- Biết, mua phương thuốc của Quý Chi Đường, vừa rồi nói thế còn gì.
- Thế không phải xong sao, ngươi nghĩ mà xem, ở cái huyện này, Huệ Dân Đường mà nhận là hiệu thuốc thứ hai thì không ai dám nhận là thứ nhất. Ngươi đã bao giờ nghe nói bọn họ phải đi mua phương thuốc của người ta chưa, vậy mà hôm nay phải chạy tới Quý Chi Đường mua phương thuốc. Đừng nghe mấy lý lẽ rắm thối của ông ta, chỉ là vớt vát thể diện thôi, lại còn lợi dụng cái khó của người ta chèn ép, rõ ràng là thèm khát phương thuốc của người ta lắm, chỉ có điều ăn nói khó nghe, chọc giận người ta nên mới trở mặt. Ha, lão gia đó tưởng ta là phụ nhân ít học thì nghe không hiểu sao?
Đại hán vỗ đầu: - Chuẩn, chẳng lẽ Quý Chi Đường có bí phương gì đó thật?
- Nói thừa, nếu không có thì Huệ Dân Đường có bỏ thể diện xuống tới tận nhà thế không?
- Nhưng mà người ta bán không thành, vẫn chả có tiền, ích gì cho chúng ta.
- Ngươi chỉ biết, tiền, tiền tiền. Triệu Tam Nương phun vỏ hạt dưa vào hắn: - Tự suy nghĩ đi, không dựa vào nắm đấm sống mãi được đâu, phải dựa vào cái đầu.
- Hắc hắc, ta không phải sống bằng cái đầu à? Đại hán này là biểu ca của Triệu Tam Nương, họ Đồ, luyện chút võ công, nghe nói là Thiết đầu công, nên người ta gọi là "Đồ Thiết Đầu", là tên lưu manh, bình thường làm việc cho đổ trường, bảo kê thu nợ gì đó. Triệu Tam Nương từ nhỏ khôn khéo thông minh, hắn chỉ có cái sức trâu nên phục nàng lắm, nhiều lần vướng rắc rối toàn nhờ Triệu Tam Nương đầu óc nhanh nhẹn gỡ cho, nên chưa bao giờ lên mặt biểu ca, lâu dần thành ra quen bị phun hạt dưa vào người cũng chả giận.
- Đó không phải đầu, đó là óc heo. Triệu Tam Nương chanh chua nói:
- Ta hiểu rồi, một cái đơn thuốc thì bán nổi bao tiền, dựa vào nói mới có thể kiếm tiền mãi mãi, a, Tả Quý cũng tinh đấy, cố ý dụ Huệ Dân Đường tới mua, để người ta biết ông ta có bảo bối để tới trị bệnh. Đồ Thiết Đầu nói càng cho là mình đúng: - Thì ra thế, thì ra thế, Quý Chi Đường có bản lĩnh cất dấu đấy... À, không đúng, cất làm cái gì, nếu có bản lĩnh sao bao năm không trả nổi tiền nhà.
- Ôi, số mệnh trên đời có ai nói trước được. Triệu Tam Nương nhìn trời cảm khái: - Như Tần công tử đó, Tần gia dòng dõi hồng nho, toàn thành trọng vọng, Tần công tử nổi danh thần đồng, tài hoa nức tiếng, nếu là thời bình thi lấy được cái công danh, đề tên bảng vàng rạng danh tiên tổ. Nhưng chiến loạn nổi lên thư sinh trói gà không chặt thành hết thời rồi, chạy loạn chẳng kịp, bị người ta cho một đao, ôi thôi không nói chuyện này nữa... Không biết Triệu Tam Nương có quá khứ gì với vị Tần công tử đó không mà đột nhiên đa sầu đa cảm, mất một lúc mới nói tiếp: - Cuộc đời là thế, không gặp vận thì bản lĩnh tới mấy cũng chẳng thể làm gì, còn vận đến cá chép hóa rồng. Hiểu không? Ta nghe nói họ chữa trị cho một sản phụ tưởng chết chắc, bao nhiêu năm chỉ nghe một chuyện như vậy, không phải gặp vận là cái gì. Sau này nói không chừng Quý Chi Đường làm ăn tốt lên, ta cũng được nhờ.
- Tam Nương cao kiến, cái nhà này thành thật, cũng là cố hết sức rồi, không như nhà khác toàn giở trò.
- Chính thế. Triệu Tam Nương nhìn quanh, áp giọng xuống: - Ngươi đi khắp nơi truyền bá tin này, nói bệnh Huệ Dân Đường không chữa được, Quý Chi Đường chữa được rồi, Nhị chưởng quầy của Huệ Dân Đường còn tới bỏ đống tiền, cầu xin người ta bán thuốc cho, người ta không bán, đành ủ rũ bỏ về.
- Đúng đúng, nên tuyên truyền cho Quý Chi Đường chút, lợi người loại ta. Tam Nương từ bé đã tốt bụng thương người, phải chi cái mổm không... Đồ Thiết Đầu bị Triệu Tam Nương phun phì hạt dưa vào mặt, cười bồi lảng đi: - Cơ mà Huệ Dân Đường trả giá đâu có cao, lại còn móc máy khó nghe.
- Cái đồ đần này. Triệu Tam Nương giơ chân đá đít Đồ Thiết Đầu: - Cái mồm để làm gì, không biết bịa à?
- Đúng đúng. Đồ Thiết Đầu che mông cười khì: - Tam Nương yên tâm, đây là ngón sở trường của ta.
- Còn nói sở trường. Triệu Tam Nương bĩu môi: - Cứ chiếu đúng lời ta mà truyền đi, đừng thêm thắt lung tung không khéo hỏng chuyện.
………..
Trong Quý Chi Đường, cả nhà Tả Quý đang còn chưa hết hưng phấn, hàng xóm cũng sang chia vui vừa đầy một nhà toàn người là người rời đi, dù sao 30 rồi, không ở lâu được, song ai cũng tiếc nuối, hôm nay quá đặc sắc, nhất là màn Hồi Hương đuổi đánh Nhị chưởng quầy, đủ làm đề tài bàn tán cả năm, nên ai nấy cáo từ đi về trong lòng đều luyến tiếc, nhất là Thái chưởng quầy ở đối diện.
Khách khứa đi cả rồi, Hồi Hương bận rộn giúp mẹ cất hành lý, hỏi: - Phải rồi, mẹ còn bao tiền dùng cho năm mới?
- Nhà còn 200 đồng, song số tiền này không thể tiêu sài quá, Triệu Tam Nương đã làm trọn ân tình láng giềng rồi, chúng ta cứ nợ mãi thì thật không nên, vì thế... Lương thị suy nghĩ nói: - Có điều năm mới vẫn phải tươm tất một chút, thế này lấy ra 100 đồng, lão gia thấy được không?
- 100 đồng là đủ rồi. Tả Quý gật đầu:
Hồi Hương trề môi ra: - Cha, cha không lo chuyện bếp núc không rõ đấy thôi, 100 đồng thì làm được cái gì, bây giờ khó khăn, vật giá cứ tăng suốt, 100 đồng chỉ mua được cái đầu lợn, còn làm gì được nữa? Còn các thứ khác thì sao, nhà mình còn chưa chuẩn bị được gì hết.
Lương thị khẽ thở dài: - Tiết kiệm được cái gì thì tiết kiệm, khi nào dư dả hơn bù lại vậy, năm nay ăn Tết hẻo một chút … Để xem nào, câu đối phải thay, nhà còn ít giấy đỏ, cắt dán lên cửa sổ là được, pháo trúc mua mấy cái, mùng một đốt khu tà chiêu tài. Hai đứa đều lớn rồi, thôi thì áo mới với tiền mừng tuổi bỏ đi. Mua thêm ít gạo, vài đồng thịt lợn, một bầu rượu tế tổ. Còn lại thì để mùng 2 thông gia tới chúc Tết còn hoàn lễ.
- Cũng chỉ đành thế, mẹ, con với mẹ tranh thủ đi chợ thôi kẻo muộn người ta thu hàng hết.
- Không cần, đệ đệ con đi với mẹ là được, còn nửa ngày nữa, vẫn kịp. Con trở về chuẩn bị cơm tất niên đi, cả nhà bên đó đang đợi con đấy.
Hồi Hương thấy cha mẹ tạm vượt qua khó khăn thì hơi yên tâm một chút: - Vậy để con cắt hoa dán lên cửa sổ đã rồi về, mùng 2 bọn con sẽ tới chúc Tết cha mẹ.
Hồi Hương đi cắt hoa, Lương thị dẫn Tả Thiếu Dương đi sắm đồ Tết. Vì đã là 30, phần lớn quán xá đóng cửa rồi, đi vòng quanh nửa thành mới kiếm đủ đồ cần mua. Ba thứ thịt, là thịt trâu, thịt lợn và thịt dê, mỏng như lá lúa vậy, Tả Thiếu Dương giơ lên tưởng chừng nhìn thấu qua được, có khi cho vào nồi nước là tan mất không nhìn thấy đâu, giá chẳng rẻ gì, có điề tượng trưng cho tam sinh tế tổ không thể thiếu được nên mẹ y mới cắn răng mà mua.
Ngoài ba "miếng thịt", hai mẹ con họ còn mua một túi bột mì đen, một bầu rượu, mấy cái bánh năm mới, một nắm củ tải to bằng bắp tay, một đôi nến đỏ, một thẻ hương, tiền giấy và pháo trúc và hai khối bùa gỗ đào mà sau này thay bằng câu đối tết, trên khắc tượng hai vị môn thần.
Bùa đào là thứ thời cổ đại dùng để trấn tà, rất cầu kỳ, nhưng với nhà nghèo chỉ là hai miếng gỗ, viết tên hai vị thần "Thần Đồ"," Úc Lũy", hoặc là khắc tượng, treo ở cửa cầu phúc trừ họa. Tới thời Ngũ Đại nó phát triển thành viết lên đó lời cát tường thay cho hai vị thần, rồi tới thời Tống biến thành câu đối Tết duy trì tới tận bây giờ.
Trước kia hai tấm bùa đào của Quý Chi Đường là chữ cát tường, "pháo nổ bình an, đón xuân năm mới.", cái này mỗi năm đổi một lần. Bài ( Trừ Nhật) của Vương An Thạch làm chứng cho điều này.
Bạo trúc thanh trung nhất tuế trừ Xuân phong tống noãn nhập Đồ Tô Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật Tổng bả tân đào hoán cựu phù.
....
Hết năm pháo nổ đón giao thừa Hơi rượu ấm nồng gió thoảng đưa Vạn hộ ngán nhà đều thắp sáng Bùa đào năm mới tiễn năm xưa.