Nguyễn đại nhân Nguyễn Văn Bình đứng chắp tay sau lưng rồi trông ra bậu trời đỏ ối trước mặt, mà bất giác buông tiếng thở dài. Thiên hạ nói đúng ai nấy bon chen cho lắm rồi cũng phải bước vào giai đoạn xế chiều.
Cái giai đoạn mà tay chân rệu rã đến độ chỉ muốn lấy cái danh cái lợi khi xưa mà đánh đổi. Nhưng nào có được. Nhìn ra cây cỏ đang dần bị màn đêm nuốt chửng, Nguyễn đại nhân nói vọng vào trong nhà.
- Bà vú đâu, rồi con Lành nữa ra coi thắp đèn lên đi chớ. Để nhà cửa tối đui tối mù vầy mà được hả?
Tiếng gọi của Nguyễn đại nhân vừa dứt thì từ phía nhà dưới lập tức có tiếng bước chân. Người đang chạy lên trước là anh Đen, một người làm của Nguyễn gia trang. Vừa chạy ra tới nơi, anh Đen đã vội cúi rạp người.
- Dạ thưa đại nhân cho gọi ạ!
- Thắp đèn! Thắp đèn lên! Mà sao nhà lại chỉ có mình bây thế hả? Bà vú đâu? Con Lành đâu? Ta nuôi ăn nuôi ở mấy đứa tụi bây để giờ có mỗi chuyện thắp đèn thôi mà phải để ta gào thét là sao?
Cúi đầu sâu đến độ sắp cắm hẳn xuống đất, thái độ kinh sợ của anh Đen khiến cơn tam bành của Nguyễn đại nhan dần dần lắng xuống. Nhưng với bản chất của một kẻ đã từng đứng đầu cả Dinh Bình Hòa. Nguyễn đại nhân đâu dễ dàng bỏ qua cho việc trễ nãi của bọn người làm. Nguyễn đại nhân cất giọng trách mắng:
- Đúng là một lũ dân đen nhàn quá sanh hư! Coi kêu con Lành hay bà vú ra phụ bây thắp đèn lên. Ăn cơm của Nguyễn gia, ngủ trong nhà của Nguyễn gia này mà một chút ý thức chăm chút cho Nguyễn gia cũng không có.
Bị la mắng vô cớ, anh Đen vốn định ngậm hẳn miệng lại rồi đi thắp đèn như lời sai bảo. Nhưng vì thấy giọng điệu của chủ nhân lại dịu lại, và còn vì lúc này thực sự không thể kêu bà vú hay con Lành được nên anh Đen mới đánh bạo lên tiếng giải thích.
- Dạ, bẩm đại nhân!
Đang chuẩn bị dời chân đi vào nhà trong, Nguyễn đại nhân Nguyễn Văn Bình chợt dừng lại. Ông hướng đôi mắt kinh ngạc mà nhìn đứa tớ trai vốn được tiếng luôn ngậm miệng như hến. Luôn ngậm miệng như hến.. ấy vậy mà hôm nay nó lại đang tính cãi lời ông.
- Bây!
- Dạ, bẩm đại nhân!
Anh Đen quỳ hẳn xuống nền nhà
- Xin đại nhân hãy nghe con nói cho tỏ tường cái đã, tới lúc đó đại nhân có muốn đánh muốn giết gì thì đại nhân tùy nghi xử lý.
Bàn tay đang đưa lên giữa không trung của đại nhân họ Nguyễn không tình nguyện mà buông xuống. Ông hướng ánh mắt bực tức về phía thằng người làm mà gằng từng chữ:
- Nói! Nhưng nếu không phải việc đáng chuyện thì bây chết với ta.
- Dạ! Dạ! Con đội ơn đại nhân!
Anh Đen nói trong sự run rẩy!
Dạ chuyện là..
Nguyễn đại nhân có hai người vợ. Bà Hai là Đỗ Mỹ Cần, còn bà Ba là Lê Cát Miên. Tuy hai người cùng là khuê nữ, có cha là quan chức ăn bổng lộc triều đình. Nhưng bà Hai Cần có gia thế nhỉnh hơn, nên việc gì trong nhà thì đều phải nghe bà Hai Cần sai xử.
Lí ra như thế thì bà Ba Miên phải sinh phẫn uất, tức giận, nhưng trời thương làm sao khi người đàn bà lại chẳng hề có ý đố kị với người vợ đầu của chồng. Mà ngược lại, bà luôn tỏ ra yêu thương, nhường nhịn bà Hai Cần mỗi bận bà Hai kiếm chuyện sanh sự.
Có lẽ nhờ tính tình nhu hòa đó mà con trai của bà Ba, cậu Ba Phong rất hiểu chuyện. Rồi thì cậu cũng chịu học hành nữa. Khác hẳn cậu Hai Lịch suốt ngày ăn chơi lêu lỏng.
Anh Đen thưa xong mọi chuyện thì cúi đầu.
- Dạ thưa đại nhân, mọi chuyện là như vậy ạ! Chứ thật là con Lành hay bà vú không có ý làm biếng trốn việc đâu ạ.
Không trả lời gì, nhưng Nguyễn đại nhân lại khẽ phẩy tay một cái với anh Đen. Khỏi nói gã người làm kia thấy cái phẩy tay đó thì đã mừng rỡ thế nào. Anh Đen nhẹ nhàng đứng dậy, nhưng vẫn cúi rạp người mà lùi dần về phía sau. Và dù ông chủ của anh không có hằn hộc nhắc nhở chuyện thắp đèn nữa, thì anh vẫn phải nhanh chóng làm cái việc đó.
Cái việc lẽ ra là của con Lành hay bà vú phải làm. Thở phào một tiếng. Anh Đen len lén đưa mắt nhìn ông chủ của mình. Sự cô độc lẫn tức giận hiển hiện trên khuôn mặt góc cạnh của ông ta khiến chàng trai người làm sợ có mà thương cũng có.
Ai mà ngờ vị đại nhân cao cao tại thượng xưa kia giờ lại phải đau đầu vì một thằng con trai chứ. Đúng là nghĩ kiểu gì cũng không cam tâm. Mà không cam tâm thật chứ. Bởi nghĩ xem cũng đường đường là con trai của một cựu quan Khâm sai chứ. Vậy mà cờ bạc, gái gú đến độ vợ bỏ đi.
Đúng vậy! Cậu Hai Lịch bị vợ bỏ. Mà không chỉ bỏ chồng không đâu. Cô tiểu thơ, con gái quan Thượng thư đó còn bỏ luôn cả đứa con trai chỉ mới hơn hai tháng tuổi. Nhục nhã, lẫn tức giận nhưng vì mợ Hai là con gái của quan Thượng Thư nên Nguyễn đại nhân đành phải giả câm giả điếc mà bỏ qua.
Chỉ là đứa trẻ hơn hai tháng tuổi kia thì đâu có dễ chăm. Phải bà vú rồi con Lành, hai người bưng qua bợ lại suốt đêm ngày mà đứa trẻ vẫn cứ khóc nhệ nhệ. Tiếng khóc ban đầu khiến bà Hai thấy thương cháu vô bờ bến, nhưng lâu dần làm bà ấy phải nổi đóa.
Và tối qua khi Nguyễn đại nhân đang vui vẻ cùng bà Ba thì sự tức giận đó đã lên tới đỉnh điểm. Bà Hai trong lúc mất bình tĩnh đã hất đổ chén canh nóng lên người đứa trẻ. Báo hại giờ đứa trẻ đã không khóc nữa mà lịm đi.
Đem hòn đá đánh lửa và mấy cây đèn cầy bỏ vào giỏ, anh Đen chuẩn bị đi làm việc thắp đèn. Không vất vả nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian vì Nguyễn gia trang quá rộng, nên số đèn cần thắp sẽ rất nhiều. Cúi đầu dợm chân định bước nhanh qua chỗ Nguyễn đại nhân đang đứng thì anh Đen nghe tiếng nói.
- Vậy cậu Hai bây, mà thôi, thằng đó thì còn ở đâu khác ngoài sòng bạc. Bà Hai đang ở nhà sau chăm cậu Lũy phải không?
Phải, đương nhiên phải. Anh Đen định "dạ" một tiếng thật to cho ông chủ của mình nghe rõ nhưng đúng là kẻ dân đen không chỉ suy nghĩ chậm lụt, ngu dốt mà cả lời nói hành động cũng chậm chạp đến bực mình.
Tiếng "dạ" vừa chưa ra khỏi cổ họng của anh Đen thì Nguyễn đại nhân đã đi được tám kiếp, làm chàng người làm định nói thêm với chủ nhân của mình cậu Hai Lịch hôm nay không đi sòng bạc đã không nói được.
Nhưng nói hay không thì nào có quan trọng. Bởi chuyện của chủ nhân thì phận người ở không để ý sẽ tốt hơn tất thảy. Tiếng "dạ" chậm trễ của anh Đen đúng là đã chọc giận Nguyễn đại nhân. Và phải chi hôm nay là ngày bình thường như bao ngày khác, thì chắc chắn gã người làm đó sẽ bị ông cho ăn đòn mập mình, nhưng hôm nay..
Người đàn bà rõ ràng được dạy dỗ đàng hoàng đó.. gương mặt của Nguyễn đại nhân chợt đỏ bừng khi tưởng đến gương mặt thô kệch đầy mỡ của vợ mình.
Ông tức giận người vợ đó.. tức giận cho chuỗi ngày mới đỗ đạt phải luồn đầu này cúi đầu kia hòng leo lên những vị trí cao hơn. Và cuộc hôn nhân với người đàn bà xấu đến độ ma chê quỷ hờn đó đã giúp ông thỏa lòng.
Chỉ là..
Đôi chân đang vội vã đưa lên trước chợt khựng lại. Nguyễn gia trang rộng rãi thì phải thôi. Nhưng kiểu gì cũng phải tuân thủ quy tắc trước cha mẹ, sau con cái và gian bếp núc, kho bãi là của người làm.
Mà trước thì buồng của Nguyễn đại nhân phải ở vị trí đầu tiên, rồi sau đó mới là buồng của bà Hai và bà Ba.
Và theo những gì ông được biết thì cả dãy ba căn buồng mà ông đang đi ngang qua đây không có người. Nhưng không có người thì tiếng rọt rẹt mà ông vừa nghe là thế nào? Không di chuyển để nghe cho rõ hơn, Nguyễn đại nhân rốt cuộc cũng biết tiếng động kia phát ra từ căn buồng nào.
Là căn buồng của chính ông. Cảm giác tức giận lập tức chạy ngang qua đầu, Nguyễn đại nhân siết chặt nắm tay mà đẩy mạnh cánh cửa buồng.
Thật lớn gan, lớn mật! Bây có biết gia trang đây là của ai không mà dám vào ăn trộm hả? Là của Nguyễn đại nhân, người từng là quan Khâm sai của Dinh Bình Hòa này. Tuy ta đã về vườn, nhưng tiếng nói của ta hãy còn. Và đợt này thì ta nhất quyết cho bây đi tù mọt gông. Đúng, đó là những lời mà Nguyễn đại nhân định nói với tên trộm dám cả gan đột nhập vào buồng của ông.
Ông đã sắp xếp câu chữ sẵn sàng.. đã chuẩn bị gầm lên như một con hổ dữ khi đối mặt với con mồi yếu thế hơn. Ấy thế mà khi tên trộm đó quay đầu lại nhìn Nguyễn đại nhân thì ông lại như một người câm.
Đúng thế, trong một mảng không gian tranh tối tranh sáng của những vệt nắng cuối cùng của một ngày, Nguyễn đại nhân đã lờ mờ nhìn thấy gương mặt của tên trộm to gan lớn mật kia. Vâng, đó không ai khác mà lại là con trai lớn của ông, cậu Hai của Nguyễn gia, Nguyễn Hoành Lịch.
Bên kia cậu Hai Lịch sau khi thấy cha đã phát hiện chuyện trộm cắp của mình thì thoáng kinh sợ. Nhưng đó chỉ là một thoáng sợ hãi nhất thời thôi, bởi ngay sau đấy gã đàn ông đốn mạt đó đã lập tức khôi phục vẻ mặt khốn nạn. Rồi thì hắn tỉnh bơ như không mà cầm túi tiền đi thẳng ra cửa.
- Bây! Bây sao có thể làm ra cái chuyện này hả? Sao.. sao lại vào phòng ta mà trộm tiền?
- Trộm sao? Thưa cha, sao cha lại dùng cái từ trộm với tôi. Là tôi lấy đấy chứ. Lấy cái thứ mà sau này sẽ thuộc về tôi.
Hai Lịch thản nhiên.
- Hay cha định để hết tài sản này cho thằng Ba như thiên hạ vẫn đồn đãi. Mà xảy ra chuyện này cũng là do cha đi. Rõ là hôm trước tôi mở miệng xin cha ít tiền đó, nhưng cha có cho tôi đâu.
Tức đến mức đôi chân không còn đứng vững, Nguyễn đại nhân phải dựa người vào cửa để mà vung tay chỉ vào mặt thằng con trời đánh.
- Bây nói vậy mà được à. Tiền.. tiền, lúc nào cũng tiền. Bây có biết bây đã nướng bao nhiêu tiền vào sới bạc không? Cả nửa gia tài này rồi đó. Bây có thấy vợ bây không chịu nổi mà bỏ đi rồi không? Như thế mà bây vẫn chưa tỉnh ra hả? Giờ con của bây đang khát sữa khóc ngặt khóc nghẽo kia. Bây làm cha cái kiểu gì vậy hả?
- Làm cha?
Hai Lịch nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống nền nhà rồi nghênh ngang nhìn thẳng vào mặt Nguyễn đại nhân mà nói.
- Tôi đã khi nào muốn làm cha chứ? Tôi đã nói với cha thế nào. Tôi không thích ả. Tôi không thích cái tính õng ẹo mà vờ như thanh cao của ả. Ấy vậy mà cha lại cứ bắt tôi phải cưới. Ừ thì cưới cho cha hài lòng. Nhưng tôi nói cho cha biết là đứa trẻ đó không phải là con tôi đâu.
- Bây! Sao bây dám buông lời nhục mạ con gái quan Thượng thơ như vậy hả? Bây không sợ ông ấy kêu quân tới mà gô cổ bây đi sao hả?
Một tràng cười hố hố lập tức vang lên. Nhưng nó cũng chỉ kéo dài có mấy chốc rồi dừng bặt. Hai Lịch lúc này không còn trưng ra vẻ mặt khốn nạn nữa, bởi giờ ánh mắt hắn đã ngập tràn sự phẫn hận.
- Con gái quan Thượng Thơ? Đúng, ả là con gái quan Thượng thơ nên tới đây.. tới đây mà bắt tôi đi. Tôi thà chết chứ không lấy điếm về làm vợ đâu.
Từng câu từng chữ mà Hai Lịch thốt ra như đang vả thẳng vào mặt Nguyễn đại nhân, làm ông bất giác vươn tay đánh trả. Nhưng cánh tay mới đưa lên được nửa chừng đã phải buông xuống, bởi cái trừng mắt đáp trả của Hai Lịch.
- Thằng con trời đánh! Ta trông cho bây chết đi!
Nguyễn đại nhân gào lên khi bóng lưng của Hai Lịch đã bị màn đêm nuốt chửng. Đúng vậy, gã thanh niên đó đúng là con của ông đó. Nhưng xưa giờ vì cái uy nhà ngoại nó mà ông chưa lần nào dám xuống tay dạy dỗ nó.
Để nó bây giờ khi đã vào buồng ông trộm tiền, bị phát hiện thì ngang nhiên trừng mắt và rời đi mà không một chút sợ hãi. Liêu xiêu bước từng bước chân vào buồng, Nguyễn đại nhân quơ tay lên khắp mặt bàn để tìm đá lửa.
Vốn thường thì nó được bọn con Lành hay con Nhân đặt ở góc trái của bàn viết, nhưng giờ, sau khi cái bàn bị Hai Lịch lục tung mọi thứ lên thì nó cũng chẳng còn ở chỗ cũ nữa. Tìm thấy đá lửa ở giữa bàn, Nguyễn đại nhân rốt cuộc cũng thắp được cái đèn ngay bàn viết.
Nhưng khi cái ánh sáng vàng vọt kia được thắp lên, và soi rọi khắp căn buồng thì cũng là lúc người đàn ông từng là một vị quan của triều đình phải nghiến răng kèn kẹt vì tức giận.
Hòm xiểng, chăn màn.. Hễ thứ gì mà đứa con khốn nạn của Nguyễn đại nhân nghĩ có thể giấu tiền thì đều bị nó lục tung một cách không thương tiếc.
Cố hít vào một hơi thật sâu để bản thân bình tĩnh trở lại, Nguyễn đại nhân định sẽ bước qua chỗ những cái rương gỗ đựng đồ để kiểm tra. Nhưng bàn chân mới đưa lên thì đã phải bỏ ngay xuống.
Một tiếng thét thất thanh bên ngoài cửa buồng. Và tiếng thét đó là của bà Hai Cần. Có lẽ vì nghe thây tiếng cãi nhau của chồng mình và con trai nên bà đã bỏ cháu nội cho hai người bà vú với con Lành trông để chạy lên trước. Và những gì đập vào trong mắt đã làm bà cả kinh mà thét lên.
- Ông.. ông đánh nó sao? Ông dám đánh con tôi sao hả?
Bà Hai Cần tức giận chỉ trích chồng.
- Ông là cha, không yêu thương con trai thì thôi. Mắc gì ông cứ hạch sách nó. Bắt nó phải thế này thế khác. Tôi nói cho ông nhớ con tôi, thằng Hai Lịch đó là cháu gọi Ngọc Quý phi là dì đó. Mà Ngọc Quý phi thì đã hạ sinh được cho Hoàng thượng hai Hoàng tử đó, nên ông.. ông đừng có mà hiếp đáp mẹ con tôi.
Không vội vã trấn áp con tam bành của vợ, Nguyễn đại nhân ném lên người đàn bà một ánh nhìn chán ghét rồi điềm tĩnh kéo ghế ngồi xuống. Phía đối diện, bà Hai Cần dường như cũng nhìn ra được điểm khác lạ của chồng, nên bà đã chộp dạ.
Cái chộp dạ và trực giác của đàn bà khiến bà Hai Cần phải vội đưa mắt liếc đi liếc lại khắp căn buồng. Khung cảnh tan hoang, lộn xộn của những món đồ làm người đàn bà lập tức có dự cảm không lành. Bà Hai Cần hướng mắt về phía chồng mà thận trọng nhả từng chữ.
- Ông.. ông tìm thứ gì hả? Tìm thứ gì mà lại lục tung đồ đạc lên thế?
- Không phải tôi lục mà là thằng quý tử của bà đã lục lọi phòng của tôi để tìm bạc đó. Và cũng nói thêm với bà là tôi không có đánh nó, mà người suýt chút nữa bị đánh là tôi đây nè.
- Ông..
Gương mặt của bà Hai Cần lập tức xám ngắt. Nhìn biểu hiện bất lực của chồng, và cả tính cách làm càn nói gở của con trai mình thì bà tin những lời ông chồng mình nói ra là sự thật.
Một cảm giác nhục nhã của người mẹ không dạy dỗ được con khiến bà cúi đầu thấp một, thì cảm giác lo sợ bản thân sẽ bị chồng đuổi ra khỏi nhà đã khiến bà Hai Cần phải cúi đầu thấp mười.
Ừ thì bà có em gái là Quý phi được Hoàng thượng sủng ái là thật. Rồi thì cha bà trước kia từng giữ chức Thượng Thơ cũng thật nối. Nhưng thế thì đã sao? Thế đâu có nghĩa là khi bà bị chồng đuổi ra khỏi nhà thì họ sẽ giang tay ra chào đón bà trở về.
Hít sâu vào một hơi để lấy lại bình tĩnh, người đàn bà có ngoại hình không mấy xinh đẹp đó lập tức bày ra vẻ mặt hòa nhã, mà dịu dàng tiến đến bên cạnh chỗ Nguyễn đại nhân. Bà Hai Cần đưa hai tay bóp nhẹ lên bờ vai to khỏe của chồng mình ra vẻ chăm sóc.
- Thật cái thằng Lịch ấy, nó chẳng ra sao mà. Suốt ngày bài bạc thì chớ, giờ còn lấy trộm tiền của ông nữa. Cái thằng đó phen này nó về thì kiểu gì tôi cũng phải đánh cho nó một trận nên thân. Nên ông đừng tức giận nữa nha. Hại sức khỏe lắm.
Thấy đối phương mới vuốt ve chút đã xuôi xuôi, bà Hai Cần lập tức đưa ra một quyết định táo bạo. Đó là thừa thắng xông lên. Đưa bàn tay đang đặt ở đầu vai trượt một đường xuống cổ, bà Hai Cần cất giọng õng ẹo với Nguyễn đại nhân.
- Hay thế này đi! Chỗ lộn xộn này để tôi dọn cho. Bừa bộn thì bừa bộn thật nhưng cũng chỉ tới khuya là xong thôi. Rồi còn thời gian thì vợ chồng mình ngồi lại nói chuyện với nhau. Thiệt cũng lâu quá rồi mình không có tâm sự với nhau đó ông à!
- Ra ngoài!
Tiếng quát của Nguyễn đại nhân làm anh Đen lúc này đang xớ rớ ở hành lang bên ngoài căn buồng phải giật thót mà té nhào xuống khỏi cái ghế con.
Đúng là không có cái xui nào giống cái xui nào. Thắp xong tất cả đèn trong gia trang, anh Đen quay lại trước buồng của Nguyễn đại nhân hòng thắp nốt cái đèn lồng trước cửa buồng.
Chẳng ngờ mới đi tới nơi thì lại nghe thấy tiếng cãi nhau của hai cha con nhà chủ. Phận tôi tớ hèn mọn nên lẽ dĩ nhiên là chàng người làm đó tránh đi chỗ khác.
Và trời cũng chẳng phụ lòng anh Đen khi quá trình xung đột đó đã nhanh chóng kết thúc với phần thua thuộc về Nguyễn đại nhân.
Nguyễn đại nhân vốn cao cao tại thượng lại thất thế trước con trai của mình làm lòng anh Đen lo lắng khủng khiếp. Anh lo bản thân sẽ là nơi trút giận cho chủ nhân. Có điều đèn không thắp thì có được không?
Và lúc đó không phải là sẽ chắc chắn bị ăn đòn sao? Nên sau mấy bận tính tới tính lui anh chàng rốt cuộc cũng quyết định chui ra khỏi chỗ nấp để đi thắp đèn. Có điều khi cái đầu vừa lò ra đã lập tức phải thụt lại.
Bởi cậu Hai Lịch vừa đi khuất thôi thì bà Hai Cần đã lập tức xuất hiện. Cũng là cãi kình nên anh Đen nào có dám chui ra khỏi chỗ nấp. Nhưng ngặt nỗi trời cứ ngày một tối, nên anh Đen chẳng còn cách nào khác là nhanh chóng chui ra. Rồi cũng nhanh chóng chóng vớ cái ghế con để trèo lên thắp đèn.
Nhưng đèn chưa thắp xong anh đã bị tiếng thét của Nguyễn đại nhân dọa cho té chổng vó. Quần áo lấm lem, cả cái mông cũng đau như bị ăn đòn anh Đen suýt thì bật khóc. Cơ mà giờ khóc thì Nguyễn đại nhân bên trong phòng sẽ nghe thấy. Rồi thì cái tội nghe lén nghe trộm chủ nhân nói chuyện sẽ chẳng có kết cục nào khác là đuổi việc.
Mà nếu bản thân anh Đen bị đuổi khỏi Nguyễn gia trang thì không chỉ mình anh, mà cả mấy đứa em và cha mẹ ở nhà sẽ chết đói. Cố đè cơn đau xuống để với tay lấy hòn đá lửa nằm cách đó một sải tay, anh Đen lại lần nữa giật thót.
(Hết chương 4)