- Lát nữa sẽ cho người mang chỗ măng này tới nhà sư huynh.
Ngẩng đầu nhìn lên, trên chòi gỗ có người đang đứng vịn vào lan can nhìn vọng xuống. Nàng không nói gì nữa mà chắp tay thi lễ với Trương Nguyên rồi lên sạn đạo ( đường bằng cọc gỗ lát ván trong hẻm núi hoặc bờ vực) đi về hướng khác.
Trông thấy đại huynh Trương Đại, Trương Nguyên cũng bước nhanh tới chỗ chòi gỗ, lên tiếng hỏi:
- Đại huynh tới khi nào vậy?
Trương Đại cười nói:
- Giới Tử, ta đợi đệ cả nửa ngày trời rồi đó. Ban nãy vừa mới ở bên đường các thưởng thức trà Long Tỉnh Tây Hồ, mà lại là loại thượng hạng nhất “Liêm Tâm trà” trong Long Tỉnh Tây Hồ đó nhé. Chắc là của đệ biếu Tí Am tiên sinh đúng không, quả nhiên là loại hảo hạng, thái giám quản lí hàng dệt Hàng Châu quả thật rất biết thưởng thức.
Trương Nguyên nói:
- Đệ cũng biếu một cân tới chỗ Tộc thúc tổ rồi đó, chứ có giữ lại cho mình được lạng nào đâu.
Trương Đại nói:
- Vậy ta phải thường xuyên tới chỗ tổ phụ xin trà uống mới được.
Rồi chợt thấy bóng Vương Anh Tư phía đường núi, chỉ tay về phía nàng, hỏi:
- Người kia là ai vậy?
Trương Nguyên nói:
- Là cháu trai của Tí Am tiên sinh đó.
Bờ môi Trương Đại khẽ nhếch lên, như cười như không, nói:
- Thế ư, thế sao ta lại thấy giống một vị cô nương vậy?
Trương Nguyên điềm tĩnh đáp:
- Nam tử có tướng đàn bà đâu phải ít, Vương Khả Xan cũng rất giống một vị cô nương đó thôi.
Trương Đại nhìn đánh giá Trương Nguyên một hồi, trong đầu như đang suy ngẫm gì đó, cười nói:
- Cũng không phải, Vương Khả Xan là nam tử, điều này ta biết, có điều vị này...
Gã vừa ngẩng đầu lên nhìn đã không thấy bóng dáng Vương Anh Tư đâu nữa.
Trương Đại chỉ về phía Vương Anh Tư ban nãy đứng, nói:
- Nhưng vị này rõ ràng là một vị cô nương, vì nàng ta bó chân. Vương Khả Xan dù có giống phụ nữ đến mấy thì cũng chưa hề bó chân.
Trương Nguyên kinh ngạc, mới vừa rồi khi Vương Anh Tư lên xuống thuyền hắn cũng để ý tới hai chân của Vương Anh Tư. Nàng đi một đôi giày da dê hai mặt bình thường mà các nho sinh vốn hay đi, chân cũng không nhỏ, hẳn là chưa phải bó chân. Vậy vì sao Đại huynh lại có thể đoán chắc Vương Anh Tư đã bó chân rồi?
Trương Đại thấy bộ dạng Trương Nguyên có vẻ nghi hoặc, đắc ý nói:
- Giới Tử đệ về phương diện này thì không bằng ta rồi. Ta tuyệt nhiên không trông thấy chân của nàng, nhưng chỉ nhìn dáng đi thướt tha lả lướt của nàng thì ta biết ngay là nàng đã bó chân rồi, mà kiểu bó chân ấy là kiểu của Dương Châu. Kiểu bó chân Dương Châu này không phải ai cũng thích hợp, chỉ những người có bàn chân ngắn mà rộng bẩm sinh thì mới hợp bó kiểu này thôi. Kiểu bó dùng mảnh trúc kẹp lại để hạn chế chiều rộng của chân, để bàn chân phát triển dài ra và nhỏ hơn, gân cốt cũng không bị tổn hại nhiều.
Trương Đại đột nhiên không nói tiếp nữa. Gã không biết vị cô nương ban nãy là người phương nào nên không dám nói bừa.
Trương Nguyên lắc lắc đầu, nghĩ thầm:
- Vương lão sư cũng chưa có tư tưởng tiến bộ rồi, nên Anh Tư sư muội vẫn bị quấn chân như thế. Ta cứ tưởng Anh Tư sư muội cũng giống như Đạm Nhiên đều không phải bó chân cơ. Anh Tư sư muội khi còn bé đã bị bó chân như vậy, hẳn là phải khóc to lắm, Vương lão sư sao đành lòng cho được?
Lại nghĩ:
- Chắc là Vương sư mẫu bắt Anh Tư sư muội phải bó chân đây. Hôm trước Anh Tư sư muội tới gặp ta, liền bị Vương sư mẫu túm về. Bà hẳn là một người khá nghiêm khắc đây.
Nghĩ tới lúc trước ở trong rừng trúc Vương Anh Tư ôm cây trúc khóc nói muốn tham gia khoa cử, hắn không khỏi cảm thấy tiếc nuối. Trương Đại thấy bộ dạng thất thần của Trương Nguyên bèn lên tiếng:
- Giới Tử, đệ cũng đâu phải người Hồ Đào, coi như không chú ý tới đôi chân bị bó của nàng đi chăng nữa thì cũng vẫn có thể nhìn ra nàng là con gái. Khai mau, nàng ấy là ai hả? Đệ mà không nói, ta sẽ tự mình qua hỏi thuyền nương.
Trương Nguyên bất đắc dĩ đáp:
- Chẳng dám giấu gì Đại huynh, nàng là con gái của Tí Am tiên sinh, nàng ta vốn thích giả trang làm thư sinh như thế đó.
- Quả nhiên là nàng ta.
Trương Đại vỗ đùi đánh đét một cái. Vẻ hưng phấn đền kì lạ của gã làm Trương Nguyên không khỏi ngạc nhiên, lại thấy Trương Đại hỏi:
- Đây chính là Vương nhị tiểu thư mà hồi đó Tí Am tiên sinh có ý định gả cho đệ đó đúng không?
Trương Nguyên giật mình kinh hãi, lúc này thì khó có thể giữ được vẻ điềm tĩnh được nữa, vội lên tiếng hỏi:
- Đại huynh nghe được tin này từ đâu vậy?
Chuyện này hắn chỉ kể lại với mỗi mẫu thân và tộc thúc tổ Trương Nhữ Sương, vả lại khi kể chuyện này hắn còn cố ý cho người hầu lui đi rồi cơ mà!!?
Trương Đại cười nói:
- Cũng chẳng giấu gì đệ, chuyện này là ta nghe tên trà đồng hầu trà cho tổ phụ nói đó. Chắc khi đệ kể chuyện này cho tổ phụ thì đã tên trà đồng này nghe được rồi.
Trương Nguyên vội nói:
- Đại huynh, việc này chớ để truyền ra ngoài thêm nữa.Tí Am tiên sinh quá độ lượng, quá khoan dung với đệ rồi, nếu việc này mà còn bị truyền ra ngoài thêm nữa thì thầy sẽ vô cùng mất mặt, sau này tiểu đệ đâu còn mặt mũi nào mà đi gặp thầy nữa.
Trương Đại nói:
- Đã biết như thế, sao đệ còn đi đào măng với Vương tiểu thư ấy làm gì?
Trương Nguyên nghẹn lời, hắn cũng là con người, đâu tránh khỏi có lúc không kìm nén nổi tình cảm tự nhiên trong lòng.
Trương Đại cười cười nhìn Trương Nguyên, nói:
- Không lẽ Giới Tử đệ muốn bắt cá hai tay chăng? Đừng vội thề thốt phủ nhận, chuyện như vậy ta gặp nhiều rồi, khỏi cần dối mình dối người mà làm gì. Đệ nên thành thực với suy nghĩ ban đầu của mình, đó mới là tình cảm tự nhiên nhất, chân thành nhất xuất phát từ trái tim của đệ.
Trương Nguyên thầm nghĩ: “Suy nghĩ ban đầu của ta là thấy Anh Tư sư muội rất... dễ gần, nói chuyện với nàng thì cảm thấy vui vui, có gì đó khá là...ừm...sung sướng. Nhưng trái tim ta lại có rất nhiều băn khoăn, chính là do những lễ nghi thế tục trói buộc.”
Trương Đại nói:
- Người ngây thơ là người ta chân thật nhất, suy nghĩ ban đầu trong ta cũng vậy. Đánh mất đi sự ngây thơ trong sáng là sẽ đánh mất đi sự chân thành, chân thật, mất đi con người thật của chính mình. Người mà không giữ được con người thực của chính mình thì sẽ không có kết cục tốt. Giới Tử chắc hẳn cũng biết đây là lời của ai phải không?
“Đồng tâm thuyết” của Lý Chuế, cuốn đoản văn này sau bốn trăm năm được Trương Nguyên đọc qua, lúc đọc hắn cũng chẳng mấy để tâm, còn hiện giờ, nghe đại huynh Trương Đại nói thì mới nghiệm ra được nhiều điều. Giữ được sự trong sáng ngây thơ mới có được chân tình, nhưng không phải cứ có chân tình là có thể muốn làm gì thì làm. Con người ta đâu phải sống trong thế giới của tư tưởng triết học và không tưởng đâu, thực tế luôn luôn khô cằn và tàn khốc hơn tưởng tượng rất nhiều. Lý Tán cuối cùng chẳng phải cũng bị giam vào ngục, đến mức phải tự sát đó sao? Trương Nguyên nói:
- Câu này vốn bắt nguồn từ Vương Dương Minh, nhưng đã có phát triển thêm ý mới. Không biết đây là cao kiến của vị hiển đạt nào?
Trương Đại nói:
- Đây chính là “Phần thư” của Lý Trác Ngô. Không đọc “Phần thư” thì khó xưng là danh sĩ.
Kẻ sĩ thời Vãn Minh vô cùng phóng túng, từ Vương Dương Minh, Lý Chuế vừa hay có thể tìm được cơ sở tư tưởng.
Trương Nguyên hỏi:
- Lý Trác Ngô tiên sinh đã quy tiên mấy năm rồi?
Trương Đại nói:
- Ông ấy đã tạ thế mười năm rồi, quả là đáng tiếc. Lý Trác Ngô hành sự khiến người đời phải kinh hãi, hơn sáu mươi tuổi còn đem lòng yêu con gái của ngự sử Hồ Bắc Ma Thành Mai, việc ông ấy bị tống vào ngục cũng có liên quan tới chuyện này.
Trương Nguyên kinh ngạc nói:
- Còn có chuyện như vậy ư, đệ chưa từng nghe qua.
Trương Đại nói:
- Lý Trác Ngô khi đó đã xuất gia tu hành rồi, Mai thị chưa thành thân đã trở thành quả phụ. “Phần thư” của Lý Trác Ngô là bốn bài thơ thất ngôn mà ông viết tặng cho Mai thị, ý tứ sâu xa lắng đọng, tình cảm dạt dào, ta cho rằng trong những cuốn thơ tình tự cổ chí kim, đây có thể coi là bậc nhất. Ta thử ngâm cho đệ nghe “ “ Một lần bay về Giang Nam, gần trong gang tấc mà không thể nói cười với nhau.....”
“ Cầm bát trở về đứng ngồi không ngồi yên, xa nghe thấy lời bàn cao kiến lại buồn lòng. Hiện giờ nam tử biết được bao nhiêu, nói hết cao kiến với quan tức là tiên. “
“ Hạt tuyết mong manh bay nhẹ theo gió, hoa mai điểm xuyết những hạt mưa. Trước cửa xe ngựa đi lại nhiều, chim đỗ quyên nay đã gọi xuân về. “ “ Nhiều tiếng gọi xuất phát từ bản thân mình, sinh tử như ngọn núi không động bụi trần. Mong gặp Quan Âm thì nay chính là nàng, hoa sen ban đầu giống như hoa người. “
Trương Nguyên thở dài:
- Lý Trác Ngô còn so sánh Mai thị với Quan Âm nữa cơ á, từ bốn bài thơ này có thể thấy, tình cảm của hai người này vẫn khá là trong sáng, Là kiểu kết giao qua lời nói, có sự tương đồng về tinh thần.
Trương Đại tấm tắc:
- Giới Tử, nếu Lý Trác Ngô tiên sinh còn tại thế thì nhất định sẽ coi đệ là tri kỉ đó. Cho nên mới nói, chi bằng Giới Tử đệ và Vương nhị tiểu thư kết giao đi, hai người cùng viết nên một đoạn giai thoại, ta đây vô cùng ngưỡng mộ.
Trương Đại mười bảy tuổi thực lòng ngưỡng mộ, gã rất mong có thể gặp được một hồng nhan tri kỷ đích thực. Vị hôn thê Lưu thị của gã thì không tính, bởi ngay cả mặt mũi nàng ta xấu đẹp thế nào gã còn chưa được nhìn tới một lần.
Nói đi nói lại cuối cũng vẫn quay lại chủ đề Vương Anh Tư này, Trương Nguyên cười
nói:
- Ta đâu dám so với Lý Trác Ngô tiên sinh, ta còn hừng hực sức trai thế này, không thích hợp với kiểu “luyến ái tinh thần” trong sáng đó đâu. Đợi sau khi ta sáu mươi tuổi hãy hay, còn hiện giờ ấy à, ta còn nhiều việc phải làm lắm.
Trương Đại vui vẻ nói:
- “Luyến ái tinh thần”, từ này mới nha, trước nay ta chưa bao giờ nghe qua.
Đúng lúc đó thì có người hầu Vương thị tới hai người đi dự tiệc, Trương Nguyên nói thầm:
- Đại huynh, chuyện này về sau đừng bao giờ nhắc tới nữa.
Trương Đại gật đầu cười nói:
- Ta sẽ im lặng theo dõi biến động của nó, hai người một sư huynh một sư muội, nhìn thế nào cũng thấy có duyên mà.
Sau bữa trưa là tới giờ Thân, Trương Nguyên trở lại dinh thự Đông Trương. Năm khúc măng ngà voi lớn của Tị Viên đã được mang tới rồi, trong đó có một khúc còn được buộc một dây lụa, đây nhất định là cây măng đã ngáng ngã Vương Anh Tư. Trương Nguyên liền lệnh cho Thúy Cô xào cây măng này trước với thịt để ăn. Đúng như thuyền nương đã nói, măng ngọt như mía, non như ngó sen. Lúc hoàng hôn khi cả nhà đang ăn măng thì hắn vẫn ở bên bờ sông Đầu Lao cưỡi con la trắng, đợi khi Lý Thuần, Lý Khiết tới đòi cưỡi bạch la thì hắn lại nhường la cho hai cậu cháu trai để đi xem Mục Chân Chân luyện côn Tiểu Bàn Long. Mục Chân Chân bây giờ không còn hay xấu hổ và e thẹn như trước kia nữa, mỗi ngày đều luyện côn hai lần vào hai buổi sớm tối, chỉ cần hắn rảnh là nàng sẽ chủ động đến mời hắn tới xem nàng tập võ. Trương Nhược Hi cũng tới xem, giống như vở kịch phải diễn mỗi ngày vậy.
Hôm sau, Trương Nguyên hẹn Đại huynh Trương Đại và Lẫm sinh Chu Mặc Nông tới phòng Lễ huyện nha lấy công văn báo danh, rồi tới phủ nha Thiệu Hưng để nộp. Điển sử ở đó nhận ra Trương Nguyên thì tươi cười niềm nở, nhanh chóng giúp hắn khái báo lí lịch. Trương Đại và Chu Mặc Nông cũng đều ký tên đồng ý. Sau khi báo danh đi ra, Trương Nguyên rút ra năm tiền cảm tạ Chu Mặc Nông, Chu Mặc Nông cười nói:
-Ta với Tông Tử là chỗ bạn thân, sao có thể nhận số tiền này được. Tông Tử lấy bảo ngân chưa?
Trương Đại nói:
- Ta muốn hắn hai năm sau tới Hàng Châu thi hương sẽ mời ta uống rượu, sao, Chu huynh có muốn vậy không?
Chu Mặc Nông cười nói:
- Hay lắm, Giới Tử hiền đệ sang năm đậu sinh đồ, năm sau nữa thì đã có thể tới Hàng Châu thi Hương với chúng ta rồi, rượu chắc chắn phải do Giới Tử hiền đệ mời rồi.
Ba người chậm rãi đi bộ trên phố Thập Tự ở Phủ học cung, đi dạo qua dãy hiệu sách. Hiệu sách Diêu Ký giờ đã đổi chủ, biển hiệu cũng được sửa thành Hiệu sách Chu Ký rồi. Ba người bước vào trong xem, những cuốn sách về kỳ thi hội năm nay đã được xuất bản rồi, là sách mới mới lấy về hôm nay , giấy vẫn còn thơm mùi mực. Thi Hội là mùng 9 tháng 4 bắt đầu đợt một, 25 tháng 4 sẽ kết thúc đợt thứ ba, yết bảng cũng phải tới cuối tháng 4, bây giờ mới là 24 tháng 3, chưa tới thời gian một tháng , bản sao bài thi phải được chuyển từ Bắc Kinh tới Sơn Âm, còn phải mất thời gian khắc bản in ấn nữa. Phụ thân của Trương Ngạc “thần thông quảng đại” về buôn sách là Trương Liên Phương năm nay cũng tham gia thi Hội, trung tuần tháng này đã có tin báo về. Lão chưa thi đậu nên cũng chưa hồi hương ngay mà vẫn tiếp tục quyết chí ở lại kinh thành tham gia kì thi sau.
Cùng với sách tham khảo tân khoa tiến sĩ lần này gửi về còn có danh sách thi Đình ngày mùng 3 tháng 3, Trạng Nguyên là Chu Diên Nho, Bảng Nhãn là Trang Kỳ Hiển, Thám hoa là Triệu Sư Doãn. Trương Nguyên không có chút ấn tượng nào với hai người Trang Kỳ Hiển và Triệu Sư Doãn, còn đại danh của Chu Diên Nho thì hắn đã nghe đến. Chu Diên Nho thời Sùng Trinh đã đảm nhiệm liên tiếp hai kì thủ phô nội các, có ảnh hưởng lớn tới sự ra đời của Phục xã, trước đêm nước mất y đã được Sùng Trinh đế ban chết. Chu Diên Nho là một người cực kì tài hoa, thi hội, thi đình đều đỗ đầu. Người đảm nhiệm hai kì thủ phô liên tiếp không thể nào không tài trí, thâm trầm hơn người được, đáng tiếc cuối cùng vẫn không thoát khỏi cảnh cửa nát nhà tan. Có cuốn sách viết về y như sau, Chu Diên Nho sinh vào năm Vạn Lịch thứ hai mươi mốt, năm nay mới hai mươi mốt tuổi. Năm ngoái đậu kì thi hương, năm nay tiếp tục tham gia thi hội, thi đình và đều đỗ đầu, giành được Song Nguyên (đỗ đầu thi Hội là Hội Nguyên, đỗ đầu thi đình là Trạng Nguyên, đỗ đầu cả hai kì thi này thì gọi là Song Nguyên), được xếp vào bậc cực kì tài giỏi. Trương Nguyên thầm nghĩ: “Con đường khoa cử của Chu Diên Nho dường như rất thích hợp với ta. Đương nhiên, Hội Nguyên, Trạng Nguyên không phải cứ cầu là được, ta chỉ mong sao ba năm sau thi đậu tiến sĩ thôi, việc này hẳn là có thể cố gắng được.”
Chu Mặc Nông nói:
- Trạng Nguyên hai mươi mốt tuổi, Bảng Nhãn hai mươi bảy tuổi, Thám Hoa ba mươi tư tuổi. Khoa thi Đình Quý Sửu này ba vị trên đều tuổi trẻ tài cao, kì thi sau, không biết đời ta có thể ghi danh bảng vàng hay không.
Trình văn thi hội lần này tổng cộng có ba cuốn, chế nghệ có hơn hai trăm bài, giá bán là một tiền tám, tất nhiên là phải đắt hơn so với những cuốn sách bình thường rất nhiều. Trương Đại, Trương Nguyên, Chu Mặc Nông mỗi người đều mua một bộ, đây là những cuốn văn bát cổ đúng theo quy chuẩn, nhất định phải nghiền ngẫm.
Từ nay còn hơn mười ngày nữa, Trương Nguyên đóng cửa không ra khỏi nhà, ở trong phòng đọc sách, tập viết, làm bát cổ. Trương Nhược Hi cũng thường đọc sách cho đệ đệ nghe, xem đệ đệ tập viết, làm văn, trong lòng rất đỗi vui mừng.
Mục Chân Chân mấy ngày này cũng luôn luôn ở bên Đông Trương. Sau giờ Ngọ, Trương Nguyên luyện chữ thì nàng cũng ngồi bên một góc thư án nắn nót đưa từng nét chữ. Trương Nguyên không cho nàng tập viết theo chữ mẫu mà chỉ cho nàng làm quen với mặt chữ. Mục Chân Chân hiện tại đã học được hơn một ngàn chữ, nàng cũng đã có thể đọc thông bài văn nghìn chữ, nhưng muốn đọc được lưu loát một cuốn sách thì phải học bốn nghìn chữ, bởi vậy cho nên nàng bây giờ bắt đầu đọc “Tả truyện”. Đây là sự sắp xếp của Trương Nguyên, Trương Nguyên không cho nàng đọc Tứ thư Ngũ kinh mà muốn cho nàng học lịch sử. Và tất nhiên là Trương Nguyên cho nàng đọc cái gì thì nàng đọc cái đó, cứ có sách để đọc là nàng ta sẽ vui sướng như đứa trẻ được cho kẹo vậy. Chân Chân ngồi bên thiếu gia chăm chỉ viết chữ, ngoan ngoãn như một chú mèo.
Nho đồng tám huyện của phủ Thiệu Hưng tham gia thi phủ có tới hơn vạn người, lều thi lớn như vậy mà vẫn không chứa hết cũng lúc mười ngàn thí sinh, bởi vậy nên phải tách ra làm các đợt thi khác nhau, bắt đầu từ mùng năm. Đầu tiên nho đồng ba huyện là huyện Thặng
Thượng Ngu và Dư Diêu sẽ tham gia thi đầu tiên. Mùng bảy, các nho đồng Chư Kỵ, Tiêu Sơn, Tân Hưng tham gia thi; còn lại hai huyện Hội Kê và Sơn Âm sẽ tham gia thi vào ngày mùng chín Phủ Thiệu Hưng. huyện Sơn Âm và Hội Kê, hai huyện một phủ hợp thành một điểm thi, phủ nha và lều thi đều được đặt ở Sơn Âm nên ngay từ đầu tháng tư các nho đồng huyện khác đã lần lượt kéo về Sơn Âm. Ai có nhà người thân thì ở nhà người thân, không có người thân thì thuê trọ. Nhà trọ huyện Sơn Âm chật ních những người là người, rất nhiều nho đồng còn phải sang huyện bên Hội Kê để ở, thậm chí là phải ở ngoại ô. Các nho đồng nhỏ tuổi lại còn phải nhờ cha anh hoặc thục sư đưa đón, bởi vậy nên tháng tư, cả huyện Sơn Âm đặc kín người, phải đợi tới cuối tháng tư khi yết bảng thì mới vãn. Thiên thời địa lợi nhân hòa thì Trương Nguyên trước tiên là đã chiếm được địa lợi, hắn chỉ cần ung dung ở nhà ôn thi mà thôi. Tối ngày mùng tám, Trương Nguyên tắm rửa đi ngủ sớm, vì thi huyện và thi phủ không giống nhau. Thi huyện là từ sáng sớm đã phải vào trường thi, giờ Thìn mới mở kỳ thi, nhưng thi phủ thì canh bốn đã phải vào trường thi, nên bắt buộc Trương Nguyên phải thức dậy vào đầu giờ Sửu. Đêm mùng tám, trong phòng chỉ có mỗi Trương Nguyên và hai cậu cháu trai được ngủ, những người còn lại đều thức canh. Việc Trương Nguyên tham gia thi phủ là chuyện quan trọng nhất trong năm nay, không thể để có chút nào sơ suất được. Mục Chân Chân và Vũ Lăng đứng canh ngay ngoài phòng ngủ của Trương Nguyên để nghe thấy tiếng trống canh thì lập tức gọi thiếu gia dậy. Cuối giờ Hợi Vũ Lăng đã ngáp ngắn ngáp dài, Mục Chân Chân hạ giọng nói:
- Tiểu Vũ, cậu đi ngủ một lát đi, để ta trông coi là được.
Vũ Lăng lắc đầu, cố gắng gượng được một lúc thì không thể chịu nổi nữa, cứ ngủ gật gà ngủ gật mãi, đành lên tiếng:
- Chân Chân tỷ nhớ nghe tiếng trống canh là phải đánh thức thiếu gia ngay đó nha.
Rồi chẳng buồn cởi áo sống gì cứ thế đặt đầu lên giường ngủ một giấc ngon lành.