• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

- --------------------

Tôi chẳng tỏ ra là thái độ phản bác, nhưng cũng chẳng hề gật đầu thừa nhận với nàng ta. Hoa tiên nghiêng đầu, lại nói tiếp: “Lúc ta tìm thấy cô nương và Di Phong điện hạ, hai người thật khiến ta sợ chết khiếp. Vân Phi sau khi tẩu hoả nhập ma đã tấn công đệ đệ mình thật sao? Ngài ấy nói, tại mình vô tình gây kích động Vân Phi. Chung quy, Hoa tiên thấy, thần sắc của Di Phong có vẻ không ổn lắm”.

Tôi trầm ngâm, nói nhỏ: “Là tại tôi. Di Phong thật sự không có lỗi”.

Hoa tiên hơi ngạc nhiên một chút. Ánh mắt nàng ta đột nhiên trầm tư hẳn, rời xuống Cục Tuyết đang ngủ say trước mặt, hai tay chàng ngay ngắn đặt ở trên lồng ngực. Hoa tiên hỏi: “Yên cô nương, cô nghĩ thế nào về vương vị thái tử? Thanh Khâu tước đi vương vị của huynh ấy, cho rằng Di Phong xứng đáng hơn ca ca của mình ư?”.

Lời nói của Hoa tiên có vẻ hơi tiêu cực, rằng nàng ta không thể dễ dàng chấp nhận sự thật này. Tôi cũng vậy, người tôi thương là chàng, hiển nhiên không bao giờ muốn chuyện không hay xảy ra đối với người tôi thương. Nhưng giờ tôi lại nghĩ, có lẽ tất cả là ý trời. Biết đâu, bỏ đi vương vị này lại là cánh cửa mới với chàng, sẽ có ngày cuộc sống của chàng trở nên vui vẻ hơn… Chưa kể, Di Phong cũng là một người tốt, đám thú vật ở trên Tiêu Tương rất yêu mến chàng ta.

“Di Phong cũng tốt mà”. Tôi thở dài, đưa mắt nhìn về phía chân trời, nơi có những tia nắng màu ngũ sắc xinh đẹp, “Tôi chưa từng muốn mắc nợ ai cả. Nhưng, hai huynh đệ họ lại giống nhau như tạc, cả cái cách cứu người điên rồ cũng học nhau như thế”.

Hoa tiên lặng thinh một lúc, quay mặt sang nhìn tôi. Đôi môi đẹp như cánh hoa của nàng ta khẽ mở, thanh âm trôi vào tai tựa như dòng suối chảy, khi gần lại khi xa: “Yên cô nương, sao cô lại thích Vân Phi thế?”.

Bản thân tôi cũng không sao trả lời nổi. Nguyệt Lão từng giảng câu này cho tôi hiểu: ‘Duyên đến, không ai biết’. Có thể, tôi thích Cục Tuyết từ những ngày Nguyệt Lão đang đùn đẩy, mai mối, cũng có thể từ những buổi sớm mai trong trẻo, tôi ra vườn lê dệt tơ hồng, chàng đứng ở bên hiên, mỉm cười, sớm mai nào cũng vậy, công tử ấy chỉ cách tôi một khoảng sân như thế...

Cũng có thể, từ khi tôi biết chàng chính là người cứu mạng cây hoa tôi năm xưa.

“Tôi cũng chẳng hay nữa. Chàng ấy rất dịu dàng, chàng ấy rất hay cười với tôi”.

“Tịnh Yên cô nương thật thông minh, thẳng thắn”. Hoa tiên cười tươi, nói: “Ta cũng là nữ nhân, đương nhiên sẽ hiểu tâm tư thầm kín của cô nương. Chỉ mới gặp mặt thôi, ta đã biết đúng là cô nương đối với Vân Phi có tình ý. Ha ha, chỉ là… Hoa tiên thầm trộm nghĩ, kiểu người hoạt bát vui vẻ như cô nương, lẽ ra phải thích thái tử Di Phong mới phải chứ?”.

“A, Yên cô nương đừng hiểu lầm câu nói đó của ta. Tại cô nương nói hai người họ giống nhau như tạc, Hoa tiên lại thấy tính cách họ rất khác. Hoặc là, cũng có thể Vân Phi đang bị mất trí nhớ, nên tính cách ít nhiều thay đổi chăng?”.

Tự dưng, đáy lòng tôi ngổn ngang những câu hỏi chồng chất. Thế là tôi hỏi Hoa tiên một câu chẳng liên quan: “Xin hỏi, Hoa tiên chăm sóc Vân Phi lâu như vậy, có thấy bên cạnh chàng ấy có một con cáo nhỏ tên là Tiểu Thất không?”.

Hoa tiên lắc đầu, khiến mặt tôi ỉu xìu.

Quả nhiên gần đây nhiều chuyện quá, khiến tôi vứt hẳn trí thông minh đi rồi. Cục Tuyết đã là kẻ mất trí, ngay cả tôi, chàng cũng còn không nhớ, liệu chàng nghĩ gì đến một con cáo nhỏ như vậy… Có lẽ Cục Tuyết không còn nhớ gì cả, nên chàng thả nó đi, giờ đã thất lạc bên ngoài rồi.

Vậy mà tôi cứ nghĩ, nếu tìm được Tiểu Thất, biết đâu nó sẽ kể cho tôi nhiều chuyện chưa từng nghe về chàng. Tôi vẫn ngờ ngợ linh cảm rằng, tai nạn mất trí nhớ có gì đó mơ hồ.

Trên đường về Thanh Khâu, tôi và Hoa tiên nói thêm nhiều chuyện phiếm. Tôi cũng biết thêm được một tin không như ý, mà Tịnh Yên tôi có nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không thể ngờ ra.

“Thật ra lúc cáo từ, ta chỉ hỏi vậy thôi, chứ Hoa tiên thừa biết Di Phong không thể nào đi được”. Hoa tiên rẽ mây xuống, bên dưới chân tôi chính là nơi bắt đầu của lãnh thổ Thanh Khâu. Giọng nàng ta khi ấy cũng xa vời như tiếng gió: “Tịnh Yên cô nương, hẳn là cô nương còn chưa biết, huynh đệ hai người họ có lệnh cấm xâm nhập vào lãnh thổ của nhau”.

***

Nơi ở của Cục Tuyết tên là đỉnh Minh Hồ, sở dĩ nó có tên như vậy bởi nơi này rất sáng. Sáng đến mức, tôi có thể trông thấy rõ từng sợi lông ở trên mặt Hoa tiên.

Đây rõ ràng là ngọn núi tiên sáng nhất Thanh Khâu này. Người Thanh Khâu không ai là không biết, đỉnh núi Minh Hồ nằm thẳng bên dưới vị trí đặt viên dạ minh châu ở trên chín tầng mây. Ngày ngày, núi Minh Hồ luôn nhận được rất nhiều tia sáng từ đỉnh trời rọi xuống. May là mây mù ở Thanh Khâu dày đặc, phần nào làm dịu đi nguồn sáng mãnh liệt ấy.

Từ không trung nhìn xuống, đỉnh núi vươn thẳng lên trời cao, sừng sững đứng cô độc như một khối nham thạch hùng vĩ. Bao quanh đỉnh Minh Hồ có hai vành mây màu xanh nhạt bay bay, nhìn xa tựa như hai dòng nước trôi bồng bềnh, mờ ảo. Hoa tiên nói, ở trên hai dải mây hình tròn đó, nàng ta đã gieo trồng rất nhiều bụi hoa thơm, chắc bây giờ hoa cũng đã nở rồi.

Mấy ngày trước còn đang ở Tiêu Tương, tôi đã từng nghe Di Phong kể chuyện rằng, vì địa lý của Thanh Khâu trải dài rất rộng lớn, thế nên hoàng tộc bọn họ thường phân tán nơi ở để thay nhau trị vì. Đấy là thông lệ có từ thời xa xưa, những hậu bối đời sau vẫn thường theo lệ cũ, mỗi hoàng thân Hồ tộc khi đến tuổi trưởng thành sẽ được quyền cư trú bất kì nơi nào trên lãnh thổ Thanh Khâu.

Hồ ly ưa ngụ ở những nơi thanh đạm, cao ráo, vậy nên đa phần bọn họ đều toạ lạc trên những đỉnh núi cao. Từ bao nhiêu đời nay, chỉ có đôi ba người thần kinh không được mạnh mới dọn xuống đất bằng ở thôi.

Đấy là Di Phong nói.

Còn khi đặt chân bước xuống đỉnh Minh Hồ, tôi lại thầm cảm thán, huynh đệ họ khéo chọn đến thế nào mà một người trời nam, một người ở trời bắc. Nhìn xung quanh chỉ thấy sông nước rộng mênh mông, những dãy núi xa mờ,… tôi không tài nào đoán được đỉnh Tiêu Tương đâu cả.



“Ha ha, thật ra ở đây nhìn vẫn thấy”. Hoa tiên trỏ tay về phương xa tít tắp: “Kia kìa, ở đằng kia. Khi nào mây tan đi một chút, người ở Minh Hồ có thể trông thấy dãy núi Tiêu Tương đó”.

Quả nhiên đợi một lúc, những vệt mây ở đó dần dần trôi tản ra, để lộ một dãy núi màu xanh lơ thơ mộng, mờ ảo như hư thực. Kích thước của dãy núi ấy chỉ to bằng hạt đậu.

Haizz, quả nhiên là cao thủ. Cả hai bên đều có thể nhìn nhau, lại trông được người kia chỉ bé tí thế này. Lúc bực tức trong lòng, đôi bên có thể đứng ở trên đỉnh núi, ướm thẳng hạt đậu kia, búng mạnh tay một phát, cảm giác như thể vừa đánh sập căn cứ của địch vậy.

Tôi và Hoa tiên cùng nhau khoác vai, đưa Cục Tuyết vào trong.

Đúng là đỉnh Minh Hồ quá sáng, Cục Tuyết chỉ có thể sống ở một hang động khoét sâu trong lòng núi, ánh sáng không thể chạm tới đây, như vậy đêm xuống mới nhắm mắt ngủ được.

Tiểu cảnh trong hang bày trí cũng không tệ, một bộ tràng kỷ bằng gỗ xoan, một chiếc bàn thư án, hai giá gỗ thắp nến, ở ngay gần lối vào cửa hang chàng còn đặt thêm một bình cá rất thanh cảnh. Tuy nhiên, khác với ngôi nhà trúc nho nhỏ của Di Phong chủ yếu là sách thơ, Cục Tuyết lại treo rất nhiều vũ khí ở trong động. Thứ mà theo tôi là vô vàn sát khí, không phù hợp với phong thuỷ quanh nhà ở chút nào.

Trong dãy binh khí ấy, có một thanh bảo kiếm thu hút sự chú ý của tôi.

Bên ngoài thanh kiếm nạm bạc rất tinh tế, vỏ kiếm màu xám bạc nhã nhặn, nhìn qua thì dịu mắt, nhưng lại toả ra kiếm khí đến bức người. Chuôi kiếm chạm trổ hình vân mây sóng nước, gần chuôi có khắc ba chữ màu bạch kim ‘Vân Địch kiếm’.

Vân Địch kiếm. Dùng mây địch với ngàn vạn quân…

Quả nhiên là tên hay, kiếm tốt.

Hoa tiên thấy tôi chỉ nhìn chăm chú vào một thanh bảo kiếm thì nàng ta cười, bảo: “Cô nương thật tinh ý. Theo như ta được biết, đấy là bảo kiếm quý nhất của Vân Phi, là vũ khí làm nên tên tuổi của huynh ấy. Không phải ai cũng chạm tay vào được”.

Vậy mà tôi chưa từng thấy thanh kiếm này trước kia. Ngay cả khi tử chiến một mất một còn với Thiên Ân ở bên bờ Thiên vực, chàng cũng chưa từng dùng.

Trong góc động, phía sau lưng tôi, còn có một thanh kiếm nữa được gác trang trọng trên giá đỡ. Thanh kiếm này trạm trổ hình thanh long uy vũ, thân rồng uốn lượn mềm mại theo chuôi kiếm, móng vuốt đang ôm lấy mặt trời, đúng là đầy ngạo khí.

Tộc hồ ly không thích dùng vũ khí chạm trổ thần long. Vậy nên tôi đoán rằng, thanh kiếm đáng thương này chỉ dùng để trấn trạch.

Sau khi cáo từ với Hoa tiên, tôi gọi một đám mây rời khỏi núi Minh Hồ.

Ngoảnh đầu lại sau lưng, cảnh non xanh nước biếc như nhoè đi trong tầm mắt. Thiên nhiên của Thanh Khâu rất đẹp, cũng rất khéo làm người ta buồn lòng.

Có thể, bây giờ Cục Tuyết lãng quên tôi, nhưng một ngày tình cờ chàng vô tình nhớ lại, thì với trái tim đã héo hon của chàng, trong tim chàng, có bóng hình tôi không?

Nếu không phải Thục Ly, liệu trong tim chàng, trong tim chàng có bóng hình tôi không?

Tôi biết, dù nhớ lại hay vĩnh viễn quên đi, câu trả lời của chàng trước sau chỉ có một như thế. Chỉ mình tôi luôn tự dối gạt mình, không chịu quên, không chịu buông tay chàng mà thôi.

Nhưng mà hôm nay, Tịnh Yên tôi cũng đã thấy mệt rồi.

Lòng vòng trên mây một hồi lâu, tôi đắn đo, rồi suy nghĩ một lúc. Cuối cùng vẫn quyết định, rẽ mây bay ra khỏi bầu trời Thanh Khâu.

Chưa bay được bao lâu, tôi tình cờ trông thấy xe mây chở Chiêu Từ Đế Phi từ bên kia chân trời đi tới. Cỗ xe đó nhìn xa rất sang trọng, chói mắt, những dải tơ lụa màu trắng bay thướt tha, còn có hai cung nga ngồi hai bên gảy đàn. Hướng đi của xe mây từ Thiên giới quay trở về Thanh Khâu.

Tôi nấp vào một đám mây để trốn, dù sao tránh mặt vẫn tốt hơn phải gặp.

Đến khi chắc chắn cỗ xe đó đã hoàn toàn đi xa khỏi tầm mắt, tôi mới tiếp tục gọi mây để đi tiếp. Tiểu Chước vẫn chưa thấy đâu cả, mong rằng lúc tôi về Tiêu Tương nó cũng quay về rồi.

Khí hậu trên Thiên giới hôm nay quả thực rất trong lành. Tôi lướt gió qua một biển hoa thơm mát, xung quanh bạt ngàn hoa tươi đang nở rộ, lấp ló trên những thảm mây trắng lung linh. Nhịn không được, cúi xuống hái lấy vài bụi hoa để mang theo bên mình, thưởng thức hương thơm mê hồn đó.

Con đường này tôi đã đi qua nhiều, nhưng trước kia không hề đẹp như thế. Có vẻ Hoa tiên đang làm rất tốt vai trò và bổn phận của mình, quyết tâm biến tiên cảnh Thiên giới ngập tràn trong hoa tươi.

Trên đường, tôi gặp rất nhiều đàn chim Chu Tước đang vận chuyển đồ đạc cho tiên nhân. Chúng đều bay ngược chiều với tôi, mỗi con chim quắp một túi hành lý, vài con ôm hòm đồ, những giỏ dược liệu quý, có con còn chở trên người vô số đồ trang sức lấp lánh,… Sải cánh của Chu Tước rất rộng, chẳng mấy chốc, cả đàn chim Chu Tước đã khuất bóng bên trời. Với một phàm nhân mới thăng thành tiên lên Thiên giới, e là sẽ vô cùng choáng ngợp trước quang cảnh ấn tượng như thế này.

Đây là dịch vụ chuyển hàng của Thần Tài, vừa mới mở ra đã đắt khách như tôm tươi. Nghe bảo, gần đây Thiên Đế cho quân thần nghỉ phép, vậy nên bọn họ mới kéo nhau đi du sơn ngoạn thuỷ, hôm nào nhu cầu chở hàng cũng hơn cả trăm chuyến.

“Cô nương, cô nương. Làm ơn giúp lão tiên này với!”.

Nghe bên kia trời có tiếng gọi, tôi bèn dừng chân lại. Là một tiên ông râu tóc trắng như tơ, cưỡi trên một đụn mây chở theo vài hành lý, trông cũng khá cồng kềnh. Ông ta ôm đầu có vẻ bất lực lắm.

Tôi bay gần sát đến bên cạnh ông ta: “Tiên lão muốn tôi giúp thứ gì?”.

“Cô nương, làm ơn xin cô giúp cái thân già này. Ta thuê con chim Chu Tước đó từ tay của Thần Tài, nhưng nó rất cứng đầu, không chịu theo ta chở hành lý”. Tiên ông trỏ tay, chỉ vào một con chim Chu Tước đang vùng vẫy phía trước: “Ta định lấy lại chiếc túi hành lý ấy, có điều, chỉ một mình ta thì không sao làm được. Chu Tước phun lửa mà, cô nương biết rồi đấy”.

Thành thật để mà nói, hành Hoả luôn là thứ rất cấm kị của tôi. Tôi là yêu hoa tu luyện hoá thành người, trên đời làm gì có cái cây nào sinh ra mà không kị lửa chứ?

Lẽ ra, tôi định không giúp đỡ ông ta.

Cho đến khi, tôi nhận ra ngọc bội đeo dưới thắt lưng của vị tiên ông đó. Ngọc bội Thu Sương đá cẩm thạch, trên đời không còn cái thứ hai.

Ký ức gợi lại trong tiềm thức, rất nhiều năm về trước, chính tay tôi thay Nguyệt Lão đi đặt người khắc một đôi ngọc bội. Sau khi nhận về đôi ngọc quý, Nguyệt Lão không tặng cho Nguyệt Bà, mà chỉ tặng riêng một miếng ngọc bội cho người bạn tâm giao già của lão. Là Thái Dương Tinh Quân.

Miếng còn lại, Nguyệt Lão thường xuyên đem theo ở trong người, cứ như vậy cho đến tận cuối đời. Từ khi Nguyệt Lão đi, phủ Nguyệt Lão biến mất, tôi không còn giữ được bất cứ di vật nào quan trọng của lão nữa.

Mà tôi biết tâm nguyện lớn nhất sau khi đi của lão, bao gồm một là tôi, hai là người bạn tâm giao này. Tôi đã bình yên quay trở về, sao có thể không thay lão hoàn thành nốt tâm nguyện còn lại.



Tôi phải vật lộn với Chu Tước hồi lâu, thậm chí mạo hiểm cưỡi cả trên lưng nó, cuối cùng mới thành công lấy lại túi hành lý. Thái Dương Tinh Quân rất cảm kích, biến hoá tặng cho tôi một bộ y phục mới, thay cho y phục cũ bị tôi quần tả tơi.

“Chỉ là thấy người già thì nên giúp mà thôi. Xin ông đừng khách sáo với cháu”, tôi đã bảo như vậy.

“Cô nương... cô gọi ta là ông hay sao?”. Khuôn mặt hiền từ của Thái Dương Tinh Quân hơi nheo lại, đôi mắt sáng như sao, giờ khắc này trông rất giống dáng vẻ vui mừng của Nguyệt Lão. Chẳng trách, sao tôi lại có cảm giác ấm áp và gần gũi khôn tả, như thể ông ta cũng chính là người thân của tôi vậy. Thái Dương Tinh Quân nói: “Lão tiên vừa để ý, ánh mắt cô nương cứ lưu luyến mãi miếng ngọc bội của ta. Cô nương, cháu thích nó phải không? Vậy, cháu hãy nhận nó đi, người như cháu xứng đáng”.

Tôi nhìn miếng ngọc bội đá cẩm thạch trên tay. Đây là di vật còn lại duy nhất của Nguyệt Lão…

Một hồi đấu tranh trong tâm tưởng.

Lí trí lại chiến thắng, lí trí bảo tôi rằng, sao tôi có thể lấy đi được. Tịnh Yên tôi coi trọng Nguyệt Lão như thế nào, Thái Dương Tinh Quân hẳn cũng dùng tấm lòng bao năm tưởng niệm y như thế. Lão chỉ cần sống mãi trong tâm tưởng của tôi, như vậy thôi cũng đã quá đủ rồi.

Vẫn phải nói một câu từ chối, khiến Thái Dương Tinh Quân nghe được hơi tiếc nuối. Rồi ông ta lại tiếp tục rời đi, tôi cũng cần phải đến nơi mà tôi muốn đến.

Từ đầu đến cuối, tiên ông hiền từ đó không hề nhận ra tôi. Cũng phải thôi, trong tiềm thức của toàn thể Thiên giới, phủ Nguyệt Lão đều đã chết cả rồi. Không một ai sống sót.

Thời gian trôi đi như nước chảy, làm gì còn ai tiếc thương phủ Nguyệt Lão, làm gì còn ai nhớ lại chuyện kinh hoàng năm xưa…? Bọn họ, rồi sẽ dần quên thôi, quên phủ Nguyệt Lão đáng thương của tôi rồi.

***

Khuôn viên phủ Ti Mệnh đã rộng hơn xưa nhiều. Màu sắc chủ đạo cũng không phải tông hồng sến sẩm năm xưa nữa, thay vào đó, khắp phủ là một màu đen xì, tối om.

Tôi hít hà một hơi, tiên cô này lại thay đổi tính nết.

Đặt chân xuống một hồ sen xinh đẹp, chính là lối đi vào trong phủ, khung cảnh xung quanh tôi vắng lặng đến tiêu điều. Không có bóng dáng tiên nga nào ra đón tiếp tôi cả.

Hồ sen này chắc đã được phù phép, hoa sen nở bốn mùa quanh năm.

Đứng đó nhìn sen nở, chưa đầy thời gian một ấm trà, tôi đã nghe thấy tiếng bước chân xa gần đi tới. Cuối mùa xuân, tiết trời vẫn còn đương se lạnh, gió xuân xộc vào phổi, khiến người đó không kìm được mà ho lên vài tiếng.

Tiếng bước chân đột nhiên khựng lại.

Tôi ơ thờ nhìn lên.

Ti Mệnh Tinh Quân đứng đối diện từ xa, một tay chống lên trên thành hồ, như muốn bước qua những thảm đá trước mặt. Bà ta không tin nổi: “Ôi trời! Ta đang tỉnh hay là đang mơ đây?”.

***

Tôi cười: “Tiên cô nằm mơ còn chưa tỉnh. Hơn nữa, đang là mơ ban ngày”.

Ti Mệnh Tinh Quân mắt ướt nhoà, chạy đến ôm chặt tôi. Bà ta nắm lấy cánh tay tôi rất chặt, như muốn xác nhận xem tôi có phải hồn ma bóng quế không. Rồi Ti Mệnh rơm rớm nước mắt: “Tiểu cô nương xinh đẹp! Ta tưởng ngươi đi rồi, ta đã suy sụp lắm, ngươi biết không? Ai cũng chắc nịch rằng phủ Nguyệt Lão đều đã chết hết cả, làm ta tin là thật. Ta đi tìm, nhưng không sao tìm ra được tro cốt của ngươi. Nên biết bao năm qua, ta đã lập cho ngươi một tấm bia mộ, ngày ngày luôn tự tay hương khói… không ngờ ngươi còn sống trở về, thật tốt! Tiểu cô nương, ngươi đừng xa ta nữa”.

“Năm mà ngươi gặp nạn mất tích, phủ Nguyệt Lão lại xảy ra thảm kịch, ta đã liều lĩnh gieo một quẻ. Quẻ đó nói rằng, trong hung lại có cát, có thể ngươi vẫn giữ được mạng. Nhưng mà… một trăm năm qua ngươi bặt tăm tin tức, đến cả người rắn rỏi như ta cũng đành phải tin rằng, tiểu cô nương đã chết, tiểu cô nương đi rồi… Ngươi bảo Ti Mệnh ta phải làm sao đây?”.

Tôi nhìn tấm bia mộ xa xa, lấp ló bên góc phải hồ sen, những viên đá ngũ giác trên mặt nước được nối bằng sợi dây để làm lối đi lại. Trên bia mộ khắc hàng chữ đỏ tươi như máu: ‘Tịnh Yên chi mộ’, bất giác, lệ trong mắt vỡ oà.

Vậy mà khi nãy tôi lại không để ý. Hoa sen nở trong hồ như cùng nhau dang tay, chở che nấm mồ cô đơn đó.

Thì ra, đi khắp chân trời góc bể, trên đời này vẫn có người tìm tôi, còn xây mộ cho tôi, mỗi ngày đều đặn dâng hoa quả, hương khói… Tôi đứng khóc như mưa, dường như tích tụ hết vui buồn mặn đắng của hàng trăm năm qua, khóc trước mặt Ti Mệnh.

Bà ta lúng túng, không sao kiềm chế được dòng lệ, nấc lên: “Tiểu cô nương ơi, ngươi đừng có khóc nữa. Ngươi đừng khóc nữa mà…”.

Sau khi vào trong phủ đệ chính, tôi mới chịu nín khóc. Ti Mệnh mím môi, pha cho tôi một chén trà hoa cúc để giữ ấm cơ thể.

“Trà hoa cúc này Ti Mệnh ta ngâm đấy. Cũng mấy chục năm rồi, mỗi khi ngồi không buồn vu vơ chẳng biết phải làm gì. Nên ta học cách pha tuần trà”. Bà ta thả thêm vài bông hoa, nói: “Bây giờ, hầu như danh trà gì ta cũng pha được cả. Tiểu cô nương thử đi”.

Vị trà thanh khiết, có chút hơi đắng, nhưng bù lại mùi hương hoa cúc khiến người ta cảm thấy lòng thư thái. Cả hai cùng nhau ngồi thưởng trà, tâm tình cũng tĩnh lặng hơn nhiều. Bấy giờ tôi mới nhờ Ti Mệnh một chuyện, liên quan đến vấn đề mất trí của Cục Tuyết.

“Ngươi hỏi ta chuyện về nam nhân sao? Đáng chết!”. Ti Mệnh vẫn còn có địch ý với tất cả nam nhân, không hiểu sao tự nhiên lại cười trừ, “À không… đáng lắm. Ta vô tình nói đến mấy từ hơi cấm kị, tiểu cô nương đừng giận”.

Tôi nói: “Tiên cô phụ trách số mệnh của phàm nhân trong trời đất, năm xưa Cục Tuyết bị phạt đi lịch kiếp, cũng có phụ trách không?”.

“Để xem nào. Hắn tên là Vân Phi, Vân Phi…”. Ti Mệnh đang cố gắng nhớ lại nên nghĩ ngợi rất lâu. Chợt, bà ta búng ngón tay, nói lớn: “Tưởng gì, vụ này đơn giản thôi. Ta đã nhớ ra rồi”.

Tôi chăm chú lắng nghe lời Ti Mệnh. Nhưng bà ta lại không tiết lộ thêm gì cả, lấy giấy bút, viết ra hai chữ nét Thảo uốn lượn trên trang giấy. Hai chữ đó viết là: ‘Vân Phi’.

Tôi tụt hứng: “Ai chẳng biết Cục Tuyết có tên là Vân Phi”.

Bà ta giơ tờ giấy lên cao, muốn tôi tập trung tất cả sự chú ý vào nó: “Tiểu cô nương, ngươi nhìn thấy trên này viết những gì?”.

“Vân Phi”. Tôi nói, không thèm để tâm kế hoạch cò quay sắp diễn của Ti Mệnh.

“Đúng vậy, là hai từ Vân Phi. ‘Vân phi vũ túc hướng Tiêu Tương’(*). Vân phi có nghĩa là mây bay, mà muôn đời mây bay thì không thể giữ lấy. Ngươi tên là Tịnh Yên, là ngọn khói mong manh, ta cũng không thể nào giữ lấy”.



Ti Mệnh vung tờ giấy trên tay, hai con mắt nhắm nghiền, tựa như đang độc diễn.

“Này, sao ngươi lại ngủ thế!”, Ti Mệnh há hốc mồm gọi tôi: “Không thèm nghe thật à?”.

Tôi ngáp: “Tiên cô đổi vai đi, vai này trông không hợp”.

Ti Mệnh chép miệng, tuôn ra một tràng dài không ngắt: “Thôi được, không giấu gì ngươi nữa. Sao chẳng thông minh chút gì vậy, ngươi thấy trên giấy viết thứ gì, là hai chữ Vân Phi. Hai chữ Vân Phi thật, phải không? Thế thì trong sổ mệnh cách của ta cũng chỉ có hai từ Vân Phi đấy, còn lại thì ta để giấy trắng”.

Ngụm trà hoa cúc trong miệng tôi còn chưa kịp xuống cổ, phun đầy ra mặt bàn.

Tôi lau lau cho sạch, Ti Mệnh lại suy nghĩ rồi nói: “Ta mà được phép viết mệnh cách, thì hắn chết chắc rồi. Thuận theo ý trời, ta không thể can thiệp, nên chỉ làm phước đặt tên mấy kiếp cho Vân Phi mà thôi. Ha ha, thật không tin nổi ta nghĩ ra toàn tên hay xuất chúng”.

Tôi không biết tên gọi những kiếp khác của Cục Tuyết như nào. Nhưng, kiếp hoạ sư của chàng thật không thể nuốt nổi.

“Vậy tiên cô nghĩ gì mà đặt ra được cái tên là Vệ Hằng?”, tôi vo tròn sợi tóc mai bên má, nén thở dài một cái.

“Tiểu cô nương của ta à, hmm… ngươi biết chuyện tình nổi tiếng Hậu Nghệ - Hằng Nga không?”.

Tôi gật đầu thật nhanh, tránh để Ti Mệnh lại cò quay nhau nữa.

“Đấy, khi đặt tên của hai người họ bên nhau, ta liền liên tưởng đến cái tên Vệ Hằng”. Ti Mệnh vênh mặt lên, ưỡn ngực cười ha hả: “Vân Phi là nam, trong thuyết âm dương ngũ hành lấy cực dương. Nên tên đầy đủ sẽ là Dương Vệ Hằng, hay không?”.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại đến thế nào, cũng chẳng thấy có chút liên quan gì.

Lại nghĩ, tôi vẫn còn vướng mắc rất lớn ở trong lòng. Nếu Cục Tuyết đã mất trí ngay sau khi tôi rơi vào Thiên vực, vậy tại sao mấy kiếp luân hồi đó, chàng vẫn còn những ký ức về tôi? Bức chân dung trên cây quạt đầy máu, hình ảnh đau lòng nơi pháp trường hôm ấy, bao lâu nay tôi làm sao quên được.

Ti Mệnh hạ giọng, trong lời nói có ý an ủi tôi: “Tiểu cô nương xinh đẹp, ngươi biết âm dương tuần hoàn như nào đấy. Nơi mà chúng ta sống, chúng ta đang hít thở, không ngoại trừ tiên nhân, tất cả đều nằm trong sự chi phối của âm dương ngũ hành. Nhưng đôi khi, vòng tuần hoàn đó vẫn có trục trặc nhỏ. Ví dụ như việc một âm hồn đã uống canh Mạnh Bà, nhưng kiếp sau vẫn nhớ chuyện quá khứ, hay như việc tiên nhân có sinh mệnh vĩnh hằng, nhưng cơ thể của họ thì lại không bất tử,… Nhân sinh éo le vậy, đâu ai giải thích được phải không?”.

Thì ra, đây là đạo lý mới Ti Mệnh vừa lĩnh ngộ. Kể ra nghe cũng khá hợp tình, tôi đã tự nhủ có lẽ là như vậy. Cho đến khi Ti Mệnh đốp thẳng vào mặt tôi: “À, biết đâu là ngươi tự đa tình thì sao. Ta mới vừa nhớ ra điều này, có một hôm khi ta đau đầu vì sổ sách, ta đã giở một cuốn mệnh cách để ngồi đọc tiêu khiển. Ai ngờ, dung mạo nữ tử đó lại vô cùng giống ngươi! Làm ta ấn tượng mãi, ở trần gian, cô ta sống cùng thời Vân Phi đấy”.

Nghe mà đau lòng, thất vọng quá! Chàng không chỉ quên tôi, mà xuống trần gian rồi, còn dan díu phải lòng với một nữ tử dung mạo y chang tôi. Nên nói chàng tuyệt tình, hay là yêu hoa tôi tâm tư nhỏ nhen chứ?

“Để ta mở cho xem”. Ti Mệnh hào hứng, nhưng nhớ đi nhớ lại vẫn không ra tên họ của nữ nhân bí ẩn này. Bà ta chỉ nhớ duy nhất một chữ ‘Lưu’, phẩy tay một cái, hiển nhiên vô số mệnh cách có chữ ‘Lưu’ rơi bồm bộp trên đầu.

“Lưu Tinh, ta nhớ rồi, cô ta là Lưu Tinh”, Ti Mệnh gãi đầu, vung tay, gọi ra sổ sinh mệnh của nữ tử tên là Lưu Tinh đó. Một cuốn sách màu vàng kim rực rỡ mở ra, vô số con chữ lấp lánh bên trong toả sáng như sao trời.

Tôi ngẩn người. Ở ngay trang đầu tiên, có chân dung chủ nhân mệnh cách này.

Trong tranh, một cô nương đang yểu điệu nghiêng đầu, nép mình sau một tán hoa anh đào trắng, đôi môi phớt đỏ chúm chím giống như nụ hoa xuân, mái tóc dài đơn giản, không trâm ngọc cành vàng, nhưng lại toát ra vẻ thiện lương, trong sáng như ánh trăng. Cô nương ấy vận một bộ xiêm y màu ngọc bích nhã nhặn, tương tự như tôi rất thích trang phục màu thanh thiên.

Đây không phải tôi sao?

Nhưng mà nàng ta tên Lưu Tinh, không phải là Tịnh Yên. Lưu Tinh, sao băng trên trời cao… Lưu Tinh và Vệ Hằng. Tôi thở dài, hai cái tên này đặt bên nhau sao lại hợp như thế, giống như Tịnh Yên - Vân Phi vậy. Chỉ khác là nàng ta có trái tim của chàng, dù cho một kiếp người ngắn ngủi.

Ti Mệnh phẩy tay, lật qua từng trang sách.

“Hà hà, ngươi có thấy chói mắt, thấy chóng mặt hay chưa? Bút tích này được viết bằng một loại mực quý giá, chính là mực hoàng kim cực hiếm, phải tu vi cao mới có thể mài được, vậy nên không phải ai cũng làm Ti Mệnh nổi đâu”. Ti Mệnh quay đầu lại, trông thấy tôi vẫn hoàn toàn bình thường, thì không nói gì nữa.

- -------------------

(*): Một câu thơ trong bài thơ “Nhạn” - Đỗ Mục

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK