Có vẻ Đăng Khoa cũng muốn ra mặt thị uy, đến thăm mà lúc thì trổ tài chơi đàn, khi thì làm thơ. Nói công bằng, rồng trắng đúng thật văn võ song toàn, cầm kỳ thi họa đều giỏi. Chàng ngồi bên cạnh Trọng Xuân, thơ nhạc cứ tuôn như suối. Về phần Tỉnh Vĩ có ai khích vào hay động viên thế nào cũng từ chối với lý do mình tài mọn không biết thơ văn, rồi lặng im chịu lép vế trước Đăng Khoa. Người ngoài cũng đành ngao ngán cho rằng Tỉnh Vĩ nhu nhược, cam chịu không biết đường lấy thể diện trước nương tử. Kẻ còn nói biết đâu hắn thực sự bất tài nên đành buông xuôi nhìn người khác lấy lòng vợ mình.
Đăng Khoa lấy đàn ra gảy mấy điệu nhạc tình. Đàn bằng cẩm lai sáng bóng không vết xước, họa tiết khảm ngọc trai lộng lẫy, liếc sơ đã đủ biết là đàn tranh trân quý. Trông thấy cây đàn ấy, Tỉnh Vĩ đang nâng ly trà bỗng bất thần run rẩy, trà đổ ướt tay áo cũng chẳng hay. Thống soái nhìn về phía Tỉnh Vĩ khẽ mỉm cười gật đầu, rồi tấu điệu nhạc say đắm mà thê lương khó tả.
Từ dạo đấy, tối nào người ta cũng nghe vọng từ nhà Tỉnh Vĩ tiếng nhạc âu sầu, đong đầy tâm sự, tiếng đàn hay tiếng lòng ai. Trọng Xuân lại có dịp nức nở khen Đăng Khoa. Đồng thời nàng cũng thắc mắc vì sao cung đàn quá nhiều tâm sự.
Thống soái gật đầu thừa nhận.
- Cung đàn mang nỗi lòng mà, nỗi lòng thật sự của chủ nhân đàn tranh này. Kẻ đó một thời chìm đắm trong yêu đương, mơ mộng, rồi buồn thay, ước mộng đang xây lại chìm trong bão tố, tan tát cả đóa hoa tình. Nhưng niềm đau chẳng phải chỉ một người đâu, còn một kẻ khác vạn năm đường đời đồng hành cùng một trái tim rỉ máu, tưởng đâu đã mãi mãi lạc vào ngõ cụt tối tăm cuối đường tình. Tiện đây ta có hai câu thơ hay đúng hơn là câu hỏi gửi cho một người, hỏi ai thì người có tâm sẽ hiểu...
"Thần long trọn kiếp hàm oan,
Cung đàn trăng khuyết cớ sao đoạn tình?"
Khi khách ra về rồi, trời vào khuya, cảnh vật yên giấc hết, Tỉnh Vĩ vẫn hoài thao thức ngồi bên khung cửa, ngón tay cứ vô thức gõ gõ lên mặt bàn gỗ. Mắt nhìn ra bầu trời đầy sao ngỡ đang đếm hết muôn vì sao lấp lánh mà cũng tựa đang tìm kiếm thứ gì bị màn đêm giấu mất. Trọng Xuân chợt thấy chạnh lòng trộm nghĩ chắc tướng công đang rất buồn vì trò đùa quá đáng. Thật tình cửu vĩ hồ cũng đâu dám tin Đăng Khoa yêu nàng nhiều tới mức thẳng thừng bày tỏ hết tình cảm đơn phương. Có lẽ mọi việc phải ngưng lại tại đây thôi... Nào ngờ khi nàng vừa định đến gần giải thích cùng tướng công thì hươu ngốc đã đứng phắt dậy, bảo phải ra chòi canh cây thuốc.
Nhìn lang quân đi khuất khỏi nhà, Trọng Xuân đang xót xa bỗng tức thì đổi thành ấm ức. Rành rành nàng có nam nhân khác dòm ngó mà hắn vẫn bình thản canh thuốc. Đặt trường hợp người khác ắt đã ráo riết giữ chặt nương tử từ lâu, riêng hắn lại hoài dửng dưng, thì ra hắn vẫn yêu thuốc hơn vợ mình.
Do đó, tối tiếp theo Trọng Xuân cứ vô tư cho thống soái bạch long tới chơi nhà, cứ ngồi sát người ta để tướng công trông sang. Đăng Khoa lại tiếp tục ngâm thơ tình da diết, đầy bi thương.
- U tình sắc trắng năm xưa,
Đâu bóng mỹ nữ duyên đưa tìm về?
Mắt huyền nhắc chuyện sao đêm,
Tóc ai làm gió càng thêm uẩn sầu.
Các binh sĩ theo hầu thật phải lựa lời khuyên nhủ thống soái đừng nên nhắc chuyện thời xa xưa khi tướng công của Trọng Xuân vẫn còn ngồi ngay đối điện. Thế mà bạch long mặc kệ, cứ mỉm cười nhìn lơ đãng ra bầu trời đêm, thuận miệng nói lời vu vơ.
- Tối nay trời nhiều sao quá, có người từng đố rằng giữa bao nhiêu sao trời ngôi sao nào là sáng nhất, và cũng chính người ấy đáp bất kỳ ngôi sao nào lấp lánh qua đôi mắt đen láy của nhân tình đều ngôi sao sáng nhất trời khuya. Long thần giờ vẫn nhớ mái tóc ngày xưa đấy, mái tóc phất phới trong cơn gió mềm mại của đêm. Tơ tình trái ngang chia lìa đôi lứa khiến cung đàn mãi thành khúc nhạc khơi lệ tình sầu, dây đàn chưa dứt tình đã vội xa, cung đàn chưa ngưng ai đã đoạn tình.
Giờ mọi người đều khẳng định Đăng Khoa đang tán tỉnh Trọng Xuân quá lộ liễu. Ai mà không biết cửu vĩ hồ đấy đẹp nhất chính là ánh mắt đen nhánh lấp lánh tựa sao trời cùng mái tóc dài mềm mại như dòng suối mơ. Còn màu trắng trong bài thơ thật không cần bàn, thống soái mang cốt bạch long nên sắc trắng chắc chắn đang ám chỉ chính bản thân chàng ấy. Đã vậy rồi mà Dược Thần vẫn lặng câm nhẫn nhịn.
Cửu vĩ hồ muốn châm thêm dầu vào lửa, liền hối thúc bạch long kể tiếp chuyện tình long thần đang dang dở. Đăng Khoa không từ chối cứ nói tiếp.
- Long thần ấy từng nhiều lần trong đêm khắc khoải gọi tên người tình, chập chờn trong cơn mơ tìm hình bóng cố nhân. Mà tìm sao được khi kỷ niệm là thoáng mây bay, khi ước mộng chắp cánh bay xa, cung đàn buông tiếng tơ lòng cũng chỉ còn trong dĩ vãng, lời hẹn thề vỡ nát cùng giấc mơ pháo đỏ rượu hồng. Kẻ nào đó có hiểu long thần cất giữ ân tình bao lâu không, có biết long thần cũng từng mơ tới ngày hạnh phúc chung đôi, ai chẳng muốn trọn vẹn với người mình yêu, lỡ làng là điều không người trong cuộc nào muốn.
Ngay bên hướng đối diện, Tỉnh Vĩ đang uống trà chợt đôi mắt hơi chớp chớp, hoang mang lạ lùng, tận lúc người ta vỗ vai trấn tĩnh hắn mới quay lại thái độ bình thường.
Có vẻ Đăng Khoa chưa chịu bỏ cuộc, cứ nhắc lại chuyện cũ.
- Năm ta mới hai vạn tuổi vốn rất thích xuống trần nghe người trần truyền miệng mấy vần ca dao mộc mạc mà trữ tình khó quên, có lời ca dao hồn nhiên vui vẻ, trái lại cũng có câu đau như cắt xé tim gan...
"Xuống sông ôm đá trầm mình.
Sao em lại nỡ bạc tình bỏ anh?...". Dược Thần có biết hai câu sau thế nào không?
Thống soái dường có ý muốn hươu ngốc nói tiếp hai câu ca dao còn dang dở nhưng hắn cứ thẫn thờ tròn mắt cả buổi trời mặc kệ mọi người xung quanh đang hiếu kỳ chờ đợi phản ứng. Hồi lâu sau hắn mới mở miệng, mở miệng không để đáp theo hai câu ca dao, mà để hỏi chỉ một câu.
- Là thật sao?
- Ta nói dối thì có được gì? - Bạch long đáp gỏn lọn.
Mấy tiểu tiên học việc lấp ló bên cửa nãy giờ mà chột dạ bàn tán rằng lời thống soái rõ ràng oán trách sư nương chúng bạc tình và chắc chắn đồng thời buộc tội luôn Dược Thần chia rẽ uyên ương. Bên kia, binh sĩ thì lựa lời khuyên nhỏ thống soái tốt hơn hãy dừng lại, vì dù gì Trọng Xuân đã là thê tử của Tỉnh Vĩ, thống soái cũng có chính thê. Tuy thế, Đăng Khoa chỉ bật cười đáp rằng biết mình đang làm gì, hơn nữa chàng còn viện cớ chuyện riêng tư mà dặn binh sĩ chớ thắc mắc hay xen ngang.
Và rồng trắng lại gảy đàn ngâm thơ, Tỉnh Vĩ cứ nhìn đăm đăm. Đôi mắt ai oán, tưởng sắp rơi lệ. Tiếng nhạc, lời thơ của thống soái rặt toàn nỗi lòng sầu đau tình yêu dang dở, vĩnh viễn chẳng thể sánh bước, có duyên gặp lại nhau xin nhìn nhau như bằng hữu. Lời bi thương đang nói hộ lòng người? Đăng Khoa muốn tỏ lòng cùng Trọng Xuân? Đang tiếc tình chưa chớm đã tàn? Không ai biết, chỉ biết lời ấy đủ làm Tỉnh Vĩ đau, đau đến không giấu được nỗi lòng, sắc mặt nhuốm màu u uất, xám xịt, hệt đóa hoa tình bị đặt giữa khu vườn cuồng phong. Đau nhưng Tỉnh Vĩ vẫn ngồi yên lắng nghe, lắng nghe lời bi lệ than thở, tự chuốc niềm đau rồi thầm nhìn về một phương, mắt đỏ hoe.
Vài đồ đệ cốt muốn giúp Dược Thần tránh xa cảnh chướng mắt khi nam nhân khác tán tỉnh nương tử nên nhiều lần kiếm cớ nói trong nhà có việc, cần thầy vào giải quyết. Tuy nhiên hươu ngốc toàn gạt ra, còn bảo hắn tiếp khách, không muốn người ngoài làm phiền. Hươu sao cứng đầu mãi rồi ai cũng nản chí, xem như hắn thích đau thì mọi người chiều lòng thôi.
.............................................
- Không ngờ anh Đăng Khoa còn biết vẽ tranh đấy. - Trọng Xuân hớn hở nhìn lên món quà thống soái mang sang.
- Thật ra... Ô... Ờ! Là ta vẽ tặng em đấy.
Phần Tỉnh Vĩ nhìn bức tranh thì ngậm ngùi cất giọng.
- Thì ra vẫn quay đầu nhìn lại.
- Đúng là có nhìn lại, tiếc rằng người kia một mực quay đi, nếu cùng nhìn lại biết đâu đã khác, giờ có hối hận không?
- Giờ này mới hiểu nỗi lòng, mình đau người nào có yên. - Tỉnh Vĩ nhìn về phía Đăng Khoa tiếp lời.
Chẳng là lần này rồng trắng mang sang hẳn một bức tranh lớn gọi là món quà tặng người xưa. Chàng mong người ngắm tranh sẽ hiểu chuyện năm cũ. Mặt giấy rành rành hình ảnh cả cánh đồng cỏ lau trắng dưới ánh trăng, trăng tuy khuyết nhưng bóng trăng vẫn nhuộm sáng cả đồng lau. Lau ngả nghiêng theo chiều gió, nhấp nhô như sóng triều. Xa xa có hai bóng mờ đi về hai phía, một bóng lạnh lùng đi thẳng, một bóng còn cố ngoái lại mong chờ.
Binh sĩ lại được phen lo lắng thống soái làm việc không hợp đạo nghĩa. Mới hôm trước dẫn hồ nữ ra đồng cỏ lau kể chuyện long thần yêu đương xa xôi, giờ vẽ hẳn cả đồng cỏ lau ra để tỏ lòng, bạch long nhẽ nào phớt lờ cả đạo lý luân thường.
Tỉnh Vĩ làm như không nghe, cứ đưa tay ra chạm nhẹ lên ngay chỗ cái bóng mờ trong tranh, ngậm ngùi hỏi: "Sao quay đầu mà không gọi tên, tại sao nhìn theo mà không để ai biết, sao phải ôm khổ một mình, bỏ lại dư hương trong giấc mộng, đời vạn năm mất vui khi vắng một người."
Mọi người đang thưởng họa, chợt Đăng Khoa ôm vai Trọng Xuân kéo sát vào, chỉ chỉ gì đó trên bức tranh. Binh sĩ liền chạy lên nhắc khéo, mà bạch long cứ bỏ ngoài tai, tiếp tục thì thào cùng hồ nữ. Cửu vĩ hồ thoáng chốc cắn rứt, lo lang quân hiểu lầm, nhưng mới hơi ngoái về phía sau đã bị rồng trắng ôm đầu tựa hẳn vào vai mình, không cho nàng cơ hội nhìn lại.
Thưởng họa xong thống soái lại tiếp tục trổ tài chơi đàn tranh. Đăng Khoa bảo đêm nay sẽ đặc biệt tấu một điệu nhạc học được dưới phàm trần, nhạc hơi lạ tai nên chàng mong đừng ai cười chê. Và lúc bạch long rung dây tơ, đa phần ai cũng công nhận điệu nhạc thật lạ. Giai điệu có chút bi thiết, oán hờn mênh mang, khá khác biệt nhạc thần giới ru hồn, mê đắm.
Tỉnh Vĩ ngồi nghe rồi gõ gõ ngón tay theo từng nhịp đàn liu - liu - xế -... Binh sĩ thấy hươu ngốc gõ tay từng nhịp khá khớp cung đàn, mới ngộ ra hắn cũng biết âm luật đôi chút.
Rồng trắng thấy hươu ngốc đã cảm nhận được cung nhạc liền cất lời hát cùng tiếng đàn buồn.
"Trời Nam một cõi, vẻ vang anh kiệt.
Uy danh sấm dậy, ai dám tranh hùng..." (*)
Lời hát chưa dứt, dây đàn chưa ngưng mà sắc mặt Tỉnh Vĩ bất thần từ bình thường liền chuyển sang giật mình. Thần sắc hắn thời điểm này mới đúng tồi tệ nhất trong suốt những ngày Đăng Khoa cận kề Trọng Xuân. Hắn ta cứng đờ cả người, tay run rẩy hồi lâu mới mở miệng nói.
- Phụng Cầu! Là điệu Phụng Cầu.
Đăng Khoa vẫn không dừng tay, cứ nâng dây tơ đàn.
- Đúng là Phụng Cầu, hay còn gọi là Phụng Cầu Hoàng. Cuối cùng cũng nghe ra!
Binh sĩ lẫn Trọng Xuân lúc này đều hoảng hốt, vì truyền thuyết ngàn đời có lưu giữ câu chuyện chim phụng và chim hoàng đời đời sánh đôi, sống chết không rời. Thống soái lại tấu điệu nhạc mang tên đôi chim này, lẽ nào... Trọng Xuân sợ tới tái mặt, ban đầu vốn chỉ định chọc Tỉnh Vĩ ghen tuông, chẳng lẽ đã lỡ làm Đăng Khoa hiểu lầm nàng có tình ý. Còn dùng điệu nhạc mang tên đôi chim phụng - hoàng, phải chăng đang ra mặt muốn nối tình.
Ngay lúc ấy, Tỉnh Vĩ bỗng chạy ra sau nhà cầm lên một... thanh trường kiếm, thanh kiếm tuy cũ nhưng sát khí tỏa ra quả thật không đùa được. Hai tên binh sĩ liền đứng lên, tuốt gươm bảo vệ Đăng Khoa, thống soái lúc này mới ngừng tay, cười bảo.
- Lo bò trắng răng rồi, hắn không hại ta đâu.
Quả là vậy, Tỉnh Vĩ chẳng hề có chút động thái muốn giết người, cứ nhìn không chớp mắt về phía Đăng Khoa thật lâu rồi mới nói chỉ đúng một câu.
- Tôi đi ra ngoài!
Đến khi hắn đi khuất, Đăng Khoa đánh mắt sang bên đối diện căn dặn phó soái.
- Tảo Triều! Đi theo đi! À, sẵn tiện nhớ cất luôn đàn tranh.
Phó soái gật đầu nhận lệnh rồi ôm đàn tranh chạy theo hướng Tỉnh Vĩ vừa đi.
Nhận ra Trọng Xuân lộ rõ hoang mang, Đăng Khoa lựa mấy lời trấn an.
- Ta bảo Tảo Triều đi theo Tỉnh Vĩ rồi, nếu em chưa an tâm thì chúng ta cùng đi tìm.
Suốt cả đêm tìm khắp nơi mà vẫn chẳng thấy bóng dáng con hươu ngốc đâu, cửu vĩ hồ mới biết mình đùa quá trớn rồi. Từ nhỏ đến giờ chỉ biết mỗi mình hắn chứ nào có yêu thêm ai khác, chỉ muốn chọc hắn ghen tuông, ai ngờ bỏ đi biệt tích, lỡ làm gì dại dột thì nàng tìm đâu ra hươu ngốc thứ hai. Nghĩ đến đấy Trọng Xuân không chịu nổi, khóc um lên.
- Em chỉ muốn chọc ghẹo Vĩ lang ngốc nhà em thôi, nào ngờ hắn tưởng thật, đi một mạch, có việc gì thì em biết sống sao.
- Đừng khóc nữa! Tỉnh Vĩ có ngốc cũng không ngốc đến mức làm chuyện hại mình, em bình tĩnh rồi từ từ sẽ tìm thấy.
- Mọi chuyện vừa qua thật ra em không có ý gì đâu, anh Đăng Khoa đừng hiểu lầm, trước giờ trong lòng em không có ai khác ngoài Tỉnh Vĩ... - Hồ nữ vội giải thích.
- Ta biết thừa mà, cũng định cùng em trêu chọc hắn thôi.
Nghe đến đây Trọng Xuân cũng nhẹ nhõm phần nào. Vừa hay phó soái tìm đến bảo rằng đã tìm được và đưa Tỉnh Vĩ về nhà. Hay tin, cửu vĩ hồ liền mừng quýnh, chẳng kịp từ biệt ai, một mạch chạy thẳng về nhà tìm hươu sao của mình.
Bước đến phòng ngoài, nàng đã thấy Tỉnh Vĩ ngồi trên ghế, ánh nhìn xa xăm, khóe mắt vương vương lệ, nhưng nét mặt nhẹ nhõm hơn trước kia nhiều.
- Vĩ lang khóc vì em sao? Em xin lỗi, em ấm ức vì tướng công mải lo công việc không quan tâm em nên muốn chọc chàng ghen thôi. - Hồ nữ mở lời hối lỗi trước.
- Ờ! Thôi việc qua rồi! Đừng nhắc nữa.
- Chàng nhớ đấy, sau này không được bỏ bê em nữa, nương tử xinh đẹp của chàng còn nhiều người để ý lắm.
- Tôi biết rồi. Sau này trong lòng tôi chỉ một mình nàng thôi. Nào đi ngủ!
Chắc mẩm mưu kế thành công mỹ mãn, Tỉnh Vĩ đã hiểu rõ giá trị của mình nên Trọng Xuân khoan khoái chìm vào giấc mộng đẹp.
Chờ đến khi Trọng Xuân an giấc, Tỉnh Vĩ nhẹ nhàng bước ra sau nhà, khẽ gọi.
- Đường Lệ! Văn Kiệt và Văn Triều ngủ chưa?
- Hai nhóc hồ ly nhà anh vừa về đã lăn ra ngủ.
Tỉnh Vĩ vuốt nhẹ má hai cửu vĩ hồ. Nhóc con ngủ, hai má phúng phính đáng yêu vô cùng, đôi lúc còn trông giống lợn hơn là hồ ly.
- Chị Ngọc My chăm hai nhóc này tốt nhỉ. - Tỉnh Vĩ thầm cất lời khen.
- Bạch thố của ta không tốt thì ai tốt hơn được. - Giọng người từ trong bóng tối vọng ra làm Tỉnh Vĩ giật mình.
Khi trấn tĩnh nhìn kỹ lại, đôi môi hươu sao khô khốc nở ra nụ cười rạng ngời. Truyện Khoa Huyễn
- Anh... Đăng Khoa! Sao anh vào đây được?
- Dĩ nhiên là trèo vào, cái cửa sổ này anh trèo vào từ nhỏ đã quen lắm rồi. Con hươu nhà ngươi thật tệ, anh về lâu đến thế mà tận hôm nay mới nghe được ngươi gọi tiếng "anh". Mang tiếng huynh đệ sinh tử chi giao mà ngươi chỉ biết mỗi Tảo Triều thôi, đến bốn huynh muội không nhìn nhau cũng vì chuyện ngươi và Tảo Triều. Vừa đến cổng Thiên Cung, chưa chào hỏi ai, ta đã phải bỏ cả hàng ngũ, lấy tấm thân chinh chiến sa trường này làm khiên chắn cho hai ngươi. Mà đàn tranh của ngươi khó chơi thật, đau hết mấy đầu ngón tay, đúng là về khoản chơi đàn ta muôn đời vẫn thua ngươi.
- Anh Đăng Khoa hôm ấy quả nhanh trí, vừa thấy em ra ám hiệu đã biết lấy thân che mắt chị Trọng Xuân lại. Em cũng sợ đến rụng cả hai chân, lúc đấy anh Tỉnh Vĩ không biết mắt mình nhìn chị Tảo Triều đau đớn oan nghiệt đến thế nào đâu. Đã nghiến răng, nghiến lợi mà còn hỏi vì sao người ta quay về cho mình đau lòng. Em toát cả mồ hôi, lo có người nhận ra sự thật. - Đường Lệ vừa tiếp lời Đăng Khoa, sẵn thêm luôn mấy lời trách móc Tỉnh Vĩ.
..................................
Quả là sự đời, mắt thấy chưa chắc là thật, tai nghe chưa hẳn là đúng. Ai bảo những ngày qua Đăng Khoa khiêu khích Tỉnh Vĩ, ai nói hươu ngốc ngầm hằn học bạch long, có những điều chỉ người trong cuộc am tường chứ người ngoài không bao giờ lường nổi. Giống như tiên hữu Thiên Cung có mấy ai biết Tỉnh Vĩ và Đăng Khoa... lớn lên cùng nhau. Được mấy kẻ hay bốn người Đăng Khoa, Tỉnh Vĩ, Tảo Triều, Đường Lệ từng một thời bằng hữu thân thiết, rồi chỉ vì chút mâu thuẫn nhỏ giữa Tỉnh Vĩ và Tảo Triều mà bốn thần tiên dứt ân tình, hóa thành xa lạ.
Riêng mọi việc khiến tiên hữu hiếu kỳ mấy ngày nay đều đã nằm trong kế hoạch. Tất cả phải bắt đầu kể từ hôm Túc Mễ bày trò cùng Trọng Xuân. Ngày ấy, Đường Lệ dẫn hai nhóc hồ ly đi chơi, tình cờ loáng thoáng nghe được việc Diêm Thần rỉ tai hồ nữ về mưu kế xa xăm. Ban đầu cô nàng định bụng sẽ bỏ qua, vì nghĩ Tỉnh Vĩ sao mà ghen với Đăng Khoa được, và Đăng Khoa cũng... chưa từng yêu Trọng Xuân. Tuy vậy, khi về nhà, tia nắng nhỏ nhận được lá thư Đăng Khoa báo tin sắp về Thiên Cung, cả Tảo Triều cũng về theo. Trong thư, thống soái bảo luôn khát khao giây phút bốn huynh muội hòa đàn ngâm thơ giống thuở xa xưa, tiếc thay chỉ vì ân tình dang dở giữa Tỉnh Vĩ và Tảo Triều mà ước muốn ấy quá đỗi xa vời.
Thực lòng Đường Lệ cũng giống Đăng Khoa, ngóng mong ngày tương phùng, bỏ hết hận tình năm cũ, lại vô tư hàn huyên chuyện đời như thời ngây thơ... Biết hận tình giữa hươu ngốc và Tảo Triều cơ bản là hiểu lầm, chỉ cần có cách từ từ tháo nút thắt lòng, hai người họ sẽ tự làm lành, Đường Lệ đã âm thầm cùng hai bằng hữu kết nghĩa lợi dụng chính kế hoạch của Túc Mễ. Mọi người để Đăng Khoa vờ quấn quýt Trọng Xuân, khiến cửu vĩ hồ phân tâm, nhằm tạo điều kiện cho một cặp đôi ngang trái có nhiều thời gian gần gũi.
Tiên hữu ai cũng chú tâm quan sát xem bao giờ thống soái phát sinh chuyện tư tình cùng Trọng Xuân chứ nào để ý tới phó soái làm gì. Họ mãi cứ hóng hớt đến mức quên để ý cả chuyện phó soái là... nữ nhân, một hắc long nữ xinh đẹp. Và những khi Đăng Khoa đến thăm ngoài hai binh sĩ theo hầu còn có phó soái thân cận. Lúc Đăng Khoa sánh đôi ngắm cảnh cùng Trọng Xuân, Tỉnh Vĩ sau lưng cũng chưa hề đi một mình, hắn chung bước với... Tảo Triều. Lúc Trọng Xuân ngồi kề bạch long, phía đối diện hươu ngốc ngồi cùng long nữ, hai người làm gì với nhau chắc chỉ... cái gầm bàn biết tường tận.
Lời thơ, lời kể chuyện, ai cũng phán đoán là giải bày tiếc nuối cho một mối tình đau thống soái dành cho hôn thê cũ, nhưng thực chất thì... Đăng Khoa chỉ nói nhân vật trong chuyện tình là long thần chứ đâu bảo là bản thân mình, càng không nói là nam hay nữ. Thế gian nữ nhân mang đôi mắt huyền cũng đâu riêng mình Trọng Xuân, thống soái cũng không hề xác nhận "mỹ nữ năm xưa" hay "mắt huyền" trong bài thơ là nhắc tới hoàng nữ Hồ tộc.
Và mọi người càng quên mất, bạch long chưa từng khẳng định bao lời suy diễn từ chúng tiên hữu là đúng hay sai... Im lặng không có nghĩa là đồng ý...
(*) Bài Từ Hải Thọ Tiễn theo điệu Phụng Cầu.