Trần Dương theo anh Hồ vào trong, bên trong là khoảng sân xanh um cây cối, cảnh sắc đẹp vô cùng. Song chắc bởi do thời gian qua lâu, cây cối ở đây cao to và rậm rạp hơn lẽ thường. Bước đi dưới bóng râm ấy, cảm giác mát lạnh từ bàn chân xộc thẳng lên khiến người không khỏi rùng mình.
Hơn nữa, phần lớn cây cối được trồng trong sân là cây hòe, cây liễu cây dâu và cây dương.
Cây hòe thì không cần nói, đó là loài cây có tiếng dễ gọi quỷ đến. Lại nhắc đến trong số ‘loài cây của quỷ’, trong dân gian có cách nói, ‘Trước không trồng dâu, sau không trồng liễu, càng không được trồng cây dương – quỷ vỗ tay’. Bởi lẽ từ ‘dâu’ và ‘tang’ đồng âm, còn ‘liễu’ và ‘lưu’ đọc gần như nhau, còn quỷ vỗ tay là chỉ lá cây dương dù không có gió cũng sẽ luôn rì rào xào xạc. Mấy loại cây ấy không được cát tường. Tóm lại, chủ nhà sẽ không trồng những loại cây ấy trong sân để tránh gây tai dẫn họa.
Nhưng chủ nhân của ‘Đổng trạch’ này lại dùng cách hoàn toàn trái ngược.
Trần Dương nhìn xung quanh sân, thấy nơi này tà môn lắm. Anh giữ anh Hồ lại ý muốn rời khỏi đây, tiếc là anh Hồ chỉ lo lôi kéo làm quen với người đàn ông đưa họ vào cửa, hoàn toàn chẳng chú ý đến Trần Dương đang nháy mắt với mình. Thật ra trong lòng Trần Dương cũng hiểu, dù thấy nhưng chắc chừng anh Hồ vẫn sẽ khăng khăng cố chấp thôi.
Con người hễ tới tuyệt cảnh rồi, dù trước mắt có phải là chiếc phao cứu sinh hay không thì vẫn luôn liều lĩnh thử một lần.
Người đàn ông kia dẫn họ đến nhà chính, ánh sáng bên trong nhạt nhòa, những đồ gia dụng cổ xưa cũ kỹ. Nơi đối diện cửa treo một bức tranh, trong bức tranh là một người con gái rất xinh đẹp ăn mặc theo kiểu thời Minh thời Thanh, nàng hệt như một tiểu thư khuê các. Nàng hơi cúi đầu để lộ cần cổ trắng nõn nà, không thể thấy rõ mặt nàng, nửa người nàng hơi xoay về phía miệng giếng.
Thoạt nhìn, bức tranh này tả cảnh bên cạnh giếng, một cô gái nơi khuê phòng đang nghĩ mình lại xót cho thân.
Người vẽ bức tranh hẳn phải có kỹ thuật rất cao siêu, chỉ một cái bóng đơn giản ấy thôi mà lại phác họa rất tinh tế sâu sắc vẻ đơn côi và u oán của người con gái ấy, khiến cho bất kỳ ai nhìn thấy cũng đều muốn chạy tới ôm nàng vào lòng tùy ý yêu thương.
Lúc thấy bức họa này, biểu tình Trần Dương rất lạ.
Bức họa này sao quen thế, nhưng anh nghĩ mãi chẳng thể nào nhớ nổi mình đã thấy ở đâu. Ngay vào lúc bước vào phòng này anh Hồ đã bị bức họa cám dỗ, chẳng chống cự được bước đến trước bức họa, ánh mắt dại ra. Vừa thấy vẻ mặt đó của anh Hồ, Trần Dương đã biết không đúng, anh phóng tới tát cho anh ấy mấy cái. Sau khi bị hai cái bạt tai nảy lửa, miệng chảy máu, thần trí hoảng hốt của anh Hồ mới về lại. Anh ấy nhăn mặt nhíu mày vuốt mặt mình, “Trần Dương, cậu làm gì đó?”
Trần Dương giật giật mắt, dường như vừa rồi người con gái trong tranh hơi ngẩng đầu lên, song khi anh nhìn qua thì nàng ta lại hơi cúi đầu xuống.
Chẳng lẽ là anh hoa mắt? Trần Dương đăm chiêu.
Ngay vào lúc anh Hồ định tiếp tục nói gì đó với Trần Dương, một người đàn ông đi tới từ cánh cửa bên hông. Vừa trông thấy thì Trần Dương nhận ra đó lại là một người quen, đây không phải gã côn đồ mấy năm trước ư? Năm đó anh là một tên sai vặt của mấy tên côn đồ, anh không có cơ hội được nói chuyện nhưng đã từng gặp qua vài lần.
Dù năm đó anh Hồ phải trải qua sự việc kia nhưng chưa từng qua lại trực tiếp với bọn côn đồ, dù sao bản thân còn bao nhiêu việc lớn phải lo sao chúng có thể để ý tới việc thu phí bảo kê cỏn con kia được, thế nên anh Hồ không nhận ra gã.
Trần Dương nhớ lại, tên côn đồ này tên Đổng Thành Phương. Phương Chí đã đưa cho anh xem tài liệu cá nhân của anh Bưu, trên đó viết rất rõ anh Bưu tên Trần Bưu, hai người này khác họ nhau, Đổng Thành Phương sao lại ra mặt vì anh Bưu nhỉ?
Đổng Thành Phương là một gã đàn ông khoảng hơn bốn mươi, cả người cường tráng, mặt mày hồng hào, mới thấy đã biết là một kẻ có địa vị sống rất sung sướng trong xã hội. Song mắt gã lại hệt như mắt loài rắn rết, cứ hay đảo quanh người khác khiến họ nổi da gà.
Trần Dương nhìn anh Hồ cứ liên tục chà hai tay vào nhau, “Ngài… ngài Đổng…”
Đổng Thành Phương hừ mũi xem như đáp lời.
Trực giác bảo với Trần Dương rằng trong chuyện này có ẩn khuất gì đó. Trước đó anh Hồ bảo với anh rằng chưa từng gặp gã họ Đổng này bao giờ, nhưng bây giờ không giống như đây là lần gặp mặt đầu tiên. Anh hy vọng mọi chuyện không như phán đoán của anh. Ấy vậy mà, chuyện xảy ra tiếp đó lại chứng minh trực giác chưa bao giờ lừa gạt hay bán đứng anh, không như con người hay sự việc khác.
Anh Hồ không dám nhìn Trần Dương, anh ta cất tiếng bảo, “Tôi đưa người đến rồi, ngài xem chuyện kia thế nào?”
Đổng Thành Phương phẩy tay, “Đi nói chuyện với mấy tên thuộc hạ của ta đi.”
Lời gã vừa dứt, một tên đàn ông bước vào dẫn anh Hồ đi. Trần Dương không nhìn anh Hồ lấy một lần, đây không phải lần đầu tiên anh đối mặt với chuyện bị bán đứng thế này. Song anh không thể ngờ được lần này lại là anh Hồ – một người có cái khẳng khái chính trực của đàn ông như thế. Xem ra phải luồn cúi nhiều năm trong xã hội, chỉ luyện được xương cốt bị bẻ cong.
Người như thế, dù có ở trước mặt Trần Dương cũng sẽ không nhìn đến lần hai.
Anh Hồ chắc chừng cũng biết tính tình Trần Dương, anh ta xấu hổ rời đi cùng người đàn ông kia, tấm lưng vốn thẳng giờ đây khòm xuống. Rõ ràng vẫn cùng là một người, ấy vậy mà đã mất đi cái vẻ đội trời đạp đất mà thành bè lũ xu nịnh. Từ lâu Trần Dương đã biết vì sinh tồn con người có thể làm đến mức nào, chẳng qua anh không ngờ được ngay cả anh cũng bị lôi vào chuyện này. Anh quay đầu nhìn Đổng Thành Phương, Đổng Thành Phương đanh mặt nhìn anh. Hai người chòng chọc nhìn nhau. Trần Dương thấy hình như đang phải tiếp xúc rất gần với một con rắn độc.
Chẳng hề kích động, Trần Dương hỏi, “Ngài Đổng đưa tôi tới đây là vì sao?”
Đổng Thành Phương cười khẽ bảo, “Mấy trăm năm trước chúng ta là người một nhà, Đổng gia chúng ta cũng là từ làng Vọng của mấy cậu mà ra cả.”
Đây là định nhận họ hàng? Giờ đâu phải thời điểm lưu hành chuyện đồng tông luận tổ mấy trăm năm trước?
Chẳng qua, nếu đối phương đã nói thế, Trần Dương bèn ngẩng đầu nhìn thoáng qua bức họa kia. Khó trách anh lại cảm thấy bức tranh này quen quen. Miệng giếng kia, còn có cả căn đình bên cạnh giếng, không phải là đống hoan tàn của căn nhà cũ nơi làng Vọng ư? Trong lòng anh nảy sinh một ý nghĩ kỳ lạ, chẳng lẽ người con gái này là cô vợ bé nhảy giếng tự sát trong lời đồn?
Đúng lúc này, anh phát hiện cô gái trên bức tranh đúng là đã đổi tư thế.
Nàng vốn nghiêng đầu sang trái, hiện lại nghiêng sang phải.
Mi tâm Trần Dương giật giật, anh không biểu cảm gì dời mắt đi. Anh thấy nếu không phải đối phương quá ngốc thì đó là kẻ tự coi anh là một thằng ngốc. Anh thẳng thừng, “Người quang minh chính đại không úp úp mở mở, ngài Đổng cần tôi giúp gì thì cứ nói thẳng đi.”
Đổng Thành Phương lại phá ra cười ha hả, hệt như con rắn hổ mang giả trang thành Phật Di Lặc, “Không có việc gì đâu, ta chỉ muốn mời cậu – người cùng tộc – ở lại chỗ ta vài ngày. Cậu không biết đâu, nhiều năm như thế, trong dòng chính của Đổng gia chúng ta chỉ còn lại mình ta, chẳng có một kẻ đời sau nào, ta đau buồn lắm đấy.”
Trần Dương vô cùng khinh khi mấy lời nhảm nhí này, nhưng sau khi liếc mấy gã đàn ông cao lớn thô kệch trông coi cửa, anh lẩm bẩm, “Ở thì ở.”
Vì thế, Trần Dương cứ như vậy rất hợp lẽ thường ở lại nhà này.
Ngoại trừ việc không thể ra khỏi cửa, Trần Dương vô cùng tự do, anh có thể đi khắp mọi nơi. Đổng trạch này là một đại viện lớn trước sau có ba khoảnh sân lớn đã hơn trăm tuổi nhưng lại chỉ có mỗi Đổng Thành Phương cư ngụ, rất nhiều phòng phủ lớp bụi dày. Có một lần sau khi dùng cơm rồi, Trần Dương nhàm chán bước vào khu sâu sau cùng kia thì thấy cửa nhà chính mở toang, bên trong có hai người già đang quét dọn.
Trần Dương bước qua xem thử. Trong nhà chính là những bài vị được sắp xếp ngay ngắn. Anh xem từng cái một, hai cái tên lâu đời nhất trên bài vị là hai cái tên mà trên tộc phổ Trần gia nơi làng Vọng cũng từng xuất hiện, đó là tên của lão chủ thôn và cô vợ bé của lão. Xem ra ít nhất về mặt này Đổng Thành Phương không dối gạt, họ đúng là người một nhà vào hơn ba trăm năm trước.
Trần Dương không biết rốt cuộc Đổng Thành Phương muốn làm gì. Không phải anh chưa định thử chạy trốn, tiếc là đừng tưởng căn nhà này nhìn sơ qua thì như món đồ cổ, thật ra lại trang bị tận răng những thiết bị ghi hình giám thị công nghệ cao đấy, đó là chưa kể đến khắp nơi dày đặc vệ sĩ và chó săn.
Mỗi lần Trần Dương mới vừa tới gần bức tường cao hơn mười mét thì có người chặn anh lại rồi mời anh trở về. Trần Dương sa sầm mặt ngồi dưới bóng râm cây hòe già, gió thổi khiến lá cây rung lên xào xạc. Giữa đám cây cối u ám um tùm như có vô số yêu quỷ đang ẩn thân.
Trần Dương ở lại căn nhà cũ này ba ngày.
Vào một buổi tối ba ngày sau, rốt cuộc Đổng Thành Phương mới từ ngoài trở về. Lúc về gã tìm Trần Dương trước tiên, rồi vẫn vẻ mặt tươi cười như thể chẳng hề tức giận điều gì, gã bảo, “Đến lúc có chuyện nhờ cậu giúp rồi.”
Trần Dương nhướng mày, đã chịu lên món chính rồi à?
Trần Dương bị người áp giải đến sân sau, căn phòng bị khóa ở đó hiện đã được mở. Trong căn phòng ấy sạch sẽ ngăn nắp và không một vật gì, chỉ có hai cỗ quan tài một đỏ một đen ngay chính giữa. Liếc cỗ quan tài màu đen bên trái, mắt Trần Dương tối lại. Sao anh cứ cảm giác đây là cỗ quan tài đã từng xuất hiện trong đội ngũ đưa tang ở ngã tư đường hôm ấy. Nhưng vì sao quan tài lại xuất hiện ở đây, anh những tưởng đó chỉ là ảo giác.
Đổng Thành Phương kêu thuộc hạ mở nắp quan tài bên phải ra, sau đó cười bảo, “Cậu cũng là hậu nhân của Đổng gia, có vài việc cần cậu bỏ chút sức.”
Tiếp theo, gã kêu thuộc hạ trói Trần Dương lại khiêng anh vào quan tài, sau đó đậy nắp lại.
Trần Dương đành bất lực nhìn ánh sáng dần bị nắp quan che mờ, từ chân bắt đầu tối dần. Tiếp đó anh nghe thấy bên ngoài đang có người đóng đinh, một đinh, hai đinh, ba đinh… Sau khi đóng đinh quan tài lại xong, họ còn dùng giấy trắng dùng để vẽ bùa dán kín những khe hở trên quan tài lại, thậm chí có nhà còn chú trọng đến mức để lên một cây trẩu.
Trần Dương gần như có thể cảm nhận được những người bên ngoài đang tiến hành theo những bước ấy.
Rồi không biết qua bao lâu, anh thấy không thở nổi, thiếp dần đi.
Và Trần Dương cảm giác trong quan tài chật kín người.