Lúc Thiên Anh xông tới đúng lúc Hứa Tắc vừa té ngã.
Thức ăn từ trong túi bị rớt ra ngoài, rơi tứ tán trên mặt đất.
Ót Hứa Tắc đập vào bậu cửa, một cơn đau nhói bỗng ập đến vô cùng rõ ràng. Thiên Anh nhìn thấy cảnh này, nàng tức đến mức răng va vào nhau lập cập, đỏ mắt lao vào phòng, chấn vấn tam bá mẫu Thái thị: "Tại sao lại đẩy huynh ấy!"
Trông Thiên Anh lúc này giống như một con sư tử cái, có thể vồ lấy người khác cắn xé bất cứ lúc nào, Thái thị và mọi người xung quanh bị sự hung hăng bất ngờ của nàng dọa hết hồn, lão thái thái vẫn là người định thần lại đầu tiên, bà điềm tĩnh mở miệng: "Thiên Anh, đó là tam bá mẫu của con, không được hỗn xược."
"Tam bá mẫu thì sao?" Thiên Anh nhớ lại những chuyện xảy ra hàng ngày, nàng hoàn toàn mất đi lý trí: "Tam bá mẫu thân là trưởng bối mà không làm được gì để người ta tôn trọng, thì làm sao mà nhận được sự tôn trọng của người ta? Đó là chưa tính chuyện mở miệng ra là xỉa xói, giờ còn muốn ra tay với người khác nữa à?"
Nói đoạn nàng bèn xắn tay áo sấn tới gần Thái thị: "Tam bá mẫu muốn động thủ phải không? Tới đây, đẩy tôi đây này, xem có đẩy được không!"
"Lão phu nhân!" Thái thị quay sang lão thái thái khóc lóc tỉ tê: "Người của phòng năm quá hung hăng, chắc chắn họ đã lập mưu hãm hại nên Thập cửu lang mới bị Ngự Sử Đài đưa đi, con trai con phải làm sao bây giờ?"
"Lập mưu hãm hại? Chuyện trong nha môn tôi không hiểu, nhưng nếu Thập cửu lang đàng hoàng chính trực thì làm gì sợ bị người ta hãm hại? Nói chúng tôi hãm hại anh ta, vậy đưa chứng cứ ra đây? Còn nữa chúng tôi hãm hại anh ta thì được lợi lộc gì! Xin tam bá mẫu chỉ điểm cho!"
Thiên Anh thở hào hển tức đến điên người, giống như muốn đánh nhau thật.
Hứa Tắc ngồi dậy, sau ót vẫn đau nhức khó chịu, lỗ tai thì lùng bùng, nàng đưa tay ra xoa đầu, ngẩng đầu nhìn bóng lưng Thiên Anh nhưng cũng không lập tức ngăn cản.
Thái thị chưa bao giờ nhìn thấy bộ dạng này của người bên phòng năm, bà ta bị Thiên Anh dồn ép phải lùi bước, bèn vội vàng chạy đến trước mặt lão thái thái. Đám đông xung quanh không có ai muốn nhúng tay vào chuyện này, chỉ có lão thái thái lên tiếng: "Cãi nhau cái gì! Mọi người đều là người nhà, không thể nói chuyện đàng hoàng sao?"
Không nhắc tới hai chữ "người nhà" còn đỡ, vừa nhắc tới thì quả như thêm dầu vào lửa. Từ nhỏ tới lớn Thiên Anh nào đã cảm nhận cái gì gọi là "người nhà" kia, lúc này họ lại đem nó ra nhấn mạnh với nàng đúng là buồn cười chết đi được.
Đúng lúc nàng quyết tâm phải xé lớp mặt nạ xấu xí giả tình giả nghĩa bao nhiêu năm nay thì Hứa Tắc bỗng nhiên đứng dậy đi tới ôm chầm lấy cánh tay nàng: "Thiên Anh, đừng nói gì cả."
Thiên Anh hít vào một hơi, tay nắm thành đấm, răng nghiến chặt lại rung lên bần bật, rõ ràng đã kiềm chế cơn giận đang cuồn cuộn dâng lên trong người.
Hứa Tắc lập tức kéo nàng ra phía sau, còn mình thì đi tới trước mặt Thái thị và lão phu nhân hành lễ, đoạn nàng nói: "Có một số chuyện vãn bối không định nói, nhưng hôm nay tam bá mẫu làm ra chuyện này thật sự đã đánh mất sự uy nghi của bậc trưởng bối. Thập cửu lang bị tố giác, tam bá mẫu lo lắng là chuyện có thể thông cảm được, nhưng cũng không thể phỏng đoán rồi chửi bới lung tung trước mặt mọi người. Nếu Thập cửu lang trong sạch, cho dù có bị tố giác, vẫn còn Ngự Sử đài ở đó cơ mà, vu cáo người khác nhất định sẽ bị nghiêm trị. Về phần việc này có phải là do vãn bối tố giác hay không, thật chẳng hề quan trọng. Thân là người ở chốn quan trường, phải có ý thức về việc tuân thủ các quy tắc, nếu trước Thập cửu lang không hiểu, thì trải qua việc này có thể hiểu rõ được đạo lý này. Cuối cùng, hôm nay nếu Thiên Anh có chỗ không giữ đúng lễ nghĩa, vãn bối xin thay cô ấy nhận lỗi."
Hứa Tắc nói xong bèn chắp tay thi lễ, nét mặt hờ hững trước sau như một.
Thái thị vẫn còn muốn kiếm chuyện thì bị lão thái thái cầm tay ngăn lại.
Trong ánh sáng lờ mờ Hứa Tắc nhìn thoáng qua thần sắc của lão thái thái nàng biết chuyện này đến đây nếu không đi sẽ không kịp nữa vì thế vội vàng kéo Thiên Anh đi ra cửa, sau đó mới dừng lại cúi người nhặt đồ ăn còn vương vãi trên đất, bỏ lại vào túi từng thứ từng thứ một, cuối cùng một tay ôm túi một tay dắt Thiên Anh trở về.
Song còn chưa về tới sân nhà mình, giữa đường Thiên Anh đã vùng tay ra, nàng thở dốc trợn mắt với Hứa Tắc: "Tại sao lại phải xin lỗi bà ta? Trên đời này làm gì có đạo lý nào mà vu cáo cho người rồi còn được người nói xin lỗi?"
"Đây không phải xin lỗi, Thiên Anh, đây là.."
Hứa Tắc muốn giải thích, Thiên Anh đang nổi nóng nào để ý tới vội cắt ngang lời nàng: "Đừng nói với ta đạo lý lớn lao gì đó! Trước đây ta chưa bao giờ lớn tiếng nói chuyện bọn họ như vậy, bởi vì chàng cho nên ta mới nói!"
"Ta biết, nhưng.."
"Chàng nhỏ hơn ta ba tuổi, đâu đã tới lượt chàng nói chen vào! Câm miệng!" Thiên Anh mang một bụng tức giận chưa kịp phát tác trút hết lên người Hứa Tắc, Hứa Tắc lại ngoan ngoãn im miệng, đứng yên chịu trận.
Lúc Thiên Anh và Hứa Tắc thành hôn, Hứa Tắc mới hai mươi, Thiên Anh đã hai mươi ba, trước khi thành hôn nàng luôn bị người trong nhà dè bỉu là "bà cô già không gả đi nổi chỉ có thể về làm vợ lẽ cho người ta".
Gặp gỡ Hứa Tắc đối với Thiên Anh quả là cái duyên vô cùng kỳ diệu.
Trong khoảnh khắc Hứa Tắc cứu nàng khi nàng lao mình xuống sông Khúc, Thiên Anh đã tin rằng đời mình rốt cuộc đã có thể gặp được chuyện tốt rồi.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ thân vất vả nịnh bợ người bên Binh bộ ty khố. Khi biết tin Ty khố phu nhân đã qua đời ông bèn muốn dâng Thiên Anh lên làm vợ kế cho người ta. Nhưng gã đó đã hơn năm mươi, con cái cũng đều lớn cỡ Thiên Anh, nàng nhất quyết không đồng ý nhưng cũng chỉ như trứng chọi đá. Sau đó nàng bị nhốt trong nhà, còn ở ngoài mọi người bắt đầu chuẩn bị việc hôn sự.
Giống như muôn vàn những kẻ đào hôn khác, Thiên Anh nghĩ đủ mọi cách, cuối cùng dốc hết bản lĩnh nàng cũng thoát được khỏi căn phòng của chính mình. Dù vậy trời đất bao la, nàng lại không cảm nhận được tự do như trong tưởng tượng, trái lại vì không rành đường sá không quen biết ai, trong túi cũng không có tiền, lúc ấy đúng là khó khăn chồng chất khó khăn.
Còn vẻn vẹn một đôi vòng tay nàng bèn đổi lấy một chút tiền, ngoảnh đi ngoảnh lại thì bị kẻ trộm lấy mất, Thiên Anh vội vàng đuổi theo, lúc tới sông Khúc thì kiệt sức còn tên trộm đó đã chẳng biết đã chạy đi đằng nào.
Bụng réo ùng ục vì đói, nàng mất hết hi vọng ngồi bệt xuống bên bờ sông Khúc, Thiên Anh suy nghĩ thật lâu. Đàn ông còn có thể dựa vào sách vở hay vũ lực mà sống, nhưng còn đàn bà, từ khi sinh ra tất cả đều đã được định sẵn. Nàng không đọc nhiều sách, cũng chưa từng sống xa xỉ, cùng sống dưới một mái nhà với Vương Phu Nam, nàng càng nhận ra khoảng cách giàu nghèo giữa dòng trưởng dòng thứ, kẻ khác sinh lòng tham lam ngưỡng mộ, rồi cũng vì không có sức mà thay đổi nên càng mang thêm nhiều phiền muộn cho bản thân.
Thật ra không nên có nhiều hi vọng xa vời như vậy, người xui xẻo thì từ đầu đã xui xẻo, nếu như không cam tâm, không muốn chấp nhận vận rủi đó, cũng chỉ có thể chấm dứt nó. Đây là chủ ý hồ đồ định kết thúc sinh mạng của Thiên Anh người đã sống hồ đồ hơn hai mươi năm.
Lúc đó sông Khúc cảnh xuân rạng ngời, khách du xuân khắp nơi, gió ấm áp mơn man, một con chim nhạn bụng xám không biết từ đâu sợ sệt đậu xuống mặt đất, cách Thiên Anh một bước líu lo đã một lúc lâu.
Thiên Anh nhìn nó, bất đắc dĩ bảo: "Tao nghe không hiểu nhá, mày lo mà sống cho tốt đi, ở đây rất nguy hiểm, coi chừng có người tới bắt mày đó." Thấy nó không nhúc nhích, Thiên Anh lại lắc đầu nói: "Cố chấp như vậy tao cũng không giúp được mày rồi." Dứt lời liền đứng lên nhảy xuống sông.
Không hề có nước mắt thê thiết như mưa, cũng không có cảnh tượng hào hùng bi tráng, chỉ nghe "tõm" một tiếng, một ít bọt nước văng lên là cuộc sống đã tới hồi kết thúc.
Những tưởng làm một người không có trách nhiệm muốn chết thì sẽ rất dễ dàng, hẳn là cảm giác ngạt thở khiến người ta cảm thấy nguy hiểm.
Chính ngay lúc Thiên Anh ở giữa ranh giới sống chết, một cánh tay mạnh mẽ liền vươn ra túm lấy nàng kéo lên mặt nước. Thiên Anh ho sặc sụa, người nọ cũng ngẩng đầu lên khỏi mặt nước ho khù khụ. Thiên Anh nhìn không rõ dáng dấp của người đó, người đó cũng không tính cho nàng thời gian để nhìn rõ, quay đầu cố kéo nàng vào bờ.
Sau đó Thiên Anh cũng đoạn tuyệt với bản thân vô trách nhiệm của mình, việc này cứ như thế mà bị vị quan thành Trường An có lòng tốt chìa tay ra giúp đỡ này phá hủy.
Vị quan này tóc đã hoa râm, mặc một bộ quan phục màu xanh sờn cũ, chính là Hứa Tắc đang đi dạo thư giãn trong ngày nghỉ của mình.
Hứa Tắc hiển nhiên là cũng đã mệt muốn chết, đang co người ngồi dưới đất thở lấy hơi, đến khi hơi thở tạm thời ổn định cũng không hỏi Thiên Anh tại sao lại muốn chết, mà mở cái hộp mang theo bên mình lấy một túi rượi nhỏ từ bên trong ra đưa sang: "Trời ấm là vậy thế mà nước lại lạnh hơn ta nghĩ." Lại nói: "Này, Lang Quan Thanh [1], cô không chê thì uống một ngụm."
[1] Tên rượu, rượu Cao Lương nguyên chất
Thiên Anh mơ hồ nhận lấy túi rượu, cẩn thận mở ra uống một hớp, mùi vị ấy vậy mà ngon không ngờ.
Đang là ban ngày, Hứa Tắc bèn ôm cái hộp cùng Thiên Anh người có thể lại nhảy vào sông Khúc lần nữa ngồi phơi nắng, không buồn hỏi bất cứ câu nào. Nàng làm người có hơi ngoan cố, làm chuyện gì nhất định phải làm triệt để tuyệt đối không đứt gánh giữa đường, nhưng đối với những chuyện không nên tò mò cũng nhất định không tò mò.
Mặc dù không biết được lai lịch của Thiên Anh và lý do nàng ta muốn nhảy sông, nhưng có thể đoán được một ít. Nhưng điều khiến nàng bất ngờ chính là, Thiên Anh lại không tỏ ra u sầu đau khổ trút hết những uất ức đau lòng lên người nàng, chỉ dùng nửa túi rượu Lang Quan Thanh lấp dạ, bầu bạn với ánh mặt trời ấm áp tỏa xuống sông Khúc, nàng ta ngược lại tỏ ra cởi mở hơn.
"Nè, chắc chắn là lúc có ý định tự tử cũng đâu có suy nghĩ rõ ràng hậu quả đâu hả." Hứa Tắc nhìn thấy túi Lang Quan Thanh mà mình tốn tiền mua nhanh chóng trút hết vào dạ dày của Thiên Anh, không biết làm thế nào.
Dĩ nhiên sau đó, chuyện không biết làm sao cũng không phải chỉ có một chuyện thế này, chuyện của Thiên Anh để mà nói thì nhiều không kể hết, nhưng những chuyện này để sau hẳn kể đi.
Tuy rằng ngay từ đầu quan hệ của họ đã là hai bên cùng có lợi, thí dụ như cả hai đều cần có một danh phận – người đã lập gia đình, thậm chí Hứa Tắc còn có thể giải quyết được vấn đề nhà ở tại Trường An đang khiến người ta đau đầu, nhưng sống chung với nhau đến nay, kiểu chị em giúp đỡ chăm sóc tin tưởng lại bổ sung tính cách cho nhau, đã hình thành cơ sở duy trì quan hệ giữa hai người.
Thiên Anh giống như một người chị săn sóc em gái, còn Hứa Tắc suy nghĩ và tâm tư lại già dặn trước tuổi nên có thể bù đắp cho tính kích động và nhỏ mọn của Thiên Anh, quan trọng hơn là, cái gia đình này không hề làm người ta cảm thấy khó chịu.
Thiên Anh nguôi giận.
Đối mặt với Hứa Tắc đang ôm một đống thức ăn mà lại không hề tỏ ra cáu kỉnh, nàng không tức giận được, nhưng đến chết vẫn mạnh miệng, hậm hực nói: "Chẳng lẽ không đau sao? Bị đập đầu đau như thế cũng không thể cứ thế cho qua được!"
Nàng mở khăn vấn đầu, một cục u lớn núp dưới lớp tóc hoa râm, làm người khác thấy phải đau lòng.
"Đau mà, cho nên mới nhanh chóng về sức thuốc đó." Hứa Tắc cố tình nói như vậy, Thiên Anh liền không tranh cãi nữa, nhanh tay nhận lấy bọc thức ăn trong tay nàng, đi nhanh về viện mình.
Dù rằng về nhà sẽ không tránh khỏi lại bị nhạc phụ đại nhân xoi mói nhưng Hứa Tắc chẳng thèm để ý, vì đợi tới khi ông nói mệt, mọi chuyện sẽ xong thôi.
* * *
Cục u phía sau ót Hứa Tắc vẫn còn chưa chịu xẹp xuống thì kì thuyên tuyển đã lặng lẽ tới gần.
Suôn sẻ thông qua kiểm tra lý lịch ở chỗ Nam tào, sáng sớm Hứa Tắc đã dọn dẹp hộp sách, vác trên vai ủy thác và kỳ vọng của Thiên Anh, cất "lá bùa quan vận hanh thông" mà Thiên Anh xin ở chừa Từ An vào rồi tới trường thi.
Mỗi năm khi đến kì thuyên tuyển, đông đảo thí sinh và người nhà cùng tôi tớ từ ngàn dặm xa xôi khắp các châu huyện đổ về Trường An. Mấy chục năm trước, người tham gia thậm chí có lúc lên đến mấy chục ngàn người. Tuy năm nay hơi ít người một chút, nhưng các nhà trọ quán ăn lúc này đều đã chật kín chỗ ngồi, toàn người là người, các ông chủ cầm tiền mà không biết nên mừng hay lo.
Đối với quốc gia cũng như vậy, mặc dù là thông qua kì thi này để tuyển chọn nhân tài, nhưng người đến dự thi quá nhiều, như thế cũng làm tăng áp lực lên chi phí đi lại chuyên chở; Lại bộ cũng có nhiều ý kiến về vấn đề này, quan viên lớn nhỏ từ trên xuống dưới của Lại bộ cùng lắm là được một trăm năm mươi người, ấy vậy mà phải xử lý gần mười ngàn thí sinh, thực sự là lãnh đủ.
Chuyện này đúng là rất đau khổ!
Cái gì tới thì cũng phải tới, đành phải dốc hết bản lãnh ra mà đi thi thôi!
Quan viên Lại bộ hằm hè xắn tay áo, mài dao soàn soạt chờ giết thịt, ấy nhầm, là chờ các thí sinh tới để nghiệm thân.
Tùy vào cấp bậc phẩm hàm mà thí sinh được chia làm ba nhóm, gọi là "tam thuyên", lục phẩm do Lại bộ Thượng thư chủ khảo, thí sinh dự thi là quan viên thất phẩm, nhóm này gọi là "Thượng thư thuyên"; Hai vị Lại bộ Thị lang mỗi người phụ trách một tổ, chủ khảo bát phẩm, thí sinh dự thi là quan viên cửu phẩm, lầm lượt gọi là nhóm "Trung thuyên" và "Đông thuyên". Hứa Tắc là một quan văn chưa có phẩm cấp thuộc dòng trong, cho nên được xếp sau những thí sinh khác.
Quan phẩm cũng chia ra lưu nội 流內 dòng trong, lưu ngoại 流外 dòng ngoài. Chưa được phẩm cấp gì gọi là vị nhập lưu 未入流 chưa vào dòng.
Trời còn chưa sáng, các thí sinh đã cầm văn giải gia trạng [2] sắp thành hàng dài bên ngoài trường thi chờ xác minh nhân thân, các thư lại của Lại bộ chia các thí sinh thành từng tổ để tiến hành kiểm tra xác minh, để phòng ngừa có người mạo danh đến thi hộ.
[2] Văn giải gia trạng: Văn giải là thư giới thiệu của quan phủ địa phương nơi thí sinh sinh sống; gia trạng giống như bản thông tin cá nhân, trên đó có đề cập tới quê quán và tình trạng gia đình ba đời, dĩ nhiên cũng có đặc trưng tướng mạo của thí sinh, phần này có đóng dấu xác nhận của quan phủ địa phương, để ngăn ngừa việc mạo danh; Thật ra trong thi cử còn có một bản cam đoan, nó gọi là "chính thẩm", giấy cam đoan đạo đức nhân phẩm của thí sinh. Thí sinh phải có đủ ba loại giấy tờ này mới có thể tham gia khoa cử.
"Trên Gia trạng ghi ngươi mắt toét mà? Ngươi thế này mà gọi là mắt toét hả? Tròn như trái táo thế kia, ngươi đi thi giùm người khác đúng không?"
"Không có, mắt của tôi bị sưng đấy mà!"
"Sao nói ngươi không có râu, thế ria mép này là thứ gì!"
"Hê hê, mới nuôi thôi mà, phu nhân ta nói như vậy trông mới đẹp trai."
"Lúc này còn đứng đây lấy chuyện này ra đùa giỡn đẹp với không đẹp à, đi cạo ngay nếu không ta không cho vào!"
"..."
Quan cảnh ồn ào ầm ĩ, có kẻ thích tranh cãi, có kẻ thích đùa giỡn, đủ mọi hạng người tề tựu về đây, chỉ là kiểm tra nhân thân thôi mà sao giống như đi diễn tuồng. Việc xác minh của Hứa Tắc khá thuận lợi, trên Gia trạng chỉ đề một câu "tuổi trẻ tóc đã bạc" thế là nàng dễ dàng tiến vào vòng.. khám xét.
Khám xét là để ngăn ngừa việc thí sinh mang phao, đây là quy trình cơ bản trước sau như một của các cuộc thi từ xưa tới nay, và cũng là khâu quan trọng để thí sinh phát huy sức sáng tạo của mình.
Ông lục cứ lục, tôi giấu cứ giấu, đấu trí đấu dũng không bên nào biết mệt.
Tư lại cầm hộp sách của Hứa Tắc kiểm tra xong, xác nhận không có vấn đề gì, mới nhìn thẳng vào nàng: "Cho ngươi cơ hội cuối cùng nếu có phao thì chủ động giao ra đây."
Hứa Tắc vô cùng ngay thẳng, giơ hai tay lên cho hắn kiểm tra. Tư lại bắt đầu lục soát tượng trưng một chút rồi thu tay lại, nghiêm túc nói: "Nhảy một cái!"
Hứa Tắc vừa nghe xong đứng tại chỗ ra sức nhảy, nhảy đến nỗi gan bàn chân ngứa râm ran, hai mắt muốn hoa lên, Tư lại lại ra lệnh: "Ngưng! Vào đi!"
Hứa Tắc ôm lại cái hộp của mình ung dung bước vào trong.
Đến lúc này, với Hứa Tắc cuộc thi xem như đã hoàn thành được hơn phân nửa.
Vì suông sẻ vào trường thi là chuyện quan trọng nhất với nàng, bài thi cũng chỉ xếp sau cái này.
Nội dung của bài thi tuyển quan văn dĩ nhiên là không quá mức phức tạp như kì thi tiến sĩ hay kì thi Minh kinh (giảng giải kinh sách), kì thuyên tuyển chú trọng vào việc ứng dụng thực tế hơn là học thuật. Kì thi sẽ chọn ra người nắm vững các điều luật, hiểu rõ các quy trình xử lý công việc, cùng kiến giải khi giải quyết công việc, quan điểm đối với chuyện quốc gia đại sự..
Kiểm tra tư cách làm quan cũng như cách nhìn và tính chừng mực. Thuyên tuyển rất đông thí sinh tham dự, lại do một mình Lại bộ phụ trách nên không dễ gì khi phải vừa bộc lộ tài năng vừa không được vượt quá giới hạn.
Sau khi các thí sinh ngồi vào chỗ, sân thi bỗng chốc yên lặng như tờ. Lúc này xung quanh các thí sinh ngoài quan viên Lại bộ, Lễ bộ giám sát cuộc thi, chỉ có binh lính vệ sở có nhiệm vụ canh gác và bảo vệ kỷ luật trường thi.
Ở một nơi khác, cuộc thi võ do Binh bộ làm chủ khảo cũng đang diễn ra vô cùng sôi nổi. Thí sinh tham gia thi võ không giống với thí sinh thi văn bên cạnh, phải quỳ trên đất ôm bàn vắt óc múa bút thành văn, ở đây họ chỉ cần dốc sức phát huy khả năng linh hoạt của tay chân là đươc. Bài thi cũng khác một trời một vực, ví dụ như thi tài bắn cung thì có trường đóa (bắn tên ở cự ly xa), mã xạ (cưỡi ngựa bắn cung), bộ xạ (đi bộ bắn cung), ngoài ra còn có thi thương pháp, mặc dù cuối cùng vẫn phải thi vấn đáp nhưng dù sao cũng sinh động hơn thi văn rất nhiều.
Chuyện là Vương Phu Nam bị điều tới làm quan giám khảo tạm thời, một vị Đô úy Chiết Xung khác ngồi bên cạnh vẫn không quên móc mỉa: "Dù là thạm thời nhưng điều chúng ta tới đây cũng đâu có hợp quy tắc, Thượng thư tỉnh nghĩ phủ Chiết Xung rảnh rỗi quá nên kiếm chuyện cho chúng ta làm à?"
Vương Phu Nam chán chẳng muốn buồn nói. Cấm vệ quân ở Bắc nha phát triển ngày càng lớn mạnh, còn Chiết Xung phủ đã không còn là phủ Chiết Xung của trăm năm trước nữa, phủ Chiết Xung hôm nay làm gì còn một binh một lính nào biết đánh nhau? Hoàn cảnh sa sút, tan rã cũng là chuyện sớm muộn.
Nhìn đám thí sinh bừng bừng dã tâm bên dưới, lnói điều này ra thì đúng là tụt cả hứng.
Cũng may cuộc thi có tiết tấu rất nhanh, không có lề mề kéo dài, cho nên trong khi bên kia vẫn còn đang thi thì bên này đã xong xuôi hết rồi. Xế chiều, Vương Phu Nam từ chối tham gia tiệc "liên hoan" của Binh bộ, hắn định về thẳng phủ Chiết Xung, nhưng bỗng nhớ tới hôm nay Hứa Tắc cũng tham gia thi tuyển, vì thế bất giác đi quành sang hướng sân thi bên kia.
Bốn phía xung quanh sân thi đều là bụi gai thẳng đứng, trạm gác dày đặc, Vương Phu Nam chỉ đứng ở cửa nhìn vào, thấy vẫn còn lâu mới hết thời gian bèn tính về trước.
Nhưng vừa quay người đi thì thấy mấy người bên Kim Ngô vệ [4] đi tới. Vương Phu Nam chau mày, trông bọn họ có vẻ không mấy thiện chí nên bất chợt đứng yên bất động.
[4] Giống Cẩm Y vệ, nhưng quản hạt khác nhau
Hôm nay hắn mặc quan phục, nên khi mấy người Kim Ngô vệ nhìn thấy hắn, lập tức dừng lại hành lễ: "Đô úy vất vả rồi!"
Hắn không đáp lời, Kim Ngô vệ chào xong cũng rời đi.
Kim Ngô vệ đi tới cửa thì dừng lại, hành lễ và bắt chuyện với binh sĩ canh trường thi, người đứng đầu Kim Ngô vệ lấy ra một tờ công văn: "Ngự Sử đài đến bắt người!"
Đứng đầu nhóm binh sĩ tiếp nhận công văn cúi đầu xem, sau đó vội vàng quay sang quát một tên lính canh đứng phía sau: "Mau xác nhận với bên Lại bộ hôm nay trong trường thi có thí sinh nào tên Hứa Tắc là người của Bỉ bộ không!"
Tên lính canh phía sau nhận lệnh, lập tức định đi kiểm tra, Vương Phu Nam lại xoay người quay lại cổng trường thi.
Đội trưởng nhóm binh sĩ canh trường thi thi lễ với Vương Phu Nam, đúng mực nói: "Trường thi nghiêm cấm ra vào, xin hỏi Đô Úy có chuyện gì quan trọng không?"
Vương Phu Nam nhìn hắn, lại chỉ về phía tên lính canh đang định đi xác nhận thân phận của Hứa Tắc: "Bảo hắn đứng lại!"
Tên đội trưởng quay sang quát gọi tên lính lại, sau đó lại nhìn về phía Vương Phu Nam.
Kim Ngô vệ đứng cạnh nói: "Đô úy chớ nên làm khó ta, ta cũng chỉ phụng lệnh Ngự Sử đài bắt người."
"Phạm tội gì, có chúng cứ xác thực, có liên quan tới mạng người không?"
"Hồi Đô úy, hạ quan không rõ!"
"Không rõ thì để hắn thi xong đã!"