Đường Oanh ló đầu ra khỏi chăn, đôi mắt long lanh, ánh mắt như bị phủ một tầng sương. Nàng nhìn Hoàng hậu, cố sức đè nén tâm trạng của mình, cười lên một cái, gọi: "Mẫu hậu."
Tựa hồ như không có gì bất thường, Hoàng hậu ngồi xuống bên giường, bàn tay áp bên sườn mặt Đường Oanh, đầu ngón tay lướt qua khóe mắt nàng, rất tự nhiên mà lau đi giọt nước mắt. Lúc ấy mới khẽ nở nụ cười, hỏi: "Khóc rồi? Lại gặp ác mộng sao?"
Đường Oanh gật đầu, tới ôm lấy cổ Hoàng hậu, mặt tựa lên đầu vai nàng. Hoàng hậu cũng không truy hỏi giấc mơ ấy là về điều gì, cũng không chê cười người rơi lệ kia thật mau nước mắt, chỉ lẳng lặng vỗ vỗ lưng đứa trẻ mà thôi. Hoàng hậu bất giác nhớ tới bốn năm năm trước có đứa bé lảo đảo chạy về phía mình, qua những năm này, dùng cả tấm lòng son, từng chút từng chút sưởi ấm linh hồn nàng.
Hoàng hậu vỗ lưng Đường Oanh, nhẹ giọng an ủi: "Hôm nay trời đẹp, vừa khéo lại có cảnh xuân, hoa trong đình viện cũng nở rồi, chúng ta có tới xem một chút?"
"Vâng." Đường Oanh gật đầu, đoán rằng có lẽ mẫu hậu cũng không biết vì sao mình buồn khóc đi, bây giờ đang là ban trưa, cũng chỉ cho rằng gặp phải ác mộng nên khóc mà thôi.
Hoàng hậu lại thấy đứa trẻ kia vẫn cứ ôm lấy mình, không có ý buông ra, đành bất đắc dĩ nhắc nhở: "Tiểu Thất, từ đây tới đình viện còn xa, mẫu hậu sao có thể ôm ngươi được?" Mà cũng đã qua năm tuổi rồi, làm gì có đạo lý để người khác ôm bế?
Đầu đứa trẻ vẫn đặt trên vai nàng, có sợi tóc cọ bên cổ khiến nàng ngưa ngứa, lại nghe đứa trẻ nói, giọng rõ là đang làm nũng: "Mẫu hậu không biết đâu, trong mộng có một con sói lớn, ranh mãnh vô cùng, cứ đuổi theo nhi thần mãi không buông, bây giờ hai chân nhi thần đều mềm cả rồi, không đi nổi."
Hoàng hậu đảo mắt, lời này cho dù đến quỷ cũng chẳng tin nổi. Vậy là lạnh giọng mà nói: "Chân ngươi ngắn như vậy cũng không đuổi kịp, sói lớn kia xứng đáng chết đói."
Đường Oanh nghe thế mới không ôm nữa, tay nhỏ vỗ vào nhau, "Mẫu hậu liệu sự như thần! Quả đúng là nó chết đói đấy."
Cuối cùng, mẫu hậu ôn nhu, mẫu hậu cũng tuyệt tình, ôm đứa trẻ ra tới tẩm điện đã không nói hai lời mà buông tay thả xuống. Nắm lấy tay đứa trẻ, một lớn một nhỏ đi dọc hành lang. Gió mát thổi qua mang theo hương hoa, ánh nắng dịu chiếu lên vải vóc sang quý, tỏa ra một loại ảo ảnh đẹp đẽ, lại khiến người nhìn cảm được mấy phần ý vị tương nhu dĩ mạt[1].
[1] Nương tựa vào nhau.
Mùa xuân, hoa cỏ đâm chồi, cây cối xanh non, oanh yến chao liệng. Cành liễu xanh mướt đón gió xuân, trăm hoa như đang ganh tranh nở rộ. Trong đình, nội thị đang tỉa cành chiết lộc, cung nga đang nhổ cỏ hái hoa. Tầng tầng lớp lớp nếp đá uốn quanh Thái Hồ ánh lên trong nắng, dòng suối nhỏ bắt nguồn từ nơi đình Đông ôn tồn chảy qua ống trúc, đổ vào hồ. Dòng nước suối chạm mặt hồ, tạo thành một chùm bong bóng nước.
Bên bờ, Hoàng hậu và Đường Oanh ngồi trên xích đu. Xích đu này là do ba năm trước Hoàng hậu cho Tương Tạc giám làm, hoàn toàn bằng gỗ, khi lên cao có thể nhìn được một góc Hoàng thành. Khi ấy Đường Oanh nhập cung chưa lâu, lại là nữ hài, Đường Diễm và Đường Đại là nam hài, lại lớn hơn nàng nhiều tuổi, cho nên không tiện ở chung chơi chung. Hoàng hậu cảm thấy cả ngày đứa trẻ này ở trong cung không có bạn bè, lo lắng dần dà tính tình sẽ trầm lặng, vậy là cho làm một xích đu thế này, cũng đỡ buồn chán tịch mịch mấy phần.
Xích đu lên càng cao, tâm tình tựa hồ như cũng càng nhẹ nhàng. Đường Oanh thích thế này, chỉ ngồi mà không nói, nhìn trời nhìn mây, đón nắng đón gió, cả người cũng thư thái ấm áp hơn rất nhiều. Cảm giác này đối với nàng mà nói là một cảm giác rất tốt.
Hoàng hậu hỏi Đường Oanh hôm nay dự giảng đã học được điều gì. Đường Oanh không khỏi có chút khẩn trương, biết là Hoàng hậu cũng chỉ hỏi theo lệ thường mà thôi, quan tâm nàng có hiểu rõ tường tận gốc rễ hay không, quan tâm nàng có chuyên tâm học tập tu dưỡng hay không. Ánh mắt của Hoàng hậu dừng lại trên sườn mặt Đường Oanh, không uy áp, không nghi kỵ, không nghiêm khắc, thế nhưng vẫn khiến Đường Oanh cảm thấy khó mở miệng. Ngón tay đan vào nhau, Đường Oanh không biết Hoàng hậu có nhìn ra tâm tư của mình hay không. Bàn tay kéo kéo tay áo, Đường Oanh cúi đầu do dự trong chốc lát, cho nên, cũng vì thế mà nàng đã bỏ lỡ tia đau lòng rõ ràng hiện lên trong đáy mắt người bên cạnh. Đợi tới khi ngẩng đầu, gương mặt non nớt mi thanh mục tú kia chỉ còn một dáng vẻ như thể là có sự nan giải thực lòng không hiểu được. Đường Oanh hỏi: "Hôm nay Lục ca ca tới muộn, tiên sinh không trách phạt hắn, lại phạt thị đọc của hắn chép sách. Đây là vì cớ gì?"
Hoàng hậu nhìn vào đôi mắt của đứa trẻ này, trầm mặc một lát, chỉ nhìn như vậy thôi cũng đã đủ khiến bàn tay Đường Oanh toát mồ hôi, cơ hồ là không dám đối diện với Hoàng hậu. Việc nàng hỏi kia là việc thật, không hề dối trá bịa đặt nửa câu, thế nhưng đáy lòng nàng vẫn bất an, như thể việc giấu giếm Hoàng hậu là một việc vạn lần không nên, dù bất kể là chuyện gì.
Không khí quỷ dị, cơ hồ muốn sụp đổ, lại nghe Hoàng hậu lên tiếng, ngữ điệu nhẹ nhàng: "'Thành Vương hữu quá, tắc thát Bá Cầm, sở dĩ kỳ Thành Vương thế tử chi đạo dã'[2], tuy Thương Tán tiên sinh là tiên sinh rèn dạy các ngươi, thế nhưng trước vẫn phải là thần tử của Bệ hạ, đạo quân thần không thể không trọng."
[2] (Kinh Lễ) Sau khi Chu Võ vương diệt được nhà Thương, chẳng bao lâu thì chết bệnh. Chu Thành vương đăng cơ lúc tuổi còn nhỏ, Chu Công phụ chính, Thành vương thông tuệ nhưng bướng bỉnh, thầy lại không quản được Đế vương. Chu Công bèn đưa con mình là Bá Cầm vào cung làm thị đọc, cùng học với Thành Vương, mỗi khi Thành Vương phạm lỗi sẽ trách phạt Bá Cầm, cho Thành Vương biết được hậu quả của việc phạm sai lầm, vừa vì kinh sợ, vừa vì Bá Cầm mà tự biết tu thân.
Đường Oanh lại không đồng tình: "Nhưng Vũ xuống xe khóc tội[3], răn rằng 'bách tính có tội, lỗi ở một người'. Thánh hiền minh quân còn như thế, cớ gì chúng ta phạm phải sai lầm lại liên lụy tới người không liên quan, để người vô tội phải gánh trách?"
[3] (Kinh Thư) Vũ, minh quân xếp cùng hàng Nghiêu – Thuấn, có một lần ngồi xe xuất ngoại tuần tra, gặp một tội nhân bị áp giải qua. Vũ dừng xe hỏi người áp giải, biết người ấy trộm thóc, lại xuống hỏi chính tội nhân vì cớ gì mà trộm thóc, thấy người ấy không dám trả lời, liền đứng đó rơi lệ. Thị tòng hỏi, Vũ nói rằng ấy là đang khóc cho chính mình, thân làm Vua mà bách tính gây tội, ấy là do Vua trị quốc không thành, từ ấy có tích 'Vũ xuống xe khóc tội' và tám chữ 'Bá tính có tội, lỗi ở một người'.
Đường Oanh nói có sách mách có chứng, một bộ dáng lý lẽ nghiêm cẩn khiến cho Hoàng hậu không khỏi kinh ngạc, lại cảm thấy thực hài lòng. Khóe môi nàng cong cong, đưa tay vuốt gáy Đường Oanh, lại nói: "Tiểu Thất, hai đạo lý này không hề mâu thuẫn. Học đạo, trước phải toàn vẹn lễ tiết, biết quân thần trên dưới, sau mới là trị quốc, biết bồi dưỡng củng cố nhân trị[4]. Ngươi có thể hiểu được những điều này, mẫu hậu vui mừng."
[4] Trong 'Tam cương ngũ thường', đạo quân thần xếp đầu tiên, Khổng giáo trọng đạo 'quân thần', xếp trên cả 'phụ tử' và 'sư đồ'.
Đường Oanh lắng nghe lĩnh ngộ, nghe Hoàng hậu tiếp lời: "Thương Tán tiên sinh trách phạt thị đọc, ngươi là người ngoài cuộc đứng xem mà còn có dị nghị, cho rằng không thỏa đáng, vậy thì Lục ca ca của ngươi sẽ nghĩ thế nào? Phạm phải sai lầm, hiểu được phải trách bản thân, nguyện ý gánh trách, ấy là đáng khen. Thân là vương tử khác với phàm nhân, tu thân cũng chính là vì người khác, vì bách tính vậy. Lại nói đến đạo quân thần, thân là quân chỉ có thể tu lễ để tránh phạm sai lầm, không thể phạm phải sai lầm rồi để nhận hình[5], bằng không, đạo quân thần rối loạn khó vẹn toàn."
[5]: Quân chủ là tối thượng, cho nên phải tu lễ nghĩa để ngăn chặn những sai lầm chưa xảy đến, còn hình phạt chỉ là để trừng phạt những sai lầm đã xảy ra mà thôi.
Những lời của Hoàng hậu như nước suối chảy giữa sơn lâm buổi ban sớm, thanh lãnh nhưng nhiễm tia ấm áp, nghiêm cẩn mà không thiếu dịu dàng, chảy qua tai Đường Oanh, trôi vào trong lòng nàng. Giọng nói của người này khiến nàng hiểu đạo lý, tường lý lẽ, khiến nàng tu thân rèn lễ, khiến cõi lòng đang loạn của nàng bình ổn trở lại. Rồi lại nửa đùa nửa thật, Đường Oanh hỏi: "Nói vậy, như thế nếu nhi thần là quân, quân phạm phải sai lầm, trên đời cũng sẽ không có ai trách phạt được nhi thần rồi?"
Vứt dứt lời đã thấy gáy mình bị Hoàng hậu vỗ một cái, Đường Oanh nhăn nhíu ngẩng đầu lên nhìn. Khi nói đạo lý Hoàng hậu luôn rất nghiêm túc: "Ngươi phạm phải sai lầm, còn có ta ở đây."
"Nhi thần nhất định sẽ không phạm phải sai lầm, không để mẫu hậu thất vọng lo lắng." Đường Oanh ngẫm nghĩ, con người là phàm nhân không phải thánh hiền, học đạo quân tử, một lời nói ra phải giữ đến cùng, mà tương lai còn xa vời như vậy, thật khó biết trước. Vậy là ngả vào trong lòng Hoàng hậu, đôi mắt hoa đào nhìn lên, vô cùng kiên định nghiêm cẩn: "Nếu như có ngày nhi thần phạm phải sai lầm, nhi thần cũng sẽ gánh hết trách nhiệm, nhận mẫu hậu đánh mắng trách phạt."
Hoàng hậu nào có thể nhẫn tâm mà đánh mắng trách phạt đứa trẻ này, nuôi dạy nàng vài năm, đến lời nói nặng cũng chưa từng nói. Dù sao những lời này cũng thể hiện một mảnh hiếu tâm, vậy nên Hoàng hậu cũng chỉ cười nhạt gật đầu. Đặt bàn tay lên vầng trán của Đường Oanh, Hoàng hậu nhìn, lại nghĩ đứa trẻ này thực biết cách khiến cho người ta an tâm vui vẻ, tâm tính ổn định lại hiếu thuận, chỉ có một điều khuyết điểm.
Đường Oanh nhướn mắt nhìn bàn tay đang đặt trên trán mình, đột nhiên cảm thấy bàn tay ấy vô cùng đẹp đẽ. Vốn đang ngắm nhìn chăm chú, bỗng nhiên nghe Hoàng hậu hỏi: "Tiểu Thất có nhớ cha nương hay không?"
Đường Oanh đi dự giảng, Hoàng hậu không đi theo, thế nhưng nội thị cung nga theo hầu Đường Oanh đều là tâm phúc của nàng, Văn Hoa điện xảy ra chuyện gì vạn vạn không thoát khỏi lòng bàn tay. Đứa trẻ này càng lúc càng trưởng thành, cũng nên có chính kiến của chính bản thân mình, có không gian riêng, nàng hiểu, cho nên cũng không quá sát can thiệp, nhưng vậy không có nghĩa nàng bỏ mặc không quan tâm. Tuyên Thành Quận vương đột ngột tạ thế, Đường Đại khóc lớn giữa Văn Hoa điện, tâm tư Đường Oanh sao có thể không bị ảnh hưởng cho được? Hoàng hậu hồi cung, nghe Triệu nhũ mẫu và cung nga kể rằng Thất điện hạ tâm tình không tốt, Ngọ thiện cũng không dùng mấy, dùng xong liền vào tẩm điện. Hoàng hậu vốn là muốn đưa Đường Oanh ra đình viện giải sầu cho khuây khỏa. Tâm sự giấu trong lòng, lâu ngày hại thân, nào ngờ được đứa trẻ này cứng cỏi cố chấp như vậy, một mực không chịu nói ra. Nàng biết Đường Oanh chính là không muốn khiến mình phật ý suy nghĩ, càng không muốn mình lúng túng khó xử đấy.
Đứa trẻ này hiểu chuyện như vậy, suy nghĩ nhiều như vậy, càng khiến cho nàng đau lòng.
Đường Oanh vội vàng ngồi thẳng dậy, nhảy xuống đất, đứng thẳng mà nhanh chóng giải thích: "Không, không có. Nhi thần không nhớ. Không phải, nhi thần có nhớ, nhưng vẫn nhịn được. Cũng không hẳn, a cha nhi thần là phụ hoàng, a nương là mẫu hậu, nhi thần..."
Lời nói lúng túng bị cái ôm của Hoàng hậu đánh gãy. Hoàng hậu kéo Đường Oanh lại, ôm lấy nàng, bàn tay vỗ về gáy nàng. Thanh hương sơ lãnh bao quanh Đường Oanh, khiến cho nàng có chút mụ mị, nhất thời không giải thích gì nữa, lại nghe được thanh âm nhỏ nhẹ: "Nói lời ngốc nghếch gì vậy. Nhớ thì chính là nhớ, không cần nhịn, cũng không cần tránh. Phụ mẫu thân sinh cũng là cha nương của ngươi, người nuôi dạy ngươi ngươi cũng cần phải kính trọng, cũng không phải chỉ được lựa chọn một trong hai."
Đường Oanh gật đầu, hàng mi hơi ướt.
Hoàng hậu cảm nhận được đầu đứa trẻ này lại gục trên vai mình rồi, có chút buồn cười: "Một buổi khóc tới hai lần, quỷ thích khóc sao? Nói ra thật khiến cho người ta muốn chê cười."
Đường Oanh không thuận, nhỏ giọng phản bác: "Nhi thần còn nhỏ như vậy, một buổi khóc ba lần cũng được, mẫu hậu cũng sẽ không để ai chê cười."
Hoàng hậu nghe, khóe môi không giấu được nụ cười: "Vậy đêm nay trước khi ngủ khóc thêm một lần nữa cho ta xem, để một mình ta chê cười là được rồi."
"Mẫu hậu!" Đường Oanh gắt giọng.
"Tốt rồi tốt rồi, không trêu chọc ngươi nữa, cũng chỉ có lúc này ta mới coi ngươi như trẻ nhỏ mà nuông chiều. Mau lau nước mắt, vào trong dùng khăn lạnh đắp mắt, cứ như vậy chiều xuống đọc sách sẽ đau đầu."
- -- Hết chương 12 ---
Editor mạn đàm:
"Không ai trách phạt được nhi thần." Bệ hạ said/"Còn có ta ở đây."Điện hạ said => Kết cục, mười năm sau Bệ hạ sai, Điện hạ nói trước bước không qua. cũng sai theo Bệ hạ luôn *thở dài*