Trước Thất Tịch chừng mấy ngày, Thẩm Thiều Quang bắt đầu treo biển quảng cáo bánh hoa Thất Tịch ra ngoài cửa.
Thực ra ở thời này còn chưa có bánh nào đặc trưng cho ngày Thất Tịch, buổi tối chủ yếu dùng các loại dưa và trái cây, cũng có thể có thêm bánh ngọt để cầu Chức Nữ, cũng có người muốn ăn cơm La Liễu La. “La Liễu La” nghe nói là con của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, còn tại sao lại có liên quan tới ngày mồng bảy tháng bảy thì không ai biết. Đại đa số mọi người đều tế bái “Ngưu Lang” và “Chức Nữ”.
Thẩm Thiều Quang cảm thấy nếu đã “cầu khéo*” thì bánh ngọt với vẻ ngoài khéo léo đẹp đẽ đương nhiên sẽ thích hợp hơn các loại dưa và hoa quả, cho nên nàng mới đẩy mạnh “loạt bánh hoa ngày Thất Tịch”.
* Theo tục cũ, vào tối ngày mồng bảy tháng bảy âm lịch, các cô gái bày hoa quả ở giữa sân, cầu cho Chức Nữ phù hộ mình khéo tay may vá thêu thùa, được gọi là “khất xảo”, gần âm gần nghĩa với “kỳ xảo”, tức cầu cho khéo tay.
Biển quảng cáo bánh hoa được làm từ ván gỗ, mặt trên dán hình vẽ quảng cáo, trên hình vẽ là các loại bánh ngọt, bánh đậu xanh, ngải oa oa, bánh ngọt sơn tra, bánh hoa bông được vẽ vô cùng tỉ mỉ, đủ mọi màu sắc đỏ, hồng, xanh, vàng, trắng, trông rất bắt mắt.
Bên cạnh đề chữ “Bánh hoa Thất Tịch”, cũng chèn thêm hai câu quảng cáo “Sắc hương vị hình đều hoàn mỹ, dùng làm quà tặng cũng đủ ý”, vô cùng đơn giản rõ ràng dễ hiểu.
Nàng còn làm hàng mẫu đặt trong hộp, trưng bày ở vị trí bắt mắt nhất trong tiệm, có bán từ bây giờ, cũng nhận đặt hàng trước.
Thẩm Thiều Quang quả thật thích hợp làm đầu bếp hơn làm họa sĩ, lúc đầu người ta thấy biển quảng cáo thì chỉ tò mò, nhìn thấy sản phẩm thật rồi thì đều động lòng.
Mỗi cái bánh đều nhỏ xinh, không quá mười phân, có hình đóa hoa, cũng có cái hình chữ, có cái thì hình rùa, có cái là nắm bột mềm mại, có cái lại trơn bóng, cũng có cái xốp giòn, màu sắc lại khác nhau, được đặt ngay ngắn bên trong hộp, thế này thì ai nỡ lòng ăn đây?
“Ngài tặng cho ai? Làm quan à… Vậy thì nhất định phải có một bộ Phúc Lộc Thọ Hỉ, nếu là quan văn thì thêm mai lan trúc cúc, người đọc sách rất chú trọng khí tiết của bậc quân tử, thích những cái này, lại thêm hai cái La Liễu La cho hợp với ngày Thất Tịch, mười cái thành một hộp, nhìn qua cũng đẹp mắt.”
“Nếu là bánh cho các phu nhân thì lấy một bộ hình hoa, đều ngọt cả, màu sắc cũng nhẹ nhàng. Ngài nên mua thêm vài cái hình cá hình rùa nữa, bên cạnh các phu nhân còn có đám hài tử mà.”
“Mua cho ngài và tôn phu nhân thôi sao? Thế thì chọn theo khẩu vị đi, lại thêm hai cái Ngưu Lang Chức Nữ.” Thẩm Thiều Quang cười tươi giúp khách hàng chọn xếp hộp bánh. Việc này A Viên không giúp được nàng nên nàng chỉ có thể tự làm lấy.
Người muốn mua bánh mừng lễ Thất Tịch với nương tử nhà mình nghe Thẩm Thiều Quang nói xong thì khuôn mặt hơi đỏ lên, thanh toán tiền đặt cọc, khẽ chào rồi ra về.
Thẩm Thiều Quang xoay cổ, liếm môi, xoa xoa cơ mặt, “bán tiếng cười” đúng là một công việc tốn sức.
A Viên thu dọn một chồng hộp bánh do xưởng giấy đưa tới: “Cô nương, mấy cái hộp này đắt thật đấy, dù sao cũng không ăn được.”
“Không có nó thì không được.” Thẩm Thiều Quang mở một hộp ra đặt bánh vào, hộp này độ bền thì dư mà độ khéo lại không đủ, chỉ có thể dùng tạm.
Thời này đồ ăn được đóng gói hơi đơn sơ quá mức, chưa nói tới chuyện so sánh với các ống bằng ngà điêu khắc tinh xảo, các hộp bằng ngọc chạm trổ khéo léo để đựng mỹ phẩm, các loại dụng cụ bằng vàng bằng bạc chứa hương liệu, các loại hộp từ gỗ đàn hương đựng tơ lụa, mà lấy ví dụ một lĩnh vực gần hơn đi – như là bán rượu, người ta còn dùng bình sứ trắng men xanh để đựng cơ mà.
Đồ ăn thì gần như là không có đóng gói, thật sự không tiện cầm, lấy rơm hoặc cỏ quấn một vòng, sau đó “Ngài cầm lấy”… Thẩm Thiều Quang dùng túi giấy để đựng bánh rán đã khiến người ta chú ý lắm rồi, còn dùng hẳn hộp giấy dày in hoa như vậy rất có thể được xem là “đóng gói quá độ”. Còn như bát ngọc chén vàng mà người giàu có dùng để ăn thì không nằm trong nhóm đang được nhắc đến này.
Bánh rán và ngải oa oa vốn đã được coi là hàng “trung cấp cao cấp”, bánh hoa Thất Tịch này được đóng gói như vậy đã gần như là xa xỉ phẩm, một hộp mười cái có giá tới một trăm văn tiền, không phải số tiền mà người bình thường sẵn sàng chi tiêu.
Để đẩy mạnh tiêu thụ, Thẩm Thiều Quang lại mua thêm rất nhiều que trúc, có thể cắm bánh hoa lên đó, bán lẻ ra, phục vụ đám trẻ con thèm ăn.
Biển quảng cáo được bày ra thì cũng bắt đầu bán bánh hoa, tới một ngày trước lễ cho đến buổi trưa ngày Thất Tịch thì công việc buôn bán đạt đến đỉnh điểm. Có một vị khách đặt hẳn ba mươi hộp “hoa khai tứ quý”, chỉ riêng chuẩn bị cho vị khách này đã mất hơn nửa canh giờ của Thẩm Thiều Quang và A Viên. Thẩm Thiều Quang nhào bột, nặn bánh, ép vào khuôn, A Viên thì giúp đặt bánh vào hộp, sau đó gắn từng tờ danh sách mà Thẩm Thiều Quang đã viết sẵn lên từng hộp. Quy trình làm việc của hai người tuy bận rộn nhưng cũng có thể xem như trôi chảy.
Tới chiều, số khách hàng lớn đặt làm trên chục hộp đã ít đi, phần lớn đều là một hộp hai hộp, thậm chí chỉ có vài ba cái, cũng có đứa bé cầm tiền lẻ tới mua một cái để ăn vặt.
Tiểu hài tử đều có chứng sợ hãi có chọn lọc, thường thường chần chừ trước bàn bày bánh, cảm thấy con hổ này oai phong, bông hoa kia đẹp mắt, lại đều hỏi “Có ngọt không”, Thẩm Thiều Quang vừa bận bịu làm bánh vừa cười nói chuyện với đám tiểu hài tử. Thỉnh thoảng thừa lại một nắm bột mì nho nhỏ, Thẩm Thiều Quang liền thuận tay nặn thành một cái bánh, gọi là “mua một tặng một” cho mấy tiểu hài tử.
A Viên thì không thích nói chuyện với đám tiểu hài tử, Thẩm Thiều Quang tự giải thích cho điều này là “đứa bé lớn chê đứa bé nhỏ”.
Tới chạng vạng, mặt trời lặn về tây, vầng trăng khuyết nhạt màu bắt đầu lộ ra từ đường chân trời, rốt cuộc khách khứa cũng tan hết, Thẩm Thiều Quang thở phào một hơi, hỏi A Viên muốn ăn bánh gì, buổi tối hai người kết hợp trái cây với bánh ngọt đón Thất Tịch.
A Viên thích ăn bánh dẻo, muốn hoa và động vật mỗi loại một bộ, lại thêm một đôi Ngưu Lang Chức Nữ.
Thẩm Thiều Quang cười vui vẻ đồng ý, vừa làm vừa nói chuyện phiếm với A Viên.
Trong nha môn có người tặng Lâm Yến hai hộp bánh, nghĩ tới bà nội thích ăn mấy thứ tinh xảo khéo léo thế này, Lâm Yến liền bỏ lên xe mang về cùng. Nào ngờ lúc tỳ nữ bóc hộp ra bỏ vào đĩa thì phát hiện ra hai cái lớn nhất là “Ngưu Lang” và “Chức Nữ” đã bị đè hỏng do xe xóc nảy.
“Đẹp mắt thế này, tiếc quá.” Tỳ nữ nhẹ nhàng lấy ra một nửa hình Chức Nữ, nhìn một chút, cười nói.
Đang định bày mấy cái còn lại lên đĩa thì lại nghe chủ nhân nói: “Gọi người… Mà thôi, ta tự đi mua hai cái khác bù vào vậy.”
Tỳ nữ ngạc nhiên nhìn hắn, a lang chưa từng trải qua chuyện thế này sao? Sau đó lại nghĩ tới, bánh tinh xảo thế này chắc hẳn là mua về? Làm sao công tử biết bánh này mua ở đâu? Bây giờ cũng đã đóng cửa phường rồi.
Liếc mắt nhìn thấy chữ “Thẩm” nho nhỏ trên hộp, Lâm Yến thản nhiên nói: “Dù sao mấy thứ đón lễ thế này, thiếu một cái sẽ không tốt lắm.” Nói xong thì cầm túi tiền đi ra ngoài.
“Ngưu Lang kia nhìn lén Chức Nữ tắm đã là có ý đồ quấy rối, rất đáng bị phạt đánh, huống hồ còn giấu y phục của Chức Nữ, dùng cái này để bắt Chức Nữ lấy mình, còn không cho Chức Nữ về nhà, đúng là tội ác tày trời, có bị xăm chữ lên mặt thì vẫn còn nhẹ lắm.”
A Viên nghe Thẩm Thiều Quang nói xong thì sửng sốt một lúc, cảm thấy hình như cô nương nói đúng, nhưng mà mọi người không nói như vậy: “Nhưng mà Chức Nữ bằng lòng mà.”
Thẩm Thiều Quang chân thành giáo dục A Viên: “Đây cũng là một triệu chứng của “chứng Tư Đức Ca Nhĩ Ma* tổng hợp”. Tư Đức Ca Nhĩ Ma là một vùng người Hồ, ở đó có một nữ tử bị hung đồ bắt cóc, về sau lại muốn gả cho tên hung đồ đó.”
* Phiên âm chữ Hán của tên “Stockholm”. Hội chứng Stockholm hay quan hệ bắt cóc là thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc.
“Chức Nữ cũng vậy, nàng bị Ngưu Lang ức hiếp, hoàn toàn không có hy vọng trở lại thiên đình, dần dần ký thác tính mạng của mình cho Ngưu Lang, ăn một miếng cơm, uống một hớp nước, nghe một câu quan tâm, thế là đã có cảm giác Ngưu Lang thật tốt bụng. Thật ra nếu không phải vì Ngưu Lang thì Chức Nữ ở trên thiên đình không biết vui vẻ tự do cỡ nào, một hớp nước một miếng cơm của hắn thì đã đáng là gì?”
A Viên bị Thẩm Thiều Quang nói cho thật sự rối rắm, nghĩ ngợi một chút, hỏi: “Vậy nếu cô nương là Chức Nữ thì sẽ làm sao?”
“Đánh hắn! Đánh tới lúc hắn khóc gọi mẹ mới thôi!” Thẩm Thiều Quang hung dữ đáp lại.
Lâm Yến buông cánh tay đang muốn đẩy cửa, nhớ tới “hà bạch tinh phồn, thiên thượng nhân gian” đầy thương cảm và “ngô đồng thước ảnh, giai kỳ như mộng” đầy lưu luyến trên hộp bánh ngọt, khóe miệng khẽ hiện lên một nụ cười bất đắc dĩ, xoay người đi.
Bên trong cánh cửa thấp thoáng âm thanh: “Nếu đánh không lại thì sao?”
Tiếng trả lời xa xăm: “Một người nếu có lòng thì ắt sẽ tìm được cơ hội…”
Vừa đọc chương này vừa nghe Châu Thâm hát “Ngưu Lang Chức Nữ”, ai chưa nghe có thể nghe thử xem.