Ba ngày nghỉ đông chí, có thể nói là Thẩm Thiều Quang sống một cách “phập phồng nhấp nhô”, họp với bạn hợp tác một lần – từ tiểu phú bà có nhà có xe biến thành một nô lệ phòng ốc phải gồng mình trả tiền nhà theo kỳ; uống say một lần – chia tay với bạn trai, chia tay không thành lại biến thành thỏa thuận kết hôn. Ngoài ra thì còn khóc hai lần, khiến số lần mất khống chế cảm xúc trong năm nay vượt quá chỉ tiêu. Tới buổi sáng ngày thứ tư, Thẩm Thiều Quang vừa ăn cháo vừa tổng kết lại như vậy.
Cháo là cháo kê vàng óng, độ đặc vừa khéo; ăn kèm với cháo là đậu phụ trộn dưa muối có bỏ thêm hành hoa và dầu vừng cùng với rau cần muối chua mà người đời Đường đều thích; món chính thì là bánh mì cuộn thịt và màn thầu từ hỗn hợp ba loại bột là bột đậu, bột hạt dẻ và bột lúa mì, ngoài ra còn có trứng gà mới luộc thơm lừng.
Trứng gà này nhìn qua thì biết ngay là do công chúa Vu Tam luộc, còn một phần lòng đào lớn chừng hạt đậu, vừa non mềm mà lại không có mùi tanh – Thẩm Thiều Quang cực kỳ không thích ăn trứng mà phần lòng đỏ còn lỏng. Thời này trong nhà còn chưa có dụng cụ đo thời gian chính xác, không biết công chúa Vu Tam làm thế nào mà lần nào cũng có thể luộc được chuẩn như vậy.
Nói đến trứng gà luộc, Thẩm Thiều Quang lại nhớ tới một quyển tiểu thuyết mà nàng từng đọc được rất nhiều năm trước, nữ chính sinh con, ông chồng ngoại tình lại không đáng tin của cô ta đưa món sủi cảo mua ở bên ngoài tới, mà sản phụ cùng phòng bệnh thì đang chê bai người chồng của mình*.
* “Con gái đại tá” của Vương Hải Linh, một quyển sách rất cũ. [tác giả]
Người chồng của sản phụ kia đưa trứng gà luộc tới phòng bệnh, cái nào cái nấy đều cứng y như cao su. Sản phụ rất bực mình, người chồng nói là anh ta làm y như lời dặn của vợ, đổ nước lạnh vào, sau khi sôi thì để bốn mươi lăm phút. Sản phụ nói: “Em bảo là bốn năm phút, thế mà anh luộc hẳn bốn mươi lăm phút! Sao không luộc bốn năm tiếng luôn đi?” Còn nói là sắp sinh thì đã chỉ cho chồng xem hết đồ đạc trong nhà thứ nào để chỗ nào, chỉ sợ mình sinh xong về nhà thì chồng đã chết đói rồi.
Khi đó Thẩm Thiều Quang mới chỉ mười mấy tuổi, tuổi tác chênh lệch nhiều, hoàn cảnh trưởng thành cũng khác, vốn không tài nào đồng cảm được với nữ chính trong truyện, cũng chẳng để ý lắm đối với cuộc sống hôn nhân đầy lông gà vỏ tỏi, đọc hết tiểu thuyết này rồi thì ném đi, nhưng chẳng biết tại sao lại nhớ rất rõ đoạn này, đặc biệt là đoạn “bốn năm phút” này – chắc là vì sự nhạy cảm của kẻ tham ăn?
Thẩm Thiều Quang nhớ là trong đó còn có đoạn nữ chính làm cơm trộn mỡ lợn, nhầm đường thành bột ngọt, nam chính ăn sạch bát cơm trộn ngọt lịm này – hai người vì thân phận khác biệt mà cuối cùng bỏ lỡ nhau, lỡ một lần chính là cả một đời.
Thẩm Thiều Quang không biết tại sao lại nhớ tới chuyện xưa xửa xừa xưa như vậy, có lẽ là phụ nữ đang yêu đương thì đa sầu đa cảm hơn.
Cuối cùng nàng cũng không bỏ lỡ mất Lâm Yến, còn chuyện sau khi thành hôn có lộ mất bộ mặt thật của mình hay không… Thẩm Thiều Quang mỉm cười, nhét trứng gà vào trong miệng, lộ rồi lại tính sau. Cũng như hắn đã nói, nghĩ nhiều quá không được, cứ muốn được vẹn toàn, lấy đâu ra nhiều vẹn toàn thế chứ? Đời người giống như đi thuyền, không biết sẽ gặp phải cái gì, điều chúng ta có thể chọn chẳng qua là người đi chung thuyền mà thôi.
Thấy cô nương nhà mình trông có vẻ lạ lùng, lúc thì nhíu mày lúc lại mỉm cười, A Viên hỏi: “Chẳng lẽ cơm hôm nay không ngon sao?”
Thẩm Thiều Quang cười nói: “Ta đang nghĩ tới cơm trộn mỡ lợn.”
Lúc A Viên theo chủ cũ chưa từng ăn món này, bây giờ đã được ăn bao nhiêu đồ ăn ngon, thử tưởng tượng một chút, lắc đầu, dáng vẻ trông chẳng có gì là mong đợi.
Thẩm Thiều Quang cũng chưa từng ăn thử. Thái Lan tiên sinh xếp cơm trộn mỡ lợn vào danh sách những món ắt phải thử trước khi chết, Thẩm Thiều Quang nghi rằng trong này có thêm vào quá nhiều yếu tố tình cảm. Một thìa dầu từ mỡ lợn, một chút tương dầu và hành hoa, cộng thêm cơm tẻ, chẳng lẽ lại có thể gây nên phản ứng hóa học gì?
Trong quán có sẵn mỡ lợn, buổi trưa Thẩm Thiều Quang thử làm một tô cơm trộn mỡ lợn. So với món cơm trộn chỉ thêm tương dầu, dầu từ mỡ lợn và hành hoa thì món cơm trộn của nàng có thể coi là xa xỉ – bỏ thêm thịt khô, gà xé sợi, măng muối, tôm nõn, cái khác thì chưa nói, xanh xanh đỏ đỏ thế này, ít nhất là vẻ bề ngoài rất đẹp, cơm tẻ nóng hổi đưa hương thơm của dầu bay xa, chỉ ngửi thôi đã phát thèm.
Trước mặt đồ ăn thì A Viên hoàn toàn chẳng có chút tôn nghiêm nào, trước đó vốn còn chẳng để tâm mà giờ đã thành vùi đầu vào trong bát.
Vu Tam luôn rất kháng cự trước mấy món cơm lạ lùng của Thẩm Thiều Quang, thế nhưng nếm thử một thìa cơm trộn mỡ lợn này xong thì cũng ăn một bát.
Những người còn lại thì xuýt xoa khen ngợi, Thẩm Thiều Quang cảm thấy thỏa mãn – Lâm thiếu doãn có ăn hay không chẳng quan trọng, Thẩm Thiều Quang vẫn luôn nghi rằng vị giác của hắn bị khiếm khuyết, trước kia ăn cơm trong quán của nàng có thể ra sức khen ngon đều chỉ là sách lược.
Từ sau tiết đông chí, Thẩm Thiều Quang càng ngày càng ít thời gian chui vào bếp mày mò đồ ăn. Thiệu Kiệt đã xử lý xong quán rượu ở Đông Thị, đang bận rộn sửa sang dọn dẹp mặt tiền, bày biện bàn ghế đồ đạc lặt vặt và nhân viên, tranh thủ kịp khai trương trước năm mới.
Hằng ngày ngoài việc quản lý bốn quán rượu vốn có thì Thẩm Thiều Quang còn phải nghĩ ngợi xem làm sao để biến quán ở Đông Thị thành chiêu bài của Thẩm Ký – không thể lãng phí vị trí tốt như vậy, mà quan trọng hơn là không thể để uổng số tiền kia được!
Đông Thị gần hoàng thành, xung quanh nhiều quan to, gần đó lại có phường Sùng Nhân tập trung nhiều quán trọ và cửa hàng xa hoa cùng với khu đèn đỏ nức tiếng đời Đường là phường Bình Khang, khác với Tây Thị khá bình dân thì Đông Thị đích thực là khu thương mại trung tâm của trung tâm.
Để tạo nên tiếng tăm cho Thẩm Ký, để khiến người ta vừa nghe thấy thì đều phải thốt lên, Thẩm Thiều Quang và Thiệu Kiệt quyết định giữ nguyên nét đặc sắc chung của Thẩm Ký, ngoài ra còn sửa đổi một số điểm.
Ví dụ như thêm phòng bao. Lầu hai ngăn ra một khoảng rộng, chia thành mấy gian phòng nhỏ, chuyên dành cho những khách thích yên tĩnh. Phòng bao thật sự thanh nhã như tên của nó*, trên tường là mấy bức họa hoặc xa hoa phú quý hoặc xa xưa quý phái, trên sàn gỗ bày bàn tiệc lớn hoặc bàn ăn nhỏ, ngoài ra còn có sạp từ gỗ đàn hương, ghế gỗ, bình phong, nệm kê từ gấm Thục, lại còn có chậu trồng mai vàng, trong lò đốt huân hương – ngồi ăn ở trong này, một tô mì tới cả ngàn văn ngươi cũng không tiện kêu đắt!
* Nguyên văn của “phòng bao” là “nhã gian”.
Tốn công bày biện phòng bao cho các “quý nhân” nhưng cũng không lơ là “trò giải trí” dành cho thực khách phổ thông. Thẩm Thiều Quang bàn bạc với Thiệu Kiệt, dành ra một khoảng giữa sảnh lớn ở lầu dưới, xây thành sân khấu, Trương nhị lang nhà mình có thể trình diễn “Tên món ăn” và “Vịn tường ra Thẩm Ký” ở chỗ này.
Thiệu Kiệt vỗ tay: “Rất nên làm! Trò “chọc cười*” này của chúng ta là độc nhất vô nhị ở Đông Thị. Hoàn toàn không giống bọn họ chỉ có vài ca cơ i i a a, đều chẳng có mấy người nghe…”
* Ở thời đó gọi thể loại biểu diễn này là “hí lộng”, tức trêu đùa, chọc ghẹo. [tác giả]
Thời này thì những tiểu phẩm hài trình diễn trong bữa ăn kiểu này không phải không có, chỉ là phần lớn đều chỉ có trong bữa tiệc của các nhà quyền quý, còn các quán rượu ở Đông Thị Tây Thị thì có vài quán sẽ mời ca cơ từ phường Bình Khang tới đàn hát để kéo khách, Thiệu Kiệt đang nói tới cái này.
Thiệu Kiệt lại nói: “Hôm trước ta theo ông nội tới dự tiệc ở nhà của Chu hàng thủ, trong bữa tiệc cũng có trò “chọc cười”, nghe nói hai người diễn trò kia lúc trước còn từng phục vụ trong vương phủ cơ đấy, ta thấy chẳng qua cũng chỉ là như vậy mà thôi, mà quan trọng hơn là – nội dung tiểu phẩm quá cũ kĩ.” Thiệu Kiệt bĩu môi chê bai. Cái từ “tiểu phẩm” này rõ ràng là học được từ Thẩm Thiều Quang.
“Tiểu phẩm” của Thẩm Ký thì đúng là rất mới mẻ, cũng không phải nhờ Thẩm Thiều Quang động não nhiều, giỏi sáng tác hay trí nhớ tốt, nhớ được nhiều truyện cười, mà là nàng phát động được quần chúng nhân dân.
Thẩm Thiều Quang ngay từ đầu đã nhận thức được rằng “kịch bản” mới là linh hồn của kiểu trình diễn này, cũng giống như đồ ăn, phải không ngừng phát triển cái mới thì mới có sinh mạng và sức hấp dẫn.
Nhưng mà những tiểu phẩm không nguyên bản, không biết có phải là do nàng thiếu tế bào hài hước hay không, dựa vào các thể loại sách tiếu lâm như “Tiếu lâm quảng ký” đọc được ở kiếp trước, cũng không kéo dài được bao lâu. Thẩm Thiều Quang nhớ trước kia từng nghe được điển cố nói tiên sinh kể chuyện lấy trà đổi chuyện, bèn quyết định cũng thêm một phần tương tác như vậy – mời thực khách đóng góp, giới hạn đề tài có liên quan tới đồ ăn, yêu cầu phải thú vị hài hước, chỉ cần đáp ứng yêu cầu sẽ được tặng một đĩa bánh hoa.
Chiêu này được tiến hành ở bốn quán ăn cũ của Thẩm Ký, quả thật sức mạnh của quần chúng là vô hạn, thu thập được không ít tiểu phẩm thú vị. Thẩm Thiều Quang biên soạn sửa đổi lại những tiểu phẩm này, ngoài tuyển tập thực khách Trương nhị lang keo kiệt tham ăn thì còn thêm tuyển tập tiểu phẩm hài tao nhã mà đám người đọc sách yêu thích, tuyển tập khuê phòng hơi mang màu hương diễm, tuyển tập ngớ ngẩn gây cười mà mọi người đều thích nghe, cốt truyện đều liên quan tới ăn uống.
Thẩm Thiều Quang sáng tác không nổi nhưng khả năng tuyển chọn biên soạn vẫn trót lọt, những chủ đề không đứng đắn, quá ướt át hoặc liên quan tới chính trị đều không lấy, chỉ chọn những nội dung mà “cả nhà ngồi ăn cùng nhau đều có thể xem” – dù sao thì chúng ta cũng chỉ nhằm mua vui mà thôi.
Thiệu Kiệt chính là người hâm mộ của “hí lộng”, cứ rảnh rỗi không có việc gì thì sẽ nghe vài đoạn, vậy cho nên mới chê bai người ta – thật đúng là sở thích bị dưỡng cho thành kén chọn.
Thẩm Thiều Quang lại nói: “Chỉ mỗi hí lộng thôi thì vẫn nhàm chán quá, tốt nhất là chúng ta có thể ký khế ước với các đoàn tạp kỹ hoặc gánh múa người Hồ ở Đông Thị, để bọn họ mỗi tuần tới một vài lần, tiền thưởng khách cho thì để bọn họ giữ lại cho mình, chúng ta trả thêm cho bọn họ một ít tiền nữa.”
“Vậy thì càng tốt!”
Thẩm Thiều Quang không đề nghị mời ca cơ vũ kỹ từ phường Bình Khang tới, cũng không phải là vì nàng thoát tục tam quan đoan chính, mà là vì mời không nổi – người ta nổi tiếng, xinh đẹp, đàn hát tốt, phí mời quá đắt; cũng chẳng hơn gì thì mời tới làm gì chứ?
Bước sang tháng chạp, quán rượu Thẩm Ký ở Đông Thị khai trương.
Đứng ở cạnh lan can lầu hai, nhìn thực khách ra vào tấp nập, nghe màn mở đầu “Tên món ăn” kiệt tác của Hứa tứ lang, Thẩm Thiều Quang hỏi Lâm Yến đặc biệt tới dự: “Có phải cảm thấy cũng không tệ không?”
“Không phải không tệ, mà là rất tốt.” Lâm Yến cười nói: “Cực kỳ tốt.”
Thẩm Thiều Quang sinh ra cảm giác viên mãn, cười híp cả mắt.
“Cũng không uổng số trà mà ta uống trong lúc chờ đợi uổng phí ở chỗ nàng.”
Thẩm Thiều Quang quay đầu nhìn hắn, Lâm Yến nhướng mắt lên, vẻ mặt vừa có ý trêu ghẹo vừa có ý tủi thân.
Bởi vì chuyện khai trương quán rượu mới và chuyện đổi thực đơn theo mùa của quán rượu cũ, thêm cả chuẩn bị đón năm mới, Thẩm Thiều Quang đúng là rất bận, thậm chí thỉnh thoảng còn có lúc phải ở lại bên ngoài. Lâm Yến cũng bận, rút ra chút thời gian rảnh đi tìm nàng thì nàng lại không ở nhà…
Thẩm Thiều Quang liếm môi dưới, bắt chước giọng điệu của mấy kẻ ăn chơi, lườm hắn: “Có phải có cảm giác “hối giáo phu tế mịch phong hầu*” rồi không?”
* Trích “Khuê oán” (Nỗi oán trong phòng khuê) của Vương Xương Linh, nghĩa là: Bỗng hối hận đã để chồng đi tòng quân để kiếm phong hầu.
Lâm Yến không nhịn được cười.
Thẩm Thiều Quang cho rằng hắn sẽ không trả lời, nào ngờ hắn lại cười gật đầu: “Rất hối hận.”