Tình trạng đóng băng kéo dài cho đến ngày giải mật của 701 năm ngoái: Ngày 25 tháng 10 năm 2002. Hôm ấy, tôi may mắn được chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng của ngày giải mật: Bắt đầu từ 8 giờ 30 phút sáng, người người nối tiếp nhau đến trước cửa sổ phòng lưu trữ hồ sơ, xuất trình với đồng chí trực ban giấy thông báo, sau đấy nhận đồ, giống hệt như đi lĩnh bưu phẩm ở bưu điện, thái độ của hai bên rất thân tình, hữu hảo. Trong số những người đến, tôi chú ý một người chống gậy, ông không già, chừng 50 tuổi đổ lại, theo cách nào đấy đó là tuổi sự nghiệp đang lên. Nhưng hai năm trước, ông không may bị đau mắt, chỉ trong một đêm cả thế giới biến thành màu đen trong mắt ông, tuy đã điều trị đủ cách, nhưng vẫn không khỏi, đi lại vẫn phải nhờ gậy, nói gì đến làm việc. Ông buộc phải rời khỏi 701. Ông rời khỏi đơn vị nhưng để lại đây khá nhiều thứ, như tuổi xuân, tài năng, tình cảm của ông, và cả những bức điện thu phát, nhật kí, tư liệu suốt trong mười hai năm... Có những thứ sẽ lại vĩnh viễn, có thứ để lại tạm thời, ví dụ thư từ, nhật kí, hôm nay ông có thể mang về. Là bởi ông đã có trong danh sách giải mật.
Về sau tôi biết, ông là học trò của ông Trần Nhị Hồ, tên là Thi Quốc Quang. Điều càng khiến tôi vui là, trong số những đồ vật của ông được giải mật hôm đó có rất nhiều thư từ và nhật kí có liên quan đến ông Hồ. Tôi có thể tưởng tượng ra, ngày giải mật của ông Hồ sẽ không còn xa. Nhưng trước khi đến cái ngày không xa ấy, chúng tôi chỉ có thể dựa vào những văn bản giải mật có liên quan đến ông Hồ để gián tiếp ghi lại chuyện ông.
Điều làm tôi nghi ngờ là, tuy chỉ như một cái bóng, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận rõ ràng và mạnh mẽ, chủ nhân của “cái bóng” này là một con người phi phàm, một người phá khóa mật mã vô cùng thần kì, không như ông An Tại Thiên, Thủ trưởng cơ quan đã nói. Trong câu chuyện của ông Thiên tôi cảm thấy con người Trần Nhị Hồ rất mờ nhạt, có thể vì ông quá nhấn mạnh đến Hoàng Y Y, nên vô hình trung làm mờ nhạt hình ảnh ông Hồ. Cũng có thể do những nguyên nhân khác mà tôi không biết. Nhưng có một điểm rõ ràng, sau khi được đọc những tài liệu của ông Thi Quốc Quang, tôi vô cùng kính trọng ông Trần Nhị Hồ.