(Ảnh: Internet)
Bỗng có người gõ vai, tôi giật mình quay lại. Gương mặt của vị sư phụ áng ngay tầm mắt, tôi chỉ biết há hốc mồm.
- Ngươi thấy ta quá soái có phải không? - Sư phụ hỏi, giọng hóm hỉnh.
Tôi nghe xong câu kia thì ôm bụng cười như điên. Ngài uống một ngụm rượu từ bầu hồ lô, phẩy chiếc quạt rách rưới vào mặt tôi, nói thật tỉnh:
- Nữ thí chủ không cần ngạc nhiên trước dung mạo này của ta bởi vì “sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Dung mạo dù cho đẹp đến đâu cũng là vẻ bề ngoài, quan trọng là trong này. - Ngài nó đồng thời đập quạt phành phạch lên lồng ngực.
Tôi thấy thấm câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Nhưng qua lời của ngài sao lại ra một câu chuyện hài như vậy? Lần này, tôi thêm chắc chắn ngài chính là Tế Công phật sống. Một nhà tu, chưa xuống tóc, uống rượu, hát nghêu ngao, trần tục trong tâm vốn dĩ vứt bỏ từ lâu. Tôi tằng hắng mấy tiếng, cung kính chắp tay, cúi đầu:
- Tiện nữ xin chào Tế công sư phụ!
Đang cười tươi thì nụ cười kia thu lại, ngài hỏi:
- Ai nói bần tăng là “Tế Công?”
Tôi ngẩng mặt lên nhìn lại lần nữa, quả thật rất giống với tạo hình các phiên bản của Tế Công phật sống trên tivi. Từ quần áo, nón vải, hồ lô rượu và cây quạt tả tơi kia. Thêm nữa, đây là năm Thuần Hy thứ nhất đời nhà Tống mà Tế Công lại sống vào đời Tống, rất có thể chính là ngài.
Tôi nheo nheo mắt, chau mày quan sát. Gương mặt của ngài quả thật rất tuấn tú, nếu đem tóc rối bời kia cắt đi, mặc một bộ y phục mới thì hẳn sẽ khác. Tôi gãi đầu, rồi nói tiếp:
- Nếu không phải Tế Công sư phụ, vậy thì ngài là ai?
- Bần tăng à? - Ngài lại cười, quạt rách phe phẩy trước ngực, trông như một cao tăng đắc đạo. - Bần tăng không dám giấu gì nữ thí chủ, pháp danh của bần tăng là Đường Đạo Minh, hiện đang học phật tại chùa Linh Ẩn.
- “Linh Ẩn Tự?”
- Vâng thưa thí chủ. Chính là Linh Ẩn Tự.
“Linh Ẩn Tự” thì đúng còn “Đường Đạo Minh” thì không đúng. Tôi thở dài thất vọng, lúc nãy còn nhầm là Tế Công phật sống. Mà thôi đi, bà đã bảo đợi thì tôi cứ đợi, lâu một chút cũng không sao. Tôi cứ ngoan ngoãn mà chờ kết quả. Không gấp, không gấp, tất cả đều dựa vào duyên số. Tôi thở dài, hai tay cầm ô giấy nâng thành quyền trước ngực, cúi chào vị cao tăng Đường Đạo Minh kia.
- Nếu đã vậy tiện nữ đã đắc tội với Đạo Minh sư phụ, xin cáo từ!
- Này, nữ thí chủ, xin chậm một chút! - Ngài bước lên, quạt vẫn luôn trên tay đưa tới đưa lui, vừa đi vừa nhảy, nói những câu đầy ý tứ. - Đợi một loài hoa nở, có khi phải đợi cả đời mới thấy hoa rực rỡ. Đời người vốn ngắn ngủi, đã không thuộc về nơi đây, tuyệt đối đừng quyến luyến. Sau này rời đi, chỉ còn lại đau lòng.
Tôi nghe hết mấy lời chân thành của ngài, song vẫn còn nhiều thắc mắc, liền mạo muội hỏi thêm:
- Ngài có thể nói rõ hơn được không? Tiện nữ muốn biết!
- Kiếp trước kiếp này đều như nhau, số đã định uyên ương mãi mãi cũng không được bên nhau. Hà tất phải đi ngược thiên ý.
Tôi đã không thể hiểu được hết ý nghĩa những gì ngài muốn khuyên tôi, ngài càng giải thích càng mơ hồ. Cái gì mà “số đã định” rồi “đi ngược thiên ý.” Tôi cắn môi, như đã quyết bèn bạo gan rành rọt:
- Đúng, tôi là kẻ đi ngược thiên ý, xuyên không đến đây. Một công dân bình thường của thế kỷ hai mươi mốt, nơi tôi ở là xóm nhỏ tên Trường Tấn. Vào đêm ba mươi Tết do ngã cầu thang ở nhà hàng của chú Chín mà đến. Mượn thân thể của người khác để sống tiếp cuộc đời. Nhưng tất cả không phải tôi cố ý cải lại ý trời, không thể trách tôi được.
Ngài lắng nghe chăm chú, đợi tôi vừa dứt câu liền phì cười:
- Nữ thí chủ thì chính là nữ thí chủ. Một nghìn năm trước, một nghìn năm sau chỉ cách nhau một nghìn năm, đều là một mà.
“Một nghìn năm trước, một nghìn năm sau chỉ cách nhau một nghìn năm.” Câu nói này, câu nói này tôi đã nghe từ kiếp trước. Chính cái lúc gặp ma ở ngã tư nọ, chẳng lẽ người bí ẩn mặc áo tu hành trên đường lớn là Đạo Minh sư phụ sao? Trôi theo dòng suy nghĩ cho đến khi ngài uống hết rượu trong bầu tôi mới định thần trở lại. Ngài cười rồi nói tiếp:
- Ấn đường nữ thí chủ đột nhiên đen tối. Đi mau, cẩn thận họa ập xuống đầu.
Dứt lời, ngài lại hát câu hát quen tai. Chân nọ nhảy, chân kia đá, khiến lũ trẻ con trên phố bảo nhau chạy theo sau ngài múa hát, chọc ghẹo. Cứ như vậy câu hát bay qua các ngõ, vang xa từ đầu phố đến cuối phố.
Thôi rồi, chỉ là người giống người. Tôi nhún vai, nói một mình:
- “Đại hoạ”, có cần hù tôi tới mức quá đáng vậy không? So với chuyện tôi xuyên tới Nam Tống, thử hỏi còn đại hoạ nào đáng sợ hơn? Vừa nãy tôi còn nghĩ ngài là Tế Công phật sống nữa đó. Rốt cuộc lại là hàng “fake” (hàng nhái.) Đạo Minh ngài không nói được câu nào tốt đẹp cho người lần đầu gặp sao? - Nói xong tôi lắc đầu, hướng phía Đê Bạch rảo bước.
Tới nhịp đầu tiên của Đoạn Tâm Kiều, vì đi vội, tôi xém chút nữa vấp phải thiếu niên đang ngồi co ro, đầu chôn giữa hai chân, vai run run, thút thít khóc. Nắng đã lên cao, tôi do dự một lúc mới mở ô giấy dầu che cho thiếu niên. Thiếu niên ngước lên nhìn tôi bằng cặp mắt sưng đỏ tự khi nào.
Bỗng, thiếu niên đứng lên, ôm chầm lấy tôi, gọi to:
- Hoàng Nguyệt tỷ! Hoàng Nguyệt tỷ!
(Ảnh: Internet)
Bị thiếu niên ôm chặt, tôi xém chút nữa chết vì tắt thở. Đẩy thiếu niên ra, tay kia vẫn cầm ô che cho đệ khỏi nắng, tôi hỏi trong khi đệ cặm cụi chặm đi dòng nước mắt lấm lem trên mặt:
- Tiểu đệ đệ vì sao đệ lại khóc?
Thiếu niên hạ tay áo, một mảng vải nâu thô nhoè nhoẹt chẳng thể thấm nổi thương tâm của đệ. Cuối cùng nặn ra một câu:
- Thẩm không phải Hoàng Nguyệt tỷ!
“Thẩm,” tiếng gọi nghe nhẹ nhàng kia tàn phá nát kiêu ngạo trong tôi. Nếu đoán không lầm, gương mặt đẹp đẽ của thiếu niên cũng vừa vặn mười lăm. Tuy tôi được phụ mẫu nuôi dưỡng tốt, được Lệ Na chăm sóc chu toàn, mấy tháng nay còn được Mai Hạ Du vô cùng chiếu cố nhưng xem ra ngoại hình cao ráo, dáng dấp có phần trưởng thành này cũng không đến mức khiến thiếu niên trước mặt ưu ái như vậy. Điều giải thích duy nhất cho sự việc bi hài chính là tác dụng phụ của xuyên không mà thôi. Dầu sao trong cơ thể tuổi trăng rằm này cũng là một linh hồn đã hai mươi mấy cái xuân xanh. Tôi hít sâu một hơi, dồn hổ thẹn xuống tận cùng một ngóc ngách nào đó, chỉ mỉm cười:
- Tiểu đệ đệ, tỷ tất nhiên không phải Hoàng Nguyệt tỷ của đệ rồi. Tỷ là Mai Cô, với lại tỷ cũng không lớn hơn đệ bao nhiêu. Đệ cứ gọi ta bằng tỷ là được.
- Đệ xin lỗi! - Thiếu niên nói vỏn vẹn rồi mếu máo.
Tự nhiên tôi thấy chột dạ, tựa như bản thân vừa mới ức hiếp một tiểu hài bèn bảo:
- Tiểu đệ đệ, là tỷ không tốt. Đừng khóc, đừng khóc mà!
Thiếu niên mím môi, gật đầu. Tôi thấp giọng:
- Vậy nói tỷ nghe, đệ tên gì?
- Đệ gọi là Hồ Hạ. Hoàng Nguyệt tỷ thường gọi đệ với cái tên thân thiết, Tiểu Hạ Hạ. - Đang nói thì miệng nhỏ xinh phụng phịu, đôi mắt hai mí long lanh cụp xuống, Hồ Hạ ngập ngừng. - Bây giờ Hoàng Nguyệt tỷ của đệ không còn nữa rồi. Đệ nhớ tỷ ấy, rất nhớ!
- Thôi được, thôi được! Tỷ xin lỗi đã khơi lại chuyện buồn của đệ. Đệ đừng khóc nữa. Ta mời đệ đến Mai Gia Ký phía trước dùng một bữa no, đệ có chịu không? - Tôi nói rồi khom lưng, giơ tay ra chùi nước mắt còn sót lại trên đôi má Hồ Hạ. Nét nam tử tuấn mỹ vẫn còn sáu bảy phần trẻ con phảng phất trên gương mặt ướt đẫm làm lòng tôi vờ tan ra.
(Ảnh: Internet)
Hồ Hạ lắc đầu, nghẹn ngào:
- Đệ muốn về nhà!
“Về nhà” sao? Hai chữ này gõ vào tâm khảm tôi từng tiếng đinh đinh nhức nhói, một dòng âm ấm dâng lên trong tim. Tôi quyết định đưa chiếc ô giấy dầu mà vừa nãy còn định tặng Mai Hạ Du cho Hồ Hạ. Cảm giác có lỗi chưa kịp trỗi dậy thì lòng trắc ẩn đã chiến thắng. Cán gỗ nghiêng hẳn về phía đệ.
- Vậy thì tốt! Tỷ tặng đệ chiếc ô này, đệ cầm lấy mà đi về kẻo nắng. - Tôi nắm bàn tay Hồ Hạ, nhét chiếc ô vào. - Cầm lấy!
- Cám ơn Mai tỷ tỷ! Nhưng... - Hồ Hạ ngập ngừng, đôi mắt ướt lại trào ra những giọt lóng lánh.
- Nhưng sao?
- Mai tỷ tỷ, tỷ đưa đệ về nhà, có được không? - Hồ Hạ nhào vào lòng tôi, chùi nước mắt nước mũi vào vai áo tôi, nũng nịu cầu xin.
Cử chỉ thân mật bất ngờ của đệ khiến tôi không kịp ứng phó, bàng hoàng một chút sau đó liền trấn tỉnh lại, nhẹ nhàng khuyên:
- Tiểu Hạ Hạ à, đệ ngoan về nhà. Nếu không, người nhà đệ sẽ mong đệ lắm đó.
- Đệ muốn Mai tỷ tỷ đưa đệ về!
- Đệ buông tỷ ra trước đi rồi hãy nói! Dù sao đệ cũng là nam tử, vừa khóc vừa làm nũng như vậy không tốt đâu. Vả lại chúng ta cứ ôm nhau trên cầu như thế này trông rất khó coi!
Hồ Hạ không chịu liền la lớn:
- Đệ không buông, tỷ hứa đưa đệ về đến nhà đi, đệ mới buông!
Tôi nhìn quanh thấy một vài người ngó chúng tôi xì xầm đành phải đồng ý với Hồ Hạ rồi tính tiếp:
- Được, tỷ đưa đệ về.
- Thật?
- Là thật! Bây giờ buông tỷ ra được chưa?
Hồ Hạ lập tức bỏ tôi ra, vỗ tay cười trong nước mắt mà nói. – Mai tỷ tỷ thật tốt!
Tôi thở dài, cái tính thích chuốc phiền phức vào người vẫn không bỏ được. Nhưng dáng vẻ đáng thương kia của Hồ Hạ ai có thể đành thoái thác. Tôi âu yếm nhìn đệ, hỏi:
- Nhà đệ ở đâu? Gần hay xa? Cước bộ hay ngồi xe ngựa? Mất bao lâu thì tới?
Hồ Hạ thở dài, khuôn miệng cong cong đáp:
- Nhà đệ cách đây không xa, chỉ mấy trăm bước đi bộ là tới. Trước nhà có hai cây đào to đang nở hoa. Đối diện nhà đệ là Mai gia trang, tỷ có biết không?
Tôi nghe nói liền mừng quýnh:
- Mai gia trang là nhà của tỷ. Tưởng đâu xa, chứ về đó, thật quá gần mà. Chúng ta đi ngay bây giờ đi!
- Hoan hô Mai tỷ tỷ! - Hồ Hạ reo to, nhanh chóng nắm tay tôi dẫn đi.
Chúng tôi men theo đê Bạch rẽ xuống bờ hồ thì gặp tên tiểu nhị ở Mai Gia Ký hôm nọ đang đi tới. Thấy tôi, hắn lập tức khom người, thưa:
- Mai Nhị tiểu thư!
Tôi cười nhẹ đáp lễ, tên tiểu nhị liền tiếp:
- Người đến thăm Mai chưởng quầy sao?
Tôi bỏ tay Hồ Hạ ra, vịn vai đệ bảo:
- Ta cũng định vậy nhưng xem ra hôm nay không được rồi. Bây giờ ta phải đưa người bạn nhỏ này về nhà, ta sẽ về lại Mai gia trang. Ngươi không cần thưa lại với Mai chưởng quầy, cứ để huynh ấy làm việc. Thôi, ta đi kẻo chút nữa nắng gắt.
Tên tiểu nhị nghe thế gật đầu ngay:
- Vâng, thưa Mai Nhị tiểu thư! Vậy người đi thong thả.
Tôi gật đầu chào tên tiểu nhị, quay qua bảo Hồ Hạ:
- Chúng ta đi nào, Tiểu Hạ Hạ!
Hồ Hạ ngoan ngoãn gật đầu rồi bung chiếc ô giấy dầu lên, năm ngón gầy gầy nghịch nhành mai lấp lánh. Đệ quay nhìn tôi, cười rạng rỡ, tay vươn cao, che ô trên đầu tôi. Lần này trong mắt đệ chỉ còn niềm vui sướng.