Qua lập hạ, trời càng ngày càng nóng, Thẩm Thiều Quang bắt đầu mày mò các loại đồ uống.
Ở thời này, tác dụng chủ yếu của “đồ uống” vẫn là chữa bệnh, phải tới thời nhà Tống thì mới phát triển thành đồ uống hằng ngày để giải khát. Đồ uống lưu hành vào thời này là sữa bò, nước ép mía, đương nhiên còn có cả trà đang càng ngày càng được ưa chuộng.
Sữa bò thì quá đặc lại tanh nồng, nước mía thì quá ngọt, mà trà bỏ thêm muối thêm gừng thêm đủ loại đồ thì lại càng khiến người ta khó mà tả nổi, Thẩm Thiều Quang quyết định tự mình đi nấu một chút đồ uống giải nhiệt, lựa chọn đầu tiên của nàng đương nhiên là nước ô mai, thứ hai là trà hoa lài và canh đậu xanh, mật ong với bạc hà cũng khá là ngon.
Trong số đó, Thẩm Thiều Quang thích nhất là nước ô mai.
Bỏ các loại ô mai, sơn tra, trần bì, cam thảo mua được từ cửa hàng thuốc vào trong nước rồi đun lên, sau đó thêm một chút nước ướp hoa quế. Kiếp trước Thẩm Thiều Quang từng đọc được trong quyển sách của một người nổi tiếng nào đó nói ướp hoa quế phải dùng đường trắng, không thể dùng mật, thử một lần, quả nhiên là khoan khoái nhẹ nhàng hơn hẳn, người nổi tiếng đúng là người nổi tiếng*.
* Trích “Đậu nành ký” của Diệp Quảng Cầm. [tác giả] Diệp Quảng Cầm là một nữ nhà văn đương đại nổi tiếng của Trung Quốc.
Thời này ở trên phố cũng có người bán băng đá do mình cất giữ, chỉ là giá cả rất đắt, Thẩm Thiều Quang tiếc tiền, cũng may trong am có giếng, dùng nước giếng làm lạnh một hồi là đã mát họng rồi.
Trời nóng như vậy, uống một chút nước ô mai chua chua ngọt ngọt lại thơm nồng, trụ trì Viên Giác sư thái khen không ngớt miệng: “Tiền triều có thiền sư, làm đồ uống ngũ sắc, dùng lá phù phương tạo màu xanh, rễ tiển hễ tạo màu đỏ, sữa bò làm màu trắng, nước ô mai làm màu đen, nước hoa quế làm màu vàng*. Sữa bò là quen thuộc với mọi người nhất, những cái khác cũng có người bắt chước, ta đã từng uống nước ô mai của mấy nhà, nhưng cũng không bằng cái này của ngươi.”
* Chỉnh sửa từ “Đại nghiệp tạp ký”, một cuốn tiểu thuyết được soạn bởi Đỗ Bảo (đời Đường) [tác giả]
Thẩm Thiều Quang cười, đó là đương nhiên rồi, công thức này của ta đã được cải tiến cả nghìn năm cơ mà.
Thẩm Thiều Quang lại nấu trà hoa lài, canh đậu xanh, mật ong bạc hà các loại, mời sư thái trụ trì thưởng thức, cũng nói ra ý định của mình – tới ngày Đoan Ngọ, mang tới Khúc Giang để bán.
Viên Giác sư thái tuy là người xuất gia, lại có chút suy nghĩ “miệng không nói danh lợi” của kẻ trí thức, từng thấy khó hiểu trước việc một cung nữ xuất thân danh môn vọng tộc như Thẩm Thiều Quang lại tập trung sức lực đi mở sạp bán hàng kiếm tiền, nhưng bây giờ đã thành quen, lại còn giúp nàng nghĩ kế: “Dù sao nước đậu xanh cũng quá bình thường, không đủ mới mẻ, so ra thì không bằng được nước ô mai này, theo ta thấy thì nên chọn nước ô mai, lại thêm… trà hoa lài đi.”
Thẩm Thiều Quang lại cảm giác trà hoa lài mình pha không thơm lắm, đương nhiên đây là so với trà hoa lài mà nàng uống ở kiếp trước. Nếu nói nước ô mai còn có thể sánh được sáu, bảy phần nước ô mai thời hiện đại thì trà hoa lài này chẳng được một nửa, chỉ có một chút hương hoa nhài hơi nhạt mà thôi, cũng không biết làm sao mà hợp với tâm ý của sư thái trụ trì, có lẽ là bởi vì trong vị ngọt thanh đạm có lẫn chút vị đắng, hợp với tâm thái của văn nhân nhã sĩ.
Thẩm Thiều Quang cảm thấy Viên Giác sư thái là người từng thưởng thức nhiều mỹ vị, kiến nghị hẳn là đáng tiếp thu, liền quyết định tới lúc đó sẽ nấu mấy hũ nước ô mai, mua một ít băng bỏ vào, coi như đồ uống lạnh, lại bắc một cái lò khác nấu trà hoa lài, coi như đồ uống nóng.
Viên Giác hết sức tán thành, cảm thấy nàng suy nghĩ rất chu đáo, nhiều người quyền quý cũng rất thích uống trà nóng vào mùa hè, mà trà hoa lài này lại vừa pha xong, hoa nhài lơ lửng giữa chén trà, thật là xinh đẹp – lão sư thái vốn không mở miệng nhắc tới tài lợi bây giờ đã bắt đầu phân tích khách hàng và định vị sản phẩm rồi.
Bán đồ uống chỉ là phụ, cái chính vẫn là đồ ăn. Đoan Ngọ đương nhiên vẫn ưu tiên bánh ú lên hàng đầu, các loại bánh ú nhân ngọt thông thường như táo đỏ, mứt táo, đậu đỏ, đậu xanh thì không cần phải nói làm gì, bánh ú nhân mặn như bánh ú thịt gà, bánh ú thịt nạc trộn nấm, bánh ú trứng muối có lẽ cũng có thể khiến người dân Đại Đường mở mang tầm mắt lại được no bụng.
Trước đây khi Thẩm Thiều Quang mới tới Dịch Đình, không lâu sau đó là Đoan Ngọ, được chia cho hai cái bánh ú còn chưa hấp chín, bên trong bỏ hai quả táo đỏ, nàng còn tưởng đó là đãi ngộ dành cho nữ nô – dù sao cũng còn hơn bánh ngô, còn đòi hỏi gì nữa? Sau này tình hình tốt hơn một chút, tới phụ việc trong ngự thiện phòng một thời gian thì mới biết, cho dù làm cho hoàng đế ăn thì cũng chỉ có vài ba loại nhân bánh, chẳng qua là hấp lâu hơn một chút mà thôi. Mà mấu chốt nhất là bọn họ cứ thích rưới nước mía lên… Nghĩ tới thôi đã thấy ngấy trong họng.
Mặt khác, bởi vì lần trước thử nghiệm món ngải oa oa trong am rất được hoan nghênh, cho nên Thẩm Thiều Quang quyết định sẽ chuẩn bị sẵn nhân bánh, tới đó sẽ làm một ít ngải oa oa tại chỗ.
Nào thì chuẩn bị nguyên liệu rồi thuê xe, lại còn phải làm sẵn trước, may mà trong am có sẵn nồi to, Thẩm Thiều Quang mượn để chưng bánh ú, ni cô đầu bếp và ni cô tạp dịch cũng giúp một tay, bận bịu mãi tới đêm trước Đoan Ngọ mới chuẩn bị xong, ngày hôm sau cửa phường vừa mở, Thẩm Thiều Quang đã ngồi lên xe lừa cho thuê, xách theo các loại nguyên liệu và dụng cụ nấu ăn, đi tới Khúc Giang.
Sùng Hiền phường nằm ở tây bắc thành, Khúc Giang lại ở đông nam thành, cách nhau rất xa, thế nhưng lúc Thẩm Thiều Quang đến nơi vẫn còn khá sớm, nhờ vậy mà nàng tìm được một chỗ rất tốt để bày sạp. Chỗ này cách mặt sông không xa, lại hướng ra đường lớn, ở cách đó không xa có đình nghỉ mát, bên cạnh lại có mấy cây đại thu cao vút, bên dưới tàng cây còn có mấy tảng đá lớn, có thể ngồi xuống nghỉ chân một lát.
Thẩm Thiều Quang tự khen mình gặp may, sau đó nhanh tay nhanh chân dựng sạp, bày than ra. Tới lúc nồi bánh ú bốc hơi nghi ngút, ấm nước bắt đầu sôi ùng ục, tay cũng đã nặn được vài ba chục cái ngải oa oa thì du khách bên bờ Khúc Giang mới nhiều hơn một chút, và tận tới lúc mặt trời lên cao thì những người giàu có quyền quý mới ngồi xe ngựa nối đuôi nhau tới.
Bên bờ Khúc Giang cũng có bán đồ ăn, nhưng thông thường đều chỉ cắp cái giỏ đi bán rong dọc đường, ít người chịu chi “phô bày” ra như Thẩm Thiều Quang, khiến người đi đường không khỏi tò mò tới xem một chút, người xem nhiều thì đương nhiên người mua cũng nhiều theo.
Bánh ú bán khá đắt hàng, nghe nói có nhân thịt, dân chúng Đại Đường vốn có năng lực tiếp nhận cái mới rất tốt quả thật có không ít người muốn nếm thử, nhưng mà vẫn không hơn được ngải oa oa cùng với nước ô mai chua ngọt vốn có vẻ bề ngoài bắt mắt, còn món trà hoa lài đậm tính văn nhân nhã sĩ lại vì “uyên thâm quá ít người hiểu”, đương nhiên cũng có thể là vì mùa hè bán trà nóng không thích hợp lắm, cho nên ít được người ta hỏi han tới.
Thẩm Thiều Quang vừa vo ngải oa oa vừa lo lắng cho mấy tảng băng mà sáng nay nàng đã tốn không ít tiền để mua, mặc dù đã đặt trong thùng, bọc kĩ ba tầng chăn bông nhưng vẫn cứ càng lúc càng nhanh tan, cứ thế này thì sợ là hai thùng nước ô mai cuối cùng không còn băng để làm mát nữa, lại vừa vểnh tai nghe người qua đường nói chuyện phiếm.
Hai người trông có dáng sĩ tử đang nói chuyện tới bờ sông xem đua thuyền rồng, than tiếc vì “không có duyên được nhìn thấy thiên nhan”, Thẩm Thiều Quang cũng vô cùng tiếc nuối – hoàng thượng xem đua thuyền thì cũng ngồi trên lầu các của biệt uyển hoàng gia ở Khúc Giang, làm gì có chuyện đi bộ dọc trên phố cho người ta gặp, nếu như nàng có thể dời được mấy lần gặp phải hoàng thượng ở trong cung tới chỗ này thì thật là tốt, như vậy thì sẽ có thể mượn hình tượng lãnh đạo quốc gia để làm quảng cáo, bán mấy món kiểu “đầu cá Khang Hy”, “gà quay Càn Long”, “bánh nướng thịt Lão Phật Gia”, “nước ô mai hoàng đế”, “ngải oa oa ngự dụng”.
Ngay cả quảng cáo thế nào nàng cũng đã nghĩ ra: “Hoàng thượng đang xem đua thuyền rồng, chợt cảm thấy khát nước, vừa đúng lúc nhìn thấy trên đường có một sạp bán nước ô mai ướp lạnh… Uống xong, nắng nóng tan biến, cả người nhẹ nhõm sảng khoái… Hàn lâm học sĩ làm một bài thơ…” Thẩm Thiều Quang nghẹn họng, mặc dù nàng từng đọc sách ở Dịch Đình hai năm, cũng có học làm thơ, nhưng nói cho cùng thì đây vẫn không phải bài tủ của nàng, làm thế nào thì cũng cứ có mùi dầu mỡ.
Mặc dù không có cơ duyên “vô tình gặp gỡ” hoàng thượng, nhưng mà lại có kẻ phú quý “tiêu hoang”, một bát nước ô mai mười văn tiền, Thẩm Thiều Quang rót một bình, lại bỏ thêm một ít băng, thế mà đối phương lại cho nàng hẳn một thỏi bạc chừng hai lạng.
Nước ô mai với giá trên trời! Mong sao những khách hàng kiểu phú hào thế này càng nhiều càng tốt.
“Chỗ này của ngươi bán nước gì?” Một vị quan quân đi ủng tới hỏi.
“Là nước ô mai, bỏ sơn tra, cam thảo, còn bỏ thêm băng, giải nhiệt rất tốt.” Thẩm Thiều Quang đột nhiên nảy ra ý tưởng: “Lang quân có muốn nếm thử một bát miễn phí không?”
Vị quan quân kia liếc nhìn Thẩm Thiều Quang, gật đầu: “Cũng được.”
Thẩm Thiều Quang rót cho hắn một chén, quan quân uống một hơi cạn sạch, sau đó quyết định mua hết toàn bộ phần còn lại.
Quan quân gọi mấy binh sĩ tới lấy, Thẩm Thiều Quang vô cùng hào phóng lấy ra hết số băng còn lại, bán luôn cả hũ cho bọn họ.
Còn chưa tới chính ngọ, cuộc đua thuyền rồng còn chưa bắt đầu mà nước ô mai đã bán hết sạch. Nàng tính thử, từng ấy nước ô mai mà lời được tận năm, sáu ngàn văn, gần bằng hai tháng tiền lời từ bánh rán.
Thẩm Thiều Quang vui vẻ tiếp tục làm ngải oa oa, chẳng mấy chốc lại thấy trong đình nghỉ mát bên kia có một đám quý nữ, trong đó có một người rất quen thuộc – Bàng nhị nương.