Đây là đang chỉ trích nhà họ Trương để bà ta nghèo khổ? Phương thị nghe vậy có chút không vui, phất tay đuổi bà ta ra sau hầu hạ, tự đi lên ngồi đối diện Lâm Y, cũng không nhìn nàng mà trước đánh giá lễ vật trên bàn. Mấy gói giấy, bên trong đại khái một cái là đồ ăn, một cái là vải vóc, không tính tốt nhất, Phương thị vừa được Lí Thư cho đồ đắt tiền, có chút coi thường hai thứ này, ôn hòa hỏi. “Lâm Tam nương đến có việc gì?”.
Lâm Y nhìn mặt Phương thị khinh khỉnh, trong lòng biết bà ta ngại lễ vật ít ỏi, thật ra không phải nàng không muốn tặng, nhưng trước mua ruộng sau xây phòng, trong túi nàng quả thật không còn dư bao nhiêu, chẳng thể bỏ ra thêm mà mua quà cáp. Nàng nghĩ nghĩ : y theo tính tình Phương thị, nếu không có mồi dụ, nhất định bà ta sẽ không đồng ý, vì thế nói. “Tôi xây phòng là để nuôi heo, Nhị phu nhân có muốn chung cổ hay không?”.
Phương thị không hiểu “chung cổ” là thế nào, Lâm Y giải thích. “Đợi heo béo xuất chuồng bán, được bao nhiêu tôi phân Nhị phu nhân một phần”.
Phương thị bây giờ nhà không nuôi heo nữa, đừng nói phân tiền, đến cuối năm được khối thịt heo ăn Tết cũng quá tốt rồi, bà ta trong lòng muốn lắm, nhưng ngoài miệng vờ vịt. “Nuôi heo tốn lương thực, còn phải mua heo con, ta không có tiền”.
Lâm Y biết chắc bà ta sẽ nói câu này. “Không cần Nhị phu nhân bỏ ra một văn”.
Phương thị vui mừng. “Thật sao?”.
Lâm Y nói. “Nếu Nhị phu nhân không tin, chúng ta lập khế ước”.
Phương thị trước giờ là loại người được một tấc lại tiến một thước, được một phần đã nghĩ hai phần, lần lữa không chịu đồng ý. Lâm Y rất hiểu con người bà ta, liền nói ngay. “Nếu Nhị phu nhân chịu bỏ ra nửa số tiền mua heo con, tôi tình nguyện phân cho phu nhân ba phần”. Phương thị ngay cả tiền lương của người hầu cũng không có mà trả, nào có tiền mua heo con, nghe xong câu đó mới bỏ đi ý đồ đòi thêm một phần, sai thím Nhâm lấy giấy mực đến, kí khế ước giấy trắng mực đen với Lâm Y.
Lâm Y nói. “Nuôi heo vất vả khỏi nói, hơn nữa còn sợ kẻ trộm đến bắt mất, chuồng heo của tôi không ở trong viện, ban ngày thì thôi, ban đêm chỉ sợ bọn họ xuống tay”.
Phương thị không để ý lắm, chỉ vào thím Nhâm. “Đã kết phường làm ăn, ta cũng cống một phần công sức, ban đêm để hai bà hầu trực đi”.
Thím Nhâm nghe xong câu này, sắc mặt lập tức đổi.
Lâm Y nhìn trong mắt, thầm nghĩ : chuồng heo quả thật cần người trông coi ban đêm, tuy có Hắc Thất Lang, nhưng rốt cuộc vẫn không thể bằng người canh, không bằng cho thím Nhâm chút lợi, để bà ta tận tâm hết sức, nghĩ đoạn nàng nói. “Vậy cũng tốt, vất vả thím Nhâm, đợi bán có lời, ta trả bà phí vất vả”.
Thím Nhâm biến đổi sắc mặt như tắc kè, phút chốc các nếp nhăn đã giãn ra, cười nịnh bợ. “Không vất vả, không vất vả, đừng nói canh chuồng heo, việc cho heo ăn chỉ cần nhờ Thanh Miêu nói một tiếng là xong”.
Lâm Y âm thầm cảm thán, quả nhiên có tiền mua tiên cũng được, ai mà ngờ được cũng có ngày thím Nhâm ân cần với nàng như vậy.
Phương thị tự xem là một cổ đông nuôi heo, phải quan tâm tới tiền lời cuối năm, tha thiết hỏi. “Tam nương tử chuẩn bị nuôi mấy đầu heo?”.
Lâm Y đáp. “Tiền dành dụm của tôi gần như toàn bộ bỏ ra xây phòng, đang chuẩn bị đi hỏi nhà ai nuôi heo có đồng ý bán chịu cho tôi mấy heo con hay không đây”. Không có tiền, đương nhiên phải mua chịu, mua được bao nhiêu quý bấy nhiêu, có thể ngay cả một đầu heo cũng không ai chịu bán nợ như thế, Phương thị cực kì thất vọng, nếu nuôi ít, một phần cổ của bà ta cũng chẳng phân được bao nhiêu tiền.
Lâm Y quan sát thái độ của Phương thị, không lên tiếng, thật ra nàng có để dành lại tiền mua heo con, nhưng sợ Phương thị biết nàng có của cải trong tay, nhân lúc cháy nhà mà đi hôi của, bởi vậy hứa hẹn đủ kiểu nhưng vẫn giả nghèo.
Phương thị thấy nàng ngay cả tiền mua heo con cũng không có, hưng trí quả nhiên xẹp xuống, lười hỏi thêm, Lâm Y tiện thể lên tiếng “Đã quấy rầy”, đứng dậy cáo từ. Phương thị chờ nàng đi rồi, oán giận thím Nhâm. “Không phải bà nói nó giàu to rồi sao, gì ngay cả tiền mua heo con cũng không bỏ ra nổi, hại ta mừng hụt một hồi”.
Thím Nhâm oan uổng than. “Nhị phu nhân không tốn một văn tiền, không công vẫn hưởng một phần cổ trong chuồng heo Lâm Tam nương nuôi, có gì đáng nói nữa?”.
Lời này có lý, nhưng Phương thị ghét bà ta nói chuyện không cung kính, tức giận vỗ bà ta vài cái, đuổi ra ngoài. Thím Nhâm vuốt cánh tay bị đau, thầm mắng, đi ra cửa, đứng dưới mái hiên nhìn hai bên, Lâm Y ở nhà kề hướng đông, Lí Thư ở nhà chính hướng tây, ai cũng hào phóng, thật không hiểu kiếp trước bà ta làm gì sai mà bây giờ phải hầu Phương thị.
Thím Dương xách rổ rau đi ngang, thấy mặt bà ta tức giận, liền hỏi. “Nhị phu nhân lại làm mặt giận với bà?”.
Thím Nhâm chỉ vào trong, căm giận nói. “Nhị phu nhân nhà chúng ta, tuổi càng lớn, tính tình càng hỏng bét, giận trên mặt còn đỡ, bà xem cánh tay của tôi, phỏng chừng lại tím xanh, cái mạng già này sớm hay muộn cũng tiêu trong tay Nhị phu nhân”.
Thím Dương cười nhạo bà ta. “Ai bảo bà vô duyên vô cớ cứ lượn lờ trước mặt Nhị phu nhân, rảnh quá thì đi cách vách khiêng gạch, hoặc ra sau nhà chuyển ngói, việc gì cũng đỡ hơn hầu hạ phu nhân”.
Thím Nhâm gật gù liên tục, thẳng khen có lý, lại kể chuyện Lâm Y sắp nuôi heo, phân cho Phương thị một cổ, nói. “Lâm Tam nương còn nói sẽ mướn chúng ta trực đêm, không biết một tháng được bao nhiêu tiền”.
Thím Dương thật tâm vui mừng cho Lâm Y. “Người ta kiếm tiền không dễ, bà bớt công phu sư tử ngoạm dùm, nếu không muốn đi thì để mình tôi đi cũng được”.
Thím Nhâm làm sao để thím Dương kiếm hết tiền, vội nói. “Tôi ước gì được đi đây, nào có không muốn”. Bà ta nghĩ đến lúc trước không ít lần nói xấu Lâm Y trước mặt thím Dương, sau này phải dựa vào thím Dương nói ngọt trước mặt Lâm Y để nàng thưởng chút tiền thưởng, bởi vậy phá lệ thật thiết với thím Dương, giành lấy rổ rau, kéo thím Dương đi phòng bếp giúp bà này nấu cơm.
Lâm Y từ phòng Phương thị đi ra, Thanh Miêu đang chờ bên ngoài, vội vàng hỏi. “Nhị phu nhân thế nào?”.
Lâm Y kéo cô về phòng mới trả lời. “Bà ta đại khái không biết ta sở hữu ruộng, bởi vậy không có gì khác lạ, chẳng qua muốn chiếm chút lợi ích thôi”.
Thanh Miêu bĩu môi. “Tính tình bà ta mà không muốn chiếm cái gì, em còn thấy lạ”.
Lâm Y cầm khế ước ban nãy kí với Phương thị, sai Thanh Miêu bỏ vào ngăn tủ, nhớ tới muốn mướn người hầu Nhị phòng nhà họ Trương trực đêm, nàng nói. “Nếu đã trả công, sau này có việc gì mệt nhọc hãy sai thím Nhâm đi, bà ta làm quá nhiều chuyện có lỗi với chúng ta, ta phải đòi trở về”.
Thanh Miêu thập phần thích thú, lập tức đáp. “Vừa vặn hầm cầu đã đầy, ngày mai sai bà ta gánh ra ruộng tưới”.
Lâm Y nhớ tới chuyện vườn rau bị gà phá nát, oán hận nói. “Chỉ tưới mỗi phân, thật sự nhẹ nhàng cho bà ta”.
Cả hai đã “coi thường” thím Nhâm, mấy ngày sau, căn bản không cần ai kêu, bà ta chủ động tìm tới cửa hỏi có gì sai bảo không, vội trước vội sau vô cùng hăng hái, hận không thể giúp Lâm Y lau rửa hết mọi thứ trong phòng một lần.
Lâm Y kì quái, hỏi Thanh Miêu. “Ta trả tiền công cho bà ta là không giả, nhưng phải nuôi heo bán mới có, chỗ Đại thiếu phu nhân càng nhiều tiền để kiếm, sao bà ta không qua đó?”.
Thanh Miêu che miệng cười, đáp. “Chủ tử tưởng bà ta chưa đi sao? Việc đầu tiên mỗi sáng sớm của bà ta là đi đến phòng Đại thiếu phu nhân, đáng tiếc nơi đó nha hoàn bà vú nhiều, căn bản không có cơ hội cho bà ta làm gì cả”.
Lâm Y cũng cười. “Thì ra bà ta lấy lùi mà tiến”.
Lí Thư là người hào phóng, mỗi lần ra tay đều khoát xước, Lâm Y quan sát cũng học hỏi vài chiêu, cách năm ba dịp lại thưởng cho thím Nhâm mấy văn, bà ta mừng rỡ khoe với thím Dương. “Đại thiếu phu nhân nơi đó tuy nhiều tiền nhưng không giống ở Lâm Tam nương ngày nào cũng có”.
Thím Nhâm được tiền, tâm lập tức đồ về phía Lâm Y, không bao giờ đến trước mặt Phương thị đâm thọc hay hiến kế bậy nữa, Lâm Y an an ổn ổn, thuận lợi xây xong chuồng heo, ngước mặt nhìn trời cảm thán bản thân lúc trước thực là khờ, nếu sớm học được chiêu này là tốt rồi.
Thanh Miêu không cho là đúng, nói. “Tiêu tiền tiêu tai, ai mà chẳng biết, nhưng cũng phải có tiền trong tay mới được, dĩ vãng chúng ta bụng còn chưa ăn no, đâu có tiền cho bà ta chứ”.
Lâm Y đứng trước cửa chuồng heo, nhìn ra ruộng vườn phía xa xa, thầm nghĩ trong tay nhiều tiền cũng để danh nghĩa có chút sản nghiệp mà thôi.
Trương Trọng Vi cắp quyển sách trong tay, đứng ở ngã rẽ nhìn nàng, thấy nàng thần sắc tự tin tươi cười, trước nay chưa từng nhìn thấy, bất tri bất giác nhìn tới ngẩn người.
Lâm Y cảm thấy có ánh mắt đang chăm chú quan sát mình, vội thu ánh nhìn về, phát hiện là Trương Trọng Vi, dậm chân sẳng giọng. “Cũng không lên tiếng, hù chết người”.
Trương Trọng Vi cười thật thà, tiến lên trước, lấy tiền giấy trong sách ra, đưa cho nàng. “Cho em mua heo con”.
Tới Phương thị còn chưa có tiền cho người hầu, chàng làm sao có tiền? Lâm Y không nhận, nghi ngờ hỏi. “Tận một quan, làm sao anh có nhiều tiền như vậy?”.
Trương Trọng Vi kiên quyết nhét tiền vào tay nàng, nói. “Đại tẩu cho làm lễ gặp mặt, tôi lại không dùng gì, cho em mượn. Em khách khí với tôi làm chi, mau đi mua heo con về nuôi mới là đứng đắn, chậm trễ sẽ không kịp lễ mừng năm mới”.
“Tại sao lại tốt với tôi như vậy…”. Lâm Y nhìn tờ tiền, lẩm bẩm.
Trương Trọng Vi sờ sờ đầu, nói vẻ đương nhiên. “Tôi không tốt với em, thì tốt với ai?”.
Lâm Y nhìn ra chỗ khác, thấp giọng nói. “Tôi có tiền, chỉ sợ mẹ anh biết thôi, tiền này anh để dành đi, sang năm vào kinh thành đi thi phòng thân”.
Trương Trọng Vi cũng giống phần lớn nam giới, không mấy quan tâm việc nhà, được nhắc mới nhớ tới trong nhà đã nghèo, lộ phí đi thi còn không biết lấy đâu ra, vì thế nhận lại tờ tiền Lâm Y đưa qua, lại căn dặn. “Thiếu tiền hãy tìm tôi”.
Lâm Y nói ừ, thúc giục chàng về đọc sách, bản thân nàng gọi Thanh Miêu cùng đi đến những nhà đã hỏi sẵn, bắt về mười lăm con heo con.
Chuồng heo của nàng vì tiết kiệm phí tổn, chỉ xây một căn thật lớn, bên trong dùng tấm ván ngăn làm năm làn, mỗi làn nuôi ba con.
Thanh Miêu đã nuôi một đầu heo béo, kinh nghiệm đầy mình, mỗi ngày sáng sớm đi cắt cỏ, buổi chiều kết thúc công việc ngoài ruộng cũng phải cắt thêm hai giỏ mang về. Lâm Y xin ở chỗ Phương thị ít trấu, trộn thêm vào cỏ cho heo ăn, nói với Thanh Miêu. “Lại vất vả một tháng nữa, chờ lúa Chiêm Thành chín, sẽ không cần ngày ngày đi cắt cỏ”.
Thanh Miêu cười. “Sao lại không, còn có thím Nhâm kìa”.
Lâm Y nói. “Bà ta không cần đi giúp Đại thiếu phu nhân xây nhà ư?”.
Thanh Miêu vừa múc thức ăn cho heo, vừa trả lời. “Bà ta tuổi cũng lớn, làm sao đủ sức ngày nào cũng đi, vẫn là đến hỗ trợ chúng ta nhẹ nhàng hơn, bằng không bị bệnh vừa tốn tiền mời đại phu vừa phải uống thuốc, càng tốn hơn nữa”.
Lâm Y và cô cùng cho heo ăn xong, mệt đến cả người đều nhức mỏi, vội trở về phòng tắm giặt, nằm xuống nghỉ tạm. Ngoài ruộng, chuồng heo, vườn rau, liên tục làm việc ba chỗ, bất tri bất giác đã đến mùa phơi lúa, Lâm Y cần sân, lương thực nhiều như vậy nếu không thuê được một góc sân làm sao phơi cho hết, mấy chục mẫu ruộng của nàng rốt cuộc giấu không nổi nữa, đơn giản nàng chủ động đi tìm Phương thị, báo cho bà ta biết nàng có ruộng, xin thuê sân nhà họ Trương.
Phương thị lần trước nghe bảo nàng lập nữ hộ, xây chuồng heo, không coi là gì, nay biết được danh nghĩa nàng có ruộng mới thực sự khiếp sợ, nghẹn họng nhìn Lâm Y trân trối hồi lâu, mới nói. “Cô đúng là giấu kĩ”.
Lâm Y đang muốn nói tiếp, Phương thị bị vấn đề hấp dẫn, giọng nói pha phần hưng phấn. “Ruộng nước hay ruộng cạn? Sở hữu bao nhiêu mẫu? Trồng lúa nước hay lúa mạch? Ruộng ở đâu, cách ruộng nhà chúng ta xa không?”.
Bộ dạng bà ta, ngay cả thím Nhâm cũng thầm khinh bỉ, tiến lên chen vào. “Nhị phu nhân, Lâm Tam nương đang cần mượn sân”.
Phương thị thoáng bình tĩnh, nghĩ : biết cô ta thu được lương thực nhiều ít bao nhiêu còn sợ không đoán ra số ruộng sao. Vì thế vội vàng hỏi. “Cô có bao nhiêu lúa cần phơi?”.
Lâm Y nói. “Khoảng ba mươi lăm thạch”.
Phương thị thất vọng. “Chẳng có bao nhiêu”.
Lâm Y nói tiếp. “Đã phân cho tá điền ba phần, còn dư không nhiều, sao so được với Nhị phu nhân”.
Thím Nhâm mấy ngày nay được Lâm Y cho không ít ưu đãi, nghĩ bụng : người ta ít ruộng hơn bà nhưng ra tay hào phóng hơn hẳn. Bà ta đã cầm tiền của Lâm Y, nên muốn thay nàng nói chuyện, vì thế nhỏ giọng khuyên Phương thị. “Lâm Tam nương phơi lúa mới nuôi heo được, heo càng béo, tiền càng nhiều, Nhị phu nhân cũng được phân càng nhiều”.
Đạo lý đơn giản, Phương thị vừa nghe đã hiểu, liền nói với Lâm Y. “Ta phân cho cô một nửa sân để dùng, nhưng phải trả tiền cho ta”.
Lâm Y vốn không trông cậy bà ta sẽ cho dùng sân miễn phí, liền hỏi. “Nhị phu nhân muốn bao nhiêu tiền?”.
Phương thị nghĩ nghĩ, nói. “Không thu nhiều, hai trăm văn đi”.
Chiếu theo phong cách hành động của bà ta thì xác thực là không nhiều, nhưng nghĩ tới mấy con heo, Lâm Y cũng học bà ta, ít nhất phải trả giá một lần. “Một trăm văn”.
Phương thị không muốn. “Mở miệng đã chặt bớt một nửa, thực không phúc hậu”.
Lâm Y giận dữ nói. “Tôi bỏ một trăm văn ra, hàng xóm cách vách tranh cướp đưa sân cho tôi thuê đó”.
Phương thị tiếc của một trăm văn, càng tiếc nàng đi nhà khác thuê sân, ngẫm nghĩ lại ngẫm nghĩ, miễn cưỡng đồng ý.
Lâm Y về phòng, cảm giác thần kinh mệt mỏi vô cùng, nói với Thanh Miêu. “Đúng là bất đắc dĩ cùng đường mới phải dựa vào Nhị phòng, giao tiếp với Nhị phu nhân mệt chết người”.
Thanh Miêu rót nước cho nàng, hỏi. “Bà ta thực đòi tiền?”.
Lâm Y uống ực hết, gật đầu. “Em còn không hiểu bà ta sao, có lẽ nào không đòi, mở miệng còn hét hai trăm văn kìa”.
Thanh Miêu nghe vậy cũng giận. “Thím Nhâm có cổ vũ không? Không phải đã bảo phải dỗ bà ta, kêu rằng lương thực để nuôi heo sao?”.
Lâm Y đặt chén xuống, cười khổ. “Nhị phu nhân căn bản không xem của cải nhà chúng ta vào mắt, thím Nhâm nói ra để nuôi heo bà ta mới bằng lòng cho thuê sân, bằng không còn chưa nguyện ý nữa”.