Theo lời của Di Phong, vết thương trên vai chàng ta sẽ nhanh chóng ổn định, chỉ cần thêm một chút hành Thủy dung hòa để Di Phong ngồi thanh tẩy nguyên khí, đẩy hết hỏa khí còn xung đột ra ngoài.
Thế là chúng tôi không cần bay về Tiêu Tương nữa, mà vui vẻ cùng nhau… đi đường thủy.
Kì thực, Tiêu Tương là con sông rộng lớn nhất chốn Thanh Khâu này, nó chảy qua bao nhiêu miền đất xa xôi nào tôi cũng chẳng hay nữa. Ôm trọn ven bờ là những đồng cỏ xanh mát mắt, những ruộng rau tươi xanh bạt ngàn, núi xanh lẩn khuất trong sương mù, khung cảnh xinh đẹp phản ánh cuộc sống trù phú no đủ của người dân Thanh Khâu.
Tôi đến gần bờ sông, ném sỏi khua khoắng mặt sông trước, sau đó thả xuống làn nước một thỏi bạc trắng nhỏ.
Đây là chút tài sản cuối cùng, bây giờ túi tôi chỉ còn lại toàn bụi.
Di Phong đang thong thả đi tới, vui vẻ nhìn tôi, cười: “Cũng biết cả trò này cơ đấy?”.
Tôi khom người nghịch nước, soi bóng thân mình dưới mặt sông: “Tôi ấy à, chỉ không biết dùng tiền để đè chết người thôi”.
Đáp lại tôi là nụ cười rất nhẹ của chàng ta: “Không ngờ, cô nương còn có sở thích khác lạ nhỉ?”.
Tôi lẩm bẩm: “Đấy không phải sở thích, mà là ao ước mà”.
So với ngày đầu tiên mà tôi tới Thanh Khâu, nữ nhân lái đò sông Tiêu Tương, thuộc hạ của thổ địa vẫn không hề thay đổi. Mái tóc trắng như tơ của nàng ta càng thêm nổi bật giữa sóng nước mây trời, biết bao sắc màu vô tình đan vào nhau, cộng hưởng với bóng sáng trên đỉnh trời rọi xuống, hình ảnh hư thực ấy có đôi phần khiến người ta lóa mắt.
Chiếc đò xuôi theo dòng Tiêu Tương hiền hòa, lướt qua bao ruộng dâu, rặng núi. Khói sương trôi bồng bềnh du đãng, lơ lửng trên mặt sông. Lần đầu tiên biết đến Thanh Khâu này, tôi đã thấy choáng ngợp bởi quang cảnh non nước chốn tiên bồng, nhưng bây giờ được thảnh thơi dạo trên dòng Tiêu Tương, mới cảm nhận rõ vẻ đẹp của Thanh Khâu thật xiết bao thơ mộng, xao xuyến, xiết bao rung động làm say đắm lòng người, không một ngòi bút thơ văn nào có khả năng lột tả. Nếu nói theo cách nhìn hạ giới, đây đích thị là nơi thế ngoại đào nguyên tuyệt vời nhất để người ta chọn làm nơi quy ẩn, sông nước Giang Nam xinh đẹp của thần tiên.
Tôi ngắm làn nước trong xanh dưới thân đò, nói với Di Phong ở sau lưng: “Cảnh đẹp như thế này, trời quang mây tạnh, nước biếc non xanh, tiếc là lại không có một khúc nhạc nào cả. Tiếc thật đấy, công tử đang bị thương như vậy”.
Gió mát thoảng qua tai chúng tôi, cơ hồ mơn man nghe dễ chịu. Di Phong đang yên vị trong tư thế ngồi thiền, song còn chưa vội vàng vận công, chàng ta mỉm cười, nói: “Vậy Yên cô nương có biết ngón đàn không? Đúng là nghe nhạc làm tâm hồn thư thái, cô gảy khúc nhạc nào cũng được”.
Nói xong đã nâng bàn tay lên, một chiếc đàn nguyệt xinh xinh lơ lửng vừa hiện ra. Cây đàn bằng gỗ mun rất đẹp và tinh xảo, quanh hông đàn khảm một vài khóm hoa cúc đại đóa, trông sinh động, mềm mại như hoa thật, trên đầu đàn còn đính một bông cúc vàng ươm đầy ngạo nghễ, chạm khắc từ vỏ trai xà cừ.
Cũng đáng tiền ra phết.
Rõ ràng, đây là một cây đàn làm ra cho phái nữ, có thể Di Phong được người xưa truyền lại, hoặc chàng ta là sưu tầm được chăng?
Tôi khen ngợi cây đàn, còn muốn mượn Di Phong để xem thử một chút. Sau khi được chiêm ngưỡng từng đường nét công phu trên mình cây đàn đó, tự cảm thán một hồi, cảm giác tâm tràn đầy thỏa mãn, mới chịu trao trả cho chàng ta.
Di Phong thu đàn đi, lặng im không nói gì.
Tôi thấy, đôi khi sự im lặng vô lý của chàng ta đôi phần cũng rất tuyệt. Ví dụ như bây giờ, cả hai đối phương có thể tự ngầm hiểu cho nhau, tôi đỡ phải mở miệng chú thích dông dài rằng tôi không biết chơi đàn, vì sao tôi lại không biết cách chơi đàn, và tại sao kiếp này ông trời sinh ra tôi chỉ thích hợp làm một kẻ nghe đàn, chứ không hợp với vai trò của một nhà cầm sư, vân vân và vân vân,…
Giữa lúc tôi đang ôm mớ suy nghĩ trong đầu, có khi nên tìm cách cải thiện khả năng cầm kì thi họa của bản thân, sao cho ra dáng một cô nương đúng nghĩa. Thật phiền quá. Dẫu sao, tôi đã sống như vậy suốt ba trăm năm trời mà vẫn thấy sống tốt hoài đấy thôi, còn hơn đầy tiên nữ cầm kì thi họa tinh thông đấy, mang danh là tài nữ song toàn, thế mà mới chỉ trông thấy một con tiểu yêu thôi đã sợ run cả người.
Dù sao, nhà ngươi sở hữu một biệt tài nào đó vẫn có lợi hơn nhiều, phòng trừ khi thất nghiệp có thể đi mãi nghệ kiếm sống. Di Phong đã rất giỏi cầm rồi, không nên học dò theo chàng ta… thế là tôi cân nhắc, quyết định sau này sẽ dành thời gian học thổi tiêu, thổi sáo.
Mà thật ra, tôi không cảm thấy xấu hổ hay gì đại loại thế, nhưng để chữa cháy trong tình huống đứt quãng như thế này, Di Phong luôn tự giác mình là người chủ động. Chàng ta chỉ lặng yên nhìn tôi, nhẹ nhàng nói: “Không có tiếng đàn, đúng là khá tiếc thật. Nhưng cũng không sao cả, lần khác tại hạ sẽ đàn cho cô nương”.
Lại biến thành một thoáng bối rối.
Thuở xưa còn trẻ người non dạ, Nguyệt Lão thường bảo tôi, một nam tử nho nhã sẽ không để cô nương nhà người ta phải thất thế, mất mặt, đấy là lão đang dạy tôi cách nhìn thấu lòng người, nếu như tôi gặp gỡ rồi phải lòng ai đó. Hoặc kết giao bằng hữu cũng vậy. Vì đã quen nhìn thấy một Thừa Ức có phần hơi khô khan, thật thà, tôi từng nghĩ, nam nhân mà Nguyệt Lão bảo chỉ xuất hiện trong những vần thơ văn cổ.
Nhưng, bốn chữ ‘công tử như ngọc’ đích thực phải dành cho Di Phong, hoặc là hai chữ ‘công tử’ thôi cũng đã rất xứng rồi.
Một biển gió khá mạnh ở cuối chân trời thổi ngược đến, tiếng gió lộng tứ bề. Dường như trong gió có tiếng nước suối chảy êm tai, róc rách, tiếng hạc kêu ngâm nga,… thiên ngôn vạn ngữ cũng không thể miêu tả hết âm sắc của những thanh âm tuyệt vời này. Tôi nhắm mắt, tận hưởng cảm giác sống tiêu dao tự tại như những vị cư sĩ ẩn mình, thả hồn trôi mênh mang, trong lúc Di Phong ung dung điều khiển gió, giá như ngày nào cũng có thể an nhiên hưởng lạc như thế này.
“Không có nhạc, vậy ta đền cho cô nương thứ này nhé. Nghe thư thái không thua kém một khúc nhạc nào đâu”.
Di Phong ngồi giữa một bức tường bằng gió, tóc đen dài tung bay, đôi bàn tay thon dài đẹp đẽ của chàng ta đang tạo ra một tư thế bắt ấn. Cho dù đã từng trông thấy dáng vẻ thi triển tiên pháp của Di Phong nhiều lần, song mỗi lần bắt gặp bàn tay nam tử đẹp như tranh vẽ ấy, tôi vẫn không kiềm lòng được mà ngắm nhìn thêm chút. Ai bảo tôi vốn là một người yêu thích ngắm cái đẹp.
Tôi híp mắt, vui vẻ hít đầy gió xuân vào lồng ngực: “Thanh Khâu của công tử thật đẹp. Đi đâu cũng bắt gặp tiên cảnh, không khí lại trong lành, tôi rất thích. Công tử còn biết nhiều tiên thuật về gió nữa”.
Gió xuân cứ thế vây quanh một mảng sông rộng lớn, tôi thư thái lắng nghe tất cả thanh âm trong lành nhất thế gian. Tựa như một khúc nhạc tiên an lành, lại du dương, mê hoặc cả nhân thế trong âm hưởng chìm đắm sự dịu dàng của nó. Trận gió này kéo dài khá lâu, nhưng lại rất êm ái nhẹ nhàng, không lạnh lẽo chút nào, cũng giống như con người ôn hòa, nhẹ nhàng của Di Phong thật vậy.
Xem ra, kiếp này, Di Phong và gió quả là có nhân duyên đặc biệt.
Không biết con đò đang đi tới nơi nào, tôi giương mắt nhìn ra xa toàn cảnh, một vùng sông nước mênh mông trăm dặm ánh lên như gấm trắng. Xa xa, xuôi dọc bên bờ sông là một vườn dương liễu lớn bao phủ, bóng liễu bay la đà trong gió, lả lướt buông rèm như khói xanh. Không biết Thanh Khâu còn ẩn giấu bao nhiêu tiên cảnh hớp hồn người khác như vậy nữa.
Tôi tò mò: “Vườn liễu kia cũng đẹp tuyệt, sao bây giờ tôi mới được biết chứ? Đây là nơi nào vậy?”.
Tựa như tôi lúc này, còn có muôn vàn bóng liễu xanh chập chờn, đang phản chiếu trong mắt của Di Phong. Mơ màng như giấc mộng ngày xuân.
“Cũng không biết nên gọi là gì nữa, người Thanh Khâu chỉ quen gọi là vườn liễu. Nghe nói, từ thời thượng cổ hồng hoang, Thiên giới khắp nơi chiến loạn triền miên, không ít người dân từ muôn phương phải di cư vào Thanh Khâu ở nhờ. Thuở xưa ấy, Thanh Khâu vừa mới được tạo dựng nên vô cùng hoang sơ, chưa có đường đi lối về. Những người di cư, và những người Thanh Khâu từ phương xa trở về, đều phải đi thuyền xuôi qua đoạn sông này”.
Di Phong nhẹ nhàng nói tiếp: “Tương truyền, mỗi khi có thuyền bè đi qua, những hàng liễu quanh đây đều đung đưa trong gió, trông xa tựa như những cánh tay chào đón người con xa trở về. Điều ấy cũng rất đúng với tích ‘chiết liễu’, nên người xưa đã quyết định trồng thêm thật nhiều cây xung quanh, hiện nay, nơi ấy cũng chính là vườn liễu chúng ta vừa đi qua”.
Thì ra là như vậy. Cho dù trong hiện tại, người dân Thanh Khâu đều đã di chuyển bằng việc đi xe ngựa, hoặc cưỡi mây đạp gió, lâu ngày cũng không mấy ai phải đi qua vườn liễu xa xưa nữa. Tuy nhiên, trải qua bao năm tháng, vườn liễu nơi này vẫn luôn trường tồn như vậy với thời gian, như vang bóng những nhớ thương một thời, một nơi nhân thế trôi chậm lại, bình lặng an nhiên giữa cõi đời hư ảo.
Tôi vô cùng vui vẻ: “Vậy lần khác chúng ta vào đây nhé? Tôi sẽ đưa Tiểu Chước đi cùng”.
Di Phong gật đầu. Tôi lại nghĩ, nên chọn thời điểm khí hậu bắt đầu ấm áp lên một chút. Liễu có tính âm hàn, lại mang nhiều âm khí, hôm nào trời nổi nhiều gió nhất định sẽ rất lạnh.
Chiếc đò tiếp tục đi qua vùng sông nước vắng hoe, một làn hương tươi mát không biết từ đâu len lỏi vào mũi tôi. Tôi liền nhận ra ngay, hương hoa lê quen thuộc, đoán chừng hương thơm này theo gió xuân tản đi từ những ngọn đồi xa. Thế là trong não liền nảy ra một ý, có thể đáp lễ Di Phong hoàn hảo rồi.
Tôi đứng dậy, chọn cho mình tư thế xinh đẹp hoàn hảo nhất, giống như những tiên nữ thướt tha, yểu điệu ngay cả khi thi pháp tôi đã từng trông qua. Đầu ngón tay mảnh mai đan vào nhau, muôn vàn cánh hoa từ phương xa thổi tới, tầng tầng mưa hoa lê trắng xóa phiêu linh khắp mây trời, váy xanh nhạt phấp phới, tôi hài lòng đắm mình trong biển hoa thơm ngào ngạt.
Hoa bay khắp chốn, phiêu lạc như mơ.
Di Phong nâng tay lên, hứng lấy trận mưa hoa đổ xuống: “Ồ, Yên cô nương lại đa tài vậy nhỉ?”.
Tôi cười toe, định bảo “Tôi là yêu hoa mà”, lại sực thấy ý tứ của Di Phong giống một câu cợt nhả hơn là sự thành ý, trong lòng có chút hơi chột dạ, thế là không trả lời gì nữa, tiếp tục tận hưởng khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh.
Kệ đi, hơi đâu mà lo chấp nhặt với chàng ta.
Cứ thế, hành trình du ngoạn trên sông của tôi và Di Phong phải nói là êm đẹp đúng nghĩa, khung cảnh yên tĩnh, sơn thủy hữu tình, mọi thứ đẹp hoàn hảo như tranh, cho đến khi xuôi dòng qua một cánh đồng hoa, chiếc đò nhỏ xinh của bọn tôi bị vài ba tiên nữ trêu ghẹo.
Thật ra, tôi cũng chẳng để tâm gì đến mấy nàng tiên nữ đấy, bởi vì cánh đồng hoa bươm bướm đang kì nở rộ rất xinh đẹp, sắc đỏ, hồng, trắng rất bắt mắt, hoàn toàn nhấn chìm dáng người nhỏ nhắn, e lệ của các nàng.
Thế mà bóng hình của Di Phong trên đò, vẫn dễ dàng lọt vào tầm mắt vài ba tiên nữ đang ham vui hái hoa.
Bọn họ cười khúc khích, tiếng cười trong trẻo như yến oanh vang vọng cả đồng hoa. Tôi thấy vài cô tiên nữ giấu mặt vào cành hoa, trộm ngắm Di Phong qua những khe hở mà các lùm hoa chồng lên nhau tạo thành. Tiếng cười gây kinh động như vậy, nhưng vẫn không đánh thức được Di Phong đang nhắm mắt thiền định.
Rồi một giọng hát du dương bay ra từ thảm hoa, giọng hát vang lên vừa êm ái, yên bình, vừa say mê, mị hoặc, như bài ca của một vùng cao nguyên còn hoang sơ nào đó. Bọn họ ngân nga hát, vừa hát vừa ríu rít gọi công tử. Thấy Di Phong vẫn không hồi âm lại, thi thoảng trong đồng hoa lại truyền ra vài thanh âm đùn đẩy nhau, cười đùa.
Nữ nhân lái đò hừ lạnh ra mặt, chỉ trích bầy tiên nữ: “Thật ồn ào”.
Tôi cũng cho rằng bọn họ ồn ào thật, ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến không gian thanh tịnh của người khác. Có lẽ thổ địa đồng hoa thấy có nhiều tiên nữ sắc nước hương trời quá, nên hí hửng cho qua, mặc cho bọn họ tự ý thích làm gì thì làm.
Thậm chí phá tan đồng hoa của ông ta.
Hèn chi, tự cổ chí kim, anh hùng khó qua ải mỹ nhân, quân tử khó qua ải mỹ nhân, phàm phu tục tử lại càng không làm được.
Khi con đò của chúng tôi gần qua, các tiên nữ Thanh Khâu cũng xúng xính ra về, họ ôm theo những giỏ hoa rực rỡ, lụa là thướt tha bay lên trời. Vài cô tíu tít cười, khẽ ngoái đầu quay lại, có cô tiên nữ dùng lụa tơ che mặt, thả xuống phía dưới một dải lụa trong suốt. Trước khi bay vụt đi, còn e thẹn, cười nói: “Không biết công tử thuộc dòng trâm anh nào? Công tử tuấn tú quá”.
Tôi đứng ở nơi đầu mũi đò, ngẩn ngơ nhìn lên khoảng trời mây trong vắt.
Dải lụa mỏng như sa, trong như nước, theo đường gió bay bổng trên không trung rồi lặng thinh hạ xuống, lơi là như cánh bướm. Dải lụa đó in vào trong mắt tôi, tự nhiên tôi nhớ đến hình ảnh mơ hồ bắt gặp dưới Âm phủ, cánh đồng cỏ lau dập dờn sóng, dải lụa đào xinh đẹp của cô bé ấy cũng tung bay theo một cách rất thơ, khiến người ta ngây ngẩn mà nhớ mãi, cuối cùng, chỉ để lặng thinh hạ xuống như thế này…
Đến khi về thực tại, dải lụa trong suốt đã nằm trên tay tôi. Một cơn gió lạnh căm vội ùa đến, tôi giật mình, tấm lụa chưa nắm chắc bị gió thổi bay đi, dần dần trôi xa khỏi tầm mắt, không biết bay về phương xa nào.
Mà bên ngoài tai tôi, trong không gian hiu quạnh, dường như có tiếng người đang đọc thơ văng vẳng.
“Tiêu Tương nước chảy sông dài”…
Tôi ngạc nhiên, nhìn xung quanh bốn phía, nhìn mãi khắp nơi chẳng tìm ra được gì, chỉ thấy nước mênh mông va đập vào mạn đò, sương mù bồng bềnh trôi.
Con đò xuyên qua màn sương giăng, tiếng ngâm thơ kì lạ như vọng về từ nơi xa nào đó, lưu lại trong màn sương trắng xóa, như hồi chuông ngân nga xuyên thẳng vào tâm nhĩ. Tôi nghe rõ mồn một từng câu, từng chữ đang bình thản ngâm lên, bình thản ngân vang đến đau đớn, đến chết lặng cõi lòng.
“Tiêu Tương nước chảy sông dài
Người xa một bước, cách cả thiên nhai…”
“Tiêu Tương nước chảy sông dài”…
“Người xa một bước…”
Bài thơ này là gì? Tại sao âm hưởng bài thơ lại đau buồn như thế?
Tại sao, khi nghe bài thơ này, sâu thẳm trong lòng tôi… lại u sầu như thế?
“Người xa một bước, cách cả thiên nhai…”
“Tiêu Tương nước chảy sông dài”…
Một cảm giác đầy khó chịu dâng lên, xâm chiếm trong lồng ngực, tôi cảm thấy mình hít thở không thông. Câu từ của bài thơ, thanh âm đinh đang lạnh lẽo như hồi chuông gọi hồn không ngừng quanh quẩn bên tai tôi, tôi nhận ra bản thân mình run rẩy, tựa như phải chịu một áp lực vô hình không rõ. Tim đột nhiên nhói đau, càng nghe càng thấy lòng trở nên trống rỗng.
Nơi đây là u cảnh nào đây?
Nhưng rồi lạ lùng thay, khi con đò vừa băng qua màn sương, tiếng người ngâm thơ lại không còn đây nữa. Tựa như một cơn mơ mộng mị, từ đầu đến cuối vụt đến, vụt đi trong khoảnh khắc, tan thành mây mù theo khói sương.
Chỉ có nữ nhân lái đò trông thấy vẻ mặt đang ngơ ngác của tôi, còn Di Phong vẫn ngồi yên thiền định. Thật khó hiểu, hình như ngoài tôi ra, bọn họ đều không nghe được gì.
Trải qua liên tiếp những chuyện không mong muốn, hôm nay là ngày dài mệt mỏi, tôi không muốn mình biến thành một búp bê vô hồn. Thế là tôi ngồi xuống, cố gắng bình tâm lại tinh thần.
Con đò đã xuôi dòng Tiêu Tương được hơn nửa canh giờ, trước mặt tôi vẫn là những dãy núi xen kẽ chìm trong lòng Tiêu Tương. Lộ trình đang đi khác với thời điểm đầu tiên tôi đi đò, nên chung quy cảnh vật còn mang nhiều lạ lẫm. Khi nào chính thức bước vào Sương Hồ cốc, một vùng non mờ mịt sương khói, phu đò sẽ chỉ cho chúng tôi. Tôi cũng thấy nhớ Tiêu Tương rồi.
Vừa nghĩ thế, chiếc đò dợm mái chèo rồi tự dưng dừng hẳn, im lìm trên làn nước.
Di Phong ngạc nhiên quay lại, hỏi: “Sao thế?”.
Tôi cũng hiếu kì quay đầu lại, đây nào đã phải Sương Hồ đâu? Những dãy núi quanh đây đều bỏ hoang cả rồi, sóng nước mênh mông chẳng thấy bờ, bộ nàng ta nhầm à?
Nữ nhân lái đò nhíu mày, lạnh tanh đáp: “Lộ phí đi đò vị cô nương này trả đã hết rồi. Mời hai vị lên bờ, nếu muốn đi tiếp thì xin nộp thêm tiền”.
* * *
Tiền là tiên là Phật, là hiện thân chân thực của thánh sống.
Sau khi Di Phong trả thêm tiền lộ phí, cô nàng phu đò rất nhanh nhẹn, vui vẻ đưa chúng tôi về nhà.
Lướt vào Sương Hồ cốc, cũng là lúc trời đột nhiên đổ mưa lây phây, mưa bụi làm cho mười dặm mây trôi càng trở nên mờ mịt. Sương Hồ rất rộng lớn, một vịnh nước bao la, người trên đò không khỏi không thấy lạnh.
Di Phong mở mắt, nói với tôi: “Mưa như vậy, chúng ta nên vào trong đò thôi”.
Tôi đồng tình, chẳng qua nhìn đến nữ phu lái đò phải dầm mưa chịu nắng, cũng không có nổi một manh nón che mưa. Như hiểu chuyện, nàng ta bèn chắc nịch trấn an: “Đừng lo, cô nương và công tử vào đi. Ta vốn là một con cá bạc dưới đáy sông Tiêu Tương, nước vốn là sự sống, cần chi phải sợ gió mưa chứ?”.
Tôi đứng dậy, Di Phong đã đứng sẵn ngay trước cửa khoang đò, tay vén tấm mành hai bên ra. Tôi lom khom đi vào, trông thấy trong khoang đò có đủ chỗ để cho ba người ngồi. Bên ngoài mưa lâm thâm, nghe giọng Di Phong nói: “Trời đổ mưa, gió sẽ bắt đầu lạnh, cô nên ngồi bên trong”.
Sau khi ổn định xong, Di Phong chọn một chỗ ngồi đối diện tôi, lại nhắm mắt thiền định. Suốt quãng đường còn lại, tôi ngồi chống cằm ngắm mưa rơi, thi thoảng vươn tay ra ngoài nan cửa sổ.
Tiêu Tương đón tôi bằng một cơn mưa bụi, giữa trưa bụng trống rỗng.
Vừa bước chân vào căn nhà trúc, tôi vui vẻ tìm đến nhà bếp. Di Phong nói, mấy tiên nga ngoài cốc đã nấu rất nhiều món ăn ngon, thế nên tâm trạng của tôi đương nhiên được xoa dịu phần nào.
Trên ô cửa song trúc, Tiểu Chước đang ngủ say ngon lành, rúc rúc mỏ vào cánh. Dưới sàn bếp là một mớ bừa bộn, rau, thịt rơi vương vãi, và hai con chuột cống đen ngòm đập vào mắt của tôi.
Di Phong điềm nhiên đi vào cửa, nhẹ nhàng nói: “Sao lại ầm ầm thế?”.
Vừa trông thấy mâm cơm mỹ vị đủ màu sắc, à không, không còn chút màu sắc nào ngoại trừ bát đĩa cả, còn tôi đang cầm xoong đập chuột, nụ cười trên gương mặt chàng ta tắt ngấm.
Buổi trưa ngày hôm ấy, tôi cho Tiểu Chước ngủ tưng bừng thỏa thích, ngủ qua ngày cũng được, nhưng chẳng hiểu sao nó lại không chịu ngủ.
Khi tôi bưng lên hai bát cháo rau cải vừa tự tay nấu vội, một cho tôi, còn lại cho Di Phong, Tiểu Chước không buồn tìm một nơi ngủ nữa, liên tục đòi vào nhà. Tôi tiện tay, lập ra một tiên chướng bên ngoài để ăn cho ngon miệng, Tiểu Chước đành tiu hỉu ngồi nhìn.
Bữa trưa vừa trôi qua, có một tiên nga ngoài cốc vào bẩm báo, Hồ thái y đang đứng ở cửa núi. Mưa vẫn giăng ngập trời, một lúc sau, tôi nhìn thấy tiên nga đó dắt thái y lên cầu.
Chiếc dù trong tay tiên nga vừa hạ xuống, đã thấy mũ mão trên đầu ông ta nom ướt sũng, lộ ra vầng trán ướt đẫm mưa, có vẻ rất khốn khổ. Hồ thái y gạt nước mưa trên mặt, đang định toan hành lễ, Di Phong bèn nhã nhặn mời ông ta vào nhà.
Tôi thì không quay vào trong nữa, nên để Hồ thái y được yên tĩnh khám bệnh cho Di Phong. Thế là tôi thong thả ra ngoài, đột nhiên lại nhớ ra một việc, vẫy tay gọi tiên nga vừa rồi.
Nàng ta dừng chân bên thành cầu, hơi e ngại, giương cây dù nhìn tôi.
Thấy tôi định ung dung bước xuống, nàng ta vội vàng ngăn tôi lại, rảo từng bước thật nhanh tới nơi này. Hai bên vừa đối mặt chóng vánh, tiên nga thở ra một hơi lạnh: “Cô nương, sao cô lại đi ra trời mưa vậy? Cô mau vào ô đi”.
Tôi xua tay không cần, dù sao tôi cũng là một cây hoa lê vốn quen dầm mưa dãi nắng giữa Dao Trì lâu rồi: “Không cần đâu. Mai cô có ra ngoài cốc giặt đồ không? Tôi muốn theo cô xuống dưới đó”.
Tiên nga đó tròn mắt, rồi nàng ta nhỏ nhẹ đáp: “Đúng là mai chúng tôi có vài chậu phục trang cần giặt. Cô nương muốn giặt giũ thứ gì, cứ nói với thái tử, ngài ấy sẽ phân bổ người làm cho cô mà”.
Phân bổ người làm à? Tôi thấy Tiêu Tương này còn vắng hơn cả cái chùa bà Đanh nữa, cũng vì mọi thứ Di Phong đều có thể lo liệu, không cần ai đụng vào.
“Ừm? Vậy thái tử của các cô ấy, ừm, ngài ấy giặt giũ tư trang như thế nào? Tiên nga nào phụ trách giặt đồ?”.
“A? Cô nương hỏi thật sao? Không được, không được rồi!”.
Vừa nghe xong câu hỏi ấy của tôi, cô tiên nga tự nhiên mặt mũi đỏ lựng lên, đỏ như trái cà chín. Nàng ta lắc lắc đầu, quên cả việc che ô, cứ thế lạch bạch chạy xuống cây cầu trúc. Chỉ một lúc sau, bóng dáng mảnh mai đã khuất dạng trong màn mưa.
Sao vậy nhỉ? Tôi chỉ muốn hỏi tiên nga giặt đồ cho Di Phong là ai, sau đó nhờ tiên nga ấy phụ giúp tôi thôi mà. Tiên nga kia lại nghĩ xa xôi gì?
Vừa quay đầu lại, trông thấy Tiểu Chước đang rón rén nhìn tôi trên bậc thềm, tôi thở dài, đành phải gọi nó đi theo mình.
Tôi cùng Tiểu Chước đi sâu vào rừng trúc, theo lối mòn men tới rừng hoa lê.
“Hơn một ngày qua ta không về Thanh Khâu, ngươi có thấy chuyện gì kì lạ không?”.
Tiểu Chước vẫn còn hơi e dè, sợ tôi trách mắng nó ra mặt: “Ý chủ nhân là sao? Tiểu nhân không thấy chủ nhân về, tối ngày chỉ dám quanh quẩn trên Tiêu Tương, cũng chẳng có gan tự ý đi đâu cả”.
Tôi ra vẻ mệt mỏi, xoa trán: “Con chim ngốc, ý ta không phải vậy. Hôm nay, trên đường khi trở về, ta vừa gặp một chuyện hoang đường lắm… Lúc ở sông Tiêu Tương, có người nào đó đọc thơ bên tai ta”.
Tiểu Chước trố hết cả hai mắt, nó vẫy cánh phành phạch, bay ra khỏi vai tôi: “Thật sao? Ý chủ nhân cho rằng… người đang gặp ma á? Ghê vậy! Bài thơ đó vậy nghe như thế nào?”.
Tôi nhăn mặt, vung tay toan kéo nó trở về, song sải tay của tôi lại không dài như thế, mà Tiểu Chước lúc ấy đã cảnh giác bay lên. Tôi chép miệng mà nói: “Ma cái đầu ngươi đấy! Thanh Khâu là tiên cảnh, lại ban ngày ban mặt, ngươi thử tìm cho ta một hồn ma được phép lảng vảng quanh đây xem?”. Huống hồ, vong linh người chết không thể xâm nhập vào Thiên giới, một nơi tiên khí nồng đượm đến như vậy, mấy chuyện ma quỷ vặt vãnh này chỉ có ở Âm phủ và trần gian người phàm.
Tiểu Chước líu díu hỏi: “Một mình chủ nhân nghe được sao? Di Phong công tử chẳng lẽ lại không hề hay biết?”. Tôi gật đầu xác nhận, thần sắc Tiểu Chước bấy giờ mới bắt đầu nghiêm trọng, khẽ rùng mình một cái, quay trở về bên tôi.
“Chủ nhân còn nhớ bài thơ mình nghe không? Tên bài thơ là gì?”.
Tôi hít một hơi lạnh vào ngực, liên tưởng lại khung cảnh vang vọng hơi ghê người khi ấy, chậm rãi đọc cho Tiểu Chước nghe. Dư âm của bài thơ thấm đượm một nỗi sầu bi thảm, cho dù câu từ ngâm lên cảm giác rất an nhàn, êm ả, nhưng chính thơ từ bình thản ấy lại khiến tâm hồn người nghe bị ám ảnh, cứ ngỡ như vừa quay về từ một cõi hoang lạnh, cõi xa xăm nào đó.
“Tiêu Tương nước chảy sông dài
Người xa một bước, cách cả thiên nhai…”
“Bài thơ viết về Tiêu Tương thật luôn à? Chủ nhân, rốt cuộc Tiêu Tương này có bí ẩn gì nhỉ? Liệu có gì đó bí mật động trời không?”. Tiểu Chước nghe xong thì đăm chiêu, chỉ còn biết đoán lấy đoán để.
Trời sinh tôi can trường, đương nhiên vài giả định vu vơ của Tiểu Chước không thể lung lay nổi lòng tôi. Chẳng qua, cách phỏng đoán ấy của nó cứ như thể mô tả chúng tôi đang đứng trên một nơi địa ngục trần gian vậy, hay ý nó cho rằng, ẩn dưới lòng Tiêu Tương sâu thẳm là muôn vàn xác chết, còn thái tử hồ ly kia bề ngoài trông nho nhã, phiêu diêu thoát tục, nhưng thực ra lại là một tên đại ma đầu giết người không ghê tay? Nếu Di Phong thực sự muốn làm hại bọn tôi, một con chim tầm phào như Tiểu Chước đã chết đến cả trăm lần rồi.
Vớ vẩn thật, ai đầu độc nó mấy tư tưởng cực đoan này không biết.
“Do chủ nhân tự ý tưởng tượng ra đấy chứ, tôi có bảo Di Phong công tử là phe phản diện đâu”.
Tiểu Chước nhép nhép mỏ, trông lấc láo vô cùng. Tôi lại lôi cái tư cách chủ nhân quyền lực ra, chỉnh nó: “Hừ, thế không phải là ngươi dọn đường bày ra trước, thì tự ta tưởng tượng ra đấy à?”.
Kì thực, Tiểu Chước cũng cho rằng đây là một chuyện kì bí quá hoang đường, nếu không muốn nói là thoang thoảng phong thái của liêu trai chí dị. Đoán rằng, đây là mộng cảnh cũng không hẳn, bởi giả thiết, có một người nào đó cao cường đến mức đưa tôi vào mộng cảnh, mà Di Phong lại không hề hay biết, điều ấy nghe càng phi lý, điên rồ hơn. Bởi vì cảm giác của tôi bên cạnh Di Phong rất an toàn.
Tiểu Chước gật gưỡng bảo: “Đúng nhỉ. Hơn nữa, pháp lực của chủ nhân cũng đâu phải trưng ra để làm cảnh”.
Tôi đồng tình, cho rằng Tiểu Chước phát biểu như vậy là hợp lí. Nó vui mừng khôn xiết, vỗ cánh trêu chọc chủ nhân mình, làm tôi chỉ còn biết nước cười, bảo: “Nô vừa thôi! Ha ha, ta còn đang bị thương đấy”.
Không gian mưa bụi tràn ngập tiếng cười vang, vang mãi, giữa những bụi cây trúc xen vào giọng Tiểu Chước. “Sao thế? Ôi chao, chủ nhân lại giao chiến với con mụ nào à?”.
* * *
Mưa bụi ở Tiêu Tương luôn có tư vị rất riêng biệt, rất thơ, mà có lẽ khi rời xa nơi này, nhắc đến Tiêu Tương là gợi ngay tiên cảnh mưa bụi trong mây ngàn.
Đặt chân lên đỉnh núi, muôn dặm sông gấm thu vào trong mắt tôi. Sông Tiêu Tương hiện ra dưới mưa xuân đẹp như một con rồng vảy bạc, đang nằm im mơ màng, giang tay ôm lấy những đỉnh đồi non xanh. Tôi ngắm quang cảnh non sông qua chiếc ô giấy dầu, cảm thấy một nơi thơ mộng, yên bình như thế này, thật không ăn nhập với những điều bí hiểm mà tôi vừa trải qua.
Cầm ô đi dạo chơi, quanh quẩn được một lúc, thời gian tầm hơn một nén nhang thì tôi quay trở về.
Mưa bụi vẫn triền miên như vậy, mưa giăng như sương ngọc, thanh tẩy khắp đất trời. Thi thoảng, thấp thoáng trong rừng trúc, lại có bóng dáng vài con chim non run rẩy, vỗ cánh băng mình qua làn mưa.
Có lẽ, Hồ thái y đã cất bước ra về.
Di Phong đang đứng bên hiên nhà, chàng ta vừa thay một thân y phục mới, chiếc áo màu xanh men ngọc thêu họa tiết cánh én màu chỉ bạc, nom vừa phong nhã lại phiêu lãng xuất trần. Trông thấy tán ô ẩn hiện, nhấp nhô trong rừng trúc của tôi, khóe môi Di Phong thoáng hiện ra nét cười: “Chào cô nương”.
Tôi vui vẻ bước vào, không hiểu tại sao mặt chàng ta ngẩn ra. Chiếc túi thơm trên tay sơ sểnh rơi xuống đất, Di Phong đưa tay nhặt, đúng lúc bước chân của tôi vừa vặn tiến sát người Di Phong.
Theo tự nhiên, tôi nở nụ cười bất đắc dĩ, hòng trêu ghẹo chàng ta: “Coi kìa, công tử cũng có lúc bất cẩn như vậy ư? Đang nghĩ thứ gì à?”.
Chiếc túi thơm vẫn còn đương nguyên vẹn, hương liệu bên trong chưa đổ ra sàn nhà, vậy nên Di Phong lượm đồ rất nhanh gọn. Chàng ta toan nhổm lên, bàn tay cầm túi thơm đột nhiên dừng lại, ngập ngừng trên không trung: “Yên cô nương…”.
Đang mải loay hoay thu ô lại, tôi cũng không rõ xảy ra vấn đề gì. Đến khi tầm mắt hoàn toàn được giải phóng, tự nhiên thấy rất lạ, chân tôi hôm nay sao lại trăng trắng thế?
Não tôi chợt nảy số tanh tách, tôi tá hỏa nhìn xuống, mới phát hiện ra một chuyện khó tả đến trời ơi đất hỡi! Vì ban nãy, đi qua vài vũng nước mưa tồn đọng trong rừng trúc, tôi liền buộc tà váy mình cao lên tới ngang đùi, giống như những ngày đầu tới Tiêu Tương hay bị đám muông thú vây quanh. Mà cái góc độ đang khom lưng của Di Phong bây giờ, chỉ cần nhổm người lên một chút, một đường dọc thẳng tắp y như thật…
“Ôi mẹ ơi!”.
Kết quả, tôi nhảy dựng ra sau như một con châu chấu, Di Phong phải quay mặt đi để cho tôi hành sự.
* * *
Thật không biết Hồ thái y vừa thăm khám những gì, nhưng nhìn số gói thuốc ít ỏi trên bàn, có thể thấy tình trạng sức khỏe của Di Phong khá tốt. Mỗi ngày sau những bữa ăn trưa, sẽ là khung giờ uống trà quá đỗi quen thuộc của Di Phong.
Hôm nay, trên bàn bày ra bộ tách trà bạch ngọc hoa táo, bên ấm trà đặt một cành hoa lê trắng muốt tinh khôi, một vài nhánh trúc xanh tươi mới còn đang hứng mưa xuân, một hòn ngọc giả sơn phun khói, không gian thưởng trà vô cùng thanh tịnh và trang nhã. Tôi thầm nghĩ, Di Phong đúng là có con mắt thẩm mỹ, mỗi khi vào giờ trà là muôn kiểu bày biện đa dạng nhưng tinh tế, càng khiến cho người đối diện có nhã ý thưởng trà.
Chén trà bạch ngọc nhỏ xinh được đưa tới tay tôi, bên trong còn tỏa hương thơm ngát: “Mời cô nương”.
Tôi cũng vui vẻ nâng chén lên, tươi cười mời Di Phong thưởng trà: “Vậy, xin mời công tử”.
Kì thực, tôi không phải một người quen ưa chuộng thưởng trà, song cả tôi và Di Phong đều biết, đằng sau một ngày dài mệt mỏi, uống trà là cách duy nhất để tâm tình con người được thư thái. Nước trà hôm nay có màu hồng phớt nhẹ như cánh hoa đào, sắc hồng ánh lên miệng chén ngọc, xinh đẹp như một tia tà dương cuối trời.
“Đây là trà gì vậy? Màu sắc nhìn đẹp quá”.
“Trà hoa sen, búp sen được hái từ đầm sen không tàn ở Thiên Ngô, đô thành dược thảo của Thiên Đế”.
Tôi trộm nghĩ, thì ra Di Phong cũng có quyền được phép ra vào lãnh địa Thiên Ngô, một nơi trồng đủ loại dược thảo trù phú nhất trên đời. Với gia thế bên nhà Thiên Hậu, cũng không lạ nếu Thiên Đế coi trọng người Thanh Khâu như vậy.
Như hiểu ra suy nghĩ này của tôi, Di Phong lắc đầu, bảo: “Thiên Đế vì bảo vệ đô thành dược thảo, nên không cho ai ra vào Thiên Ngô cả, kể cả hoàng gia trong hoàng tộc. Đây là quà tặng của Thiên Đế mừng thái tử Thanh Khâu”.
“Quà quý giá như vậy, sao công tử không dành để đãi khách? Lại đem ra ngâm trà, còn cho tôi dùng nữa?”.
Vừa bảo xong như vậy, Di Phong nhìn lại tôi, vẻ mặt chàng ta tỏ ra đầy khó hiểu. Tôi cũng chẳng biết rõ ý chàng ta là gì, thật chứ, trong đầu Di Phong đang thầm nghĩ thứ gì, họa ra có trời mới biết được. Ngay lúc tôi đang vẩn vơ, ngắm đám khói tỏa lên, bóng dáng của Di Phong phản chiếu trong đáy chén cũng bắt đầu lay động.
Di Phong thả vào trong chén trà của mình thêm vài cánh hoa lê, tôi lại ung dung hỏi: “Công tử thích hoa lê vậy ư? Hay là tại Tiêu Tương chủ yếu toàn hoa lê?”.
Tất nhiên chàng ta không thể biết, chân thân của tôi là một cây hoa lê được. Di Phong làm sao biết. Thế nên, có thể coi như câu hỏi tôi đây đưa ra không hề chứa đựng thêm hàm ý sâu xa gì.
Tầm mắt Di Phong nhìn xuống những cánh hoa trôi nổi trên mặt chén, trông như những chiếc thuyền con xinh xinh, lập lờ thong thả qua bến nước. Khóe mắt như đang cười, vui vẻ tự nhiên đáp: “Đương nhiên là rất thích”.
Thích? Tôi cũng thích hoa lê.
Tôi nén lòng, không để cho bản thân mình buông một tiếng thở dài.
Nhiều khi tôi tự nghĩ, hoa lê dường như đã gắn liền với hai chữ duyên phận của Tịnh Yên tôi đây, phải chăng là số mệnh? Biết bao mùa hoa nở trôi qua, sương lạnh mây ngàn, đáng tiếc, mối duyên phận đầu đời giữa tôi và Cục Tuyết còn chưa kịp chớm nở đã chóng vội úa tàn. Tôi không buồn, đến mức này thật sự không buồn nữa, chỉ là thi thoảng khi nghe về hoa lê, trong lòng vẫn còn dai dẳng chút dư âm hoài niệm.
Di Phong liếc nhìn tôi, nhỏ nhẹ nói: “Sao tự nhiên trầm thế? Trà không được ngon ư?”.
Tôi lắc đầu, nào có phải như thế, đến cốc trà tôi còn chưa nhấp môi. Chàng ta bèn nói tiếp: “Đơn giản thôi. Vậy là cô có tâm sự rồi”.
Thật không biết mình sẽ phải lắc đầu hay thôi, tôi nằm rạp xuống bàn, khoanh tay, ngay lập tức cảm thấy hơi lạnh từ gỗ trúc truyền đến, lan tỏa qua tay áo. Nhưng, cảm giác buồn ngủ mơn man khiến tôi không muốn phải loay hoay ngồi dậy.
Di Phong vẫn luôn hiểu mọi thứ theo cách của chàng ta: “Xem chừng, rất là tâm trạng đấy…”.
“Hoặc là đang buồn ngủ”.
Tôi mở mắt, tự nhiên bỗng thấy tỉnh ngủ luôn cho rồi! Đúng là không thể xem thường Di Phong mà, thổ tả.
Người kia lại như chẳng để tâm, nở một nụ cười thong dong, nói: “Uống trà đi. Uống xong rồi, cô sẽ thấy tốt hơn”.
Thôi được, tốt hơn là sẽ hết buồn ngủ chứ gì? Tôi hớp lấy một hơi trà vào bụng, nước trà sen ấm áp, như dòng suối nhỏ từ tốn đi vào trong cổ họng. Thứ trà hoa sen này thật ngon quá đi mất! Đang hứng khởi định khen vài câu, chợt nhận ra Di Phong thường có bệnh dài dòng, chàng ta sẽ tiện thể giới thiệu bâng quơ vài câu về thông tin, nguồn gốc của cái đầm hoa sen không tàn đó, tình trạng bây giờ nó thế nào, rồi thêm một hồi dây dưa sang thứ gì tương tự,… chẳng khác nào lão bà Ti Mệnh cả.
Không gian trở nên im ắng lạ, chỉ có tiếng mưa nhè nhẹ rơi, nước mưa chảy dọc theo mái hiên. Chốc lát sau, giọng của tôi trầm trầm: “Tôi đã từng mong muốn được tu tiên”.
Di Phong không nhìn tôi, tay vẫn nâng cốc trà hoa sen, hương thơm thanh mát từ nước trà bay lên, giọng chàng ta lơ đãng: “Ừ?”.
“Nhưng mà tôi nhận ra, làm tiên nhân cũng chẳng hay ho gì…”.
Dù tôi trở thành yêu nữ hay là một tiên nữ, chuyện xưa lối cũ, nước chảy đá mòn, tất thảy ký ức cũng đã trôi vào hư vô rồi. Tôi vĩnh viễn không thể thay đổi được quá khứ, không thể lấy lại những người tôi yêu thương.
Làm tiên thì sao chứ? Nguyệt Lão cũng không thể sống nổi khi cả gia môn mình bị diệt, sau cùng, dù là tiên hay ma, lão vẫn chọn lối thoát ra đi cùng mọi người, chỉ để lại mình tôi trên trần đời… chỉ có mình tôi thôi.
Di Phong tựa lưng vào ghế trúc, điềm tĩnh ngắm những hạt mưa rơi: “Đúng vậy. Nhưng ít ra, chúng ta được làm tiên, vẫn còn may mắn hơn rất nhiều con người khốn khó ở ngoài kia”.
Tôi khẽ chớp chớp hai hàng mi, giọng như đang mơ ngủ: “Chúng ta? Ở đây, chỉ có mỗi công tử là tiên thôi”.
Chàng ta cười, song không còn thấy đáp lời nữa.
Thật ra, lời Di Phong vừa bảo rất đúng, nhân thế xưa nay thường xoay quanh một chuỗi vòng lẩn quẩn, người phàm ao ước trở thành tiên, tiên nhân thì lại mong muốn có một cuộc sống bình dị, nhỏ nhoi như người phàm. Người phàm luôn diệt trừ yêu ma, yêu ma hoặc mong trở thành tiên, hoặc mong bành trướng thế lực, chống đối lại người phàm.
Di Phong điềm nhiên nói: “Ồ, con người muốn trở thành tiên như vậy sao? Vậy, tại sao nhân gian còn có câu ‘Thà làm uyên ương, không làm tiên’?”.
Tôi nghĩ ngợi, kì thực tôi cũng biết đến nhân gian nhiều phức tạp, song tại sao người trần mắt thịt cũng đầy mâu thuẫn khó chịu như vậy chứ? Yêu tinh chúng tôi thực ra lại đơn giản hơn nhiều, một trăm năm trải qua ở Yêu giới, tôi chưa từng thấy yêu tinh nào bất mãn vì sinh ra phải làm yêu tinh cả, bọn họ còn rất hào hứng lên trần gian quấy phá người phàm kìa!
Vẫn thấy câu thơ này chính ra phải bắt nguồn từ cõi tiên nào đó, hoặc một nơi nào đó tuyệt nhiên không phải từ phàm trần, chỉ có tiên nhân sinh ra được làm tiên, chứng kiến mớ thiên quy lằng nhằng, bọn họ mới đâm ra cả thèm chóng chán nhanh như vậy. Chứ người phàm, có ai lại không mơ tưởng thành tiên trên trời đâu.
Tôi thẳng thừng, nhíu mày: “Vô lý thật! Câu đó, có đúng là của trần gian thật không? Nghe như câu phú của một vị tiên nhân chẳng may mới bị thất tình ấy”.
Di Phong: “…”.
Chúng tôi tiếp tục ngồi nhấm nháp ấm trà, cũng phải thôi, giờ trà mà không chịu uống trà thì biết làm gì nữa. Cũng bởi Di Phong có thói quen, phải uống hết một ấm trà ngon sau bữa trưa hằng ngày.
Song, chỉ ngồi không im lặng thì quá độ tẻ nhạt. Thật may rằng Di Phong thừa biết rõ điều này, thế nên sau một hồi im ắng, nghe tiếng hoa rơi rụng, chàng ta lại cùng tôi bàn luận mấy vấn đề dông dài.
“Người phàm luôn cho rằng, trở thành tiên thì sẽ được vô lo vô sầu. Có điều, họ càng không thể ngờ, cuộc sống cơm rau canh mặn của họ mới chính là thần tiên”.
“Cứ tưởng thành tiên thì thanh tâm quả dục, song, cũng chỉ là vỏ bọc che mắt”.
Tôi khẽ nhìn Di Phong, sống đã lâu như vậy, có vẻ chàng ta có dấu hiệu tâm lý chán làm tiên nhân rồi. Không biết tình trạng nguy hiểm này đã kéo dài lâu chưa, nếu không thì tại sao cứ nói những lời lấp lửng ngưỡng mộ cuộc sống trần gian như vậy chứ.
Cơ mà Thiên giới cũng là một nơi khá thức thời, từ lâu và rất lâu về trước, chúng tiên sớm đã biết, có thứ này ắt phải có thứ kia, thế gian đã có người muốn đắc đạo thành tiên, thì cũng có kẻ muốn bỏ đi tiên tịch lao đầu làm người vậy. Thế là theo một cách rất vi diệu nào đó, trên trời mây Thiên giới xuất hiện một cái đài nhô cao lên ngất ngưởng, suốt từ thời viễn thần thượng cổ, chúng tiên quen gọi Tru Tiên đài.
Tru Tiên đài, nói nhẹ nhàng là nơi hủy đi đạo hạnh tiên cốt của thần tiên, nói nặng nề thì là nơi pháp trường, xử tử những thần tiên mang tội. Dưới Tru Tiên đài, vạn vật đều tiêu hủy, tiên nhân muôn đời muôn kiếp đọa thành người phàm trần, chưa kể, những tiểu tiên nào pháp lực kém, còn có khả năng bị diệt luôn nguyên thần, vĩnh viễn phải tan thành tro bụi.
Một nơi thần tiên sợ mất mật như vậy, không khác gì Thiên vực, song tôi lại chưa biết rõ nó có tác dụng gì đối với một yêu tinh, bởi vì không có tư liệu nào nhắc đến cái vấn đề này cả.
Tôi đang nghĩ miên man trong đầu thế, chợt nhận ra đầu óc mình lái chuyện hơi xa rồi, tới tận Tru Tiên đài. May rằng, tôi vẫn nhớ ý cuối cùng mà Di Phong vừa bảo, bèn tự nhiên tiếp lời: “Sau khi họa trong phủ Nguyệt Lão xảy ra, tôi từng sống ở dưới nhân gian rồi nên biết. Còn Thiên giới, tôi đã ở đây từ khi tôi tu luyện thành người. Xem ra, cõi tiên của chúng ta cũng chẳng khác gì nhân gian nhỉ”.
“Tôi để ý, tiên nhân trên trời chung quy đều chia làm hai dạng, một là trong lòng không tạp niệm, không vui vẻ cũng chẳng ưu sầu, lúc nào cũng trưng ra vẻ mặt lãnh đạm vô cảm như cá chết, sống thanh tâm quả dục đến nhạt nhẽo…”.
Lời mới thoát ra khỏi miệng xong, tôi mới nhớ, ở trước mặt Di Phong, mình đã trót lôi cách nói năng thoải mái tự do giống như hồi trong phủ Nguyệt Lão. Mà trong khoảng thời gian lưu lạc, tôi mới từ Yêu giới và nhân gian trở về, da mặt đã dày lên không ít, thứ cần chững chạc, trưởng thành coi bộ đã trưởng thành, thứ cần duy trì coi bộ đã hơn xưa, so với thuở xưa kia thì còn giống với danh hiệu ‘Tiểu yêu vô sỉ’ hơn.
Cái câu ‘Vô cảm như cá chết’ đúng là hơi thô thật, lại còn coi bộ hơi lỗ mãng, chỉ e rằng chàng ta nghe xong thì đổi sắc, mặt cũng thành như thế. Dù sao, Di Phong vẫn chính là Di Phong, không phải Cục Tuyết hay là phủ Nguyệt Lão, những người đã quá thấu đáo tính cách tùy hứng của tôi rồi.
Đâu ngờ Di Phong lại không tỏ ra biểu hiện gì, chỉ hiển nhiên gật đầu. Tôi lấy làm thoải mái như đang ở nhà mình, đoạn nói nốt: “Còn dạng thứ hai là… quá nhiều chấp niệm đến đau lòng”.
Di Phong chậc lưỡi một cái, nhưng lại mang hàm ý bất lực nhiều hơn. Tôi được thể thuận cớ, hỏi: “Vậy, công tử thuộc vào dạng nào thế?”.
“Cô muốn hỏi thật sao?”.
“… Chấp niệm đến đau lòng”.
Khi ấy, một cơn gió tháng ba thổi qua gian nhà trúc đơn sơ, chiếc chuông gió treo ngoài hiên nhà vang lên những tiếng reo khe khẽ, bay đi khắp mênh mang. Căn phòng ngập tràn hương trúc mới, như thể hơi thở của tôi và Di Phong cũng được tẩm hương lá trúc thanh đạm vậy.
Tôi tỏ ra kinh ngạc: “Sao có thể? Người thanh tao nhàn nhã như công tử, liệu trong lòng còn có chấp niệm ư?”. Rõ ràng, cảm giác của tôi về Di Phong hoàn toàn không như thế.
Kể từ khi biết đến Tiêu Tương này, tôi đã gắn bó ở đây gần một tháng, chính xác ra thì sắp được ba tuần. Đối diện với những chuyện lớn nhỏ, rắc rối hằng ngày tuy chẳng ít, nhưng cuộc sống của Di Phong ở Tiêu Tương vẫn điềm nhiên như gió, êm đềm như nước chảy. Thật may là tôi giờ đây cũng thích sống an nhàn, có chút thật lười nhác, khi không bận việc gì, sẽ ngồi trên ban công ngắm cảnh sắc tươi đẹp khắp Tiêu Tương, xa hơn là nước non nghìn trùng Sương Hồ cốc, thấy những chiếc thuyền rẽ nước đi vào trong làn sương…
Di Phong với lấy chiếc muỗng trà trên bàn, tay kia khéo léo nâng tay áo, nghiêm chỉnh đặt vào trong khay chén. Tôi ngây ra, chàng ta thực sự không có ý trả lời.
Hừ, tôi đây cũng chẳng rảnh rang đi tìm hiểu vậy đâu. Dào ôi, Di Phong thích sao thì cứ việc chiều theo ý thích của chàng ta đi chứ, nào đâu ảnh hưởng đến cọng lông của Tịnh Yên tôi này!
À không, tôi còn muốn tìm hiểu vài thứ, bèn thu lại dáng vẻ khá khó ở ban nãy: “Thôi, không làm khó dễ công tử nữa. Về Vân Phi… tôi đã từng nghe nói, ngày xưa, tình cảm huynh đệ giữa hai người rất tốt. Vậy, tại sao bây giờ lại…”.
Di Phong trầm ngâm, nối tiếp lời của tôi: “Không muốn nhìn mặt nhau?”.
Vừa xong còn lặng thinh như vậy, giờ đây Di Phong lại chủ động mở lời, còn là vấn đề riêng tư liên quan đến đại ca song sinh của chàng ta, khiến tôi càng lúc càng không thể ngờ nổi. Tôi gật đầu: “… Phải. Chính xác là như thế”.
“Có sao đâu. Ta biết, cô nương vẫn luôn quan tâm đến đại ca của ta mà”.
Di Phong nhàn nhạt mỉm cười, thần sắc bỗng trở nên sâu xa dị thường. Rồi, như bị một thứ gì đó mắc nghẹn trong cổ họng, giọng chàng ta thì thào.
“Thật ra, quan hệ giữa cả hai khá ổn, hai người huynh đệ chúng ta không có tư thù gì. Kể từ khi trưởng thành, đại ca vẫn luôn sống một mình ở trên đỉnh Minh Hồ, còn ta ở Tiêu Tương. Không một ai nói ra, nhưng người kia đều hiểu, đấy là cuộc sống cả hai đều mong muốn. Huynh ấy… gần đây không được ổn định lắm, huynh đệ tương thân tương ái, ta đương nhiên không thể bỏ mặc tình thân ruột thịt được. Chỉ là, có nhiều thứ vẫn chưa thể quay lại”.
Hai mắt Di Phong khẽ nhắm nghiền: “Hy vọng tất yếu là thời gian”.
Tôi đặt cốc trà xuống mặt bàn, hoang mang hỏi: “Giữa hai người đã có chuyện gì sao?”. Lại cảm thấy có vẻ không thỏa đáng, bèn nói tiếp: “À… tôi chưa từng kể với công tử thì phải, tôi đã bị mất tích hơn một trăm năm trời. Nên là… có nhiều chuyện tôi chưa từng nghe đến”.
“Thật sao? Hơn một trăm năm đấy, Yên cô nương đã ở đâu vậy?”.
Nếu nói thẳng thừng ra, tôi từng ở Yêu giới cả trăm năm như vậy, có thể sẽ khiến Di Phong và đám tiên nhân phải dè dặt, không khỏi sinh ra địch ý nữa. Ôi trời, thật là đau đầu quá! Tôi đành bịa ra chuyện mình bị rơi xuống một khu rừng ở nhân gian, cả trăm năm chỉ biết nằm trị thương, tu luyện. Di Phong nghe tôi kể như thật, càng nghe càng trầm mặc.
Tôi uống nốt chén trà, dùng giọng tâm tình, nói: “Tôi đã kể cho công tử nghe chuyện của tôi xong rồi. Vậy, giữa hai người đã có những thứ gì, mau kể tôi nghe đi”.
Di Phong ngẩng mặt lên: “Thứ gì là thứ gì?”.
Thấy tôi kiềm chế đến mức nổi điên rồi, có thể sắp sửa bóp chết được chàng ta, Di Phong nhẹ nhàng xoa cổ tay, nhẹ nhàng mỉm cười, nói: “Đùa thôi. Không phải Yên cô nương đã đem câu chuyện của mình giãi bày cho tại hạ, là cũng đều có ý cả rồi sao?”.
Tôi không cho rằng chiêu trò của mình lộ liễu thế, chuyện chấp chấp niệm niệm kia có thể không nghe gì cũng được, nhưng giờ đây mới là chuyện thiết yếu này! Ngay lúc ấy, lại nghe Di Phong nhẹ nhàng gọi: “Yên cô nương…”.
“Yên cô nương, cô còn muốn nghe chứ?”.
Tôi trả lời: “Sao cơ?”.
“Nếu như ngày ấy, có một ngày… huynh đệ của cô, đã trót làm tổn thương người cô yêu thương nhất?”.
Tôi há miệng, thật không sao ngờ nổi vấn đề của anh em nhà họ lại khó xử như vậy. Di Phong… trong quá khứ, Di Phong từng yêu thương một cô nương nào à? Nếu thử là tôi sao? Đúng vậy, nếu thử người đệ đệ ấy có thể là tôi đây…
Biết là phải khách quan nhìn nhận, nhưng ở trong thực tế, điều ấy vốn chẳng hề dễ dàng, nhất là khi tâm lý con người đang phải chịu đả kích. “Tổn thương? Nhưng ý công tử là, mức độ tổn thương như thế nào?”.
“… Không thể quay về nữa”. Giọng của Di Phong đột nhiên trở nên rất xa xôi, bi thảm, như thể thanh âm tiếng sáo cô đơn ngân vang trong đêm khuya tịch mịch: “Người cô yêu, vô tình tan thành tro bụi ngay trước mắt của cô, vĩnh viễn, không quay trở về nữa”.
Gió bắt đầu nổi lên. Mà tôi cũng nhất thời bàng hoàng, không biết nói nên lời.
- ---------------
Lời tác giả:
Khép lại một năm 2019, tiếp theo, sẽ là chương 3 của ‘Bỉ ngạn’ lên sàn, một câu chuyện ngược tâm hơn ‘Tiêu Tương’ khá nhiều. Không biết có bạn nào ngóng chàng Âm Ca không nhỉ? Hiu hiu
(^~^;)ゞ
Sau chương này, tác giả sẽ để dành một chút thời gian, để chỉnh sửa lại những chương đầu tiên đã đăng từ 2, 3 năm về trước cho hợp lí, lời văn sinh động hơn. Có thể thời hạn ra chương sau sẽ chậm, mong mọi người thông cảm và chờ đợi truyện nha! 💕💕💕