Cái món hương bồ này, kiếp trước chỉ biết là ở Hoài An và Tế Nam là nhất.
Hoài An ở phía nam, tới cuối xuân thì đi đào hương bồ, phổ biến nhất là gói sủi cảo nhân thịt lợn hương bồ, ai mà thích ăn tươi ngon hơn một chút thì có thể cho thêm tôm nõn bóc vỏ; hoặc là bỏ vào trong canh thịt gà mái già, đến khi canh chín thì vớt hương bồ ra, cho thêm muối và gia vị là xong, canh gà mái già hương bồ hầm kiểu thế này vừa thơm nồng lại vừa ngon ngọt; hoặc cũng có thể xào với lươn, với tôm khô, chưng với sư tử đầu, hoặc cho dù chỉ lấy một loại rau xanh bất kỳ nào đó mang lên xào chung cũng rất tươi ngon.
Tế Nam thì ở phía bắc, muốn ăn hương bồ phải đợi tới hè. Bình thường có thể xào không, xào với thịt, cho vào nước lẩu, lăn bột chiên giòn, nhưng nổi tiếng và kinh điển nhất vẫn là canh sữa hương bồ.
Nhưng mà không biết là vì vận may của Thẩm Thiều Quang không đủ hay là hiểu không đúng mà mấy lần ăn “canh sữa hương bồ” thì nước canh đều dùng là bột mì điều hòa, cho thêm các loại tôm nõn bóc vỏ, chân giò hun khói và hải sâm gì đó, màu sắc rất bắt mắt, mùi vị cũng không tệ, nhưng Thẩm Thiều Quang luôn cảm thấy thiếu thiếu thứ gì đó – trong cách hiểu của Thẩm Thiều Quang thì “canh sữa hương bồ” là dùng xương để chế biến nước dùng.
Thẩm Thiều Quang thực sự không ngờ rằng ở Đại Đường, ở Trường An mà cũng có hương bồ tươi, đây là cơ hội trời cho để nàng thử làm canh sữa hương bồ sao?
Hàng rau nói rằng hương bồ này mọc ở ven Vị Thủy, sau khi hái lên thì dùng bùn ướt bọc lại, giục ngựa đưa về Trường An. Hàng rau nhận rồi thì rửa sạch bày sạp bán hoặc đưa tới phủ đệ của các quý nhân hay các quán rượu.
“Nếu không thì sao nó có thể tươi thế được? Y như búp măng.” Hàng rau cười nói.
Tốn nhiều công sức như vậy mới đưa được đến tay thì đương nhiên là không rẻ, thế nhưng Thẩm Thiều Quang vẫn mua không ít, lại hẹn nếu hôm khác còn hương bồ nữa thì cứ đưa tới.
Thứ này bóc ra ăn luôn thì mới tươi ngon. Vu Tam và A Xương dậy từ sáng sớm, buổi trưa cũng chủ yếu là bọn họ loay hoay bận rộn trong bếp nên buổi chiều Thẩm Thiều Quang bảo bọn họ đi nghỉ một lát, tự nàng chuẩn bị đồ ăn bữa tối, nhặt rửa rau, ướp thịt, tiện thể trông chừng lửa trên lò.
A Viên đi tới muốn bóc cùng Thẩm Thiều Quang nhưng bị Thẩm Thiều Quang đuổi đi: “Nóng lắm, ngươi lại không thoải mái, đi nghỉ một chút đi.”
A Viên đứng lên chạy một vòng, sau đó lại trở về: “Cứ để ta giúp cô nương bóc rau đi, dù sao cũng đói bụng, đi nghỉ cũng không thoải mái, chi bằng làm chút việc phân tán lực chú ý.”
Thẩm Thiều Quang bất đắc dĩ bật cười.
Tối hôm qua A Viên ăn không ít thịt dê nướng, còn ăn thêm ngọc tiêm diện, trước lúc đi ngủ lại ăn thêm hai quả đào to, nếu không phải Thẩm Thiều Quang can ngăn thì có khi còn ăn thêm một quả nữa, ban đêm lại ham lạnh, để bụng trần nằm ngủ, tới canh năm thì mò dậy chạy đi nhà xí mấy chuyến. Sáng sớm dạ dày vẫn còn khó chịu.
Thẩm Thiều Quang dẫn nàng ta tới lang trung trong phường, lang trung bắt mạch xong lại nhìn đầu lưỡi, kê thuốc, còn dặn: “Mấy ngày tới ăn uống phải thanh đạm một chút, chịu đói mấy hôm đi.” Khiến Thẩm Thiều Quang chợt nhớ tới Vương thái y xem bệnh cho Xảo Thư trong Hồng lâu mộng.
Nghe xong lời dặn dò này của lang trung, A Viên lập tức ủ rũ mặt mày ngay tại chỗ.
Nàng ta không thích giảm béo thì Thẩm Thiều Quang không ép buộc, nhưng bây giờ bị bệnh thì nhất định phải giám sát thật.
Buổi trưa nàng nấu cháo riêng cho A Viên, nghĩ tới khẩu vị của nàng ta, lại tốt bụng làm thêm một bát canh trứng nho nhỏ, những thứ này bỏ vào cái dạ dày như thể không có đáy của A Viên thì chẳng khác nào muối bỏ biển.
A Viên u oán nhìn Vu Tam ăn thịt dê rắc thì là, Vu Tam lại càng nhai ngon lành hơn; A Viên nhìn A Xương kẹp thịt vào trong bánh chưng, còn tưới thêm cả nước canh đậm đặc, A Xương lặng lẽ xoay người đi chừa cho A Viên một cái bóng lưng.
A Viên: “…” Vẫn là cô nương tốt bụng nhất!
Đồ ăn của Thẩm Thiều Quang là hương bồ xào thịt, trứng gà dưa chuột, cùng với một bát cháo nhỏ như của A Viên.
Cho dù chỉ là hương bồ xào với mấy miếng thịt nho nhỏ thì A Viên cũng phát thèm, nhìn Thẩm Thiều Quang với vẻ ước ao, còn thử vươn đũa ra muốn gắp một miếng.
Vu Tam tằng hắng một tiếng.
A Viên oán hận buông đũa xuống.
Thẩm Thiều Quang đành phải an ủi nàng ta: “Bây giờ mà ngươi không lo dưỡng cho tốt thì sau này cứ ăn một bữa sẽ lại đau một bữa, làm hỏng dạ dày thật rồi có muốn ăn đồ mặn cũng không ăn được nữa, cố gắng nhịn vài hôm đi. Chờ tới khi khỏi rồi thì sẽ cho ngươi ăn đùi dê nướng.”
A Viên bẹp môi đồng ý.
Bữa chính đã chẳng được ăn no, bây giờ giữa buổi chiều lại càng đói hơn. Vừa giúp cô nương rửa sạch hương bồ đã bóc xong để dùng cho bữa tối, A Viên vừa hít hà mùi canh sữa trên lò: “Món canh sữa hương bồ cô nương làm lúc trưa khách nào ăn cũng khen cả, nói là nhìn qua thì có vẻ thanh đạm, không ngờ là lại ngon vậy.”
Thẩm Thiều Quang hơi đắc ý, quả thật món canh sữa từ hương bồ lúc trưa khá thành công, nước canh trắng như sữa, hương bồ màu xanh nhạt, thêm một chút thịt khô, trông rất đẹp mắt, nước canh lại thơm, hương bồ thì non ngọt, ăn rất ngon miệng – chỉ là buổi trưa hơi nóng, tối nay nhất định phải uống hai bát.
A Viên cũng đắc ý: “Bọn họ đâu có biết canh sữa này là hầm từ xương lợn, gà già vịt già đâu chứ? Mấy thứ này đừng nói là nấu với hương bồ, cho dù có nấu với cỏ cũng thơm! Nếu thật chỉ là nước sôi nấu với rau cho thêm tí bột súng thì bọn họ lại chả đòi lật đĩa lên ấy.”
Lâm Yến vừa mới bước vào cửa thì nghe thấy người tỳ nữ ngồi trong bếp nói như vậy, không khỏi mỉm cười, đúng là chủ nào hầu nấy.
Thẩm Thiều Quang cười nói: “Nước sôi luộc rau xanh cũng sẽ có người thích – thường đều là các vị quý nhân bình thường quen ăn ngon uống ngọt rồi ngán muốn thay đổi khẩu vị, ví dụ như Lâm thiếu doãn thường hay tới đấy. Có thể thấy đây chính là “vị lớn ắt nhạt”…” Mới thật là kĩ tính.
Nghĩ tới chuyện người có tiền muốn đổi khẩu vị, Thẩm Thiều Quang đột nhiên nhớ tới bộ phim điện ảnh “Phe Giáp phe Ất”, trong phim có một kẻ giàu có bị đưa đến một cái thôn nhỏ trong núi ăn hết sạch gà trong thôn bọn họ, nếu như cũng đưa Lâm thiếu doãn đi thì không biết hắn có còn duy trì được phong độ ngời ngời như bây giờ nữa không?
* Phe Giáp phe Ất (hay Bên A bên B, The Dream Factory) là một bộ hài kịch do Phùng Tiểu Cương đạo diễn, được sản xuất nhân dịp Tết nguyên đán năm 1997.
Đang tưởng tượng cảnh Lâm thiếu doãn đầu xù tóc rối, khoác cái áo bông đen nằm nhoài ngoài cửa thôn chờ cứu viện thì nghe thấy tiếng ho nhẹ bên ngoài.
Thẩm Thiều Quang trừng mắt, không phải chứ? Khéo như thế sao? Có thể thấy là không thể nói xấu sau lưng người khác được…
Vén tấm mành ở phòng bếp lên đi ra, Thẩm Thiều Quang nở nụ cười nịnh nọt với Lâm Yến: “Chào Lâm lang quân, Lâm lang quân vào bên trong ngồi đi, Lâm lang quân vẫn uống cốc nước ô mai ướp nước giếng giải khát trước chứ?”
Mặt Lâm Yến nghiêm nghị, khóe mắt lại lộ ra ý cười: “Được, làm phiền cô nương rồi.”
Thẩm Thiều Quang híp mắt cười nói: “Không phiền.”
A Viên đã chạy ra hậu viện lấy nước ô mai, không cần Thẩm Thiều Quang phải mất công nữa, Thẩm Thiều Quang lại theo thường lệ hỏi Lâm thiếu doãn muốn ăn món gì.
“Cứ lấy món rau luộc vị lớn ắt nhạt mà cô nương nói đi.”
Thẩm Thiều Quang: “… Được!”
Thẩm Thiều Quang tự biết đuối lý, bị người ta chế giễu một chút thì cứ để người ta giễu, đang định quay người rời đi thì lại nghe thấy hắn nói: “Vừa rồi ở trong bếp hình như cô nương còn có ý chưa nói hết, “vị lớn ắt nhạt” này thì thế nào?”
Thẩm Thiều Quang quay đầu lại nhìn hắn, Lâm thiếu doãn mặt mày cong cong, như cười như không, không còn là dáng vẻ trang nghiêm thận trọng như thường ngày mà lại có nét giống vị bằng hữu họ Bùi của hắn. Vẻ mặt thế này, thêm câu hỏi như vậy, rõ ràng là đang chọc ghẹo.
Trong lòng Thẩm Thiều Quang hơi hoảng, khuôn mặt hơi nóng lên, thì ra Lâm thiếu doãn cũng có thể bày ra dáng vẻ phong lưu thế này, thật đúng là.. tài nhân kỹ lưỡng, thành bất khả trắc*!
* Trong “Điền từ tạp thuyết” Thẩm Khiêm đánh giá Giá Hiên là “Từ nhân kỹ lưỡng, thật bất khả trắc”, từ đây chỉnh sửa một vài từ. (Đột nhiên phát hiện ra cha của nữ chính trùng tên với vị học giả này.) [tác giả] “Lưỡng” ở đây có nghĩa là hai, ý nói cả hai mặt đều thành thạo.
Thẩm Thiều Quang ổn định lại một chút, chậm rãi thở ra một hơi, ám muội tới cỡ này thì thật sự không thể cứ để mặc cho tiếp tục được nữa.
Thẩm Thiều Quang không đi vào bếp mà quay lại ngồi ở đối diện Lâm thiếu doãn, mỉm cười nói: “Mấy lời vừa rồi ở trong bếp chẳng qua là đùa giỡn với tiểu tỳ nữ mà thôi, đậm có cái tốt của đậm, nhạt có cái vị của nhạt, cũng không cần quá để ý, mong lang quân chớ để bụng.”
Mặt Lâm Yến trở nên nghiêm túc trở lại, yên lặng nhìn nàng.
“Câu “vị lớn ắt nhạt” này cũng không có ý gì, nhưng ta lại có cái khác muốn thỉnh giáo. Lúc còn ở Dịch Đình từng đọc được trong “Thi” có câu “Xa xỉ không có điểm đầu, tươi mới lại có điểm cuối”, sau lại đọc được trong tác phẩm của một vị Hồng tiên sinh rằng “Khiến người thích một chút lúc ban đầu, chi bằng khiến người ta ghét lâu dài*”. Ta cảm thấy những lời này rất có đạo lý. Không biết Lâm lang quân nghĩ thế nào?”
* Trích “Thái căn đàm” (Bàn về rễ rau) [tác giả]. Đây là tập sách do đạo sĩ Hồng Ứng Minh (pháp hiệu Hoàn Sơ đạo nhân) biên soạn vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch (1573 – 1620) đời Minh Thần Tông, tổng kết những kinh nghiệm đối nhân xử thế của người xưa. Tác giả đã thu lượm các câu cách ngôn trong các bộ kinh điển của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, biên soạn thành sách, chia làm 3 chương, bao gồm 97 mục.
Lâm Yến nhìn Thẩm Thiều Quang một lát, Thẩm Thiều Quang vẫn duy trì dáng vẻ mỉm cười trầm tĩnh của mình.
Lâm Yến nhếch miệng: “Nghe cách nói của cô nương có đôi phần ý tứ của Lão Trang, nhưng theo cách hành sự của lệnh tôn thì lại là một vị nho giả.”
* Tức Lão Tử và Trang Tử, hai đại diện cho Đạo giáo, một trong ba giáo lý tồn tại song song và ảnh hưởng tới đời sống thời cổ đại gồm Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo.
Thẩm Thiều Quang nhướng mày.
“Mỗ cũng là con cháu nho gia. Con cháu nho gia thì lại cho rằng “Chí ở đạo, sống ở đức, dựa vào nhân”, tận tâm tận lực mà theo đuổi là được.” Vẻ mặt Lâm Yến rất kiên định, ánh mắt nhìn thẳng vào Thẩm Thiều Quang không hề tránh né.
Thẩm Thiều Quang đột nhiên không biết đáp lại thế nào, thì ra lòng nhiệt tình của nho gia các ngươi vận dụng vào cuộc sống lại biểu hiện ở các phương diện…
“Trong “Lễ Ký” có chép: “Nho có bữa tiệc ngon để chờ sính, sớm đêm học tập để chờ hỏi, ôm lòng trung tín để chờ nêu, nỗ lực thực hiện để chờ lấy”.” Lâm Yến liếm môi dưới, rũ mắt, nhẹ giọng nói: “Lời này mỗ nói ra có phần tự đại, nhưng vẫn mong cô nương suy xét kĩ càng một chút.”
Thẩm Thiều Quang: “…”
Nhà nho có bữa tiệc trân bảo chờ được thăm viếng; nỗ lực học tập, chờ được vấn hỏi; lòng mang trung tín, chờ được tiến cử; dốc hết sức mình, chờ được tuyển chọn. Hắn thế này là tự so mình thành “trân bảo”, chờ bị ta “sính lấy” sao?
Chả có lẽ đây là lời bày tỏ của ngươi?
Người đời Đường các ngươi đều bày tỏ thế này cả sao? Giống như đàm đạo?
Thẩm Thiều Quang cười giả lả: “Nhà nho các ngươi cũng thật là, cần gì “biết không thể lại vẫn làm” chứ?”
“Không làm thì sao biết là không thể? Biết đâu lại rất “có thể” thì sao…” Phần sau giọng nói hơi nhẹ, chữ “sao” cuối cùng lại như thể chứa đầy ám muội, rõ ràng là một câu nói nghiêm chỉnh như vậy mà lại nói ra vài phần du dương cợt nhả. Lâm Yến hơi mất tự nhiên bưng cốc nước lên uống một hớp, trong tay áo lộ ra một đoạn dây trường mệnh.
Nhìn cái cằm của hắn và yết hầu lăn lên lộn xuống lúc hắn uống nước, tâm tư của Thẩm Thiều Quang hoàn toàn bị câu “Biết đâu lại rất “có thể” thì sao” kéo đi hơi xa, sao mà “có thể” chứ? Đổ thư bát trà, uyên trướng triền miên, sinh con dưỡng cái, bạc đầu giai lão sao?
* “Đổ thư bát trà” (tranh tài từ sách, làm vẩy nước trà) là điển cố bắt nguồn từ vợ chồng Lý Thanh Chiếu và Triệu Minh Thành. Hai vợ chồng đều thích đọc sách, trí nhớ của Lý Thanh Chiếu lại rất tốt, cho nên mỗi ngày ăn xong cùng nhau pha trà hai người đều dùng cách tranh tài để quyết định thứ tự uống trà, một người hỏi xem điển cố nào đó là xuất từ dòng mấy trang mấy quyển nào, nếu đối phương đáp đúng thì được uống trước, nhưng người thắng thường vì quá vui mà đổ nước trà ra người. Về sau điển cố này được dùng với ý chỉ cuộc sống vợ chồng thuận hòa, tâm đầu ý hợp.
Thẩm Thiều Quang nuốt nước miếng, cười khan một tiếng: “Có thể thấy là Nho gia Đạo gia đúng là không giống nhau, không giống nhau… Ta đi làm canh rau cho lang quân trước đã.”
Lâm Yến nhìn theo dáng vẻ hoang mang bỏ chạy của nàng, không nhịn được cười.
Thẩm Thiều Quang vào bếp, cắt hương bồ ra thành khúc, lại cắt mấy miếng thịt khô, mấy lát gừng, cho vào nồi một ít dầu rồi cho gừng và thịt khô vào đảo qua, vừa đảo đồ ăn vừa rối rắm trong lòng, không ngờ rằng Lâm thiếu doãn lại có đôi phần phong thái tổng tài bá đạo, không chịu tiếp nhận lời từ chối mà còn làm rõ quan hệ… Vị con cháu nho gia này hơi khó chơi đây.
A Viên lại tới chọc thêm phiền cho nàng: “Cô nương biết nhiều thật đấy, lại còn có thể bàn luận học vấn với thám hoa lang.”
Thẩm Thiều Quang cười gượng gạo: “… Không biết vẫn hơn, không biết vẫn hơn.”
A Viên vô cùng ngạc nhiên: “Thế này là sao? Không phải cô nương vẫn thường thúc giục ta học hỏi thêm sao?”
Thẩm Thiều Quang nói đầy ẩn ý: “Biết chữ là được rồi, có vài thứ của nho gia nếu không biết cũng không sao.”
A Viên lại càng thêm không hiểu, thế nhưng thấy cô nương như có điều suy nghĩ không muốn nói nhiều nên A Viên cũng không hỏi nữa.
Thẩm Thiều Quang múc canh sữa hương bồ đã nấu xong cho vào bát, lại tùy tiện lấy mấy cái bánh chưng và bánh ngọt có sẵn, bảo A Viên bưng ra.
Lâm Yến nhìn A Viên, A Viên giải thích thay Thẩm Thiều Quang: “Cô nương nhà ta còn đang nghiền ngẫm chuyện “nho gia” cơ.”
Thẩm Thiều Quang trong bếp: “…”
Lâm Yến bật cười.