Hai năm trước Tiêu Thận đã tiến cử một người lên Ngự án.
Bạc Ngọc.
Người này xuất thân binh gia, trí dũng song toàn, có bản lĩnh nơi sa trường, có trí tuệ trước tiền điện, bậc nữ kiệt không nhượng đấng nam nhi. Hoàng đế điều nàng tới Hải Châu trấn cảng, quả nhiên không phụ lòng kỳ vọng, chẳng mấy chốc mà diệt được quân Oa, chiến công lừng lẫy.
Bắc phạt Tây Nhung, chủ tướng đã định, ngự bút đã phê.
Bạc Ngọc, Đô chỉ huy Thiêm sự[1] Hải Châu, lãnh chức Tả Tướng quân chinh Tây, dẫn hai mươi vạn quân đánh từ phía Bắc; Nhan Tông Nhâm, Chỉ huy sứ Định Châu, dẫn mười vạn quân áp theo thủ phía sau; Nhạc Mậu, Hữu thị lang Binh bộ, cầm mười vạn đốc quân.
[1]: Phụ tá cho các Đô chỉ huy sứ.
Bạc Ngọc chịu ơn tri ngộ của Tiêu Thận, đương nhiên, một lòng trung thành với Hoàng đế. Nhạc Mậu càng không cần phải nói, hắn vốn là môn sinh của Tiêu Thận. Lần này cất nhắc, người có mắt đều có thể nhìn ra mục đích, trước là tiêu diệt Tây Nhung, trừ bỏ hậu họa, sau là đề bạt người mới, thu binh hồi quyền. Đưa Nhan Tông Nhâm lên cũng chẳng khác nào cho văn võ cả triều một cơ hội thấy thánh ý của Hoàng đế, rằng Hoàng đế không còn tin tưởng Kim Lăng Nhan thị.
Binh gia có câu – "Chưa biết ý đồ chiến lược của các chư hầu, không thể tính việc kết giao; chưa thông địa hình sông núi, đầm hồ, không thể hành quân; không dùng người dẫn đường không thể chiếm địa lợi."[2] Tây Nhung cách Đại Tấn sông núi xa xôi mà thế khó tấn công, tộc du mục thân ngồi trên lưng ngựa, lưỡi đao nhuốm máu người, A Mộc Nhĩ không những dũng mãnh thiện chiến mà còn tàn độc thủ đoạn, vây đã ba bốn trận mà chưa lấy được đầu chủ tướng.
[2]: Trích từ chương 'Kế', Binh pháp Tôn Tử, gốc: "Cố bất tri chư hầu chi mưu giả, bất năng dự giao; bất tri sơn lâm, hiểm trở, tự trạch chi hình giả, bất năng hành quân; Bất dụng hương đạo giả, bất năng đắc địa lợi"
Rồi cũng đến một trận kia, một đao ngang cổ, máu chảy đầu rơi, A Mộc Nhĩ tử trận dưới lưỡi đao của Bạc Ngọc, khi đầu chạm đất vẫn còn chưa nhắm mắt. Khả hãn đã vong, quân thí buông vũ khí đợi đầu hàng, sung làm tù binh.
Bạc Ngọc mang một thân khải hoàn hồi kinh, luận công ban thưởng, thăng lên Đô chỉ huy sứ Hải Châu vệ, quốc thái dân an mà nắm trong tay mười vạn binh.
- --
Tháng đầu xuân, gió đông dần yếu, tuyết dần tan.
Đường Oanh đã năm tuổi, ngày nào cũng như ngày nào, giờ Mẹo khi trời chưa sáng hẳn đã tới Văn Hoa điện dự giảng, sau Ngọ thiện sẽ tới Cẩn Thân điện thính chính, đến khi mặt trời lặn mới trở về. Tóc dài quá vai, chưa đến tuổi cập kê, vậy nên chỉ sơ búi đơn giản. Tóc trẻ nhỏ mềm mại mỏng manh như tơ, Hoàng hậu vẫn luôn tự mình búi tóc cho Đường Oanh. Việc này Nhẫn Đông và nhũ mẫu đều có thể làm, thế nhưng Hoàng hậu cảm thấy Đường Oanh còn nhỏ như vậy đã bận rộn tu dưỡng học tập, tuổi thơ không được vui vẻ khoái hoạt, cũng là thiệt thòi, vậy nên việc gì có thể nuông chiều liền cứ thế nuông chiều. .
||||| Truyện đề cử: Nuông Chiều Riêng Em |||||
Hai người ngồi trên giường, ánh nắng yếu ớt buổi ban mai xuyên qua rèm che nơi cửa sổ, tà tà mông lung, ấm áp thoải mái.
Bàn tay đỡ mái tóc của Đường Oanh, Hoàng hậu nhìn ngắm, đen tuyền mà mềm mại, lại thuận tay vuốt vuốt lưng đứa trẻ xem trung y có bị mồ hôi thấm ướt hay không. Nghe nhũ mẫu nói rằng từ khi sinh ra Đường Oanh đã bị mồ hôi trộm, khi đi ngủ dễ toát mồ hôi. Hoàng hậu lại nhớ tới ngày ấy khi Đường Oanh nhập cung, nhỏ bé như hạt đậu, Y chính Thái Y viện phải bắt mạch kê thuốc liên tục mới ổn.
"Mẫu hậu..." Đường Oanh ngồi trước Hoàng hậu, hai chân khoanh lại, xếp bằng. Tiếng gọi kia yếu ớt như tiếng muỗi bay, "Nhi thần buồn ngủ..." Đường Oanh tự nhận mình vẫn chưa thể nào thích ứng được với múi giờ sinh hoạt thế này. Trừ ngày Hưu Mộc[4], sáng nào cũng như sáng nào, năm giờ đã phải thức giấc rời giường.
[3] Hưu Mộc nhật (cổ văn): Ngày nghỉ phép, quan lại triều đình cứ mười ngày được nghỉ một lần để tắm gội, cho nên ngày lễ nghỉ gọi là "hưu mộc nhật" (Lưu ý: Không phải là 10 ngày mới tắm gội một lần).
Vừa nói, đầu nhỏ đã vừa ngả về phía sau, Hoàng hậu đỡ lấy, khóe môi cười lên thành một nét cong cong: "Mau ngồi thẳng lên, cứ như vậy ta búi tóc thế nào được?"
Tuy miệng nói như thế, thế nhưng Hoàng hậu cũng lùi về sau một chút, tạo ra chút khoảng cách cho đứa trẻ kia ngả về. Mái tóc vén lên kết thành búi, dây lụa đơn sắc quấn quanh vài vòng, cài chân trâu, điểm sức bạc, nom tinh tế mà sang quý.
Hoàng hậu buông lược, đang muốn gọi Nhẫn Đông và nhũ mẫu vào hầu hạ tiểu điện hạ rửa mặt thay y phục, buông mi nhìn xuống lại đã thấy Đường Oanh gục đầu lên cánh tay mình, chẳng biết đã chìm vào giấc ngủ từ lúc nào. Ngũ quan càng lúc càng sắc bén, sống mũi cao cao, đôi môi hồng hồng, hàng mi run run che đi đôi mắt lắm khi phảng phất tâm sự không hợp tuổi khiến người ta khi đã cảm nhận được, liền không thể không đau lòng lo âu.
Nhẫn Đông và nhũ mẫu đứng chờ ngoài điện một hồi thật lâu cũng chưa thấy động tĩnh phía bên trong, lúc này mới thấy cánh cửa bị mở ra. Hoàng hậu đi ra, nói với Nhẫn Đông: "Tới Văn Hoa điện cáo lỗi với danh sĩ Hồng Nho, xin cho điện hạ nợ một ngày công khóa, ngày mai nhất định sẽ bù lại đầy đủ."
Nhẫn Đông nhận mệnh, cáo lui đi ngay.
Hoàng hậu lại nói thêm với nhũ mẫu: "Ngươi ở đây đợi, hai canh giờ nữa vào gọi Tiểu Thất dậy, dùng xong điểm tâm thì tới Thiên điện tìm ta."
Gần bốn năm Bắc phạt Tây Nhung, Hoàng đế vì lao lực mà suy kiệt, dường như thân thể có thể sẽ ngã gục bất cứ lúc nào.
Đúng hai canh giờ sau, nhũ mẫu y lệnh mà vào gọi Đường Oanh dậy, nào ngờ vừa bước chân vào điện đã thấy đứa trẻ kia đang vội vàng mặc y phục, bộ dáng hoảng hồn thất kinh, đến viên lĩnh cũng chưa mặc chỉnh tề. Nhìn cảnh tượng như thế, nhũ mẫu cũng đành chạy tới giải thích trấn an mà thôi. Lúc này hiểu rằng không phải mình muộn giờ dự giảng, Đường Oanh mới thở phào một hơi thật dài. Bàn tay đưa lên chạm vào búi tóc, bây giờ mới nhớ ra ban sáng mình ngủ gật lúc đang búi tóc. Nhưng chính là, ấy thế mà Hoàng hậu không gọi nàng dậy, đúng là Hoàng hậu có cưng chiều, nhưng việc học tập tu dưỡng là việc tối quan trọng, sao hôm nay lại dung túng nàng tới mức ấy được?
Ở bên cạnh Hoàng hậu bốn năm năm, Đường Oanh biết Hoàng hậu không phải là một người nồng nhiệt tùy hứng, từ việc nhỏ tới việc lớn đều lấy lễ làm đầu, tuân theo khuôn phép quy củ, bất kỳ hành động nào cũng đều có nguyên do. Vậy cho nên Đường Oanh không hoang mang nghi ngờ, lúc này đây, nàng nhai kĩ nuốt chậm, tâm tình bình thản.
Nửa canh giờ là đủ cho nàng dùng điểm tâm sáng. Những ngày thường, vào lúc này nàng hẳn là đang ngồi thẳng lưng bằng vai giữa Văn Hoa điện, hành lễ sư đồ với danh sĩ Hồng Nho, phân tích điển tịch, ôn đọc Sử gia, đàm luận Đại Nghĩa. Danh sĩ Hồng Nho đã được tôn làm bậc Hồng Nho, đương nhiên là người cả đời đọc sách thánh hiền, uyên bác thâm thúy, thông hiểu cổ luận, có lẽ cũng vì lẽ ấy mà không khí trong Văn Hoa điện luôn luôn trầm trọng nặng nề. Theo lẽ thường, tôn tử sống trong cung đến năm tuổi mới bắt đầu nhập học, thế nhưng Đường Oanh vừa khi chưa tròn bốn tuổi Hoàng đế đã muốn nàng nhập học rồi.
Năm nay là năm thứ hai, hai năm qua cũng đã vì vài lần vì đổ bệnh mà xin nghỉ phép, ở Vị Ương cung bù công khóa bài vở đều là do chính tay Hoàng hậu kèm cặp chỉ dạy, không để sót một nét bút. Hoàng hậu xuất thân từ Kim Lăng Nhan thị, thân mẫu từng là Trạng Nguyên của năm nữ khoa, học thức cũng phải xứng với hai chữ uyên bác. Mà Hoàng hậu lại không giống các danh sĩ Hồng Nho của Văn Hoa điện giải bài nhưng lại trọng hình thức, Hoàng hậu cắt nghĩa vừa xúc tích ngắn gọn, vừa nội hàm dễ nhớ. Nghĩ hôm chắc chắn sẽ được mẫu hậu giảng bài, tâm trạng cũng tốt lên, bước chân đi về phía Thiên điện cũng nhanh lên mất phần.
Cung nga nội thị đứng dọc hành lang thấy bước chân của Đường Oanh nhanh như thế, lo lắng nàng giẫm phải vạt viên lĩnh dài chạm gót đế giày, nhìn mà cũng không nhịn được, phải nhẹ giọng nhắc: "Thất điện hạ, người cẩn thận!"
Đường Oanh, một thân vải dệt đẹp đẽ sang quý, hoa văn trên vải thêu chìm càng thêm tinh tế, giao lĩnh thuần trắng mặc trong viên lĩnh sắc lam nhạt thêu hải đường, búi tóc trên đầu khiến càng khiến dáng vẻ này thật giống một tiểu tiên đồng theo hầu bên tòa sen Quan Âm. Đến gần Thiên điện, bước chân dần chậm lại, từng cái hất tay cũng trở nên nhẹ nhàng lễ độ. Đường Oanh nấp sau cánh cửa, xưa nay ở Vị Ương cung này tất cả đều biết đứa trẻ này rất quấn mẫu hậu, đương nhiên, lễ nghĩa cũng ba bốn phần lơi lỏng. Thế nhưng hôm nay Vị Ương cung đón khách, Đường Oanh cũng tự nhiên ý thức mà thủ lễ cho chu toàn chuẩn mực.
Hôm nay, khách của Vị Ương cung, chính là vị Võ quan vừa thăng quan tiến chức, nổi danh Đế kinh – Bạc Ngọc.
Nghe có tiếng bước chân nhỏ nhẹ phía ngoài cửa, Bạc Ngọc quay đầu lại nhìn, nhìn lại chẳng thấy một bóng người, nét mặt lộ tia khó hiểu.
Hoàng hậu ngồi đối diện với nàng, nhìn ra cửa đã thấy rõ ràng, rồi cũng chỉ cười nhẹ: "Có con mèo từ đâu chạy tới mà thôi, đã quen với nơi này rồi, cũng chẳng thể bắt lại được."
Mèo? Còn là mèo từ đâu chạy tới? Vị Ương cung này nội thị có lẽ cũng đến trăm người, lại chẳng thể bắt được một con mèo chạy từ đâu tới?
Bạc Ngọc càng nghe càng khó hiểu, nhưng rồi chẳng mấy chốc, 'con mèo' kia cũng bước tới, mười ngón tay áp lên nhau, vòng ra trước, cúi đầu hành lễ: "Mẫu hậu."
Bạc Ngọc nghe, cuối cùng đã sáng tỏ rồi. Nàng hồi kinh từ nơi biên tùy, rất nhanh cũng đã nghe được nhiều chuyện lý thú, trong đó có chuyện Hoàng hậu nuôi dạy Trưởng nữ của Tĩnh Viễn Quận vương, chẳng qua cũng là nuôi dạy để chuẩn bị cho ngày định ngôi Trữ quân mà thôi, ấy thế mà dường như tính cách rất hợp, tình cảm rất tốt.
Hoàng hậu gật đầu, kéo đứa trẻ tới bên mình, nói: "Đây là Bạc Ngọc tướng quân."
Bạc Ngọc, cái tên này Đường Oanh đã nhiều lần nghe được, hình ảnh vung đao giết địch nơi sa trường khói lửa, bộ dáng hiên ngang anh dũng ấy khiến cho Đường Oanh không thể ngờ được cái tên ấy lại là của vị này. Tóc đen như mực không trang sức vàng ngọc, chỉ có trụ bạc giữ trên đỉnh đầu, tuy là một thân giao lĩnh giày nhung gọn gang, thế nhưng cầu vai thon gọn, ngũ quan mi thanh mục tú. Rõ ràng khác quá xa với trong tưởng tượng của Đường Oanh về một đại Tướng quân nam tử hán cao to vạm vỡ.
Hoàng hậu hỏi thăm vài câu, cũng liền khen ngợi chiến công nơi sa trường Bắc phạt Tây Nhung của Bạc Ngọc. Đường Oanh rất biết phối hợp, ngồi đó, hai tay để trên đùi, nắm lại thành quyền như thể rất phấn khích, đôi mắt đẹp lấp lánh tỏa sáng. Bị một tiểu cô nương nhìn với ánh mắt sùng bái như vậy cũng khiến cho Bạc Ngọc có chút mất tự nhiên. Đoạn, nàng lấy một hộp gấm, mở ra, đưa tới cho Đường Oanh: "Điện hạ, vật này là 'hỏa thương', thế nhưng không giống hỏa thương của Thần Cơ doanh. Đây là hỏa thương của xứ Tây Dương, thần, năm đó phụng mệnh diệt quân Oa ở Hải Châu đã thu được vật này. Nghe nói điện hạ thích vật Tây Dương, thần cũng có lễ, điện hạ cũng có thể coi như một món tiêu khiển."
Năm ấy Bạc Ngọc vốn là áp giải theo cả một đám người Oa, mang theo cả hỏa thương này, nhập kinh đề cử với Tiêu Thận, thậm chí là cả với Hoàng đế. Quy luật nhà binh – mạnh thì sống, yếu tất vong, binh phải mạnh, quốc mới cường. Nhưng rồi vô luận là Tiêu Thận hay là Hoàng đế cũng đều không muốn cải tiến hỏa thương, cảm thấy không có hứng thú, coi đây chỉ là thứ thấp hèn.
Chuyện Đường Oanh thích đồ Tây Dương là chuyện mà Hoàng hậu vô tình phát hiện ra. Đã mấy năm trước đây rồi, khi ấy Đường Cát Lợi tặng một chai dầu thơm, Hoàng hậu không dùng, cất vào trong hộp, mà Đường Oanh thi thoảng lại lấy ra nhìn, lại đôi khi hỏi về chuyện Tây Dương. Hoàng hậu cho rằng đứa trẻ này có hứng thú, có điều bản thân mình cũng không hiểu biết nhiều về xứ ấy, trong cung cũng không có phu tử nào am hiểu về Tây Dương, mà Đường Cát Lợi cũng không thường xuyên ở Yến Kinh. Bởi thế, để bù vào ấy, chỉ cần có dịp, Hoàng hậu sẽ cho người tìm đủ thứ đồ vật xứ Tây Dương về, giúp Đường Oanh tiêu khiển một chút. Tỷ như lần này, việc Bạc Ngọc có lễ cũng là do Hoàng hậu có lời.
Bạc Ngọc cáo lui rồi, Đường Oanh lúc này mới cất hỏa thương vào trong hộp gấm, coi như trân bảo mà ôm lấy, ngẩng đầu nhìn vị Dưỡng mẫu kia, nhing ánh mắt người ấy vẫn điềm nhiên như thường lệ, ấy thế mà khiến cõi lòng nàng ấm áp.
Dùng bữa trưa xong, Đường Oanh tới Cẩn Thân điện dự thính chính. Hoàng đế nghe báo lại rằng sáng nay nàng xin nghỉ, lo lắng nàng yếu ớt từ nhỏ, sợ hôm nay nàng khó chịu không khỏe, nhất định giữ nàng lại cùng dùng bữa tối, rồi lại hỏi han vài câu, lúc ấy mới yên tâm để nội thị tiễn nàng đi.
Cho tới khi về tới Vị Ương cung, lúc ấy đêm đã buông.
Sắc đêm thanh lạnh, mây thưa sao sáng, trăng treo đầu cành.
- -- Hết chương 9 ---