- Tỉnh Vĩ! Sao chàng lại tin những lời đó? Sao chàng không tin tình yêu của em? Em yêu chàng, yêu chàng mà. Sao lại nghĩ em là kẻ tham nhung gấm, phụ tình khinh bạc, nếu thật thế thì từ đầu đâu yêu chàng. Em trả thơ chàng nhưng đâu trả đàn tranh. Chàng tuyệt tình đến vậy em còn níu kéo chi đây.
Nước mắt hắc long lăn dài, lau trắng nghiêng người hứng từng giọt lệ tình. Chỉ cần Tỉnh Vĩ cương quyết không tin, kiên nhẫn hỏi cho ra nhẽ, có lẽ Tảo Triều đã kể hết nỗi lòng. Buồn thay, hươu sao ấy lòng tự tôn quá lớn, không hiểu những gì đã xảy ra, không biết người đi đau một, người ở lại ngoái theo đau trăm lần hơn... Trên đời, điều tàn nhẫn nhất bất cứ ai phải làm chính là nói trái lòng mình, chính là mạt sát người mình yêu thương nhất, làm vậy Tảo Triều khác nào lấy dao tự đâm vào tim, đau mà vẫn phải làm vì bên hiếu bên tình là hai chiến tuyến và chữ hiếu đã thắng.
Người ra đi lệ tràn mi, người ở lại nuốt lệ ngược vào tim. Đêm nằm ôm đàn tranh người thương trao làm vật định tình, nước mắt nàng lăn dài theo dây tơ vàng, nghe đâu đó còn điệu Phụng Cầu Hoàng ngày xưa. Điệu nhạc mang tên hai loài chim đời đời sánh đôi chung tình thế mà sao hai kẻ trót yêu cung đàn này phải đôi đường chia ly, dây đàn chưa đứt mà tơ tình ai nỡ cắt ngang.
Biết còn ở lại đây sao tránh gặp lại người thương, nụ cười hươu sao lấp lánh tỏa nắng, khóe mắt mẫu thân ướt đầm, liệu thêm lần nữa còn đủ can đảm để lựa chọn, nên long nữ liền ngỏ lời xin phụ mẫu cho phép lên đường tòng quân.
Về chuyện làm vương phi, Tảo Triều thực tình chưa hề gặp hoàng tử Quỷ tộc. Việc hôn sự lão hắc long nói vốn khởi nguồn trong một lần thiên binh và quỷ binh phải hợp sức vây bắt hung thú. Đúng dịp ấy, Trần long tướng đã nhìn thấy hoàng tử Quỷ tộc cùng quỷ binh xung trận, nam tử đó chừng trạc tuổi Tảo Triều mà lại tài giỏi, oai phong hơn đời, tư thế hiên ngang, dũng mãnh. Chỉ gặp người ta chẳng bao lâu nhưng tướng quân vẫn rất ấn tượng trước vị hoàng tử võ nghệ cao cường, phản xạ nhanh nhạy dù đã hai ngày đêm liền không chợp mắt. Khi thăm dò một chút thông tin, lão nghe được hoàng tử chưa từng có hôn ước hay giai nhân nào vừa mắt. Chính bởi thế Trần long tướng đã âm thầm chấm mối đấy cho con gái. Lão thầm ước lượng người như hoàng tử mới xứng thành hôn cùng Tảo Triều chứ con hươu Tỉnh Vĩ ngu ngốc chưa bằng được gót giày người ta thì làm sao có thể sánh duyên cùng con mình. Chưa kể mấy năm nay kiếm pháp con gái lão bỗng tiến bộ vượt bậc, mạnh mẽ uy vũ hơn nhiều, quả thực kỳ tài, có đứa con gái xinh đẹp, tài năng hiển nhiên lão phải gả cho hoàng tử, ai đời gả cho loại con hoang không tên không họ.
Khi hoàng tử đến Thiên Cung nhận quà tạ ơn từ Thiên Đế, đã sơ ý để quên pháp khí, Trần tướng quân tức thì nhận việc mang đồ trả lại người ta nhưng thực chất đang ý ngấm ngầm toan tính xa xôi. Theo thông tin đáng tin cậy, lão biết pháp khí này do chính tay Quỷ Đế tặng quý tử. Quà cha tặng, con trai không tìm về sao được, chính bởi thế, Tài Vọng quyết giữ pháp khí lại nhà mình, chờ đến khi hoàng tử sẽ quay lại Thiên Cung, lão nhất định nắm chặt cơ hội đưa Tảo Triều ra gặp mặt, ngỏ lời mai mối. Ái nữ nhà lão dung mạo không tệ, còn giỏi kiếm pháp chắc chắn dễ dàng lọt vào mắt xanh hoàng tử.
Lão tính toán chắc nịch Tảo Triều thành vương phi tha hồ ăn sung mặc sướng, đầy kẻ hầu người hạ, tốt hơn nhiều so với về cái tranh rách nát quanh năm vùi đầu vào cỏ cây. Giờ có thể con gái chống đối, nhưng khi sống đời sung túc, đứa nhỏ ấy hẳn phải cảm kích suốt đời. Lão ta mong cầu giàu sang, hạnh phúc cho con mình thì có gì là sai.
Nhanh chóng cắt đứt duyên tình ái nữ cùng Tỉnh Vĩ, lão long tướng bắt đầu chờ đợi hoàng tử tìm tới. Lão còn căn dặn người thân giữ vai trò quan trọng nơi đại điện Thiên Cung, nếu hoàng tử Quỷ tộc đến hỏi chuyện pháp khí phải chỉ sang đây ngay để lão giới thiệu con gái. Việc ái nữ đi tòng quân, ban đầu lão phản đối quyết liệt, ý muốn Tảo Triều phải ở yên trong nhà chờ hoàng tử xem mắt. Tuy nhiên Lê Vy phu nhân bàn ra bàn vào, khuyên nhủ cứ cho con gái đi tòng quân.
- Con hươu Tỉnh Vĩ vẫn ở Thiên Cung, nay dứt tình nhưng ai biết có chuyện tình cũ không rủ cũng tới chăng. Đăng Khoa nhà Nguyễn long tướng đã lén cùng nhân tình bỏ nhà đi, tìm mãi chẳng ra, nhỡ đâu Tảo Triều cũng học theo, chạy trốn cùng Tỉnh Vĩ thì biết tính sao. Chàng nghe em, cho Tảo Triều tòng quân nơi Tây Hải, dù hơi xa nhưng long vương Tây Hải với nhà ta vẫn là bằng hữu, đến lúc xem mắt bảo long vương cho Tảo Triều về ngay. Thêm cả cháu em đi theo đề phòng, canh chừng chị nó không qua lại cùng phường thấp kém ngu ngốc nào nữa. Giờ chàng tìm họa sư, họa bức tranh Tảo Triều thật đẹp, đẹp đến hoàng tử nhìn thấy là muốn xem ngay dung mạo người ngoài đời, thế thì ai cưỡng lại cho được. - Thê tử ngọt nhạt khuyên nhủ vào tai lão hắc long.
Lời khuyên quả chí lý, lão tất nhiên cũng sợ việc tình chưa chết hẳn, còn vương vấn tàn lửa chờ ngày bùng lên, nên thuận lòng cho ái nữ tòng quân.
Thời gian này Đường Lệ đang bận du sơn ngoạn thủy tìm vui, ngày trở lại chỉ còn lau trắng quạnh quẽ trong gió chiều, tiếng sáo cung đàn, dáng người múa kiếm nay về đâu. Đăng Khoa dẫn Ngọc My trốn đi biệt tích, Tảo Triều phiêu bạt chiến chinh, Tỉnh Vĩ âu sầu bên bếp lửa chập chùng, lời thề cỏ lau tan theo mây trời.
"Đàn tranh lệ đúc ngàn xưa
Tay ai khơi mạch bây giờ lệ tuôn."
Hai câu thơ dát lên thân đàn như đã dự báo trước một mối tình đẫm lệ nhưng người chơi đàn lại nhận ra quá muộn. Vì lẽ ấy Tỉnh Vĩ chẳng bao giờ phô ra khả năng dụng cầm nữa, có chơi chỉ đi nơi thật vắng vẻ, một mình dạo tơ đàn, một mình lắng nghe.
……………………………………………
Phần chuyện tình Đăng Khoa dẫu không quá đỗi bi thương như bằng hữu nhưng quan niệm môn đăng hộ đối chưa bao giờ là rào cản dễ dàng cho ái tình vượt qua, họa chăng bạch long nhờ mang cốt cách nam nhi mà hành xử mạnh mẽ, quật cường hơn Tảo Triều, bởi vậy…
- Ngươi đúng là nghịch tử! - Bạch long thần tướng đập bàn quát lớn. - Ta không có đứa con như ngươi. Còn không mau quỳ xuống!
- Tại sao con phải quỳ? Con làm gì sai? Yêu thương là sai sao? – Đăng Khoa lập tức phản đối phụ thân.
- Ngươi còn dám lớn tiếng với ta, đừng quên ngươi đã có hôn ước với Hồ tộc, người ngươi phải đón về là hoàng nữ Hồ tộc. Con bạch thố kia thân phận thấp hèn, cho nó làm gia nhân trong nhà đã là phước phần rồi, đâu ra mơ mộng trèo cao làm vợ thiếu gia.
- Hôn ước với Hồ tộc là cha quyết chứ không phải con, cha thích thì cứ lấy con hồ ly đấy về, còn con kiếp này chỉ lấy một mình Ngọc My thôi. - Đăng Khoa cứng giọng đáp trả.
Bạch long tướng quân thật tức đến phát điên khi con trai đến tận mặt phụ mẫu đòi được cưới Ngọc My làm thê tử, còn cho làm hẳn chính thất. Với Úy Hữu, con thỏ trắng đó làm thiếp còn chưa xứng, nói gì làm chính thê, ông vốn đã chọn cho con trai chốn danh giá, môn đăng hộ đối, ai ngờ cuối cùng tên nghịch tử nhất mực phản đối, sống chết đòi lấy tỳ nữ.
Sau trận gấu ó vang vọng cả phủ, Ngọc My bị đánh bầm dập vì tội dụ dỗ thiếu gia, rồi bị ném vào nhà kho, có người cạnh gác ngày đêm. Một tên hầu còn nghe trộm được Úy Hữu nói cùng thê tử, chờ tìm được người sẽ tặng bạch thố đi luôn cho khuất mắt.
Mặt khác song thân Đăng Khoa đến Hồ tộc thúc giục Hồ Vương định ngày cử hành lễ hỏi. Dĩ nhiên Úy Hữu nào dám khai chuyện nghịch tử ở nhà đòi hủy hôn để cưới tỳ nữ nên ông đành nói dối Đăng Khoa ngày đêm tương tư si mê Trọng Xuân, phụ mẫu phải đến tận đây bàn việc gấp, kẻo con trai tương tư thành bệnh. Cũng bởi lời nói dối này, mấy vạn năm trên thần giới mới có câu chuyện dở khóc dở cười, chúng tiên hữu cứ đồn đại thiếu gia nhà bạch long tướng quân vì thất tình Trọng Xuân mà bỏ đi biệt tích, còn sự thật chính là rồng con dẫn nhân tình đi đào hôn...
Bên phủ nhà bạch long, tối nay rồng trắng không còn cùng người thương chẻ củi, giặt áo, không còn trao nhau ái tình thơ dại. Giờ tý canh ba đêm này, Đăng Khoa quyết định đánh lính gác, cướp người tình. Bây giờ là lúc ai đó quyết định phải trưởng thành, phải mạnh mẽ, bản lĩnh để bảo vệ người yêu trọn một đời và việc đầu tiên cần làm chính là bẻ gãy hết xiềng xích ràng buộc uyên ương. Rồng trắng hiểu chỉ cần dẫn Ngọc My đi đến nơi không ai biết hai người là ai, nơi mình không còn là thiếu gia nhà bạch long tướng quân và hiển nhiên sẽ được vĩnh viễn ở bên người tình. Đăng Khoa không sợ sống khổ, chỉ sợ cuộc sống thiếu vắng Ngọc My.
May mắn thay, hoàng nữ Hồ tộc một lòng một dạ đợi chờ "vị thần gánh cả bầu trời" nên cương quyết không muốn lấy Đăng Khoa. Hồ Vương lại thương con, chẳng thể nặng lời ép duyên, thành ra việc bàn bạc hôn sự cứ kỳ kèo mãi mấy ngày cũng không thống nhất nổi.
Phần Nguyễn phu nhân biết Ngọc My là nữ nhân tốt, nếu chẳng quá so đo xuất thân thì quả thật là nàng dâu từ lâu mong chờ, do đó, chuyện đến gặp Hồ Vương là phu nhân cố tình gợi ý cho Úy Hữu, đồng thời bà lại theo lang quân sang Hồ tộc nhằm kéo dài thời gian cho hài tử ở nhà trốn chạy an toàn. Hầu cận trong phủ cũng ít nhiều thương cho mối lương duyên trắc trở đó vì thiếu gia Đăng Khoa bình thường đối xử khá tốt với gia nhân, Ngọc My lại thuộc dạng hòa nhã ngoan ngoãn, nên từ lâu người ăn kẻ ở trong nhà cũng có hảo cảm với cặp đôi ngang trái này. Thế là tối ấy mọi người đều cố tình làm lơ cho Đăng Khoa dẫn bạch thố bỏ chạy.
Đến lúc song thân về, Đăng Khoa đã dẫn người yêu cao chạy xa bay, chẳng biết đến phương nào. Úy Hữu liền phái lính tráng lùng sục khắp nơi, đốt đuốc soi đỏ đường nhưng gặp phần rồng con trốn nơi khá kín đáo, ngay cả binh lính cũng có ý thả cho bạch long bỏ chạy nên toàn tìm kiếm qua loa chiếu lệ. Cùng thời điểm đó, long thần nhỏ đã dẫn bạch thố ẩn thân tận rừng sâu. Bạch long tướng quân nghĩ con trai từ nhỏ sống sung sướng, chưa bao giờ đi xa một mình, nếu có bỏ trốn chắc cũng tìm nơi gần làng bản có chợ, có dân cư sinh sống, chứ đâu dám vào núi cao rừng thẳm nên ông không hề tìm kỹ chốn hoang vu, do đó đôi nhân tình số khổ mới bình yên thoát nạn.
Quá giận tên nghịch tử đặt chữ tình cao hơn chữ hiếu, sau một tháng tìm kiếm chả mang lại kết quả, bạch long tướng quân đã bảo binh lính rút về không cần tìm nữa, ông nhất mực xem con rồng nhỏ đấy lang thang tứ phương thế thì sống được bao lâu.
Những ngày đầu trốn chạy, Đăng Khoa may mắn tìm được hang sâu giấu mình, cả ngày đều trong hang đến đêm mới mò ra, dựa vào ánh trăng tìm thức ăn nước uống về cho bản thân và người tình. Cũng nhờ thời gian trước có học được vài phần chuyện cỏ cây từ Tỉnh Vĩ và Đường Lệ nên Đăng Khoa tương đối có thể phân biệt cây trái, thảo mộc trong rừng loại nào dùng được, loại nào phải tránh xa. Nhưng những điều ấy đa phần rồng con đều học lỏm, làm sao thành thạo đến không nhận bất kỳ vết thương, vết xước nào. Bởi vậy, chỉ qua một đêm, Đăng Khoa từ thiếu gia quyền quý đã thành bộ dạng nhếch nhác thua cả ăn mày.
Riêng Ngọc My vốn đã đầy thương tích từ đòn roi, trên đường chạy trốn còn gặp thêm vết thương mới, không còn tí sức lực để giúp người tình, chỉ đành nằm lại trong hang dưỡng thương. Bao ngày liền nhìn rồng trắng đầy khổ sở, tay chân rướm máu đỏ, người đầy bùn đất, Ngọc My xót xa khuyên bảo nhân tình mau quay về với phụ mẫu. Nàng biết bạch long tướng quân có giận rồi cũng sẽ tha thứ cho Đăng Khoa, còn thân nàng sẽ tự tìm lối trốn đi, ngay cả hỏa nạn còn qua rồi thì lặn lội núi rừng đâu xá gì.
Mãnh thú cũng chẳng nỡ ăn thịt con, điều đó Đăng Khoa hiểu, cùng lắm bị bạch long tướng quân mắng chửi, phạt cấm túc một vài tuần là xong, nhưng chàng quay về nhà làm gì khi không còn người thương. Với Đăng Khoa, khổ cực, đòn roi kể cả gửi mạng lại đây không đáng sợ bằng phải lìa xa bạch thố. Từ lâu đã xem Ngọc My là thê tử, là người cùng mình sống đến ngày thần hồn về với đất trời, đâu thể bỏ là bỏ, tình thà đừng khơi nếu đã khơi thì vĩnh viễn đừng tắt.
Đăng Khoa ôm lấy bạch thố, vuốt ve tai thỏ xơ xác.
- Em đã mấy vạn năm hầu hạ cho ta, giờ đến lượt ta dùng hết phần đời còn lại hầu hạ em. - Đó chính là lời Đăng Khoa nói cùng Ngọc My và cũng nói với chính mình.
Hơn một tháng trốn tránh, sau khi biết chắc chẳng còn ai theo dõi, rình rập, long thần nhỏ mới đưa người thương rời khỏi rừng. Để tránh chạm mặt những bằng hữu của song thân, Đăng Khoa hóa thân thành bộ dạng như tiều phu, tay ôm bạch thố xuôi dạt về phương mặt trời mọc. Phương đông là vùng đất của Bách Điểu tộc, ngàn muôn loài tiên điểu tụ hợp lại lập nên thần tộc này. Tộc Bách Điểu vốn không mấy quyền quý, cũng không quá thân cận Long tộc, vì lẽ đó Đăng Khoa chọn đây làm bến dừng chân. Đồng thời đánh đổi cuộc đời yên bình bên Ngọc My, chàng cũng giấu luôn cả tiên khí Long tộc quý giá...
Nơi thần giới, muốn nhận biết tiên nhân thuộc giống loài nào thường có hai cách, thứ nhất là nhìn qua những đặc điểm như tiên thỏ có tai dài, hồ tiên lộ chín đuôi, rồng lại có mọc cặp sừng trên đầu, tuy nhiên một số kẻ do ngại xuất thân hèn kém hoặc vài người khiêm nhường không muốn khoe khoang nguyên cốt cao quý thường sẽ dùng phép thuật dấu hết đặc điểm đấy chỉ hiện lên hình dáng người, và lúc này nếu muốn nhìn ra nguồn gốc những kẻ giấu giếm đó thì chỉ còn cách thứ hai: nhận diện qua tiên khí. Tiên nhân khi vừa chào đời đều có vòng tiên khí bao quanh, vòng tiên khí sẽ đi theo chủ nhân từ ngày lọt lòng cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Con dân mỗi thần tộc đều sở hữu màu tiên khí khác nhau, cụ thể như Long tộc luôn tỏa ra tiên khí màu vàng kim, giả người ngoài muốn nhận biết Đăng Khoa thuộc loài nào thì chỉ cần chịu khó nhìn màu của vòng tiên khí quanh chàng thôi. Nhưng đó là trước kia, còn này thì không dễ dàng như thế nữa... Lúc còn nhỏ, vào một dịp chơi đùa cùng các bằng hữu, Đăng Khoa đã vô tình bị Tỉnh Vĩ truyền cho tí linh khí, hươu sao bảo rằng nhờ linh khí này bạch long có thể tự do chuyển đổi màu tiên khí, thậm chí còn khiến được những ai tu luyện chưa đủ cao thâm nhầm lẫn chàng sang loài khác. Ban đầu Đăng Khoa phán đoán đây là chỉ bí thuật loài hươu dùng để trốn kẻ thù, thêm nghĩ mình là Long tộc ắt chẳng ai dám hãm hại mà phải lẩn trốn nên xưa nay chàng toàn phớt lờ phép thuật kỳ diệu này, nào ngờ rốt cuộc lại có ngày cách giấu tiên khí ấy lại giúp rồng trắng một phen trông thấy. Chỉ với chút thủ thuật em kết nghĩa dạy lúc nhỏ, bạch long chẳng mấy khó khăn hóa tiên khí quanh mình thành màu xám để người dân Bách Điểu tộc nhìn lầm chàng ra đồng tộc, nhờ đó mới thuận lợi lẩn trốn bao năm trường.
Bên cạnh bìa rừng, một ngôi nhà đơn sơ được dựng lên, dù nhỏ nhưng đầy hạnh phúc, rồi thỏ con đầu tiên chào đời, ánh mắt ngại ngùng, cặp tay đong đưa đáng yêu thật giống hình ảnh phút đầu gặp mặt Ngọc My trong ký ức Đăng Khoa. Những ngày bình lặng tiếp nối, Ngọc My có lúc hỏi rằng tướng công một thân võ công cao cường, pháp lực vô biên, đáng ra phải xông pha trận tiền, lập bao chiến công, chỉ vì bạch thố này mà đành chịu kiếp sống ẩn giật buồn chán, liệu có bao giờ ân hận. Những khi nghe câu hỏi ấy, bạch long luôn trả lời rằng cuộc đời hiện giờ do chàng chọn lựa, tình yêu với Ngọc My cũng chính chàng quyết định, một khi đã quyết mãi mãi không hối hận. Tuy nhiên, bao nhiêu tháng ngày cùng nhau lớn lên Ngọc My không hiểu tướng công của mình sao, máu trong huyết mạch ấy là dòng máu thần tướng, cốt cách là cốt cách Long tộc, rồng thần có ẩn mình vực sâu vẫn là rồng thần. Rồng trắng đó từ nhỏ đã ôm khát khao tung hoành bốn bể, giấc mơ lớn đến vậy đâu dễ dàng dập tắt. Nay vì nàng mà Đăng Khoa phải chôn vùi mơ ước, Ngọc My mỗi lúc nghĩ về điều ấy thật luôn áy náy với tướng công.
Cho đến một ngày, thỏ trắng hay tin Bách Điểu tộc kêu gọi thêm người xung quân đôn đốc binh lực cho đội quân canh giữ tiền thành. Biết đâu là cơ hội cho tướng công thực hiện giấc mộng thuở thiếu thời, Ngọc My cứ liên tục cả tháng liền xa gần nhắc nhở Đăng Khoa về việc tộc Bách Điểu tuyển binh sĩ. Đăng Khoa quả thật chưa quên hẳn ước mơ một ngày trở thành tướng soái nhưng nếu gia nhập vào quân đội lúc này thì Ngọc My và thỏ con phải làm sao. Hiểu Đăng Khoa đang phân vân điều chi, bạch thố ôm siết lấy tướng công, nói lời dịu dàng đến ấm lòng.
- Chàng đã hy sinh cả cuộc sống nhung lụa vì em, giờ đến lúc em hy sinh vì chàng.
Trở thành binh sĩ bảo vệ tiền thành, Đăng Khoa đúng là ít thời gian gần gũi nương tử và thỏ con hơn trước kia, nhưng nghĩ đến Ngọc My chấp nhận phòng đơn gối chiếc cho tướng công lên đường thực hiện ước mơ từ, bạch long đành cố nhắc nhở chính mình phải kìm lòng thương nhớ. Rồng trắng tự nhủ cùng bản thân rằng bạch thố chịu cảnh lạnh lẽo cô phòng để chàng hoàn thành tâm nguyện thì nhất định không bao giờ được bỏ cuộc giữa đường, phải kiên cường đến ngày công thành danh toại.
Với võ công phi phàm, thêm sách lược được phụ thân dạy từ nhỏ, chẳng mấy chốc Đăng Khoa đã thành lính đầu quân, thống lĩnh cả trăm binh sĩ, mang về bao chiến công lẫy lừng. Ngỡ đâu chàng mãi là người của Bách Điểu tộc và tương lai sẽ thành đại tướng quân của thần tộc này, nào hay vào dịp chẳng ngờ, vì cứu thành chủ khỏi bị đoàn quân tà thần cốt điểu hành thích, rồng trắng vô tình làm lộ long cốt... Bầy tà điểu ấy vừa đông lại to lớn hung bạo, Đăng Khoa buộc phải hiện nguyên hình ứng chiến, bởi lẽ đó thần giới dần biết Bách Điểu tộc đang giữ một binh sĩ là bạch long. Đúng lúc trùng hợp Thiên Cung cần chiến binh tinh nhuệ cho đội thiên binh canh giữ địa giới - nơi Ma tộc bắt đầu manh nha xâm chiếm, vừa hay, biết được tin tộc Bách Điểu có một lính đầu quân cốt long thần, một mình đánh bại cả bầy tà điểu, Thiên Cung lập tức gửi đến chỉ dụ đòi cho bạch long đó gia nhập vào quân ngũ thiên binh địa giới.
Tuy rất muốn giữ bạch long lại nhưng Bách Điểu tộc thấp cổ bé họng, so với Thiên Cung chỉ đáng xưng thần nên đành tiếc nuối nhượng lại Đăng Khoa cho thiên binh trên Thiên Cung. Chính khi đến với đoàn thiên binh canh giữ ranh giới giữa Thiên tộc và Ma tộc, sau này Đăng Khoa đã hội ngộ lại Tảo Triều - em gái kết nghĩa năm xưa.