cũng nổi giận: "Có cái gì hay chứ? Ba mày đi kỹ viện chơi gái là tác phong của tầng lớp tư sản thối nát!"
"Lý Hiểu… Mày có tin tao sẽ vả nát miệng mày nếu mày không câm mồm!" Nói xong nhảy xổ về phía Lý Hiểu, cô ta hiển nhiên không nghĩ tới phản ứng của Chu Tô lại lớn như vậy nhanh chân mà bỏ chạy. Không biết có chiếc thang của nhà ai đặt đó không cất, Lý Hiểu leo lên thang bò lên nóc nhà, Chu Tô đang lúc nóng giận không suy nghĩ nhiều mà trèo lên theo.
Nhưng dù sao một bé trai cũng trèo leo giỏi hơn bé gái, nên sau một hồi đuổi bắt trên nóc nhà, Lý Hiểu chạy trở về bên cái thang, nhanh chóng leo xuống đất sau đó cất thang ngước cổ hét lớn: "Chu Tô, ngươi có bản lãnh thì tự mình xuống đi." Nói xong vỗ mông bỏ đi.
Chu Tô lúc này mới tỉnh táo lại, nghĩ lại cao như thế này làm sao có thể xuống dưới,loay hoay một lúc không có ai để nhờ giúp bèn mò mẫm lại gần mái hiên, nhưng trượt chân té thẳng xuống dưới.
Một khắc rơi xuống kia, nàng cảm thấy mình quả thật xong rồi, nhưng không đúng, sao lại có thể mềm mại như vậy?
Chỉ nghe phía dưới kêu lên: "Chu Tô, cậu đè bẹp đại gia rồi, con mẹ nó mau đứng lên cho tôi!"
Chu Tô cũng rất muốn quay xuống xem người đỡ mình là ai nhưng đau đầu quá, cứ như vậy hôn mê bất tỉnh, Chung Ly đang bị đè kêu lên: "Mẹ kiếp đừng ngất, mẹ kiếp đau chết mất. Thế nào lại đen đủi như vậy, có ai không… cứu mạng… có ai không!"
Âm thanh kia vang vọng thật lâu trong đại viện, nhiều năm về sau lúc Chu Tô nhớ lại màn kịch này đều cảm thấy vô cùng buồn cười, khóe miệng cứ như vậy cong lên, cô nghĩ, nếu như không phải lúc ấy Chung Ly vô tình đi ngang qua không biết bản thân còn giữ được cái mạng nhỏ này không nữa, còn có cơ hội bắt đầu mối nhân duyên sau này, bắt đầu cuộc hôn nhân của hai người không nữa.
Xem thêm...