Cố Ninh có linh cảm không lành lập tức gọi lại.
Giọng nói lo lắng của mẹ Cố vang lên ở đầu dây: “Ninh Ninh, sao điện thoại của con lại tắt! Mẹ muốn tìm con cũng không được, mẹ rất lo lắng.”
Cố Ninh nói: “Điện thoại của con hết pin. Có chuyện gì ạ?”
Mẹ Cố nói: “Con để quên đồ ở nhà phải không? Cái bát gốm xinh xinh ấy.”
Cố Ninh lòng hồi hộp, nhịn không được mà cắt lời mẹ Cố: “Nó bị rơi vỡ rồi sao mẹ?”
“Rơi vỡ thì không.” Mẹ Cố nói.
Cố Ninh thấy hơi yên lòng.
Sau đó lại nghe mẹ Cố nói trong điện thoại: “Chỉ là bị chị họ con mượn đi rồi.”
Tim Cố Ninh cũng dựng cả lên: “Ý của mẹ là gì? Sao mẹ lại cho chị ta mượn? Chị ta mượn đi làm gì? Ai cho phép chị ta mượn?”
Cố Ninh bên này hỏi dồn dập cũng làm mẹ Cố hoảng sợ: “Sao vậy? Là thứ rất quý à? Nó nói là dùng để ghi hình. Mẹ bảo nó gọi cho con thì con tắt điện thoại… Ba con về vừa nghe nói đã trách mẹ, bảo mẹ nhanh gọi cho con. Con cũng đừng gấp quá, nó nói mượn một hai ngày sẽ trả lại cho con.”
Cố Ninh chỉ thấy một hơi nghẹn trong ngực nhưng cũng không bực bội với mẹ Cố: “Con sẽ gọi cho chị ta.” Sau đó liền cúp máy.
“Tắt rồi.” Mẹ Cố áy náy mà nhìn ba Cố.
Ba Cố liếc bà một cái rồi nói: “Tôi nói bao nhiêu lần rồi. Ninh Ninh không có nhà thì bà cũng đừng động vào đồ của nó. Giờ thì hay rồi, lại để cho Tưởng Du cầm đi. Khi còn bé bà đem mấy con búp bê của con bé cho Tưởng Du, Ninh Ninh đến bây giờ vẫn còn nhớ kĩ. Nhiều năm như vậy chắc bà không nhớ đâu. Tí nữa nó về, bị con gái oán trách thì bà đừng khóc với tôi.”
Mẹ Cố cũng một bụng oan ức: “Tại nó vào phòng Ninh Ninh cầm ra. Cầm đã cầm trong tay rồi, tôi cũng ngại nói không được.”
“Lần sau Ninh Ninh không ở thì bà khoá cửa phòng nó lại. Tưởng Du cũng thật là, người không có nhà mà dám tuỳ tiện tiến vào phòng người khác lấy đồ. Thật là không lễ phép.” Ba Cố cau mày nói.
Mẹ Cố biết ba Cố không thích Tưởng Du lắm. Hơn nữa chính bà cũng hiểu được lần này không nên để Tưởng Du lấy đồ của Cố Ninh nên cũng không nói gì.
Khi Cố Ninh tìm được số Tưởng Du thì nhanh chóng gọi tới nhưng chỉ nghe thấy tiếng chuông kêu khiến cô vô cùng lo lắng.
Nhưng điện thoại đến chuông cuối cùng cũng chỉ có một giọng nữ tổng đài nói số điện thoại ngài gọi hiện không có người nghe, xin vui lòng gọi lại sau.
Cố Ninh gọi nhiều lần liên tiếp đều không có người nhấc máy.
Hít sâu vài hơi để bình tĩnh, Cố Ninh nhớ lại số máy nhà của Tưởng Du, lập tức gọi tới.
Điện thoại vang lên bốn hồi mới có người nghe.
Tiếng của Tưởng Thanh Châu bên kia vang lên: “Alo, ai vậy?”
Cố Ninh trực tiếp hỏi: “Tưởng Du có nhà không ạ?”
“Tìm Tưởng Du à. Nó còn chưa về đâu. Hiện tại nó đang ở bên ngoài. Cô là ai vậy…” Tưởng Nhạc Châu còn chưa nghe giải thích đã thấy điện thoại bị cắt đứt.
“Ai vậy?” Lâm Mỹ Phượng hỏi.
Tưởng Nhạc Châu nói: “Không biết là ai… Hình như là tiếng Cố Ninh, nhưng cũng không giống lắm.”
Lâm Mỹ Phượng nghe bảo là tiếng Cố Ninh tinh thần trở nên tỉnh táo: “Con bé Cố Ninh này, trở về cũng không tới đây một chuyến. Thật là, chẳng lẽ vẫn muốn chúng ta là người lớn tới tìm nó hay sao?”
Tưởng Nhạc Châu bất mãn nói: “Bà bớt tranh cãi đi. Cố Ninh mới trở về, cũng không biết khổ như thế nào. Tôi chỉ có một đứa cháu gái ngoại, bà không nói được vài lời dễ nghe hay sao? Kể cả chúng ta sang thăm nó thì thế nào?”
Lâm Mỹ Phượng cười lạnh nói: “Vâng vâng vâng, người trẻ không tới thăm người già thì người già phải đến thăm người trẻ.”
Tưởng Nhạc Châu lười tranh luận với bà, gọi điện tới nhà Cố Ninh, định hỏi tình hình gần đây của cô.
Cố Ninh cúp điện thoại của Tưởng Nhạc Châu rồi lại gọi cho Tưởng Du nhưng bên kia vẫn không có người nghe.
Mẹ Cố nói Tưởng Du cầm thứ đó đi tham gia một tiết mục ghi hình. Là chương trình gì thì Cố Ninh cũng không biết.
Điện thoại cũng không nghe, Cố Ninh bên này không có biện pháp tìm được Tưởng Du.
Kiên trì đợi nửa tiếng, Cố Ninh gọi lại cho Tưởng Du lần nữa nhưng kết quả vẫn như cũ, không có người nghe.
Cố Ninh bình tâm lại, cũng bực chính mình không cẩn thận nhưng cũng không có biện pháp nào khả thi… Cô ngồi một lát đột nhiên kéo cửa ra ngoài, đi thẳng tới phòng Trang Thần gõ vài cái vào cửa.
Trang Thần đang bôi kem nhìn Cố Ninh ngoài cửa có chút kinh ngạc: “Cố Ninh? Có chuyện gì à?”
Cố Ninh hỏi thẳng vấn đề: “Là chuyện này, tôi muốn hỏi một chút nếu tôi muốn tìm người nhưng người đó không nghe điện thoại thì cô có biện pháp nào giúp tôi tìm được người đó không?”
Trang Thần vừa nghe liền nở nụ cười: “Cô tìm đúng người rồi đấy.”
Mà bên kia Tưởng Du cũng đã ở đài truyền hình quay tiết mục.
Chương trình thẩm định kho báu lần này là phiên bản nâng cấp của buổi trình diễn thẩm định kho báu cũ trước đó.
Tổ tiết mục đã phải dùng nhiều tiền mới mời được một vị giám khảo nổi tiếng cùng với một thầy giám định mới. Hơn nữa người chủ trì cũng đổi từ một người mang phong cách cổ hủ, trầm buồn bằng một người trầm ổn, không kém phần hài hước lại cực kỳ hiểu chuyện làm nhân vật chính. Nhờ những điều đó mà tỉ lệ người xem chương trình lên một độ cao mới.
Trong đó thăng cấp nhất là tăng tính thú vị và hứng thú cho người xem, chương trình đã cải biến hình thức đơn lẻ của tiết mục mà phân tầng ban giám khảo. Đầu tiên là xem qua. Căn cứ vào ảnh mà chương trình cung cấp để suy đoán. Sau đó mới đem đồ vật lấy ra, để chuyên gia có thể giám định vật thật. Cuối cùng thể hiện tài năng.
Từng bước các chuyên gia đều phải nêu ý kiến của mình, còn người nổi tiếng kia là người đánh giá đồ vật cuối cùng.
Để tăng hiệu quả cho tiết mục, đồ vật tham gia đều được giữ bí mật, đến khi quay hình mới để chuyên gia giám định nhìn thấy.
Người dẫn chương trình mở màn xong thì mới bước vào chủ đề ngày hôm nay.
Trên màn hình lớn xuất hiện một bức ảnh chụp được phóng to là vật đầu tiên xuất hiện. Mỗi vật có tổng cộng 5 hình ảnh, có thể xem trong 20 giây. Sau đó tạm dừng để các chuyên gia có 5 phút thảo luận. Khi thời gian kết thúc thì đến vật tiếp theo.
Bát gốm thời Bắc Tống được xếp thứ bảy, cũng là vật cuối cùng hôm nay.
Năm thứ đầu tiên đều có chút tầm thường, mấy đại sư giám định đều lười biếng dựa vào ghế không dậy nổi tinh thần, bình luận cũng có vài câu. Người giám định nổi tiếng cũng chỉ chậm rãi uống trà, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn.
Đến khi trên màn hình vừa xuất hiện bát gốm thời Bắc Tống, ban giám khảo lúc nãy còn đang châu đầu ghé tai thoáng cái ngồi thẳng. Thậm chí có người còn theo bản năng mà nghiêng về phía trước hướng về phía màn hình. Lúc này màn ảnh vừa lúc phóng to, đem vẻ mặt đại sư giám bảo đều khiếp sợ và bộ dạng thất kinh tạo thành đối lập rõ ràng.
Ngay cả người đang nhà nhã ngồi chơi uống trà Thái Đấu cũng đậy nắp lại có chút kinh ngạc mà nhìn chằm chằm màn hình.
Một đại sư giám bảo hiện lên vẻ mặt không dám tin: “Đây không phải là bát gốm thời Bắc Tống sao?”
Đại sư giám khảo bên cạnh ông thì có vẻ bình tĩnh hơn nhiều. Vẻ khiếp sợ trên mặt chỉ xuất hiện khi nhìn thấy hình ảnh trong nháy mắt đó, lúc này ông ta đã khôi phục vẻ bình tĩnh, hơi chút khinh thường mà nói: “Hai cbát gốm thời Bắc Tống một cái trong bảo tàng ở nước Y, một cái ở Hồng Kông. Tôi nghĩ đây mười phần là đồ giả.”
Nghe ông ta nói vậy có mấy đại sư thu hồi lại vẻ kinh ngạc.
Ngồi cạnh ông là một người đàn ông chừng năm mươi tuổi mặc một chiếc áo dài xanh cười lạnh nói: “Lý Diệu Tiên, ông cũng quá võ đoán rồi đấy. Đã nói có hai cái, thì không chừng có cái thứ ba. Lúc này mới là bức ảnh đầu tiên chưa gì ông đã đưa ra kết luận là đồ giả.”
“Ha ha! Hai vị đại sư lúc này vừa mở màn đã ngập mùi thuốc súng rồi.” Người dẫn chương trình vừa cười vừa nói: “Đoán chừng những khán giả ngồi trước máy thu hình đều không rõ xuất xứ của bát gốm thời Bắc Tống. Tôi sẽ cung cấp cho mọi người một chút thông tin. Đây là đồ cổ có tên đầy đủ là bát gốm thời Bắc Tống được làm bằng men thiên thanh ở thời Bắc Tống. Trên thế giới có hai cái bát gốm bằng men thiên thanh, một cái được bảo quản trong một viện bảo tàng ở nước Y. Cái còn lại vào năm 2012 đã được bán đấu giá ở Hồng Kông với mức giá ngất ngưởng là hai trăm triệu đô la Hồng Kông! Mọi người không nghe lầm đâu! Hai trăm triệu đấy!”
Khán giả tham gia ghi hình tại hiện trường không khỏi há hốc mồm, lập tức nhìn về hình ảnh bát gốm thời Bắc Tống mà châu đầu bàn tán.
Năm hình ảnh rất nhanh được đưa ra, các đại sư chính thức bước vào thời gian tranh luận.
Trước đó người phủ định kết luận đây là bát gốm thời Bắc Tống là hàng giả – người đàn ông trung niên mặc áo dài xanh nói: “Mọi người đều biết, bát gốm này là đỉnh cao của lịch sử đồ gốm Trung Quốc, có lịch sử hơn chín trăm năm. Người dẫn chương trình vừa nói, một cái bát gốm đã được bán đấu giá ở Hồng Kông với giá ngất ngưởng hơn hai trăm triệu, và giờ nó đã trở thành một món đồ tư nhân. Nếu đây là hàng thật thì tôi có thể đảm bảo rằng nếu nó được đưa lên giá đấu giá, nhất định sẽ trở thành kỷ lục mới của giới đấu giá đồ gốm Bắc Tống.”
Lý Diệu Tiên cười lạnh nói: “Thật hay giả thì cũng chưa có kết luận cuối cùng, chưa gì ông đã bàn luận bao nhiêu tiền rồi. Trách không được hàng đồ cổ của ngài càng ngày càng lớn. Đúng là người làm ăn.”
Người dẫn chương trình cười ha ha sau đó nói: “Các vị đại sư khác có ý kiến gì không?”
Bằng một vài hình ảnh thì thật sự là không thể thấy gì. Chẳng qua là theo kịch bản của chương trình, những người khác đều nói lời lập lờ nước đôi. Sau đó vào giai đoạn tiếp theo.
Vật là do chủ nhân mang tới.
5 cái trước rõ ràng các vị đại sư đều không có cảm xúc gì mãnh liệt. Lời bình hết sức có lệ, chỉ có người dẫn chương trình nói thêm chọc cười. Điểm sáng rõ ràng chính là tiết mục sau cùng.
Tưởng Du tay nâng hộp gấm đi ra, hai mắt mọi người đều toả sáng.
Tưởng Du đi đôi giày cao gót tôn lên vóc người cao gầy, tóc búi sau gáy, da trắng nõn. Trang điểm hôm nay lại toát lên vẻ ôn nhu mỹ lệ, mang trên mặt nụ cười dịu dàng hào phóng khiến người ta vừa nhìn đã thấy là một cô gái hết sức thuận mắt.
Có điều các đại sư giám định lúc này chỉ tập trung ánh mắt vào cái hộp cô đang nâng trên tay.