- Tướng công xin chớ trách, gần đây thường xuyên có lưu manh côn đồ đến quấy rầy.
Vũ Lăng nói:
- Mấy tên lưu manh đó đã bị bắt giam ở huyện lao Thanh Phổ rồi.
Nữ lang áo vải mặt đẹp như tranh vẽ kia nắm lấy chạc sừng của con hươu, một người một hươu tiến vào cổng hàng rào trúc. Người được gọi là Diêu thúc hỏi huynh đệ Trương Nguyên, Trương Đại:
- Hai vị tướng công nếu có danh thiếp, xin hãy đưa để tiểu nhân vào thông báo.
Trương Đại nói:
- Cứ nói là có cháu của Trương Túc tiên sinh ở Sơn Âm đến thăm.
Người gọi là Diệu thúc đó nhướng đôi lông mày rậm lên hỏi:
- Là vị Trương Túc tiên sinh đã tặng hươu cho Mi Công phải không ạ?
Trương Đại nói:
- Chính là tổ phụ của ta.
Diệu thúc liền quay đầu đi vào bên cạnh hàng rào nói với một đầy tớ đang thò đầu ra nhìn:
- Đã nghe rõ chưa, mau đi báo đi.
Tiểu đồng đó vâng một tiếng rồi co đầu chạy đi.
Diệu thúc mời bảy người Trương Nguyên vào phòng dưới lầu “Thủy biên lâm hạ uyển” . Trương Nguyên và Trương Đại thích thú thưởng thức hoa cỏ trong vườn. Nữ lang mặc áo vải đội mũ trúc kia đã không thấy bóng dáng đâu nữa, thật khiến cho Trương Nguyên và Trương Đại không thể đoán được thân phận của nàng. Mười ngày trước còn ở Hàng Châu, bây giờ lại xuất hiện ở Đông Dư Sơn Cư, nữ lang này là thân thích của Trần Mi Công? Theo Trương Đại biết thì Trần Mi Công không có con gái. Sau thời gian khoảng nửa chén trà thì người đầy tớ nam chạy đến báo:
- Mi Công đang ở Lỗi Kha Hiên, mời hai vị tướng công đến gặp.
Trương Đại sai bọn người hầu ở đây đợi rồi cùng với Trương Nguyên đi theo đầy tớ nam đến Lỗi Kha Hiên. Đi được vài bước thì phát hiện Mục Chân Chân cùng đi theo, bèn cười nói với Trương Nguyên:
- Giới Tử, tỳ nữ của đệ thật trung thành đấy.
Lúc Trương Nguyên quay đầu nhìn thì thiếu nữ đọa dân này liền đỏ mặt, nói:
- Thiếu gia, tỳ nữ sợ là sẽ có lưu manh.
Trương Nguyên cười nói:
- Ừ, Chân Chân đi theo chúng ta để gặp Trần Mi Công danh tiếng lẫy lừng.
Trương Đại nói:
- Bọn đánh thuê Hoa Đình đến biệt thự của Mi Công quấy rầy, thật là kỳ lạ. Bọn đánh thuê Hoa Đình là do Đổng thị nuôi, Mi Công và Đổng Huyền Tể lại rất có giao tình, lẽ nào bọn chúng không biết?
Người đầy tớ dẫn đường nói:
- Mấy tên đánh thuê đó đâu dám tới đây gây hấn, chỉ là hôm trước có mấy tên lưu manh đi ngang qua nhìn thấy Vi Cô liền nói năng xằng bậy, bị Diêu thúc đuổi nên bọn chúng đã vội vàng tháo chạy rồi.
Trương Đại hỏi:
- Vi Cô chính là nữ lang vừa mới ở bên hồ đúng không, nàng ấy quan hệ thế nào với Mi Công?
Đầy tớ đáp:
- Là đệ tử của Mi Công, theo Mi Công học thư họa.
Trương Đại vẫn còn muốn hỏi nữa nhưng người đầy tớ nói:
- Mi Công ra đón kìa.
Lúc Trương Đại và Trương Nguyên ngước mắt nhìn thì nhìn thấy một ông lão gầy gò đi ra từ một lầu các được xây dựa vào núi. Ông lão này quấn khăn Đông Ba, mặc một chiếc đạo bào thẳng thớm, lông mày rất dài, dường như che đến mắt, để kiểu râu dê, râu tóc hoa râm, lúc bước xuống bậc thềm đá sống lưng thẳng đứng, đi đứng nhanh nhẹn, tuổi đã gần sáu mươi mà không trông già chút nào. Trương Đại bước nhanh đến trước mặt ông lão, khom người thi lễ:
- Vãn bối Trương Đại bái kiến Mi Công.
Trương Nguyên cũng thi lễ theo:
- Vãn bối Trương Nguyên bái kiến Mi Công.
Ông lão này chính là Trần Kế Nho, cười ha hả nói:
- Anh bạn nhỏ Trương Đại, cách biệt mười năm, tiểu đồng tóc dài ngày trước giờ đã là một thiếu niên anh tuấn rồi, ‘Tiền Đường huyện lý đả thu phong’, phản ứng rất nhanh nhẹn, đến hôm nay lão phu cũng không thể quên.
Trương Đại không ngờ Trần Kế Nho vẫn còn nhớ chuyện câu đối đó, hổ thẹn nói:
- Đồng tử không biết đối đáp không đúng, sớm đã rất hối hận rồi.
Trần Kế Nho cười nói:
- Trẻ con nhanh miệng chính là bản tính, sao lại hối hận chứ, năm trước lão phu ở Kinh Thạch phủ của Thái Thương Vương dạy thư họa cho con trai ông ta, bị người ta hỏi thẳng đã là người trên núi sao không đi lên núi, lão phu mặt không hề biến sắc.
Trương Đại nói:
- Sanh phu tục tử sao có thể biết được sự cao thượng của Mi Công.
Trương Nguyên nói:
- Thói đời hợm hĩnh nịnh hót, sống gần người không trong sạch nhưng Mi Công không bị nhiễm đó mới thật sự là trong sạch.
Trần Kế Nho đưa mắt nhìn Trương Nguyên, có chút ngạc nhiên, hỏi Trương Đại:
- Vị này là em họ của cậu, con trai của Trương Giá Sinh đúng không?
Trương Đại liền đáp:
- Mi Công, đây là tộc đệ Trương Nguyên Trương Giới Tử.
Cặp lông mày dài của Trần Kế Nho di động, chợt nói:
- Ha ha, nghe danh đã lâu, tiểu tam nguyên của Thiệu Hưng, đệ tử của Tiêu thái sử, có khả năng ghi nhớ hơn người, còn đánh lại cả Đổng nhị công tử.
Trương Nguyên chắp tay nói:
- Thật là hổ thẹn, vãn bối dựa vào đánh người mà nổi tiếng, coi như là tiếng ác truyền xa vậy.
Trần Kế Nho cười nói:
- Con trai thứ của Đổng công ỷ thế con ông cháu cha, chắc chắn là do gã vô lễ trước, người trẻ tuổi thường hay nóng nảy, có tí tranh chấp không là gì cả. Đổng công cũng rất độ lượng, chắc là sẽ không trách cậu đã đánh con trai ông ta đâu.
Trương Nguyên nghĩ thầm: “Đổng Kỳ Xương nào có độ lượng, lão chỉ là tạm thời không làm khó dễ được ta, lão viết thư cho Vương Đề Học bảo Vương Đề Học chèn ép ta, mưu tính không cho ta thi đỗ tú tài”.
Những lời này đương nhiên không thể nói với Trần Kế Nho khi mới lần đầu tiên gặp mặt, hắn bèn nói:
- Vãn bối có chút lỗ mãng, tộc thúc tổ biết vãn bối sắp đến Thanh Phổ nên đã đặc biệt dặn dò vãn bối phải đến nghe Mi Công dạy bảo.
Trần Kế Nho cười nói:
- Không dám. Túc Ông gần đây có khỏe không?
Trương Đại đáp:
- Ông nội vãn bối thân thể khỏe mạnh, ngày nào cũng chăm chỉ đọc sách.
Trần Kế Nho cười nói:
- Ta già nên hồ đồ mất rồi, đứng đây nói chuyện lâu quá, xin mời, xin mời!
Trong Lỗi Kha Hiên có treo một câu đối, là do Trần Kế Nho nghĩ ra và tự viết: “ Thiên vi bổ bần thiên dữ kiện, nhân nhân kiến lại ngộ xưng cao “ .
Thư pháp của Trần Kế Nho bắt chước Tô Thức và Mễ Phất, khéo léo che giấu khuyết điểm, nở nang tươi đẹp. Trương Nguyên thầm nghĩ: “Ông trời thật chiếu cố Trần Mi Công, biết bao nhiêu người nghèo đói bệnh tật. Trần Mi Công tuổi gần sáu mươi đã không nghèo khổ mà còn dồi dào sức khỏe. Còn nói là lười biếng thì đó chính là khiêm tốn. Cái lười của Mi Công là ở chỗ nghe tiếng suối chảy, thử trà, sưu tầm hoa mai, ngồi đệm cói, hái thuốc trên núi, thưởng nguyệt trên lầu cao, điều khiển hạc múa, câu cá và chơi cờ.
Trương Nguyên thấy bên dưới cửa sổ phía nam Lỗi Kha Hiên có một bộ cờ, quân cờ làm bằng gỗ phỉ còn hộp cờ làm bằng trúc. Chúng nằm thật yên tĩnh dưới ánh nắng buổi sáng, không có một hạt bụi.
Trương Nguyên và đại huynh Trương Đại cung kính ngồi xuống, lập tức có lão bộc dâng trà đến, chén sứ trắng Tuyên Đức, màu trắng tao nhã, hương trà thoang thoảng. Trần Kế Nho mỉm cười nói:
- Túc Ông là người rất sành ăn, cả trà đạo cũng đánh giá rất tinh tế, hai vị hậu bối đã học được chưa?
Trương Nguyên đối với trà chỉ có thể phân biệt tốt xấu, về phần trà gì nước gì thì không thể nhận ra được. Trương Đại nhấp một ngụm trà nói:
- Mi Công, đây là trà Hổ Khâu?
Trương Nguyên nói:
- Rượu ngon có thể tiêu sầu giải lo, trà ngon có thể rửa sạch phiền muộn, trà này của Mi Công có công hiệu như thế.
Lời bình phẩm của Trương Nguyên rất trúng ý và khôn khéo.
Trần Kế Nho cười nói:
- Quả nhiên là cha truyền con nối!
Rồi hỏi hai người đến Tùng Giang có việc gì?
Trương Đại là huynh nên để Trương Đại trả lời, Trương Đại đáp:
- Ba huynh đệ vãn bối lần này là đến Quốc Tử Giám ở Nam Kinh để học, Lục thị ở Thanh Phổ là thông gia với Trương thị nên mới ghé thăm, cũng là để có thể được Mi Công chỉ bảo.
Trần Kế Nho cười nói:
- Ba huynh đệ các người cùng đến Quốc Tử Giám sao? Túc Ông có những đứa cháu như thế chắc hẳn là rất vui mừng mà ngày càng mập mạp lên nhỉ.
Bỗng đôi lông mày nhướng lên, nghĩ thầm: “Lục thị ở Thanh Phổ và Trương thị ở Sơn Âm là thông gia sao!”
Mỗi năm Trần Kế Nho đều đi chơi vài tháng, thời gian còn lại đều ẩn cư ở Dư Sơn. Không phải là ông không biết chuyện thế sự, ông cũng quan tâm đến cái tốt cái xấu ở địa phương và sự khó khăn của người dân. Ông cũng đã từng hiến kế với quan lại để giúp những người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì thiên tai. Mối bất hòa không nhỏ giữa Thanh Phổ Lục thị và Hoa Đình Đổng thị ông cũng có nghe, chỉ là không rõ đích xác chân tướng, bèn hỏi:
- Ta nghe nói mối quan hệ giữa Lục thị Thanh Phổ và Hoa Đình Đổng thị bị rạn nứt, không biết thực hư thế nào, hai vị tiểu hữu có thể nói cho ta biết?
Trương Đại nhìn Trương Nguyên nói:
- Giới Tử, đệ hãy nói tỉ mỉ cho Mi Công biết đi.
Trương Nguyên nói:
- Chuyện này nói ra rất dài dòng.
Vốn là vào hội đèn Long Sơn tết Nguyên Tiêu năm trước đã hắn có xung đột với Đổng Tổ Thường, tên phản nô Trần Minh của Lục thị đã tìm đến Đổng thị để nương tựa. Hắn kết giao với Tông Dực Thiện và lại tiếp tục xung đột với Đổng Tổ Thường ở chùa Tịnh Từ núi Nam Bình ở Hàng Châu...Mãi đến chuyện của mấy ngày trước đây...nói ra...
Lúc Trương Nguyên kể chuyện, Trần Kế Nho luôn quan sát kĩ, cảm thấy Trương Nguyên nói chuyện rất bình tĩnh, ngữ điệu không nhanh cũng không chậm, trong lời nói cũng không có sự khen chê rõ ràng, giống như những người đứng xem rồi tường thuật lại, chỉ để cho người nghe tự bình luận.