Khỏi phải nói, cả hai việc ấy đến nay đều không thành vấn đề.
Sau khi lập được thành tích to lớn, Bỉnh sống rất thanh thản, trừ những lúc bị anh em trong đơn vị mời đi “giải quyết vấn đề”, còn thì cậu sống trong thung lũng. Tổ chức bố trí cho cậu một cần vụ, người này đã từng làm cần vụ cho Cục trưởng của chúng tôi, chuyên chăm sóc ăn uống, đi lại và an toàn. Hàng ngày cứ ăn sáng xong, cần vụ lại đưa cậu ta đến trước khuôn viên có tường cao hào sâu, sau đấy sẽ có hiệu thính viên đưa cậu ta vào phòng máy. Vào đến phòng máy, công việc của cậu ta là ngồi đấy chờ đồng nghiệp có vấn đề gì, thì giải cứu. Nhưng tình huống đó không nhiều, phần lớn thời gian cậu ta học chữ nổi và nghe đài. Nói tóm lại, cậu ta cũng không chịu ngồi yên, buổi chiều không muốn vào phòng máy, mà đòi ra những nơi công cộng trong khuôn viên để giết thời gian. Nơi cậu ta thường đến nhất là trung đội cảnh vệ, cậu ngồi bên thao trường, nghe tân binh tập luyện, ca hát, đấu võ, đùa nghịch, có lúc chơi trò “thính lực” với họ. Lúc ấy, tôi vì có công phát hiện và hướng dẫn Bỉnh, nên được đề bạt vượt cấp lên Phó Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thám thính, trung đội cảnh vệ do tôi quản lí. Ở đây, mỗi chiến sĩ đều ghi nhớ lời dặn của tôi: Không được tỏ ra xem thường Bỉnh, cũng không được tùy tiện nói đùa với cậu ta.
Sự thật thì lời cảnh cáo của tôi là thừa, bởi ngay cả trong đơn vị 701 cũng không ai không kính trọng Bỉnh như một vị thủ trưởng, không ai dám trêu đùa với cậu ta. Tôi chú ý những nơi Bỉnh xuất hiện, bất kể đấy là đâu, ai trông thấy cậu ta cũng tự động đứng lại, đưa mắt chào, thậm chí nhường đường, mỉm cười với cậu ta, tuy cậu ta không trông thấy. Tôn trọng một người như vậy là chuyện chưa từng có trong đơn vị 701, có lẽ cũng sẽ không có trường hợp thứ hai.