Thích Kính vừa về, Thích Kiêu Thần lập tức biến thành cháu trai ngoan, ngay cả khi qua đêm tại phòng Nguyệt Luyện cũng không dám làm càn như trước.
Thích Kính ra sức vì nước một năm tại biên quan, lần này hồi kinh, Hoàng thượng cho ông nghỉ ngơi nửa tháng, nghỉ ngơi đủ rồi thì vào triều. Ngày thứ ba Thích Kính hồi phủ, chạng vạng tối Thích Kiêu Thần trở về, Tô Lê nói với hắn: "Thiếp có việc cần thương lượng với phụ thân, Nhị gia đi cùng thiếp nhé."
Tống Y Lan là con dâu, đơn độc cầu kiến công công góa vợ cũng không hợp lễ, Tô Lê phải nhập gia tùy tục.
Thích Kiêu Thần cảnh giác nói: "Nàng muốn thương lượng gì với phụ thân đấy?"
Tô Lê cười nói: "Là chuyện trợ cấp cho thương binh, không liên quan gì đến Nhị gia đâu."
Thích Kiêu Thần ngẩn người, mỗi khi chiến sự nổ ra, chắc chắn sẽ có vô số tướng sĩ triều đình tử trận, có cả tàn binh thương tướng, nhưng triều đình sẽ trao lại một khoản tiền trợ cấp, đâu đến lượt một nữ nhân như nàng bận tâm?
Trên mặt Thích Kiêu Thần lộ ra vẻ khinh thường, cho rằng Tô Lê lo nghĩ vớ vẩn.
Tô Lê nói thẳng: "Nhị gia chỉ nói có đi hay không là được, nếu ngài không đi, lát nữa đừng trách thiếp lắm miệng nói gì khác với phụ thân đấy nhé."
Thích Kiêu Thần đành phải theo nàng đi tìm phụ thân.
Bị con dâu cười nhạo một năm không cạo râu, Thích Kính hồi phủ tắm rửa xong liền bảo lão quản gia giúp ông cạo. Có thể sinh ra hai đứa con trai anh tuấn như Thích Lăng Vân, Thích Kiêu Thần, ngũ quan của Thích Kính cũng hết sức tuấn lãng cương nghị, tại hiện đại cũng tuyệt đối thuộc về dạng đại thúc cường tráng hấp dẫn. Cởi khôi giáp, thay thường phục, Thích Kính không hề giảm chút khôi ngô nào, đứng bên cạnh một nam nhân như ông có cảm giác rất an toàn.
"Đôi vợ chồng son các con tìm ta có chuyện gì sao?"
Biết được con trai và con dâu cùng nhau đến đây, Thích Kính lập tức đặt việc trong tay xuống chạy tới phòng khách.
Thích Kiêu Thần nhìn về phía Tô Lê. Tô Lê rót trà cho công công, đứng bên cạnh Thích Kính nói: "Phụ thân ở ngoài canh phòng biên cương, Nhị gia luyện binh tại binh doanh, con dâu làm dâu nhà tướng, ở nhà làm vườn làm cỏ thực sự băn khoăn nên muốn làm chút chuyện có ý nghĩa."
Thích Kính gật đầu, càng hài lòng con dâu mình hơn: "Không hổ là nữ tử thư hương thế gia, cả suy nghĩ cũng khác biệt với phụ nhân bình thường, vậy hôm nay con tới đây là đã nghĩ ra muốn làm gì sao?"
Tô Lê nói: "Vâng, con dâu từng nghe nói, rất nhiều binh sĩ bị thương trên chiến trường khi về nhà đều tinh thần sa sút, không có chí tiến thủ, đường đường nam nhi bảy thước vừa gãy tay chân liền đắm mình trong trụy lạc, hoàn toàn dựa vào cha mẹ già và thê tử nuôi sống, u mê không chịu thoát ra nỗi ám ảnh thân thể không trọn vẹn, mọi người trong nhà vừa phải chăm sóc họ lại vừa phải kiếm tiền nuôi gia đình, một người bị thương, cả nhà vất vả."
Vẻ mặt Thích Kính dần trở nên nghiêm túc, ra hiệu con dâu tiếp tục.
Thích Kiêu Thần lại hừ lạnh một tiếng, nhìn chằm chằm Tô Lê nói: "Nàng nói đơn giản quá nhỉ, các binh sĩ ấy đều gãy tay hoặc gãy chân, họ có thể làm gì được chứ? Nàng cho rằng họ không muốn kiếm tiền nuôi gia đình sao, nếu không phải do tìm không thấy đường ra, đại nam nhi nào cam chịu làm rùa đen rúc đầu?"
Giọng hắn oang oang, nói một tràng cứ như đang mắng Tô Lê vậy.
Tô Lê ủy khuất cúi gằm mặt, bị mắng không dám nói tiếp.
Thích Kính thấy vậy, vỗ bàn "Đùng" một cái, chỉ vào Thích Kiêu Thần mắng: "Y Lan đang nói với tao, mày lắm miệng cái gì? Cái đầu cổ hủ của mày có thể nghĩ đến, Y Lan không nghĩ đến sao? Muốn nghe thì câm miệng mà nghe, không muốn nghe thì lăn ra ngoài, đừng nói chuyện tào lao mồm mép trước mặt tao!"
Thích Kiêu Thần muốn đi, nhưng hắn sợ mình vừa đi, Tô Lê đã nói xấu hắn. Không còn cách nào, Thích Kiêu Thần ngoan ngoãn im lặng, một cái rắm cũng không dám thả.
Thích Kính nguýt hắn một cái, quay đầu, ôn nhu nói với Tô Lê: "Y Lan đừng để ý tới nó, nói tiếp đi con."
Tô Lê thấp thỏm nhìn Thích Kiêu Thần, lúc này mới nói tiếp: "Nhị gia nói có lý, vì bên ngoài không có công việc thích hợp nên họ mới chui rúc trong nhà phí thời gian. Con dâu muốn tìm một nhóm thương binh đã giải ngũ trước, tùy khả năng tới đâu mà dạy, thí dụ như gãy chân thì dạy họ làm nghề thủ công mỹ nghệ, gãy tay thì gác đêm trông sạp hàng, mù mắt thì hướng dẫn đấm vai bóp lưng, thậm chí học tập các loại nhạc cụ. Nếu có hiệu quả thì có thể tiến hành được trên khắp cả nước. Tiền trợ cấp của triều đình có hạn, đưa cá không bằng dạy bắt cá, giúp họ có thể tự lực cánh sinh mới là cách hiệu quả nhất."
Thích Kính và Thích Kiêu Thần đều sáng bừng mắt.
Nhưng Thích Kiêu Thần lập tức lại nghi ngờ nói: "Nàng nói thì nhẹ nhàng, nhưng nghề thủ công mỹ nghệ, nhạc cụ dễ học thế sao, nhất là nhạc cụ, mắt bình thường đã chưa chắc tinh thông, mắt mù thì làm sao học?"
Tô Lê thong dong nói: "Không có việc khó, chỉ sợ lòng không bền, nếu mọi việc đều có thể chỉ một lần là xong thì ai cũng làm được tướng quân, phú thương. Cái gọi là tùy khả năng tới đâu mà dạy, chính là khai thác sở trường của mỗi người, người có tài âm nhạc cho dù bị mù cũng có thể học tốt, không có thiên phú hay nghị lực không đủ, chúng ta đều không dạy."
Thích Kiêu Thần ngậm miệng.
Tô Lê lại nói với Thích Kính: "Phụ thân, trong tay con có chút bạc, con chuẩn bị mời các thợ về dạy nghề, dạy cách dùng nhạc cụ cho một nhóm thương binh trước, họ học xong rồi, con sẽ mở mấy cửa hàng thuê họ làm công làm ăn. Nếu có thể kiếm tiền, dù chỉ là một khoản nhỏ cũng chứng minh con đường này có thể đi, đến lúc đó phái người đi các nơi chiêu mộ các thương binh có hứng thú tự lực cánh sinh để bồi dưỡng tài năng, cha thấy ổn không?"
Thích Kính vốn đã thưởng thức tài học của con dâu, bây giờ con dâu còn nghĩ ra việc thiện có lợi cho thương binh trong triều như vậy, trong mắt Thích Kính, con dâu của ông đã không còn là người, mà là tiên nữ!
"Lão tổ tiên Thích gia chúng ta tích đức, mới giúp lão Nhị may mắn cưới được con dâu tốt như con!"
Thích Kính cho con dâu một lời đánh giá cao nhất mà ông có thể nghĩ ra.
Tô Lê khiêm tốn cúi đầu.
Thích Kiêu Thần nhìn thê tử cạnh mình, vừa nghi ngờ phụ thân khen nàng để châm biếm hắn, vừa nhìn thê tử của mình thật kĩ. Người tướng quân nào cũng đều vô cùng yêu quý đồng cảm với binh sĩ dưới quyền, Thích Kiêu Thần và Thích Kính cũng vậy, đều hi vọng mọi thương binh có thể sống thư thái. Không nói những thứ khác, nếu thê tử thật sự có thể thành công chuyện này, từ đây Thích Kiêu Thần cũng sẽ nhìn nàng với cặp mắt khác xưa.
Hai cha con thưởng thức Tô Lê xong, Thích Kính mở miệng: "Con có ý tưởng rất hay, vi phụ vô cùng ủng hộ con. Đừng động vào bạc của con, cần bạc thì nói thẳng với Lý thúc là được, cần bao nhiêu lấy bấy nhiêu."
Tô Lê cảm động nói: "Phụ thân mới thật sự là thương lính như con, giai đoạn trước cũng không cần nhiều bạc lắm, chỉ là cần mời thầy dạy làm đồ mỹ nghệ, cung cấp sân dạy cho giáo tập thôi ạ. Phụ thân, cha và Nhị gia đi sớm về trễ, sân luyện võ nhà chúng ta bình thường gần như đều để không, dọn dẹp một chút rồi làm nơi dạy sẽ rất hợp, con dâu nghĩ, không bằng cha chiêu mộ một nhóm thương binh trẻ trước, để họ ở trong phủ chúng ta?"
Thích Kiêu Thần cảm thấy chủ ý này không tệ, sân luyện võ tại căn nhà ngang [1] ở phía đông Hầu phủ, rất xa nội viện, không cần lo lắng các thương binh quấy rầy nữ quyến.
Thích Kính chần chờ: "Chỉ sợ họ ồn ào hò hét ầm ĩ, đại ca các con thấy phiền."
Thích Kính đối xử bình đẳng với hai đứa con trai, sau khi trưởng tử bị thương, Thích Kính mới có phần thương yêu trưởng tử hơn, gặp phải những chuyện liên quan đến trưởng tử, Thích Kính đều bận tâm hơn một chút.
Tô Lê đã chuẩn bị trước, thấp giọng nói: "Phụ thân không cảm thấy đại ca mới là người thương binh chúng ta nên khích lệ nhất sao?"
Thích Kính khó tin nhìn con dâu: "Con có cách giúp đại ca con vực dậy tinh thần ư?"
Tô Lê cười nói: "Con dâu đã nghĩ xong, chỉ là không biết có thể áp dụng không thôi."
Thích Kính ngạc nhiên nói: "Là cách gì?"
Tô Lê lắc đầu, có chút dí dỏm nói: "Cho phép con dâu giữ bí mật nhé, lúc đó cha sẽ biết thôi."
Có hi vọng là tốt rồi, Thích Kính hoàn toàn ủng hộ con dâu, bảo con dâu cứ thoải mái tiến hành.
Hai người thương nghị cụ thể một phen, Tô Lê và Thích Kiêu Thần cáo lui.
Đôi phu thê trên danh nghĩa sóng vai mà đi, Thích Kiêu Thần nhìn sườn mặt xinh đẹp của Tô Lê, nghĩ đến nàng còn chuẩn bị giúp đại ca vực dậy tinh thần, chẳng biết tại sao, Thích Kiêu Thần càng nghĩ càng thấy khó chịu. Nhớ lại những ngày vừa qua, Thích Kiêu Thần chợt phát hiện thê tử của hắn qua lại với đại ca hắn không ít, thật sự đại ca không có chút tư tâm nào khi cho nàng nha hoàn phòng thân sao? Bây giờ nàng đưa ra kế sách chiếu cố thương binh, có mấy phần là vì giúp đại ca?
"Vì sao nàng muốn giúp đại ca vậy?" Thích Kiêu Thần hỏi.
Tô Lê không thèm nhìn hắn, nói: "Việc này không thể tiết lộ sớm, nếu không sẽ không được hiệu quả như thiếp muốn, hơn nữa cũng không nhất định có tác dụng, Nhị gia an tâm chớ vội, đến lúc đó ngài sẽ biết thôi."
Thích Kiêu Thần khẽ xùy một tiếng: "Nàng cũng dụng tâm chuyện đại ca ghê nhỉ."
Không ngờ Tô Lê nghe ra một chút vị chua, nàng liếc Thích Kiêu Thần: "Yêu ai yêu cả đường đi, nếu huynh ấy không phải đại ca của Nhị gia, thiếp quản huynh ấy làm gì."
Thích Kiêu Thần không tin! Nàng không cho hắn đụng một cọng tóc nào, vậy mà còn nói yêu hắn? Coi trọng tên đại ca bạch kiểm đó còn chắp vá được!
"Đừng trách ta hắt nước lạnh, những thương binh ấy gia cảnh khó khăn, nàng dạy họ kiếm tiền, họ còn có lòng hăng hái, đại ca thì áo cơm không lo, nàng dùng cái gì để hấp dẫn đại ca?"
Tô Lê không nói, tiếp tục thừa nước đục thả câu.
Được Thích Kính ủng hộ, chẳng mấy chốc Hầu phủ Quan Tây đã có một nhóm thương binh vào ở, tổng cộng hai mươi lăm người, trẻ nhất mới mười tám, lớn nhất có bốn mươi. Dưới sự đồng hành của Lý thúc - tổng quản Hầu phủ, Tô Lê mang sáu vị sư phụ đến kiểm tra mọi người có năng khiếu về mặt nào.
Sáu vị sư phụ đều do Tô Lê chọn đến, lần lượt làm nghề khắc gỗ, làm đồ trang sức, tính sổ sách trướng phòng, am hiểu các loại nhạc cụ âm luật, thầy thuốc mát xa xoa bóp, cuối cùng là một văn nhân đang buôn bán rất nhiều thoại bản nổi tiếng trong kinh thành.
Sáu vị sư phụ lần lượt bày sạp trong sân luyện võ, hai mươi lăm thương binh theo thứ tự đến thử.
Lý thúc không ý kiến gì về năm vị sư phụ trước vì họ đều dạy tay nghề, chỉ vào văn nhân bán thoại bản tay cầm quạt xếp trông có vẻ điệu bộ nhất, tò mò thỉnh giáo Tô Lê: "Họ đều là vũ phu, không biết được mấy chữ, sao phu nhân muốn dạy họ viết thoại bản vậy?"
Tô Lê cười nói: "Ông ngẫm lại xem, văn nhân xưa nay chỉ viết về tài tử giai nhân, chưa bao giờ trải nghiệm sự hào hùng nhiệt huyết trên chiến trường, nói bừa khẳng định không phấn khích bằng đã có kinh nghiệm. Nếu trong số các thương binh này có người am hiểu kể chuyện, vậy người đó chỉ cần đọc để người khác viết thay. Câu chuyện đặc sắc, ắt sẽ là một con đường phát tài."
Lý thúc hiểu ra, càng bội phục Nhị phu nhân hơn.
Ngày kế tiếp, hai mươi lăm thương binh bái sư phụ, bắt đầu gắng hết sức mà học.
Thích Kiêu Thần và Thích Kính đến sân đấu võ xem, đều vô cùng vui mừng khi thấy mọi người rất hăng hái học tập.
Sân đấu võ giao cho Lý thúc trông coi là được, Tô Lê thỉnh thoảng sẽ tới xem, thời gian còn lại, Tô Lê tự giam mình trong thư phòng, vùi đầu chuẩn bị đại lễ để tặng cho Thích Lăng Vân. Thích Kiêu Thần đoán không sai, các thương binh trong sân đấu võ Tô Lê chỉ dùng để ngụy trang, người nàng muốn khích lệ chân chính chỉ có Thích Lăng Vân. Điều duy nhất Thích Kiêu Thần đoán sai, chính là động cơ của Tô Lê.
Tác giả có lời muốn nói:
Thích Kiêu Thần: Đại ca, có phải huynh cho đệ đội nón xanh không?
Thích Lăng Vân: Làm sao có thể.
Thích Kiêu Thần: Huynh thề đi!
Thích Lăng Vân: . Nhàm chán.
[1] Nhà ngang: Nhà phụ được xây vuông góc với nhà ở chính.