- "Sư tôn, con muốn xuống núi."
- "Đang yên lành, sao lại muốn xuất sơn?"
- "Con muốn chu du tứ hải, hành tẩu giang hồ để thấu hiểu sự đời nhiều hơn."
- "..."
Vân Cảnh Ngạn nghe mà nói: "Sư muội, Vân Phong Môn không thể thiếu muội được."
- "Ngạn nhi, con năm nay đã qua nhược quán, con có thể gánh vác sư môn giúp vi sư rồi. Uyển nhi xuất sơn dăm bữa nửa tháng cũng không ảnh hưởng gì."
Phong Thời Uyển vui vẻ gật đầu, không quên đa tạ tiên tiên và động viên Vân Cảnh Ngạn.
- "Uyển nhi sẽ về thăm sư tôn và sư huynh thường xuyên."
Nàng đã kiên định xuống núi học tập để thấu hiểu nhân sinh, sẽ không gì có thể làm lay động suy nghĩ ấy. Tiên tôn hiểu rõ, nên ngài không hề cản. Nuôi lớn rồi, tất sẽ phải cất cánh bay.
"Đường dài này, ta chỉ có thể âm thầm bảo hộ nàng thôi." - Vân Phong Thuấn Trì thầm nghĩ.
___________________
- "Người xưa truyền rằng, mùa xuân năm nào, thiên hạ đang thái bình thịnh thế, được muôn dân ca tụng, rằng Hoàng Đế bệ hạ trị vì rất hợp lòng người. Bên ngoài, bệ hạ thương dân như con, chở che cả đất nước. Bên trong, bệ hạ sủng ái hoàng tôn, hòa hợp với hoàng thân quốc thích. Như thế, ai cũng nghĩ rằng thiên hạ trong tay người nhất định vững như thành đồng, vạn chông không đẩy ngã. Nhưng có một chuyện rất nan giải, bệ hạ mãi không lập Hoàng Hậu, cũng không nạp phi thiếp. Bấy giờ, một vị công thần của đất nước có một nàng ái nữ xinh đẹp tựa hoa, cốt cách như mai, có lẽ là xứng đôi nhất với bệ hạ. Vì vậy, trong suốt một khoảng thời gian có liền trăm bản tấu chương đều khẩn thiết xin bệ hạ lập Hậu, thành thân với nhi nữ nhà công thần. Nhưng tất cả đều không được phản hồi. Bởi vì, bệ hạ trong lòng sớm đã có một thê tử vĩnh viễn không ai thay thế được. Nàng là môn đồ trên Thiên Sơn đỉnh, không có phụ mẫu, không rõ xuất thân. Đây chính là lí do nàng không bao giờ được triều đình chấp nhận." - Lời truyền miệng hôm nay được phát ra đặc biệt bài bản.
Lại truyền rằng, nàng này xinh đẹp lắm, vẻ đẹp câu hồn đoạt phách, lấy đi trái tim của bệ hạ ngay từ lần đầu gặp mặt. Không chỉ bệ hạ, nàng cũng từng xông pha chiến trận, trừ gian diệt ác cùng huynh trưởng của bệ hạ. Ba người, hai nam một nữ cứ thế trải qua một năm hành tẩu giang hồ oai phong lẫm liệt, với danh hiệu lừng danh là Tam Giác Thần Công Hợp. Vì một giai đoạn như thế, khi bệ hạ muốn tuyên bố phong nàng làm Hoàng Hậu cũng chỉ có vị huynh trưởng ấy là ủng hộ. Ba người, làm sao đấu nổi cả thiên hạ quần thần đây?
Người kể chuyện bỗng hỏi: "Các vị có biết Hoàng Đế bệ hạ tiếp theo đã làm thế nào không?"
Khắp trà tửu lâu im lìm một trận, chẳng ai biết cả, có người thúc giục "mau kể tiếp đi".
Cố nhân truyền miệng ấy tự trả lời: "Hoàng Đế bệ hạ đã phong hậu, tuyên bố với cả thiên hạ rằng nàng là nguyên phối chính thê của ngài, là thê tử ngài yêu thương nhất. Nàng xứng đáng."
Lễ phong hậu của nàng vô cùng uy phong, gần như làm rung động cả một vùng trời, như là gọi cả Ngọc Hoàng thái tuế công nhận cho phu thê của ngài. Sự kiện này đã làm vô số quần thần oán thán, khẩu phục nhưng tâm không phục. Chỉ có dân chúng vốn tôn sùng bệ hạ, cho nên một lòng thành thật chúc phúc cho người. Vả lại, tình phu thê như vậy quả thật khiến thiên hạ kính ngưỡng.
Sau đó, mùa xuân năm sau, Hoàng Hậu sinh hạ một vị hoàng tử trắng trẻo bụ bẫm, bệ hạ liền chiếu cáo thiên hạ, tổ chức tiệc mừng hoành tráng khắp cung thành. Nhưng cũng tại đêm đó, một trận mưa máu tanh nồng rúng động thiên hạ dấy lên. Đây, chính là cuộc phản loạn của tất cả văn võ tướng trong triều, có cả hoàng thân quốc thích, cả các đạo nhân luyện công pháp danh tiếng từng ủng hộ triều cương. Màn đêm đen như vậy cũng chẳng thể giấu nổi máu đỏ nhuộm màu y phục, chẳng che đi được nước mắt người nào gào thét. Phải, Hoàng Hậu vì bảo vệ nhi tử đã im lặng thành một khối, tam tiễn xuyên tâm. Còn bệ hạ trong bộ hoàng bào nhuốm máu, khụy gối bên nàng, bảo kiếm trong tay đã ghim sâu xuống đất. Lúc này, chỉ có một thân kim y nam tử, là huynh trưởng của ngài, một người một kiếm cắn răng bảo hộ phu thê ngài. Nhưng chẳng trụ được bao lâu, thiên binh vạn mã cứ thế nuốt chửng cung đình, ép vị huynh trưởng cũng tức là Bảo Thân Vương thối lui.
Người kể chuyện dừng một hơi, não nề mà thán: "Sau đó, Hoàng Đế bệ hạ như nhập ma vậy, ngài phát cuồng phong bạo loạn, tung một chưởng đoạt mạng trăm người. Một chưởng ấy cũng đã trút hết sức lực và hơi thở của ngài. Còn Bảo Thân Vương bấy giờ đã trọng thương, gào lên ra lệnh cho bệ hạ đưa nàng rời đi... Đêm đã lui dần, bình minh ló rạng, người dân không còn thấy cung đình sáng rực rỡ như sao nữa mà là một mảnh im lìm chết chóc. Thái bình thịnh thế từ đây không còn nữa."
Trong một góc của tửu hoa lâu, nét mặt Phong Thời Uyển giấu sau chiếc mũ lụa dài đã sớm trầm mặc khôn nguôi.